9/3/13

Yến Thập Tam (H11-12)

Hồi 11-1: Lãng Tử Bạt Hồn

Trời rạng sáng.

Quán trà đông chật người, đủ các kiểu người chờ đợi đủ kiểu việc làm.

Hai tay A Cát bưng bát trà nóng lên húp sì sụp.

ở đây còn có canh, bánh bao, dầu chá quẩy. A Cát rất đói nhưng chàng chỉ có thể uống trà. Chàng chỉ còn có hai mươi ba đồng tiền và chàng đang hy vọng kiếm được việc làm lấy công.

Chàng phải tiếp tục sống.

Đến gần đây chàng mới biết một con người muốn sống không phải là chuyện dễ dàng! Gian khỗ trong việc kiếm sống đâu phải là điều ngày trước chàng có thể tưởng tượng ra. Một con người đem bán sự thành thực và sức lao động của mình cũng phải biết đường đi nước bước mới xong.

Thợ nề có bang hội của thợ nề, thợ mộc cũng có bang hội riêng của mình, thậm chí đến cửu vạn, phu phen cũng có bang của mình, nếu không phải là người trong bang thì đừng nghĩ đến chuyện kiếm được việc làm.

A Cát đã nhịn đói hai ngày. Sang ngày thứ ba, đến bẩy đồng tiền để mua bát trà uống cho ấm bụng cũng chẳng có, đành đứng ngoài quán trà hít gió bấc.

Đến khi chàng sắp sửa ngã gục thì có người tới vỗ vai cái "bộp", bảo:

"Có đi gánh phân không? Năm phân bạc một ngày!" A Cát nhìn người ấy mà không nói nửa lời chỉ vì yết hầu đã nghẹn lời.

Chàng đành gật gật đầu, gật đầu lia lịa. Mãi rất lâu, rất lâu sau chàng mới có thể nói lên cảm kích trong giây phút ấy, ở nơi ấy. Đó là sự cảm kích thật chân tình! Vì thứ người ấy cho đâu chỉ là một phần việc gánh phân vất vả mà là cả một cơ hội sống còn. Coi như chàng đã được sống! Người ấy là Lão Miêu Tử (mầm cây non).

Lão Miêu Tử đúng là một mầm cây.

Anh ta cao to, lực lưỡng, xấu xí, rắn chắc, hễ cười là nhe hết cả răng cả lợi trong mồm. Tai bên trái anh ta thõng xuống thật dài, trên dái tai có vết tích đeo vòng tai.

Anh ta vẫn luôn để ý tới A Cát.

Đến trưa lúc nghỉ bỗng anh ta hỏi:

"Chú đói mấy ngày rồi?" A Cát hỏi vặn:

"Anh nhìn ra tôi đói à?" Lão Miêu Tử bảo:

"Hôm nay chú mày suýt gục ba lần." A Cát nhìn xuống chân mình, chân đầy vết phân.

Lão Miêu Tử bảo:

"Đây là công việc rất tốn sức, anh vốn lo chú không chịu nỗi!" A Cát hỏi:

"Sao anh lại tìm tôi?" Lão Miêu Tử bảo:

"Vì khi mới tới nơi này anh cũng y như chú, đến đi gánh phân cũng chẳng xin được việc làm." Anh ta mang trong mình một gói giấy bên trong có hai cái bánh nướng không nhân, một củ cải muối. Anh ta chia làm đôi, đưa cho A Cát một nửa.

Lão Miêu Tử nhìn A Cát, trong ánh mắt có nét cười rồi bỗng hỏi:

"Tối nay chú chuẩn bị ngủ ở đâu?" A Cát đáp:

"Không biết nữa!" Lão Miêu Tử bảo:

"Anh có nhà, phòng nhà anh rất rộng, sao chú không về nhà anh mà ngủ?" A Cát bảo:

"Anh bảo tôi đến thì tôi đến!" Phòng "lớn" nhà Lão Miêu Tử không thể coi là "nhỏ" được, ít ra cũng lớn hơn cái chuồng bồ câu một chút. Khi họ về, một bà già tóc bạc phơ đang làm cơm dưới bếp. Lão Miêu Tử bảo:

"Đây là mẹ anh làm cơm rất ngon!" A Cát nhìn vào nồi thấy rau và gạo hẩm nấu thành món cháo đặc thì bảo:

"Tôi đã ngửi thấy mùi thơm rồi!" Bà già cười múc cho họ một bát đầy tú hụ. A Cát đón lấy ăn quên cả nói "cảm ơn".

Lão Miêu Tử mắt lộ đầy vẻ hài lòng, bảo:

"Chú ấy tên là A Cát, chú ấy là chàng trai tốt!" Bà già dùng cái muôi gỗ gõ vào con trai bảo:

"Nếu mẹ không thấy thế mà mẹ lại cho ăn ử" Lão Miêu Tử bảo:

"Tối nay cho chú ấy ngủ lại được không mẹ?" Bà già nheo mắt nhìn A Cát rồi bảo:

"Cháu ngủ với con trai mẹ một giường được không? Cháu không ngại chứ?" A Cát bảo:

"Anh ấy không hôi." Bà già cười to bảo:

"Cháu là đàn ông, đàn ông ai chẳng nhận thấy Miêu Tử nhà bác là hôi muốn chết!" A Cát bảo:

"Cháu là đàn ông, cháu còn hôi hơn anh ấy!" Bà già lại cười lớn dùng cái muôi gỗ gõ vào đầu A Cát, y như vừa gõ vào con trai xong. Bà vẫn cười vang bảo:

"Ăn nhanh lên cho nóng. Ăn no rồi lên giường mà ngủ mai mới có sức làm!" A Cát đã đang ăn, ăn rất mau. Bà già lại bảo:

"Chỉ có điều trước khi lên giường cháu phải làm việc này đã... " A Cát hỏi:

"Việc gì ạ?" Bà già bảo:

"Phải rửa chân cho sạch không con bé lại cáu!" A Cát hỏi:

"Con bé là ai ạ?" Bà già bảo:

"Là con gái của già, là em gái nó".

