4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C100-102)

Chương 100: Chuyện xảy ra trên đường Appia năm mươi năm trước công nguyên.

Trước hết tốp đầu tiên hiện ra là các kỵ sĩ cưỡi giống ngựa xứ Numide, tổ tiên loài ngựa các quý ông ngày nay hay cưỡi. Những con ngựa đua ấy không yên cương, không bàn đạp chỉ có tấm vải phủ mông màu vàng hay tấm chăn phủ bằng da hổ. Vài chú sẽ dừng lại xem đoàn người diễu qua, số khác sẽ tiếp rảo bước về phía trước những người chạy mặc áo lửng, giày nhẹ, áo choàng cuộn buộc quanh vai trái và cánh áo có một thắt lưng bằng da thắt gọn gàng hay thả lỏng tuỳ theo họ muốn đi nhanh hay đi chậm. Cuối cùng có một toán người như thể đang tranh cãi ngã giá cho cuộc đua đã nhảy vào đường Appia, thả vào trước đám ngựa lũ chó ngao cổ đeo vòng bạc. Bất hạnh thay cho kẻ nào rơi vào cái cuộn vòi rồng ấy? Thương thay cho kẻ nào để cơn lốc xoáy giữa tiếng ngựa hí, tiếng chó sủa và bụi quấn lấy! Kẻ nào bị lôi ra do chó cắn, do ngựa giẫm phải y như rằng kẻ đó máu me, bầm dập, thương tích đầy mình. Trong lúc tay đua đang ra đòn quay lại nhưng không giảm tốc độ, hắn ta sẽ phá lên cười và sẽ hướng ngựa về đích.
Phía sau lũ ngựa Numide là các chiến xa hạng nhẹ có tốc độ chạy ngang với các con ngựa miền hoang mạc mà chủng này được đưa vào Rome cùng thời với Jugurtha: đó là những con Cisil, đội quân biết bay, bao gồm ba con chạy chĩa ra hình rẻ quạt trong đó con bên phải và bên trái vừa phi và chồm lên vừa lắc tít cái lục lạc bằng bạc của chúng, trong khi con ở giữa chạy theo một đường thẳng tắp mà người ta vẫn gọi là như tên bắn.
Sau đó là những xe Carrucae, loại xe bốn bánh cao mà xe Corricolo hiện đại chỉ là một biến thể hay đúng ra là hậu duệ của nô, hiếm khi các quý ông tự lái mà hầu như cho một tên nô lệ mặc bộ đồ lòe loẹt đánh xe.
Phía sau những Cisil và Carrucae, nhiều cỗ xe bốn bánh tiến lên, đó là những chiếc xe có đệm tựa lững màu đỏ tía và thảm sang trọng phủ bên ngoài; những xe có mui và cửa đóng chắc vì đôi khi nó còn chở những bí mật chốn khuê phòng trong những khu phố thành Rome hay các cuộc công cán vi hành. Hai hình ảnh tương phản lẫn nhau hiện ra, một là hình ảnh mệnh phụ mặc váy dài, ngồi thẳng đơ như một pho tượng trên cỗ xe Carpentium, một loại xe có hình thù kỳ dị mà chỉ các quý bà quyền thế mới có quyền ngồi, một là hình ảnh các ả gái mặc thứ quần áo mỏng như dệt bằng sương mù, uể oải nằm trên kiệu tám phụ khiêng, bên phải là một ả Hy Lạp phóng túng, kẻ mồi lời hẹn hò tay cầm chiếc quạt lông công phe phẩy cho bà chủ, bên trái là một tên nô lệ vác bậc kệ chân có bọc vải nhung đính với một đài dài và hẹp cũng bằng nhung để cho kẻ bán phấn buôn hương cao giá có thể xuống nền nơi ả quyết định ngồi nghỉ sao cho bàn chân trần và đeo đầy đá quý khỏi phải chạm vào đất.
Một khi đã "diễu binh" qua Champ de Mars, một khi ra khỏi cổng Capène, hay một khi ra khỏi đường Appia, rất nhiều người tiếp tục con đường của họ bằng ngựa hay xe, song cũng có rất nhiều quan khách dừng chân xuống đất, để hành lý cho bầu đoàn nô lệ trông coi rồi đi dạo ở khoảng giữa các lăng tẩm và nhà mộ hay ngồi lên ghế đẩu cho thuê với giá nửa Sesterce một giờ. Ôi chao! Đến đây ta mới thấy cơ man là thanh lịch thật sự! Đó mới là nơi "mốt" ngự trì một cách áp đảo! Nào là người ta tên hiểu kiểu cách để râu, để tóc, hình thù váy dài váy ngắn ra sao. Dẫu cái vấn đề lớn đã được César quyết song trước sự hoài nghi của thế hệ mới họ vẫn xem nên mặc áo dài hay ngắn, bó sát hay buông rộng. César mặc áo choàng dài và buông rộng nhưng từ thời César đến nay người ta đã tiến những bước dài lắm rồi! Thế là họ luận với nhau hết sức nghiêm túc về trọng lượng nhẫn đeo tay vào mùa đông ra sao cấu tạo các thành phần son môi thế nào, về dầu thoa da cho mềm mại về viên ngậm chiết xuất từ cây mía hay cây nhũ hương với rượu vang lâu năm để miệng phả ra cái mùi dễ chịu! Các quý bà vểnh tai nghe tay lại tung qua tung lại từ trái sang phải những hợp nhỏ đựng long diên vừa thơm vừa mát, họ tán thưởng bằng đầu, bằng mắt thậm chí bằng tay trước những học thuyết uyên thâm nhất và ngẫu nhiên nhất; môi họ nghếch lên bởi một nụ cười để hé hàm răng như ngọc như ngà, tấm mạng hất ra sau để nhìn ngầm, lộ ra sự tương phản chan chát giữa cặp mắt nhung huyền và cặp lông mày như mun với mái tóc vàng rực, vàng như vàng khuôn hay hơi xám tuỳ cách nhuộm làm biến màu nguyên gốc hoặc bằng xà phòng hỗn hợp từ than cây sồi rừng trộn với mỡ dê mua từ mãi bên Đức hoặc dùng hỗn hợp cặn giấm với dầu nhũ hương hoặc đơn giản hơn rất nhiều đi mua ở cửa hàng những bộ tóc giả đẹp tuyệt của các cô gái nghèo xơ xác xứ Gaule bán cho các tay kéo với giá 50 Sesterce để các tay phó cạo này bán lại với tài ra giá xuất chúng.
