Khi hai người bạn chiến đấu bắt đầu ngồi vào bàn cũng là lúc người ta thông báo cho phu nhân Bonaparte có bá tước phu nhân và tiểu thư Claire de Sourdis vào gặp.
Những người phụ nữ ôm hôn nhau, trong giây lát họ tạo thành một nhóm điệu đà duyên dáng và theo thông lệ họ hỏi nhau về sức khoẻ thời tiết, hàng ngàn câu quen thuộc như giới quý tộc vẫn làm sau đó phu nhân Bonaparte mời nữ bá tước ngồi xuống ghế trường kỷ còn Hortense dẫn Claire, một cô gái trạc tuổi Hortense, đi thăm cung điện nơi lần đầu cô đặt chân đến.
Hai cô thiếu nữ tạo thành sự đối lập rất duyên dáng: Hortense có mái tóc vàng, tươi nói như một bông hoa, mơn mởn như trái đào. Mỗi khi cô thả tóc, một suối vàng suôn mượt chảy xuống tận đầu gối, hai cánh tay và đôi bàn tay cô hơi gầy. Giống như các thiếu nữ đang chờ trở thành đàn bà sau cú nháy mắt của tạo hoá; cô hội tụ trong tư thế yểu điệu kia sự mãnh liệt của người Pháp và hoàn toàn Morbidezza(1) của người da trắng. Cuối cùng, để hoàn thiện cho vẻ quyến rũ ấy là đôi mắt xanh lơ dịu hiền vô tận.
Người đi cùng cô cũng có vẻ đẹp và duyên dáng không kém chỉ có điều đó là vẻ đẹp hoàn toàn khác. Claire cao hơn bạn mình, cô có nước da bánh mật mà thiên nhiên ban tặng cho cô gái miền nam, đôi mắt xanh màu ngọc saphir, mái tóc đen như gỗ mun, chân tay mềm và xinh như tay trẻ con.
Cả hai thiếu nữ đều được học hành tử tế. Hortense, sau khi phải đi học nghề và sau khi Joséphine, mẹ cô được ra tù, cô đã được tiếp tục học với sự thông minh và chịu khó không ai sánh kịp. Cô vẽ đẹp, chơi nhạc giỏi và sáng tác những vần thơ lãng mạn, một vài tác phẩm vẫn còn đến ngày nay. Chúng không tồn tại vì vị thế của tóc giả mà bằng chính giá trị hiện thực của mình.
Cả hai đều là hoạ sĩ, nhạc sĩ và nói được vài ba ngoại ngữ. Hortense chỉ cho Claire thấy phòng tranh, phòng chơi nhạc và chuồng nuôi chim của mình.
Sau đó, họ ngồi xuống chiếc ghế do Redouté trang trí cạnh chuồng chim, câu chuyện xoay quanh những buổi vũ hội, như đang thịnh hành hơn bao giờ hết, về những điệu nhảy, những người nhảy đẹp về ngài Trénis, ngài Laffitte, ngài Alvimar, hai anh em nhà Caulaincourt. Các cô phàn nàn về việc cứ phải nhảy điệu gavone hay menuet. Cuối cùng là những cân hỏi xưa như trái đất.
Hortense hỏi:
- Bạn có biết công dân Duroc, sĩ quan tuỳ tùng của cha dượng tôi không?
Claire hỏi:
- Bạn có bao giờ gặp công dân Hectơrde Sainte-Hermine chưa?
Claire không biết Duroc.
Hortense cũng không biết Hector.
Hortense hầu như thừa nhận rằng mình yêu Duroc, cha dượng cô rất mến Duroc nên đã cho phép mối tình ấy.
Trên thực tế Duroc cũng là một trong những tướng triển vọng trong điện Tuileries. Chưa đến tuổi hai mươi tám, cách cư xử hơn người, đôi mắt to, tóc đẹp, cao dong dỏng và rất lịch thiệp.
Tuy nhiên, có một bóng đen bao trùm lên tình yêu ấy.
Bonaparte đồng ý nhưng Joséphine lại thích một đám khác.
Joséphine muốn gả Hortense cho người em thứ của Napoléon, đó là Louis.
Joséphine còn có hai kẻ địch khác trong gia đình chồng: Joseph và Lucien. Họ dò xét hành vi của Joséphine ra mặt, chính họ khuyên Bonaparte sau chuyến viễn chinh từ Ai Cập về không nên đến gặp Joséphine. Chính họ thúc Bonaparte ly dị với lý do Bonaparte cần con trai để xứng với những dự định đầy tham vọng của ông; họ còn tiếp tục như vậy vì chính quyền lợi của mình.
Joseph và Lucien đã lập gia đình. Theo ý nguyện, Joseph đã lấy con gái ông Clary, một nhà thương thuyết giàu có ở Marseille và trở thành anh rể của Bemadotte. Nhà ông này còn có cô em thứ ba xinh hơn hai cô chị: Bonaparte đã từng hỏi cưới nhưng ông bố đã từ chối thẳng:
- Không được, tôi có một con rể Bonaparte trong nhà là đã đủ lắm rồi.
Giá ông đồng ý thì có lẽ ông già thương thuyết ở Marseille đã trở thành bố vợ của hoàn g đế và hai vị vua rồi.
Còn Lucien, anh này lấy vợ theo cách gọi hồi đó là không môn đăng hộ đối.
Năm 1794 hay 1795, khi Bonaparte mới chỉ nổi danh qua việc chiếm Toulon, Lucien đã giữ chức trưởng kho cho một làng nhỏ Saint-Maximin. Lucien là một thành viên phái Cộng hoà, được đặt tên thánh là Brutus, nên không thể cho phép có một vị thánh nào khác nơi mình sống. Do vậy, anh ta cho đổi tên làng Saint-Maximin thành làng Marathon.
Lucien Brutus sống tại lâu đài duy nhất có ở Saint-Maximin hay còn gọi là Marathon. Nơi này có một người quản gia không bận tâm đến việc thay tên đổi họ, vẫn được gọi là Constant Boyer.
Ông này có cô con gái Chistine xinh đẹp như hoa. Tạo hoá đôi khi lại để đoá hoa đẹp nở trong đám cỏ dại, ngọc sáng trong đá
Ngày đó ở làng Saint-Maximin-Marathon không có trò tiêu khiển hay hoạt động xã hội nào nhưng Lucien cũng chẳng bận tâm. Christine Boyer là quá đủ với anh ta.
Tuy nhiên, Christine Boyer không những xinh đẹp mà còn khôn ngoan, cô đâu chịu làm cảnh người tình; trong một lúc quá yêu và cũng chán nản, Lucien đã cưới cô làm vợ và Christine Boyer trở thành Christine Bonaparte.
