René trở về vào ngày 11 tháng Giêng năm 1806, cùng ngày diễn ra cuộc tấn công vương quốc Naples và tiến quân vào Masséna ở Spolète.
Trong lúc ngài đô đốc Villeneuve bất hạnh thảm bại ở Trafalgar, Hoàng đế đã qua sông Rhin và mở chiến địch chiếm cầu Donawertch và lối qua sông Danuble.
Sau đó, trong lúc Hoàng đế tiến đến trước thành phố Ulm và chuẩn bị chiếm thành phố này, thống chế Soult đã chiếm được Memmingen còn thống chế Ney cũng tháng trận Elchingen, trong tước hiệu công tước đầu tiên của mình.
Ulm đầu hàng. Mack và 30 ngàn quân đồn trú lần lượt diễu qua và đặt vũ khi dưới chân ngài. Sau đó, Hoàng đế tiến vào Augstourg thành trì đế chế hàng đầu, và 80 lính đầu tiên ai cũng có một lá cờ chiếm được từ kẻ thù. Cuối cùng Hoàng đế tiến vào Vienne, chiến thắng trận Austerlitz, tuyên bố đình chiến với hoàng đế nước Áo và để Nga ra khỏi liên hiệp áo với vẻ hấp tấp mà Junot, người đem thư của Hoàng đế Napoléon đến hoàng đế Alexandre, lá thư trong đó Napoléon muốn hoà bình, Junot đã không thể gặp được người Nga.
Từ 12 đến 29 tháng Mười hai, Napoléon ở lại lâu đài Schonbrunn, nơi ông ban sắc chiếu ngày 27 rằng triều đại Naples chấm dút cai trị. Ngày 1 tháng Giêng năm 1806, ngài bãi bỏ lịch Cộng hoà. Không biết có phải để quên đi một số ngày tháng chăng? Trong trường hợp ấy thì Hoàng đế chẳng thành công.
Những ngày tháng không chỉ không bị quên mà còn không được lấy lại chuyển sang lịch cũ theo ngày lịch Grégoire nữa kia.
Người ta chỉ tiếp tục nói về hai ngày, ngày trận Offenburg và ngày 18 Brumaire.
Mọi tin tức mới ấy được truyền về Pháp làm cho mời người quên đi trận thảm bại Trafalgar. Vả lại, Napoléon đã ra lệnh rằng thảm bại ấy, nó làm ông nghẹn lại giữa những chiến thắng của mình, coi là hậu quả của một cơn bão hơn là kết cục của một trận thắng.
Tin tức về trận Trafalgar chỉ được đưa lên mặt báo nếu được sự cho phép, và René có lẽ là người Pháp duy nhất đã trở về. Do đó ngay sau đó, anh được ngài giám đốc Sở hải quân(1) cho mời anh đến với tư cách là thuyền trưởng René.
Anh vội vã có mặt theo ý nguyện của ngài Sở trưởng. Lẽ tự nhiên, vị phán quan này muốn biết những tin tức chính xác về thảm hoạ Trafalgar.
René vẫn chưa biết mệnh lệnh của chính Hoàng đế yêu cầu giữ im lặng về thảm hoạ ấy.
Trước khi hỏi anh, ông Sở trưởng đã thông báo điều đó những ông ta không tỏ rõ mình muốn biết toàn bộ sự thật của sự kiện ấy đến mức nào.
Vì không có yêu cầu cụ thể, René kể hết những gì mắt thấy tai nghe cho ông ta.
Đổi lại vị Sở trưởng cũng thông báo cho anh ngài chỉ huy Lucas bị bắt làm tù binh suốt bảy hay tám ngày, theo tuyên bố từ London đã được thả tự do nhờ một tờ lệnh từ chính phủ. Chính phủ Anh muốn tôn vinh lòng anh dũng tuyệt vời của tàu Redoutable.
Sắc lệnh ấy hòng tỏ ý rằng, vì tàu chiến hạng nặng Redoutable đã bắn chết Nelson nên chính phủ Anh không muốn việc bắt giữ Lucas làm tù binh bị coi là để thoả mãn lòng hận thù hèn hạ.
Do đó Lucas đã về Paris ngày hôm trước. Vị giám đốc Sở hải quân có được tin này là nhờ điện tín báo về. René xin ông ta hỏi giùm địa chỉ của ngài Lucas rồi chuyển đến chỗ anh.