Thế mà cái cảnh tượng này được ngưỡng mộ một cách vô cùng thèm muốn bởi những kẻ bình dân mình trần, những tên Hy Lạp đói khát đến mức chực bay lên trời để ăn tối và bởi những kẻ triết gia choàng áo măng tô nhàu nát và cái hầu bao rỗng tuếch vẫn tuôn ra những bài diễn văn chống lại thói xa hoa và chống lại kẻ giàu.
Tất cả, vừa kẻ đứng người ngồi, kẻ nằm người đi tới đi lui, núng nính gác chân khi thì vào người khác khi tự đè lên chân mình vừa giơ tay lên cho cổ tay kéo tụt trễ cuống lộ ra cánh tay đeo đầy đá quý, hỉ, nộ, ái, ố, lầm bầm những bài hát của Cadix hay Alexandrie mà quên bẵng những người chết đang lắng nghe họ, tuôn ra nhưng câu đùa nhảm nhí bằng ngôn từ của Virgile, ném vào nhau những trò chơi chữ từ tiếng Démesthène, vừa nói tiếng Hy Lạp, vì tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ tình yêu thật sự. Một ả gái lầu xanh không biết nói với tình lang của mình bằng tiếng Thais hay Aspasie rằng "Cuộc sống của em và tình yêu của em" thì ả đó chỉ là con bé dành cho đám lính đi dép lê và mang khiên bằng da. Thế mà, để mang lại thú vui, những lâu đài thành quách, những cuộc biểu diễn và bánh mì cho đám người vô công rồi nghề này, cho đám thanh niên có cái đấu nhẹ tếch, đám đàn bà lẳng lơ, đám con trai phung phí sức trong những nhà thổ và hầu bao trong các tửu lâu, cho đám dân ăn không ngồi rồi và lười biếng vì trên hết, dân ấy là dân Italie những nó khà khịa như dân Anh, kiêu hãnh như dân Tây Ban Nha, gây gổ như dân Gaulois, đám dân dành cuộc sống của mình để diễu dưới những hàng hiên, thả tấm thân vào bồn tắm hay nện hai tay vào nhau trong các đấu trường chính vì đám thanh niên ấy, đàn bà, công tử bột và vì cái dân ấy mà Virgile, con thiên nga dịu dàng thành Man-tô-ca, nhà thơ cơ đốc từng ca ngợi hạnh phúc miền thôn dã, nguyền rủa tham vọng cộng hoà, lên án cuộc nội chiến tàn khốc vô lương tâm và chuẩn bị phần đẹp nhất, phần thơ vĩ đại nhất lẽ ra phải sáng tác từ thời Homère đã đem đốt đi vì thấy nỏ không xứng với không chỉ hậu thế mà còn với kẻ đương thời!
Chính vì chúng, vì trở về với chúng mà Horace phải trốn sang với Philippe, để chạy nhanh hơn ông ta đã ném cái khiên ra; để được chúng ngắm nhìn, tôn danh mà ông ta dấn thân vào Champs de Mars, bên bờ sông Tibre mải miết theo cái gọi là chiến trận; chính vì chúng mà ông bị sống lưu vong từ năm năm ở chỗ người Thraces không biết gì đến vui thú dẫu rằng trước kia ông tưởng là người tình của con gái hoàng đế. Vì bọn chúng mà Ovide viết những vần thơ "Buồn", "Ponti ques" và "Métamorphoses", chính vì trở lại với bọn chúng mà ông cầu xin hoàng đế Auguste và sẽ cầu khẩn hoàng đế Tlbère để mình trở lại Rome. Vì chúng, vì để giữ lại tình yêu của chúng, thừ tình yêu thay đổi như thời tiết tháng tư mà Mécène, hậu duệ của những vị vua nước Etrurie, bạn của hoàng đế Auguste, cho ra những vần thơ của mình, những bức bích hoạ, những tiết mục hài kịch, những nét mặt khóc cười trong thể loại kịch điệu bộ Pylade, những thế nhảy đập chân của kiểu nhảy Bathylle! Vì chúng mà Balbus mở nhà hát, Philippe dựng viện bảo tàng, Pollion xây các điện đài nhà thờ.
Vì chúng, Agrippa cho bán vé xổ số trị giá hàng hai mươi nghìn Sesterces, bán các loại vải thêu chỉ vàng chỉ bạc, những đồ gỗ khảm xà cừ và ngà voi. Vì chúng mà ông ta xây những nhà tắm có thể ở lại từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời đi ngủ, những phòng tắm vừa cạo râu, xực nước hoa, xoa bóp, giải khát, được thưởng thức những đồ ăn siêu hạng. Vì chúng, ông cho đào ba mươi dặm kênh rạch, xây sáu mươi bảy dặm cầu máng dẫn vào Rome mỗi ngày hơn hai triệu mét khối nước phân phát cho các suối giả, một trăm ba mươi lâu đài nước, một trăm bảy mươi đài phun. Cuối cùng vì chúng, để thay thế từ Rome xây gạch sang lát đá cẩm thạch, để xây các nghị trường, các nhà thờ lớn kiểu basilique, những nhà hát mà hoàng đế Auguste, vị hoàng đế thông thái, đã cho nung chảy cái đá vàng của mình, chỉ giữ từ những gì Ptolémées để lại một bình mua rin, di sản của cha mình Octavius truyền lại từ thời César. Vì chúng mà ông cho làm lại con đường từ Flaminia đến tận Rimini, cho gọi những tên hề và các triết gia từ Hy Lạp sang, những vũ công từ Cadix, những đấu sĩ từ Gaule và Đức, cho mang những con trăn, hà mã, hươu cao cổ, hổ, voi, sư tử từ châu Phi về. Và cuối cùng cũng vì chúng mà trước khi chết ông hỏi: "Các ngươi có hài lòng về ta không hỡi dân La Mã? Ta có hoàn thành vai trò hoàng đế không? Có ai?… Thế thì vỗ tay đi…?
