Ở trong cung Hạ Thanh núi Lao Sơn có cây nại đông cao hai trượng, thân lớn mươi chét tay, cây mẫu đơn cao hơn trượng, khi trổ hoa rực rỡ như gấm. Thư sinh họ Hoàng ở Mục Châu làm nhà ở đấy để đọc sách.
Một hôm ngồi trong cửa sổ trông ra thấy một cô gái áo trắng thấp thoáng trong đám hoa, bụng nghĩ trong đạo quán sao lại có người như thế được, vội chạy ra thì đã trốn mất. Từ đó thường thấy luôn. Bèn nấp trong bụi cây, đợi người ấy tới. Chẳng bao lâu cô gái ấy lại cùng một người mặc xiêm hống nữa đến. Từ xa trông tháy cả hai đều tuyệt đẹp, đi tới gần thì cô xiêm hồng lùi bước nói:
- Ở đây có người.
Chàng bèn đứng vùng dậy, hai cô sợ hãi bỏ chạy, áo quần phấp phới, thoang thoảng hương thơm. Đuổi theo quá bứa tường ngắn thì đã biến mất tăm. Chàng ái mộ hết sức, nhân đó đề bài thơ lên thân cây rằng:
Tưởng nhớ bao đau khổ
Tần ngần ngóng trước song
Gặp tay Sa Trá Lợi
Đâu còn thấy Vô Song (1)
Về phòng học ngồi mơ tưởng, chợt một bóng thiếu nữ bước vào. Chàng vừa mừng vừa ngạc nhiên, đứng dậy đón chào. Người cười nói:
- Chàng hùng hổ như giặc, khiến người ta hoảng sợ, ai hay cũng là người tao nhã, có gần cũng không hại gì.
Chàng bèn hỏi qua thân thế, cô gái đáp:
- Thiếp tiểu tự là Hương Ngọc, người chốn bình khang, bị đạo sĩ nhốt ở trong núi này, thực không phải là ý nguyện.
Chàng hỏi:
- Đạo sĩ tên là gì? Tôi sẽ rửa hờn cho nàng.
Cô gái nói:
- Bất tất. Hắn ta cũng chưa dám ép buộc gì. Mượn nơi này để cùng khách hào hoa làm chốn gặp gỡ vắng vẻ kể cũng hay.
Chàng nói:
- Cô gái mặc áo hồng là ai thế?
Đáp:
- Chị ấy tên là Giáng Tuyết, chị kết nghĩa của thiếp.
Bèn ôm nhau đi nằm. Khi tỉnh giấc trời đã rạng đông. Nàng vội đứng dậy nói:
- Ham vui quên cả trời đã sáng.
Mặc áo, đi giày xong lại nói:
- Thiếp xin khẩu chiếm đáp lại chàng bài thơ, chớ có cười nhé:
Chóng hết đêm vui thế
Vừng đông đã dọi song
Muốn như đôi én nọ
Cùng chốn đậu song song.
Chàng nắm cổ tay nói:
-Nàng đã đẹp lại thông minh, khiến người ta yêu quên chết. Một ngày xa nhau như cách biệt ngàn năm, nàng lúc nào rỗi cứ lại, đừng đợi đêm nữa.
Nàng nhận lời. Từ đó sớm tối cùng nhau. Chàng vẫn thường bảo mời Giáng Tuyết, mà nàng không thấy đến, nên lấy làm buồn bực. Nàng nói:
- Chị Giáng Tuyết là người lạnh lùng, không si tình như thiếp. Cứ thong thả để thiếp khuyên nhủ, không việc gì phải vội.
Một hôm nàng buồn thảm bước vào nói rằng:
- Chàng không giữ được đất Lũng mà còn mong lấy được đất Thục ư (2)? Thôi từ nay xin vĩnh biệt.
Chàng hỏi đi đâu thì lấy tay áo lau nước mắt rồi nói:
- Cũng do số mệnh cả, không thể nói cùng chàng được. Câu thơ ngày trước này thành lời sấm:
Người đẹp vào tay Sa Trá Lợi
Nghĩa sĩ đâu còn Cổ Áp Nha.
Đem vịnh cảnh ngộ thiếp thế mà đúng.
Gạn hỏi nàng không chịu nói, chỉ nức nở khóc, suốt đêm không ngủ. Sáng dậy đi sớm. Chàng lấy làm lạ. Hôm sau có họ Lam người ở Tức Mặc, vào cung quán vãn cảnh, thấy cây bạch mẫu đơn, thích ý đào lên mang đi. Chàng mới hiểu ra rằng Hương Ngọc là tinh của hoa vậy, buồn rầu mãi không thôi.
Cách vài hôm nghe nói họ Lam đem hoa về trồng , càng ngày càng héo, chàng lại càng ân hận, làm năm mươi bài thơ khóc hoa, ngày ngày đến viếng chỗ hố đào, nước mắt tuông rơi đầm đìa.
Một hôm đi vãng cảnh quay về, xa xa thoáng thấy cô gái mặc áo hồng đứng khóc bên hố đất. Chàng thong thả đi đến gần, nàng cũng không trốn tránh, nhân níu vạt áo, nhìn nhau rưng rưng nước mắt, rồi mời vào nhà. Nàng cũng đi theo than rằng:
- Chị em với nhau từ tấm bé, một sớm chia lìa, thấy chàng thương cảm, thiếp cũng mủi lòng nước mắt rơi xuống suối vàng may ra cảm thấu lòng thành mà tái sinh chăng? Nhưng lẻ chết đi thần khí đã tan, trong chốc lát làm sao có thể cùng hai chúng ta cười nói được.
Chàng nói:
- Tiểu sinh phận bạc, làm hại tới người yêu, thực không có phúc được cả hai người đẹp. Ngày trước nhiều lần nhờ Huơng Ngọc đạo đạt lòng thành, sao cô nương không hạ cố?
Nàng nói:
- Thiếp cho rằng bọn học trò trẻ tuổi, mười người thì có chín người là phường bạc hãnh, có biết đâu chàng là khách chung tình. Tuy nhiên thiếp cùng chàng giao hảo, xin lấy chữ tình, không lấy chữ dâm, còn như đêm ngày suồng sả thì thiếp không kham được.
Nói xong xin từ biệt. Chàng nói:
- Phải xa Hương Ngọc lâu ngày bỏ cả ăn cả ngủ. Nhờ nàng ở lại đây chốc lát cho khuây khỏa nỗi nhớ, sao lại quyết liệt như vậy?
Nàng bèn ở lại, hết đêm ra về, mấy ngày sao không trở lại. Một hôm mưa lạnh bên ngoài, chàng nhớ thương Hương Ngọc, trằn trọc trên giường lệ đẫm chăn gối, bèn xốc áo đứng lên, khêu đèn cầm bút vịnh một bài thơ nối theo vần trước:
Nhà núi chiều mưa lạnh,
Buông rèm tựa trước song.
Người tương tư chẳng thấy,
Đêm nhỏ lệ song song.
Làm xong thơ tự ngâm nga, chợt có tiếng người ngoài cửa sổ:
- Có xướng tất phải có họa chứ.
Nghe chính là Giáng Tuyết, mở cửa mời vào. Nàng xem thơ xong nối vần liền:
Chung gối người đâu nhỉ?
Đèn le lói rọi song.
Một mình nơi núi thẳm,
Đổi bóng bỗng thành song.
Chàng đọc thơ, hai hàng nước mắt tuôn rơi, nhân trách nàng thưa gặp mặt. Nàng nói:
- Thiếp không thể nồng nàn như Hương Ngọc được, chỉ có thể an ủi chàng khuây cảnh tịch mịch đôi chút thôi.
Chàng muốn cùng nàng chăn gối. Nàng nói:
Niềm vui gặp gỡ, đâu phải vì chuyện đó.
Từ đó, cứ lúc nào chàng thấy quạnh hiu thì nàng lại đến. Đến thì yến ẩm xướng họa, có khi không ở lại ngủ đêm, tan tiệc rồi là về. Chàng cũng chiều theo, thường bảo nàng:
- Hương Ngọc là vợ yêu của ta, Giáng Tuyết là bạn tốt của ta.
