4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C13-15)

Chương 13: Ba hiệp sĩ Sainte-Hermine người cha

Ngày hôm sau, khi đồng hồ điểm ba giờ, Hector de Sainte-Hermine gõ cửa lâu đài phu nhân Sourdis. Bên ngoài toà nhà có một khoảng trống khá rộng trồng cây cảnh và trúc đào. Cánh cửa toà nhà mở ra phố Beaune. Nhưng đó là cửa lớn, còn một cánh cửa nhỏ khác hầu như không lộ rõ được sơn màu tường quay ra hướng nhà ga.

Cửa mở, một người Thuỵ Sĩ hỏi tên khách rồi cho anh vào, một người hầu, chắc do tiểu thư Sourdis sai đã đợi sẵn trong phòng chờ.

- Phu nhân không thể tiếp ngài còn tiểu thư đang chờ ngài ngoài vườn và mong ngài thứ lỗi cho phu nhân mẹ nàng - Người hầu đó nói.

Rồi anh ta đi trước dãn đường cho chàng trai trẻ đến cửa khu vườn.

- Mời ngài đi lối này - Tên hầu nhanh nhảu - Tiểu thư đang ở trong đó.

- Đúng như vậy, dưới ánh nắng của một ngày đẹp trời tháng ba, Claire quấn quanh mình một chiếc khăn lông chồn khiến cô rực rỡ như loài hoa điểm tuyết, một trong những loài hoa đấu xuân. Một tấm thảm Smyme dày trải dưới chân để ngăn vị đất tươi nồng xộc vào đôi giày nhung màu xanh da trời cô đang đi.

Vừa nhìn thấy Saint-Hermine, dù cô đang đợi chàng thậm chí cô còn nghe tiếng chuông đồng hồ điểm giờ, nhưng một làn mây hồng vẫn phủ trên đôi má bánh mật.

Cô gái đứng dậy mỉm cười.

Còn chàng trai rảo bước thật nhanh. Khi đã đến gần, Claire đưa tay chỉ về phía cửa sổ: mẹ nàng đang ngồi ở trong phòng có. cửa sổ quay ra vườn, từ đây bà có thể quan sát hai người nhưng không nghe được gì.

Sainte-Hermine trang trọng cúi chào, điều đó vừa thể hiện sự biết ơn và kính trọng của anh. Claire chỉ ghế cho Sainte-Hermine ngồi.

- Thưa tiểu thư - Sainte-Hermine nói - Tôi biết tả thế nào cho nàng hiểu được niềm hạnh phúc của mình khi có thể trò chuyện một mình với nàng. Đây là khoảnh khắc mà trời rủ lòng thương dành cho tôi và nó cũng quyết định hạnh phúc hay bất hạnh cả cuộc đời tôi tôi đã chờ đợi một năm nhưng hy vọng chỉ có ba ngày. Nàng thật tốt bụng khi ở vũ hội đã cho tôi biết nàng quan tâm đến sự lo lắng của tôi. Gặp nàng, tôi vừa hạnh phúc lại vừa đau khổ, nàng cũng thấy nỗi đau và niềm vui giằng xé tôi khiến tôi luôn âu lo đúng không. Tôi sẽ nói cho nàng biết tại sao, có thể đây là câu chuyện dài nhưng chỉ có như vậy nàng mới hiểu về con người tôi.

- Xin chàng cứ nói mọi điều chàng cho là cần. Em luôn lắng nghe.

- Chúng tôi, hay đúng ra là tôi vì tôi là người cuối cùng trong nhà, xuất thân từ một gia đình có thế lực ở Jura. Cha tôi là võ tướng dưới triều vua Louis XVI, ông là một trong số những người bảo vệ đức vua trong cuộc nổi dậy 10 tháng Tám, chỉ có điều cha tôi không trốn đi như những quý tộc khác mà ở lại Pháp. Đức vua chết nhưng mọi hy vọng vẫn chưa tắt, ông nghĩ bằng cách nào đó có thể cứu được Hoàng hậu từ nhà ngục Temple. Ông dồn một số tiền lớn cho dò la và được biết một trong số vệ binh thành phố có. một chàng trai người miền nam tên là Toulan. Người này rất yêu hoàng hậu, sẵn sàng hy sinh vì bà. Cha tôi quyết định liên kết với người này hay đúng ra là lợi dụng vị trí của anh ta ở Temple để cứu hoàng hậu.

Sau đó, anh trai cả Léon de Sainte-Hermine của tôi vì mệt mỏi khi thấy mình không làm được gì nên xin phép cha tôi rời Pháp sang phục vụ cho quân đội của Condé. Sau khi cha tôi đồng ý anh ấy ngay lập tức sang với hoàng thân. Câu chuyện ở nhà tiếp diễn như sau: Vẫn còn một bộ phận lớn người hiếu kỳ, trong số đó có số ít người phục vụ trung thành đòi phải được gặp hoàng hậu. Vậy là chính quyền xếp đặt cho những người này đứng dọc đoạn đường hoàng hậu đi ra vườn hai lần mỗi ngày. Nhân lúc quân lính gác không chú ý, người ta có thể nói vài lời với hoàng hậu hoặc đưa giấy tờ cho bà.

Toulan vốn có ân tình cũ với cha tôi, lòng biết ơn và tình yêu đã thúc đẩy anh ta làm việc như sau: Cha mẹ tôi lấy cớ thăm hoàng hậu, ăn mặc giống như những phú hộ ở Jura, nói giọng Besançon đến nhờ Toulan. Anh ta sắp xếp cho cha mẹ tôi đứng dọc lối đi của hoàng hậu.

Giữa những tù nhân của nhà ngục Temple và các nhà quý tộc có một số ký liệu riêng giúp cho họ hiểu nhau như những con tàu trên biển. Hôm qua cha mẹ tôi đến thăm hoàng hậu, vừa bước ra khỏi phòng, hoàng hậu đã thấy một cọng rơm dựng trên tường. Điều này có nghĩa: "Hãy chú ý, chúng tôi lo cho lệnh bà". Thực ra, lúc đầu hoàng hậu không chú ý nhưng phu nhân Elisabeth nhìn thấy đã ra hiệu cho chị dâu. Hai nữ tù nhân nhận ra hôm đó Toulan đến trực. Toulan còn rất yêu hoàng hậu.

Hoàng hậu cũng biết tình cảm của chàng trai đáng thương này nên cảm thấy ngày anh ta trực đến gần, bà viết sẵn một mẩu giấy "ama po co chetemela morte!" (Hãy yêu ít thôi hỡi kẻ sợ chết) rồi giấu sẵn bên người. Vừa nhìn thấy Toulan, bà đưa luôn mầu giấy cho anh ta.

Chưa cần biết trong giấy viết gì Toulan đã nhảy lên sung sướng. Ngay từ hôm đó, anh ta sẽ chứng tỏ cho hoàng hậu thấy là mình không sợ chết. Toulan sắp đặt cho cha mẹ tôi đứng trong cầu thang của toà tháp để hoàng hậu được tiếp xúc với họ. Mẹ tôi cầm một bó hoa cẩm chướng tuyệt đẹp. Thấy thế, hoàng hậu thốt lên: "Ôi những bông hoa mới đẹp làm sao, chúng thơm quá!". Mẹ tôi rút bông hoa đẹp nhất đưa cho hoàng hậu. Bà liếc nhìn Toulan xem có nên nhận hay không. Toulan gật đầu.

Trong hoàn cảnh thông thường, chuyện đó không có gì đặc biệt, nhưng trong ngày hôm ấy, họ đã nghẹn thở, những con tim phải gắng mới đập nổi. Ngay lập tức hoàng hậu nhận ra trong đài hoa có kẹp một mảnh giấy nhỏ bèn vội vàng giấu vào trong áo.

Cha tôi đã nhiều lần kể lại rằng mẹ tôi, nữ bá tước Sainte-Hermine hôm đó quá căng thẳng khiến sắc mặt bà nhợt nhạt và khủng khiếp nhưng may là không ai chú ý.