Sau đó, không còn gì để hỏi chàng trai trẻ, ông cho anh lui với cử chỉ biết ơn chân thành nhất.
Sau cuộc hành trình trở về Saint-Malo, René được coi là con người huyền thoại. Người ta còn ngưỡng mộ anh hết mức khi biết anh đã gửi khoản tiền 2500 phăng, khoản tiền gấp đôi giá trị chiếc Slúp cũ kỹ, đến quý ngài O'Brien và Hiệp hội ở Dublin để quý ngài O'Brien và Hiệp hội chuyển khoản tiền ấy cho người có tên là Patrick chủ chiếc Slúp.
Cả cái gia đình khốn khó ấy vô cùng ngỡ ngàng khi nhận được khoản tiền trả cho chiếc Slúp của mình với giá cao gấp đôi từ ngài O'Brien và Hiệp hội.
Trong khoảng thời gian ấy, về phần mình, René cũng lắng nghe François kể lại chi tiết lần trở về Saint-Malo của anh ta và ở thượng mũi Finistère, anh đã bị thuyền Anh truy đuổi buộc anh ta phải giả đò quay mũi tàu về phía châu Mỹ ra sao. Chính vì thế anh ta mới trở về Saint-Malo muộn như vậy.
Trong lần bị truy đuổi, tàu Tay đua New York đã xứng với danh hiệu "tay đua" của mình khi chạy với tốc độ 12 nơ một giờ.
François đảm bảo với René rằng nếu anh ta chẳng may bị bắt, anh ta thà tự mình bắn vào đầu còn hơn. René khá hiểu anh chàng đó nên không nghi ngờ gì cả. Hiển nhiên, René vẫn thấy đồ đạc trên tàu ở y nguyên vị trí cũ, chiếc ví vẫn trong ngăn kéo, tờ di chúc còn trong ví và chỗ đá quý trong cái túi nhỏ.
Với khoản tiền René để lại, François đã trả công cho mọi người trong đoàn. Tất cả không ai nợ ai và dù cho có người kế toán nghiêm khắc nhất cũng không thấy François nợ họ một xu.
René vẫn muốn François tiếp tục công việc chủ tàu tạm thời cho đến khi số phận của anh rõ ràng hơn. Mặt khác, anh cũng nhận được tin chỉ huy Lucas đã về Paris và Hoàng đế cũng sắp về thủ đô. Hai lý do ấy khiến anh cũng muốn đến đó càng sớm càng tốt.
Khỏi phải nói lần đến thăm, sau ngài giám đốc Sở hải quân, lần thăm phu nhân Surcouf này diễn ra thân tình thế nào, anh đã báo cho bà những tin tức tuyệt vời về chồng mình.
Đến Paris, anh thuê phòng trong khách sạn Mirabeau, phố Richelieu. Thời đó, phố này chưa đổi thành phố Hoà Bình. Mới đến nơi, tên anh vừa ghi vào tờ đăng ký khách sạn anh có cuộc viếng thăm của viên thư ký của ông Fouché - ông này mong anh đến Bộ Cảnh sát sớm nhất có thể.
Chẳng có lý do gì ngăn anh đến chỗ ông ta ngay hôm ấy, hơn nữa anh còn đang nóng lòng muốn biết Fouché sẽ báo cho anh tương lai mình ra sao. Anh xin viên thư ký chờ một lát làm vệ sinh qua quýt rồi cùng anh ta lên xe.
Mới thông báo, cánh cửa phòng làm việc của ông bộ trưởng đã mở, viên thư ký đi ra thông báo:
- Bộ trưởng đang chờ ngài René.
René không muốn phải đợi nên vào ngay lập tức.
Anh thấy Fouché vẫn mang bộ mặt ngạo nghễ ngày nào nhưng hôm nay nó thân thiện hơn là cau có ủ ê.
- Thế nào, ngài thuyền trưởng tàu Tay đua New York, ngài đã trở về đấy à?
Ngài Bộ trưởng gọi tôi bằng danh tánh đó chứng tỏ ngài biết hết dù là chuyện nhỏ về tôi rồi.
- Đây là nhà nước của tôi, việc của tôi là vậy. - Fouché nói - Tôi có lời khen ngợi về cách anh đã hành động. Anh có hài lòng về lời khuyên của tôi chăng?
- Dĩ nhiên, con người sáng suốt như ngài chỉ có thể đưa ra lời khuyên hay mà thôi.