Mỗi lần gặp lại hỏi:
- Nàng là cây thứ mấy trong viện, xin sớm bảo cho biết, anh sẽ mang về trồng ở trong nhà, khỏi bị bọn ác cướp đi mất như Hương Ngọc, để hận lại suốt đời.
Giáng Tuyết đáp:
- Chốn cũ khó dời, nói cho chàng biết cũng vô ích. Vợ còn chẳng giữ được, huống hồ là bạn.
Chàng không nghe, kéo tay cùng đi ra, đến mỗi cây mẫu đơn lại hỏi:
- Có phải nàng đây không?
Nàng không nói gì, chỉ bưng miệng cười.
Cuối năm chàng về quê ăn tết. Vào khoảng tháng hai, chợt nằm mơ thấy giáng Tuyết đến, buồn rầu nói:
- Thiếp gặp nạn lớn, chàng hãy mau trở lại, may còn được gặp nhau, nếu chậm là không kịp nữa.
Tỉnh dậy lấy làm lạ, vội bảo ngưòi nhà lấy ngựa, ruổi lên núi ngay; đến nơi thấy đạo sĩ sắp làm nhà, có cây nại đông vướng chỗ xây cất, thợ mộc sắp chặt bỏ đi. Chàng liền cản lại (3). Đến đêm, Giáng Tuyết vào tạ ơn. Chàng cười bảo:
Trước kia không nói thực nên gặp nạn này. Bây giờ biết đích nàng rồi, nếu không tới tôi sẽ lấy mồi ngải đốt cứu cho mà coi.
Nàng đáp:
- Thiếp vốn biết thế, nên trước kia mới không dám nói đấy.
Ngồi một lát,chàng nói:
- Nay ngồi với bạn tốt, lại càng nhớ vợ đẹp. Lâu không đi viếng Hương Ngọc, bây giờ nàng có thể cùng tôi đến viếng được chăng?
Hai người bèn đi đến bên hố đất mà khóc. Đến lúc sắp tan canh một, Giáng Tuyết lau nước mắt khuyên chàng thôi, rồi ra về. Cách vài ngày sau chàng đang ngồi một mình buồn bã, Giáng Tuyết tười cười bước vào bảo rằng:
- Có tin mừng báo chàng hay. Thần hoa cảm động vì lòng chí tình của chàng, cho Hương Ngọc tái sinh ơởtrog cung này.
Chàng mừng hỏi:
- Bao giờ?
Đáp:
- Không biết chắc nhưng cũng không lâu nữa.
Trời sáng bước xuống giường, chàng bảo nàng:
- Tôi vì nàng mà đến đây, chớ để người ta chịu hiu quạnh lâu nhá!
Nàng cười gật đầu. Hai ngày không thấy đến, chàng bèn đi đến ôm lấy thân cây, vuốt ve lay động, gọi tên Giáng Tuyết mấy lần, không nghe tiếng gì đáp lại. Bèn ra về ngồi trước đèn vê mồi ngải định tới đốt cây. Giáng Tuyết lật đật chạy vào, giật mồi ngải ném đi mà nói:
- Chàng hay đùa nhả, khiến người ta bị đau, phải đoạn tuyệt với chàng thôi.
Chàng cười ôm lấy nàng, vừa ngồi chưa yên thì Hương Ngọc lững thững đi vào. Chàng trông thấy từ xa đã bật khóc, vội vàng đứng lên ôm lấy nàng, Hương Ngọc giơ một tay kéo Giáng Tuyết, nhìn nhau nghẹn ngào. Đến khi ngồi xuống (4) chàng cầm tay Hương Ngọc mà cảm thấy trống không như tự nắm tay mình, nên rất ngạc nhiên hỏi nàng. Hương Ngọc ứa nước mắt nói:
- Ngày trước thiếp là thần hoa cho nên thể chất ngưng tụ, nay thiếp là ma nên thể chất hư tán, chàng đừng nên coi là chân tướng, chỉ nên coi là người trong mộng thôi.
Giáng Tuyết nói:
- Em lại đây tốt quá; chị bị chồng em quấy quả lằng nhằng muốn chết.
Nói rồi liền cáo thoái.
Hương Ngọc vẫn âu yếm như xưa, song lúc tựa kề nhau, phảng phất như là một hình tựa bóng.Chàng bần thần không vui , Hương Ngọc cũng bâng khuân tủi hận, bèn dặn:
- Chàng lấy ít bột bạch liễm trộng với ít lưu hoàng đem vun bón và mỗi ngày tưới một chén nướ cho thiếp, đến ngày này sang năm sẽ đền ơn chàng.
Nói đoạn cũng từ biệt mà đi.
Hôm sau ra xem chỗ cũ thấy có một nhánh mẫu đơn mới mọc, chàng bèn làm theo lời dặn, ngày nào cũng vun tưới, lại làm hàng rào vây quanh để giữ gìn. Hương Ngọc đến bội phần cảm kích. Chàng bàn dời cây, mang về nhà. Nàng không chịu, nói:
-Thiếp vốn thể chất yếu đuối, không chịu được cảnh đào lên trồng xuống. Vả lại mọi vật sinh ra đều có nơi có chốn cả, thiếp từ trước vốn không tính sinh ở nhà chàng, làm trái đi sợ giảm tuổi thọ; nhưng nếu có thương yêu nhau thì thế nào cũng sum họp.
Chàng hận Giáng Tuyết không đến. Hương Ngọc nói:
- Nếu muốn cưỡng bức bắt đền, thiếp có thể làm được.
Bèn bảo chàng khêu đèn lên, đến dưới gốc cây, lấy một cuộn cỏ, lấy gang tay làm cữ, rồi đo từ dưới lên, đến bốn thước sáu tấc đánh dấu vào chỗ đó, bảo chàng lâý hai móng tay gãi. Giây lát Giáng Tuyết từ sau thân cây đi ra cười mà mắng rằng:
- Con nhỏ này đến đây giúp Kiệt làm điều bạo ngược à? (5)
Đoạn dắt tay cùng về. Hương Ngọc nói:
- Xin chị đừng phiền trách, tạm thời nhờ chị hâù hạ chàng, một năm sau, không dám quấy rầy nữa.
Từ đó bèn đi lại như thường. Chàng ngắm chồi hoa ngày càng tốt tươi nảy nở. Hết mùa xuân đã mọc gần hai thước. Sau khi về nhà, lấy vàng bạc tặng đạo sĩ, nhờ vun tưới cho cây. Sang năm sau, tháng Tư trở lại cung quán, thấy một bông hoa hàm tiếu; đang lúc tần ngần, hoa bỗng lay động như muốn gãy, lát sau đã nở lớn như cái mâm, nghiễm nhiên có một người đẹp nhỏ xíu ngồi trong nhụy hoa, chỉ bằng ba ngón tay, nháy mắt đã nhẹ nhàng nhảy xuống, chính là Hương Ngọc. Nàng nhoẻn miệng cuời:
- Thiếp chịu mưa gió để đợi chàng, sao tới muộn thế?
Đoạn cùng vào nhà, thấy Giáng Tuyết đã đến, cười bảo:
- Ngày ngày làm vợ thay người, bây giờ may mắn lại được rút lui làm bạn.
Rồi cùng nhau ngồi chuyện trò xướng họa. Đến nửa đêm, Giáng Tuyết ra về, hai người cùng đi nằm, lại mặn nồng như xưa.
Về sau, vợ chàng mất, chàng vào ở hẳn trong núi, không về nhà nữa, bấy giờ cây mẫu đơn đã lớn bằng như cánh tay. Chàng thường chỉ vào cây và bảo:
- Ngày sau ta gửi hồn ta ở đó, sẽ mọc bên trái nàng.
Hơn mười năm sau, thốt nhiên chàng mắc bệnh, con đến thăm, nhìn mà thương xót. Chàng cười mà bảo:
- Đây là ngày ta sinh chứ không phải là ngày ta chết, sao mày lại buồn?
Lại nói với đạo sĩ:
- Sau này, dưới gốc mẫu đơn có một mầm đỏ mọc lên, mọc một lúc năm lá tức là tôi đó.
