25/3/13

Hai mươi năm sau (C32-34)

Chương 32

Cuộc đụng độ nhỏ


Thời gian lưu lại Noyon ngắn ngủi. Ai nấy đều ngủ say. Raoul đã dặn đánh thức anh nếu Grimaud đến nhưng Grimaud không đến.
Những con ngựa chắc hẳn quý trọng tám tiếng đồng hồ nghỉ ngơi tuyệt đối lại có ổ rơm tử tế. Bá tước de Guise tỉnh dậy lúc năm giờ khi Raoul đến chúc mừng buổi sớm. Mọi người ăn lót dạ vội vàng và đến sáu giờ đã đi được hai dặm.
Cuộc chuyện trò của chàng bá tước trẻ tuổi với Raoul thật là thú vị. Cho nên Raoul lắng nghe nhiều và bá tước trẻ tuổi kể mãi. Anh lớn lên ở Paris nơi Raoul mới đến có một lần. Ở trong cung đình mà auh chưa bao giờ thấy, những chuyện điên rồ của đôi thị đồng hai cuộc quyết đấu mà anh đã tìm được cách tham gia, mặc dầu có những sắc dụ cấm đoán và nhất là bị ông thầy ngăn cản, là những chuyện khơi dậy cao độ trí tò mò của Raoul. Raoul mới đến chơi có nhà ông Scarron và kể ra với Guise những người mình đã gặp. Guise biết tất cả mọi người: bà de Neuillan, cô d'Aubigné, cô de Scudéry, cô Paulet, bà de Chevreuse. Anh giễu cợt tất cả mọi người một cách hóm hỉnh; Raoul chỉ lo anh ta giễu cợt cả bà de Chevreuse mà anh có một mối thiện cảm thật sự và sâu sắc; song do linh tính hoặc do quý mến nữ công tước Chevreuse, anh ta chỉ nói toàn điều hay về bà.
Những lời tán dương ấy làm tăng gấp bội tình cảm của Raoul đối với bá tước.
Rồi đến mục những chuyện tán gái và yêu đương. Về phương diện này nữa, Bragelonne chỉ có nghe nhiều hơn là nói. Raoul đã từng nghe bá tước de La Fère nói nhiều về triều đình, nhưng từ cái thời Arthos biết nó đến nay, nó đã thay đồi bộ mặt rất nhiều rồi. Cho nên tất cả câu chuyện của bá tước de Guise đều mới lạ đối với người bạn đồng hành. Chàng bá tước trẻ hay nói xấu và hỏm hỉnh đem tất cả mọi người ra điểm mặt. Anh kể những chuyện yêu đương cũ của bà Longueville với Coligny, và cuộc đấu kiếm của Coligny ở quảng trường hoàng gia, một cuộc đấu bất hạnh với ông ta mà bà de Longueville nhìn qua một cơn ghen tuông. Rồi những chuyện tình ái mới của bà với hoàng thân de Marcillac, người ta đồn rằng ông này ghen với bà ta đến nỗi muốn cho giết tất cả mọi người, kể cả tu viện truởng D'Herblay là giám đốc của ông ta. Lại chuyện yêu đương giữa hoàng thân de Galles với Quý nương mà sau này người ta gọi là đại Quý nương từ đó rất là nổi tiếng do cuộc hôn nhân bí mật của bà với ông Lauzun. Ngay cả hoàng hậu cũng không được buông tha, và giáo chủ Mazarin cũng có phần trong cuộc chế giễu.
Một ngày qua nhanh như một giờ. Viên quản lý của bá tước là người vui tính, thuộc xã hội thượng lưu, thông thái đến tận gốc, như cậu học trò của ông nói; nhiều lần gợi cho Raoul nhớ đến sự uyên bác sâu xa và cái tính giễu cợt hóm hỉnh và cay độc của Arthos, nhưng còn về cái duyên dáng, tế nhị và cái vẻ quý phái ngoại quan thì chẳng thể nào so sánh được với Bá tước de La Fère.
Những con ngựa được nương nhẹ hơn hôm qua, đến bốn giờ chíều dừng lại ở Arras. Đã đến gần chiến địa rồi, người ta quyết định nghỉ lại ở thị trấn này cho đến ngày hôm sau nữa; các biệt đội Tây Ban Nha đôi khi lợi dụng đêm tối hành quân đến tận vùng phụ cận Arras.
Quân đội Pháp đóng từ Pont-à-Marc đến Valenciennes và quanh lại Douai. Người ta đồn rằng ngài Hoàng thân đích thân ở Béthune.
Quân đội địch rải từ Cassel đến Courtray và do chúng toàn cướp phá và hãm hiếp, nên những người dân khốn khổ vùng biên giới rời bỏ những chốn nhà cửa hẻo lánh của họ, đến ẩn náu trong các thị trấn kiên cố. Arras đầy những người lánh nạn.
Người ta nói cuộc chiến đấu sắp tới chắc là có tính quyết định cho đến lúc này sự vận động của Hoàng thân chỉ là để chờ viện binh mà cuối cùng tất sẽ tới. Các chàng thanh niên mừng cho mình đã đến vừa đúng dịp.
Họ cùng ăn và ngủ cùng buồng. Họ ở vào lứa tuổi đánh bạn với nhau rất nhanh chóng, cứ như là đã quen nhau từ thuở mới lọt lòng và không bao giờ có thể xa rời nhau nữa.
Buổi tối dành cho chuyện chiến tranh. Bọn đầy tớ lau chùi vũ khí. Các chàng thanh niên nạp đạn sẵn vào súng ngắn đề phòng trường hợp xô xát và họ chợt tỉnh giấc, chán nản thất vọng, vì cả hai đã nằm mơ thấy mình đến đã quá muộn để tham gia chiến dấu.
Buổi sáng hôm đó có tin đồn rằng Hoàng thân de Condé đã rời khỏi Béthune để rút về Carvin nhưng vẫn đề quân đồn trú ở thị trấn đầu tiên ấy. Nhưng vì tin tức ấy chưa có gì xác thực, hai chàng thanh niên quyết định cứ tiếp tục đi về Béthune, cùng lắm thì dọc đường rẽ chếch sang bên phải và đi đến Carvin.
Viên quản lý của bá tước de Guise thuộc làu vùng này; ông đưa ra ý kiến là đi theo một đường tắt ở giữa hai con đường đi Lens và Béthune; đến Ablen sẽ hỏi thăm tin tức. Đường đi thế nào sẽ ghi lại cho Grimaud.
Mọi người lên đường khoảng bảy giờ sáng.
De Guise trẻ người và hung hăng, bảo Raoul:
- Chúng ta đây có ba chủ và ba tớ; đầy tớ của ta trang bị khí giới đầy đủ nhưng đầy tớ của anh xem chừng khá bướng bỉnh.
- Tôi chưa biết vào việc thì nó sẽ ra sao. - Raoul đáp nhưng nó là người Brơtông, điều ấy hứa hẹn đấy.
- Phải, phải - de Guise nói - tôi tin rằng khi cần thì nó sẽ nồ súng; còn tôi có hai người chắc chắn, họ đã đi chiến trận với cha tôi; như vậy chúng ta có sáu chiến sĩ cả thảy; ví phỏng ta gặp một toán du kích nhỏ số người bằng ta hoặc nhiều hơn chăng nữa, thì chúng ta có công kích không, Raoul?
- Có chứ, - tử tước đáp.
