Người quyến rũ
Aramis quay lại nói với người bạn đồng hành trong chiếc xe:
- Thưa hoàng tử, dù chỉ là một con người kém cỏi, ở thứ hạng thấp trong đám sinh vật biết suy nghĩ nhưng tôi không bao giờ nói chuyện này với một người nào trước khi hiểu thấu những gì nằm bên trong cái mặt nạ sống che dấu người khác. Tuy nhiên, hồi hôm nay, tôi không đọc được những gì trên mặt ngài, phần vì chúng ta ở chỗ tối tăm, phần vì ngài dè dặt. Có một cái gì đó bảo tôi rằng tôi lôi ra được một lời nói thành thật của ngài thật khó khăn. Cho nên bây giờ tôi xin ngài nhớ kỹ từng tiếng tôi nói, từng ý nghĩ quanh quất của tôi vì trong hoàn cảnh chúng ta đang dấu thân lúc này, chúng ta đều có ý nghĩ và giá trị riêng biệt cả. Điều yêu cầu này không phải là vì tôi, do lẽ kẻ thần dân khộng có chút giá trị nào đối với các ông hoàng hết, nhưng chính vì lợi ích của ngài đấy.
Ông hoàng trẻ nói giọng chắc nịch:
- Tôi sẵn sàng nghe ông, chẳng vì cao vọng nào cũng chẳng phải vì lo sợ gì đối với các lời ông nói hết.
- Thưa ngài, - Aramis tiếp lời - chắc ngài biết chuyện về chức quyền đang cai trị nước Pháp hôm nay. Đức vua mới vượt khỏi thời gian vị thành mến bị tù hãm như ngài lúc vừa rồi, và cũng có cuộc sống khuất lấp như ngài, chật hẹp như ngài. Chỉ có khác là thay vì như ngài phải chịu cảnh nô lệ trong ngục thất, chịu sự cô tịch tối tăm, chịu hẹp trong cảnh khuất lấp. Nhà vua phải chịu cảnh nghèo nàn, nhục nhằn giữa ban ngày, giữa ánh sáng rực rỡ tàn nhẫn toả ra từ địa vị của người cám đầu thần dân. Nhà vua phải chịu khốn khổ, tất phải thấy cay đắng, nhưng ông ấy sẽ trả thù. Nhất định ông ấy sẽ trở thành một ông vua xấu. Tôi không nói rằng ông ấy sẽ làm máu đổ lan tràn như Louis XI hay Charles IX vì ông không có gì phải nguyền đến chết chóc. Nhưng rồi ông sẽ ngốn hết tiền bạc của quốc dân vì từng phải chịu thiệt thòi về quyền lợi và tiền bạc. Cho nên tôi đem đối chiếu những tật xấu và đức tính của ông hoàng ấy, tôi không phải thắc mắc với lương tâm và lúc kết tội ông ta tôi không có gì phải ân hận.
Aramis nghỉ một chút. Không phải để lắng nghe cảnh vắng lặng vẫn không thay đổi của khu rừng, mà để moi móc lại những ý nghĩ trong tận cùng tâm trí, để cho những lời ấy khắc sâu vào tâm trí người đối diện. Rồi người giám mục xứ Vannes tiếp tục.
- Chúa đã làm hết sức rồi. Chuyện này thì tôi tin chắc đến nỗi tôi đã vui mừng khi được Chúa chọn lựa gởi gắm từ lâu điều bí mật mà tôi giúp ngài khám phá ra. Đức Chúa công bằng và tiên tri cần phải có một công cụ sắc bén, kiên nhẫn, đầy quyết tâm để thực hiện công bình to lớn. Công cụ đó là tôi đây. Tôi nhạy bén, tôi kiên nhẫn, tôi đầy lòng tin, tôi đang quản lý cả một tập hợp người kỳ bí đã mang phương trâm của Chúa: Ptaiens quia oetemis(1).
Ông hoàng hơi cử động. Aramis nói:
- Tôi đoán rằng ngài đang ngẩng đầu lên, ngạc nhiên vì cái tập đoàn mà tôi đang điều khiển nó. Ngài không biết phải bàn tính như thế nào với một ông vua. Ôi, thưa ngài, đây là một vua của một dân tộc thật khiêm nhường, thật bị bạc đãi: trên đời này dân tôi chẳng bao giờ gặt hái được những gì họ gây trồng. Họ làm việc cho sự trìu tượng, họ gom góp từng phần tử quyền uy của họ để tạo thành một con người và từ tinh tuý của con người ấy, họ làm thành một đám mây hào quang toả sáng trên các vương miện của giáo đồ. Con người ấy đang ngồi bên ngài đây.
Nói thế để cho ngài rõ rằng hắn ta lôi ngài từ trong vực thẳm là với một mục đích cao cả. Hắn muốn đưa ngài vượt lên trên tất cả quyền uy của thế gian này, vượt lên cả hắn nữa.
Ông hoàng nắm nhẹ cánh tay Aramis và nói:
- Chắc ông đang nói về dòng tu mà ông là người cầm đầu.
Nghe lời ông, tôi hiểu rằng nếu một ngày nào đó ông muốn thì ông sẽ đập xuống con người ông đã nâng lên và ông hiện nay đang nắm trong tay sinh vật ông tạo thành hồi hôm.
Vị giám mục trả lời:
- Ngài hiểu lầm rồi. Tôi không mất cái công chơi cái trò kinh khiếp này với Điện hạ nếu tôi không có mối lợi đôi trong việc này. Ngày ngài thành công thì sẽ đứng vững mãi. Khi bước lên, ngài sẽ đạp các bậc cấp dưới chân và tôi sẽ lăn ra xa tít, không thấy được chút gì để nhắc ngài nhớ lại công lao của tôi.
- Ô!
- Thưa Đức ông, hành động đó của ngài cũng chỉ là chuyện thường thôi. Xin cám ơn! Ngài hãy tin rằng tôi còn mong muốn thứ gì hơn là sự biết ơn nữa kia. Tôi tin rằng khi lên đến tột đỉnh vinh quang, ngài sẽ thấy tôi vẫn còn đáng là bạn thân của ngài và lúc bấy giờ, cả hai chúng ta làm nên chuyện vĩ đại để thiên hạ nhớ đời.
- Ông nói rõ đi, nói không che giấu gì cả. Tôi bây giờ là gì và ông muốn nói tôi ngày mai sẽ ra sao?
- Ngài là con của Louis XIII, anh em với Louis XIV, là người kế nghiệp xứng đáng của hoàng gia Pháp. Khi giữ ngài bên cạnh, cũng như Hoàng thân em của ngài đó, là ông vua tự cho mình quyền đúng của bậc Chúa tể. Chỉ có các ông thầy thuốc và Chúa mới có thể bác khước quyền đó thôi. Nhưng đám thầy thuốc bao giờ cũng yêu ông vua ngôi như ngài hơn là cái ông vua tự xưng nào đó. Đức Chúa thì đã muốn ngài bị hành hạ, thế mà nhờ sự hành hạ đó bây giờ ngài thật xứng với vương vị.