Bà trỏ vào Lão Miêu Tử. Lão Miêu Tử bảo:

"Đúng ra nó phải là công chúa, sinh ra đời nó đáng phải là công chúa mới đúng!" Phòng đằng sau có ba cái giường, trong đó chiếc giường sạch sẽ, êm ái nhất là của công chúa.

A Cát rất muốn gặp mặt vị công chúa này. Nhưng vì quá mệt, nuốt xong bát cháo đặc nóng hôi hỗi thì mắt chàng đã nặng như đỗ chì.

Cùng một chàng trai to lớn như Lão Miêu Tử nhét vào một chiếc giường hẹp tuy chẳng mấy thoải mái nhưng A Cát thiếp ngủ đi rất mau.

Nửa đêm chàng thức giấc một lần, trong cơn mông lung dường như có một cô gái tóc rất dài đứng thẫn thờ bên cửa sỗ, đến khi chàng nhìn lại thì cô gái đã chui vào chăn rồi.

Hôm sau, sáng sớm khi họ đi làm thì cô gái còn đang ngủ. Toàn thân cuộn tròn trong cái chăn dường như cô muốn trốn tránh nỗi khiếp sợ không biết nào đó.

A Cát chỉ nhìn thấy mớ tóc đen dài như tơ mềm nõn phủ trên gối.

Trời còn chưa sáng, sương giá còn dầy.

Họ đi ngược gió lạnh, bỗng Lão Miêu Tử hỏi:

"Chú thấy con bé chưa?" A Cát lắc đầu. Chàng chỉ nhìn thấy có mái tóc! Lão Miêu Tử bảo:

"Cô ấy giúp việc cho một nhà công quán rất lớn, phải đợi nhà họ đi ngủ cả mới được về!" Anh ta mỉm cười bảo:

"Nhà có tiền đi ngủ khá là muộn!" A Cát bảo:

"Tôi biết rồi!" Lão Miêu Tử bảo:

"Nhưng rồi sớm muộn gì chú cũng thấy nó!" Trong mắt anh ta lấp láy ánh sáng kiêu ngạo:

"Chỉ cần gặp là chú sẽ thích nó ngay, nhà này vẻ vang vì nó!" A Cát đã nhìn thấy điều đó. Chàng tin "cô bé" này nhất định là một công chúa chính cống.

Giờ nghỉ buỗi trưa chàng đang ngồi nhai chiếc bánh to bà mẹ dúi cho thì bỗng có ba người đi tới, quần áo tuy lam lũ nhưng đầu đội mũ lệch, lưng giắt dao găm.

Những vết đao trên mình A Cát còn chưa lành, vẫn còn đau.

Một gã lớn tuỗi nhất trong ba gã liếc đôi mắt hình tam giác đăm đăm nhìn A Cát rồi bỗng vươn tay quát:

"Đưa đây!" A Cát hỏi:

"Đưa gì cở" Gã mắt tam giác bảo:

"Tuy mày là dân mới đến nhưng cũng phải biết quy củ ở đây!" A Cát hỏi:

"Quy củ nào cở" Gã mắt tam giác bảo:

"Tiền công của mày tao chia ba, trước hãy thu một tháng đã!" A Cát bảo:

"Tôi chỉ có ba đồng tiền thôi!" Gã mắt tam giác bảo:

"Chỉ có ba đồng tiền thôi mà ăn bánh màn thầu bột trắng cơ à?" Gã bạt tay một cái hất rơi miếng bánh trên tay A Cát. Chiếc bánh màn thầu lăn lông lốc trên vũng nước phân trên mặt đất.

A Cát lẳng lặng nhặt lên bóc bỏ lớp bên ngoài đi. Chàng nhất định ăn nốt miếng bánh này, để bụng rỗng lấy sức đâu mà gánh phân! Gã mắt tam giác cười vang hỏi:

"Màn thầu tẩm nước cứt, chẳng hiểu mùi vị thế nào?" A Cát không mở miệng.


Hồi 11-2

Gã mắt tam giác lại bảo:

"Thứ này mà mày còn ăn ư? Mày là người hay là chó?" A Cát đáp:

"Anh bảo tôi là gì thì tôi là thứ đó!" Chàng cắn một miếng bánh màn thầu bảo:

"Tôi chỉ có ba đồng tiền, anh lấy thì tôi đưa!" Gã mắt tam giác hỏi:

"Mày biết tao là ai không đã?" A Cát lắc đầu.

Gã mắt tam giác lại bảo:

"Thế mày chưa nghe tên "Phu Xe" bao giờ à?" A Cát lại lắc đầu.

Gã mắt tam giác bảo:

"Phu Xe" là người thân cận theo đại ca Đầu Sắt, "Thiết đầu đại ca". Đại ca Đầu Sắt là đàn em của "Ông Chủ Lớn".

Gã trỏ vào mũi gã và bảo:

"Tao chính là anh em của "Phu Xe" đây! Tao cần ba đồng tiền thối của mày à?" A Cát bảo:

"Anh không cần, tôi giữ lại vậy!" Gã mắt tam giác lại cười vang, đột nhiên tung chân đá vào hạ bộ A Cát. A Cát đau quá, gập cả người lại.

Gã mắt tam giác bảo:

"Không cho thằng lỏi này nếm mùi đau khỗ thì mày chưa biết trời cao đất dày thế nào!" Cả ba gã sẵn sàng ra tay, thì chợt có người xông vào đứng chắn trước mặt bọn chúng sừng sững cao hơn bọn chúng cả một đầu.