- Ơ này, các chàng thanh niên ơi? Ơ này! - víên quản lý xen vào câu chuyện. - Các ông bàn bạc hay đấy nhỉ, Chúa ơi! Thế còn những điều dặn dò của tôi, bá tước nghĩ sao? Ông quên rằng tôi đuợc lệnh đưa ông an toàn đến chỗ Hoàng thân ư? Vào quân đội rồi, ông có muốn liều thân thế nào, xin tùy ý, nhưng từ đây đến đó, tôi xin báo trước rằng với tư cách chỉ huy quân đội, tôi ra lệnh rút lui và quay lưng lại cái lông mũ lính đầu tiên mà tôi trông thấy.
De Guise và Raoul đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Vùng đất đai này phủ khá nhíều cây cối, thỉnh thoảng lại gặp những toán nông dân rút lui, lùa đàn gia súc và mang vác hoặc chở trong xe những đồ vật quý giá nhất.
Đoàn lữ hành đến Ablanh không gặp biến cố gì. Ở đây họ hỏi thăm và được biết Hoàng thân quả thật đã rời Béthune và đóng ở giữa Cambrin và Venthie. Thế là họ để lại bản đồ lại cho Grimaud, họ đi một đường tắt sau nửa giờ thì đến bờ một con suối nhỏ, suối này chảy ra sông Lys.
Phong cảnh thật đẹp, ngang dọc những thung lũng xanh biếc như ngọc bích. Chốc chốc con đường họ đi lại xuyên qua một khu rừng nhỏ. Đề phòng một cuộc mai phục, đến mỗi khu rừng, viên quản lý lại cho hai tên đầy tớ của bá tước đi trước coi như đội tiền vệ. Viên quản lý và hai chàng thanh niên là đội quân chính, còn Olivain với khẩu súng trường trên đầu gối và mắt canh chừng, làm hậu vệ.
Từ một lát rồi đã nom thấy một cánh rừng khá rậm rạp ở phía chân trời. Còn cách rừng đó trăm bước, ông Arminges đã cẩn thận như mọi khi cử hai đầy tớ của bá tước đi lên trước.
Hai tên đầy tớ vừa khuất trong các bụi cây, hai thanh niên và viên quản lý đi sau gần ba trăm bước chuyện trò vui vẻ, Olivain đi phía sau, cũng cách quãng chừng ấy, thì bất thình lình năm sáu tiếng súng trường vang lên. Viên quản lý kêu dừng lại, hai chàng thanh niên tuân lệnh và ghìm cương ngựa. Cùng lúc ấy thấy hai tên đầy tớ phi ngựa quay trở lại.
Nóng lòng biết nguyên nhân của loạt súng nổ ấy, hai thanh niên thúc ngựa đến đón hai đầy tớ. Viên quản lý đi theo sau.
- Các anh có bị ngăn giữ lại không? - Hai thanh niên vội vã hỏi.
- Không ạ, - bọn đầy tớ đáp, - có thể là chúng tôi cũng chưa bị trông thấy, những phát súng nổ phía trước chúng tôi một trăm bước, gần nơi rậm rạp nhất của khu rừng, và chúng tôi quay lại để xin ý kiến.
- Ý kiến của tôi, - Ông Arminges nói, - mà cũng cần phải thế là chúng ta rút lui, trong khu rừng ấy có thể có mai phục.
Bá tước hỏi bọn đầy tớ:
- Các anh không trông thấy gì ư?
- Tôi thấy, - một tên đáp, - hình như có mấy kỵ sĩ mặc quần áo vàng luồn lách trong lòng suối.
- Đúng đấy, - viên quản lý nói, - chúng ta sa vào toán quân Tây Ban Nha rồi. Trở lui, các ông ơi, trở lui!
Hai thanh niên đưa mắt hỏi ỷ kiển nhau, và vừa lúc ấy người ta nghe thấy một tiếng súng lục nổ và hai ba tiếng kêu cứu.
Hai thanh niên bằng một cái nhìn cuối cùng tin chắc rằng họ đều ở trong tư thế không lùi được, và vì viên quản lý đã cho ngựa quay lại, cả hai đều thúc ngựa tiến lên.
Raoul kêu:
- Olivain, theo tôi!
Còn bá tước de Guise kêu:
- Urbain và Blanchet , theo tôi!
Và trước khi viên quản lý hết kinh ngạc thì họ đã biến vào trong rừng.
Vừa thúc ngựa, hai chàng thanh niên vừa cầm lăm lăm súng trong tay.
Năm phút sau, họ tới nơi có vẻ đã phát ra tiếng động, cho ngựa đi chậm lại và tiến lên thận trọng.
- Suỵt! - De Guise nói - Bọn kỵ binh.
Đúng, ba tên cưỡi ngựa và ba tên đã xuống đất.
- Chúng làm gì? Anh có thấy không?
Có, hình như chúng lục soát một ngươi bị thương hoặc chết rồi.
- Đó là một cuộc ám sát hèn nhát nào đó, - de Guise nói.
- Vậy mà chúng là những người lính đấy. - Bragelonne đáp.
- Phải, nhưng là bọn du kích, nghĩa là bọn cướp đường.
- Công kích nào! - Raoul bảo, - Công kích nào? - De Guise đáp…
- Các ông ơi - Viên quản lý khốn khổ kêu lên - Này, các ông ơi! Nhân danh Trời…
Nhưng các thanh niên nào có nghe. Họ đua nhau phóng, và những tiếng kêu la của viên quản lý càng tổ làm thức tỉnh bọn Tây Ban Nha.
Lập tức ba tên du kích cưỡi ngựa xông đến các chàng thanh niên, còn ba tên kia tiếp tục lột nốt số đồ vật của hai người lữ khách, vì rằng khi đến gần, hai thanh niên thấy rõ là có hai người bị nạn, chứ không phải là một.
Còn cách mươi bước de Guise bắn trước nhưng trượt: một tên Tây Ban Nha xông đến nổ súng vào Raoul, anh cảm thấy cánh tay trái đau rát như bị roi quất. Cách bốn bước, anh nhả đạn và tên Tây Ban Nha bị trúng giữa ngực giơ tay lên và ngã vật ra sau mông ngựa, con ngựa quay ngoắt lại và chạy đi mang theo tên lính.
Cùng lúc ấy, Raoul trông thấy như qua một đám mây một nòng súng trường chĩa vào anh. Chợt nhớ đến lời dặn của Arthos, bằng một động tác nhanh như chớp anh cho ngựa chồm lên, súng nổ.
Con ngựa nhảy sang bên cạnh, loạng choạng ngã kềnh ra đè lên chân Raoul.
Tên lính Tây Ban Nha lao tới cầm nòng súng toan dùng báng súng đập vỡ đầu Raoul.
Trong tư thế của mình, Raoul không thể rút kiếm ra khỏi vỏ, cũng không thể rút súng ra khỏi bao. Anh trông thấy báng súng quay quay trên đầu mình và bất giác nhắm mắt lại, thì Guise nhảy một phát đến sát tên Tây Ban Nha và dí súng vào họng nó.
- Đầu hàng ngay! - anh bảo nó, - nếu không thì chết!
- Khẩu súng trường rơi khỏi tay tên lính và nó đầu hàng ngay lập tức Guise gọi một đầy tớ đến giao cho coi tên tù binh và dặn nếu nó lăm le muốn chạy trốn thì cứ bắn vỡ sọ nó ra, rồi anh xuống ngựa và đến với Raoul.
Mặc dầu mặt còn tái xanh do cơn xúc động không tránh khỏi của một sự việc đầu tiên như vậy, Raoul cười nói:
- Thực tình tôi thấy anh trả nợ mau quá và không muốn chịu ơn tôi lâu. Không có anh thì… - Raoul nhắc lại lời bá tước, - tôi chết rồi, ba lần chết rồi.