Đúng, ngài có quyền lên ngôi, vì người ta đã tranh với ngài. Ngài có quyền công bố vì người ta đã nhốt ngài. Ngài có dòng máu thiêng liêng vì người ta không dám làm đổ máu với ngài như đối với bọn hạ thần. Ngài hãy nhìn xem những gì Chúa đã cho ngài, vị Chúa mà bao lần ngài đã trách móc là luôn luôn chống lại ngài. Chúa đã cho ngài những dáng mặt, khổ người, tuổi tác và tiếng nói giống như anh em của ngài, như thế là tất những thứ gì làm cho ngài bị khốn đốn nay lại trở thành điều kiện đưa ngài lên buổi phục nghiệp huy hoàng. Ngày mai, ngày mốt, vào một dịp nào đó, ngài vốn có hình bóng sống động của Louis XIV, ngài sẽ leo lên ngai vàng của ông ta, nhờ sức của một người theo ý muốn của Chúa đã đẩy ông ta lăn xuống, mãi mãi không bao giờ trở lại.
- Tôi hiểu - ông hoàng nói - máu người anh em ta sẽ phải đổ ra.
- Sinh mệnh của ông ta thuộc quyền riêng của ngài thôi.
- Còn điều bí mật về sự giống nhau đã làm tôi khốn đốn.
- Thì ngài cứ sử dụng lại. Ông ta đã dấu sự bí mật đó như thế nào? Ông ta đem dấu ngài đi. Thưa Hoàng tử, ngài sẽ được lợi như thế nào khi đem giấu kẻ giống ngài vào ngục còn ngài giống kẻ đó thì cứ làm vua.
- Ông biết điều bí mật này và lợi dụng cho tôi. Thế còn ai biết nữa không?
- Còn Thái hậu và bà De Chevreuse.
- Thế họ phản ứng như thế nào?
- Chẳng biết làm gì hết, nếu ngài muốn.
- Sao vậy?
- Làm sao biết được nếu như ngài hành động cách nào để cho họ không biết đến?
- Đúng vậy, nhưng còn cái cản trở to lớn hơn.
- Xin ngài nói đi.
- Anh tôi có vợ không thể lấy người chị dâu đó được.
- Tôi sẽ làm cách nào cho nước Tây Ban Nha từ hôn. Điều này có lợi cho chính sách ngoại giao mới của ngài.
- Ông vua nằm trong ngục sẽ nói ra thì sao?
- Ông ta nói với ai? Với bốn bước tường à?
- Chắc là ông nói bức tường là những người ông tin cậy giao phó?
- Thưa Điện hạ, nếu cần thì cũng phải vậy. Với lại…
- Sao?
- Tôi muốn nói là ý Chúa không dừng lại nơi con đường tốt đẹp đó Mọi kế hoạch có tầm như thế này phải đạt được kết quả trọn vẹn mới là đúng, như bài toán bình học vậy. Ông vua bị nhốt đối với ngài sẽ không gây rối rắm như ngài hiện giờ đối với ông vua đương quyền. Chúa cho ông ta lòng kiêu ngạo, tính nóng nẩy. Thêm nữa lại mềm yếu, không có sức đề kháng do thói quen từ những năm tháng cầm quyền, hưởng thụ. Khi muốn cái kết quả của bài toán hình học tôi được hân hạnh trình với ngài xong, sẽ dẫn ngay đến việc ngài lên ngôi đồng thời huỷ những gì có hại cho ngài, Chúa cũng quyết định luôn rằng kẻ chiến bại sẽ chấm dứt những nỗi đau khổ của ông ta cùng lúc với của ngài. Người anh em của ngài bị giam giữ, quên lãng, nhất định sẽ không chịu đựng nổi sự thua thiệt và Chúa sẽ rước linh hồn ông ta đi lúc nào cũng được, nghĩa là ngay tức thì.
Lúc Aramis đang phân tích tình hình một cách lạnh lùng như thế thì trong lùm cây, một con chim ăn đêm vọng ra tiếng rúc buồn thảm kéo dài làm dựng tóc gáy mọi người. Philippe rùng mình nói:
- Tôi sẽ cho người ấy đi đày mới đúng lẽ nhân đạo hơn.
Aramis trả lời:
- Đó là vì quyết định của Nhà vua sau này. Nhưng bây giờ thử xem tôi đặt vấn đề có đúng không? Tôi có giải quyết như ý muốn và sự tiên liệu của ngài không?
- Đúng, đúng, ông ạ. Ông không bỏ sót gì hết trử hai chuyện.
- Đầu tiên là cái gì?
- Chúng ta hãy nói ngay đến điều này, cũng thành thật như vừa qua, nói về những nguyên cớ có thể làm tan vỡ cả những mối hy vọng ta nhen nhúm, hãy nói về những nguy hiểm mà ta đã trải qua.
Các thứ này thì to lớn vô cùng, ghê gớm không chịu được nhưng tôi đã nói chúng ta sẽ hoá giải nhau hết. Chẳng có nguy hiểm nào xảy đến cho tôi, cho ngài nếu Điện hạ giữ được sự bền vững, cứng cỏi ở mức độ ngang với sự giống nhau thật hoàn hảo giữa ngài và ông vua kia. Tôi xin nhắc lại, không có gì là nguy hiểm, chỉ có những trở ngại thôi. Các chữ này luôn luôn ở trên đầu lưỡi mọi người, nhưng tôi vẫn không hiểu nổi. Nếu tôi là vua, tôi sẽ cho xoá nó đi vì là vô lý và vô ích.
- Được rồi, thưa ông, có một thứ trở ngại rất đáng kể, một mối nguy hiểm mà ông quên đấy.
- Ô - Aramis kêu lên.
- Đó là tiếng kêu gào của lương tâm, đó là sự dằng xé của lòng hối hận.
- Vâng, đúng thế. Ngài vừa nhắc tôi xong, tâm tính con người vốn thật yếu đuối. Ôi, ngài nói đúng, quả là một trở ngại to lớn vô cùng. Con ngựa sợ cái hố trước mặt, nhảy ngay vào đấy mà chết đi; con người thấy kiếm, run sợ để mũi kiếm thù lấp loáng dẫn đường cho thần chết đến rước! Đúng! Đúng thật!
Người trẻ tuổi hỏi Aramis:
- Ông có anh em gì không?
Ông này trả lời với giọng khô khốc và mạnh mẽ như một tiếng cò súng đập xuống:
- Tôi chỉ có một trên đời.
- Nhưng chắc ông có yêu thương ai chứ?
- Chẳng ai cả. À có, tôi yêu ngài.