Đó là những gì xảy ra trên đường Appia, ở Rome với người La Mã vào thời hoàng đế Auguste. Nhưng vào thời điểm hai vị lữ khách của chúng ta đang đi tại đó, tức là gần hai nghìn năm đã trải qua, cái nơi thích thú nhất của những kẻ đã chết từ cổng Capène đến Albano, chỉ còn là những hoang tích lụi tàn mà trong đó chỉ có con mắt của nhà khảo cổ mới có thể dõi theo được cái huyền bí của quá khứ mà thôi.

Chương 101: Cuộc luận bàn cổ học giữa một đại uý hải quân và một đại uý kỵ binh

Hai chàng trai trẻ im lặng một hồi lâu, một trong hai người trẻ hơn, đó là người đã mua cỗ xe trước, chăm chú nhìn những dòng chữ kỳ vĩ của lịch sở cổ đại, người kia nhiều tuổi hơn lơ đãng ngắm nhìn và chắc hẳn với anh ta, đống hoang tàn lịch sử ấy chẳng gợi lại một ngày tháng cũng như âm thanh nào trong khi người bạn đồng hành của anh ta như đang đọc trước cuốn sách mở sẵn.
- Thế mà có người - Anh chàng sĩ quan kỵ binh nói một cách lơ đãng và gần như là cao ngạo - Thế mà có người nghĩ rằng có những kẻ biết tên và chuyện về những tảng đá này đấy.
- Đúng thế có những người như vậy - Người đồng hành mỉm cười nói.
Tôi hình dung hôm qua tôi ăn tối tại nhà ngài đại sứ của chúng ta, ngài Alquier, để trình một lá thư của đại công tước Berry.
Lúc ấy có một nhà bác học, một kiến trúc sư cũng đến, ông ta có một bà vợ quả thật vô cùng xinh đẹp.
- Ông Visconti đúng không?
- Ngài biết ông ta?
- Thì với miêu tả của ngài, ai mà chẳng nhận ra ông ấy chứ?
- Ngài sống ở Rome à?
- Tôi mới chỉ đến đó hôm qua là lần đầu tiên và sáng nay lại chia tay nó cùng ngài, nhưng điều đó không ngăn tôi hiểu Rome như nơi tôi sinh ra.
- Nói như vậy là ngài rất để tâm nghiên cứu Thành phố vĩnh hằng, như cách người ta vẫn gọi?
- Tôi quan tâm như thể khoả lấp niềm đam mê, tôi vô cùng yêu những chuỗi ngày xa xưa, con người thời ấy là những gã khổng lồ và Virgile quả nói đúng khi một câu thơ tuyệt vời có nói rằng một hôm, khi lưỡi cày xới qua mộ phần của họ, ta phải kinh ngạc về kích cỡ bộ xương của họ.
- À đúng! Quả có vậy, tôi nhớ rồi - Anh chàng kỵ binh vừa ngáp vừa nhớ lại kiến thức hồi học trong trường: mirabitur ossa sepulcris(1) - nhưng anh ta cười nói tiếp - Nhưng không biết có thật chúng to hơn xương của chúng ta không nhỉ?
- Chúng ta đang đi qua đúng nơi có bằng chứng ấy đấy.
- Chúng ta qua đâu vậy?
- Chúng ta đi qua trước đấu trường Maxence, rướn người lên và ngài sẽ thấy một thứ dạng như nấm mồ.
- Thế nó không phải một lăng mộ à?
- Phải, nhưng vào thế kỷ XV nó bị lộ ra: đó là mộ của một người bị mất đầu, không có đầu mà ông ta còn cao gần sáu bộ. Cha ông ấy là con cháu người Goths, mẹ người Alains; ban đầu ông ta làm mục đồng trên núi, sau đầu quân dưới trương Septime Sévère, tiếp đến chỉ huy đội một trăm quân dưới Caracalla, làm tộc trưởng dưới quyền Hélingabale và cùng làm hoàng đế sau Alexandre. Ông ta đeo nhẫn bằng chiếc vòng cổ tay của vợ, chỉ dùng một tay cũng kéo được xe bò chở nặng, bóp đá nát vụn thành bụi, vật 30 đô vật xuống đất không cần nghỉ, chạy nhanh như ngựa phi nước đại, chạy quanh đấu trường ba vòng chỉ mất mười lăm phút và mỗi một vòng, mồ hôi chảy đầy một chiếc cốc.
Cuối cùng, ông ấy ăn 40 livre thịt mỗi ngày và uống cạn vò rượu chỉ một hơi. Ông ấy tên là Maximin: ông bị giết ở Aquilée do chính bàn tay quân của mình, chúng mang đầu ông dâng cho Sénat, người này đem thiêu nó trước sự chứng kiến của dân chúng ở Champ de Mars. Sáu mươi năm sau, một hoàng đế khác được coi là hậu duệ của ông cho tìm thi thể ông ở Aquilée; Sau đó, vì người này cho xây đấu trường kia nên đặt ông vào nhà mộ. Do cung tên là vũ khí sở trường của người chết nên vị hoàng đế cho đặt cạnh thi hài ông sáu mũi tên bằng cây sậy Euplưate và cây cung bằng gỗ cây tần bì Đức; Cây cung dài 8 bộ, mũi tên tài nam bộ; như tôi vừa nói đấy, người khổng lồ này có tên là Maximin mà ông ấy từng là hoàng đế Rome. Người dựng lăng này và cho tạc ngựa xe xung quanh lăng là Maxence, ông ấy bị chết đuối trong khi bảo vệ Rome chống lại Constantin.