Hoàng hậu rất bình tĩnh, không vội rút ngắn thời gian đi dạo mọi ngày. Bà lên gác theo đúng giờ, chỉ có điều khi còn một mình với em gái và con gái, bà mới xé bông hoa giấu trong áo.

Trong đó có một mảnh giấy lụa ghi nét chữ ly ti nhưng vẫn đọc được. Nó có nội dung như sau:

Thứ tư, ngày kia, hãy yêu cầu được xuống vườn như mọi lần hoàng hậu yêu cầu. Sau khi dạo ba, bốn vòng, hãy giả bị mệt và lại gần quầy ăn giữa vườn, sau đó yêu cầu chị Plumeau cho phép ngồi nghỉ tại đó. Điều quan trọng là lệnh bà phải nghỉ ở đó đúng 11 giờ trưa để những người giải thoát cho lệnh bà phối hợp ăn ý.

Ở đó một lát, lệnh bà giả vờ khó chịu và ngất đi. Người ta sẽ cho đóng cửa để cấp cứu. Hoàng hậu sẽ ở cùng phu nhân Elisabeth và phu nhân Royale. Nắp hầm sẽ mở ra. Hãy nhanh chóng chui xuống đó, cả ba người sẽ được cứu".

Cả ba chi tiết đáng tin cậy đã xuất hiện. Sự xuất hiện của Toulan, cọng rơm trên tường và mảnh giấy này khiến những nữ phạm nhân khá yên tâm, vả lại, họ còn gì dể mất? Vấn đề là làm sao thực hiện được đúng chỉ dẫn trên.

Chín giờ sáng thứ tư, hoàng hậu dọc lại mảnh giấy rồi sang phòng Royale. Nhưng ngay lập tức, bà chạy ra gọi lính gác.

Họ đang ăn trưa nên hoàng hậu phải gọi vài lần. Mãi sau mới có một người lính xuất hiện.

- Công dân cần gì? - Anh ta hỏi.

- Marie-Antoinette giải thích Royale đang bị ốm và cần đi tắm nắng, nhưng người ta chỉ cho họ đi dạo vào giữa trưa, khoảng thời gian nắng chói chang nên bà xin phép hôm đó Royale được đi dạo sớm hơn từ mười giờ đến mười hai giờ thay vì từ mười hai giờ đến hai giờ chiều như mọi khi. Hoàng hậu xin anh ta đi báo cho tướng Santerre, người có quyền quyết định. Bà còn nói thêm là sẽ biết ơn sâu sắc khiến anh này phải ngả mũ:

- Thưa bà - Anh ta nói - tướng quân sẽ ở đây trong nửa tiếng nữa và khi ông đến chúng tôi sẽ chuyển yêu cầu của bà - Rồi vừa rút lui vừa tự nhủ mình không sai khi giúp phạm nhân, anh ta lẩm bẩm: Đúng vậy! Đúng vậy!

- Cái gì đúng? - Một người lính khác hỏi.

- Cho bà ấy dẫn cô con gái ốm yếu đi dạo.

- Phải rồi - Người kia nói - Cho bà ta dẫn cô con gái từ Temple đến quảng trường cách mạng, nơi xử các tội phạm. Trước sau gì người ta chẳng dẫn họ ra đó.

Hoàng hậu nghe câu trả lời của người lính mà rùng mình nhưng bà chỉ tập trung đến việc làm sao thực hiện đúng chỉ dẫn.

Chín giờ ba mươi, Santerre đến.

Thật xuất sắc thay một con người như Santerre, một chút thô bạo, một chút tàn nhẫn, người bị buộc tội oan là cho đánh trống cắt lời vua trên giá treo cổ và ông ta chẳng bao giờ khuây khoả vì chuyện đó chỉ có điều ông tỏ ra khó chịu với cả quốc hội lẫn công xã đến nỗi suýt mất đầu ở đó.

Ông ta chấp thuận yêu cầu của hoàng hậu.

Một trong số lính gác đến báo tin cho bà biết tướng Santerre đã đồng ý.

- Cảm ơn ông - Bà nói kèm theo một nụ cười duyên đã từng làm Bamave và Mirabeau thất điên bát đảo, sau đó quay lại con chó nhỏ phía sau:

- Black, mày cũng nên vui vì được đi dạo cùng ta - Sau đó lại quay lại người lính - Chúng tôi có thể đi lúc mấy giờ

- Vào lúc mười giờ như bà đã ấn định.

Hoàng hậu nhún mình và người lính ấy lui bước.

Còn lại ba người phụ nữ nhìn nhau vừa lo âu xen lẫn hy vọng và vui mừng. Royale xà vào lòng mẹ, phu nhân Elisabeth lại gần nắm lấy tay Marie-Antoinette.

- Chúng ta hãy cùng cầu nguyện - Hoàng hậu nói, nhưng chỉ cầu nguyện trong thâm tâm thôi để không ai biết chúng ta đang cầu nguyện.

Mười giờ, một tiếng súng vang đến tận tai hoàng hậu.

- Các lính canh thay phiên đấy - Phu nhân Elisabeth nói.

- Thế thì họ sắp tìm chúng ta rồi - Royale nói.

Thấy hai người tái mét, hoàng hậu khuyên:

- Can đảm lên! - Nhưng chính bà cũng tái người đi.

- Mười giờ rồi, cho phạm nhân xuống - Tiếng từ dưới vọng lên.

- Chúng tôi đây rồi - Hoàng hậu đáp lại.

Lớp chắn đầu tiên mở, dẫn ra một hành lang tối mờ. Chính nhờ bóng tối ấy mà họ giấu được cảm xúc của mình, con chó nhỏ mừng rỡ chạy phía trước. Nhưng đến một cánh cửa, nó sững lại hít phía dưới rồi sủa lên những tiếng rền rĩ, nghe tiếng rên ri tru tréo đau đớn như thể nó đang kêu trước lúc chết.

Hoàng hậu đi qua nhanh nhưng chỉ được vài bước bà phải dừng lại vịn vào tường, hai người phụ nữ lại gần và trở nên bất động.

- Con chó nhỏ Black đuổi theo họ.

- Thế nào?- Một giọng kêu to - Bà ta có xuống hay không?

- Chúng tôi đây rồi - Lính dẫn đường đáp.

- Đi thôi! Hoàng hậu gắng gượng nói.

Khi bà xuống chân cầu thang, tiếng trống gọi lính gác vang lên không phải để xếp hàng danh dự mà báo hiệu canh phòng cẩn mật và cũng để chứng tỏ sự cẩn trọng, bà sẽ không thể trốn được.

Cánh cửa lớn nặng nề mở ra. Ba phạm nhân bước ra sân. Họ đi nhanh ra vườn tường bao của khu sân vẫn còn đầy những lời tục tĩu và những bức tranh thô lỗ do đám lính nô nghịch vẽ về họ.

Thời tiết hôm ấy rất đẹp, ánh nắng mặt trời còn dịu dàng dễ chịu. Hoàng hậu đi dạo khoảng bốn mươi lăm phút. Mười một giờ kém mười lăm, bà lại gần nhà ăn nơi có một người phụ nữ tên là Plumeau bán thịt lợn, rượu vang và nước cho binh lính.

Hoàng hậu bước đến ngưỡng cửa, chuẩn bị vào ngồi nhờ thì nhận ra tên bán giày Simon đang ngồi ăn trưa. Hắn là một trong số những kẻ thù thô thiển nhất của bà. Hoàng hậu lùi lại một bước, bà gọi con chó nhỏ đã nhảy vào trước để quay ra.

Nhưng Black đã tiến thẳng đến chỗ nắp đậy hầm nơi chị goá Plumeau đựng thức ăn và dỗ uống. Nó dán mũi vào cạnh nắp.

Hoàng hậu run lên, bà đoán được điều gì thu hút nó vào đấy. Bà gọi nó giật giọng nhưng Black như không hề nghe hoặc vờ không nghe. Đột nhiên nó càu nhàu rồi sủa rất giận dữ. Một ý nghĩ loé lên trong đầu tên bán giày khi thấy con chó nhất định không tuân lệnh chủ. Hắn chạy ra cửa và gào to:

- Lính đâu! Tạo phản! Lính đâu?