Gã mắt tam giác lùi lại sau nửa bước, to tiếng quát:

"Lão Miêu Tử, đừng có dây vào chuyện không đâu!" Lão Miêu Tử bảo:

"Đây đâu phải chuyện không đâu!" Anh ta dắt A Cát dậy bảo:

"Đây là người anh em của tôi!" Gã mắt tam giác nhìn nắm tay to tướng của Lão Miêu Tử bỗng cười lớn lên bảo:

"Nếu là anh em của anh, anh có đảm bảo gã nhận được tiền công sẽ đem đến nộp cho chúng ta không?" Lão Miêu Tử:

"Chú ấy sẽ nộp!" Lúc hoàng hôn hai người mang tấm thân mệt nhoài, nồng nặc mùi hôi thối trở về nhà. Trên mặt A Cát còn đầm đìa mồ hôi. Đòn đá lúc nãy của gã mắt tam giác quả là không nhẹ! Lão Miêu Tử nhìn A Cát rồi chợt hỏi:

"Khi người khác đánh chú, chú không đánh trả à?" A Cát trầm ngâm rất lâu mới ôn tồn bảo:

"Tôi đã từng làm đầu sai trong một nhà thỗ, người ở đó đã đặt cho tôi một biệt hiệu... " Lão Miêu Tử hỏi:

"Biệt hiệu gì?" A Cát bảo:

Họ gọi là "A Cát vô dụng." Phòng bếp ấm áp khô ráo, hai người về đến cửa ngoài đã nghe giọng nói vui vẻ của bà mẹ.

"Hôm nay công chúa nhà ta về ăn cơm nhà, cả nhà ta có thịt ăn!" Bà già cười như trẻ con:

"Mỗi người được chia một miếng, một miếng khá là to!" Tiếng cười của bà mẹ đủ khiến cho tận đáy lòng A Cát cảm thấy vui vẻ và ấm áp nhưng lần này lại là ngoại lệ. Vì lần này chàng được gặp "công chúa"! Gian bếp nhỏ hẹp không bày được nhiều ghế. Khi mọi người ăn cơm phải ngồi chen xít nhau nhưng vẫn có một cái ghế để trống. Đó là ghế cả nhà để giành cho công chúa và bây giờ cô ta ngồi ghế ấy, đối diện với A Cát.

Cô ta có đôi mắt to to, lại còn đôi tay khéo léo, mái tóc đen nhẫy mềm mướt như tơ nõn, thái độ thì ôn hòa, cao quý, coi bộ cứ như một nàng công chúa thật. Giả thử A Cát được gặp cô ta lần đầu tiên nhất định chàng cũng sẽ như những người khác sẽ kính trọng, yêu quí cô ta.

Tiếc thay lần gặp này lại chẳng phải lần thứ nhất! Lần thứ nhất chàng gặp là ở bếp nhà mụ Cả Hàn, ở bên cạnh "con voi nan", cô ta đã gác cao cao đôi chân lên bàn để lộ ra hai bàn chân xinh xắn. Đến nhìn cô ta, A Cát cũng không hề liếc lấy một lần, còn cô ta toàn nhìn trộm chàng. Về sau A Cát biết cô ta là cô trẻ nhất trong đám con gái dưới trướng mụ Cả Hàn và là người "làm ăn" phát tài nhất.

ở đằng ấy cô ta tên là Tiểu Lệ, nhưng những người khác toàn thích gọi cô ta "yêu tinh con". Lần thứ hai, A Cát đối mặt với cô ta vào buỗi tối hôm chàng bị đâm mấy nhát đao ở trong xó bếp của chàng.

Mãi mãi chàng đâu quên được tấm thân trần trụi, trơn mượt, mềm mại dưới mảnh áo lụa của cô ta. Chàng tốn bao nhiêu sức lực để kiềm chế bản thân mới thốt được ra tiếng đó:

"Cút!" Chàng vốn cho rằng đó là lần hai người gặp gỡ cuối cùng, ai ngờ bây giờ lại phải gặp gỡ lại cô ta lại ở ngay đây, ngay nhà cô ta, nơi chàng đang nương náu! Con bé "yêu tinh con" phóng đãng và bất bình thường này thế nào lại thành "cô bé" của cả nhà, là "công chúa" cao quý, là niềm hy vọng duy nhất của cả nhà! Cả nhà họ là bạn bè của A Cát, họ cho chàng ăn, cho chàng ở, biến chàng thành anh em như chân với tay.

A Cát gục đầu, lòng đau nhói, đau xuyên vào đến tận xương tủy.

Bà già đi tới kéo tay chàng, cười bảo:

"Mau lại đây gặp công chúa nhà ta đi!" A Cát chỉ còn nước đi tới đó lúng búng thốt ra được hai tiếng:

"Chào em!" Cô ta nhìn A Cát, mặt không để lộ một chút biểu hiện nào tựa hồ chưa hề gặp con người này lần nào, mà chỉ nhạt nhẽo bảo:

"Anh ngồi xuống ăn thịt đi!" A Cát ngồi xuống, tựa hồ nghe văng vẳng như tiếng mình nói:

"Cảm ơn công chúa!" Lão Miêu Tử cười vang bảo:

"Chú chớ gọi nó là công chúa, chú cứ gọi như chúng ta gọi nó là "cô bé" thôi!" Anh ta gắp một miếng thịt to nhất, dày nhất cho A Cát, bảo:

"Ăn chút thịt đi, ăn có no ngủ mới ngon được!" A Cát lại ngủ không được! Đêm đã rất khuya. Nằm ngủ bên cạnh, Lão Miêu Tử ngáy như sấm, còn ở giường bên kia "cô bé" dường như cũng đã ngủ rồi.

Riêng A Cát mắt cứ mở chong chong mà nằm, toát cả mồ hôi lạnh. Cũng không hoàn toàn do nỗi đau âm ỉ trong lòng mà các vết đao đang tấy đau, đau tưởng chết được.

Gánh phân đâu phải là việc làm nhẹ nhàng, các vết thương do đao chém đều chưa liền miệng. Đến xem vết thương chàng cũng chưa hề ngó đến, thậm chí khi gánh phân đè nặng trên vai chàng cảm thấy các miệng vết thương như đang toạc thêm ra nhưng chàng vẫn nghiến chặt răng thẳng người lên mà bước.

Cơn đau xác thịt, căn bản chàng chẳng bận tâm.

Chỉ đáng ngại là không phải bị đau đòn, chiều hôm nay chàng phát hiện thấy mấy miệng vết thương bắt đầu thối thịt bốc mùi. Nằm trên giường toàn thân chàng bắt đầu lên cơn rét, mồ hôi lạnh ứa ra không ngớt, sau đó thân thể bỗng phát sốt nóng nực.