- Đúng thế, - Viên sĩ quan kỵ binh nói - Tôi còn nhớ như in bức hoạ của Le Brun tái hiện cảnh Maxence đang cố ngoi khỏi nước. Cái tháp trôn trên đó có mọc cây lựu như trong vườn treo Sémiramis đấy, có phải là mộ của ông ta không?
- Không, đó là lăng mộ của một phụ nữ duyên dáng mà ngài có thể đọc tên trên bia đá cẩm thạch. Vào thế kỷ XIII lăng này dùng làm pháo đài cho cháu của giáo hoàng Boniface VIII, giờ nó là lăng của Caccilia Metella, vợ Crassus, con gái Metellus.
- À! - Viên sĩ quan kỵ binh nhận ra - đó là vợ của một gã hà tiện đến nỗi khi đi theo một tên triết gia Hy Lạp mà ông ta mua, lúc về sợ nắng đã đội cho hắn cái mũ rơm cũ mèm chứ gì.
Điều ấy không ngăn ông ta cho César vay 30 triệu khi đám chủ nợ ngăn không cho César đến Tây Ban Nha nơi mà khi trở về sau khi trả hết nợ, César còn có 40 triệu nữa. Ba mươi triệu trả nợ thay cho hoàng đế César và lăng mộ dựng cho vợ là hai dấu vết duy nhất trong đời Crassus.
- Thế bà ta có đáng được xây lăng mộ như vậy không? - Viên sĩ quan hỏi.
- Có chứ, đó là một phụ nữ cao quý, thông tuệ, nghệ sĩ và thi sĩ Tập trung ở nhà bà có Catilia, César, Pompeé, Cicéron, Lucullus, Terentius Vanon, tất cả những gì thông thái, lịch thiệp giàu sang của thành Rome, ngài có hình dung ra sự quần tụ như vậy không?
Chắc chắn phải vui hơn nhà ông đại sứ Alpquier của chúng ta rồi. Những hình như lăng tẩm của bà ta đã bị đào hay sao ấy.
- Đúng thế, theo lệnh của giáo hoàng Paul Đệ tam, người ta tìm thấy một bình thi hài của bà ta đã cho mang vào góc sảnh điện Famèse nơi chắc bây giờ bà vẫn ở đó.
Trong khi ấy, cỗ xe vẫn tiếp tục con đường của mình. Họ vừa đi qua lăng mộ của Caccilia Metella và lại gần một đống hoang tàn đổ nát vì không được bảo quản.
Viên sĩ quan kỵ binh ban đầu tỏ ra thờ ơ trước những lời giải thích của người bạn đồng hành, nhưng càng nghe anh ta càng chăm chú từng lời:
- Thú thật có một điều tôi không hiểu nổi - Anh ta nói - Đó là lịch sử viết thường tẻ ngắt bao nhiêu thì chuyện kể lại hấp dẫn bấy nhiêu. Tôi ấy à, tôi luôn tránh xa những đống đổ nát như tránh tổ rắn vậy, tôi sẵn sàng bỏ đi khi những bia đá kia muốn kể chuyện của chúng cho tôi nghe.
- Ngược lại, câu chuyện về chúng rất hấp dẫn đấy.
- Thôi nào, tôi đâu tò mò như vị hoàng đế trong chuyện Nghìn lẻ một đêm nghe nàng Shéhérazade xinh đẹp kể mỗi tối một chuyện.
- Đó là dinh của hai anh em Quintilien muốn ám sát hoàng đế Commode.
- À! à! Đó có phải là cháu nội của Frajan không?
- Và là con trai của Marc Aurèle. Nhưng những hoàng đế về sau cha truyền mà con không nối. Khi 12 tuổi, thấy bồn tắm nước nóng quá, hắn đã cho tên nô lệ chuẩn bị nước ấy vào lò thiêu và dù nước tắm đã nguội hắn vẫn chỉ muốn tắm khi tên nô lệ đã chín thui. Tính khí ngông cuồng của tên hoàng đế trẻ này càng ngày càng hung bạo, kết quả là đã có bao người nguyền rủa hắn trong đó có hai anh em chủ nhân toà đổ nát mà chúng ta đi qua đây. Chỉ cần hành thích Commonde là xong, nhưng để hành thích một người có sức vóc như vậy đâu có dễ. Tên hoàng đế lẽ ra không được gọi là Commode con trai của Marc Aurèle mà phải gọi là Hercule, con trai thần Jupiter(2) mới đúng. Hắn rất thích xem võ sĩ đấu hắn khéo léo hơn bất cứ đấu sĩ nào quần nhau trong đấu trường, hắn học bắn cung từ một người Parthe và phóng lao từ một người Maure. Một hôm, trong đấu trường, ở phía đối diện hoàng đế có một con báo cắp một người chực xé xác ông ta. Commode, người lúc nào cũng mang theo cung tên, đã bắn một mũi chính xác vào con báo mà không chạm vào người kia. Một hôm khác, khi thấy lòng cuồng nhiệt của dân chúng bắt đầu nguội đi, hắn cho loan báo khắp thành Rome rằng mình hạ 100 con sư tử với 100 mũi lao. Thế là đấu trường đầy ắp khán giả, ngài cũng đoán được đấy. Người ta mang vào lô của hoàng đế một trăm mũi lao bằng sắt mạ vàng rồi lùa vào đấu trường 100 con sư tử. Hắn đã phóng 100 mũi lao và giết chết một trăm con sư tử thật.
- Ồ! Ồ! Chàng sĩ quan kỵ binh thốt lên.
- Không phải tôi dựng chuyện đâu - Người đồng hành của anh ta nói - Chính Hérodien(3) đã viết lại, ông ấy nhìn tận mắt mà.