- Black! Black? - Hoàng hậu tuyệt vọng kêu lên và tiến vài bước vào nhà ăn.

Nhưng con chó không nghe mà càng sủa to.

- Lính đâu! - Simon tiếp tục kêu to - Lấy vũ khí! Có bọn quý tộc trong hầm nhà công dân Plumeau. Chúng đến để cứu hoàng hậu! Quân tạo phản! Có kẻ phản nghịch!

- Cầm vũ khí! - Đám lính hô to.

Một vài lính gác mang súng chạy lại chỗ hoàng hậu bao vây ba người và dân họ về toà nhà. Mặc dù chủ đã đi xa nhưng con chó nhỏ vẫn ở đó, nó tưởng có nguy hiểm nhưng lần này bản năng của nó đã nhầm.

Hơn chục lính xông vào nhà ăn. Simon mắt nảy lửa chỉ vào nắp hầm nơi con chó Black vẫn đang sủa.

- Ở đấy kia, dưới nắp hầm! - Simon hô hoán - Tôi đã thấy cái nắp động đậy. Tôi chắc chắn như vậy.

- Lên đạn! - Đám vệ binh bảo nhau.

Người ta nghe tiếng đạn nạp vào súng lách cách.

- Đấy! Đấy! Vẫn tiếng Simon gào to.

Một sĩ quan, nhấc nắp lên, hai người khác nhảy vào giúp anh ta nhưng cái nắp vẫn không nhúc nhích.

- Chúng giữ phía dưới đấy - Simon kêu lên - Bắn qua nắp đi!

- Thế còn rượu của tôi! - Công dân Plumeau kêu lên - Các ông sẽ làm bể hết!

Simon vẫn tiếp tục hét:

- Bắn!

- Thôi im đi! - Một sĩ quan mắng hắn - Còn các anh, mang rìu lại đây bổ cái nắp này ra.

Đám lính tuân lệnh.

- Bây giờ - Viên sĩ quan nói - Tất cả hãy sẵn sàng bắn vào trong khi đã mở nắp.

Người ta lấy rìu bổ vào nắp hầm ngay khi có một lỗ thủng, hai chục viên đạn xả liên tiếp vào đó khiến lỗ thủng ngoác ra nhanh chóng. Nhưng dưới đó không có ai.

Viên sĩ quan lấy một cây đuốc và nhảy xuống dưới hầm trống rỗng.

- Theo tôi! - Anh ta ra lệnh rồi vội vã chạy xuống bậc thang.

- Tiến lên! - Đám vệ binh hô hét rồi cùng chạy theo chỉ huy của họ.

- Ái chà! Chị Plumeau! - Simon kêu to và chỉ tay vào chị - Chị cho bọn quý tộc mượn hầm để giải thoát hoàng hậu đúng không?

Nhưng Simon đã đổ oan cho chị. Tường hầm nhà chị ta bị đục thủng dẫn đến một đường hầm khác rộng ba bộ, cao năm bộ dẫn đến phố Corderie.

Viên sĩ quan chạy theo hướng đó nhưng gặp một hàng rào sắt chắn lại.

- Chú ý! - Viên sĩ quan nói với cấp dưới - Chúng không chạy xa được đâu! Bốn người ở lại đây giết hết không để sót một ai. Tôi sẽ đi báo cáo. Quan quý tộc muốn giải thoát hoàng hậu.

Cuộc giải cứu ấy còn có tên là cuộc giải cứu Hoa cẩm chướng mà ba nhân vật chính là cha tôi, hiệp sĩ Maison-Rouge và Toulan trong đó cha tôi và Toulan bị đưa ra pháp trường còn hiệp sĩ Maison-Rouge ẩn được trong nhà người thợ thuộc da phố Saint-Victor nên thoát chết.

Tuy nhiên, trước khi chết, cha tôi vẫn ra lệnh cho anh trai tôi theo gương ông và sẵn sàng hy sinh vì nền quân chủ.

Còn anh trai của chàng - Claire không nén nổi xúc động trước câu chuyện thì thầm hỏi -Anh ấy có tuân theo lệnh cha không"

- Nàng sẽ biết - Hector trả lời - nếu nàng cho phép tôi tiếp tục kể.

- Vâng! Hãy kể đi! Em xin lắng nghe bằng cả trái tim đây! - Claire kêu lên.

Chương 14: Léon de Sainte-Hermine

Ít lâu sau khi cha bị hành quyết, mẹ tôi ngã bệnh và qua đời, tôi không thể báo tin đau đớn này cho anh Léon của tôi.

Từ khi cuộc chiến ở Berchem nổ ra, chúng tôi không biết anh ấy ra sao. Tuy vậy, tôi viết cho anh Charles đang ở Avignon và anh ấy lập tức về Besançon. Sau này chúng tôi mới biết về trận Berchem và số phận của Léon. Tin này từ chính thái tử Condé sai người về viếng mẹ tôi cùng thời điểm anh Charles từ Avignon về.

Ngày mùng bốn tháng Mười hai năm 1793, hoàng tử Condé đã bị chiếm tổng hành dinh ở Berchem. Hai lần Pichegru phản kích nhưng không lấy lại được. Để chiếm lại một làng, Léon dũng cảm đi đầu và mất tích trong đó. Dù anh ấy có đồng đội đi cùng nhưng những người này không có tin tức gì. Người ta lục tìm anh trong số các xác chết những không có. Mọi người cho rằng do quá mải săn đuổi quân Cộng hoà nên anh ấy đã bị bắt. Bị bắt cũng có nghĩ là chết vì bất kể ai rơi vào tay họ đều phải ra toà án binh và đều bị xử bắn. Tin tức dù chưa chính thức ấy đã làm chúng tôi đau đớn, cùng lúc có người báo một lính trẻ Besançon đến từ quân đội sông Rhin muốn gặp chúng tôi. Đó là một thanh niên còn rất trẻ, chỉ khoảng mười bốn tuổi, cậu talàcon trai của bạn cũ của bố tôi. Cậu ta ít hơn tôi một tuổi và chúng tôi đã lớn lên cùng nhau. Cậu ấy tên là Charles N. Tôi chạy ra đón cậu ấy trước tên. Tôi biết từ ba tháng qua cậu ấy ở bên cạnh tướng Pichegru. Tôi chạy đến và khóc.

- Charles đấy ư? Cậu mang tin của anh tôi phải không?

- Tiếc thay là như vậy. Anh Charles của cậu có ở đây không?

- Có - Hãy cho người gọi anh ấy. Điều tôi nói với cậu cần có sự chứng kiến của anh ấy.

- Tôi gọi anh trai xuống.

- Anh Charìes, cậu ấy mang tin của Léon.

- Tin xấu đúng không?

- Em e là như vậy vì nếu không cậu ấy đã nói rồi.

Người bạn của tôi không nói gì, chỉ cười buồn rồi lẳng lặng lấy một chiếc mũ lính từ trong áo đưa cho anh tôi.

- Bây giờ anh là chủ gia đình, vật này thuộc về anh.

- Cái gì vậy? - Anh tôi hỏi.

- Chiếc mũ mà anh ấy đội khi bị bắn - Charles trả lời.

- Như vậy thôi sao? Thế là hết ư? - Anh tôi hỏi lại, mắt ráo hoảnh trong khi nước mắt tôi đã trào khỏi mi.

- Vâng.

- Anh ấy mất thật rồi ư?

- Như một anh hùng.

- Cầu Chúa phù hộ! Cầu cho danh dự anh ấy được bảo toàn!

- Chắc phải có gì trong này chứ?

- Một lá thư.

Anh tôi lật ngược cái mũ lấy dao rạch đường chỉ và rút ra một lá thư, bên ngoài có ghi: "Gửi em Charles của anh, Trước tiên và trước tiên nhất, em hãy giấu mẹ càng lâu càng tốt về cái chết của anh".

- Vậy là anh ấy mất mà không biết mẹ đã đi trước mình? - Anh tôi hỏi.

- Không phải - Charles đáp- Em đã nói cho anh ấy biết.