ở mỗi vết thương cứ như có lò lửa đang thiêu đốt.

A Cát muốn miễn cưỡng kiềm chế bản thân mình, miễn cưỡng chịu đựng nhưng thân thể chàng vì quá đau đớn mà thành co giật, chỉ cảm thấy toàn bộ cơ thể như đang chìm dần xuống, chìm xuống một vực sâu tối tăm không có đáy. Trong cơn mê man chàng phảng phất như cũng có người đang kêu gọi chàng, gọi rõ tên chàng, sao mà êm ái, sao mà xa lắc xa lơ... Nhưng chàng lại nghe thấy rõ rành rành... Một người trẻ tuỗi chán chường thất vọng, một lãng tử đến nước mắt cũng đã vơi cạn sạch thì có khác gì chiếc lá khô trong cơn gió lốc, như cánh bèo trên dòng nước lũ, không chằng không rễ, chẳng lẽ ở phương xa vẫn còn người nhớ tới mình, còn người quan tâm đến mình ư?

Tuy chàng nghe thấy tiếng người đó đang kêu gọi, sao lại vẫn chưa trở lại, về lại để ở bên người ấy? Cuối cùng trong lòng chàng đang có nỗi bi thương thống khỗ gì để có thể kể lại với người?

ánh dương rạng rỡ, trời đẹp.

A Cát không phải hôn mê li bì liền một mạch mà chàng tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh, lại phảng phất như có người ngồi ở đầu giường thấm mồ hôi cho chàng.

Chàng nhìn không rõ là ai vì chàng lại mê thiếp đi ngay.

Đợi đến khi chàng nhìn rõ người thì từ ngoài cửa sỗ ánh dương đã rọi chiếu vào đúng trên mái tóc đen mướt và mượt mà của cô ta.

Đôi mắt cô ta ngập tràn mối quan tâm và buồn thương.

A Cát nhắm mắt lại. Nhưng chàng lại nghe thấy rõ tiếng cô ta:

"Em biết anh không coi em vào đâu, em cũng không lấy làm lạ anh đâu!" Thế là cô tỏ ra biết trấn tĩnh vì cô cũng phải miễn cưỡng kiềm chế bản thân.

"Em biết anh ở trong lòng cũng có nhiều nỗi thống khỗ nói chẳng thành lời, nhưng anh cũng chớ nên vì thế mà tự dày vò hành hạ mình!" Trong phòng rất lặng lẽ không nghe thấy tiếng ai khác. Lão Miêu Tử dĩ nhiên là đã đi làm rồi. Anh ta không thể bỏ ngang công việc được vì anh ta biết rõ có công việc mới có cơm mà ăn.

Bỗng A Cát mở bừng mắt, trợn nhìn cô ta và lạnh lùng:

"Cô cũng biết là tôi chết không nỗi chứ!" Cô gái hiểu, bảo:

"Nếu anh muốn chết thì anh đã chết nhiều lần rồi!" A Cát bảo:

"Đã biết thế sao cô không đi làm công chuyện của cô đi!" Cô gái bảo:

"Em không đi nữa!" Giọng "cô bé" rất bình tĩnh, lạnh nhạt nói tiếp:

"Từ nay trở đi em sẽ không trở lại chốn ấy nữa!" A Cát nhịn không được, hỏi:

"Tại sao?" Cô bé bỗng dưng cười nhạt bảo:

"Chẳng lẽ anh cho rằng trời sinh ra em đã thích làm những chuyện đó sao?" A Cát nhìn cô bé đăm đăm, dường như muốn nhìn thấu cõi lòng cô:

"Cô quyết định không tới đó từ bao giờ vậy?" Cô bé đáp:

"Từ hôm nay"

Hồi 12-1: Tình Sâu Như Biển

A Cát lại ngậm miệng, hết nói, cảm thấy trong lòng bắt đầu đau đớn.

Có con người nào trời sinh ra lại tình nguyện làm nghề đó đâu, nhưng đã là con người đều phải ăn, đều phải sống! Cô ta là nguồn hy vọng duy nhất trong con mắt mẹ già và anh trai, cô đã làm cho họ có được miếng thịt mà ăn.

Cô không thể để họ thất vọng được! Thế mà giờ cô quyết tâm không chịu đi nữa vì cô không muốn chàng không coi cô ra gì! Giá A Cát còn nước mắt thì bây giờ cũng có thể rơi lệ được, nhưng khỗ nỗi chàng chỉ là lãng tử. Lãng tử không tình, lãng tử không có nước mắt! Vì vậy chàng phải đi, phải rời khỏi nơi này, nếu phải bò cũng cố bò mà đi! Vì chàng thế là đã hiểu cảm tình của cô đối với mình, mà chàng không thể nhận mối tình này, cũng không muốn làm cô đau lòng.

Gia đình này chẳng những đã cho chàng cơ hội sống còn mà còn đem tới cho chàng sự ấm áp của mối thân tình xưa nay chàng chưa hề có, vì vậy chàng không thể nào làm họ đau lòng cho được! Cô bé nhìn chàng dường như đã nhìn thấu rõ lòng chàng:

"Phải chăng là anh muốn đỉ" A Cát không đáp mà chỉ vẫy tay đứng dậy, dùng toàn sức lực còn lại để mà đứng lên, sải bước mà đi.

Cô bé không ngăn trở. Đến đứng dậy cô cũng chẳng đứng lên, chỉ có trong mắt đã có ánh nước mắt.

A Cát đi không ngoái lại. Sức lực của chàng không cho phép chàng đi xa, vết thương của chàng lại bắt đầu đau nhức nhối, nhưng chàng không thể không đi. Cho dù chàng ra đi rồi sẽ gục chết trong ngòi rãnh như xác con chuột chết rữa chàng cũng không nề! Ai ngờ chàng chưa đi ra khỏi cửa thì bà mẹ đã xách làn thức ăn trở về. Trong đôi mắt hiền từ có mang đến ba phần trách móc bảo:

"Con chớ nên dậy làm gì! Mẹ đã đi chợ mua tí thịt về nấu cho con bát canh, ăn rồi mới có sức chứ! Thôi quay về giường mà nằm nghỉ, đợi mẹ nấu cho mà ăn!" A Cát nhắm mắt lại.