Người trẻ tuổi lặng yên thật lâu khiến Aramis nghe cả tiếng hơi thở mạnh của ông ta. Ông nói:
- Thưa Đức ông, tôi chưa nói hết những gì cần phải nói với Điện hạ, tôi chưa dâng cho ông hoàng của tôi tất cả những gì tôi nắm để ngài hưởng hết những lời khuyên bổ ích và những phương lược có lợi. Thưa ngài, trong tâm trí của tôi có đủ những thứ ấy cho ngài, một người rất yêu thích trời mây, đồng cỏ xanh thẳm và không khí trong lành. Tôi biết một nơi đầy thú vị, một cõi thiên đàng không ai biết tới, một góc trời ở đó ngài sẽ sống một mình, tự do, ẩn mình, sống với rừng cây, với hoa lá, giữa suối nước trong lành để quên tất cả những gì khốn khổ mà loại người điên loạn đã trút vào ngài. Ô, xin hãy nghe tôi, tôi không đùa đâu. Ngài thấy, tôi cũng có tâm hồn nên tôi đoán ra nơi tận cùng sâu thẳm của ngài. Tôi thấy ngài hoàn hảo quá nên không muốn ném vào cái vô ý chí của tôi, theo cái sự quay quắt và tham vọng của tôi. Hoặc tất cả hoặc là không có gì hết. Ngài bị xốn xang, đau bệnh, gần như ngút thở ào ạt từ một giờ được tự do đến nay. Đây là dấu hiệu rõ ràng để tôi biết rằng ngài không muốn tiếp tục thở lâu dài hơn, trong hoàn cảnh bao la hơn. Thôi hãy để ngài sống một cuộc đời khiêm nhường hơn, thích hợp với sức lực chúng ta. Có Chúa chứng giám! Tôi chỉ muốn đem lại hạnh phúc cho ngài trong thử thách mà tôi lôi ngài vào đấy thôi.
- Cứ tiếp đi! Nói nữa đi! - ông hoàng vội vã nói khiến Aramis phải suy nghĩ.
- Tôi có biết ở vùng Hạ - Poiton có một tổng mà cả nước Pháp không ai biết đến. Xứ rộng đến hai mươi dặm lớn lắm pjải không? Thưa ngài hai mươi dặm nước, cỏ, lau lách và các hòn đảo đầy cây rừng. Những đầm lầy lớn khoác tấm áo bằng lau lách, nằm ngủ yên lành dưới ông mặt trời cười mỉm. Vài gia đình đánh cá đi khắp vùng trên những tấm bè lớn, mặt sàn lát cây lau và mái thì đan bằng lá cói. Các thuyền này, các ngôi nhà nổi này tha hồ trôi dạt theo làn gió thổi. Chúng chạm vào bờ chỉ là tình cờ và chạm nhẹ đến nỗi người đánh cá đang ngủ không hề bị lay tỉnh. Nếu chủ nhân có ý lấp vào, chính là họ thấy có đàn gà nước hay le le, vịt hay óc cau, mỏ nhát có thể đánh bẫy hay săn bắn bằng súng đạn chì. Những con cá chày vảy bạc, những con lươn to kềnh, bọn cá măng ngu ngơ, lũ cá mang màu hồng hoặc xám, tất cả xô vào lươi của người đánh cá. Chỉ còn có việc lựa ra những con cá béo, thả các con cá khác đi thôi. Không bao giờ có một người dân thành thị, một người lính, không có người nào vào đây. Mặt trời dịu mát. Một ít khu đất nổi ôm lấy các gốc nho và cho màu mỡ nuôi các chùm nho xanh, trắng, mọng nước ngon lành. Mỗi tuần một lần, có một chiếc thuyền đến lò bánh công cộng mua về chiếc bánh mì vàng ấm toát ra mùi thơm hấp dẫn, cuốn hút từ xa. Ngài sẽ sống ở đấy như con người thời cổ xưa. Ngài sẽ là vị lãnh Chúa đầy quyền uy với những con chó tai xù, những chiếc cần câu, những khẩu súng và căn nhà lau sậy. Ngài sẽ sống ở đó với nguồn săn dồi dào, với sự an toàn tuyệt đối. Ngài sẽ sống nhiều năm nơi ấy rồi sau cùng, khi đã đổi thay, không ai nhận ra, ngài sẽ được Chúa cho một đời sống khác. Thưa Đức ông trong túi này có 1000 pistole thừa đủ để mua một khu đầm lầy như tôi vừa nói. Xin ngài chân thành vui vẻ nhận lấy. Chiếc xe này sẽ xẻ ngay ra 2 ngựa cho ngài. Kẻ hầu hạ câm của tôi sẽ dẫn ngài, đêm đi ngày nghỉ cho tới xứ tôi nói, ít ra cũng để tôi tự thấy bằng lòng là đã giúp được việc ông hoàng của tôi mong muốn. Tôi đã giúp cho một người được sung sướng. Chúa sẽ hài lòng hơn là khi tôi giúp một người trở nên có quyền lực. Thật khó có thể làm khác được? Sao, Đức ông nghĩ thế nào? Tiền đây. Ở đó, ngài không gặp nguy hiểm gì hết, trừ phi bị sốt rét. Không biết chừng nhờ các đồng bạc mà ngài được các phù thuỷ ở đấy chữa lành cho. Chơi cái trò kia thì ngài dễ bị ám sát ngay trên ngai hay bị treo cổ trong ngục tối. Nói thật ra, ngay đến bây giờ mà cân nhắc hai đường phải đi, tôi vẫn còn phân vân không biết chọn bên nào!
Ông hoàng trẻ tuổi tiếp lời:
- Thưa ông, trước khi tôi quyết định, xin để tôi bước xuống xe, đi một lát để nghe lời Chúa phán từ trong thiên nhiên rộng mở. Mười phút sau tôi sẽ trả lời ông.
Trước giọng trang trọng, oai vệ đó, Aramis nghiêng mình tỏ dấu kính cẩn:
- Xin ngài cứ tự nhiên.
Chú thích:
(1) Lời thánh Augustin ca ngợi Chúa: Ngài có lòng kiên nhẫn và ngài là vĩnh cửu.
Chương 28
Vương miện và ngôi giáo hoàng.
Aramis bước xuống xe trước và để cửa mở. Ông thấy chàng trai trẻ tuổi đặt chân lên đất rêu và đi quanh xe vài vòng, bước chân lúng túng, loạng quạng nữa là khác, rõ ràng người tù khốn khổ vẫn chưa quen bước đi trên mặt đất của con người.
Hôm nay là 15-8, khoảng 11 giờ đêm. Những đám mây lớn nặng bao phủ cả bầu trời, báo hiệu cơn giông bão tới, che hết cả ánh sáng, tầm nhìn. Nhìn kỹ một lúc mới thấy các đầu lối đi tách ra khỏi các lùm cây theo một màu mờ xám đục nổi lên giữa cảnh tối đen dày kịt. Nhưng các hương cỏ thơm, hương tinh dầu cây sồi đượm hơn, mát hơn, bầu không khí ấm và nhờn đã bao nhiêu năm nay mới lại bao quanh ông hoàng, sự tự do được hưởng thụ say mê ngay giữa vùng khoáng đạt, tất cả đều hấp dẫn khiến cho ông dù hết sức dè dặt cũng phải bật lộ ra cảm xúc và để thở một hơi dài sung sướng.