- Thế thì lại là chuyện khác - Anh chàng sĩ quan kỵ binh vừa nói vừa ngả cái mũ côn-bắc - Tôi không còn gì để nói.
- Ngoài ra - Người kể chuyện tiếp tục - hoàng đế cao sáu bộ và như tôi nói đấy, hắn rất khỏe. Hắn quật một cây gậy đủ gẫy chân một con ngựa, đấm một phát cũng hạ con bò chết tươi. Một lần thấy một tráng sĩ có thân hình vạm vỡ vô cùng, hắn gọi lại, rút gươm ra và chỉ một nhát đã chém đứt người đó làm hai. Ngài thấy đấy thật mạo hiểm và khó khăn khi tạo phản chống lại một kẻ như vậy.
Tuy thế hai anh em Quintilien vẫn quyết định hành sự chỉ có điều họ rất thận trọng: họ đem chôn tất cả số vàng bạc đá quý tiền mặt và chuẩn bị ngựa sẵn sàng bỏ trốn nếu sự không thành. Sau đó họ rình dưới mái vòm, lối hẹp dẫn từ cung điện đến đài vòng.
Ban đầu vận may có vẻ mỉm cười với những tên mưu phản: Commode xuất hiện hầu như không có ai đi kèm. Anh em Quintilien xông vào và những kẻ đồng mưu vây quanh hắn.
- Nhận lấy này - Một trong hai anh em vừa đâm dao gắn vừa nói - Nhận lấy này César, đây là thứ ta mang cho mi phần của Sénat.
Thế là một cuộc chiến nảy lửa diễn ra dưới một vòm tối om trong lối đi hẹp đó. Commode chỉ bị thương nhẹ: những đòn tấn công chẳng làm hắn nao núng, ngược lại mỗi lần hắn ra đòn lại một người ngã xuống. Cuối cùng hắn cũng tóm được người đã đâm hắn đầu tiên dùng cánh tay thép siết cổ ông ta. Trong lúc gần chết, người anh cả hét lên với em:
- Chạy đi Quadratus, thất bại rồi!
Quintilien tháo chạy, nhảy lên lưng ngựa lao đi.
Quân lính nhanh chóng bủa vây: đó là cuộc đua giữa mạng sống của kẻ bị truy đuổi với khoản tiền thưởng hậu hĩnh cho kẻ nào bắt được.
Tuy bị quân lính đuổi kịp song may thay con người này lường trước mọi việc đã chuẩn bị một mẹo, mẹo này hết sức kỳ lạ nhưng ta phải tin vì nó được Dion Cassius kể lại. Kẻ chạy trốn đã chuẩn bị một chai tiết thỏ rừng, đây là con vật duy nhất có máu không đông, không bị hỏng như máu các loài vật khác. Ông ta giả vờ bị ngã ngựa y như một vụ tai nạn. Quân lính thấy ông ta nằm sõng soài ra đất; máu trào ra như suối. Thế là chúng chắc kẻ này đã chết, lột quần áo, quẳng cái xác tại chỗ rồi về bẩm báo lại với Commode rằng kẻ thù của hắn đã chết và chết ra sao. Trong khi ấy Quintilien đã nhỏm dậy, về nhà mặc quần áo, mang theo tất cả vàng bạc châu báu rồi bỏ trốn.
- Thế Commode về sau chết thế nào? - Viên sĩ quan kỵ binh hỏi - Tôi thấy quan tâm đến gã đồ tể giết cả trăm con sư tử một ngày ấy quá.
- Commode bị đầu độc chết bởi Marçia, nhân tình được sủng ái nhất của hắn rồi bị Narcisse, lực sĩ tâm đắc nhất của hắn treo cổ Peltinax chiếm ngôi hoàng đế rồi sáu tháng sau để tuột mất ngai vàng cùng mạng sống của mình. Thế là Ordius Julianus mua Rome. Nhưng Rome vẫn chưa quen với việc bị đem ra bán ấy.
- Giờ thì nó quen rồi đấy thôi - Viên sĩ quan bẻ lại.
- Đúng thế, nhưng lần ấy nó đã nổi dậy. Quả thật là kẻ mua nó đã quên trả tiền. Septime Sérère nhân cuộc bạo động cho giết Didius Julianus rồi trèo lên ngai vàng. Mọi người thở phào.
Vì trước khi đến Velletri sẽ không có trạm ngựa nào mà từ Rome đến Velletri phải mất năm dặn nên người đánh ngựa xin phép cho ngựa nghỉ một lát.
Hai hành khách vui lòng chấp thuận vì họ đã đến một trong những nơi thú vị nhất của miền thôn dã thành Rome.
Chú thích:
(1) Thơ của Virgine "Georgique" tập 1, trang 497.
(2) Trong thần thoại Hy Lạp gọi là thần Dớt (Zeus).
(3) Trong cuốn "Lịch sử đế chế sau cái chết của Marc Aurèle" - tập 1

Chương 102: Nhờ đâu độc giả đoán được tên một trong hai hành khách biết được tên người kia?

Họ đang đứng tại vị trí từng quyết định vận mệnh của thành Rome. Đó là chiến trường giữa người Horace và người Curiaces.
Trước thông tin này, chàng sĩ quan kỵ binh trẻ tuổi làm động tác cúi chào bằng cách dùng tay ngả cái mũ côn-bắc ra.
Cả hai cùng đứng dậy trong xe.
Con đường Albano chia làm hai, trước mắt họ là dải đồi hùng vĩ trong đó có ngọn Socacte, từ thời Horace còn phủ đầy tuyết giờ đây đã phủ một màu xanh ngút ngát, nằm ở tận cùng phía bên trái đỉnh cao nhất của dải đồi là nơi có đền thờ Jupiterlatial.