Vị tướng của cuộc cách mạng 13 Vendémiaire đang phất lên như điều gặp gió hay tin em mình cưới liền nổi giận đùng đùng. Ông thề không bao giờ nhìn mặt em trai cũng không bao giờ nhận em dâu và chỉ cho hai người một vị trí nhỏ ở Đức.
Sau này, khi đã nguôi giận, ông đã gặp em dâu và tha thứ cho em trai Lucien Brutus lúc này đã tới thành Lucien Antoine, đó là ngày 18 Brumaire.
Lucien và Joseph là nỗi kinh hoàng của Joséphine Bonaparte chính vì vậy, bà muốn gả con gái riêng của mình cho Louis vừa đảm bảo gia sản vừa tạo thế dựa đối trọng chống lại Lucien và Joseph.
Hortense cực lực phản đối, không phải vì Louis ngày ấy không đẹp trai, anh này có cái nhìn đắm thắm, nụ cười cởi mở mà vì anh chàng này giống như cô em Caroline của cô vừa lấy Murat, vẫn còn trẻ con. Mới hai mươi tuổi, Louis không yêu Hortense nhưng cũng không ghét cô, anh để mặc mọi chuyện diễn ra.
Còn về Hortense, cô không ghét Louis nhưng vấn đề là cô yêu Duroc, cô tin tưởng Claire de Sourdis nên thổ lộ hết với bạn.
Claire cũng tâm sự chuyện của mình nhưng bất hạnh cho cô là cô không có gì nhiều để kể.
Cô đang yêu, nếu có thể gọi như thế là yêu, có lẽ cô mới nhận ra thì đúng hơn, cô nhận ra một thanh niên đẹp trai khoảng hai mươi tư tuổi. Chàng trai ấy có mái tóc vàng, đôi mắt đen rất đẹp, nhưng được nét rất đàn ông, tuy nhiên tay chân lại mềm như phụ nữ. Thật kỳ lạ là những thứ đó lại tạo thành sự hài hoà hoàn hảo.
Người ta có thể hiểu lớp vỏ bên ngoài mềm yếu kia đang chứa đựng sức mạnh của Héc-quyn bên trong, văn học giai đoạn trước cũng đã từng tạo nên hững hình mẫu tương tự với René và Manfred. Anh ta có vầng trán hơi tái chứng tỏ có rủi ro ập đến.
Đó cũng là thứ từng xảy ra với gia đình anh và trong gia đình có những truyền thuyết khủng khiếp ít ai biết rõ. Nhưng những dấu hiệu ấy ẩn hiện phía sau con người này. Không bao giờ người ta thấy anh để tang cho mẹ vốn là nạn nhân của nền Cộng hoà, không bao giờ anh biểu hiện nỗi đau trong các buổi vũ hội hay những buổi gặp gỡ nhằm xua đi bóng den u ám. Những người bạn của anh, không phải đám ăn chơi mà là những người bạn săn hay đi du lịch cùng, cũng ít khi rủ anh đến chỗ không đứng đắn.
Trước kia, hai nhà Sainte-Hermine và Sourdis đã từng có quan hệ đi lại theo truyền thống của những gia tộc lớn, mối quan hệ ấy rất quý với cả hai nhà. Chính vì vậy mà từ khi phu nhân Sourdis từ miền thuộc địa trở về, chàng trai trẻ Sainte-Hermine tình cờ về Paris, đã đến thăm rất thân tình.
Cũng từ vài tháng qua, hai con người trẻ tuổi ấy đã gặp nhau. Nhưng ngoài câu chào hỏi thông thường họ ít nói chuyện, chủ yếu chỉ có chàng trai ấp úng vài lời. Tuy nhiên, nếu miệng không cất thành lời thì đôi mắt lại nói thay họ. Hector có ánh mắt nhìn cũng mãnh liệt như lời muốn nói. Mỗi khi gặp Claire, cái nhìn của anh muốn nói với cô rằng chúng thấy cô đẹp biết bao. Trái tim anh đang thổn thức biết chừng nào.
Ngay lần gặp đầu tiên, Claire đã rung động trước ánh mắt khẩn nài của anh. Với cô, Sainte-Hermine là một hiệp sĩ hoàn hảo ở mọi mặt cho nên cô cũng để mình nhìn lại chàng. Cô hy vọng một ngày trong vũ điệu đầu tiên của hai người, chỉ một lời hay một cái xiết tay sẽ là cứu cánh cho ánh mắt đắm đuối kia. Nhưng có một điều kỳ lạ ở thời điểm đó Sainte-Hermine, một hiệp sĩ hào hoa đã gác súng như nhà Junot hay Fourmier, không hề khiêu vũ lần nào.
Cũng là điểm mới đối với những người trong các cuộc vũ hội mà mình tham gia, việc Sainte-Hermine chỉ đứng im, lạnh lùng, ẩn vào cạnh cửa sổ hay một góc nào trong phòng trở thành chủ dề bàn tán của nhiều cô gái. Họ tự hỏi vì sao một người hào hoa như vậy lại không tham gia.
Còn Claire, cô ngạc nhiên về sự thu mình bướng bỉnh của bá tước Sainte-Hermine đối với mình cũng như sự ngạc nhiên về thái độ của mẹ, dù tỏ ra quý mến chàng trai trẻ nhưng bà lại nói nhiều về gia đình bị cách mạng tàn phá của anh. Rào cản hai người cũng không thể là vấn đề tiền bạc, cả hai đều là con một của gia tộc giàu có nên được thừa hưởng tài sản cũng tương đương nhau.
Những băn khoăn trong lòng cô là những cảm xúc hỗn độn về phẩm chất đạo đức cũng như dáng vẻ bề ngoài chàng vẻ bí hiểm khiến cô càng thêm rối bời chỉ chờ có dịp được tháo bỏ.
- Nếu như Hortense có thể thẳng thắn nói lên mong muốn của mình là cưới Duroc người cô yêu thương và không lấy Louis Bonaparte thì Claire không thể nói rõ niềm đam mê trong cô. Cô chỉ có thể vẽ từng nét về Hector, chỉ có thể mô tả phần nào màn đêm đang vây quanh cô. Và khi mẹ gọi hai lần, khi đứng dậy ôm hôn Hortense, cô chợt nhớ ra một điều quan trọng.
- Nhân đây - Cô nói - Hortense thân mến, tôi quên hỏi bạn một chuyện.
- Chuyện gì vậy?
- Hình như phu nhân Permon mở một đại vũ hội phải không?