Rồi từ từ và nặng nhọc, ông ta ngẩng đầu lên và hít thở từng không khí phả vào khuôn mặt rực rỡ những làn hương nồng đượm. Ông ta khoanh tay trước ngực như muốn ngăn nó khỏi vỡ ra trước niềm hạnh phúc mới mẻ, và khoái trá hít vào luồng không khí chạy luồn dưới rừng cây, trong đêm. Bầu trời ông ta đang ngắm nhìn, tiếng nước nghe róc rách kia, bầy sinh vật đang khuấy động đó, tất cả có thực hay không? Aramis có điên không khi nói rằng trong thế giới này còn có điều đáng mơ ước hơn?
Ông hoàng trẻ tuổi như mê đi, chân chạm đất mà tâm hồn vút lên đến chân Chúa, để cầu xin ngài ban cho một tia sáng giải quyết phân vân trước sự quyết định sống chết.
Aramis vẫn đứng yên tại chỗ vì khổ tâm hoài nghi, và ngắm nhìn Philippe như đang giãy giụa hấp hối để chống đối lại hai thiên thần kỳ bí. Cực hình đó kéo dài đến mười phút như chàng tuổi trẻ đã yêu cầu. Trong khoảng thời gian dằng dặc ấy, Philippe vẫn mải ngước đôi mắt nhìn trời, còn Aramis không ngừng nhìn Philippe mắt tóe lửa, như muốn nuốt sống ăn tươi ai đấy Đầu người trẻ tuổi bỗng chúc xuống. Tâm tư ông đã trở về trần thế rồi. Đôi mắt ông đanh lại, trán có nếp, miệng hằn lên nét can trường táo bạo. Rồi mắt ông lại sững lại một lần nữa, lần này thì không giống cái nhìn của Satan lúc lên núi, đứng điểm duyệt các vương quốc các quyền uy trần thế để tìm cách quyến rũ được Jesus.
Mắt Aramis u tối lại trở thành hiền dịu. Thế rồi Philippe vội vã nắm chặt tay ông:
- Đi, chúng ta đi tìm chiếc ngai vàng của nước Pháp!
Aramis hỏi lại:
- Quyết định của ngài đấy phải không?
Philippe nhìn vị giám mục, vẻ kiên quyết như muốn hỏi làm sao, người ta lại có thể thay đổi khi đã định?
- Chúng ta hãy trở lại câu chuyện bỏ dở. Tôi nhớ đã nói với ông là tôi đồng ý với ông về hai điểm: những nỗi nguy hiểm hay những trở ngại thì đã tính xong rồi. Còn lại là những điều kiện của ông đưa ra. Ông De Herblay ạ, bây giờ là đến lượt ông bầy tỏ đó.
- Điều kiện nào, thưa Hoàng tử?
- Nhất định có. Ông không cho xe dừng giữa đường như thế này chỉ vì một chuyện vặt vãnh đâu và tôi cũng không chịu để ông nghĩ rằng tôi tin trong chuyện này ông không có chút quyền lợi nào hết. Cho nên, thôi đừng quanh co, đừng sợ sệt ông giãi bầy hết tâm sự ra đi.
- Thưa Đức ông, như thế này. Một khi làm vua.
- Lúc nào.
- Tối mai. Tôi muốn nói là đêm mai.
- Ông hãy giải thích bước tiến như thế nào?
- Chừng nào tôi hỏi Điện hạ xong. Tôi đã gởi một người tin cẩn đưa cho Điện hạ một quyển vở ghi chữ rất nhỏ, một bản danh sách có sắp xếp kỹ lưỡng để ngài biết rõ những người đảm nhiệm triều chính bây giờ và cả về sau nữa.
- Tôi đã đọc rồi.
- Kỹ không?
- Tôi thuộc lòng rồi.
- Và hiểu không? Xin lỗi, tôi nói được điều đó với con người khốn khổ trong ngục Bastille. Chẳng cần phải nói là trong tám ngày nữa, tôi sẽ không phải đòi hỏi gì nơi một trí óc sáng suốt như của ngài, sau khi đã phát triển hết mực trong cuộc đời tự do.
- Thôi ông cứ hỏi đi. Tôi muốn làm người học trò được ông thầy thông thái bắt lặp lại bài học.
- Đầu tiên là về gia đình ngài.
- Mẹ tôi, Anne d'Autriche?
- Về những nỗi buồn khổ của bà, về căn bệnh đáng buồn của bà?
- Ô, tôi biết, tôi biết hết!
- Người em thứ hai của ngài? - Aramis nghiêng mình nói.
- Ông có gửi kèm theo những bức hình phác hoạ, và vẽ rõ cho nên tôi có thể theo đó mà nhận ra những người ông ghi chép, tả rõ tính tình, lối sống và tiểu sử, ông em tôi là một người đẹp trai, da sậm, mặt xanh xao. Hắn không yêu Henriette vợ hắn như tôi. Louis XIV, đã yêu nàng qua quít và còn yêu làm duyên đến bây giờ mặc dù nàng đã làm tôi khóc nhiều vào ngày nàng muốn đuổi tiểu thư De La Vallière.
Aramis nói:
- Ngài phải coi chừng đôi mắt của cô gái này. Nàng yêu thật tình ông vua hiện tại. Người ta khó đánh lừa trước đôi mắt người đàn bà đang yêu đó.
- Nàng có mái tóc nâu, mắt xanh, hơi thọt một chút. Mỗi ngày nàng viết một bức thư và tôi nhờ ông De St. Aignan trả lời.
- Ngài có biết người đó không?
- Biết như là đã thấy vậy. Tôi thuộc những câu thơ ông ta mới làm cho tôi đây, cũng như những câu tôi làm trả lời ông.
- Tốt lắm. Còn các đại thần?
- Colbert mặt mày xấu xí, u buồn nhưng thông minh, tóc phủ trán, đầu to, nặng nề, nhiều ý tưởng, kẻ thù không đội trời chung với ông Fouquet.
- Về phần người này chúng ta không phải lo ngại gì cả.
- Không, bởi vì ông xin tôi cần phải đầy hắn đi phải không?
Aramis đầy thán phục, nhưng chỉ nói:
- Đức ông sẽ thật là vĩ đại.
Ông hoàng nói tiếp:
- Ông thấy không, tôi thuộc bài kinh khủng và nhờ ơn Chúa, nhờ sự giúp đỡ của ông, tôi sẽ không lầm.
- Ngài còn có một cặp mắt quấy rầy bên cạnh.
- Vâng, viên chưởng quan ngự lâm quân. Ông d'Artagnan bạn ông.
- Tôi phải nhận đó là bạn thân của tôi.
- Còn người bắt Monck dâng cho Charles II, người đã giúp việc đắc lực cho mẹ tôi, con người mà ngai vàng nước Pháp phải chịu ơn thật nhiều. Ông muốn cho tôi đầy hắn đi không?
- Không bao giờ, thưa ngài, d'Artagnan là người tôi quan tâm, tôi sẽ nói cho hắn biết khi có dịp. Nhưng ngài phải coi chừng vì nếu hắn biết trước khi ta nói ra thì cả ngài lẫn tôi đều bị bắt hoặc bị giết hết. Tay sừng sỏ đấy.