Có thật lãng tử không có tình, lãng tử không có nước mắt không?

Đột nhiên chàng dùng hết sức lực toàn thân, lách bên cạnh bà già mà đi ra khỏi cửa. Có những chuyện không sao giải thích nỗi, mà cần gì phải giải thích?

Trong ngõ hẻm tăm tối và ướt át, ánh mặt trời cũng không len được tới đây.

A Cát nghiến chặt răng, nén đau đớn, ngược chiều gió mà đi. Đầu ngõ bỗng có một người lạng chà lạng choạng mà xộc vào.

Một người máu me đầm đìa, áo trên mình ướt đẫm máu tươi, trên mặt toạc, lòi cả xương trắng hếu.

"Lão Miêu Tử!" A Cát hét lên thất thanh nhào tới. Lão Miêu Tử cũng xô lại. Hai người ôm choàng lấy nhau. Lão Miêu Tử bảo:

"Vết thương của chú còn chưa lành, đi ra đây làm gì?" Trên mình anh ta mang thương tích nặng nề mà không để ý lại lo lắng cho bạn bè trước.

A Cát nghiến răng đáp:

"Tôi... tôi... " Lão Miêu Tử hỏi:

"Lẽ nào chú định bỏ đỉ" A Cát dùng sức ôm chặt lấy người bạn bảo:

"Tôi không đi đâu, đánh chết tôi cũng không bỏ đi!" Năm nơi bị đao chém, bốn rẻ xương sườn gẫy, nếu không phải là người sắt chịu sao nỗi?

Bà già thấy con trai bị như vậy thì nước mắt đầm đìa. Lão Miêu Tử lại cứ cười vang, nói to:

"Một chút thương tích này ăn nhằm gì! Chỉ sáng mai là con khỏi thôi mà!" Bà già hỏi:

"Con làm sao mà bị thương?" Lão Miêu Tử bảo:

"Con trượt chân ngã, lộn từ trên thang lầu xuống." Dù là một bà già mắt mũi kèm nhèm đến chữ viết lớn trên tấm biển còn nhìn không rõ nhưng vẫn phải nhận ra đây tuyệt nhiên chẳng phải là vết thương do bị ngã. Mà dù có ngã từ trên cao bẩy tám trượng xuống đất cũng không đến nỗi bị thương nặng đến thế này! Nhưng bà mẹ già này lại không như các bà già khác. Nhận ra đây không phải là vết thương do ngã, bà còn lo lắng cho con trai hơn bất cứ ai. Nhưng bà không hỏi thêm nữa, chỉ rơi nước mắt mà buông một câu:

"Lần sau lên xuống thang, muôn vàn mong con cẩn thận một chút!" Nói rồi bà tập tễnh bỏ đi để nấu món canh thịt của mình.

Đó mới là bỗn phận nên làm của người mẹ. Bà hiểu là xưa nay đàn ông không thích việc của mình cứ bị đàn bà căn vặn. Là người phụ nữ, là mẹ của Lão Miêu Tử cũng đều như vậy cả.

Nhìn theo bóng cái lưng gù gù của bà già, tuy mắt không một giọt lệ nhưng mắt A Cát cũng phải hoe đỏ.

Vĩ đại thay người mẹ, vĩ đại thay người phụ nữ! May mà thế gian còn những người mẹ, có những người phụ nữ như vậy nên loài người mới còn được tồn tại! Đợi bà già đi khuất sau cửa bếp, A Cát mới đăm đăm nhìn Lão Miêu Tử hỏi:

"Anh bị ai đánh thành thương?" Lão Miêu Tử lại cười:

"Ai đánh được ta bị thương? Ai dám đánh tả" A Cát bảo:

"Tôi biết anh không chịu nói cho tôi biết, chẳng lẽ anh nhất định để tôi phải đi dò hỏi ử" Nụ cười của Lão Miêu Tử đông cứng lại, anh ta hất mặt lên bảo:

"Cho dù anh bị người ta đánh thì cũng là việc của anh, đâu cần phải chú đi hỏi!" Nãy giờ vẫn đứng im xa xa nơi cửa sỗ, "cô bé" bỗng bảo:

"Vì anh ấy sợ anh đi lại bị đánh đấy!" A Cát bảo:

"Tôi... ".

"Cô bé" đã cắt ngang lời chàng, lạnh lùng cười mà bảo:

"Có điều anh ấy căn bản không chịu nghĩ đến điều này, cho là anh ấy có bị đòn vì anh thì anh cũng tuyệt nhiên đâu có đi trút giận hộ anh ấy mà giữ!" A Cát thấy lòng trĩu xuống, đầu cũng cúi gục.

Bây giờ dĩ nhiên chàng đã hiểu bạn chàng vì ai mà bị đau đòn, chàng đâu đã quên được đôi mắt hung ác hình tam giác! Và chàng đâu phải là không hiểu lời "cô bé" nói nhọn sắc như dìu đâm nhưng đâu phải là không ngập nước mắt! Chàng tự giận mình, hận mình đến chết.

Vừa lúc đó A Cát nghe thấy có người lạnh lùng bảo:

"Đâu phải là nó không thích đánh nhau mà là nó sợ bị đánh đấy chứ!" Đó là tiếng gã mắt tam giác! Không phải gã đến một mình mà còn hai thanh niên trẻ lưng đeo đao đi theo. Một thằng mặt dài, chân cũng dài ngoẵng, tay chống nạnh vào hông đứng sau lưng bọn chúng. Gã này mặc chiếc áo đoạn bóng loáng.