Đoạn không nói gì nữa. Con lấy xe chở về, đến nhà thì chết. Năm sau quả có một cái mầm lớn vụt mọc lên, đủ năm lá như chàng nói trước. Đạo sĩ lấy làm lạ, năng tưới vun cây ấy. Ba năm sau cao mấy thước, to một ôm, nhưng không trổ hoa.
Đến khi đạo sĩ già rồi chết đi, đệ tử không biết, nhân thấy cây không trổ hoa, đẳn bỏ đi. Cây bạch mẫu đơn cũng héo đi rồi chết. Chẳng được bao lâu, cây nại đông củng chết nốt.
Chú thích
(1) Sa Trá Lợi là một viên tướng phiên đã cướp Liễu thị, vợ Hàn Dực. Vô Song là tên một cô gái đẹp xưa, người yêu của Lưu Tiên Khách, bị lưu lạc trở thành cung nữ. Sau nhờ một nghĩa sĩ là Cổ Áp Nha giúp đỡ, lại được sum họp.
(2) Xuấ xứ từ câu nói của vua Hán Quang Vũ “Người ta khổ ở chỗ không biết thế nào là đủ. Đã dẹp được Lũng lại còn mong được cả Thục” Thục và Lũng đây ám chỉ hai người đẹp.
(3) Có bản thêm vào một câu: “biết rằng giấc mộng mới đây chính là việc này”.
(4) Có bản thêm: “ kể nỗi khổ biệt ly”.
(5)Kiệt là ông vua nổi tiếng bạo ngược ở TQ.
Trần Văn Từ, Nguyễn Chí Viễn dịch
Chuyện 50: Tiên Ông Họ Thành (Thành Tiên)
Chàng họ Chu, người Văn Đăng (1) cùng với chàng họ Thành, thuở nhỏ cùng theo đòi nghiên bút, do đó mà kết thành bạn thiết (2). Nhưng Thành nghèo, nên quanh năm nhờ vả vào Chu. So với tuổi tác thì Chu lớn hơn, nên gọi vợ Chu bằng chị dâu. Các dịp giỗ tết vẫn đi lại với nhau như một nhà. Vợ Chu sau sinh được đứa con trai thì bạo bệnh chết. Chu cưới vợ kế họ Vương; Thành lấy cớ cô còn ít tuổi nên chưa từng gặp mặt.
Một hôm em trai cô Vương đến nhà Chu thăm chị, yến tiệc mở ở ngay phòng ngủ. Thành cũng vừa đến chơi. Người nhà vào báo tin, Chu đang ngồi cho mời vào. Thành không vào từ tạ ra về. Chu phải dời bàn tiệc ra nhà ngoài, rồi chạy theo giữ, Thành mới quay lại. Vừa ngồi vào bàn thì có người vào báo, một người đầy tớ trai giữ trại cho nhà Chu bị quan huyện đánh rất đau. Nguyên trước đây, kẻ giữ trâu nhà quan lại bộ họ Hoàng để trâu xéo lên ruộng của Chu, vì thế mà đâm ra cãi nhau. Tên giữ trâu của họ Hoàng chạy về trình chủ. Chủ cho bắt đầy tớ của Chu giải lên quan, rồi bị quan phạt đòn.
Chu hỏi rõ tình đầu, nổi giận nói:
- Tên nặc nô chăn lợn (3) họ Hoàng kia sao dám làm vậy! Tổ tiên nó còn phải hầu hạ tổ phụ ta, thế mà nay mới gặp thời đác chí đã không coi ai ra gì nữa.
Giận tràn lên cổ, chàng phẫn chí vùng dậy, muốn chạy ngay đi tìm Hoàng. Thành kéo tay ngăn lại, nói:
- Giữa thời buổi bạo ngược này, làm gì phân rõ đen trắng. Huống chi quan lại ngày nay quá nửa cũng là lũ trộm cướp không cầm giáo cung đấy thôi!
Chu không nghe. Thành năn nỉ hai ba lần, đến chảy nước mắt, chàng mới chịu, nhưng uất ức vẫn không nguôi, trằn trọc suốt đêm. Sáng ra bảo gia nhân rằng:
- Họ Hoàng khinh ta quá, ta thù hận nó, nhưng hẵng để đấy đã. Còn quan huyện là quan của triều đình, chẳng phải là quan của quyền thế, nếu có chuyện tranh chấp thì cũng cần hỏi cả hai bên, chứ sao lại như con chó “suỵt” đâu chạy đấy được? Ta cũng phải làm đơn kiện đầy tớ nhà kia xem nó phân xử thế nào.
Đám gia nhân hết thảy đều vun vào, chàng bèn quyết kế, viết tờ cáo trạng gửi lên quan huyện. Quan huyện xé vứt đi. Chu uất, nói những lời xúc phạm đến quan. Quan vừa thẹn vừa căm, lấy cớ bắt chàng tống ngục.
Sáng hôm sau, Thành sang thăm Chu mới biết đã vào thành thưa kiện. Vội vàng chạy theo để ngăn lại, thì đã bị nhốt vào ngục rồi, chàng giậm chân than thở, không biết làm thế nào. Bây giờ vừa tóm được ba tên giặc biển; quan huyện và Hoàng đút lót tiền dặn chúng vu cho Chu là đồng đảng, rồi vịn vào lời khai đó mà lột bỏ mũ áo nhà nho, dùng roi tra khảo Chu một cách thảm khốc. Thành vào ngục nhìn nhau mà cay đắng. Bàn tính kêu lên tận cửa khuyết. Chu bảo:
- Nay thân đã bị xiềng trong cũi, giống như chim trong lồng; dẫu còn một chú em yếu hèn thì cũng chỉ làm được việc đưa cơm tu mà thôi.
Thành sốt sắng tự nhận lấy, nói rằng:
- Đây là phận sự của tôi. Khó khăn không giúp nhau thì còn gọi là bạn bè làm gì.
Rồi chàng lên đường ngay. Em trai Chu định đưa tiền lộ phí đi thì đã đi lâu rồi.
Đến kinh chưa biết cửa nào vào mà kêu thì nghe đồn xa giá sắp sửa đi săn. Thành dự tính nấp sẵn trong khu chợ gỗ. Chốt lát xa giá đi qua, chàng ra sụp lạy kêu van thảm thiết. Sớ bèn được chuẩn, giao cho các trạm chuyển về để bộ viện cứu xét và tâu lên. Bấy giờ đã trải qua hơn mười tháng, Chu đã bị ghép bừa vào tội hình. Pháp viện tiếp được ngự phê cả sợ, phải cho tra xét lại cả lời cung lẫn nghị án. Hoàng cũng sợ mưu giết Chu. Nhân đó hối lộ cho cai ngục, để chúng tuyệt hẵn đường cơm nước. Em Chu mang thức ăn vào thăm cũng bị cấm ngặt. Thành lại lên tận viện bày tỏ điều khuất khúc, Chu mới được gia ơn hỏi đến, thì đã đói lã không dậy được nữa. Quan pháp viện tức giận, cho đánh trượng cai ngục đến chết. Hoàng đâm hoảng phải dùng nghìn lạng vàng đút lót chạy vạy thoát thân, mới được bỏ qua đi một cách mập mờ. Còn quan huyện thì vì bẻ cong pháp luật phải khép tội đày.
Chu được thả về càng phục Thành can đảm. Riêng Thành từ sau khi trải qua kiện tụng, tình đời nguội lạnh như tro. Muốn rủ Chu cùng mình đi ẩn, nhưng Chu còn đắm đuối vợ trẻ, nên nghe nói thì cười chàng viễn vong. Thành tuy không đáp song y đã quyết. Sau khi chia tay, mấy ngày không thấy chàng trở lại, Chu cho người sang nhà Thành thám thính, thì người nhà cũng ngỡ chàng đang ở nhà Chu; hai nơi đều không thấy nên mới đâm ngờ. Chu biết có chuyện lạ, cho người đi tìm; chùa quán, hang hốc không đâu không dò hỏi. Thỉnh thoảng lại đem vàng lụa chu cấp cho con của bạn.