- Tôi sẽ nghĩ tới hắn. Ông cho biết về ông Fouquet đi. Ông muốn ta làm gì hắn?
- Xin đợi một chút, xin lỗi, tôi cứ hỏi ngài hoài thành như là vô lễ
- Bổn phận của ông là thế thôi. Mà đó cũng là quyền của ông nữa.
- Trước khi nói về ông Fouquet, tôi muốn dè dặt nói về một người bạn riêng của tôi.
- Ông Du Vallon, dũng sĩ Hercule của nước Pháp chứ gì?
- Tài sản người này sẽ vẫn được giữ nguyên.
- Không, không phải tôi muốn nói về người này đâu.
- Thế thì chắc là Bá tước De La Fère?
- Và con ông ta, con của cả bốn chúng tôi.
- Cậu bé đang yêu say đắm tiểu thư La Vallière bị người em của tôi cướp đoạt! Ông yên lòng đi, tôi sẽ trả nàng lại cho hắn. Thôi bây giờ nói đến ông Fouquet. Ông bảo tôi làm thế nào?
- Làm tổng giám như xưa thôi.
- Được rồi! Bây giờ ông ta đang là tể tướng mà.
- Chẳng phải vậy đâu.
- Phải có một tể tướng cho một ông vua dốt nát và lúng túng như tôi đây. Hoàng thượng cần có một người bạn thân.
- Tôi đã có rồi, ông đây.
Sau này, ngài sẽ có nhiều người khác. Chẳng ai tin cẩn, chẳng ai trung thành cho sự nghiệp của ngài hơn những người ấy nữa.
- Ông sẽ là tể tướng của tôi.
- Thưa Đức ông, chưa ngay đâu. Làm như thế sẽ gây xì xào ngạc nhiên lắm lắm.
- Ngài Richelieu tể tướng của bà tôi là Marie De Medicis chỉ là giám mục Lucon, cũng như ông là giám mục Vannes vậy thôi.
- Đúng là Điện hạ đã sử dụng được hết những lời ghi chép của tôi rồi. Tôi thật vui mừng khi thấy ngài rất sáng suốt.
- Tôi biết rằng ngài De Richelieu nhờ sự che chở của Hoàng hậu nên mau chóng trở thành Hồng y.
Aramis nghiêng mình, nói:
- Tốt hơn là Điện hạ đưa tôi lên chức Hồng y rồi hãy phong tôi làm tể tướng.
- Ông sẽ làm Hồng y trong hai tháng nữa, ông De Herblay ạ. Nhưng chuyện chẳng quan trọng gì. Ông đòi xin nữa đi tôi cũng không giận đâu, ông không xin thêm tôi giận đấy.
- Cho nên tôi muốn xin vài điều nữa.
- Nói đi, nói đi!
- Ông Fouquet sẽ không giữ chức vụ lâu vì ông ta già đi mau quá. Ông ta ưu hưởng khoái lạc, điều này hợp với công việc bây giờ của ông ta, nhờ chút thanh xuân còn sót lại để ông hưởng thụ. Nhưng cái tuổi trẻ này phải lưu ý đề phòng nỗi đau buồn hay căn bệnh đầu tiên nào ông ta mắc phải. Chúng ta sẽ tránh cho ông ta nỗi buồn rầu vì ông ta là một con người lịch sự và có tâm hồn cao quý. Chúng ta không cứu được ông ta khỏi bệnh tật đâu. Thế thôi, vấn đề đã giải quyết rồi. Khi ngài trả nợ hết cho ông Fouquet thành vua trong nhóm thi sĩ, hoạ sĩ của ông ta. Chúng ta đem giầu có cho ông ta. Thế thì khi tôi làm tể tướng của Điện hạ, tôi sẽ nghĩ tới quyền lợi của tôi và của ngài. Ngài Richelieu, chúng ta vừa nói, có cái sai lớn là dành quyền cai trị nước Pháp một mình. Ông ta để hai ông vua, vua Louis XIII và ông ta, ngồi chung trên một chiếc ngai. Đáng lẽ là nên để hai người ngồi hai ngai khác nhau.
- Hai chiếc ngai vàng! - ông hoàng bâng khuâng nói.
Aramis thản nhiên tiếp tục:
- Đúng vậy, một Hồng y - Tể tướng của nước Pháp được ân sủng và trợ lực của ông vua rất sùng đạo, một Hồng y được bậc nhân chủ sẵn sàng đưa kho tàng, quân đội, lời khuyên bảo cho hắn, con người ấy phải làm một công việc hai nhiệm vụ thật đáng ghét khi đem cả tài sản phục vụ chỉ riêng cho nước Pháp thôi. Còn ngài, - Aramis nói thêm trong khi nhìn sâu vào mắt Philippe, - ngài sẽ không phải là một ông vua như cha ngài, yếu ớt, chậm chạp, mệt mỏi đủ thứ. Ngài không phải mệt vì các dẳng cấp nữa: tôi ngăn chặn cho ngài. Và chẳng bao giờ tình bạn của chúng ta phải suy chuyển,- tôi muốn nói là chúng ta chẳng có chút nghi kị nào với nhau hết. Tôi chắc sẽ đem lại cho ngài ngôi vua nước Pháp còn ngài sẽ đưa tôi lên ngôi của thánh Pierre. Khi bàn tay trung thực, cương quyết và cầm vũ khí của ngài có bàn tay anh em của tôi là bàn tay của một giáo hoàng tương lai thì dù Charles Quin, người được hai phần ba thế giới dù Charlemagne, người được cả thế gian, cũng không ai có tầm cao được tới thắt lưng của ngài. Tôi không có đồng minh, tôi không có thành kiến, tôi không đẩy ngài vào công việc trừng trị kẻ lạc đạo, tôi chỉ nói: "Cả hai chúng ta cai trị thế giới, ngài lấy phần xác, tôi lấy phần hồn". Và nếu tôi chết trước khi ngài hưởng gia tài. Thế nào, Đức ông nghĩ sao về chương trình của tôi đấy?
- Tôi muốn nói rằng ông đã khiến tôi sung sướng và hãnh diện, ông D'Herblay ạ chỉ nghe lời ông nói thôi thì ông sẽ là Hồng y; từ Hồng y ông sẽ là tể tướng của tôi. Rồi ông sẽ chỉ cho tôi cách nào làm cho ông thành Giáo hoàng, tôi làm ngay. Bây giờ ông hãy đòi tôi bảo đảm đi.
- Vô ích, tôi luôn luôn chỉ hành động vì lợi ích nào đó của ngài thôi: tôi không bao giờ leo lên mà không lôi ngài lên một bậc cấp cao hơn; tôi lúc nào cũng đứng xa xa một chút để ngài khỏi ghen ghét, đứng gần gần một chút để trông nom quyền lợi của ngài và trông chừng tình bạn của ngài. Mọi giao ước trên đời này sở dĩ tan vỡ vì quyền lợi trong đó thường nghiêng về một phía. Không bao giờ giữa chúng ta có chuyện đó. Tôi không cần bảo đảm.
- Như thế nào… người anh của tôi… sẽ biến đi phải không?