- Đúng vậy, Loulou mới cùng mẹ đến thăm tôi và đích thân mời chúng tôi.
- Bạn sẽ đi chứ?
- Tất nhiên.
- Hortense thân mến - Claire dịu giọng - Tôi có việc muốn nhờ bạn.
- Việc gì vậy.
- Hãy giúp chúng tôi, cho mẹ và tôi cùng được mời có được không?
- Tôi hy vọng là có thể.
Claire nhảy lên vui sướng.
- Ồ cảm ơn bạn. Bạn định làm thế nào?
- Trước tiên, tôi có thể lấy một thiệp mời của Loulou nhưng tôi thích nhờ Eugène hơn. Eugène rất thân với con trai của phu nhân Permon. Cậu ấy sẽ hỏi được điều mà bạn muốn.
- Và tôi sẽ được dự vũ hội nhà phu nhân de Permon phải không?- Claire kêu lên thích thú.
- Đúng vậy - Hortense đáp rồi nhìn thẳng vào mặt bạn mình - Anh ấy cũng đến đó à?
Claire đỏ bừng mặt khẽ cúi xuống.
- Tôi mong như thế.
- Bạn sẽ chỉ anh ấy cho tôi chứ?
- Ồ bạn sẽ nhận ra anh ấy mà không cần tôi chỉ, Hortense thân mến ạ. Tôi chẳng nói với bạn rằng anh ấy không thể lẫn vào đâu dù có cả nghìn người hay sao?
- Tôi thật tiếc là anh ấy không khiêu vũ! - Hortense nói.
- Chính tôi cũng vậy - Claire thở dài.
Hai thiếu nữ tạm biệt nhau Claire còn nhắc Hortense đừng quên thiếp mời.
Ba ngày sau, Claire de Sourdis đã nhận được tấm thiệp ấy.
Chú thích:
(1) Dịu dàng (tiếng Ý)
Chương 11: Vũ hội nhà phu nhân Permon
Buổi dạ hội mà cô bạn gái của tiểu thư Hortense de Beauhamais(1) muốn có thiếp mời đã thành tin nóng hổi cho cả Paris hào hoa thời đó. Phu nhân Permon lẽ ra phải có ngôi nhà rộng gấp bốn lần ngôi nhà bà hiện ở bây giờ mới đủ chỗ cho những ai muốn tham dự buổi vũ hội ấy. Bà đã tránh không mời hơn một trăm năm mươi quý ông quý bà nhưng vốn sinh ra tại đảo Corse, từ thơ ấu, bà đã có gắn bó với gia đình Bonaparte cho nên bà mới nể Eugène Beauhamais và dành hai thiếp mời cho mẹ con phu nhân Sourdis. Phu nhân Permon lựa chọn khách mời rất kỹ lưỡng. Dù tên của bà mới nghe có vẻ không cao quý nhưng bà là một trong số những Phụ nữ danh giá nhất thế giới. Vốn tổ tiên là dòng họ Comnène đã từng có sáu người làm vua ở Constantinople, một ở Heracléc và mười người ở Trébizonde.
Tổ tiên của bà, Constantin Comnène, trong lúc chạy trốn những kẻ theo đạo Hồi, ban đầu trú ẩn trong dãy núi Taygète, sau đó đến những dải núi trên đảo Corse đã tập hợp được ba nghìn đồng bào rồi lập nên nhà nước sau khi mua lại từ chính quyền Gênes các vùng đất đai của Paomia, Salogna và Revinda.
Tuy gốc gác đế vương nhưng tiểu thư Comnène lại theo tiếng gọi của tình yêu kết hôn với một chàng trai bình thường là ngài Permon. Ông Permon đã chết cách đây hai năm để lại bà vợ goá, một cậu con trai 28 tuổi và cô con gái 14 tuổi cùng 25 nghìn livre tiền tô tức Mối giao thiệp rộng rãi của phu nhân Permon cộng với quan hệ bình dân đằng chồng đã khiến cho phòng tiếp quý tộc mở ra cho cả giới chính khách nền dân chủ, những sĩ quan, các nhà nghệ thuật, khoa học gia... trong đó có những cái tên có thể sánh với những gương mặt tiêu biểu thời quân chủ.
Trong phòng khách, người ta có thể thấy quý ông Mouchy, Montcalm, hoàng tử Chalais, hai anh em nhà Laigle, Charìes, Just de Noailles, nhà Montaigu, ba người nhà Rasdignac, bá tước de Caulaincourt và hai con trai, Amland và Auguste, nhà Albelt ớ Orsay, nhà Montbreton. Nhà Sainte-Aulaire và Talleyrand kề vai cùng nhà Hoche, Rapp, Duroc, Trénis, Laffitte, Dupaty, Junot, Amsson và Laborde.
Với 25 nghìn livres tiền tô tức, phu nhân Permon sở hữu một trong những ngôi nhà sang trọng và quý phái nhất Paris. Quả thực 25 nghìn livres bấy giờ tương đương với 50 nghìn bây giờ. Ngôi nhà đâu đâu cũng là hoa và cây cảnh. Ngôi nhà như một toà kính: tiền sảnh trang trí bằng cây cảnh và hoa khiến người ta không thể thấy tường nhà, đồng thời những ngọn đèn màu lung linh đủ màu sắc khiến ta như đang lạc vào cõi bồng lai.
Thời đó người ta tụ hội chủ yếu để khiêu vũ và khiêu vũ thực sự cho nên các buổi vũ hội thường bắt đầu sớm. Chín giờ, các phòng khách của phu nhân Permon đã rực rỡ ánh đèn. Bà cùng con trai, con gái đang chờ khách đến.
Phu nhân Permon vẫn còn rất khả ái. Hôm nay, bà mặc chiếc váy dạ hội màu trắng, điểm những lon vải kết hình hoa thuỷ tiên kép. Kiểu dáng váy từ Hy lạp, nó nâng ngực lên và đính hai dải kim cương trên bờ vai chiến váy này cho nhà tạo mốt Leroy trên phố Petits-Champs, thiết kế, kèm theo váy là chiếc mũ không vành, gắn mạng trắng có đính lon vải hình hoa thuỷ tiên như trên váy, được đặt lên mái tóc đen như mun. Trước mặt bà ta là những bó hoa thuỷ tiên và violet rất lớn. Và để hoàn tất trang phục, bà đeo hai bông tai bằng kim cương trì giá mỗi bên là 15 nghìn phăng.