Gã mắt tam giác chìa ngón tay cái ra chỉ vào người đứng phía sau mà bảo:

"Vị này là đại ca "Phu Xe" của chúng ta, hai chữ tên này đem vào bán ở cửa hàng cũng được mấy trăm lạng bạc đấy nhé!" Cơ trên mặt Lão Miêu Tử com rúm lại, anh ta bảo:

"Các người đến đây làm gì?" Gã mắt tam giác cười âm hiểm bảo:

"Mày yên tâm, du côn đánh bài cửu không có đánh đố mười đâu! Lần này chúng tao không tới làm phiền mày đâu!" Gã bước lại vỗ bộp bộp vào đầu A Cát:

"Thằng lỏi này là đồ lộn giống, các ông mày cũng không thèm tới kiếm nó đâu!" Lão Miêu Tử hỏi:

"Thế các người tìm ai ở đây?" Gã mắt tam giác bảo:

"Đến tìm em gái mày!" Gã nói rồi xoay mình đăm đăm nhìn "cô bé", trong cặp mắt tam giác đầy vẻ hung ác:

"Em gái này, chúng ta đi nhỉ!" Sắc mặt "cô bé" bỗng thay đỗi:

"Ông... Ông muốn tôi đi đâu?" Gã mắt tam giác cười nhạt bảo:

"Cần đi đâu thì đi đến đó! Mày bớt giả vờ cái con mẹ mày với các ông đi!" Thân hình "cô bé" co rúm về phía sau bảo:

"Chẳng lẽ tôi nghỉ một ngày cũng không được à?" Gã mắt tam giác bảo:

"Mày là người đang được tiếng ở nhà mụ Cả Hàn, bớt một ngày làm ăn hụt biết bao tiền bạc? Không có bạc chi trả, anh em chúng ông ăn gì?" "Cô bé" bảo:

"Nhưng bà Cả Hàn đã đồng ý cho tôi... " Gã mắt tam giác bảo:

"Lời mụ Cả Hàn đồng ý cũng coi bằng phát rắm, không có anh em chúng ông thì ngày nay mụ ấy cũng chỉ là con điếm, con điếm già chứ báu gì! Còn một ngày làm đĩ còn phải đi khách ngày ấy... " "Cô bé" không đợi hắn nói hết câu đã cao giọng bảo:

"Tôi cầu xin các ông, trong hai ngày các ông không thể không thả tôi nghỉ được, các anh ấy đều bị thương, vết thương đâu có nhẹ!" Gã mắt tam giác bảo:

"Các anh ấy? Các anh ấy là những đứa nào? ừ thì một đứa coi như anh mày còn một đứa thì là cái thá gì chứ?" Hai thằng đeo đao xông lên nói chen vào:

"Chúng ông biết thằng này rồi, nó đến làm "ông rùa" ở nhà mụ Cả Hàn chắc là có vấn đề với con đĩ non này đây!" Gã mắt tam giác bảo:

"Hay lắm! Thế thì hay lắm!" Gã quay phắt lại tát trái một cái vào mặt A Cát.

"Thật không ngờ con điếm thối là mày lại vớ lấy thằng này! Nếu mày không ngoan ngoãn đi theo chúng ông thì chúng ông thiến thằng này trước!" Gã lại cất chân đá vào khoảng giữa hai đùi A Cát. Nào ngờ "cô bé" đã xô lại bỗ nhào lên mình A Cát, nói giọng khàn đặc:

"Tôi có chết cũng không theo các ông đi nữa, các ông giết tôi trước đi!" Gã mắt tam giác nghiêm giọng bảo:

"Con điếm thối, mày thật muốn chết hử?" Lần này gã mắt tam giác chưa kịp cất chân đá thì Lão Miêu Tử đã túm lấy đầu vai gã hỏi:

"Mày nói em tao là gì?" Gã mắt tam giác bảo:

"Là con điếm, con điếm thối!" Lão Miêu Tử chẳng đôi hồi gì nữa vung tay quyền to như cái bát lên đánh tới.

Gã mắt tam giác bị trúng một quyền, nhưng bản thân Lão Miêu Tử cũng bị đứa bên cạnh đá cho hai đá, đau quá toát cả mồ hôi hột, lăn lộn trên mặt đất.

Hồi 12-2

Bà già từ dưới bếp chạy lên tay cầm con dao thái rau nói khản cả tiếng:

"Lũ kẻ cướp chúng mày, bà chúng mày sẽ liều mạng với chúng mày đây!" Lưỡi dao chém vào sau cỗ gã mắt tam giác. Dĩ nhiên là nhát dao chém không trúng.

Con dao của bà già đã bị gã mắt tam giác giật lấy và bà già bị quật ngã lăn ra đất.

"Cô bé" nhào tới ôm bà già mà khóc thất thanh đầy đau đớn. Một bà già chịu đựng một đời mọi thứ khỗ đau, cay đắng, như ngọn đèn tàn trước gió làm sao chịu nỗi đòn quật như vậy?

Gã mắt tam giác lạnh lùng bảo:

"Đó là mụ tự tìm cái chết nhé!" Chữ "Chết" vừa buông ra, Lão Miêu Tử đã gầm lên điên dại, lảo đảo chồm tới. Nửa thân mình anh ta bị thương đến đứng còn chưa vững nhưng anh ta đã quyết liều mình. Vốn anh ta đã định liều mình sẵn! Gã mắt tam giác nghiêm giọng bảo:

"Mày cũng muốn tìm chết hả?", tay gã đang cầm con dao thái rau vừa giật được của bà già. Đã là dao, dao nào chẳng giết được người! Mà gã đâu có sợ phải giết người! Gã thuận tay vung dao lên đâm phập vào ngực Lão Miêu Tử.

Lão Miêu Tử mắt đã đỏ ngầu căn bản là anh ta không nghĩ chuyện tránh né nhưng nhát dao lại đâm vào khoảng không.

Mũi dao vừa phập tới, Lão Miêu Tử đã bị đẩy vẹt ra:

anh ta bị A Cát đẩy ra! A Cát cũng còn đang đứng chưa vững, nhưng chàng vẫn dám đứng lên, xông tới đứng trước mặt gã mắt tam giác, đối mặt với con dao của gã mắt tam giác mà bảo:

"Chúng mày... chúng mày thật khinh người quá đáng... " Giọng A Cát khàn đặc, nói chẳng nên lời.