- Thật giản dị. Chúng ta bắt cóc ông ta từ trên giường có một tấm ván tụt đi khi ta bấm vào một cái nút. Lúc ngủ thì làm vua, nhưng thức dậy ông ta sẽ là tù nhân. Chỉ còn mình ngài điều khiển, ngài sẽ chẳng có công việc thiết thân nào hơn là giữ tôi ở bên mình.
- Đúng vậy. Bắt tay tôi đi, ông D'Herblay.
- Xin cho phép tôi quỳ trước mặt ngài, thật là kính cẩn, thưa ngài. Chúng ta sẽ hôn nhau ngày mà chúng ta đội trên đầu ngài cái vương miện còn tôi đội chiếc mũ Giáo hoàng.
- Hãy hôn nhau ngay bây giờ đi. Cầu ngài vĩ đại hơn, khéo léo hơn, tinh anh sâu sắc hơn: xin ngài hãy tốt với tôi, hãy là cha của tôi!
Aramis xúc động khi nghe ông ta nói. Ông tưởng chừng trong tim ông đang có một chuyển động chưa hề biết đến.
Nhưng cảm giác này đã mau chóng tan biến đi.
Và rồi họ leo lên xe chạy nhanh trên đường đến lâu đài Vaux le Vicomte.
Lúc bấy giờ Louis XIV đến lâu đài Vaux được Fouquet mở tiệc lớn đón tiếp. Aramis đã tìm cách cho người ta dành căn phòng bên trên của nhà vua, nên đem Philippe vào đấy. Từ chỗ này, qua một bí mật mở nơi trần, hai người theo dò động tĩnh của Louis XIV và nghe nhà vua bảo d'Artagnan đi bắt Fouquet.
Ông này, ngoài các tội danh ghê gớm còn mắc một tội không thể tha thứ được là gửi thư tình cho tiểu thư De La Vallière, bị Colbert chặn lấy được. Nhà vua điên cuồng tuyệt vọng run rẩy ném mình lăn lên giường không buồn thay trang phục.
Chương 29
Phạm thượng
Nỗi tức giận tràn trề của Nhà vua khi thấy và đọc bức thư của Fouquet viết cho La Vallière dần dần tan ra ngấm thành một nỗi mệt mỏi đau nhức.
Tuổi trẻ đầy nhựa sống đang cần phải bù đắp ngay những gì đã mất không bao giờ biết đến câu chuyện lá gan Prométhée(1) phục sinh qua những đêm dài mất ngủ vô tận để lấy lại sức lực. Trong khi người đứng tuổi lấy sức, người già lấy sự kiệt lực để bồi đắp liên miên nuôi dưỡng đau khổ, thì người trẻ tuổi này, thình lình đứng trước nỗi buồn đau, lại điên cuồng kêu khóc, dằn vặt mình và ngã quỵ rất mau trước kẻ thù không lay chuyển mà chàng phải chiến đấu. Mà khi đã ngã vật ra thì không còn thấy đau khổ là gì nữa.
Louis bị chế ngự trong một khắc rồi ông hết nắm chặt hai tay, hết chửi rủa ông Fouquet cùng nàng tiểu thư La Vallière.
Ông đi từ chỗ tức giận này đến chỗ tuyệt vọng rồi từ sự tuyệt vọng đến chỗ liệt nhược.
Sau khi rướn người lăn qua trở lại trên giường một lúc, ông buông xuôi hai cánh tay bất động ra. Đầu óc ông đờ đẫn trên chiếc gối ren, tay chân run rẩy mệt mỏi, bắp thịt giật giật hồi nhẹ, lồng ngực chỉ thỉnh thoảng để cho những cơn thở dài tuôn ra. Morphée(2) ngự trị trong căn phòng lấy tên thần này, liền vung tay ném trái thuốc phiện xuống để cho ông vua nhẹ nhàng khép đôi mắt và chìm vào giấc mơ.
Thế rồi thường như trong mọi giấc ngủ, lúc mới chợp mắt thật nhẹ nhàng và thật êm đềm, thân mình được nâng bổng lên, đưa hồn ra khỏi trần thế, ông thấy như thần Morphée vẽ trên trần đang dịu dàng âu yếm nhìn xuống, hình như có cái gì sáng lên và lung lay trên vòm lá, có những giấc mơ hỗn độn, ghê gớm, khi mất đi một thoáng thì nhường chỗ cho một khuôn mặt người trầm ngâm, một bàn tay đè vào miệng ông. Và lạ lùng thay, con người ấy rất giống vua, đến nỗi Louis tưởng là bóng mình trong gương.
Rồi ông thấy, vòm nhà chạy từ từ mất hút, các hình vẽ của hoạ sĩ Le Brun trôi đi ra xa, tối sầm lại. Một chuyển động nhẹ nhàng, đều đặn như của chiếc tàu lạng vào trong nước, thay cho cái gương bất động. Chắc là ông vua đang nằm mơ, và trong giấc mơ ấy, chiếc vương miện bằng vàng móc vào tấm màn cũng theo vòm nhà đi mất khiến cho vị thần có hai cánh tay đỡ hai chiếc vương miện ấy hình như đã hoài công kêu cầu với vua, nhưng rồi cũng biến đi.
Chiếc giường vẫn tụt xuống. Louis XIV mắt mở to để mặc cho cái ảo giác ấy lôi đi tuyệt vọng. Cuối cùng ánh sáng trong ngự phòng tắt hẳn, không khí như có thứ gì lạnh lẽo, tối tăm, khó tả tràn ngập không còn vàng, không còn màu nhung, mà chỉ có những bức tường màu xám xịt để bóng tối càng lúc càng dày thêm. Chiếc giường vẫn tụt xuống, sau một phút dài như cả thế kỷ. Nhà vua thấy nó dừng lại giữa một không khí lạnh căm.
Nhà vua chỉ thấy ánh sáng trên phòng như người ngồi tận đáy giếng thấy ánh sáng mặt trời. Ông ngẫm nghĩ: "Ta mơ thật rùng rợn! Thôi đã đến giờ dậy rồi. Nào, thức dậy đi! Mọi người ai cũng cảm thấy điều ta vừa nói. Giữa một cơn ác mộng ngộp người, không ai là lại không nhờ một chiếc đèn thắp lên ở tận cùng óc não trong khi các đèn của nhân thế đều tắt hết, không ai lại không nhờ nó để nói: "Chẳng sao cả, ta mơ mà!"
Louis XIV cũng vừa nói như thế. Nhưng khi thốt lên câu "thức dậy đi" thì ông thấy ngay rằng không những ông đã thức mà mắt cũng đã mở rồi. Cho nên ông nhìn lại chung quanh.
Hai bên chỉ có hai người mang vũ khí, choàng áo rộng và đeo mặt nạ. Một người cầm chiếc đèn nhỏ với làn sáng tỏ chiếu rọi lên một quang cảnh thảm hại mà Nhà vua không ngờ tới.
Louis vẫn nghĩ là mình còn nằm mơ và muốn chấm dứt thì chỉ cần cục cựa cánh lay hay làm sao nghe được tiếng mình nói lên. Ông nhảy xuống giường, chân chạm phải ngay làn đất ẩm.