Được khoảng tám chín năm thì Thành bỗng tự tìm về. Khăn vàng áo lông, nghiễm nhiên đã có dáng dấp đạo sĩ. Chu mừng nắm tay bạn hỏi:
- Anh đi đâu để tôi tìm khắp?
Cười đáp:
- Mấy ngàn hạc nội, nào có nhất định ở đâu. Nhưng từ bấy đến nay may vẫn mạnh khỏe.
Chu sai bày tiệc rượu, kể sơ với bạn nổi niềm xa cách, có ý muốn Thành cởi bỏ áo đạo đổi lấy áo thuờng. Thành chỉ cười không nói,. Chu bảo:
- Ngu thật! Sao có thể bỏ vợ bỏ con như bỏ cái chổi cùn được.
Thành cười mà rằng:
- Không phải thế! Người định bỏ ta chứ ta nào có bỏ được người.
Hỏi đến chỗ ở thì chỉ trả lời là trên cung Thượng Thanh núi Lao Sơn.
Tiệc xong trở về giường nằm, Chu mơ thấy Thành trần truồng nằm đè lên ngực, ngạt muốn tức thở. Gặng hỏi làm gì vậy, tuyệt nhiên không đáp. Giật mình tỉnh dậy, gọi Thành không thấy thưa, nhổm lên nhìn thì đã bỏ đi đâu mất tăm. Định thần nhìn lại mới biết mình đang ở trên giường của Thành. Sợ hãi kêu lên:
- Tối qua không say, sao mà đảo điên đến thế?
Bèn gọi người nhà. Người nhà thắp đèn lên, thì người ngồi đấy là Thành. Chu vốn nhiều râu, lấy tay sờ thì cằm lơ thơ chẳng có mấy sợi. Vội tìm gương soi, lạ lẫm thốt lên:
- Thành sờ sờ ở đây, thế thì mình đi đâu rồi?
Nói xong vụt hiểu ra, Tành sùng ảo thuật để gọi mình đi ẩn. Muốn về thăm vợ (4) nhưng người em thấy dung mạo khác anh ngăn lại không nghe. Chu cũng không cớ cách gì biện bạch, liền sai sắp ngựa và đầy tớ để đi tìm Thành.
Mấy ngày sau, đến núi Lao Sơn. Ngựa chạy nhanh đầy tớ theo không kịp. Chu tạm nghỉ dưới gốc cây, thấy những người khách mặc áo lông chim (5) qua lại rất đông. Một đạo nhân trong số đó đưa mắt nhìn Chu. Chu nhân dịp hỏi thăm về Thành thì đạo sĩ cười đáp: Cũng có nghe anh. Hình như ở trên cung Thượng Thanh thì phải.
Nói xong đi ngay. Chu đưa mắt nhìn theo thì thấy ông ta đi ước chừng ngoài một tầm tên bắn, dừng lại chuyện trò với một người nào đấy nhưng cũng chỉ dăm câu rồi đi luôn. Người vừa chuyện trò với đạo sĩ dần dần đi đến, thì ra là người học trò cùng làng. Thấy Chu, anh ta kinh ngạc kêu lên:
- Bao năm không gặp, nghe người ta nói anh lên non học đạo, thế mà nay còn dạo chơi cõi trần tục được ư?
Chu kể lại chuyện đổi lốt kỳ dị của mình; chàng kia hốt hoảng nói:
- Thế thì tôi vừa gặp anh ta kia mà cứ ngỡ là anh. Mới đi chưa được bao lâu, chắc cũng không xa đây lắm.
Chu kinh dị nói:
- Quái thật! Sao lại mặt mũi của mình mà mình vừa nhìn tận mặt cũng không nhận ra được?
Đầy tớ cũng vừa tìm tới, vội gấp gáp đuổi theo, nhưng rốt cuộc dấu vết vẫn mất hút. Nhìn lên phía trước chỉ thấy mịt mù xa tắp tiến thoái không còn biết đường nào mà tính. Tự nghĩ còn nhà đâu nữa mà về. Bèn quyết ý đuổi theo đến cùng. Mà đường thì quá cheo leo hiểm trở, không thể đi ngựa được nữa, đành giao ngựa cho đầy tớ dắt về, một mình thất thiểu đi tiếp.
Bỗng đâu xa xa nhác thấy một cậu tiểu đồng ngồi lẻ loi, vội đến gần hỏi đường, và nói rõ duyên cớ.Tiểu đồng tự nhận là đệ tử của Thành, thân mang giúp áo quần, lương thực dẫn chàng cùng đi. Nằm sương gối đất, vượt muôn dặm hành trình ba ngày mới tới, thì hóa ra Thượng Thanh lại chẳng phải như lời thế giam vẫn đồn. Bấy giờ đã là giữa tháng mười thế mà hoa rừng nở đầy lối đi, chẳng có vẻ gì là đầu mùa đông.
Tiểu đồng vào báo tin khách đến, Thành vội vàng chạy ra, chàng mới nhận ra được hình dáng của mình. Cầm tay dắt vào bày tiệc rượu chuyện trò yếm ẩm. Chu thấy nhiều giống chim sắc màu kỳ dị, dạn dĩ không sợ người, thường đến đậu ngay chỗ ngồi mà hót, tiếng nghe như đàn sáo, trong lòng rất lấy làm lạ. Nhưng lòng trần còn vấn vít, không có ý muốn lưu lại. Dưới đất trải hai tấm bồ đoàn, Thành kéo Chu cùng ngồi. Quá canh hai, muôn vàn lo nghĩ đều lắng xuống, vừa chợp mắt một cái, bỗng cảm thấy giữa mình và Thành thân hình lại có sự trao đổi. Ngờ vực, đưa tay sờ cằm, thì lại rậm râu như cũ.
Sáng ra, hăng hái muốn về ngay. Thành cố giữ lại, sau ba ngày mới bảo:
- Xin cứ ngủ một lúc, sáng mai sẽ đưa anh về.
Mới thiu thiu thì đã nghe tiếng Thành gọi: “Hành trang đã sẵn rồi!” Bèn trở dậy theo đi. Con đường lần này khác xa lối cũ. Chưa được bao lâu đã cảm thấy làng quê hiện ra trong tầm mắt. Thành ngồi lại bên đường đợi, bảo Chu cứ về. Chu cố nài không được, đành lầm lũi đi về. Đến trước cổng nhà, gõ không thấy thưa, đang định trèo tường vào thì cảm thấy thân nhẹ tựa như chiếc lá, nhảy một cái phóc qua tường ngay. Vượt qua mấy lớp tường thấp mới tới phòng ngủ. Bên trong đèn đuốc sáng trưng, vợ mình vẫn chưa ngủ, đang trò chuyện thì thầm với ngưòi nào đấy. Chàng dùng lưỡi nhấm giấy dán cửa sổ, khẽ nhòm vào, thì cô vợ đang ngồi cùng một tên đầy tớ vai u thịt bắp (6) chuốc rượu cho nhau, bộ dạng rất lả lơi. Lửa giận bốc lên, đã toan xông vào bắt, lại sợ thế cô thắng không nổi, bèn lẳng lặng nhảy ra khỏi cửa, chạy đến báo với Thành, nhờ giúp một tay, Thành khảng khái nhận lời, cùng đi thẳng tới buồng ngủ của vợ. Chu nhấc một hòn đá đập cửa. Bên trong hoảng sợ rối rít. Cửa càng đập gấp, trong càng cài chặt. Thành rút gươm đưa một nhát, cửa bậc tung ra. Chu ập vào, tên đầy tớ vùng chạy ra cửa. Thành đứng ngoài cửa dùng kiếm chém, đứt lìa cánh tay đến tận vai. Chu bắt vợ ra tra khảo, mới biết nàng tư thông với đứa ở từ hồi chàng còn trong ngục. Chu mượn gươm chặt đầu vợ, treo ruột lên cành cây trước sân, rồi theo Thành quay ra, tìm đường trở về núi. Thốt nhiên giật mình tỉnh dậy, thì thân thể vẫn đang nằm trên giường. Chàng kinh ngạc nói:
- Mộng mị quàng xiên, làm mình đâm hoảng.
Thành cười đáp:
- Mơ thì anh bảo là thực, thực anh lại bảo là mơ.