Anh tôi giở lá thư và đọc:

"Anh bị bắt ở Berchem: ngựa của anh trúng đạn ngã gục khiến anh không tự vệ được. Kiếm của anh bị văng ra xa, thế là bốn tên lính Cộng hoà xông vào.

Chúng dẫn anh ra lâu đài Auenhein để xử bắn anh, trừ có phép màu nếu không anh không thể thoát. Cha đã trao gửi lời thề với đức vua và hy sinh vì nó. Anh đã thề với cha vì mục đích tương tự và sẽ ra đi. Đến lượt em, em hãy tiếp tục lời thề ấy. Nếu em chết, Hector sẽ trả thù cho chúng ta. Hãy cho anh gửi lời cầu nguyện trên bia mộ mẹ và gửi nụ hôn vĩnh hằng đến Hector.

Vĩnh biệt.

Léon de Sainte-Hermine"

Tái bút: Anh không biết làm thế nào để gửi lá thư này đi, chỉ cầu Chúa phù hộ cho nó"



Anh tôi hôn lá thư, đưa cho tôi hôn nó rồi anh ấp lá thư vào lòng.

- Cậu chứng kiến cái chết của anh tôi chứ? - Charles hỏi.

- Vâng - Bạn tôi đáp.

- Vậy thì hãy kể tường tận, đừng bỏ sót một chi tiết nào.

- Được ạ. Hôm đó, em đang trên đường từ Strasbourg đến tổng hành dinh của tướng Pichegru ở Auenheim thì gặp một toán lính bộ binh khoảng hai chục người do một đại uý dẫn đầu đi đến gần Sessenheim. Toán người ấy đi hàng hai. Ở giữa có một người tập tễnh đi mà nhìn qua em cũng biết đó là một kỵ binh. Anh ấy choàng một chiếc áo trắng xuống tận chân chỉ hở cái đầu. Đó là một thanh niên còn trẻ, thông minh và nhìn quen quen. Anh đội một chiếc mũ quân đội kiểu quân Pháp. Em lại gần anh ấy và chắc thấy em còn trẻ anh hỏi.

- Em đi đâu thế, công dân?

- Đến thủ phủ của tướng Pichegru, từ đây đến đấy còn bao xa?

- Khoảng hai trăm bộ nữa thôi. Cuối con đường này, ngôi nhà đầu tiên là làng Auenheim.

Em hơi ngạc nhiên khi anh chỉ đường bằng cái hất cằm chứ không đưa tay ra.

- Cảm ơn!

Em nói rồi rảo bước đi nhanh vì thấy người đi cùng không hài lòng về anh ấy. Nhưng anh ấy gọi em lại.

- Này, nếu em không vội, em hãy đi chậm cùng chúng tôi để tôi hỏi tin nhà được không.

- Tin nhà nào? - Em hỏi lại.

- Thế chẳng phải cậu là người Besançon hay ít ra là người miền France-Conté đó sao?

Em ngạc nhiên nhìn anh ấy; giọng nói, khuôn mặt, quần áo đều gợi cho em ký ức tuổi thơ. Chắc chắn ngày xưa em có quen chàng trai đẹp đẽ này.

- Sau đó, cậu có thể tiếp tục cuộc vi hành của mình. - Anh ấy nói và cười.

- Không đâu - Em trả lời - Tôi chỉ nhớ xưa có vị học giả lấy biệt hiệu Tyrtame sau đó người Athens đạt tên Beau Parleur và sau năm mươi năm sống Athens đã được coi luôn là người Lesbot.

- Ái chà, cậu là học giả cơ đấy. Thời này, điều ấy là xa xỉ đấy - Anh ấy nói.

- Không đâu. Tôi đi gặp tướng Pichegru, ông ấy cũng rất có học thức. Tôi hy vọng với hiểu biết của tôi, ông sẽ đồng ý nhận tôi làm thư ký. Còn anh, tôi tò mò muốn biết liệu anh có phải ra nhập quân đội không?

Không đâu - Anh ấy nói và cười.

- Thế thì anh bị bắt buộc à?

- Bị bắt - Anh ấy lại cười và nói - Phải rồi, cậu tìm đúng từ rồi đấy chỉ có điều tôi không bị họ bắt buộc mà tự tôi đi, thưa quý ngài đáng kính.

- Này, anh nói từ "quý ngài" to thế mà không sợ bị mất chỗ à?

- Này đại uý - anh ấy nói với viên sĩ quan và cười - Anh chàng này sợ tôi bị mất chỗ vì tôi nói chữ "Quý ngài". Ngài có biết ai sẽ thích tôi không? Để tôi còn viếng anh ta.

- Đồ quỷ đáng thương! - Viên đại uý lẩm bẩm và nhún vai.

- Này chàng trai trẻ, có đúng cậu là người Besançon không?

- Tôi gật đầu.

- Chắc cậu phải biết gia đình Sainte-Hermine chứ?

- Có một bà goá và ba con trai.

- Ba con trai, đúng rồi - anh ấy nói kèm theo tiếng thở dài - Bây giờ thì còn ba. Cảm ơn. Cậu rời Besançon bao lâu rồi?

- Bảy ngày.

- Vậy cậu có tin gì mới không?

- Có nhưng buồn lắm.

- Cứ nói đi.

- Trước hôm tôi đi, hai cha con tôi đã dự đám tang của bá tước phu nhân.

- Trời ơi! Anh ấy nói và ngửa mặt lên trời - Bá tước phu nhân đã chết!

- Vâng.

- Càng tốt!

- Sao lại càng tốt! - Em kêu lên - Bà ấy là một bậc thánh nhân!

- Vì như thế là khỏi phải đau lòng khi nghe tin đứa con trai bị xử bắn.

- Cái gì cơ! Bá tước Sainte-Hermine đã bị bắn ư?

- Chưa nhưng sắp rồi.

- Khi nào?

- Khi chúng ta đến lâu đài Auenheim.

- Bá tước đang ở đó ư?

- Chưa người ta đang dẫn anh ta đến.

- Và người ta sẽ bắn anh ấy?

- Ngay khi tôi đến nơi.

- Anh là người hành quyết sao?

- Không, tôi là người chịu hứng đạn.

- Ôi lạy Chúa! Có phải anh là...

Anh ấy phá lên cười:

- Chính vì thế nên tôi mới cười khi cậu bảo tôi ăn nói thận trọng, tại sao tôi muốn có người thay chỗ mình đúng như cậu nói: tôi bị bắt buộc!

Rồi anh ấy lắc áo choàng để lộ la hai tay bị trói.

- Anh đúng là…

- Bá tước Sainte-Hermine, chàng trai ạ. Cậu đã thấy tôi nói đúng khi mẹ tôi nên chết trước chưa.

- Ôi lạy Chúa! - Em kêu lên.

- Thật may là các em tôi vẫn còn sống.

- Đúng thế, chúng tôi đã đồng lòng sẽ trả thù cho anh ấy - Hector Sainte-Hermine nói.



***

- Như vậy là anh trai chàng bị xử bắn? - Tiểu thư Sourdis hỏi.

- Vâng - Hector đáp - Nàng có muốn nghe chi tiết không? Mỗi chi tiết đều làm chúng tôi nghẹn ngào nhưng với nàng có thể chúng bình thường vì nàng chưa biết anh ấy.

- Ngược lại! - Tiểu thư Sourdis thốt lên - Đừng nói như vậy. Dù bá tước Sainte-Hermine không là người thân của em nhưng không lẽ vì thế mà em không có quyền được nghe kể cái chết của anh ấy hay sao?

- Vậy tôi xin kể lại lời Charles đã thuật lại cho chúng tôi nghe.

"… Các anh có thể hình dung em bàng hoàng thế nào khi nhận ra chàng trai ấy là Sainte-Hermine, một người yêu nước, thủ lĩnh các gia tộc quân chủ chúng ta. Em lại gần anh ấy và hỏi:

- Không có cách nào cứu anh nữa ư?

- Phải thú thật với cậu là tôi chưa nghĩ ra, nếu có tôi đã thực hiện không để lỡ một giây nào rồi. Tuy nhiên tôi có việc muốn nhờ cậy.

- Anh nói đi.

- Có thể điều này hơi nguy hiểm và anh sợ cậu sẽ phải hoảng hốt.