- Tên địch của tôi chạy trốn, - de Guise nói, - đã giúp tôi dễ dàng đến cứu anh. Nhưng mà anh bị thương có nặng không? Tôi thấy anh máu ra đầm đìa kìa.
- Tôi thấy như một vết xước da ở cánh tay. Hãy giúp tôi rút chân ra khỏi con ngựa đã, và tôi hy vọng chẳng có gì cản trở chúng ta tiếp tục lên đường.
- Ông Arminges và Olivain đã xuống đất và cố nhắc con ngựa lên, nó đang giẫy chết. Raoul rút được bàn chân ra khỏi bàn đạp và cẳng chân ra khỏi mình ngựa, một lát sau mới đứng lên được.
- Không gãy xương chứ? - De Guise hỏi.
- Nhờ trời, không, - Raoul đáp. - Nhưng còn những người bị bọn khốn nạn ám sát thì sao?
Chúng ta đến muộn quá; chúng đã giết chết họ rồi và bỏ chạy, mang theo những thứ cướp được. Hai đầy tở của tôi đang ở bên mấy xác chết.
Raoul nói:
- Ta hãy ra xem họ chết hẳn chưa để cấp cứu cho họ. Olivain này ta chiếm được hai con ngựa, nhưng ngựa tôi mất rồi. Anh hãy lấy con ngựa tốt nhất mà dùng và đưa tôi con ngựa của anh.
Và họ đi đến chỗ những kẻ bị nạn.


Chương 33

Vị mục sư


Hai người nằm sóng sượt: một người bất động, mặt úp xuống đất bị ba vết đạn xuyên, Nằm chết trong vũng máu của chính mình. Người kia được hai người đầy tớ đỡ cho tựa lưng vào gốc cây, mắt ngước lên trời, hai tay chắp lại đang ra sức cầu kinh… bác ta bị một vết đạn bắn gãy xương đùi Hai chàng thanh niên thoạt tiên đến chỗ người chết và nhìn thật kinh ngạc.
- Đây là một linh mục đã thế phát. - Bragelonne nói.
- Ôi! Bọn khốn kiếp! Chúng dám đụng đến các vị sứ giả của Chúa!
Urbain, một cựu binh đã từng đi tất cả các chiến trận với quận công - giáo chủ, nói:
- Lại đây, ông ơi. Đối với người kia thì chẳng làm gì được nữa rồi, còn người này có thể còn cứu được.
Kẻ bị thương mỉm cười buồn bã nói:
- Cứu tôi ư! Thôi, hãy giúp cho tôi chết.
- Ông có phải linh mục không? - Raoul hỏi.
- Không, thưa ông.
- Tại vì người đồng hành tội nghiệp của ông có vẻ là một linh mục, Raoul nói.
- Đó là vị linh mục xứ Béthune đấy, ông ạ; ông ta mang các kinh thánh và kho báu của tăng hội đến gửi ở nơi chắc chắn; bởi vì Hoàng thân rời bỏ thị trấn hôm qua và có thể ngày mai quân Tây Ban Nha tới. Do người ta biết rằng các toán quân địch chạy khắp nơi và nhiệm vụ thì nguy hiểm, chẳng ai dám đi cùng, thế là tôi tình nguyện.
- Và thế là bọn khốn nạn tấn công các ông; bọn khốn nạn đã bắn vào một vị linh mục.
Kẻ bị thương nhìn quanh mình và nói:
- Các ông ơi, tôi đau lắm, tuy nhiên tôi vẫn muốn được mang đến một nhà nào đó.
- Để ông được cấp cứu à? - De Guise hỏi.
- Không để tôi được xưng tội.
- Nhưng có lẽ, - Raoul nói, - Vết thương của ông không đến nỗi nguy hiểm như ông tưởng đâu.
- Ông ơi, - kẻ bị nạn nói, - Hãy tin tôi, đừng để mất thì giờ, viên đạn đã bắn vỡ cổ xương đùi và chui lên tận ruột.
- Ông là thầy thuốc à? - De Guise hỏi.
- Không, - kẻ sắp chết nói, - nhưng tôi biết chút ít về các vết thương, mà vết thương của tôi thì chết người đấy. Hãy cố mang tôi đến chỗ nào đó có thể kiếm một linh mục; hoặc phiền các ông đón một, linh mục đến đây và Chúa sẽ thương cho hành động vị thánh ấy; chính là phải cứu vớt linh hồn tôi, chứ thể xác tôi thì đã mất rồi.
- Không thể chết vì làm một việc thiện! Và Chúa sẽ cứu giúp ông.
Kẻ bị nạn gom tất cả sức mình lại như muốn đúng dậy và nói:
- Các ông ơi, nhân danh Chúa Trời? Xin đừng mất thì giờ vào những lời lẽ vô ích; hoặc giúp tôi đi tới làng nào gần nhất, hoặc hãy thề trước sự cứu rỗi linh hồn mình rằng các ông sẽ gửi đến tôi vị mục sư hay một vị linh mục, vị giáo sĩ đầu tiên nào mà các ông sẽ gặp. - Rồi với giọng tuyệt vọng, bác ta nói thêm - Nhưng có lẽ chẳng ai dám tới đâu vì người ta biết rằng quân Tây Ban Nha nhan nhản ở đây, và tôi sẽ chết mà không được xá tội. Lạy Chúa tôi Lạy Chúa tôi! - Kẻ bị thương rên la với cái giọng thảm thiết khiến các chàng thanh niên phải rùng mình - Người không cho phép điều ấy hay sao? Thế thì thật là khủng khiếp?
- Này ông, hãy bình tâm. - De Guise nói. - Tôi xin thề là ông sẽ có được niềm an ủi mà ông yêu cầu. Chỉ cần ông bảo cho tôi biết ở đâu có một ngôi nhà để đến xin cấp cứu và một làng xóm để đến tìm một linh mục.
- Xin cảm ơn, cầu Chúa ban ơn cho ông! Cứ đi theo đường này độ nữa dặm có một tửu quán và đi thêm non một dặm nữa sẽ thấy làng Greney. Ông hãy tìm đến vị linh mục; nếu vị linh mục vắng nhà ông hãy vào tu viện các giáo sĩ Augustins tức là cái nhà cuối cùng của xóm ở bên tay phải và dẫn đến cho tôi một thày cả cũng được! Mục sư hay linh mục đều được cả, miễn là họ đã nhận được ở nhà thờ hiển linh của chúng ta quyền xá tội khi lâm chung.
- Ông Arminges ơi, - de Guise bảo, - Ông hãy ở lại bên kẻ khốn khổ này và trông nom sao cho ông ta được mang đi thật êm ái. Hãy sai làm một cái cáng bằng cành cây, xếp tất cả áo choàng của chúng ta lên đấy; hai đầy tớ sẽ khiêng cáng, đứa thứ ba sẽ thay thế người nào, mệt. Còn tử tước và tôi sẽ đi tìm linh mục.
- Bá tước cứ đi, - viên quản lý nói, - nhưng lạy Chúa! Xin ông đừng có mạo hiểm.
- Cứ yên tâm. Vả lại hôm nay chúng tôi đã tai qua nạn khỏi rồi, ông đã biết cái định lý: Non bis in idem(1).
- Hãy cố gắng lên, ông ạ! - Raoul bảo kẻ bị thương, chúng tôi đi thực hiện ý nguyện của ông đây.
- Cầu Chúa phù hộ cho các ông! - Kẻ sắp chết đáp lại với giọng biết ơn khó tả.
Và hai thanh niên phóng nước đại theo hướng đã chỉ, còn viên quản lý trông nom việc làm cáng.
Sau mười phút, hai thanh niên trông thấy quán rượu.