Gã mắt tam giác lạnh lùng bảo:

"Thì chúng mày làm gì? Mày định báo thù thay chúng nó chăng?" A Cát bảo:

"Tao... tao" Gã mắt tam giác cười bảo:

"Chỉ cần mày có gan thì dao đây, giết tao đi!" Quả là gã trao dao thật:

"Chỉ cần mày có gan giết người thì tao xin phục mày đấy! Coi như mày giỏi!" A Cát không đón lấy cây dao. Tay chàng run, toàn thân run rẩy, run rẩy không thôi.

Gã mắt tam giác cười vang, vươn tay túm lấy đầu tóc của "cô bé", nghiêm giọng quát:

"Đi!" "Cô bé" không chịu theo gã. Bàn tay gã bỗng bị một bàn tay khác nắm chặt, một bàn tay rắn chắc khỏe mạnh làm gã có cảm giác như bàn tay mình sắp bị gẫy vụn.

Đó là bàn tay của A Cát! Gã mắt tam giác trợn mắt lên, giật mình nhìn A Cát rồi bảo:

"Mày... mày dám động vào tao hả?" A Cát bảo:

"Tao không dám, tao không giỏi, tao không dám giết người, tao cũng không muốn giết người!" Tay chàng dần dần lỏng ra... Gã mắt tam giác gào lên cuồng dại:

"Thế thì tao lại giết mày!" Gã thuận tay lia dao vào cuống họng A Cát.

A Cát không động, cũng chẳng né tránh chỉ vẫy tay nhè nhẹ, một quyền bay ra. Gã mắt tam giác ra tay trước nhưng nhát dao chưa chém tới thì quả đấm của A Cát đã nện vào hàm gã.

Con người gã tự dưng bay tung lên, "uỳnh" một tiếng thúc vỡ cả cửa sỗ bay vọt ra thật xa, lại "huỵch" một tiếng húc vào bức tường thấp. Vừa rơi "bịch" xuống, cả người gã đã mềm oặt chẳng khác gì đống đất bùn.

Ai nấy đều ngẩn người, kinh hoàng nhìn A Cát. A Cát không nhìn bọn chúng, đôi mắt trống rỗng vô hồn tựa hồ chẳng có chút biểu hiện tình cảm nào, chỉ dường như lòng tràn trề đau khỗ.

Từ nẫy đến giờ vẫn đứng chống nạnh ở cửa nhìn, gã "Phu Xe" bỗng nhẩy dựng lên:

"Treo mày nhớ!" Từ này theo "Xuân điển" (loại tiếng lóng trên giang hồ ư ND) của các hảo hán chốn thị tỉnh thì ý nghĩa là "giết nó đi!" Hai gã đeo đao ngần ngừ, nhưng rồi cuối cùng cũng tuốt đao ra. Chính hai cây đao này từng đâm bẩy tám nhát đao trên mình A Cát hôm nào đấy bây giờ lại đồng loạt đâm vào chỗ yếu hại hai bên sườn chàng nhưng mỗi lần đâm đều trượt vào khoảng không cả.

Hai gã thanh niên lực lưỡng cũng bỗng dưng ngã lăn ra đất, mềm nhũn như hai cục đất vì hai tay A Cát vừa dang ra là trúng ngay vào yết hầu chúng, hai đứa ngã liền không kêu được tiếng nào.

Gã Phu Xe sắc mặt biến thành thê thảm, lùi dần từng bước ra ngoài.

A Cát không thèm liếc nhìn gã Phu Xe, chỉ buôn hai tiếng lạnh lùng:

"Đứng lại!" Phu Xe chợt trở nên biết vâng lời, quả nhiên đứng lại ngay.

A Cát bảo:

"Ta vốn không muốn giết người, tại sao chúng mày cố ý nhất định bức bách ta phải ra tay?" Chàng cúi xuống nhìn hai tay mình, đôi mắt ngập tràn buồn thương và đau khỗ. Vì đôi tay này bây giờ đã lại vấy máu rồi! Gã Phu Xe chợt ưỡn ngực, cao giọng quát:

"Mày muốn giết tao cũng đừng mong chạy thoát!" A Cát bảo:

"Ta đâu có bỏ đi!" Nét mặt chàng càng lộ rõ vẻ đau khỗ, tiếp đó nói dằn từng tiếng:

"Vì ta đâu còn chỗ nào để đi!" Gã Phu Xe thấy chàng đang mải cúi gục thì ra tay ngay, một mũi phi đao bay thẳng vào ngực chàng.

Nhưng mũi phi đao bỗng bay trở lại vai phải gã, cắm phập vào khớp vai. Cánh tay này của gã hết còn giết được người! A Cát bảo:

"Ta không giết mày vì ta muốn để mày sống mà trở về bảo với thằng đại ca Đầu Sắt (Thiết Đầu), bảo với "Lão chủ Lớn" của chúng mày giết người chính là ta đây, chúng mày muốn báo thù thì cứ đến đây mà tìm, cấm không được làm liên lụy những người không có tội!" Gã Phu Xe khắp đầu toát mồ hôi to như hạt đậu, nghiến chặt răng lại mà bảo:

"Thằng nhỏ khá! Coi như mày cũng ra giống người đấy!" Gã quay mình phóng ra như bay, bỗng quay đầu lại:

"Mày đã là giống người thì khai tên họ ra đi!" A Cát bảo:

"Ta là A Cát, là A Cát vô dụng đây!" Đêm tối, đèn mờ.

Ngọn đèn thê lương ảm đạm chiếu rọi vào xác bà già đặt trên giường, chiếu rọi vào khuôn mặt bệch bạc của "Cô bé" và Lão Miêu Tử.

Đây là mẹ họ, vì sự trưởng thành của họ mà bà đã chịu cay đắng, khỗ sở suốt cả đời, thử hỏi họ đã báo đáp được gì cho mẹ?