- Em sẵng sàng làm cho anh bất cứ việc gì.

- Anh muốn em chuyển tin cho em trai của anh.

- Em đồng ý.

- Nhưng đó là một lá thư.

- Em sẽ chuyển.

- Nếu vậy em hãy nghe đây.

Em tiến sát anh ấy.

Thư đã viết rồi và được giấu trong mũ của anh.

- Vâng.

- Em hãy xin viên đại uý cho phép em tham dự buổi hành quyết.

- Em ư - Em đáp mà mồ hôi lạnh toát chân tóc.

- Đừng sợ, hành quyết luôn gây hiếu kỳ. Nhiều người vẫn đến xem cho vui đó thôi.

- Em không bao giờ dám.

- Thôi nào, chuyện đó xảy ra nhanh thôi.

- Ồ không bao giờ! Không bao giờ!

- Đừng nói nữa. Sau này, nếu có cơ hội gặp các em tôi, hãy nói rằng cậu gặp tôi trên đường đưa tôi đi xử bắn:

Rồi anh ấy huýt sáo bài Đức vua Henry Đệ tứ vạn tuế. Em vội lại gần anh ấy và nói:

- Em xin lỗi, em sẽ làm như anh muốn.

- Thấy chưa, cậu là chàng trai tốt! Cảm ơn em!

- Chỉ có điều…

- Gì vậy?

- Anh nói với tên đại uý cho em được… Không bao giờ em tự tha thứ cho mình khi để người khác nghĩ rằng em xem xử tử cho vui.

- Được thôi, để anh nói. Anh sẽ yêu cầu để em giữ lại chiếc mũ của anh chuyện này cũng bình thường thôi, vẫn diễn ra thường ngày mà. Một chiếc mũ thì không có gì đáng nghi cả.

- Vâng ạ.

- Lúc chuẩn bị bắn, anh sẽ ném nó ra cạnh. Đừng vội nhặt, chờ anh đi hẳn đã…

- Ôi trời ơi! - Em đã run lẩy bẩy và tái người đi.

- Có ai còn rượu cho cậu em tôi một ngụm không? Cậu ấy bị lạnh.

- Lại đây cậu bé - Viên đại uý gọi và chìa bi đông ra.

Tôi đón lấy và uống một ngụm rồi quay lại phía anh ấy.

- Khi anh chết - Léon nói - Hãy nhặt cái mũ nhưng đừng làm ra vẻ quan trọng quá, kỳ thực nó là tâm nguyện cuối cùng của anh đấy, tâm nguyện của một người sắp ra đi. Nó là một vật thiêng liêng. Em phải trao tận tay em trai anh lá thư ấy. Nếu cái mũ vương víu, em có thể vứt nó đi nhưng hãy giữ lại lá thư, đừng để mất nó nghe không?

- Vâng ạ - Em nói và cố gắng ngăn hai hàng nước mắt chực ứa ra.

- Em sẽ không làm mất đúng không?

- Không! Không đâu! Anh cứ yên tâm.

- Và em sẽ trao tận tay em trai của anh?

- Vâng, tự em sẽ làm.

- Hãy đưa cho em Charles của anh. Tên cậu ấy cũng giống tên em rất dễ nhớ.

- Cho anh Charles, không ai khác. Em hãy nhớ lấy và khi họ hỏi, em hãy kể anh chết như thế nào, cậu Charles em anh sẽ nói "Phải rồi, tôi có một người anh rất dũng cảm" rồi khi đến lượt cậu ấy, cậu ấy sẽ ra đi như anh.

Chúng em đến đoạn hai đường giao nhau: một dẫn đến tổng hành dinh của tướng Pichegru, một dẫn đến lâu đài. Em muốn nói điều gì đó mà không cất lên lời. Em nhìn anh Léon với vẻ van nài nhưng anh ấy đã cười.

- Đại uý - anh ấy gọi - cho tôi một ân huệ.

- Nếu nó thuộc quyền hạn của tôi…

- Có thể đó là một sự yếu mềm nhưng chỉ chúng ta biết với nhau thôi được không? Khi chết tôi muốn được ôm hôn một người đồng hương. Chúng tôi đều là con của miền Jura, chúng tôi sinh ra và lớn lên trên đất. Một ngày nào đó, nếu tình cờ cậu ấy gặp gia đình tôi, cậu ấy sẽ kể rằng cậu ấy đã ở bên tôi đến lúc tôi trút hơi thở cuối cùng như thế nào.

Viên đại uý nhìn em đang khóc.

- Thôi được nếu điều đó làm hai anh vui lòng.

- Tôi không nghĩ chuyện đó làm em tôi vui lòng - Anh Léon vừa nói vừa cười - Nhưng tôi thì rất vui. Ngài chấp thuận chứ?

- Tôi đồng ý - Viên đại uý nói.

Em lại gần anh ấy. Anh nhìn em cười và nói.

- Cậu thấy chưa, cho đến giờ mọi chuyện đều ổn thoả.

Chúng em tiến lên một quả đồi và nhanh chóng đi qua một chiếc cầu treo. Chúng em đợi một lúc trong sân chờ lệnh hành quyết từ một đại tá, một lát sau, viên đại uý xuất hiện.

- Anh sẵn sàng chưa?

- Bất cứ lúc nào.

- Anh còn muốn nói gì không?

- Không, nhưng tôi muốn nhờ ngài một số điều.

- Tôi sẽ chấp nhận nếu thuộc thẩm quyền của tôi.

- Cảm ơn đại uý.

Viên đại uý lại gần anh trai Léon của các anh.

- Chúng ta có thể phục vụ dưới hai lá cờ - Anh ta nói - Nhưng chúng ta vẫn là người Pháp và những người anh hùng đều hiểu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, anh muốn gì?

- Trước tiên, tôi muốn tháo sợi dây trói này ra, nó khiến tôi giống như một tên trộm.

- Được rồi, cởi trói cho anh ta! - Viên đại uý ra lệnh.

Em xông vào tháo dây cho bá tước trước khi bất cứ ai lại gần anh ấy.

- Tự do thật là dễ chịu - Anh Léon vươn tay khỏi áo choàng và nói.

- Anh còn muốn gì nữa không?

- Tôi muốn là người ra lệnh khai hoả.

- Anh sẽ được ra lệnh.

- Tôi muốn gửi một món đồ kỷ niệm cho gia đình.

- Anh biết là mọi thứ liên quan đến chính trị đều bị cấm, ngoài ra thì không vấn đề gì.

- Ồ tôi không muốn khiến ngài lo lắng. Đây là người đồng hương Charles của tôi đã được ngài cho phép tham gia vụ hành quyết Tôi nhờ cậu ấy mang về không phải thư từ gì cả mà chỉ một đồ vật của tôi như cái mũ chẳng hạn.

- Có thế thôi ư? - Viên đại uý hỏi.

- Chỉ thế thôi. Đã đến giờ rồi. Tôi bắt đầu thấy lạnh chân, lạnh chân là điều tôi ghét nhất trên đời. Chúng ta đi thôi, tôi nghĩ ngài sẽ đi cùng tôi chứ?

- Đó là nhiệm vụ của tôi.

Bá tước Léon de Sainte-Hermine chào em, bắt tay và cười như một người vui sướng vì đã thành công.

- Đến chỗ nào? - Anh ấy hỏi.

- Vào kia - Viên đại uý nói vàchỉ vào cây cột phía xa xa.

Mọi người đi theo ông ta qua một công sự, qua một chiếc sân rồi đến chân tường thành. Phía đó có dựng một bức tường cao bằng đầu người dính các vết đạn chi chít.

- Đây rồi! - Tù nhân nói.

Và anh ấy tự đi về phía bức tường. Đến nơi anh dừng lại, một tên sĩ quan đọc bản án. Anh Léon gật đầu như thể chấp nhận rồi nói:

- Xin lỗi đại uý. Tôi muốn nói thầm với mình vài câu.