- Vấn đề không phải là chỉ đưa ra lời khuyên hay mà còn phải làm theo đúng như vậy nữa anh René thân mến của tôi ạ. Về mặt này, tôi chỉ còn biết khen ngợi anh. Đây là bản sao lá thư của anh Surcouf đến bộ Hải quân kể lại trận đánh chiếm tàu Standard. Anh ta nói đến một thủy thủ René nào đó đã hành sự đến mức mà anh ta không hề lưỡng lự bổ nhiệm làm chuẩn uý hàng đầu. Tôi quan tâm đến anh chàng René này nên đã yêu cầu ông bạn Decrès cho sao lại lá thư ấy. Đây là lá thư thứ hai vẫn gởi đến cùng một bộ thông báo Surcouf đã đến đảo Pháp và cho René nghỉ phép để trên con tàu do anh ta mua, đi đến Miến Điện cùng hai người em họ và thi thể của người chú, tử tước Sainte-Hermine.
Đây là lá thư thứ ba thông báo anh ta về đảo Pháp sau những kỳ tích tuyệt vời chống lại những con quái vật kinh khủng nhất và đa dạng nhất, có con hổ to như con sư tử ở Némée(2), con trăn dài như rắn Python(3). Khi trở về từ Miến Điện, chuẩn uý René lại xông vào giữa cuộc chiến mà anh Surcouf chống lại hai tàu Anh và kết quả là anh và Surcouf chiếm được tàu kia. Sau đó anh chàng René đã chia chiến lợi phẩm thành một phần cho những người nghèo khổ trên đảo Pháp, phần kia cho các thủy thủ của mình. Anh ta cũng đã hỏi tin tức về mệnh lệnh của hoàng đế sáp cho đánh lớn với quân Anh nên đã xin tướng Decaen, đảo trưởng đảo Pháp, và xin phép chỉ huy Surcouf của mình tham gia cuộc đại thủy chiến. Anh ta dùng tàu Tay đua New York bé nhỏ của mình trở về và vào vịnh Cadix ba ngày trước khi diễn ra trận chiến Trafalgar. Anh ta lập tức được đầu quân lên tàu Redoutable do thuyền trưởng Lucas chỉ huy và ông này phong cho anh chức đại uý thứ ba trên tàu của mình. Trận đấu diễn ra, thuyền trưởng Lucas bị ba tàu tấn công đã dồn sức chống lại tàu Victory và suýt chiếm được nó nếu không có sự xuất hiện của tàu Téméraire, nó đã cướp đi 80 người của ông ta ngay loạt đầu tiên. Nó đã cứu cho tàu đô đốc Anh.
Nhưng trong khi ấy, Nelson đã trúng một phát đạn từ cột buồm lái của tàu Redoutable và theo người ta khẳng định viên đạn xuất phát từ tay một đại uý thứ ba có tên là René chưa có vị trí xác định trên tàu nên được phép tuỳ chọn vị trí chiến đấu nào tuỳ thích và kết quả là anh ta đã chọn vị trí nguy hiểm nhất…
Đột nhiên Fouché dừng lại và nhìn chăm chú vào chàng trai trẻ:
- Có đúng anh là viên đại uý thứ ba René, người đã giết chết Nelson không?
- Tôi không dám khẳng định điều đó thưa ngài bộ trưởng - René nói - Chỉ có điều khi ấy chỉ có mình tôi với cây súng trên cột buồm lái, trong giây lát, tôi phát hiện ra Nelson nhờ bộ quần áo xanh, nhả đạn vào hắn nhưng khi ấy chúng tôi cũng đồng thời bắn từ buồm ở cột buồm lớn xà cột buồm mũi - Do đó, tôi không dám chắc mình có phải là người giúp nước Pháp hạ kẻ thù đáng gờm ấy chăng.
- Tôi cũng không thể khẳng định điều đó. - Fouché nói - Tôi chỉ nhắc lại và sẽ nhắc lại theo những gì người ta nói hay viết cho tôi thôi.
- Thế thì ngài có thể đã biết phần kết hành trình Odyssée của tôi như ngài đã biết phần mở đầu chăng?
- Đúng vậy. Bị dẫn đến nhà tù ở Gibraltar trên con tàu Samson của thuyền trưởng Parker, các anh đã, sau cơn bão khủng khiếp cùng người của mình bơm nước cứu con tàu nếu không nó đã chìm nghỉm xuống đáy. Sau đó, anh bị giam ở Cork rồi tự giải thoát với bảy người bạn. Anh đã chiếm một chiếc tàu Slúp nhỏ trên sông Shannon để trở về Saint-Malo. Sau đó, anh gởi ngân phiếu 2500 phăng đến nhà O'Brien ở Dublin.