Chu ngạc nhiên hỏi lại, Thành đưa gươm cho xem thì thấy vết máu vẫn còn nguyên. Chu sợ đến thất thần, nhưng lại trộm ngờ Thành bày trò ảo thuật dối gạt. Thành biết ý, bèn sắp sửa hành trang đưa chàng về.
Thấm thoát đã đến đầu làng. Thành bảo:
- Đêm đó tôi chống kiếm đợi anh, chẳng phải ở đây là gì! Tôi đã chán nhìn trò đời vẩn đục, xin lại được đợi anh ở đây. Nếu quá giờ thân anh không ra, sẽ đi một mình.
Chu đến nhà, nhìn thấy cửa ngõ tiêu điều, dường như không có người ở, bèn vòng sang nhà người em. Vừa gặp anh, em đã giàn giụa nước mắt kể lể:
- Sau khi anh đi, đang đêm cướp vào giết chị, khoét ruột thảm thương không thể tả. Đến nay quan lùng bắt chưa được.
Chu như người trong mộng chợt tỉnh, bèn đem tình thực mà nói, lại dặn đừng truy cứu nữa làm gì. Người em đứng ngây ra một lúc lâu. Chu hỏi thăm con mình. Bèn gọi vú già bế tới. Chu bảo em:
- cái vật trong bọc tã này có quan hệ đến việc nối dõi tông đường, em hãy cố mà chăm sóc. Anh nay sắp từ giã việc đời rồi.
Thế rồi đứng dậy đi ngay. Người em nước mắt lã chã, chạy theo níu lại, chỉ cười mà đi thẳng. Ra đến ngoài làng gặp lại Thành, cùng nhau đi tiếp. Khi đã xa quay đầu lại dặn:
- Sự đới nhẫn nhục là hay nhất.
Người em muốn nói thì Thành đã khoát tay áo một cái, lập tức không còn nhìn thấy đâu nữa. Đành đứng sững hồi lâu, gào khóc rồi về.
Em Chu là ngưòi vụng về chất phác, không biết dạy bảo người nhà trông nom vườn ruộng. Sống được vài năm thì nhà càng nghèo. Con trai Chu dần lớn lên, không thể đón được thầy, phải tự mình dạy cháu học. Một hôm đến thư trai vào sáng sớm, thấy một phong thư để trên án, niêm rất kỹ ngoài đề: “Em trai mở”. Nhìn xem thì đúng là nét chữ của anh. Mở ra, trống rỗng chẳng có gì, chỉ thấy một cái móng dài chừng hai đốt tay. Bụng lấy làm kỳ quái. Đặt móng tay lên nghiên mực rồi bước ra, hỏi người nhà thư ở đâu gửi tới, song không ai biết cả. Quay trở lại nhìn thì thấy nghiên đá sáng chói, đã hóa thành vàng. Vô cùng kinh ngạc. Đem đặt thử lên đồng, sắt đều như thế cả. Từ đấy giàu to. Đem ngàn vàng giúp cho con Thành. Vì thế, thiên hạ đồn rằng hai nhà này có thuật điểm kim.
Chú Thích
(1) Văn Đăng: một huyện thuộc tỉnh Sơn Đông.
(2) Nguyên văn “chữ cứu giao” là một điển cố chỉ sự kết thân không kể sang hèn. Chúng tôi dịch thoát. (là người dịch)
(3) Nguyên văn “mục trư nô” thường gọi thô tục cho dân cờ bạc.
(4) Vì phòng “trai” tức là nhà học, thường cất cách biệt với nhà ở, cho nên ở đây nói là về thăm vợ.
(5) Chỉ theo Đạo giáo. điển cố này bắt nguồn từ biệt hiệu Kim Môn Vũ Khách của đạo sĩ Đàm Từ Tiêu thời Nam Đường.
(6) Nguyên văn “ty bộc” là hạng đầy tớ dùng vào việc lạo động nặng nhọc như chặt củi, nuôi ngựa.
Nguyễn Huệ Chi dịch
Chuyện 51: Tịch Phương Bình
Tịch Phương Bình người Đông An (1) , cha tên là Liêm, thẳng tính nhưng nói vụng; nhân cùng một người nhà giàu họ Dương trong làng có chuyện hiềm khích. Họ Dương chết trước, mấy năm sau Liêm mắc bệnh nguy kịch, bảo mọi người rằng:
- Lão Dương nay đang lo lót ở dưới âm ty, sai người bắt tôi.
Được một chốc, mình mẩy tấy đỏ lên, kêu gào mấy tiếng rồi chết. Tịch buồn thảm, không ăn, nói:
- Cha tôi thực thà chất phác, nay bị loài quỷ dữ lăng nhục, tôi phải đánh đường xuống đất thân oan cho cha mới được.
Từ bấy giờ không nói năng gì nữa, lúc thì ngồi, lúc lại đứng, tình trạng giống hệt như người ngây, thì ra hồn đã lìa khỏi xác.
Thoạt đầu, Tịch cảm thấy mình ra khỏi cửa, không biết đi đâu. Nhìn trên đường thấy có người đi, bèn hỏi thăm đâu là thành quách của ấp. Một lát, vào đến thành thì cha mình đã bị giam vào ngục. Đi đến cửa ngục, xa xa trông thấy cha mình đang ngồi dưới thềm, có vẻ khổ sở lắm. Ngước lên nhìn thấy con, nước mắt ông bỗng trào ra, liền gọi:
- Quan lại ngục đứa nào cũng nhận hối lộ cả, và được rỉ tai trước cả, nên ngày đêm đánh đập tra khảo, đùi vế dập náp đến tệ hại.
Tịch nổi nóng lớn tiếng mắng quân canh ngục:
- Nếu như cha ta có tội, thì đã có phép vua, đồ quỷ chết rấp chúng bay há lại có thể hoành hành như thế được sao?
Mắng rồi bèn trở ra, kiếm giấy bút làm đơn. Vừa gặp thiên hầu buổi sớm của hoàng thành (2), chàng đệ đơn lên kêu oan. Họ Dương sợ, đút lót từ trong đến ngoài, rồi mới ra công đường đối chất. Thành hoàng lấy cớ lời tố cáo của Tịch không có bằng cớ, chẳng coi ra gì cả.Tịch uất ức mà không còn chỗ nào để giải bày, bèn cứ mò mẫm mà đi, chừng hơn trăm dặm thì đến quận, đem tình trạng quan lại chức dịch tư túi, trình lên viên quan đầu quận. Việc trì hoãn đến nửa tháng mới đem ra xét xử. Quan quận cho Tịch một trận đòn, rồi phê vào đơn, trả về cho thành hoàng xét lại án.
Tịch trở về ấp cũ, chịu đủ mọi thứ gông cùm, đau đớn oan ức không biết trút đi đâu cho hả. Thành hoàng sợ chàng lại kiện nữa, bàn sai nha dịch áp giải về nhà. Nha dịch đưa về đến cổng mới bỏ đi. Tịch không chịu vào, lại trốn xuống cõi âm, đến tận phủ Diêm vương, tố cáo tội tham tàn của quận và ấp. Diêm vương lập tức cho bắt cả hai đến đối chất. Hai viên qua mật sai người tâm phúc đến thương thuyết với Tịch hứa biếu tịch ngàn vàng. Tịch không nghe. Mấy hôm sau, chủ nhà trọ nói với Tịch rằng:
- Anh giữ ý khăng khăng quá, quan phủ đã cầu hòa mà cố chấp không nghe. Nay nghe đâu người nào cũng có thư riêng dâng lên Diêm vương, sợ việc hỏng mất.
Tịch cho là lời đồn vu vơ ngoài đường, cũng chưa tin lắm. Chốc lát có người mặc áo đen (3) gọi vào hầu.
Lên giữa công đường, trông thấy Diêm vương mặt có sắc giận, không nói năng gì, truyền đánh ngay hai mươi roi. Tịch xẵng giọng hỏi:
- Kẻ tiểu nhân có tội gì?
Diêm vương tảng lờ như không nghe. Tịch chịu đòn, kêu to lên:
- Phải đòn là đáng lắm! Ai bảo mi (4) không có tiền.