Mọi người đều hiểu anh muốn cầu nguyện nên lùi ra xa. Còn lại một mình, anh Léon đứng bất động, môi lẩm bẩm những điều không ai nghe thấy, rồi anh ngẩng đầu lên, khuôn mặt rạng rỡ như đang cười. Anh vừa ôm hôn em vừa nói nhỏ như vua Charles Đệ nhất đã từng nói:

- Hãy nhớ lấy.

Em gật đầu và bật khóc, còn anh ra lệnh chắc nịch:

- Chuẩn bị!

Đám lính đứng xếp hàng lại. Vì anh Léon muốn là người ra lệnh bắn nên anh chủ động ném chiếc mũ về phía chân em.

- Sẵn sàng chưa? - Anh hỏi lại.

Rồi! - Đám lính đồng thanh nói.

- Chuẩn bị, sẵn sàng, bắn! Đức vua vạn…

- Anh chưa kịp dứt lời một tiếng súng đã vang lên, bảy viên đạn xuyên qua ngực.

Anh ấy ngã xuống. Còn em quỳ xuống đất, khóc nức nở như bây giờ.

Quả thực cậu bé đang kể lại cái chết của anh tôi nấc lên.

***

Và chúng tôi cũng vậy, thưa tiểu thư, chúng tôi đều bật khóc vì đau xót - Hector nói.

- Ôi! Câu chuyện về gia đình chàng thật bi thảm - Claire nói và chấm nước mắt.

- Tôi tiếp tục chứ! Hector hỏi.

- Vâng ạ, chưa bao giờ em được nghe câu chuyện nào vừa lôi cuốn lại vừa đau đớn đến vậy.

Chương 15: Chales de Sainte-Hermine

Hector de Sainte-Hermine chờ một lát cho tiểu thư Sourdis bình tâm rồi mới tiếp tục kể:

"Tiểu thư thấy câu chuyện này về gia đình tôi thật bi thảm nhưng nó còn bi thảm hơn nữa kia.

Tám ngày sau khi người bạn tôi mang thư của anh Léon đến thì Charles của tôi biến mất. Anh ấy để lại cho tôi một lá thư:

"Anh không cần phải nói cho em biết anh đi đâu và làm gì vì chắc em cũng rõ anh tiếp tục xứ mệnh trả thù và thực hiện lời thề của mình. Vậy là em chỉ còn lại một mình. Chỉ mười sáu tuổi em đã bất hạnh trở thành chủ nhà. Nhưng trong hoàn cảnh này, người ta sẽ mau chóng trưởng thành thôi.

Hãy nghe anh nói như những người đàn ông. Đàn ông, đó là một cây sồi tráng kiện có bộ rễ mọc trong thời cổ đại còn ngọn cây vươn tới tương lai. Nó chống chọi được tất thảy; nóng, mưa, bão, gió, nóng. Lạnh thậm chí cả sắt và cả vàng.

Hãy để cả thể xác và tinh thần em làm việc cật lực. Hãy trở nên khéo léo với những tập luyện cơ bắp. Em không thiếu thầy giỏi cũng như tiền bạc.

Ở tỉnh, em có thể tiêu mười hai nghìn phăng một năm cho ngựa, súng ống, thuật đua ngựa và kiếm thuật. Khi lên Paris, em có thể tiêu gấp hai nhưng chỉ trong mục đích duy nhất: Trưởng thành, thành một người đàn ông thực thụ.

Luôn chuẩn bị sẵn một khoảng mười ngàn phăng bằng vàng để đưa cho một người lạ mặt mong thư có hình con dao găm đến, nhân danh và chữ ký Morgan. Khi Morgan có vấn đề thì duy nhất em biết là anh có vấn đề.

Hãy làm theo lời anh dặn và coi đó là mệnh lệnh. Ít nhất, em hãy đọc lá thư này một tháng một lần.

Hãy luôn sẵn sàng tiếp bước đinh, trả thù cho anh và sẵn sàng hy sinh.

Anh trai của em

CHARLES"



- Bây giờ có lẽ tiểu thư cũng biết Hector de Sainte-Hermine và Morgan chỉ là một - Hector nòi - Tôi không cần phải theo anh ấy từng bước và có lẽ cũng không cần kể anh ấy đã thế nào.

Tiếng tăm của người thủ lĩnh đồng đảng Jéhu lan khắp nước Pháp và thậm chí còn sang cả nước ngoài. Trong vòng hai năm từ Marseille đến Nantua, nước Pháp đã thành vương quốc của anh ấy. Tôi như nhận được thư của anh ấy đôi lần với ký hiệu và chữ ký như anh đã dặn và mỗi lần, tôi đều gửi tiền cho anh.

Cái tên Morgan đã trở thành vừa là nỗi kinh hoàng vừa là tình yêu cho người dân Miền Nam. Toàn thể phe Bảo hoàng coi đồng đảng Jéhu là những hiệp sĩ chân chính, các từ kẻ cướp, vô lại mà người ta cố gắn cho họ không làm mất đi uy danh của họ.

Nhiều lần, thủ lĩnh Morgan đã chứng tỏ sức mạnh, lòng can đảm và độ lượng trong các cuộc giao tranh chống lại chính phủ, dân miền Nam có thể tự hào rằng đồng đảng Jéhu không sợ bất cứ chính quyền địa phương nào. Dưới chế độ Đốc chính, mọi chuyện đều êm đẹp. Chính phủ quá ươn hèn trước ngoại xâm càng khiến nội chiến có lý do bùng phát.

Nhưng Bonaparte đã trở về từ Ai Cập. Tình cờ, ông ấy chứng kiến sức mạnh của đồng đảng Jéhu và đạo đức của họ. Trong số tiền lấy của chính phủ có hai trăm đồng louis của một thương nhân buôn rượu vang Bordeaux. Ông ấy phàn nàn trong phòng ăn và ngay lập tức được người trang bị vũ khí và che mặt mạng trả khoản tiền lấy nhầm. Bonaparte và sĩ quan tuỳ tùng Roland de Montrevel ăn tối tại đó và chứng kiến cảnh trên, Roland đã xích mích với ông Barjols nên ở lại hạ đối thủ rồi mới lên Paris theo Bonaparte.

Qua sự việc trên, Bonaparte hiểu rằng mình phải đối đầu với những người như thế nào. Chính họ sẽ khôi phục nền quân chủ chứ không phải quân Anh. Do vậy, ông ta quyết định diệt trừ họ và phái Roland toàn quyền về miền Nam.

Nhưng Roland không tìm được người phản bội họ: con người, hang động rừng núi… tất cả đều giúp đỡ, ủng hộ những con người bảo vệ đức vua.

Nhưng rồi điều không mong đợi đã đến khiến cho những người ấy bị thất bại vào tay một người phụ nữ. Chắc tiểu thư còn nhớ cuộc đụng độ chính trị khiến thành phố Avignon chao đảo như một cuộc động đất.

Nó diễn ra trong một nơi mà người ta giết hại nhau không thương tiếc, sẵn sàng đâm bổ vào kẻ thù chừng nào người ta còn sống, còn một chút hơi thở, đánh cho đến lúc không kêu được, không thở được có một nạn nhân trong số đó là bá tước Fargas.

Ông ấy bị giết, bị thiêu cháy, bị quân địch ăn thịt. Ông có hai con, một trai một gái chạy thoát khỏi cuộc tàn sát, tạo hoá đã ban nhầm tính cách cho họ, người anh thì mềm yếu như phụ nữ còn cô em lại gan góc hơn đàn ông. Hai anh em, Lucien và Diana đều thề sẽ trả thù cho cha nên Lucien gia nhập đội quân của Jéhu hay còn gọi là quân đội miền Nam.

Lucien bị bắt, không chịu nổi tra tấn khi bị giam vào ngục tối nên đã khai các anh em của mình. Nhưng sau đó, để tránh bị đội quân của Jéhu trả thù, người ta đưa anh ta đến từ nhà tù Avignon đến Nantua. Tám ngày sau, nhà tù tại Nantua bị tấn công, tù nhân bị bắt đem đến Seillon.