Không xuống ngựa, Raoul gọi chủ quán báo trước sẽ có người bị thương đến và bảo bác ta sửa soạn mọi thử cần thiết để cứu chữa tức là một cái giường, vải, băng và ngoài ta nếu biết ở vùng lân cận có thầy thuốc, nhà giải phẫu hoặc nhà thủ thuật nào thì cho mời đến, và anh sẽ chịu mọi phí tổn.
Chủ quán trông thấy hai nhà quý tộc trẻ ăn vận sang trọng, nên họ yêu cầu gì là gã hứa nhận hết, và hai kỵ sĩ sau khi trông thấy gã bắt đầu chuẩn bị việc đón tiếp, lại ra đi và vội vã phóng về phía Greney.
Đi được hơn một dặm họ nom thấy xóm làng với mấy ngôi nhà đầu tiên lợp ngói đỏ nổi bật mạnh mẽ trên những bụi cây xanh. Chợt họ bắt gặp đi về phía họ một mục sư tồi tàn cưỡi ngựa, trông cái mũ rộng vành với cái áo dài bằng len màu xám, họ đoán đó là một thày dòng Augustins. Lần này sự tình cờ dường như gửi đến cho họ cái mà họ đang tìm kiếm.
Họ đến gần mục sư.
Đó là một người đàn ông trạc hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, nhưng những việc kiêng khem tiết dục đã làm cho ông ta trông già đi. Nước da tái, nhưng không phải tái săn thì đã đẹp, mà lại vàng bủng, tóc ngắn chỉ dài hơn cái vành mũ quanh trán một tí màu hoè hoe và cặp mắt mâu xanh nhạt như thẫn thờ.
- Thưa ông, - Raoul nói với lễ phép thông thường, - Ông có phải giáo chức không?
- Sao ông lại hỏi tôi điều đó - Kẻ lạ mặt nói với một vẻ thản nhiên gần như bất lịch sự.
- Hỏi để biết, - bá tước de Guise kênh kiệu nói.
Kẻ lạ mặt lấy gót chân thúc con la và tiếp tục đi.
De Guise nhảy một cái đến trước mắt y và cản đường. Anh nói:
- Ông hãy trả lời đi. Người ta đã hỏi ông một cách lịch sự và mọi câu hỏi đều đáng được trả lời.
- Tôi cho rằng tôi được tự do nói hoặc không nói tôi là ai với hai người đầu tiên đến và có ngẫu hứng tra hỏi tôi.
De Guise cố ghìm cơn giận dữ khiến anh muốn nện gẫy xương viên mục sư. Anh nói:
- Trước hết, chúng tôi không phải là những kẻ đến đầu tiên; bạn tôi đây là tử tước de Bragelonne, còn tôi là bá tước de Guise. Sau nữa, chẳng phải vì ngẫu hứng mà chúng tôi hỏi ông như vậy. Vì rằng ở đằng kia có một kẻ bị thương và sắp chết đang đòi hỏi sự cứu giúp của nhà thờ. Nếu ông là giáo sĩ, thì nhân danh lòng nhân đạo, tôi yêu cầu ông đi theo tôi và đến cứu giúp người ấy nếu ông không phải là giáo sỹ thì lại là chuyện khác. Tôi xin báo trước để ông biết rằng, nhân danh phép xã giao mà dường như ông hoàn toàn không biết đến, tôi sẽ trừng trị ông về thái độ hỗn xược của ông.
Nước da tai tái của viên mục sư trở nên nhợt nhạt, và hắn mỉm cười một cách đến lạ lùng khiến Raoul từ nãy vẫn không rời mắt khỏi hắn cảm thay nụ cười ấy siết chặt trái tim anh như một sự lăng nhục.
- Chắc là một tên gián điệp Tây Ban Nha hoặc Flamand gì đây? - Anh vừa nói vừa đặt tay lên báng súng.
Một cái nhìn hăm doạ giống như một tia chớp đáp lại Raoul.
- Thế nào? Ông trả lời chứ? - De Guise bảo.
- Tôi là linh mục, các ông ạ, - người trẻ tuổi đáp. Và mặt hắn ta trở lại vẻ thản nhiên như cũ.
Raoul bỏ súng vào bao, và tạo cho lời lẽ của mình một giọng cung kính không phải thốt ra từ đáy lòng, anh nói:
- Vậy thì thưa cha, nếu là linh mục, cha sắp có dịp để hành nghề như bạn tôi đã nói. Một kẻ bị thương khốn khổ sắp đến và sẽ dừng ở cái quán gần đây; ông ta cầu xin sự cứu giúp của một thiên sứ; người của chúng tôi đi theo ông ta.
- Tôi sẽ đến đấy, - mục sư nói.
Và hắn thúc con la cái đi.
- Nếu ông không đến đấy, - De Guise bảo, - thì hãy nhớ rằng chúng tôi có những con ngựa có thể đuổi kịp con la cái của ông, một sức mạnh có thể tóm bắt ông ở bắt cứ chỗ nào; và khi ấy tôi xin thề là bản án của ông sẽ được thi hành ngay; ở đâu chẳng tìm được một cái cây và một sợi dây thừng.
Mắt viên mục sư lại chớp lửa lên lần nữa, nhưng rồi thôi hẳn; hắn nhắc lại câu: "Tôi sẽ đến đó", rồi lên đường.
- Ta đi theo hắn, - de Guise nói, - như thế chắc chắn hơn.
- Tôi cũng định nói với anh như vậy, - Bragelonne đáp.
Và hai chàng thanh niên lên đường, lựa bước theo sau gã mục sư cách độ một tầm súng ngắn.
Chừng năm phút sau, gã mục sư quay đầu lại để xem có bị theo dõi không.
- Anh thấy không, - Raoul nói, - chúng ta làm thế này là rất đúng!
- Cái mặt thằng cha mục sư ấy mới kinh tởm làm sao! - Bá tước de Guise tiếp lời.
- Kinh tởm, - Raoul đáp, - và nhất là sự biểu hiện mới ghê chứ. Tóc thì vàng, mắt thì mờ đục, môi thì cứ hé ra nói là biến đi đâu mất…
De Guise ít bị những chi tiết ấy đập mạnh hơn Raoul, vì Raoul thì chú ý quan sát, còn de Guise thì nói nhiều hơn. Anh đáp:
- Phải, phải, khuôn mặt hắn thật lạ lùng, những bọn mục sư ấy tuân theo những cách tu hành làm hư hại con người; nhịn đói đến xanh xao, lấy roi vọt tự hành xác đến trở thành đạo đức giả, và vì, ra sức khóc than những phúc lợi của cuộc đời mà họ đã để mất đi và chúng ta thì được hưởng, nên mắt họ trở thành mờ xỉn.
- Cuối cùng, - Raoul nói, - con người tội nghiệp kia sắp có mục sư đến rồi. Nhưng có Chúa chứng giám! Kẻ sám hối hình như có một bụng dạ tử tế hơn là kẻ đi nghe xưng tội. Còn về tôi xin thú nhận là tôi quen nhìn các vi linh mục theo một dung mạo khác hẳn cơ.
- A! Anh có hiểu không? - De Guise nói. - Lão này là một trong những thày dòng lang thang chuyên đi ăn xin trên những đường cái lớn cho đến ngày nào đó một lộc thánh từ trên trời rơi xuống với họ.
Đó phần lớn là người nước ngoài: người Ecossais, người Irlandais, người Danois. Thỉnh thoảng người ta có chỉ cho tôi xem bọn ấy.
- Cũng xấu xí như thế ư?
- Không, gớm ghiếc phải chăng thôi.
- Cực thay cho kẻ bị thương tội nghiệp ấy phải chết trong tay một gã thày tu như vậy.