Tiểu thư Permon trang điểm đơn giản hơn. Mẹ nàng cho rằng tuổi mười sáu, không cần quá chú trọng trang điểm mà vẻ đẹp tự nhiên là điều quan trọng hơn. Cô mặc một chiếc váy lụa hồng kiểu giống mẹ, một vành hoa thuỷ tiên trắng trên đầu, một vành hoa vải tương tự dưới chân váy, những khuy móc và bông tai đều bằng ngọc Nhưng người chú trọng sắc đẹp nhất buổi dạ hội đến mức không còn để ý đến sự xuất hiện của gia đình Bonaparte là phu nhân Leclerc(2) bạn thân thiết của phu nhân Laetitia và là cô em gái cưng của Bonaparte. Để không bị ảnh hưởng đến vẻ lộng lẫy của mình, nàng đã nhờ phu nhân Permon cho mình thay trang phục tại đây. Nàng may váy tại nhà phu nhân Germon, cho gọi những tay trang điểm hàng đầu để sẵn sàng có mặt đúng lúc phòng khách đến đông nhưng chưa đủ. Đây là thời điểm thu hút được sự chú ý nhiều nhất.
Một số phụ nữ đẹp nhất như phu nhân Méchin, phu nhân de Pengord, phu nhân Récamier đến lúc chín giờ ba mươi. Ngay lúc đó người ta thông báo phu nhân Bonaparte cùng con trai và con gái tới.
Lập tức phu nhân Permon đứng dậy đi ra tận nửa phòng ăn để đón. Bà không hề ra xa như vậy để đón ai.
Joséphine đội một vành cây mỹ nhân tết bằng vải đính cườm vàng, chiếc váy lụa trắng cũng trang trí như vậy. Hortense mặc váy trắng giống mẹ nhưng trang trí đơn giản bằng cành hoa tím.
Cũng lúc đó nữ bá tước Sourdis và con gái cùng vào. Bà mẹ mặc váy dài gắn những hạt vàng hình hoa păng xê, cô con gái chải tóc kiểu Hy Lạp, mặc váy dài trắng thêu vàng và đỏ tía.
Phải nói Claire rất hợp với trang phục ấy, những dải thêu vàng và đỏ tía càng tôn thêm mái tóc đen của cô.
Vừa nhận ra Claire, và được em gái ra hiệu, Eugène Beauhamais tiến ra chỗ những người mới đến, dắt tay phu nhân Sourdis và đưa bà lại gần phu nhân Permon.
Phu nhân Permon mời bà ngồi phía bên trái, Joséphine ngồi bên phải, Hortense dắt Claire ngồi cách mẹ vài người.
- Thế nào? - Hortense tò mò hỏi.
- Anh ấy kia - Claire vừa nói vừa run rẩy.
- Đâu? - Hortense càng tò mò hơn.
- Kìa, kìa, trong nhóm kia, người mặc đồ nhung màu hồng lựu quần ống chẽn, giày đính kim cương, trên mũ cũng gắn kim cương ấy.
Đôi mắt Hortense dõi theo hướng Claire chỉ.
- Bạn nói đúng - Hortense nói - Chàng trai ấy đẹp như Antinous. Nhưng tôi thấy chàng đâu có buồn như bạn kể. Thậm chí thiên thần của bạn còn khẽ cười với chúng ta kìa.
Quả đúng là bá tước Sainte-Hermine không rời mắt khỏi tiểu thư Sourdis từ khi cô bước vào phòng nét mặt anh ta lủện rõ một niềm vui kín đáo. Khi bắt gặp cái nhìn của Claire và bạn cô, anh tiến lại chào hai người.
- Mong tiểu thư dành cho tôi bản Réelle hay điệu Anh đầu tiên được chăng? - Anh hỏi Claire.
- Bản Réelle đầu tiên, vâng được, thưa ngài - Gaire ấp úng và trở nên tái mét khi thấy bá tước bước quay sang bạn mình, cô này cũng đỏ bừng đôi má.
- Còn tiểu thư Beauhamais - Hector nói và cúi mình trước Hortense - Tôi xin chờ từ miệng tiểu thư mệnh lệnh được xếp hàng sau những người ngưỡng mộ tiểu thư.
- Bản Gavotte đầu tiên nếu ngài muốn - Hortense đáp.
Cô biết Duroc, dù là người khiêu vũ giỏi cũng không nhảy điệu gavotte.
Bá tước Hector cúi chào cảm ơn rồi dửng dưng đi qua những lời tán dương dành cho phu nhân Contades vừa đến.
Cùng lúc đó, những tiếng xì xào ngưỡng mộ rộ lên về những kiểu mốt mới. Cuộc tranh luận cứ tiếp tục mãi và buổi vũ hội chỉ khai mạc khi có sự hiện diện của ngài Tổng tài Bonaparte.
Sự ganh tị giữa các quý bà ngày càng quyết liệt khi có sự xuất hiện của Pauline Bonaparte. Những người thân vẫn gọi bà là Paulette, bà đã lấy tướng Leclerc, người đã giúp Bonaparte rất nhiều trong cuộc cách mạng ngày 18 Brumaire.
Phu nhân Leclerc bước ra khỏi phòng nơi bà vừa thay đồ với vẻ yểu điệu thướt tha hiếm thấy, bà chỉ rút găng tay khi đã vào phòng, để lộ làn da trắng, cổ tay tròn như ngà voi đeo đầy vòng vàng và đá quý chạm nổi. Hôm đó, phu nhân Leclerc chải tóc và kết với những dải da đốm mịn như da báo gấm, trên đó có đính những chùm nho bằng vàng. Đây là kiểu bắt chước hoạ tiết trong chiếc vòng đá màu bà đang đeo. Những đường nét cơ thể thanh thoát của bà sánh với vẻ đẹp cổ đại Một chiếc váy bằng vải mousseline Ấn Độ vô cùng mềm mại, nó như dệt từ không khí nói như cách nói của Juvénal. Thân váy dưới có đường thêu màu vàng uốn lượn đan xen màu đỏ tía. Chiếc váy dài trùm lên bờ vai có đính đá màu lấp lánh, tay áo ngắn, hơi gấp nếp và đính nhiều đá màu. Một chiếc thắt lưng ôm sát ngay dưới ngực như trong các bức tượng cổ, làm bằng lụa đính vàng và đá khắc.
Tất cả đều vô cùng hài hoà đến nỗi một giọng tán dương vang lên ngay khi phu nhân Leclerc vừa xuất hiện trong phòng mà không sợ làm những phụ nữ khác mếch lòng.
- Incessu patuit dea - Dupaty nói khi bà đi ngang qua.
- Ngài định nhạo báng tôi bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu hay sao, công dân nhà thơ? - Phu nhân Leclerc nở nụ cười.
- Sao cơ, phu nhân là người La mã mà không hiểu tiếng La tinh sao?