- Thưa đức ông, phải nói là ngài được cung cấp rất đầy đủ thông tin.
- Anh cũng biết đấy, thật hiếm khi thấy những thủy thủ mua tàu Slúp của Mỹ để đi lại dưới màu cờ một nước trung lập, chia sẻ tiền bạc với người nghèo và thủy thủ của mình, không chỉ tiền kiếm được mà còn là tiền của chính bản thân, đi hai nghìn dặm để trở về chiến đấu trong tuyệt vọng ở Trafalgar, bị tù đày, tự giải thoát rồi trở về Pháp mà vẫn nhớ đến chủ nhân khốn khổ của con tàu rách nát chỉ đáng một nghìn một trăm phăng nhưng lại trả tiền gấp đôi cho ông chủ mình đã "mượn" tàu. Anh trả món nợ ấy hào phóng đấy. Bây giờ, vì những lời khuyên trước kia của tôi đều thành công, anh có muốn cho vào góc nào trong trí nhớ của mình những điều tôi sắp nói không?
- Thưa đức ngài, xin cứ nói, xin cứ nói.
- Anh tên là René, anh sẽ được hoàng đế gặp dưới cái tên ấy, đừng quên là hoàng đế chưa bao giờ được nhắc đến, trong bản báo cáo tôi trình hoặc sẽ trình lên ngài, anh có mối liên quan đến bá tước Sainte-Hermine. Khi hoàng đế chẳng có gì chống lại thủy thủ René, ông ấy không những không phản đối mà còn giúp cho sự nghiệp của anh thăng quan tiến chức, còn nếu ông ấy thấy dù chút ít mờ ám giữa thuỳ thủ René với bá tước Sainte-Hermine, cặp lông mày của ông ấy sẽ nhíu lại, và anh có thể đã làm những kỳ tích chẳng có nghĩa lý gì, tất cả sẽ lại bắt đầu lại từ đầu. Chính vì vậy mà tôi cho gọi anh đến ngay. Hoàng đế có lẽ sẽ về đây ngày 26 tháng này. Hãy đến gặp thuyền trưởng Lucas ở khách sạn Hải quân, hoàng đế sẽ sớm gặp ông ta ngay khi Ngài về; nếu Lucas tặng anh cơ hội xuất hiện trước hoàng đế, hãy chấp thuận.
- Anh không thể tìm đâu ra người giới thiệu tốt như thế và tôi chắc chắn nếu nghe theo lời khuyên tôi vừa đưa ra, tức là quên đi cái tên bá tước Sainte-Hermine, anh sẽ có vị trí trong ngành quân sự đồng thời bắt đầu sự nghiệp với chức đại uý thứ ba René.
René xin phép ngài bộ trưởng cảnh sát ra về mà trong lòng không thể đoán ra Fouché được lợi gì từ anh. Fouché nếu có được hỏi về khoản này, ông ta chắc chắn tự nhủ rằng: "Chẳng gì cả, chỉ vì có những con người có phong cách đáng mến đến nỗi những ai khó tính nhất cũng phải mềm lòng trước sự hiện diện của họ".
René lập tức đến khách sạn Hải quân, gặp chỉ huy Lucas đã hoàn toàn bình phục sau vết thương và tỏ ra thoải mái với các cách người Anh đối xử với ông.
- Nếu chúng ta mở chiến dịch nữa, hãy đến với tôi, René thân mến - ông nói với chàng trai trẻ - Anh sẽ chịu trách nhiệm gởi đến đô đốc Collingwood viên đạn chị em với viên đạn đã gửi cho Nelson nhé.
Chỉ huy Lucas hoàn toàn không biết khi nào ngài Napoléon trở lại Paris. Ông được René cho hay là ngày 25 ngài sẽ bí mật về thủ đô, Lucas nghĩ ngợi một lát.
- Hãy đến gặp tôi ngày 29 - ông nói - Có thể tôi sẽ có tin mừng cho anh.
Napoléon, như tôi đã nói, đã về Paris ngày 26. Ngài dừng lại vài ngày ở Munich để tổ chức hôn lễ cho Eugène Beauhamais với công nương Auguste de Bavière, ngài còn dành cho các lĩnh thành khác, mỗi nơi một ngày khi đám cưới chưa tiến hành.