Diêm vương càng giận, truyền lệnh đặt lên giường lửa. Hai tên quỷ liền tóm lấy hai chân Tịch. Trông sang thềm phía đông thấy có chiếc giường sắt, lửa đốt ở phía dưới, cả mặt giường đều đỏ rực. Bọn quỷ cởi áo Tịch ra, đặt chàng nằm lên giường, đưa tay lăn qua lật lại. Đau buốt xương thịt cháy đen, khổ không chết đi được. Ước chừng hơn một giờ, quỷ bảo:
- Đủ rồi!
Bèn đỡ chàng dậy, bắt xuống giường mặc áo, may còn tập tễnh mà đi được. Lại dẫn đến trước công đường. Diêm vương hỏi:
- Còn dám kiện nữa không?
Tịch đáp:
- Oan to chưa giải, tấc lòng này vẫn không nguội lạnh; nếu nói rằng không kiện nữa chính là lừa dối đại vương thôi. Nhất định còn kiện nữa.
Lại hỏi:
- Lấy lời lẽ gì mà kiện?
Tịch đáp:
- Những cái thân tôi đang phải chịu đây, đều là lời lẽ cả đấy.
Diêm vương nổi giận, hạ lệnh dùng cưa, xẻ thân hình chàng ra. Hai tên quỷ liền kéo đi, nhìn thấy một cây gỗ dựng đứng, cao hơn tám chín thước, lại có hai tấm ván đặt ngửa ở phía dưới; từ trên xuống dưới máu còng đọng bê bết. Đang sắp chịu trói, bỗng trên công đường có tiếng gọi to:
- Họ Tịch kia!
Hai tên quỷ lại điệu chàng về ngay chỗ cũ. Diêm vương lại hỏi:
- Còn dám kiện nữa thôi?
Đáp rằng:
- Nhất định kiện nữa!
Diêm vương truyền lệnh bắt ra cửa mau. Đến dưới cây gỗ, bọn quỷ dùng hai mảnh ván kẹp Tịch vào giữa, rồi trói vào thân cây. Lưỡi cưa vừa hạ xuống, đã cảm thấy đỉnh đầu tách dần ra, đau không chịu nổi, nhưng cố nhịn đau không kêu. Nghe bọn quỷ nói với nhau:
- Gan thay anh chàng này!
Lưỡi cưa đưa xoèn xoẹt, xuống dần đến dưới ngực. Lại nghe một tên quỷ nói:
- Người này chí hiếu, không có tội gì, hãy cho lưỡi cưa lệch một tí, đừng để hại đến quả tim của hắn.
Liền cảm thấy lưỡi cưa cong chênh chếch mà ấn xuống, cang đau đớn khổ sở gấp bội. Chỉ giây lát nửa thân hình đã tách rời. Vừa cởi ván ra, hai mảnh thân đều đổ ụp. Quỷ lên công đường lớn tiếng trình báo. Trên công đường truyền gọi, bảo khớp thân thể lại rồi lên bái kiến. Hai tên quỷ tức thì đưa tay đẩy, khiến cho hai mảnh thân hợp ngay lại, rồi kéo dậy bảo đi. Tịch cảm thấy ở đường cưa đã dính liền, đau nhức nhối, chừng như lại muốn xé ra, đi nửa bước lại ngã dúi. Một tên quỷ rút ngay giải thắt lưng bằng dây tơ của mình ra, trao cho chàng, nói:
- Tặng cái này, để đền đáp lòng hiếu của ngươi.
Chàng nhận lấy đeo vào thì thân thể đột nhiên khỏe khoắn trở lại, không còn nhức nhối khổ sở chút nào. Bèn lên công đường sụp lại. Diêm vương lại vấn hỏi như trước. Tịch sợ lại tái diễn những cực hình tàn ác, đành đáp rằng không kiện nữa. Diêm vương lập tức hạ lệnh đưa chàng trở về dương gian. Sai nha đưa ra khỏi cửa Bắc chỉ vẽ đường cho chàng rồi quay đi.
Tịch nghĩ các công sở dưới cõi âm lại còn mờ ám hơn ở trên trần thế, nhưng không còn đường nào để kêu thấu đến tai thượng đế thì biết làm gì được. Thế gian vẫn truyền rằng có Nhị Lang (5) ở Quán Khâu là thân thuộc về bên ngoại Ngọc Đế. Vị thần này thông minh chính trực, đến đấy kêu tất có linh ứng khác thường. Lại mừng thầm hai tên sai nha đã đi rồi, bèn quay sang hướng Nam. Giữa lúc đang rong ruổi, bỗng có hai người đuổi theo nói:
- Đại vương ngờ ngươi không chịu về, nay quả thế thực.
Rồi tóm lấy chàng đưa trở lại yết kiến Diêm vương. Bụng nghĩ chắc Diêm vương lần này sẽ càng bực bội hơn, tai vạ lại càng thảm khốc; ấy thế mà Diêm vương không hề có sắc giận, chỉ bảo Tịch rằng:
- Lòng hiếu của ngươi thật chí thành. Nhưng nỗi oan của cha ngươi, ta đã rửa sạch cho rồi, nay đã được đầu thai vào nhà giàu sang, chẳng cần ngươi kêu nài làm gì nữa. Nay đưa ngươi về, cho ngươi một sản nghiệp đáng giá nghìn vàng, lại ban cho tuổi thọ, thì đã mãn nguyện hay chưa?
Bèn ghi vào sổ, đóng ấn lớn vào, sai lính đưa cho nhìn tận mắt. Tịch tạ ơn lui xuống. quỷ đưa chàng trở ra. Ra đến đường, đuổi mà mắng rằng:
- Thằng giặc gian hoạt này, luôn luôn tráo trở, khiến cho người ta phải chạy ngược chạy xuôi muốn chết! Nếu còn tái phạm thì phải bắt mà bỏ vào cái cối xay lớn, nghiền cho nát nhừ ra.
Tịch trừng mắt quát:
- Đồ ma quỷ, làm gì thế? Tính ta chịu được dao cưa chứ không chịu được roi vọt đâu. Xin hãy trở lại yết kiến đại vươngạc nhiên, nếu vương cho ta tự mình về lấy, thì cũng chẳng việc gì vất vả các anh đưa tiễn. Nói rồi liền quay trở lại. hai tên quỷ sợ, dùng lời ôn tồn khuyên dỗ chàng về. Tịch cố đi thực chậm rãi, đi được vài bước lại nghỉ ở bên đường. Quỷ nuốt giận không dám nói gì nữa. Chừng nửa ngày, đến một thôn kia, có ngôi nhà cánh cửa nửa mở nửa khép, quỷ kéo chàng ngồi xuống. Tịch nhân tiện ngồi tựa trên bậc cửa. Hai tên quỷ thừa lúc chàng không đề phòng, đẩy luôn vào bên trong cửa. Chàng thất đảm, định thần nhìn kỹ lại, thì thân mình đã hóa thành đưá trẻ sơ sinh. Phẫn uất chỉ kêu khóc, không bú ba ngày liền chết.
Vong hồn phiêu diêu đây đó mà vẫn không quên Quán Khẩu. Bôn tẩu chừng vài chục dặm, bỗng thấy một cỗ xe cắm lông chim đi tới, cờ quạt kiếm kích đứng chắn ngang đường. Đang vượt đường để tránh, chẳng may chạm vào nghi trượng, chàng bị mấy người cưỡi ngựa đi trước bắt được, trói lại giải đến trước xe. Ngẩng lên thấy ở trong xe có một người trai trẻ, tướng mạo khôi ngô, kỳ vĩ, hỏi Tịch là người nào? Giữa lúc lòng đầy oan ức mà chưa có chỗ để tuôn ra, lại nghĩ đây tất là một vị quan lớn, hoặc giả cũng là người có thể ra oai tác phúc được. Tịch bèn kể hết mọi nỗi thống khổ đau đớn của mình. Người trong xe truyền lịnh cởi trói cho chàng, và bảo đi theo sau xe. Lát sau, đến một nơi, có hơn mười quan viên ra đón ở bên đường. Nguời ngồi trong xe hỏi han từng người một. Thế rồi trỏ vào Tịch, bảo một vị quan rằng:
- Đây là người dưới âm, đang muốn đến đây tố tụng. Nên giúp anh ta làm rõ trắng đen ngay.