- Tôi đã quên rồi.
- Đó là một nửa câu thơ của Virgile khi Vénus xuất hiện ở Enée. Đức cha Delille đã dịch như sau:
"Nàng bước đi, dáng điệu thanh thoát như một nữ thần"
- Hãy đưa tay cho tôi hỡi quý ngài nịnh hót và hãy nhảy điệu Réelle đầu tiên với tôi, đó sẽ là hình phạt của ngài.
Dupaty chẳng đợi phải nói lần thứ hai, ông ta vòng tay để mặc phu nhân Leclerc dẫn vào một phòng khách. Bà bước vào đây viện cớ phòng tiếp quá rộng nhưng thực chất phòng này có thảm rộng cho phép vị nữ thần điệu đã phô bày đồ trang sức và tuỳ thích thể hiện.
Phu nhân Leclerc liếc ánh mắt thách thức sang phu nhân Contades, người đẹp nhất hay nói đúng hơn là người duyên dáng nhất từ trước Phu nhân Leclerc mãn nguyện khi thấy tất cả đàn ông ngồi quanh ghế bành trước khi mình đến bây giờ đã rời bỏ địch thủ để ngồi quanh ghế trường kỷ của bà.
Phu nhân Contades cắn môi đến bật máu. Nhưng chắc chắn trong những trường hợp thế này, bà đã tìm được cách trả thù nanh nọc và bà gọi quý ông Noailles.
- Charles - Bà nói - Hãy dẫn tôi sang xem kỹ viên ngọc lụa là vừa cuốn hết bầy bướm theo mình nào.
- A? Chàng trai trẻ đáp - Phu nhân sẽ cho bà ấy cảm thấy trong đám bướm kia có một con ong. Hãy đốt đi! Đốt đi hỡi nữ bá tước? Tất cả người nhà Bonaparte cao quý đến mức đôi khi người ta không cho họ hay rằng thật sai lầm khi khiêu khích quá khứ Hãy tháo bỏ lớp vỏ bên ngoài họ, phu nhân sẽ thấy vết tích nguồn gốc tầm thường của nó.
Rồi chàng trai đưa phu nhân Contades đến nơi. Phu nhân Contades đến chỗ nhóm người đang tán dương phu nhân Leclerc xinh đẹp, vượt qua họ rồi đến thẳng trước mặt phu nhân Leclerc.
Phu nhân Leclerc mỉm cười khi nhận ra quý bà Contades, bà cũng nghĩ rằng địch thủ của mình cuối cùng cũng phải chịu đến chào hỏi. Quả nhiên, ban đầu phu nhân Contades cùng hoà vào dòng tán dương ngưỡng mộ nhưng đột nhiên bà ta la lên thất thanh như thể vừa khám phá ra điều gì khủng khiếp.
- Ôi lạy Chúa! Thật bất hạnh! Làm sao lại có hình dạng dị kỳ như vậy để phá huỷ kiệt tác của thiên nhiên cơ chứ! Đúng là trên đời kể không có gì hoàn hảo nữa. Lạy Chúa. Thật đáng buồn biết chừng nào.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào phu nhân Contades trước lời than vãn kỳ lạ như vậy, sau đó họ ngạc nhiên nhìn hai người không hiểu chuyện gì trong khi phu nhân Contades ra vẻ tiếc mối mãi không thôi.
- Nhưng phu nhân đã nhìn thấy gì? - Hiệp sĩ của bà ta hỏi.
- Thứ tôi nhìn thấy ư? Chẳng lẽ ngài cũng không thấy đôi tai to trên cái đầu xinh đẹp kia sao? Nếu tôi có chúng, ít ra tôi phải uốn vài vòng, như thế sẽ dễ hơn là không có vòng nào.
Phu nhân Contades chưa dút lời, lập tức mọi người đã quay sang ngắm nghía cái đầu của phu nhân Leclerc, lần này không phải để chiêm ngưỡng mà xem đôi tai kỳ lạ. Đôi tai ấy quả thật kỳ lạ. Chúng không có vành mà thẳng như mai sò. Đúng như phu nhân Contades nhận xét, tạo hoá đã quên tạo nếp cho chúng.
Phu nhân Leclerc thậm chí không chống trả sự tố cáo ấy bà hét lên một tiếng rồi thấy khó ở.
Đúng lúc đó, tiếng vó ngựa chậm dần ngoài sân và có tiếng báo "Ngài Tổng tài đến!" vang lên khiến tất cả cảnh tượng vừa diễn ra vội vàng được khép lại.
Trong lúc phu nhân Leclerc nước mắt lã chã rút vào căn phòng mình vừa thay đồ thì phu nhân Contades, cảm thấy chiến thắng của mình có phần tàn nhẫn nên cũng đi ra cửa khác chứ không ở lại nếm thành quả ấy.
Chú thích:
(1) Con riêng của Joséphine
(2) Phu nhân Leclerc tên thật là Marie Pauline Bonaparte em gái Napoléon Bonaparte.
Chương 12: Điệu nhảy menuet nữ hoàng
Phu nhân Pennon tiến đến trước Tổng tài Bonaparte, cúi chào cung kính. Nhưng Bonaparte đã kịp cầm tay bà và hôn lên đó hết sức lịch thiệp.
- Người ta nói với tôi rằng phu nhân không chịu khai mạc vũ hội khi tôi chưa đến - Bonaparte nói - Nếu nhỡ tôi không đến được trước một giờ sáng thì đám nam thanh nữ tú đẹp kia vẫn phải chờ tôi sao?
Ông đưa mắt lướt khắp phòng tiếp và nhận ra một vài quý bà khu Saint-Germain không đứng dậy khi mình bước vào. Ông khẽ nhíu mày song không để lộ vẻ không hài lòng.
- Thôi nào, thôi nào, phu nhân Permon, hãy cho khai mạc vũ hội đi thanh niên cần được vui vẻ đúng không, khiêu vũ là thứ chúng thích nhất. Đã có ai nói với tôi là Loulou nhảy đẹp như tiểu thư Chameroi nhỉ? A đúng là con Eugène, đúng không?
Eugène dỏ bừng mặt. Chàng trai này là người tình của tiểu thư Laure de Permon.
Bonaparte tiếp tục:
- Nếu phu nhân muốn, thưa phu nhân Permon, chúng ta sẽ cùng nhảy bản Monaco, đó là điệu duy nhất tôi biết đấy.
- Ngài đùa đó ư? - Phu nhân Permon đáp - Tôi đã không khiêu vũ từ ba mươi năm nay rồi.
- Kìa, phu nhân hãy tươi cười lên, nhìn phu nhân tối nay chỉ như chị gái của Loulou thôi.