Một ngày ở Stungart để nhận lời chúc tụng của các đồng minh mới, một ngày ở Carlsrulle để tuyên bố liên minh trong gia tộc(4). Ông biết dân Paris đang nóng lòng mong ông trở về để tỏ rỡ niềm vui sướng và ngưỡng mộ của mình. Vô cùng hài lòng về các công trạng suôn sẻ từ hồi nó dõi theo mà không tham gia, nước Pháp đã thấy lại sự nồng nhiệt của những ngày đầu cách mạng đã vỗ tay tán thưởng các chiến tích lẫy lừng của quân đội và người thủ lĩnh của nó.
Một chiến dịch ba tháng, thay vì một cuộc chiến tranh ba năm, một miền lục địa bị tước vũ khí nước Pháp đã đạt đến những giới hạn mà nó chưa bao giờ vươn tới, một chiến công vang dậy nữa, lại thêm vào chuỗi vinh quang của quân đội ta, uy tín quốc gia được tái lập, hoà bình bảo đảm cho một viễn cảnh nghỉ ngơi và vượng phát, đó là điều dân tộc muốn cảm ơn Napơléon bằng cả nghẹn lời hô: "Hoàng đế vạn tuế!".
Không gì tuyệt vời hơn sau trận Marengo như điều người ta thấy sau trận Austerlitz.
Austerlitz quả thật đã làm cho Đế chế điều mà Marengo đã làm cho chết Tổng tài. Nếu trận Marengo khẳng định quyền Tổng tài trong tay Bonaparte thì trận Austerlitz khẳng định cái vương miện hoàng đế trên đầu ông.
Được tin chỉ huy Lucas đã về Paris, dù chủ đề khó chịu nhất khi nói đến là nhắc lại trận Trafalgar, Hoàng đế vẫn cho báo với thuyền trưởng vào sáng ngày 3 là ông sẽ được tiếp vào ngày 7.
Sáng ngày mồng 4, như Lucas đã dặn, René xuất hiện ở khách sạn Hải quân. Viên chỉ huy mới nhận được tối hôm qua lá thư triệu kiến vào ngày mồng 7.
Lần diện kiến diễn ra lúc 10 giờ sáng, Lucas và René cùng thoả thuận René sẽ đến ăn trưa cùng Lucas và họ sẽ ăn cùng nhau ở Tuileries.
René, không được mời và cũng không muốn điều ấy vẫn đi cùng Lucas chờ ở phòng chờ. Nếu Napoléon muốn gặp anh, Lucas sẽ cho gọi nếu ngài tỏ ra lạnh lùng về chàng thủy thủ trẻ, anh sẽ không xuất hiện và chờ ở phòng chờ.
Thật ra René khá hồ nghi có sự hiện diện ấy. Đôi mắt sắc sảo của ngài Bonaparte đã lặng lẽ găm cái nhìn vào anh hai lần, một lần ở nhà phu nhân Permnon, một lần ở nhà nữ bá tước Sourdis, ngay tối hôm ký hôn ước, cái nhìn ấy làm anh ngợp thở. Hình như ánh mắt ấy luôn để lại dấu ấn với tất cả những gì nó nhìn và khắc sâu trong tâm trí anh; nhưng may thay điều giúp René có thể chịu đựng được mọi ánh mắt đó là một tâm thức bình thản mà không gì có thể khuấy đảo nổi.
Chín giờ sáng ngày 7, René đã có mặt ở nhà Lucas. Mười giờ kém mười lăm, anh lên xe ngựa cùng Lucas; mười giờ kèm mười phút, họ dừng lại trước cửa điện Tuileries.
Anh cùng Lucas dừng lại ở phòng chờ, như đã thoả thuận, và để người có giấy mời đi trước.
Người này là một người vô cùng tinh ý, ông xuất hiện trước hoàng đế, tìm được cách nói về chàng trai trẻ đã lập những kỳ tích to lớn, đẹp đẽ và anh dũng; tuy nhiên ông thấy hoàng đế hầu như cũng biết về những điểm đó như ông; khi Lucas ngỏ ý hỏi hoàng đế có muốn gặp người anh hùng ấy không vì anh này đi cùng ông đang chờ ở phòng đợi thì hoàng đế ra hiệu ưng thuận ấn vào một cái chuông, một cận vệ mở cửa.
- Cho đại uý thứ ba trên tàu Redoutable, anh René, vào đây.
Chàng trai trẻ bước vào.