Ngày hôm sau, xác của Lucien de Fargas phơi trước sân tỉnh trưởng đối diện khách sạn Grottes de Ceyzériat nơi Diana đang thuê ở. Xác chết bị lột sạch quần áo, một con dao găm quen thuộc của đội quân Jéhu cắm giữa ngực. Một mảnh giấy treo lủng lẳng trên dao có ghi:

"Tôi chết vì đã phản bội lời thề thiêng liêng và tôi xứng đáng phải chết. Con dao găm trên ngực tôi có nghĩa là tôi không phải là nạn nhân của một vụ ám sát hèn hạ mà nó chứng tó một sự báo thù chính nghĩa"



Mới tờ mờ sáng Diana đã bị tiếng ồn ào đánh thức. Người ta cho cô biết âm thanh ấy mang một niềm bất hạnh sắp đổ xuống, cô vội khoác áo choàng, không kịp buộc tóc chạy vội ra cửa sổ cúi xuống. Vừa nhìn xuống phố, cô đã thét lên kinh hoàng, lảo đảo lùi lại người mê man, tái mét chạy vội xuống gần cái xác và kêu lên:

- Anh tôi! Anh tôi!

Trong đám người chứng kiến cảnh tượng ấy có một người lạ. Đó là một phái viên của tướng Cadoudal. Anh ta mang nhiều mật lệnh trong đó có một lá thư liên quan đến gia đình tôi. Tôi đã chép lại lá thư đó.

"Morgan yêu quý,

- Chắc tiểu thư còn nhớ đó là tên anh trai tôi - Hector ngừng lại một lát rồi tiếp tục.

"Morgan yêu quý, chắc hẳn ngài còn nhớ trong cuộc họp ở phố Postes, ngài đã hứa, trong trường hợp tôi tiếp tục cuộc chiến dù không có viện trợ trong nước và nước ngoài thì ngài sẵn sàng là người đầu tiên lo tài chính cho tôi. Các đồng minh của chúng ta hoặc đã bị hy sinh trên chiến trường hoặc bị xử bắn.

Autichamps đã đầu hàng quân Cộng hoà, chỉ còn mình tôi vẫn giữ nguyên đường lối và trụ vững ở Morbihan.

Một đội quân hai, ba nghm người với tôi là đủ để tiếp tục cuộc chiến này, nhưng đội quân ấy cần quân lương, nhu yếu phẩm, súng ống, đạn dược. Từ vụ Quiberon, người Anh không viện trợ gì sang nữa. Hãy gửi cho chúng tôi tiền, chúng tôi không tiếc gì xương máu. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi đánh đồng mọi chuyện - có Chúa chứng giám - sự hy sinh của người vĩ đại hơn tật thảy và so với nó, sự tận tuỵ của chúng tôi chưa là gì.

Khi bị bắt, chúng tôi sẽ bị bắn còn các ngài, các ngài phải hy sinh trên đoạn đầu đài. Ngài viết cho tôi rằng có những khoản thu nên tôi muốn chắc chắn mỗi tháng có từ 35 - 40 nghìn phăng.

Tôi phái người bạn hữu của chúng ta, Coster de Saint-Victor, đây là người mà chỉ nghe tên ngài cũng có thể hoàn toàn tin tưởng. Tôi nói cho anh ta một số ám hiệu qua đó có thể tìm đến ngài. Hãy giao bốn mươi nghìn phăng đầu tiên nếu ngài có đủ và giữ giùm tôi phần còn lại. Nếu chỗ ngài không an toàn, hãy đến gặp tôi.

Dù ở xa hay ở gần, tôi luôn quý trọng và cảm ơn ngài.

GEORGE CADOUDAL

Tổng tư lệnh quân đội Bretagne

Tái bút - Tôi được biết, thưa ngài Morgan, rằng ngài có mặt em trai khoảng hai mươi tuổi. Nếu ngài không chê tôi không xứng, hãy gửi cậu ấy đến chỗ tôi cho quen chiến trận. Cậu ấy sẽ trở thành sĩ quan tuỳ tùng của tôi”.



Sau khi bàn bạc với các bạn của mình, anh trai tôi hồi âm như sau:

"Kính thưa tướng quân,

Chúng tôi đã nhận được lá thư từ tay tín viên gan dạ của ngài. Chúng tôi đang có gần 150.000 phăng, do đó chúng tôi có thể đáp ứng yêu cầu của ngài. Với đội ngũ do tôi toàn quyền, tôi nhờ Alcibiade mang bốn mươi nghìn đầu tiên đến chỗ ngài. Hàng tháng, ngài có thể nhận được khoản tương đương tại nhà băng. Trong trường hợp tôi hy sinh, tiền sẽ được chôn ở những địa điểm khác nhau với cũng khoản như trên.

Dưới đây là danh sách những người biết tiền ở vị trí nào. Người anh em Alcibiade cũng vừa chứng kiên một vụ thanh trừng và biết hình phạt cho kẻ phản bội là gì.

Tôi xin đa tạ tướng quân về ưu ái ngài dành cho em trai tôi. Nhưng nghĩa vụ của tôi là phải tránh mọi nguy hiểm cho cậu ấy để cậu ấy còn thay thế tôi. Cha tôi bị xử trảm, trước khi chém, ông đã di nguyện lời thề cho anh trai của tôi. Anh cả của tôi hy sinh truyền mối phục thù ấy cho tôi. Có thể tôi sẽ chết, như ngài nói là trên đoạn đầu đài, khi ấy, em út của tôi sẽ đi tiếp con đường chúng tôi đã đi sẽ cống hiến như chúng tôi từng cống hiến, cho vinh quang của mục đích cao cả hoặc sẽ hy sinh như chúng tôi hy sinh.

Chính vì động cơ đó nên xin phép tướng quân dành quyền quản lý em Hector cho tôi.

Khi nào ngài có thể, hãy gửi lại người anh em Alcibiade cho chúng tôi. Niềm vui sẽ nhân đôi khi tin tức lại được anh ấy tiếp tục gửi tới ngài.

MORGAN"



Đúng như anh tôi đã nói, Coster de Saint-Victor đã tham dự cuộc trừng phạt. Lucien bị tuyên án và hành quyết ngay trước mặt Coster. Sau đó nửa đêm, hai hiệp sĩ ra khỏi tu viện dòng thánh Bruno ở Seillon.

Một người là Coster de Saint-Victor đang mang bốn mươi nghìn phăng của Morgan đến chỗ tướng Cadoudal ở Bretagne.

Người kia là bá tước Ribier mang thi thể của Lucien de Fargas trên lưng ngựa để đặt tại sân tỉnh phủ.

Hector ngừng lại một giây.

- Xin thứ lỗi - Anh nói - nếu câu chuyện của tôi bắt đầu phức tạp như một tiểu thuyết, nhưng tôi buộc phải nói rõ những sự kiện. Để tiểu thư không phải nghe những điều khủng khiếp, tôi xin lược bộ một số điều tôi đã làm để nàng không thấy rối.

- Ngược lại, xin bá tước đừng lược gì cả - Tiểu thư Sourdis nói - Mọi vắn tắt đều phụ thuộc vào chú ý của người nghe. Đằng này tôi luôn quan tâm đến mọi nhân vật của chàng và nhất là tiểu thư Fargas.

- Nếu vậy, tôi xin kể ngay về cô ta.

Ba ngày sau khi thi thể đặt trước dinh Bourg-en-Bresse được xác nhận là của Lucien de Fargas, một phụ nữ còn trẻ đã đến Luxembourg yêu cầu được gặp công dân đốc chính Barras.

Công dân Barras đang bận họp. Viên cận vệ của ông thấy cô gái còn trẻ lại xinh xắn nên mời vào phòng màu hồng, căn phòng tiếp phụ nữ xa hoa của công dân đốc chính.

Khoảng mười lăm phút sau, vẫn người cận vệ ban nãy thông báo công dân đốc chính Barras đã đến. Ông này vào phòng, đặt mũ lên bàn, lại gần vị khách và nói:

- Cô muốn gặp tôi, vậy tôi đây!

Người phụ nữ đứng im chờ Barras lại gần và vén mạng che mặt để lộ một vẻ đẹp kiều diễm hiếm thấy.

Barras sững sờ cầm tay cô rồi mời ngồi nhưng cô vẫn đứng im.