Tịch dò hỏi những người theo hầu, mới biết người ngồi trong xe là Cửu Vương điện hạ (6), con trai thượng đế, còn người mà ông dặn dò là Nhị Lang, Tịch nhìn Nhị Lang mình cao râu rậm, không giống như lời thế gian vẫn đồn.
Sau khi Cửu vương đa đi khỏi, Tịch theo Nhị Lang đến một tòa dinh thự, thì cha mình và họ Dương cùng đám nha lại đều đã có mặt. Chỉ thoáng chốc, trong xe tù lại có những tù nhân bước ra, đó là Diêm vương, viên quan đầu quận và thành hoàng.
Tất cả đều phải lên công đường đối chất và thẩm vấn. Những lời Tịch khai không có chỗ nào dối trá. Ba viên quan run lẩy bẩy, trông bộ dạng y như những con chuột bò mọp dưới đất. Nhị Lang cầm bút phê ngay bản án, khoảnh khắc sau truyền đưa phán quyết xuống cho mấy người can án cùng xem.
Án rằng:
“Kẻ giữ ngôi báu dưới Diêm La: Chức phong cho đến tước vương; thân chịu ơn Thượng Đế. Tự mình phải giữ lòng cao khiết; để nêu gương dẫn dắt quần thần. Không nên vẩy mực đua tham; chuốc lấy tiếng dèm quan nhuốc. Thế mà cũng yên đai kiếm kích; luống khoe khoang phẩm trật cao sang. Gớm thay loài dê độc lang tham; làm điếm nhục cả nhân thần khí tiết. Đục đánh khăng, dùi liền đánh đục, vợ con người còng trơ mỗi xương da; kình vồ cá, tôm bị cá vồ, mạng sâu kiến nhỏ nhoi đáng xót. Vậy nên: vốc nước Tây giang, vì ngươi rửa ruột; tất phải: đốt đường Đông Bích, mời bác vào vò (7) .
Thành hoàng, quận thú: là chức quan phụ mẫu chi dân; giúp Thượng đế trâu dê chăn dắt.Dẫu phẩm trật đứng vào hàng thấp; mà tận tâm nào sợ gãy lưng (8). Hoặc có khi chịu sức ép quan trên; người vững chí cũng cần cứng cổ. Thế mà: trên dưới vung tay làm diều làm ó, quên phắt đi dân chúng khốn cùng; lại nữa: dương dương đắc chí giảo hoạt gian manh, nào sá kể mình là quỷ đói. Vì của đút mà bẻ cong pháp luật; thật là quân dạ thú mặt ngưòi. Cho nên cần rút tủy nhổ long, liệt vào tội chết; kể cũng đáng lột da xé xác, bắt phải đầu thai.
Bọn sai nha: đã phiên chế vào nha môn ma quỷ; còn làm sao giữ cho được tính người! Nơi cửa công lẽ ra nên tu tỉnh hành vi, ngõ hầu có dịp hoàn sinh; chốn bể khổ cớ sao dám khuấy cho nổi sóng, gây thêm một trời oan nghiệt? Tung hoành như cường khấu, mặt chó gầy tháng sáu sinh sương (9) phá phách lại kêu làng, cậy oai hổ chặn đường chín ngả (10). Chốn u minh mặc sức ra uy, ai cũng biết cai tù thân thể, giúp hôn quan làm điều bạo ngược, người đều kinh đồ tể (11) to quyền. Thật đáng đem ra trước pháp trường, chân ta chặt hết; lại phải ném vào nước sôi trong vạc, rút hết gân xương.
Dương Mỗ kia: giàu có mà bất nhân; ranh ma thêm điêu trá. Đem vàng chóe che trùm địa phủ, khiến cõi âm tối tăm mù mịt, điện Diêm La khuất lấp mây mù, để hơi đồng xông thấu trời cao, làm cho thành chết uổng bao người, không được chứng đôi vầng nhật nguyệt. Mùi tiền tanh còn khiến sai được quỷ; sức bạc mạnh thông suốt thẳng đến thần. Cần tịch thu gia sản họ Dương; để đền đáp hiếu tình chàng Tịch”.
Lập tức giải phạm nhân ra núi Đông Nhạc thi hành bản án. Lại nói với Tịch Liêm:
- Nghĩ đến lòng hiếu thảo của con ngươi, và tính ngươi cũng hiền lành, vậy tăng tuổi thọ thêm ba kỷ nữa (12).
Nhân sai hai người đưa họ về làng. Tịch bèn sao chép lại bản án, trên đường đi hai cha con cùng xem. Về tới nhà Tịch sực tỉnh lại trước, bảo người nhà mờ áo quan để nhìn cha, thì xác còn cứng đờ lạnh như băng. Đợi suốt một ngày mới nóng dần lên, rồi sau sống lại. Kịp đến khi tìm tờ sao bản án thì không thấy đâu nữa.
Từ đấy nhà càng thịnh vượng; trong khoảng ba năm ruộng tốt đầy đồng. Mà con cháu họ Dương trở nên nghèo hèn; lầu gác ruộng nương hết thảy đều về tay họ Tịch. Trong làng cũng có người mua những ruộng ấy, đêm nằm mộng thấy thần nhân đến mắng:
- Đây là sản vật của nhà họ Tịch, ngươi làm sao có được?
Trước kia còn chưa tin lắm, đến khi trồng trọt thì suốt năm không thu hoạch được lấy một đấu thóc; vì thế lại phải bán về cho Tịch.
Cha con Tịch đều sống đến hơn chín mươi tuổi mới mất.
Chú thích
(1) có nhiều nơi mang tên Đông An. Có thể đây là tên một châu xưa, nay thuộc tỉnh Hà Bắc.
(2) thành hoàng: viên quan ở âm phủ, coi một ấp.
(3) người mặc áo đen: lính hầu ở các nha môn ngày trước.
(4) Nguyên văn: “ngã” là tôi, chúng tôi dịch thoát.
(5) Nhị Lang: Chỉ Dương Tiễn, theo truyền thuyết là cháu ngoại của Ngọc Hoàng thượng đế.
(6) điện hạ: tiếng xưng hô của hoàng tử hoặc vua chư hầu.
(7) Ý nói người giữ cán pháp luật mà bất minh thì phải xử theo pháp luật. Theo tư trị thông giám: Chu Hưng là quan hữu thừa đời Đường, cùng Lai Tuấn Thần, đều là những lại ngục tàn ác. Có lần Chu Hưng phạm tội, Võ Tắc Thiên mật sai Tuấn Thần thẩm vấn. Tuấn Thần đến hỏi Chu Hưng: nếu thẩm vấn tội nhân mà chúng không chịu khai thì nên dùng cách gì? Hưng bảo: lấy một chiếc vờ lớn nung đỏ lên rồi bỏ phạm nhân vào đấy thì chúng phải khai ngay. Tuấn Thần làm như lời Hưng nói, xong bảo Hưng rằng: Trong cung có cáo giác anh phạm tội, vậy xin mời anh vào vò ho. Hưng đành sợ hãi cúi đầu nhận tội.
Các điển tích “nước Tây Giang” và “giường Đông Bích” nhiều chú thích trước nay đều chưa thật rõ.
(8) Xuấ xứ từ điển tích Đào Tiềm đời Tấn không vì mấy đấu gạo mà chịu gãy lưng. Ở đây ý nói cúc cung tận tụy vì công việc.
(9) Mặt chó gầy tháng sáu sinh sương: Ý muốn hình dung khuông mặt bon nha lại nham hiểm, sắ trắng nhợt. Ngoài ra có còn nói thêm ý nghĩa: chính bọn quan lại đó bẻ cong pháp luật, muốn làm gì thì làm, nên dân chúng phải chịu nhiều oan khuất. Xuất xứ từ điển tích: Trâu Diễn thời chiến quốc trung thành với Yến Huệ vương, khi Yến bị hạ ngục, Diễn ngữa mặt lên trời mà khóc. Trời cảm động nên mặc dầu đang giữa mùa hạ, mà sương vẫn rơi xuống.