Napoléon liếc mắt nhìn anh và ngạc nhiên khi thấy anh này không mặc quân phục.
- Sao thế này - Ngài nói - Anh đến điện Tuileries trong bộ đồ trưởng giả này sao?
- Tâu Bệ hạ - René đáp - Thần đến điện Tuileries không phải vì có vinh hạnh được gặp hoàng đế Bệ hạ mà thần cũng không mong được Ngài triệu kiến, thần đến chỉ để tháp tùng ngài chỉ huy và định cùng trải qua nốt phần ngày còn lại với ông ấy. Vả lại, tâu bệ hạ, thần là đại uý cũng như không. Chỉ huy Lucas đã phong chức này cho thần trên tàu của ông ấy ba ngày trước trận chiến Trafalgar vì người đại uý thứ ba đã chết vài ngày trước, nhưng việc bổ nhiệm của thần vẫn chưa được phê chuẩn.
- Tôi tưởng anh còn có vị trí là đại uý thứ hai? - Napoléon hỏi.
- Vâng, những trên tàu cướp biển thôi.
- Trên tàu Revenant của Surcouf đúng không?
- Vâng, tâu bệ hạ.
- Và rất anh dũng?
- Thần làm tất cả những gì có thể, tâu bệ hạ.
- Ta được hay tin về anh qua đảo trưởng đảo Pháp, tướng Decaen.
- Thần có cái vinh dự được diện kiến ông ấy, tâu bệ hạ.
- Ông ấy có kể về cuộc hành trình anh đến Ấn Độ.
- Thần đã vào sâu khoảng 50 dặm.
- Thế quân Anh để anh yên à?
- Đó là phần họ không chiếm đóng, tâu bệ hạ.
- Chỗ nào thế? Ta nghĩ họ chiếm toàn bộ Ấn Độ.
- Trong triều Pégou tâu bệ hạ, giữa sông Sittang và Irrawaddy.
- Người ta còn kể anh đã thực hiện những cuộc đi săn khủng khiếp?
- Thần đã gặp vài con hổ và đã giết chúng.
- Anh có xúc động khi lần đầu bắn vào loài vật ấy không?
- Lúc đầu thì có tâu bệ hạ, nhưng với con khác thì không.
- Tại sao?
- Hạ thần đã làm con thứ hai phải cụp mắt xuống, kể từ lúc đó, thần nhận ra rằng hổ là một loài vật mà con người ngự trị được.
- Thế trước Nelson?
- Tâu bệ hạ, trước Nelson thần đã lưỡng lự một lát.
- Tại sao?
- Vì Nelson là một chiến binh vĩ đại, thần nghĩ có thể ông ta là một đối tượng cần thiết với Hoàng đế bệ hạ.
- À! Thế thì anh phải đừng bắn con người thiên định ấy chứ?
- Không. Vì thần tự nhủ nếu đúng đó là con người thiên định, chắc chắn ông Trời sẽ tránh cho ông ta khỏi trúng đạn. Vả lại, tâu bệ hạ, thần chưa bao giờ tự cho mình là người đã bắn chết Nelson.
- Tuy nhiên…
- Người ta không tự tán dương những điều như thế - René ngắt lời - Người ta chỉ thú nhận thôi. Nếu thần đã giết Gustave - Adolphe hay Frédéric vĩ đại, thần sẽ tự tán dương vì thần nghĩ đó là điều phải làm vì lợi ích của dân tộc, nhưng thần sẽ không bao giờ được an ủi về điều ấy.
- Thế nếu anh ở hàng ngũ kẻ thù của ta, anh sẽ bắn vào ta chứ?
- Thần sẽ không bao giờ làm điều đó, tâu bệ hạ!
- Tốt lắm.
Ông ra hiệu dừng lại, nhưng không ra khỏi phòng và gọi Lucas.
- Ông chỉ huy - Napoléon nói - chính hôm nay tôi tuyên chiến với Anh và Phổ. Trong cuộc chiến chống lại nước Phổ, nơi chẳng có một điểm nào giáp biển thì ông chẳng có việc gì to tát phải làm; nhưng trong cuộc chiến chống lại nước Anh, tôi sẽ giao cho ông một trọng trách nặng nề. Ông là một trong số những người tôi đã nói, nhân nói về Villeneuve, là người biết chết và đôi khi là muốn chết.