Đang nói, ông nhận ra nhận ra quý ông Talleyrand, ông liền gọi:
- Là ngài ư, Talleyrand, tôi có chuyện muốn nói với ngài.
Rồi Bonaparte cùng ông này sang phòng nhỏ cạnh đó, nơi phu nhân Leclerc vừa giải phiền muộn với ngài Bộ trưởng ngoại giao.
Lập tức dàn nhạc nổi lên, các vũ công nam tìm đến bạn nhảy của mình, buổi vũ hội bắt đầu.
Tiểu thư Beauhamais, nhảy với Duroc. Cô dẫn Duroc tiến đến gần Claire và bá tước Sainte-Hermine. Những gì bạn trai của cô nói khiến Hortense càng thêm chú ý đến con người này.
Điệu Réelle (ngày nay gọi là điệu nhảy đối) bao gồm bốn phần giống bây giờ, chỉ có điều phần cuối đã được ngài vũ công tài ba là Trénis thay bằng kiểu mới. Phần cuối ngày nay được gọi là trénis mang tên ông.
Lại nói đến bá tước Sainte-Hermine, xét về vũ đạo anh không kém tài bất cứ ai, là học trờ của Vestris Đệ nhị, tức là con trai của bậc thánh khiêu vũ và vũ sư của anh cũng rất tự hào về anh.
Những ai được thấy số lượng ít ỏi những nhã khiêu vũ tài hoa còn sót lại cuối thế kỷ này có lẽ sẽ nghĩ đến tầm quan trọng của việc một thanh niên hợp mốt cần hoàn thiện môn nghệ thuật đó.
- Tôi còn nhớ những quý ông Montbreton đã từng khiêu vũ tại nhà phu nhân Permon trong buổi tối hôm ấy, đến năm 1812 hay 1813, họ đã bốn mươi tuổi. Hồi đó là buổi lễ hội tại Villers-Cotterêts.
Người ta mở đại nhạc vũ hội tập trung toàn bộ giới quý tộc cũ và mới với vô số các anh hào tài tử. Quý ông Montbreton đến từ lâu đài Corcy, quý ông Laigle đến từ Compiègne, một số cách xa ba dặm, số khác cách bảy dặm. Các bạn đoán xem họ đến bằng cách nào? - Bằng xe độc mã. Có những vũ công sống trong xe và coi đó như nhà của mình; xỏ chân vào đôi giầy rong ruổi khắp nơi để biểu diễn nhiều lần nhưng bước nhảy phức tạp nhất, uyên bác nhất.
Trở lại với vũ hội nhà phu nhân Permon. Tiểu thư Beauhamais vui sướng còn tiểu thư Sourdis hãnh diện khi thấy bá tước Sainte-Hermine có thể vượt trội cả về kỹ thuật khiêu vũ cũng như vẻ duyên dáng với những quý ông đang nhảy đầu tiên.
Tuy nhiên, yên tâm về mặt này, lại có thứ khác làm cô gái trẻ phấp phỏng, đó là sự tò mò. Chàng trai kia đã nói gì với Claire?
Có phải anh ta đã giải thích vì sao anh ta buồn lâu như vậy? Về quá khứ câm lặng và niềm vui hiện tại? Cô chạy lại bên bạn kéo tay ra gần một cửa sổ.
- Thế nào, anh ấy đã nói gì với cậu? - Hortense hỏi.
- Một chuyện quan trọng.
- Bạn có thể kể cho tớ nghe không?
- Tất nhiên rồi.
Sự tò mò cao đến mức tiểu thư Beauhamais xưng hô thân mật, điều mà cô không có thói quen làm.
- Chàng nói có bí mật gia đình muốn kể cho tớ nghe.
- Cho bạn?
- Chỉ mình tớ thôi vì vậy anh chàng muốn tớ xin phép mẹ cho phép tớ nói chuyện với chàng một tiếng, vẫn dưới sự kiểm soát của bà nhưng bà sẽ không nghe thấy gì.
- Mẹ bạn sẽ đồng ý chứ?
- Tớ hy vọng như vậy. Mẹ rất yêu tớ, tớ đã hứa xin phép mẹ ngay tối nay và trả lời chàng vào cuối buổi vũ hội.
Bây giờ bạn biết bá tước của bạn rất tuyệt đúng không, anh ấy nhảy như Gardel vậy.
Tiếng nhạc nổi lên báo hiệu chuẩn bị phần nhảy đối thứ hai, các cặp nam nữ lại vào vị trí, buổi khiêu vũ trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.
Cả hai thiếu nữ đều rất hài lòng về Sainte-Hermine, nhưng điệu Réelle mới chỉ là điệu nhảy thông thường. Hai điệu thở thách nhất thời đó là gavotte và menuet. Tiểu thư Beanhamais và Claire đang chờ chàng bá tước trẻ thể hiện điệu gavotte mà chàng ta đã xin lệnh của tiểu thư Beauhamais.
Điệu gavotte mà ngày nay chúng ta chỉ biết trên sân khấu và coi nó thật kỳ cục thì lại rất quan trọng dưới chế độ Đốc chính, Tổng tài và ngay cả dưới nền Đế chế. Điệu nhảy như những đoạn rắn uốn lượn rất lâu sau khi đã bị cắt đứt. Nó thích hợp biểu diễn trên sân khấu hơn là trong các buổi vũ hội tại nhà với những nhịp và bước phức tạp, những cú xoay rất khó. Người ta phải có sân nhảy thật rộng mới đủ chỗ cho một cặp nhảy và ngay cả những salon lớn, người ta cũng khó thực hiện được bốn cặp liền lúc.
Trong bốn cặp nhảy điệu gavotte trong đại sảnh nhà phu nhân Permon, cặp thu hút được sự chú ý và được cổ vũ nhiều nhất là bá tước Sainte-Hermine và Tiểu thư Beauhamais
Những tràng pháo tay rộn rã đến mức kéo được Bonaparte khỏi câu chuyện với quý ôngTalleyrand và ra khỏi phòng khách.
Ông xuất hiện trên ngưỡng cửa đúng lúc cặp nhảy đang bước những nhịp cuối và chứng kiến thành công rực rỡ của tiểu thư Beauhamais và bạn nhảy.
Điệu gavotte kết thúc, Bonaparte ra hiệu cho cô con riêng của vợ lại gần, hôn lên trán cô rồi nói:
- Xin chúc mừng tiểu thư, chúng ta đều thấy con có một người thầy giỏi và học rất thuộc bài nhưng quý ông đẹp trai nhảy cùng con ấy là ai thế?