Phía trước, trắng xoá đến tận đỉnh một quả đồi là Albano, đứa con đỡ đầu của thành phố Albe La Longue, thành phố dành tên của mình cho đứa con tiếm quyền nổi lên trên đống đổ nát của trang viên Pompée và nơi đó, với tám trăm nóc nhà cùng ba nghìn dân cũng chưa vừa cho tên giết người như giết ruồi Domitien từng làm, còn phải thêm vào trang viên một kẻ giết người là Pompée nữa. Bên phải, tháp dần về phía biển Tyrrhène là dải đồi trải rộng theo hình vòng cung nơi từng là chiến trường lần lượt xâm chiếm lẫn nhau của các tộc người Falisquèque, Volsque, Sabine và Hemlque. Phía sau là Rome, thung lũng Egérie nơi Numa từng đến nghe lời phán truyền, chuỗi các lăng tẩm họ vừa đi qua giống như nối họ với thành Rome bằng một đường cày đổ nát. Cuối cùng, sau Rome là biển kỳ vĩ, đó đây đó những hòn đảo trăng trắng nổi lên giống những đám mây trên đường lên chốn vĩnh hằng đang thả neo trên nền trời.
Đấu trường gần đó đã có lịch sử hai nghìn năm trăm năm. Nó như cái cội trụ của lịch sử nhân loại trong hai mươi thế kỷ hoặc dưới thời cộng hoà hoặc dưới thời Giáo hoàng.
Sau khi ngựa lại sức, cỗ xe tiếp tục cuộc hành trình của nó.
Ngược lên trên mạn lăng mộ của ba anh em nhà Horaces có một con đường mòn nhỏ nằm tách hẳn bên phải con đường lớn và nó được nhìn rõ giữa đám cỏ màu hung hung và vàng nhạt phủ khắp miền nông thôn ngoại thành Rome giống như một lớp da sư tử.
- Con đường mòn này nhìn mờ dần rồi hút vào các lớp đồi núi uốn lượn. Nó còn tồn tại vì đây là quãng đường tắt dành cho người đi bộ từ Rome đến Vellatri.
- Ngài có nhìn thấy con đường mòn kia không? - Một chàng trai nói sau một hồi im lặng để người đồng hành của anh ta sốt ruột ra mặt - Rất có thể hai đấu sĩ Milon đã đi theo con đường mòn ấy rời khỏi bìa rừng với hơn chục lâu la hợp thành một đám người đi lùng bắt Clodius. Clodius bị một đường phóng lao làm cho bị thương đã lẩn trốn trong đống đổ nát này, nơi trước kia từng là một trang trại. Các đấu sĩ đuổi theo, bắt được anh ta trốn trong một cái lò nướng, kết liễu và kéo lê anh ta trên đường cái quan.
- Vậy ngài hãy giải thích xem do đâu mà Clodius, gần bị lụi bại do nợ nần lại có ảnh hưởng lớn như vậy đến dân chúng thành Rome?
- Rất đơn giản: trước tiên vì anh ta đẹp mã đến nỗi các công dân đã đặt cho anh ta biệt danh Pulcher. Ngài cũng biết ảnh hưởng của cái đẹp đến những dân tộc cổ đại rồi đấy. Một trận thất bại khi đấu với đấu sĩ Spartacus ở lối ra Capoue không hề hấn gì đến tiếng tăm của anh ta, sự nổi tiếng ấy có giúp đỡ của bốn chị em gái trong đó một cô là vợ của quan chấp chính Metellus Celer, một người là vợ của diễn giả Hortensius người thứ ba là vợ ông chủ nhà băng Lucullus và người thứ tư là Lesbia, từng là người tình của nhà thơ Catulle. Tuy nhiên tin đồn lại cho rằng anh ta là nhân tình của bốn chị em này. Dẫu sao, nhờ bốn chị em nói trên, Clodius đã có bốn sức mạnh lớn nhất trên đời: nhờ vợ Metellus Celer, anh ta có quyền chấp chính, nhờ vợ của Hortensius, anh ta có một trong những tiếng nói uy tín nhất thành Rome, nhờ vợ của Lucullus, anh ta nhập trong những két vàng bạc của một chủ nhà băng giàu nhất thế giới; cuối cùng nhà Lesbia, người tình của Catulle, anh ta có sự nổi tiếng nhờ qua lại với một thi sĩ vĩ đại.
Hơn thế nữa anh ta còn được phú hộ Crassus nâng đỡ, được César cưng chiều mà anh ta chia sẻ những rối ren với ông ta bằng cách cố lén lút với vợ của ông. Lại còn ân sủng lớn của Pompée dành cho nữa chứ. Anh ta cũng có quan hệ với Cicéron người yêu Lesbia và muốn trở thành người tình của cô nàng, điều này chẳng có hại gì cho Clodius cả. Tình yêu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Clodius. Như tôi đã nói anh ta là người anh của Mussia con gái Pompeé vợ César. Để được thoả thích gặp bà ta, anh ta cải trang thành phụ nữ, như ngài cũng biết đấy việc đàn ông xuất hiện chốn thâm cung như vậy là hoàn toàn bị cấm. Một nữ tỳ đã nhận ra và tố cáo hắn: Mussia đưa anh ta trốn bằng hành lang bí mật nhưng tiếng đồn về sự xuất hiện của anh ta lan rất nhanh là một vụ tai tiếng khủng khiếp đã xảy ra.
Anh ta bị một toà án buộc tội có hành vi nghịch đạo và buộc phải ra toà cấp cao. Nhưng Crassus bảo anh ta không cần phải bận tâm, ông ta sẽ lo chuyện đó. Quả nhiên với tiền và sự ủng hộ của các quý bà quý tộc xinh đẹp; chuyện trở nên ầm ĩ hơn bao giờ lại thành Sénèque từng nói: "Tội của Clodius không nặng bằng sự ân xá".
Tuy vậy Clodius cũng phải chịu hình phạt đi biệt xứ: anh ta định trước ngày lễ Nữ thần Nhân từ sẽ đi cách Rome 100 dặm.