- Tâu bệ hạ - Lucas nói - trong trận Trafalgar, lôi không rời mắt khỏi ngài Villeneuve chút nào. Không ai trong chúng tôi dám nói ông ấy có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng lúc và nghiêm túc hơn.
- Đúng vậy, một khi đã đến Trafalgar thì đúng. Ta biết, nhưng trận đó làm ta đau lòng lắm. Chính vì ông ta mà ta đã không đến được London và chuyển sang Vienne.
- Xin bệ hạ cũng đừng phàn nàn, ngài đã chẳng mất gì về việc thay đổi chặng đường ấy.
- Về chiến công thì hẳn rồi, nhưng ông thấy đấy dù ta đã ở Vienne, mọi chuyện lại phải bắt đầu lại, vì ta buộc phải một lần nữa tuyên chiến với Anh và Phổ. Nhưng vì chỉ có cách ấy, ta sẽ đánh nước Anh trên cạn trong khi hạ những tên vua mà nó viện trợ. Tôi sẽ gặp lại ông trước khi bắt đầu cuộc chiến này, chỉ huy Lucas ạ; Đây là cây thập tự sĩ quan Bắc đẩu bội tinh mà tôi mong ông nhận và đừng quên rằng nó do chính tay ta trao tặng cho ông.
Rồi quay sang René:
- Về phần anh, anh René - Ngài nói - Anh sẽ để lại họ tên ở chỗ sĩ quan tuỳ tùng Duroc của ta và người chỉ huy Lucas có vẻ là bạn của anh, chúng ta mong anh sẽ không rời quá xa ông ấy.
- Tâu bệ hạ - René nói vừa lại gần vừa cúi xuống - Trong lúc Bệ hạ chưa nhận ra thần, thần có thể giữ cái tên mà người ta vẫn gọi thần nhưng như thế sẽ là lừa dối hoàng đế. Người ta có thể chịu cơn giận dữ của Napoléon chứ người ta không lừa ông ấy.
- Thưa đức ngài, với tất cả mọi người tôi tên là René, nhưng trước bệ hạ, tôi tên là bá tước Sainte-Hermine.
Và không lùi lại một bước nào, anh cúi đầu trước vị hoàng đế và chờ đợi.
Hoàng đế đúng bất động một lát, lông mày nhíu lại, ban đầu nét mặt tỏ ra ngạc nhiên nhưng sau đó nó chuyển từ ngạc nhiên sang nghiêm khắc.
- Điều anh vừa nói là tốt, nhưng chưa đủ để ta tha thứ cho anh. Hãy về đi, để lại địa chỉ ở chỗ Duroc và chờ lệnh của ta chuyển qua ông Fouché. Vì nếu ta không nhầm, ông Fouché là một trong những người bảo trợ cho anh.
- Thần xin vâng - Sainte-Hermine nói và cúi chào.
Rồi anh đi ra và chờ chủ huy Lucas trong xe.
- Tâu bệ hạ - Lucas nói - Thần hoàn toàn không biết hoàng đế bệ hạ có ý định gì cho anh bạn René đáng thương; nhưng tôi xin lấy danh dự của mình mà bảo đảm đó là một trong những người chính trực nhất, gan dạ nhất mà tôi biết.
- Than ôi - Napoléon nói - ta vừa nhận ra! Nếu anh ta không xưng tên, vì chẳng có gì bắt buộc anh ta cả, anh ta đã là đại uý trên một tàu chiến hạng trung rồi.
Còn lại một mình, Napoléon trở nên bất động và lo âu, sau đó ông ném mạnh găng tay nát nhàu xuống bàn:
- Mình thật không may, đó đúng là những người mình cần trong hải quân.
Còn về René, hay bá tước Sainte-Hermine, như người ta muốn, điều tốt nhất anh ta có thể làm là tuân theo mệnh lệnh.
Và anh đã tuân theo mệnh lệnh.
Anh trở về khách sạn Mirabeau ở phố Richelieu và chờ đợi.
Chú thích:
(1) Đô đốc chỉ huy về hải quàn của một tỉnh có quyền hạn cả về bên dân sự
(2) (3) Némée, Python: Hai quái vật trong thần thoại Hy Lạp
(4) Stuttgart là thủ đô của triều đình Wurtemberg mới (theo hiệp ước Presbourg tháng 12 năm 1805, Carlsrulle vốn là kinh thành của bá tước Bade, người trở thành đại công tước sau khi Charles-Fréderic đạt được Liên bang bên sông Rhin. Cháu nội thừa kế của người này. Charles-Louis đã lấy Stéphanie de Beauhamais con gái nuôi của Hoàng đế.