- Ô hay? - de Guise nói, - việc xá tội không phải do kẻ nói ban cho mà do từ Chúa. Tuy nhiên anh có muốn tôi nói với anh điều này không? Tôi thích thà chết không sám hối, còn hơn là dây với một kẻ nghe xưng tội như thế. Anh đồng ý với tôi phải không, tử tước? Mà tôi thấy anh vuốt ve cái báng súng như có ý định đập vỡ đầu hắn ra.
- Phải, bá tước ạ, thật là một điều kỳ lạ và nó đến bắt chợt, anh ạ nhìn con người ấy tôi cảm thấy một nỗi ghê sợ khó tả. Đã có lần nào anh thấy một con rắn ngóc mình lên trên đường anh đi chưa?
- Chưa bao giờ, - de Guise đáp.
- Thế mà tôi, tôi đã gặp ở trong cánh rừng Blaisois của nhà tôi.
- Tôi còn nhớ lần đầu tiên một con rắn cuộn khúc nó nhìn tôi bằng cặp mắt mờ xỉn, đung đưa cái đầu và thè lè cái lưỡi, tôi đứng ngây ra, tái mặt và như bị mê đi cho đến lúc bá tước de La Fère…
- Ông bố anh à? - De Guise hỏi.
- Không, vị đỡ đầu của tôi, - Raoul đỏ mặt đáp.
- Hay lắm.
- Cho đến lúc bá tước de La Fère bảo tôi "Bragelonne, tuốt kiếm ra". Chỉ đến lúc ấy tôi mới chạy tới con rắn đúng lúc nó dựng đứng mình trên cái đuôi, miệng rít phì phì, để lao vào người tôi, tôi vội chém nó đứt đôi mình ra. Lạ thật anh ạ. Tôi xin thề là có cảm giác giống hệt như thế khi trông con người kia lúc hắn hỏi: "Tại sao các ông lại hỏi tôi điều đó?" và hắn nhìn vào tôi.
- Thế thì anh phải tự trách mình đã không chém cho nó đứt đôi người ra như con rắn.
- Phải, Pomme-de- Pintình cũng gần như vậy, - Raoul đáp.
Lúc ấy họ đi đến cái quán nhỏ và trông thấy ở đầu đường đằng kia toán người cáng kẻ bị thương do ông Arminges dẫn đầu cũng đang đi tới. Hai người khiêng kẻ sắp chết, người thứ ba dắt ngựa.
Hai chàng thanh niên thúc ngựa phóng lên.
De Guise đi sát bên người thày dòng Augustins và bảo:
- Đây là người bị thương; xin ngài mục sư làm ơn nhanh lên một chút.
Còn Raoul tránh gã thầy dòng ra hết mép đường bên kia và quay mặt đi với vẻ ghê tởm.
Như vậy là hai chàng thanh niên đi trước người nghe xưng tội chứ không phải đi sau nữa. Họ đi đến đón người bị thương và bảo cho biết cái tin hay ấy. Kẻ bị nạn nhổm người lên để nhìn theo hướng trỏ và trông thấy mục sư đang thúc con la gấp bước đi tới, rồi bác ta lại rơi mình xuống tấm nệm, mặt sáng lên một tia mừng rỡ.
- Bây giờ đây, - Hai chàng thanh niên nói - chúng tôi đã làm cho ông tất cả những gì chúng tôi có thể làm, và do chúng tôi vội đến đội quân của Ngài Hoàng thân, chúng tôi, phải tiếp tục lên đường, Vậy ông thứ lỗi cho chúng tôi nhé. Người ta đồn sắp có đánh nhau rồi, chúng tôi chẳng muốn ngày mai mới có mặt.
- Hãy đi đi, các vị lãnh chúa trẻ tuổi của tôi, - kẻ bị thương nói, và cầu cho cả hai ông được ban phước lành vì có lòng thương người.
Pomme-de- Pinthật là như các ông nói, các ông đã làm tất cả những gì có thể làm cho tôi; tôi chỉ có thể nói với các ông một lần nữa: Chúa phù hộ cho các ông và những người thân thiết của các ông.
De Guise bảo viên quản lý:
- Chúng tôi đi phía trước, ông sẽ đuổi theo chúng tôi trên đường Cambrin.
Chủ quán đứng ở của và đã chuẩn bị mọi thứ, giường, băng, vải xé, và một tên coi ngựa đã đi tìm thày thuốc ở Lens là thị trấn gần nhất.
- Được rồi, - chủ quán nói, - mọi thứ sẽ được làm như ông mong muốn. Nhưng ông ơi, - gã nói tiếp với Bragelonne - Ông không dừng lại chốc lát để băng bó vết thương của ông hay sao?
- Ồ, vết thương của tôi chẳng sao đâu, - Tử tước đáp - Đến chặng nghỉ sau băng bó cũng được. Chỉ có điều yêu cầu ông là nếu ông có thấy một kỵ sĩ qua đây và hỏi thăm ông tin tức về một thanh niên cưỡi con ngựa hồng có một đầy tớ đi theo, thì ông làm ơn bảo rằng đã gặp tôi hẳn hoi, nhưng tôi đã tiếp tục lên đường và tính sẽ ăn trưa ở Mazingarbe và ngủ ở Cambrin.
- Để cho chắc chắn, tôi sẽ hỏi tên người ấy và nói rõ tên ông, như thế có hơn không - Chủ quán nói.
- Phải đấy, cẩn tắc vô áy náy, - Raoul đáp, - tôi là tử tước Bragelonne, còn bác ta là Grimaud.
Lúc ấy kẻ bị thương đến từ phía này và mục sư đến từ phía kia. Hai chàng thanh niên lùi lại để cho cáng đi qua. Mục sư cũng nhảy xuống đất và sai dẫn con la cái ra chuông ngựa mà không tháo yên cương.
- Ông mục sư ơi, - De Guise nói, - Ông hãy giúp cho con người tử tế ấy xưng tội cẩn thận, và đừng lo gì về những khoản chi phí của ông và của con la mọi thứ đều thanh toán rồi.
- Xin cảm ơn ông! - Gã mục sư đáp với cũng nụ cười khiến Bragelonne rùng mình.
Linh tính cảm thấy như không thể chịu nổi sự có mặt của gã thày dòng Augustins, Raoul bảo:
- Ta đi thôi, bá tước; ở đây tôi cảm thấy khó chịu.
- Lần nữa xin cảm ơn các vị lãnh chúa trẻ trung tuấn tú, - kẻ bị thương nói - và xin đừng quên tôi trong những lời cầu nguyện?
- Cứ yên tâm! - De Guise vừa nói vừa thúc ngựa đuổi theo Bragelonne đã đi trước hai chục bước.
Lúc ấy hai người đầy tớ đã khiêng cáng vào trong nhà. Chủ quán và vợ đã chạy đến, đang đứng trên bậc cầu thang.
Kẻ bị thương như đang lên những cơn đau dữ dội; song bác ta chỉ bận tâm xem ông mục sư có theo vào không.
Vừa trông thấy cái người mặt tái nhợt và máu me đầm đìa ấy, người đàn bà nắm chặt lấy cánh tay chồng.
- Kìa! Mình làm sao thế? - Chủ quán hỏi. - Phải chăng tình cờ mình thấy khó ở?
- Không, nhưng trông kìa? - Người vợ nói và chỉ kẻ bị thương cho chồng.
- Chết chửa, ông ta có vẻ đau dữ.
- Không phải tôi định nói như vậy, - người vợ vẫn run bắn lên nói tiếp, - tôi hỏi ông có nhận ra người này không?