(10) đường chín ngả: Tức con đường lớn, phần lớn là đưòng ở kinh đô.
(11) đồ tể: nguyên văn là “đồ bá” là biệt hiệu dân chúng dành cho Nghiêm Diên Niên đời Hán, một viên thái thú tàn ác, giết hại rất nhiều tù phạm. Chúng tôi dịch thoát.
(12) một kỷ là mười hai năm.
Nguyễn Huệ Chi dịch
Chuyện 52: Hoa Sen Mùa Lạnh (Hàn Nguyệt Phù Cừ)
Tế Nam có một đạo nhân, không biết quê quán ở đâu, cũng không rõ họ tên là gì, mùa đông hay mùa hè đều mặc một chiếc áo mỏng, thắt một sợi dây lưng màu vàng, ngoài ra không còn quần áo gì khác. Ông ta thường chải đầu bằng nửa miếng lược gỗ, chải xong lại cài vào tóc, làm như đội mũ; ngày ngày đi chân đất lang thang ngoài chợ, đem thì ngủ ở đầu đường. Quanh chỗ ông ta nằm khoảng vài thước, băng tuyết tan hết. Khi mới đến đất Tế, ông thường làm trò ảo thuật cho mọi ngườixem, người trong phố tranh nhau cho tiền. Có mấy tên vô lại trong ngõ, đem rượu tới, xin ông truyền phép cho, không nghe. Gặp lúc đạosĩ tắm dưới bến sông, chúng sấn lại ôm áo dấu đi để bắt bí. Đạo sĩ chắp tay vái nói:
- Xin trả lại cho, sẽ không tiếc gì mà không truyền phép thuật.
Tên vô lại sợ ông dối, cứ khư khư không chịu buông. Đạo nhân hỏi:
- Có thực không chịu trả không?
Đáp: Thực.
Đạo nhân nín lặng không nói gì với hắn nữa. Phúc chốc chiếc dây lưng vàng hóa thành con rắn, khoanh to bằng vài nắm tay, quấn lấy mình tên kia đến sáu bảy vòng, trừng mắt ngóc đầu thè lưỡi nhìn hắn. Tên kia kinh hoảng, quì xuống, mặt xanh nhợt, thở hổn hển, van xin cứu mệnh. Đạo nhân bèn lấy lại chiếc thắt lưng, thì té ra vẫn là thắt lưng, không phải rắn; ngoài ra còn một con rắn khác thì ngoằn ngoèo bò vào thành.
Vì thế danh tiếng của đạo nhân càng lừng lẫy. Các nhà quyền quý nghe thấy lạ, mời đến, cùng ông giao du. Từ đấy ông thường qua lại nhà các tiên sinh trong làng. Các vị quan to trong hạt đều nghe danh, mỗi khi có yến tiệc thường dắt đạo nhân đi cùng.
Một hôm, đạo nhân thết tiệc ở ngôi đình thủy tạ để đáp lễ các quan. Tới ngày hẹn các quan khách đều nhận được thiếp mời của đạo nhân để trên án thư, mà không biết từ đâu tới. Quan khách tới nơi, đạo nhân bước ra cung kính đón tiếp. Vào bên trong, thấy thủy đình trống rỗng, im lặng như tờ, bàn ghế cũng chưa kê, đều ngờ là lừa gạt. Đạo nhân thưa với các quan rằng:
- Bần đạo không có người hầu phiền các ngài cho mượn mấy người tùy tùng đỡ tay một lút.
Các quan xin vâng. đạo nhân vẽ lên vách hai cánh cửa, lấy tay gõ, nghe bên trong có tiếng thưa, liền rút then nâng cửa lên. Mọi người đổ xô ngó vào, thấy bên trong thấp thoáng những người qua lại. Bình phong rèm cửa, bàn ghế đều đủ cả. Rồi có người truyền đem tất cả mọi thứ ra cửa ngoài. Đạo nhân sai bọn người hầu của các quan đỡ lấy bày ra giữa đình, lại dặn đừng nói chuyện với những người bên trong. Hai bên trao nhận chỉ nhìn nhau mà cười. Giây lát mọi thứ trang hoàng bày chật cả thủy đình, lịch sự đến cùng cực. Thế rồi rượu ngon tỏa hơi ngào ngạt, mùi chả nướng thơm lừng, đều là những thứ từ trong vách đưa ra cả. Tân khách không ai không kinh dị.
Nhà thủy đình vốn xây lưng ra mặt hồ. Hằng năm vào tháng sáu, hoa sen nở chạy dài vài mươi khoảnh, bát ngát không thấy bờ. Nhưng bấy giờ đương vào tiết đông, ngoài cửa sổ chỉ thấy mênh mông làn khói biếc. Chợt một vị quan than rằng:
- Hôm nay được hội tụ tưng bừng (1), chỉ tiếc không có hoa sen tô điểm!
Mọi người cùng đồng thanh phụ họa. Phúc chốc một tên lệ mặc áo xanh chạy vào bẩm:
- Lá sen đã phủ kín mặt hồ rồi!
Cả bàn tiệc cùng kinh ngạc, đẩy cửa sổ trông ra, quả thấy đầy tầm mắt đều là lá non xanh biếc, chen lẫn với những bông sen. Rồi chỉ trong khoảng chớp mắt, muôn nghìn đóa sen nở tung một lượt, một làn gió bấc thổi tới, hương thơm ngào ngạt thấm tận tâm can. Mọi người đều lấy làm lạ lùng. Sai một tên nha lại chèo thuyền ra hái sen, đứng xa trông thấy thuyền vào tít giữa hồ sen, một lát bơi về tay không lên trình quan. Quan hỏi, nha lại thưa rằng:
- Tiểu nhân chèo thuyền đi, thấy hoa ở phía xa xa, dần dần sang tới bờ phía Bắc, ngoảnh lại, lại thấy xa tắp mãi tận phía Nam.
Đạo nhân cười nói:
- Đó chỉ là những bông hoa ở trong ảo mộng.
Không bao lâu, tiệc rượu tàn, hoa sen cũng tả tơi héo úa. Gió bấc vụt nổi lên làm gãy hết các cuống lá, không còn một cây nào sót lại.
Quan án Tế Đông bằng lòng lắm, dắt đạo sĩ về dinh, hàng ngày vui chơi tiêu khiển. Một hôm quan cùng khách uống rượu. Nhà quan vốn có một thứ rượu ngon gia truyền, mỗi lần uống chỉ lấy ra một đấu, không chịu cho uống phí. Hôm ấy khách uống ngon miệng, cố đòi dốc thêm vò rượu, quan khăng khăng chối từ, lấy cớ rượu đã nhẵn. Đạo nhân cười bảo khách rằng:
- Các ngài nếu muốn uống cho thỏa, cứ hỏi bần đạo này là được.
Khách vâng ngay. Đạo nhân cầm hồ bỏ trong tay áo, giây lát lấy ra, rót khắp một lượt, chẳng khác gì thứ rượu quan dấu trong nhà. Ai nấy say sưa thỏa thích mới thôi.
Quan đâm ngờ, vào nhìn bình rượu, thì dấu niêm phong hãy còn nguyên, mà rượu đã không còn một giọt. Trong bụng vừa thẹn vừa giận, lấy cớ là yêu quái, cho bắt đạo sĩ đánh đòn. Gậy vừa quất vào, quan cảm thấy đùi mình thốt nhiên đau buốt; đánh thêm một hèo nữa, thịt đùi tưởng như muốn toạt ra. Dưới thềm tuy đạo nhân cất tiếng kêu rên, nhưng trên công đường, quan án đã chảy máu đầm đìa. Quan bèn truyền dừng tay, không đánh nữa và đuổi đạo nhân đi. Đạo nhân bèn rời khỏi đất Tế, không biết là đi đâu. Sau có người gặp ở Kim Lăng, cách ăn mặc vẫn như cũ. Hỏi, chỉ cười không nói.
Chú thích
(1) có bản: “cảnh đẹp thế này”
Mộng Tiến dịch