Tức thì ông hỏi người cầm đèn:
- Cái gì thế này? Ai đùa thế này?
Người mang mặt nạ cầm đèn trả lời, giọng khàn khàn:
- Không phải chuyện đùa đâu.
Nhà vua hỏi:
- Ông là người của ông Fouquet sai tới à?
Bóng đen nói:
- Chẳng cần biết chúng tôi thuộc về ai. Chúng tôi là chủ anh, đủ rồi.
Nhà vua sốt ruột hơn là sợ hãi, quay sang người mang mặt nạ thứ hai, nói:
- Nếu đây là trò khôi hài thì hãy nói với ông Fouquet là ta thấy không hợp. Bảo hắn dẹp đi.
Người thứ hai mang mặt nạ vóc dáng rất cao lớn, dềnh dàng. Hắn đứng thẳng và lặng lẽ như một khối cẩm thạch.
Nhà vua lại giậm chân nói tiếp:
- Sao? Anh không trả lời ta à?
Người cao lớn trả lời giọng oang oang:
- Chúng tôi không trả lời anh vì thấy không có gì để nói hết.
Louis nổi giận khoanh lay lại:
- Này, các anh muốn gì ta chứ?
Người cầm đèn trả lời:
- Rồi anh sẽ biết.
- Tôi đang ở đâu đây?
- Cứ nhìn rồi biết?
Louis nhìn kỹ. Nhưng theo làn sáng của chiếc đèn giơ lên ông chỉ thấy những bức tường ẩm ướt, đây đó có những vệt sáng bạc là dấu vết của những con ốc sên bò đi. Ông kêu lên:
- Ô! ô! Ngục tối à?
- Không, đường hầm dưới đất.
- Đi đâu?
- Xin theo tôi.
Nhà vua kêu lên:
- Tôi không đi đâu hết.
Người cao lớn hơn hết trả lời:
- Anh mà cưỡng lại thì tôi xách anh lên, quấn vào tấm áo choàng thì tha hồ mà ngộp, tuỳ ý anh đấy.
Nhà vua sợ bị làm dữ. Ông hiểu rằng hai người này có quyền động đến tính mạng ông, họ không hành động đến thế này rồi rút lui, nghĩa là phải làm đến nơi đến chốn. Ông lắc đầu nói:
- Hình như ta đang ở trong tay hai tên sát nhân. Thôi, đi!
Chẳng ai trả lời cả. Người cầm đèn đi trước, Nhà vua theo sau: người thứ hai nối bước. Họ đi qua một hành lang dài lắt léo.
Quanh queo mãi, họ đến một đường hầm đằng cuối có cổng sắt khép kín. Người cầm đèn lấy chìa đeo nơi thắt lưng mở khoá cổng.
Khi cửa mở, gió lùa vào, Louis XIV nhận ra mùi hương thơm của cây cỏ bốc ra sau một ngày hè nóng nực. Ông ngập ngừng một lúc nhưng người to lớn đi kèm sau đã đẩy ông ra khỏi đường hầm. Nhà vua quay lại nhìn con người vừa cả gan làm một cử chỉ xúc phạm đến đấng quân vương.
- Ta hỏi một lần nữa, các người muốn làm gì với bậc Chúa tể nước Pháp đây?
Người cầm đèn trả lời với một giọng chẳng chịu nghe ai hết:
- Anh nên quên các tiếng ấy đi.
Người thứ hai tắt cây đèn của đồng bọn đưa, tiếp lời:
- Anh đáng bị đòn vì đã nói lên các tiếng ấy đấy. May là Hoàng thượng lại rất khoan dung.
Louis nghe lời đe doạ đấy, vụt làm một cử động như là muốn chạy trốn, nhưng người to lớn đã nắm lấy vai ông ghì lại.
Nhà vua hỏi:
- Nhưng đi đâu đây?
- Anh lại đây, - người thứ nhất nói hơi có vẻ kính nể và dắt người tù đến một chiếc xe giấu thật kín trong lùm cây. Hắn mở cửa xe, hạ tấm bàn đạp xuống.
- Lên đi.
Nhà vua vâng lời, ngồi tận trong góc xe. Cửa đệm có khoá đóng ngay lại nhốt cả ông và người dẫn theo. Còn người to lớn thì leo lên chỗ trống phía trước. Tức thì chiếc xe vụt cất đi như bay, ra đường đi Paris và đổi ngựa trong rừng Sénert, rồi tiếp tục hướng về Paris, đến nơi vào lúc ba giờ sáng. Chiếc xe đi trong vùng Saint Antoine, và sau khi kêu to với người lính gác "Thừa lệnh vua", người đánh xe đưa ngựa vào trong vòng thành ngục Bastille, rồi chạy thẳng đến sân chủ ngục. Ngựa đứng lại thở hồng hộc trước bậc thềm. Một đội trưởng lính gác chạy đến.
Người đánh xe nói như sấm dậy:
- Đánh thức ngài chủ ngục đậy.
Ngoài tiếng nói ấy nghe vang đến tận cổng ngoài khu Saint Antoine, còn thì tất cả đều lặng lẽ, trong xe cũng như trong lâu đài. Mười phút sau, ông Baisemeuax mặc áo ngủ hiện ra nơi cửa, hỏi:
- Cái gì nữa đó? Các người đem đến cho ta cái gì đây?
Người cầm đèn mở cửa xe nói một vài tiếng với người đánh xe. Tức thì người này bước xuống, cầm cây súng dưới chân, chĩa nòng vào ngực người tù. Người kia bước xuống nói to:
- Hắn há miệng ra thì bắn đi.
Rồi ông ta bước lên bậc thềm có ông chủ ngục chờ sẵn.
Ông này kêu lên:
- Kìa ngài D' Herblay?
Aramis suỵt một tiếng:
- Chúng ta vào phòng đi.
- Chúa ơi! Có việc gì mà ngài phải đến vào giờ này?
Aramis trả lời thản nhiên:
- Có sai lầm, ngài De Baisemeuax thân mến ạ. Hôm qua ngài đúng đấy.
Viên chủ ngục hỏi:
- Về chuyện gì vậy?
- Chuyện thả người ấy mà.
- Giải thích giùm đi, thưa ông, ồ quên, thưa Đức ông, - viên giám đốc trả lời, nghẹn lời vì ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi.
- Chuyện giản dị lắm. Ông De Baisemeuax thân mến ơi, ông có nhớ là nhận một lệnh thả phải không ạ?
- Vâng, thả Marchiali.
- Chúng ta đã tin là thả Marchiali.
- Nhất định thế. Nhưng ngài nhớ, tôi nghi ngờ lắm, và chính tôi, tôi không muốn thả hắn chút nào, chính ngài ép tôi đấy.
- Ô, ông Baisemeuax thân mến ơi, lúc ấy ông dùng chữ gì vậy à? Cam kết, phải rồi.
- Cam kết, vâng, cam kết đưa hắn cho ngài và ngài đã chở hắn đi.