Thật ra anh ta không thể đi 35 dặm trong năm tiếng. Thật không may, Terentia, vợ của Cicéron là người có máu hoạn thư, vô cùng căm tức khi biết chồng dan díu với Lesbia, tối hôm ấy bắt gặp chồng mình nói chuyện với Clodius. Chị ta lập luận nói Cicéron đến nỗi ông này không chối vào đâu được:
- Hoặc ông là tình nhân của chị Clodius, nếu thế tôi biết phải làm sao, ông mới không tố cáo hắn ta; hoặc ông không phải là tình nhân của ả, nếu thế chẳng có lý do gì mà không tố cáo hắn.
Cicéron vốn là anh chàng râu quặp, vô cùng sợ vợ nên đã tố cáo Clodius. Clodius không bao giờ tha thứ cho ông ta. Từ đó, lòng căm giận lấp đấy Rome bằng những bạo động và nổi dậy trong suốt một năm và chỉ chấm dứt khi Milon giúp cho Cicéron một việc là ám sát Clodius.
Dân chúng còn trung thành với thần tượng của họ đến tận lúc anh ta chết, đó là điều hiếm thấy, vì xác hắn còn được một nghị sĩ mang về Rome trên xe của mình, Fulvia, vợ của ông ta ném lửa vào viện nguyên lão còn dân chúng thì ném than củi và đốt một khu phố ở Rome.
- Bạn đồng hành thân mến - Anh chàng sĩ quan thốt lên - Ngài cũng là một thư viện sống và tôi sẽ ca ngợi cả đời khi đã đi cùng đường với một thầy Varron nữa! Ngài thấy đấy, tôi cũng hiểu đôi chút về lịch sử La Mã đấy - Anh chàng sĩ quan nói tiếp vừa hoan hỉ khi tự mình cũng vừa dẫn ra một nhân vật vừa vỗ tay…
- Ta tiếp tục đi. Cái lăng mộ kia là gì? Tôi đang tò mò muốn một lần thấy ngài mắc lỗi đấy.
Rồi anh ta chỉ một công trình hiện ra phía bên trái
- Ngài chọn nhầm chỗ rồi - Chàng hướng dẫn tham quan nói tiếp vì tôi biết rõ về lăng này. Đó là mộ của Ascagne, con trai Éneé người do bất cẩn đã thả váy mẹ trong cuộc cướp phá thành Troy đến nỗi lạc mẹ và chỉ thấy cha mình, người từng mang theo Anchise và những vị thần giữ nhà: từ nơi đó dựng lên thành Rome. Thật kỳ lạ thay hầu như cùng lúc đó, qua một cổng khác cũng có một người đi ra đó là Télégones, con trai Ulysse, người lập lên Tusailum có lăng mộ cách đây gần hai dặm. Hai con người này, một người Hy Lạp, một người châu Á tức là hai người con trai của hai chủng tộc thù địch, hai quốc gia đối đầu lại đến khẳng định mình ở châu Âu. Hai quốc gia trở thành đối thủ của nhau, hai cư dân trở thành thù địch. Những cuộc đọ gươm của cha họ đã bắt đầu trước thành Troye sau này con cháu họ lại tái diễn trước thành Rome. Hai thủ lĩnh của thành Albe và Tusculum là hai nhà Julia sinh ra César và nhà Porcia sinh ra Caton về sau. Ngài cũng biết cuộc chiến kinh hoàng giữa hai thế lực ấy rồi đấy. Gần một nghìn năm sau, cuộc đọ gươm thành Troye kết thúc ở Utique. César, hậu duệ của kẻ bại trận đã trả thù Hector lên Caton, hậu duệ của những kẻ thắng trận. Lăng của Ascayne là lăng đầu tiên trên đường từ Naples trở lại và là cái cuối cùng từ phía Rome trở đi. Chuỗi lăng mộ còn nhiều nhưng chúng hầu như không còn dấu vết vì lưỡi hái của thời gian đã cào bằng chúng rồi.
Chàng trai nhiều tuổi hơn, tức là người biết ít hơn, trầm ngâm suy nghĩ một lát. Rõ ràng anh ta phải nghĩ mông lung trong đầu lắm.
- Chắc ngài là từng giáo sư lịch sử phải không? - Anh ta hỏi.
- Ồ nói thật lòng là không - Người kia trả lời.
- Thế làm thế nào mà ngài biết tất cả những chuyện ấy?
- Tôi cũng chẳng rõ: khi đọc cuốn sách này, lúc xem cuốn sách khác. Những thứ như thế không tự có, chúng phải được đắp bồi. Khi con người ta có niềm đam mê lịch sử, người ta có tư tưởng quay về cái kỳ mỹ, các sự kiện và con người sẽ đi vào đầu bạn, trì óc bạn sẽ cho chúng những hình thù và bạn sẽ thấy những con người và sự kiện ấy dưới một ngày khác.
- Lạy Chúa! Giá mà tôi có bộ óc như của ngài, tôi sẽ chỉ dành nó để đọc cả đời.
- Tôi không mong ngài như vậy đâu - Chàng trai bác học vừa nói vừa cười - Nghiên cứu trong điều kiện như của tôi thì… Tôi đã bị kết án tử hình nhưng lại nằm trong nhà ngục suốt ba năm chực chờ bị bắn hay đem đi chặt đầu. Tôi cũng phải thư giãn chứ.
- Thế thì hẳn ngài phải có quãng đời thăng trầm lắm - Chàng sĩ quan vừa chăm chú nhìn người bạn đồng hành vừa tìm cách đọc những dấu ấn quá khứ trên những đường nét khắc khổ trên khuôn mặt.
- Quả thật tôi đã không được ngủ mãi trên chiếc giường trải toàn hoa hồng.
- Chắc chắn ngài xuất thân từ gia đình quý tộc phải không?
- Tôi còn hơn cả quý tộc thưa ngài, tôi là một quý ông.
- Vì lý tưởng chính trị mà ngài bị kết án tử hình à?
- Lý tưởng chính trị, phải.
- Ngài có phiền khi tôi hỏi như vậy không?