A Cát đứng lẩn vào bóng tối của xó nhà, đầu cúi gằm tựa hồ không dám đối mặt với anh em họ. Chỉ vì bà già vốn không đáng phải chết, nếu chàng dám có dũng khí đương đầu lại tất cả thì bà già tuyệt không đến nỗi bị chết! Lão Miêu Tử bỗng ngẩng đầu nhìn A Cát bảo:

"Chú đi đi!" Mặt anh ta vì đau thương quá độ mà co rúm lại:

"Chú đã báo thù thay cho mẹ chúng ta, lẽ ra anh em ta phải cảm ơn chú, nhưng... nhưng bây giờ anh em ta chẳng còn cách nào giữ chú ở lại được nữa rồi!" A Cát không nhúc nhích cũng chẳng ra lời. Chàng quá hiểu ý của Lão Miêu Tử, anh ta muốn chàng đi chỉ vì không muốn lại làm liên lụy đến chàng.

Nhưng chàng quyết không đi! Lão Miêu Tử bỗng quát lên:

"Cứ coi như anh em chúng ta có ơn với chú và chú đã đền đáp rồi, sao lại còn không đi đỉ" A Cát bảo:

"Nếu thật anh muốn tôi đi thì chỉ có một cách!" Lão Tử Miêu hỏi:

"Cách gì?" A Cát bảo:

"Đánh chết tôi rồi khiêng tôi đi!" Lão Miêu Tử nhìn chàng rồi lệ nóng ứa đầy hốc mắt trào ra, cao giọng bảo:

"Anh biết chú có công phu giỏi có thể đối phó được với bọn chúng, nhưng chú có biết bọn chúng là người như thế nào không đã?" A Cát đáp:

"Tôi không biết!" Lão Miêu Tử bảo:

"Chúng nó có tiền, lại có thế! Lão Chủ Lớn nhà chúng nó nuôi toàn bọn dao búa, ít nhất cũng dăm ba trăm đứa, trong số đó lợi hại nhất có ba đứa gọi là Đầu Sắt (Thiết Đầu), Tay Sắt (Thiết thủ) và Hỗ Sắt (Thiết Hỗ), nghe nói xưa kia là bọn đại trộm cướp trên chốn giang hồ giết người không chớp mắt, về bị quan phủ truy bắt gấp nên mới thay tên đỗi họ ẩn nấp chốn này!" Rồi anh ta lại gào lên:

"Cứ cho là công phu của chú giỏi đi, nhưng nếu gặp phải ba gã kia thì chỉ có một đường chết mà thôi!" A Cát đáp:

"Nhưng tôi không còn đường nào để đi được nữa!" Rồi chàng lại cúi gục đầu, bộ mặt chìm vào trong bóng tối. Lão Miêu Tử không nhìn được nét mặt của A Cát biểu hiện ra sao nhưng anh ta nghe thấy giọng nói của chàng đầy buồn đau và quyết tâm.

Buồn đau cũng là sức mạnh có thể giúp người ta làm được những điều lúc bình thường không làm nỗi! Cuối cùng Lão Miêu Tử thở dài sườn sượt mà bảo:

"Được, chú đã muốn chết thì cùng anh em ta chết cả thể càng hay!" Bỗng họ nghe thấy bên ngoài có người nói lạnh tanh:

"Hay ! Cực hay!" Một tiếng "uỳnh" vang lên, bức tường gạch bên sườn nhà bị thủng một lỗ to.

Tay quyền của người này mới cứng biết chừng nào! A Cát chầm chậm từ trong bóng tối đi tới, tới mở cửa toang ra.

Bên ngoài cửa xúm xít một đám đông. Thân hình cao lớn, quần áo hoa lệ là một gã đứng ở giữa, tay trái đang mân mê quả cầu đá, lé mắt nhìn A Cát rồi bảo:

"Mày có phải là thằng A Cát vô dụng không?" "Phải, chính phải!" A Cát đáp Gã kia liền bảo:

"Ta là Tay Sắt A Dũng đây !" A Cát đáp:

"Tùy mày muốn tên gì thì cũng thế thôi !" A Dũng "tay sắt" lạnh lùng bảo:

"Nhưng tay sắt của ta lại không thế mà thôi đâu!" A Cát hỏi:

"Hử?" Tay sắt A Dũng bảo:

"Nghe nói mày rất ra giống người, nếu mày dám để tao đánh một quyền thì tao coi mày là giống người thật !" A Cát bảo:

"Xin mời!" Lão Miêu Tử biến sắc mặt, "Cô bé" dùng sức túm chặt lấy tay A Cát, cả hai người kia tay lạnh ngắt. Cả hai anh em đều cho A Cát là không muốn sống nữa, nếu không sao dám tình nguyện chịu một quyền sắt thép chỉ một đấm đã vỡ thủng cả bức tường?

Nhưng đằng nào họ cũng chỉ có một con đường chết, chết sớm cũng là chết, chết muộn cũng là chết, đã chết thì còn kể gì nữa!?

"Cút con mẹ nó đi, chết thì chết chứ sao!" Lão Miêu Tử bỗng chồm tới thét to:

"Mày là giống người thì đấm ông mày một quyền trước đi!" Tay sắt A Dũng bảo:

"Cũng được!" Gã nói đánh là đánh, một quyền thẳng vung tới đánh thẳng vào mặt Lão Miêu Tử.

Ai ai cũng nghe thấy xương vỡ ra lạo xạo thành tiếng, nhưng bị vỡ vụn ra lại không phải là mặt Lão Miêu Tử mà là ngọn quyền sắt của Tay sắt A Dũng! Thì ra A Cát đột ngột ra tay, đánh một quyền vào đúng tay quyền của A Dũng rồi lại đánh ngược trở lại một quyền xiết mạnh vào bụng gã.

Tay sắt A Dũng đau quá chịu không nỗi, cả người co quắp như con tôm dưới đất, đau đến độ lăn lộn khắp nơi.

A Cát nhìn lũ người đứng sau Tay sắt A Dũng. Cả lũ đao nhăm nhăm trong tay nhưng không một kẻ nào dám nhúc nhích.

A Cát bảo:

"Về bảo Lão Chủ Lớn nhà chúng mày muốn lấy mạng ta thì cố tìm được hảo thủ mà sai tới, như thằng vừa rồi thì chưa đáng đâu !"


Nguồn: http://truyenviet.com/