- Người này ư, khoan đã…
- A! Hình như ông đã nhận ra, - người vợ nói, - vì ông cũng đang tái mặt đi kìa.
- Thật vậy! - Chủ quán kêu lên. - Tai hại cho nhà ta! Đó là tên đao phủ cũ xứ Béthune.
- Đao phủ cũ xứ Béthune! - Gã mục sư trẻ lẩm bẩm và đột nhiên dừng lại, để lộ trên gương mặt một cảm giác ghê tởm đối với kẻ sám hối.
- Ông Arminges đang đứng ở cửa, nhận thấy vẻ lưỡng lự ấy bèn nói:
- Ông mục sư ơi, dù làm đao phủ hoặc đã từng làm đao phủ, kẻ khốn khổ kia vẫn cứ là một con người. Vậy ông hãy giúp cho hắn cái việc cuối cùng mà hắn yêu cầu ở ông, và việc làm của ông chỉ càng thêm xứng đảng mà thôi.
Gã mục sư không đáp lại gì cả, mà tiếp tục lặng lẽ đi về phía căn buồng thấp nơi hai người đầy tớ đã đặt kẻ sắp chết lên giường.
Trông thấy người của Chúa đến gần giường kẻ bị nạn, hai đầy tớ đi ra và đóng cửa lại.
Arminges và Olivain đang đợi họ. Cả bốn người lên ngựa, đi nước kiệu theo con đường màRaoul và dờ Guise đã đi và mất hút ở đằng xa.
Khi viên quản lý và đoàn tuỳ tùng đã đi khuất, thì một lữ khách mới dừng lại trước cửa quán.
- Thưa ông cần gì ạ? - Chủ quán nói mà vẫn còn run và tái người đi vì điều vừa mới phát hiện.
Lữ khách ra hiệu muốn uống, rồi đặt chân xuống đất, và chỉ vào con ngựa ra hiệu kỳ cọ.
- Quỷ nợ ở đâu ấy? - Chủ quán lẩm bầm, - hình như lão này câm.
- Thế ông muốn uống ở đâu. - Gã hỏi.
- Ở đây - lữ khách nói và chỉ vào một cái bàn.
- Ta lầm rồi, - chủ quán tự nhủ - hắn không hoàn toàn câm.
Và gã cúi mình rồi đi lấy một chai rượu vang và bánh quy đem đặt trước mặt vị thực khách ít lời này.
- Ông có cần gì khác nữa không? - Gã hỏi.
- Có chứ.
- Thế ông cần gì?
- Cần biết xem ông có trông thấy một vị quý tộc trẻ tuổi cưỡi con ngựa hồng và có tên đầy tớ theo hầu đi qua đây không?
- Tử tước Bragelonne phải không? - Chủ quán hỏi.
- Đúng thế!
- Thế ra ông là Grimaud?
Lữ khách gật đầu.
A, thế thì vị chủ trẻ tuổi của ông mới ở đây cách mười lăm phút, ông ấy sẽ ăn trưa ở Mazingarbe và sẽ ngủ ở Cambrin.
- Đây đến Cambrin bao xa?
- Hai dặm rưỡi.
- Cảm ơn.
Yên trí sẽ gặp chủ trước khi trời tối, Grimaud có vẻ bình thản hơn lau mồ hôi trán, rót rượu ra cốc và uống lặng lẽ.
Bác vừa mới đặt cốc xuống bàn và toan rót cốc thứ hai, thì một tiếng kêu khủng khiếp phát ra từ căn buồng có gã mục sư và kẻ sắp chết.
Grimaud đứng bật dậy.
- Cái gì vậy? - Bác hỏi - Tiếng kêu ở đâu ra?
- Từ buồng kẻ bị thương, - chủ quán đáp.
- Kẻ bị thương nào? - Grimaud hỏi.
- Người đao phủ cũ xứ Béthune, vừa mới bị bọn du kích Tây Ban Nha ám sát. Hắn được mang đến đây và đang xưng tội với một thầy dòng Augustins. Chắc là hắn đau dữ lắm.
- Đao phủ cũ ở Béthune à? - Grimaud lẩm bẩm, nhớ lại những kỷ niệm xưa… - Một người độ năm sáu mươi tuổi, cao lớn, lực lưỡng, da ngăm ngăm, râu tóc đen phải không?
- Phải đấy, trừ râu đã hoa râm và tóc đã bạc. Ông biết hắn à? - Chủ quán hỏi.
- Tôi có trông thầy một lần, - Grimaud đáp; nhớ lại cái cảnh cũ trán bác sa sầm lại.
Vợ chủ quán chạy ra run như cầy sấy, hỏi chồng:
- Ông có nghe thấy không?
- Có, - Chủ quán đáp và lo ngại nhìn về phía cửa.
Vừa lúc ấy vang lên một tiếng kêu không to bằng tiếng kêu đầu tiên, nhưng kèm theo một tiếng rên rỉ kéo dài.
- Phải xem đó là cái gì, - Grimaud nói.
- Nghe như tiếng một người bị chọc tiết, - chủ quán nói.
- Giêsu! - Người đàn bà vừa nói vừa làm dấu thánh.
Ta biết rằng Grimaud nói ít mà làm nhiều. Bác băng mình về phía cửa buồng, lắc thật mạnh, nhưng nó được chốt ở phía trong.
- Mở ra? - Chủ quán la lên, - mở ra ông mục sư ơi, mở ra ngay!
Chẳng có ai trả lời.
- Mở ra, nếu không ta phá cửa? - Grimaud nói.
Vẫn im lặng.
Grimaud đưa mắt nhìn quanh và trông thấy một cái kẹp sắt tình cờ vứt ở một xó nhà. Bác vồ lấy và trước khi chủ quán kịp phản đối, thì bác đã nạy cánh cửa bật vào trong.
Căn buồng ngập máu chảy qua tấm nệm; kẻ bị thương không nói được nữa và rên rỉ, gã mục sư đã biến đâu mất.
- Mục sư - Chủ quán kêu - Mục sư đâu rồi?
Grimaud xông ra phía cửa sổ nhìn ra sân.
- Nó đã trốn ra lối này.
- Ông cho là như vậy à? - Chủ quán hốt hoảng nói.
- Thằng nhỏ đâu, hãy ra chuồng ngựa xem có con la của mục sư không?
- Không thấy con la đâu nữa ạ!
Grimaud đến gần kẻ bị thương, nhìn những nét thô kệch và hằn rõ kia nó gợi nhớ lại một kỷ niệm thật là khủng khiếp.
Sau một giây lát suy ngẫm ảm đạm và âm thầm, cuối cùng bác nói:
- Không còn hồ nghi gì nửa. Chính là hắn ta.
- Hắn còn sống không? - Chủ quán hỏi.
Không trả lời, Grimaud mở cái áo chẽn của người bị nạn để sờ tim xem, còn chủ quán thì bước lại gần.
Nhưng đột nhiên hai người lùi lại, chủ quán hét lên một tiếng kinh hãi, còn Grimaud thì tái mặt đi.
Một lưỡi dao găm cắm phập đến tận gốc vào phía ngực bên trái của gã đao phủ.
- Chạy đi gọi cấp cứu ngay, - Grimaud bảo, - tôi sẽ ngồi canh ở đây.
Chủ quán ra khỏi buồng, ngơ ngác như kẻ mất hồn; còn người vợ thì nghe tiếng chồng kêu đã chạy bạt vía.
Chú thích:
(1) Tiếng La-tinh: một việc không lặp lại hai lần.

Chương 34

Xá tội


Việc ấy diễn ra như thế nào?