- Không hề. Với những gì tôi không thể trả lời… hay không muốn trả lời, tôi sẽ không nói, có vậy thôi.
- Ngài bao nhiêu tuổi.
- Hai mươi bảy.
- Kỳ lạ thật, nhìn ngài vừa trẻ hơn lại vừa già dặn hơn tuổi đấy Ngài ra tù bao lâu rồi?
- Ba năm.
- Ngài làm gì khi ra khỏi đó?
- Tôi tham chiến.
- Trên biển hay trên cạn?
- Đánh nhau với người trên biển, với thú hoang trên cạn.
- Thế có nghĩa là…?
- Là trên biển, tôi là cướp biển, trên cạn tôi là thợ săn.
- Trên biển ngài đánh gì?
- Quân Anh.
- Thế trên bộ, ngài săn gì?
- Hổ, báo, trăn.
- Ngài đã đến Ấn Độ hay châu Phi?
- Tôi đã đến Ấn Độ.
- Nơi nào ở Ấn Độ?
- Một chỗ gần như cùng trời cuối đất, ở Miến Điện.
- Ngài có tham dự vài trận lớn nào trên biển không?
- Tôi từng ở trận Trafalgar.
- Trên tàu nào.
- Redoutable.
- Ngài có thấy Nelson không?
- Có thậm chí rất gần nữa kia.
- Làm sao ngài thoát khỏi người Anh?
- Tôi không thoát khỏi họ. Tôi bị bắt và bị đưa sang Anh làm tù binh.
- Ngài được trao đổi à?
- Tôi tự trốn.
- Khỏi các trại tù à?
- Ở Ai xơ len.
- Bây giờ, ngài đi đâu?
- Tôi không biết.
- Ngài tên là gì?
- Tôi chẳng có tên. Khi nào chúng ta chia tay, ngài cho tôi một cái tên, tôi sẽ coi đó như cái tên người con nuôi nhận từ cha đỡ đầu.
Người sĩ quan nhìn kẻ đồng hành với mình bằng vẻ ngỡ ngàng. Anh ta cảm thấy trong mảnh đời vô tư và phiêu bạt của con người này hẳn phải có bí ẩn thật sự nào đó. Anh ta bằng lòng với những câu trả lời ấy, không muốn biết thêm điều người kia muốn giấu.
- Thế ngài không hỏi tôi là ai sao?
- Tôi không thích tò mò, nhưng nếu ngài vui lòng nói cho tôi hay thì tôi xin tỏ lòng biết ơn.
- Ồ! Tôi ấy à, cuộc đời của tôi bình thường ngang với cuộc đời lý thú và có lẽ cũng nên thơ của ngài vậy. Tôi tên là Charles Antoine Manhès. Tôi sinh ngày 4 tháng Mười năm 1777 trong một làng nhỏ ở Aurillac, tỉnh Cantal. Cha tôi là đốc thuế của nhà vua gần toà dân chính. Ngài thấy là tôi không thuộc vào giới quý tộc Pháp như ngài. A nhân tiện xin hỏi ngài mang Tước hiệu gì?
- Bá tước.
- Tôi được đi học trong trường làng, chính vì vậy ngài có thể hiểu việc học hành của tôi chểnh mảng thế nào. Các quan chức trong tỉnh nhận thấy tôi có khả năng quân sự nên gửi tôi đến trường Mars. Tôi đặc biệt thiên về pháo binh và đã tiến bộ nhiều đến nỗi mới 16 tuổi tôi đã được bổ nhiệm làm sĩ quan huấn luyện.
Nhưng rồi trường Mars giải tán, người ta cho tôi tham dự một kỳ thi nhờ nó tôi được bổ về tiểu đoàn 3 ở Cantal và tiểu đoàn này thuộc trung đoàn số 26. Tôi tham chiến năm 1795. Tôi đi chiến dịch bốn năm trong đội quân sông Rhin và Moselle. Năm thứ VI, VIII và IX tôi vào đội quân đánh Italie, bị thương nặng ở Novi, tôi mất sáu tuần mới hồi phục vết thương và đuổi kịp đơn vị trên sông Gêne… Ngài đã bao giờ ăn thịt bò điên chưa?
- Rồi, vài bận.
- Còn tôi ấy à, ngày nào tôi cũng ăn, tôi còn có thể nói cho ngài hay nó thế nào nữa kia. Tôi được thăng chức trung uý qua tiến cử của các đồng đội, sau đó được phong hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh ngày 6 tháng 6 năm ngoái. Sau chiến dịch Austerlitz tôi được thăng cấp đại uý. Hiện giờ tôi là đại uý và sĩ quan cận vệ của đại công tước Berg(1), tôi đi báo tin của ngài về việc vào thành Berlin của Hoàng đế cho anh trai Joseph của Hoàng đế và báo cho ông mọi chi tiết về chiến dịch Jéna mà tôi có tham gia. Khi trở về, tôi được hứa là sẽ được thăng cấp chỉ huy một đại đội kỵ binh. Hai mươi chín tuổi được như vậy cũng không tệ lắm. Đó là toàn bộ chuyện của tôi. Ngài thấy nó ngắn ngủi và ít hấp dẫn nhưng điều hấp dẫn nhất là chúng ta đã đến Velletri còn tôi đang đói cồn cào đây chúng ta hãy xuống ăn tối cái đã.
Hành khách vô danh thấy đề nghị này dễ ợt nên nhảy khỏi xe đi theo viên chỉ huy đại đội kỵ binh tương lai Charles Antoine Manhès vào khách sạn có tên Nơi sinh Auguste.
Điều này có nghĩ là, trừ sự kiểm chứng của các nhà khảo cổ, cái khách sạn này được xây trên nền đổ nát của các nhà khảo cổ, sinh ra vị hoàng đế La Mã đầu tiên.
Chú thích:
(1) Tức tướng Murat. em rể của hoàng đế Napoléon Bonaparte


Nguồn: http://vnthuquan.org/