- Con không quen anh ta, thưa tướng quân - Hortense nói - Con gặp anh ta tối nay là lần đầu tiên. Anh ta đã mời con lúc đến mời tiểu thư Sourdis khi chúng con đang nói chuyện. Đúng ra anh ta không mời con mà chờ con ra lệnh thế là con nói muốn nhảy điệu gavotte.
- Ít ra con cũng phải biết tên anh ta chứ?
- Anh ta tên là bá tước Sainte-Hermine.
- Được rồi! - Bonaparte tỏ vẻ không vui, lại dân thượng lưu Saint-Germain. Mụ Permon này lôi vào nhà bà ta toàn kẻ thù của mình. Vừa vào đây mình đã thấy phu nhân Contades lẩn đi, một loại điên khùng không đáng với tên thiếu uý hạng bét trong đội quân của mình. Thế mà khi nghe nói đến những vinh quang của mình từ Italia và từ Ai Cập mụ lại nói "Tôi dùng ánh mắt cũng làm được như ông ta dùng gươm" thật bực mình. Bonaparte quay sang nhìn người vừa khiêu vũ cùng Hortense.
Sau khi đưa cô gái ra chỗ mẹ ông quay lại hỏi:
- Ngài Talleyrand, ngài là người hiểu biết, ngài có biết gì về gia đình Sainte-Hermine không?
- Để xem nào - ông Talleyrand vừa đưa tay lên cằm vừa xoay đầu ra sau, đó là cách ông ta suy nghĩ - Họ nhà Sainte-Hermine ở Jura gần Besaneon. Đúng rồi, tôi có biết ông bố, một người rất ưu tú, đã bị hành quyết vào năm 1793, để lại 3 người con trai. Họ trở thành như thế nào tôi cũng không rõ. Anh chàng kia có thể là con trai hay cháu nội, tôi không biết anh em của anh ta. Ngài có muốn tôi hỏi thăm không?
- Ồ, không cần đâu.
- Chuyện này dễ thôi mà. Tôi thấy anh ta qua lại và vừa nãy còn nói chuyện với tiểu thư Sourdis, không gì dễ hơn khi hỏi mẹ cô ấy.
- Không! Chẳng ích gì! Cảm ơn?! Thế họ nhà Sourdis, họ là ai?
- Những người cực kỳ quý tộc.
- Tôi không có ý hỏi điều đó. Thân thế hiện nay của bà ta cơ.
- Tôi nghĩ họ có hai mẹ con. Cách đây vài ngày Cabanis có nói với tôi về họ. Cô con gái đến tuổi cặp kê và tôi nghĩ phải có tiền triệu của hồi môn. Đó phải chàng cũng là mục tiêu của một sĩ quan tuỳ tùng của ngài?
- Vậy ngài cũng đồng ý là phu nhân Bonaparte có thể đến gặp họ?
- Tôi hoàn toàn đồng ý.
- Boumerine cũng đã từng nói chuyện đó với tôi, xin cảm ơn. Nhưng kìa, Loulou làm sao mà sắp khóc thế kia. Thưa phu nhân Permon đáng kính, bà đã làm gì để cô tiểu thư nhà ta lại buồn đến vậy trong một ngày như hôm nay?
- Tôi muốn cháu nhảy bản menuet nữ hoàng nhưng cháu nó không muốn.
Bonaparte mỉm cười:
- Tại sao tiểu thư lại không muốn?
- Tôi cũng không rõ. Chắc đó là một kiều đỏng dành.
- Loulou, con không ngoan rồi.
- Nhưng thưa mẹ! - Tiểu thư Pennon trả lời - Nhưng con chỉ dám nhảy cùng ngài Trénis, con đã hứa với ông ấy.
- Thế thì tại sao bây giờ ông ta vẫn chưa đến đây, đã quá nửa đêm rồi? - Phu nhân Permon hỏi.
- Ông ấy đã báo trước là sẽ đến rất muộn, ông ấy còn hai vũ hội trước nhà ta.
- Chà chà! - Bonaparte nói - Tôi rất lấy làm thích thú khi biết rằng ở nước Pháp lại có người bận rộn hơn cả tôi - Nhưng đó không phải là lý do thưa tiểu thư Loulou, chẳng lẽ vì ngài Trénis không giữ lời mà chúng ta không được xem tiểu thư nhảy điệu menuet nữ hoàng sao. Ông ta không có ở đây, đó đâu phải lỗi của tiểu thư, hãy chọn một người khác cũng được.
- Con hãy chọn Gardel - Phu nhân Permon nói.
- Ồ thầy dạy của con ấy à? - Loulou nói.
- Thế thì Laffitte vậy. Sau Trénis, đó là người khiêu vũ giỏi nhất Paris.
Laffitte bước vào phòng, phu nhân Rermon gọi to:
- Ngài Laffltte! Ngài Laffltte! Hãy lại đây!
Laffitte lịch lãm tiến lại. Người này vô cùng duyên dáng và có ngoại hình đẹp.
- Thưa ngài Laffltte - Phu nhân Permon nói - Mong ngài vui lòng nhảy điệu menuel nữ hoàng với con gái tôi.
- Sao lại thế thưa phu nhân! - Laffitte kêu lên - Xin lấy danh dự mà thề rằng, phu nhân đã quá ưu ái tôi. Đây sẽ là cuộc thách đấu với ngài Trénis - ông ta vừa nói vừa cười - Nhưng tôi xin sẵn lòng mạo hiểm? Chỉ có điều tôi không biết mình có vinh hạnh này nên không chuẩn bị mũ.
Để độc giả có thể hiểu phần cuối câu nói của ông Laffltte, tôi xin giải thích rằng trong kiểu chào điệu menuel phải có một chếc mũ kiểu vua Louis XV và nếu dùng mũ khác thì không có giá trì gì.
Người ta bắt đầu đi tìm mũ và lát sau chiếc mũ đã có. Điệu nhảy vô cùng thành công. Trong khi ông Laffitte dẫn tiểu thư Permon trở về chỗ thì gặp quý ông Trénis vội vã chạy đến để kịp giữ lời với tiểu thư.
Ông Trénis mệt đứt hơi đứng trước hai người, ông tỏ vẻ ngạc nhiên hơn là giận dữ. Bản menuet mà ông phải nhảy, tất cả mọi người đều biết ông sẽ biểu diễn nó thật sự thành công, thế mà người ta đã thực hiện nó không có ông à!
- Ngài đây rồi - Tiểu thư Pemon bối rối nói - Tôi đã chờ ngài đến quá nửa đêm, ngài hãy nhìn đồng hồ đi, trong khi bản này được thông báo sẽ nhảy lúc mười một giờ. Mẹ tôi yêu cầu tôi nhảy cùng ông Laffitte và... - Cô vừa nói vừa cười - Ngài Tổng tài cũng đã ra lệnh.