Chúng ta đã thấy chẳng phải do tự nguyện, mà trái hẳn lại, vì miễn cưỡng mà gã mục sư phải đi theo kẻ bị thương được gửi gắm cho gã một cách đến là kỳ cục. Có lẽ hắn đã tìm cách chạy trốn nếu có thể được; nhưng những lời dọa nạt của hai người quý tộc, đám tuỳ tùng ở ngay cạnh họ và chắc đã được dặn là chẳng nên tỏ ra ác ý quá đã khiến gã mục sư đóng vai người nghe xưng tội cho đến nơi đến chốn. Và khi đã vào buồng rồi, hắn đến bên giường kẻ bị thương.
Bằng một cái nhìn mau lẹ đặc biệt ở những kẻ sắp chết do đó không có thì giờ để mất, gã đao phủ ngắm nghía khuôn mặt của kẻ sẽ là người an ủi mình; rồi tỏ vẻ kinh ngạc nói:
- Thưa cha, cha hãy còn trẻ thế?
- Những người mặc chiếc áo như của tôi không có tuổi, viên mục sư khô khan đáp.
- Chao ôi! - Kẻ bị thương nói, - xin cha hãy nói năng với tôi nhẹ nhàng hơn một chút; tôi cần có một người bạn trong lúc lâm chung này.
- Ông đau đớn lắm à? - Mục sư hỏi.
- Vâng, nhưng đau đớn linh hồn nhiều hơn thể xác.
- Ta sẽ cứu vớt linh hồn cho ông, - người trẻ tuổi nói, - nhưng có thật ông là đao phủ xứ Béthune như những người kia nói không?
Chắc hắn sợ rằng cái tiếng đao phủ sẽ xua đi những việc giúp cuối cùng mà mình cầu xin, kẻ bị nạn vội vàng nói:
- Nghĩa là tôi đã làm nghề ấy, nhưng bây giờ thì không làm nữa tôi đã bỏ nghề mười lăm năm rồi. Tôi vẫn còn dự những cuộc hành quyết, nhưng tự tôi không làm, ồ, không!
- Vậy là ông kinh sợ cái nghề của ông à?
Gã đao phủ buông một tiếng thở dài, rồi nói:
- Chừng nào mà tôi còn hạ thủ nhân danh pháp luật và công lý thì cái nghề của tôi vẫn cho tôi ngủ yên vì được núp dưới bóng công lý và luật pháp. Nhưng từ cái đêm khủng khiếp mà tôi được dùng làm công cụ cho một cuộc trả thù riêng và tôi đã vung dao với lòng căm ghét lên một tạo vật của Chúa, thì từ ngày ấy…
Gã đao phủ ngừng lời và lắc đầu một cách tuyệt vọng.
Mục sư ngồi ở chân giường kẻ bị thương bắt đầu quan tâm đến câu chuyện kể ra một cách thật lạ lùng.
Với tất cả sức bật của một nỗi đau khổ từ lâu dồn nén lại nay cuối cùng bộc lộ ra, kẻ sắp lìa đời kêu lên:
- Ôi, tôi cũng đã cố dập tắt nỗi hồi hận bằng hai mươi năm làm việc thiện; tôi đã lột bỏ tính tàn bạo tự nhiên cho những kẻ đổ máu; trong mọi cơ hội, tôi đã liều thân để cứu tính mạng của những kẻ lâm nguy và tôi đã giữ gìn cho cõi trần những kiếp người để đổi lại những kiếp sống mà tôi đã cướp đi. Chưa phải đã hết: của cải thu được trong việc hành nghề của tôi, tôi đem chia cho những kẻ nghèo. Tôi chăm đi lễ nhà thờ, những người trước lẩn tránh tôi đã quen nhìn tôi. Mọi người đã tha thứ cho tôi, vài người còn yêu mến tôi nữa. Nhưng tôi chắc rằng Chúa đã không tha thứ cho tôi vì rằng cái kỷ niệm về cuộc hành quyết ấy cứ theo đuổi tôi mãi, và dường như đêm nào tôi cũng thấy hiện lên trước mặt tôi quái tượng của người đàn bà ấy.
- Một người đàn bà! Thế ra ông đã ám sát một người đàn bà? - Mục sư kêu lên.
- Thì ra ông cũng vậy? - Gã đao phủ nói - Ông đã dùng một từ nó vang bên tai tôi: ám sát? Vậy là tôi đã ám sát, chứ không phải hành quyết. Vậy tôi là một kẻ sát nhân, chứ không phải là một kẻ xử tội!
Hắn nhắm mắt lại và buông ra một tiếng rên rỉ. Hẳn là sợ hắn chết mà không nói thêm được gì, mục sư vội vàng bảo:
- Tiếp tục đi, tôi không biết gì về chuyện đó cả. Khi nào ông kể hết, Chúa và tôi sẽ phán xử.
Như sợ mở mắt ra là lại trông thấy một vật gì đó hãi hùng, gã đao phủ vẫn nhắm mắt kể tiếp:
- Ôi thưa cha, nhất là ban đêm mà tôi đi qua sông thì nỗi kinh hoàng mà tôi không thể thắng nổi lại càng tăng gấp bội; lúc ấy bàn tay tôi nặng trĩu cứ như vẫn còn cầm thanh đao; nước sông trở thành màu máu, và tất cả những tiếng nói của thiên nhiên, tiếng cây cối xào xạc, tiếng gió thổi rì rào, tiếng sóng vỗ ì ộp, tất cả hoà thành một tiếng khóc than, tuyệt vọng, kinh hồn thét vào tai tôi: "Hãy để cho công lý của Thượng đế phán xử"
- Mê sảng? - Mục sư lẩm bẩm và lắc đầu.
Đao phủ mở choàng mắt, cố xoay mình về phía mục sư và nắm lấy cánh tay mà nói:
- Mê sảng, ông bảo thế à? Ồ, không đâu, vì rằng đó là buổi tối, vì rằng tôi đã ném xác người ấy xuống sông, vì rằng những lời lẽ mà niềm hối hận nhắc lại với tôi những lời lẽ ấy chính tôi đã thốt ra trong niềm kiêu hãnh; sau khi là công cụ của công lý con người, tôi tưởng rằng mình đã trở thành công cụ của công lý Thượng đế!
- Nhưng này, chuyện ấy xảy ra thế nào nhỉ? - Mục sư hỏi.
- Vào một buổi tối một người đàn ông đến tìm tôi, đưa cho tôi xem một tờ lệnh, tôi đi theo ông ta. Bốn vị lãnh chúa khác chờ tôi. Họ che mặt tôi và dẫn tôi đến. Tôi vẫn dành quyền phản đối, nếu như công việc mà họ bắt tôi làm tỏ ra không đúng. Chúng tôi đi chửng năm sáu dặm đường, buồn thảm, lặng lẽ và hầu như chẳng nói một lời. Cuối cùng qua cửa sổ một căn nhà tranh nhỏ, họ trỏ cho tôi trông thấy một người đàn bà đang ngồi tì tay lên bàn và bảo tôi: "Đó là người cần phải hành quyết".
- Kinh khủng! - Mục sư nói. - Và ông đã tuân theo?
- Thưa cha, người đàn bà ấy là một con quái vật: người ta nói mụ đã đầu độc người chồng thứ hai của mình mưu toan ám sát anh chồng mình, ông này cũng có mặt trong số những người ở đây; mụ vừa mới đầu độc chết một thiếu phụ trẻ là tình địch của mụ, và người ta còn nói là trước khi rời nước Anh, mụ còn sai người đâm chết vị sủng thần của vua.
- Buckingham? - Mục sư kêu lên.
- Phải, Buckingham, đúng thế.
- Người đàn bà ấy là người Anh phải không?
- Không, là người Pháp, nhưng lấy chồng ở Anh.