- Xin lỗi ngài, tôi xin phép đứng vì tôi có chuyện cầu xin ngài.

- Cầu xin ư! - Barras nói - Một phụ nữ như cô sẽ không cần phải cầu xin mà ra lệnh hoặc ít ra cũng là yêu cầu.

- Vậy thì đúng như thế, nhân danh mảnh đất đã cho hai chúng tôi sinh ra, nhân danh người cha của tôi là đồng niên với cha ngài, nhân danh lòng bác ái bị lãng nhục, nhân danh công lý bị vùi lấp, tôi đến để yêu cầu được trả thù.

- Trả thù ư?

- Trả thù - Diana nhắc lại

- Từ này nghe nặng quá! - Barras nói - nhất là lại được phát ra từ một cô gái trẻ trung và xinh đẹp nhường kia.

- Thưa ngài tôi là con gái của bá tước Fargas đã bị quân Cộng hoà sát hại ở Avignon, và là em của tử tước Fargas, người mới bị ám sát ở Bourg-en-Bresse do đồng đảng của Jéhu ra tay.

- Cô có chắc thế không?

Cô gái trẻ chìa cho Barras một con dao găm và một mảnh giấy.

- Đây là con dao quá quen thuộc của bọn chúng - Cô ta nói và đưa một mảnh giấy chứng tỏ đích danh chủ mưu và động cơ vụ sát hại.

Barras xem xét kỹ con dao.

- Thế con dao này? - ông ta hỏi.

- Nó được cắm trên ngực anh trai tôi.

- Nếu chỉ dựa vào con dao này thì chưa chắc chắn - Barras nói - Nó có thể bị bắt chước để đánh lạc hướng.

Nhưng còn tờ giấy được viết từ chính tay anh trai tôi, còn cả chữ ký mà Barras đọc:

"Tôi chết vì đã phản bội lời thề thiêng liêng và tôi xứng đáng phải chết. Con dao găm trên ngực tôi có nghĩa là tôi không phải là nạn nhân của một vụ ám sát hèn hạ mà chứng tỏ một sự báo thù chinh nghĩa.

LUCIEN DE FARGAS"



- Có đúng đây là nét chữ của anh trai cò không? - Barras hỏi.

- Đúng vậy.

Câu "tôi không phải là nạn nhân của một vụ ám sát hèn hạ mà chứng tỏ một sự báo thù chinh nghĩa" là gì?

Khi bị người của các ông bắt, tra tấn, anh ấy không giữ lời thề, đã khai các đồng phạm. Lẽ ra phải tôi thay anh ấy mới đúng.

- Sao lại có chuyện ấy. Thế mà tôi không biết gìcả- Barras nói.

- Đó là nhờ đám cảnh binh của ngài đấy - Diana vừa nói vừa cười những kẻ sát hại anh cô, và một khi bị bắt chúng đừng hòng kêu xin.

- Giá mà tôi biết tên chúng - Diana nói - thì tôi đã không đến gặp ông mà đã đâm chết chúng rồi.

- Nếu thế, cô hãy điều tra theo hướng của cô, chúng tôi sẽ điều tra theo hướng của chúng tôi.

- Tôi ư? Tôi điều tra cái gì? Đó là phận sự của tôi à, có phải tôi là chính phủ, có phải tôi là cảnh sát, nhiệm vụ của tôi là chăm lo cho các công dân đấy chắc. Các ông bắt anh tôi, giam giữ anh ấy trong nhà ngục. Nhà tù là nhà của chính phủ và phải trả anh cho tôi, nhà tù mở ra nhưng không giữ nổi mạng của họ; như vậy chính phủ phải thanh toán món nợ này. Vì ông là người đứng đầu chính phủ, tôi đến và yêu cầu ông hãy trả anh cho tôi.

- Cô rất yêu quý anh trai của mình?

- Rất, rất yêu.

- Cô có muốn trả thù cho anh ấy?

- Tôi sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để giết chết bọn sát nhân.

- Thế nếu tôi cho cô một cách để biết tên chúng, cô có chấp nhận không.

Diana lưỡng lự một lát rồi quả quyết.

- Bằng giá nào tôi cũng chấp nhận.

- Nếu thế, hãy giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp cô.

- Tôi phải làm gì?

- Cô đẹp lắm, thậm chí rất rất đẹp.

- Việc này có liên quan gì đến sắc đẹp của tôi? - Diana nói và cụp mắt xuống.

- Ngược lại - Barras nói - Nó đặc biệt liên quan là đằng khác. Trong cuộc chiến sinh tử này, cái đẹp dành cho phụ nữ không chỉ là món quà đơn thuần của tạo hoá dùng để thoả mãn đôi mắt của tình lang hay các ông chồng mà là một phương tiện tấn công và phòng thủ đấy.

- Vậy ông nói đi.

- Tướng Cadoudal không lạ gì đồng đảng của Jéhu. Hắn ta mới là thủ lĩnh đích thực của họ. Họ làm việc vì hắn nên hắn biết hết tên bọn chúng.

- Thế thì sao?

- Sao ư? Rất đơn giản. Cô hãy đến Bretagne, hãy gặp Cadoudal với tư cách là nạn nhân của lòng tận trung với hoàng gia. Dần dần, chiếm lấy lòng tin của hắn, mọi chuyện với cô sẽ rất đơn giản. Cadoudal không thể không yêu cô, một ngày cô sẽ biết tên thật của những kẻ mà chúng tôi có cố công cũng không thể tìm được. Chỉ cần biết tên chúng mối thù của cô sẽ được báo. Bấy giờ, nếu ảnh hưởng của cô đủ để khiến viên tướng cứng đầu chịu khuất phục như những người khác thì không cần phải nói, chính phủ sẽ…

Diana giơ tay ngăn lại:

- Hãy cẩn thận, công dân Đốc chính, thêm một câu nữa là ông thoá mạ tôi đấy.

Rồi cô trầm ngâm một lát:

- Tôi cần hai mươi tư giờ để suy nghĩ.

- Hãy quyết định sớm thưa cô, tôi luôn sẵn sàng chờ lệnh.

- Hẹn ông chín giờ tối mai tại đây.

Nói rồi tiểu thư Fargas lấy lại con dao và lá thư trên bàn cho vào túi chào Barras và đi ra.

Ngày hôm sau, đúng giờ hẹn, người ta thông báo cho đốc chính rằng tiểu thư Diana đã đến. Ông ta chạy đến phòng tiếp.

- Thế nào hỡi người đẹp Némésis của tôi?

- Tôi đã quyết định sẽ làm như vậy; chỉ có điều tôi cần một giấy thông hành qua được mọi canh gác của quân Cộng hoà. Trong đoạn đường sau này có thể tôi sẽ bị bắt khi đụng độ quân của các ông, các ông bắn sát hại phụ nữ, trẻ em đó là một cuộc clúến huỷ diệt… nhưng đó là chuyện của ông với Chúa. Tôi có thể bị bắt và tôi không muốn mình bị bắn trước khi rửa mối hận này.

- Tôi đã lường trước chuyện này và để chuyến đi của cô không chậm trễ, tôi đã cho chuẩn bị mọi giấy tờ cần thiết. Bây giờ cô có thể đi đến tận cùng Bretagne và Vendée.

- Vậy thì tốt quá! Xin cảm ơn ông.

- Tôi mạo muội hỏi khi nào cô định khởi hành?

- Tối nay, xe của tôi đang chờ ngoài hàng rào điện Luxembourg.

- Cho phép tôi hỏi một câu hỏi tế nhị nhưng thuộc chức trách của tôi được không?

- Ông cứ hỏi.

- Cô có tiền chưa?

- Tôi có sáu nghìn đồng vàng tương đương với sáu mươi nghìn phăng tiền Cộng hoà của các ông. Ông nghĩ thế đã đủ chưa?

Barras chìa tay ra cho cô gái nhưng cô không để ý đến phép lịch sự ấy mà cúi chào theo cung cách quý tộc rồi đi ra.

- Đúng là một con rắn duyên dáng - Barras nói - Mình không muốn là người thiêu cháy cô ta chút nào.


Nguồn: http://vnthuquan.org/