Nhưng mà ông Baisemeuax thân mến ơi, đó là sự lầm lạc ở Bộ người ta thấy lầm nên cho tôi mang đến một lệnh vua bảo thả Seldon, thằng chó chết người Scotland ấy, ông nhớ Seldon? Lần này ngài chắc chứ?
Aramis đưa lệnh ra:
- Trời à! Ông đọc đi.
Baisemeuax ngạc nhiên:
- Ồ lệnh này chính là tờ tôi nắm hôm ấy đây.
- Thật không?
- Chính là tờ tôi xác nhận với ngài là đã thấy đêm ấy. Vâng, tôi nhận ra dấu mực đây này.
- Tôi không biết có phải không. Nhưng chắc là tờ tôi mang đi đây.
- Thế thì tên kia đâu?
- Ai?
- Marchiali?
- Tôi mang lại cho ông.
- Không đủ đâu. Phải có lệnh nhốt lại mới được.
- Ông Baisemeuax thân mến ơi, đừng nói thế nữa. Ông nói như trẻ con ấy. Cái lệnh ông nhận để thả Marchiali đâu?
Baisemeuax chạy đến lấy tờ giấy trong hộc ra. Aramis nắm lấy, lạnh lùng xé toạc làm bốn, rồi kê vào lửa đốt.
Baisemeuax kinh hoàng hết mực kêu lên:
- Ngài làm gì thế?
- Ông chịu khó xem tình hình này lại một chút, ông chủ ngục thân mến ạ, - Aramis vẫn nói với vẻ bình tĩnh, không bị lay chuyển, - ông sẽ thấy chuyện thật dễ dàng vô cùng. Ông không còn trong tay tờ lệnh xác nhận Marchiali đã được thả rồi.
- Ôi Chúa ơi, tôi tiêu rồi?
- Chẳng sao đâu, vì tôi mang Marchiali lại cho ông mà.
Nhốt hắn lại, tức cũng như hắn chưa bao giờ ra.
Viên chủ ngục hoảng lên một tiếng.
- Nhất định như thế. Ông có thể nhốt hắn lại ngay.
- Nhất định Và ông đưa tên Seldon được thả theo lệnh mới này. Như thế, chẳng có gì xảy ra cả. Ông hiểu chưa?
- Tôi… tôi…
Aramis nói:
- Ông hiểu rồi.
- Tốt lắm!
Baisemeuax chắp hai tay lại, rên rỉ:
- Nhưng tại sao sau khi ngài mang Marchiali đi rồi lại mang hắn đến trả cho tôi thế?
- Với một người bạn thân như ông, với một người thừa lệnh như ông, thì không có gì phải giữ bí mật cả.
Và Aramis ghé vào tai Baisemeuax nói nhỏ:
- Ông chắc biết, kẻ đó rất giống với…
- Với Nhà vua, vâng.
- Thế thì việc đầu tiên Marchiali lúc đó được tự do là đi tìm sự ủng hộ, ông đoán ra chưa?
- Làm sao tôi đoán được?
- Tìm sự ủng hộ để làm vua nước pháp.
Baisemeuax kêu lên:
- Ồ! Thằng dại dột!
- Cứ mặc nguyên áo Nhà vua và lên ngai là được.
- Trời còn thương!
- Cho nên tôi mang hắn lại cho ông. Ông bạn thân mến ạ. Hắn điên khùng và gặp ai cũng tự xưng như thế cả.
- Bây giờ phải làm như thế nào đây?
- Dễ lắm, không cho hắn tiếp xúc với ai cả. Ông hiểu rằng nếu chuyện điên khùng của hắn đến tai Nhà vua thì dù Nhà vua có thương hại hắn, mà thấy lòng tốt của ngài bị đền đáp bằng sự vô ơn xấu xa như thế thì hẳn ngại giận lắm. Cho nên, ông Baisemeuax thân mến ạ, ông nhớ lấy điều này, chuyện quan hệ đến ông đấy, hãy nhớ rằng, có lệnh giết kẻ nào để hắn nói chuyện với ai khác ngoài tôi và Nhà vua đấy. Ông nghe chưa, tử hình?
- Ôi nghe rồi đấy!
- Cho nên, bây giờ ông bước xuống đi, dẫn thằng khốn đó vào hầm tối, hay là để đưa hắn lên đây.
- Để làm gì?
- Ừ, tốt hơn hết là nhốt hắn ngay lập tức.
- Đúng?
- Thế thì, thi hành ngay đi!
Baisemeuax sai đánh trống, và bấm chuông lùa tù vào phòng để tránh mọi sự gặp gỡ bất ngờ. Rồi khi các lối đi đã trống vắng, ông liền đến bên xe bắt người tù trong khi Porthos theo lệnh vẫn chĩa nòng súng vào ngực hắn. Baisemeuax kêu lên khi thấy Nhà vua:
- Ôi, anh chàng khốn khổ, lại đây anh. Tốt! Tốt lắm!
Rồi ông gọi Nhà vua xuống xe, dẫn đi luôn luôn có Porthos mang mặt nạ đi theo và Aramis cũng đeo mặt nạ lên lại.
Họ đến trước cánh cửa mà Philippe phải rên rỉ suốt mười năm qua, Nhà vua vào phòng tối không nói một lời, mặt mày xanh xám và ngơ ngác.
Baisemeuax đóng cửa lại tự tay xoay lại hai vòng khoá rồi đến bên Aramis nói nhỏ:
- Chà, đúng thật, hắn giống Hoàng thượng quá. Nhưng không đến như ngài nói đâu.
- Như vậy là ông không thể nào lầm được nếu có sự tráo đổi phải không?
- Ô!
Ông Baisemeuax thân mến ơi, ông thật là con người đáng ghét. Thôi bây giờ lo thả Seldon đi.
- Đúng rồi tôi quên… Để tôi ra lệnh.
- Thôi để mai, ông thừa thì giờ mà.
- Mai. Thôi, thôi, liền bây giờ đi. Chúa không để tôi chậm trễ một giây nào hết đâu.
- Thôi thì ông cứ làm việc đi. Tôi có việc tôi. Nhưng ông hiểu rồi chứ?
- Hiểu cái gì?
- Hiểu là ông không được phép vào phòng tên tù trừ phi có lệnh vua, mà lệnh ấy lại do tôi mang đến.
- Đồng ý. Tạm biệt Đức ông.
Aramis trở lại phía bạn.
- Đi Vaux mau lên.
Porthos nói:
- Phục vụ trung thành Hoàng thượng xong lại cứu được đất nước nữa thì người nhẹ nhõm lắm. Lũ ngựa khỏi kéo lê cái xe.
Thôi chúng ta đi.
Thế là bỏ lại người tù quả đúng thật nặng nề đối với Aramis, chiếc xe vượt qua cánh cầu sập của nhà ngục Bastille đang từ từ nâng lên sau lưng họ.
Chú thích:
(1) Prométhée ăn cắp lửa trời, bị cột nơi mỏm đá để cho ác điểu mổ ăn ruột gan
(2) Morphée là thần của giấc ngủ
Nguồn: http://vnthuquan.net/