Mục sư tái mặt đi và lau mồ hôi trán, rồi ra cài chốt cửa lại. Đao phủ tưởng gã bỏ rời mình lại nằm vật ra giường mà rên rỉ.
- Không, không, tôi đây - mục sư nói và vội vàng trở lại bên giường. - Kể tiếp đi, những người đàn ông ấy là ai?
- Một là người ngoại quốc, người Anh thì phải. Bốn người kia là người Pháp và mặc binh phục ngự lâm quân.
- Tên họ là gì? - Mục sư hỏi.
- Tôi không biết. Song bốn vị công hầu kia gọi người Anh là Milordr.
- Người đàn bà ấy có đẹp không?
- Trẻ và đẹp! À phải, nhất là đẹp. Tôi vẫn còn như trông thấy bà ta lúc quỳ dưới chân tôi, bà ta cầu nguyện, đầu ngửa ra đằng sau. Từ đấy tôi không bao giờ hiểu nổi làm sao mà tôi lại chém một cái đầu xinh đẹp và tái xanh đến thế.
Mục sư như bị một nỗi xúc động lạ lùng: chân tay run lên bần bật; miệng muốn hỏi một câu mà không dám.
Cuối cùng sau một cố gắng mãnh liệt, gã nói:
- Tên người đàn bà ấy là gì?
- Tôi không biết. Như tôi đã nói, bà ta lấy chồng hai lần. Một lần ở Pháp, một lần ở Anh.
- Ông bảo bà ta còn trẻ à?
- Hai mươi lăm tuổi.
- Xinh đẹp à?
- Mê hồn.
- Tóc hoe vàng?
- Phải.
- Tóc rậm phải không, và xoã xuống ngang vai?
- Phải.
- Mắt có nét biểu hiện tuyệt vời phải không?
- Khi nào bà ta muốn. Ồ, phải đúng như thế.
- Giọng nói dịu dàng kỳ lạ.
- Làm thế nào mà ông biết được.
Đao phủ chống tay lên giường và đưa mắt kinh hãi nhìn chằm chằm vào mục sư đang tái nhợt đi.
- Và ông đã giết bà ta? - Mục sư nói - Ông đã làm công cụ cho những kẻ hèn nhát ấy, chứng không dám tự mình giết bà ta! Ông đã không thương hại cái tuổi trẻ ấy, cái nhan sắc ấy, cái sự yếu đuối ấy!
- Ông đã giết người đàn bà ấy!
- Than ôi! - đao phủ lại nói, - Thưa cha, tôi đã nói rằng người đàn bà ấy, dưới cái vỏ thiên thần ấy, che giấu một linh hồn địa ngục, và khi tôi trông thấy mụ ấy, khi tôi nhớ lại tất cả những tội ác mà mụ ta đã gây ra với bản thân tôi…
- Với ông à? Thế bà ta đã có thể làm gì với ông? Nào!
Mụ ta đã quyến rũ và làm hại em tôi là một linh mục mụ cùng với hắn trốn khỏi tu viện.
- Với em ông à?
- Phải. Em trai tôi là tình nhân đầu tiên của mụ, mụ là nguyên nhân cái chết của em tôi. Ôi, thưa cha, xin cha đừng nhìn tôi như vậy! Ôi! Vậy tôi là kẻ phạm tội ư? Ôi! Cha không tha thứ cho tôi ư?
Mục sư sửa lại nét mặt cho nghiêm và nói:
- Có chứ, có chứ! Tôi sẽ tha thứ cho ông, nếu ông kể cho tôi nghe tất cả!
- Ôi! - Đao phủ kêu. - Tất cả! Tất cả! Tất cả!
- Thế thì hãy trả lời. Nếu như bà ta đã quyến rũ em ông… ông nói là bà ta quyến rũ em ông chứ gì?
- Vâng.
- Thể thì ông phải biết rõ tên thời con gái của bà ta chứ?
- Ôi lạy Chúa! - gã đao phủ kêu lên! - Hình như tội sắp chết đến nơi rồi. Xá tội, cha ơi! Xá tội!
- Hãy nói tên bà ta! - Mục sư bảo. - Và ta sẽ xá tội cho.
- Bà ta tên là… lạy Chúa hãy thương con? - đao phủ lầm bầm. Và hắn nằm vật ra giường, tải mét, rùng mình như người sắp chết hẳn.
Gã mục sư cúi mình xuống tên đao phủ như muốn dứt ra cái tên ấy từ lưỡi hắn nếu hắn không muốn nói.
Gã bảo:
- Tên bà ta là gì? Tên bà ta!… Nói đi nếu không thì không có xá tội gì hết.
Kẻ sắp chết như gom hết sức mình lại.
Cặp mắt mục sư lóe sáng.
- Anne de Bueil? - kẻ bị thương lẩm bẩm.
- Anne de Bueil! - Mục sư kêu lên và vừa đứng bật dậy vừa giơ hai tay lên trời, - Anne de Bueil? Mi nói đúng Anne de Bueil phải không?
- Phải, phải, chính tên bà ta, và bây giờ hãy xá tội cho tôi, vì tôi đang chết đây.
- Ta xá tội cho mi! - Gã mục sư kêu lên với một cái cười ghê rợn làm dựng đứng tóc gáy kẻ sắp chết. - Ta xá tội cho mi ư? Ta không phải là linh mục?
- Ông không phải là linh mục ư? - Tên đao phủ kêu lên - Thế ông là vậy?
- Ta sẽ nói cho mi biết, tên khốn kiếp!
- Ôi, lạy Chúa! Lạy chúa!
- Ta là John Francis de Winter!
- Tôi không biết ông? - Đao phủ nói.
- Đợi đấy, đợi đấy mi sẽ biết về ta: ta là John Francis de Winter; còn người đàn bà ấy….
- Sao! Người đàn bà ấy…?
- Là mẹ của ta.
Tên đao phủ thét lên tiếng kêu thứ nhất, tiếng kêu khủng khiếp mà người ta nghe thấy trước tiên.
- Ôi! Hãy tha thứ cho tôi, hãy tha thứ cho tôi - hắn lẩm bẩm, - nếu không phải là nhân danh Chúa thì ít ra là nhân danh ông, nếu không phải là với tư cách linh mục thì ít ra với tư cách con trai bà.
- Tha thứ cho mi ư? - Gã mục sư quát - Tha thứ cho mi ư? Chúa có lẽ làm như vậy, nhưng ta thì không bao giờ?
- Vì lòng thương, - tên đao phủ vừa nói vừa giơ tay về phía gã.
- Không có lòng thương đối với kẻ đã không có lòng thương. Mi hãy chết mà không được sám hối, chết tuyệt vọng và bị đày xuống địa ngục!
Rồi rút từ trong áo dài ra một con dao găm, hắn đâm vào ngực tên đao phủ mà nói:
- Này, xá tội của ta đây!
Đó là lúc người ta nghe tiếng kêu thứ hai yếu ớt hơn tiếng kêu thứ nhất và kèm theo một tiếng rên rỉ dài.
Tên đao phủ nhổm người lên, rồi ngã vật xuống giường. Còn gã mục sư chẳng rút con dao ra khỏi vết thương, chạy tới cửa sổ, mở ra, nhảy xuống vườn hoa, tuồn ra chuồng ngựa, chộp lấy con la, chuồn ra cổng sau, phóng một mạch cho đến một khóm rừng, cởi bỏ cái áo mục sư, lấy ở va-li ra một bộ đồ kỵ sĩ mặc vào, đi bộ đến bưu trạm gần nhất, lấy một con ngựa và dong cương phóng thẳng trên con đường về Paris.


Nguồn: http://vnthuquan.net/