- Thưa tiểu thư - Trénis nghiêm nghị nói - Phu nhân Permon đã yêu cầu nàng phải hy sinh như vậy, vì bà ấy là chủ nhà nên bà ấy có quyền, thật tiếc là tôi đã đến muộn. Nhưng với ngài Tổng tài ông Trénis cao hơn Bonaparte năm tấc nên đứng trội hơn hẳn - ông ấy lại ra lệnh cô làm việc này khi không có người nhảy giỏi hơn tôi thì ông ấy đã vượt quyền và mắc sai lầm. Tôi không nhúng tay vào những trận chiến của ông ấy thì ông ấy cũng để các phòng nhảy cho tôi. Tôi không hái vòng nguyệt quế của ông ấy thì cũng mong ông ấy đừng động chạm đến cành nguyệt quế của tôi - Rồi ông ta kiêu hãnh đến ngồi gần phu nhân Permon và nói tiếp - Tất nhiên tôi đủ khả năng để tự an ủi mình khi không được nhảy bản này cùng tiểu thư khi lỗi thuộc về tôi. Là kẻ đến muộn, tôi không thể nổi giận trước lời trách cứ của tiểu thư, tuy vậy, bản menuet nữ hoàng này đã có vương miện bị đem đi rồi. Tôi vốn nhảy điệu này rất trang trọng, nghiêm túc nhưng không hề ảm đạm như ngài Laffitte đã làm ít ra điều đó cũng làm tôi khá hơn. Ôi! Xem cái tôi đã xem, không bao giờ tôi quên được cảnh đó.
Quanh quý ông Trénis là cả một đám đông đang lắng nghe nỗi đau của ông. Trong số đó có ngài Tổng tài Bonaparte, với những lời lẽ như thế, ông nghĩ mình đang gặp một kẻ khùng.
- Ngài Trénis, - Tiểu thư Pennon nói - Ngài làm tôi lo lắng quá. Tôi đã làm gì vậy?
Tiểu thư đã làm gì ư? Làm sao tiểu thư khiêu vũ bản nhạc mà tôi rất vinh hạnh được khiêu vũ cùng quý cô thế mà tiểu thư đã khiêu vũ cùng Gardel. Ồ! Điều đó không biết gọi là gì. Tiểu thư sẽ khiêu vũ cùng một người, dù có nhảy giỏi nhưng chỉ nhảy đối thôi, tôi nhắc lại là chỉ nhảy đối, anh ta không bao giờ biết cách ngả mũ cúi chào. Tôi có thể khẳng định là anh ta không bao giờ biết.
Vì ông Trénis nhận ra vài người đang cười nên ông nói tiếp.
- Sao, các ngài thấy lạ ư! Được rồi, tôi sẽ cho các vị thấy tại sảo tôi nói anh ta không biết cúi chào, điều này dùng để đánh giá một vũ công nhảy điệu menuet đấy. Đó là anh ta không biết đặt mũ vào đâu, thưa các quý ngài. Xin hãy hỏi các quý bà ở đây xem ai thiết kế mũ cho họ: ngài Leroy, nhưng ai đội mũ và tạo kiểu tóc? Ngài Charbonnier! Hãy hỏi ngài Gardel xem cách đội mũ phải thế nào xem ông ấy giải thích ra sao. Tất cả ai cũng biết! Là đội mũ lên đầu, dù xấu hay đẹp, ai cũng làm thế. Nhưng sự trang nghiêm thế nào, luật đặt ngón tay và cánh tay ra sao... Ngài cho phép chứ?
Rồi ông ta cầm chiếc mũ tam giác từ tay một người gần đấy tiến ra trước gương, một nửa khách mời đều đi theo ông. Ông Trenis cúi chào với vẻ duyên dáng hoàn hảo cộng với sự trang nghiêm tột đỉnh rồi đặt mũ lên đầu vẫn bằng dáng điệu ấy.
Bonaparte cũng theo Trénis, tựa vào Talleyrand, ông nói:
- Thế thử hỏi ông ta xem ông ta đối với ngài Laffitte là thế nào. Sau những gì ông ta vừa công kích tôi - Bonaparte vào cười vừa nói thêm - Tôi không dám hỏi ông ta nữa.
Talleyrand đặt câu hỏi theo ý của vị Tổng tài bằng giọng trịnh trọng không kém gì khi ông ta hỏi cuộc chiến giữa nước Anh và Mỹ như thế nào.
- Cái đó - Trénis đáp - cũng như hai người tài năng như chúng tôi có thể ở cạnh nhau với sự ngang bằng nhạy cảm thông kém. Tuy nhiên tôi phải thú thật, trong cuộc cạnh tranh, ông ấy là người đứng đắn, không bao giờ ghen với thành công của tôi. Quả thực, những thành công của ông ấy khiến ông ấy thêm khoan dung. Bước nhảy của ông ấy linh hoạt và mạnh mẽ. Ông ấy có ưu thế hơn tôi trong tám nhịp đầu của bản gavotte của Panurge. Điều đó thì không cần phải bàn cãi. Nhưng phần sau thì tôi lại trội hơn. Tôi thua ông ấy phần khoẻ khoắn còn ông ấy lại kém tôi phần uyển chuyển.
Bonaparte nghe, nhìn và hết sức ngạc nhiên.
- Thế nào! - Talleyrand nói với ông - Bây giờ ngài yên tâm rồi chứ? Không có cuộc chiến nào giữa ngài Trénis và ngài Laffitte. Tôi cũng mong có thể nói như vậy giữa nước Pháp và nước Anh.
Trong lúc buổi vũ hội đang tạm ngừng để ngài Trénis thuyết giảng về kỹ thuật đặt mũ, Claire đang bàn với mẹ một chuyện mà cô cho là quan trọng như ngài Talleyrand và Tổng tài Bonaparte quan tâm về giữ hoà bình giữa hai vũ công hàng đầu Paris cũng như hoà bình trên thế giới. Chàng bá tước luôn theo dõi Claire thấy khuôn mặt cô rạng rỡ nên đoán có thể đã đạt được điều mình muốn.
Anh ta đã không nhầm.
Lấy cớ đi sang phòng khác cho thoáng, tiểu thư Sourdis khoác tay tiểu thư Beauhamais và lúc đi ngang qua bá tước Sainte-Hermine, cô nói:
- Mẹ em đã cho phép ba giờ chiều mai chàng có mặt ở lâu đài.
Nguồn: http://vnthuquan.org/