Chương 98: Trạm ngựa ở Rome
Ngày 2 tháng Mười hai, Napoléon thắng trận Austerlitz.
Ngày 27, ông tuyên bố triều đại Naples chấm dứt cai trị.
Ngày 15 tháng Hai, Joseph Napoléon đã vào thành bị bỏ trống lần thứ hai bởi thế lực nhà Bourbon.
Cuối cùng, ngày 30 tháng Ba, ông này được phong là vua Hai đảo Sicile.
Sau việc lập vua Naples mới hay đúng hơn là vua Naples tương lai, quân đội Pháp đã chiếm các Nhà nước La Mã, điều này làm đức Giáo hoàng vô cùng giận dữ, ngài cho mời hồng y giáo chủ Fesch đến để phàn nàn về cái mà ngài gọi là một sự xâm phạm lãnh thổ đó.
Giáo chủ Fesch chuyển lời lại cho Napoléon. Napoléon đã trả lời rằng:
"Thưa Đức Giáo hoàng, ngài là vua thành Rome, đúng vậy, nhưng Rome thuộc vào Đế chế pháp; ngài là linh mục, nhưng tôi là hoàng đế, hoàng đế như các hoàng đế Đức, xa hơn nữa như Charlemagne, với ngài tôi là Charlemagne hơn là một tước hiệu, tước hiệu sức mạnh, tước hiệu ân thiện: do đó ngài sẽ tuân theo hệ thống liên hiệp của đế chế, bằng cách mở lãnh thổ của mình cho những người bạn của tôi và khép nó lại trước kẻ thù của tôi".
Trước câu trả lời "rất Napoléon" này, đôi mắt thường ngày vốn dịu dàng của đức Giáo hoàng chí tôn quắc lên. Kết quả là ngài đáp lại giáo chủ Fesch rằng mình không thừa nhận chủ quyền nào vượt trên mình và rằng nếu Napoléon muốn thiết lập lại sự chuyên chế của vua Henri Đệ tứ nước Đức thì ông cũng lập lại sự kháng cự như vua Grégoire VII.
Napoléon đáp lại bằng vẻ coi thường ra mặt vì ông vốn ít sợ thứ vũ khí tinh thần trong thế kỷ XIX, ông sẽ không đưa lý do hợp pháp nào nếu họ sử dụng vũ khí ấy, ông không trực tiếp đụng vào vấn đề tôn giáo, nhưng ông đánh vào thế lực hiện tại, ông để cho Vatican, giám mục được tôn trọng ở Rome và người đứng đầu các giám mục trong Giáo giới giải quyết.
Việc tranh cãi ấy không tiến cũng chẳng lùi, dùng dằng suốt tháng 12 năm 1805, tháng mà Napoléon, để chứng tỏ ý định sẽ đi đến cùng, đã cho tướng Lemarois chiếm các tỉnh Urbin, Ancône, Macerata tạo thành vùng ven biển Adriatique.
Thế là giáo hoàng Pie VI, trong khi từ bỏ dự định rút phép thông công vừa đưa ra thoả thuận hoà giải trong điều kiện sau:
- Giáo hoàng Rome có quyền độc lập với nhà nước của mình tuy nhiên được nước Pháp bổ nhiệm và bảo đảm phải liên minh với Pháp bất cứ khi nào nó có chiến tranh đẩy lùi kẻ thù khỏi lãnh thổ các nhà nước La Mã;
- Quân đội Pháp sẽ chiếm Ancône, Ostie, Civitavechia nhưng sẽ được bảo lưu chi phí từ chính phủ Pháp;
- Giáo hoàng sẽ cam kết đào sâu và đưa vào sử dụng cảng bị xâm bùn Ancône.
- Giáo hoàng sẽ thừa nhận vua Joseph, sẽ lật đổ tham tán của vua Ferdinand, những tên sát hại người Pháp, các giáo chủ Naples chối bỏ lời thề và sẽ từ bỏ quyền làm lễ thụ phong vương miện ở Naples.
- Ông cũng sẽ thực hiện cam kết Italie đến tất cả các tỉnh trong nước.
- Ông sẽ bổ nhiệm vô thời hạn các linh mục Pháp và Ý, và không đòi hỏi các linh mục Ý phải đến Rome.
- Cuối cùng, để trấn an Napoléon và cho thấy ảnh hưởng của Pháp đến mọi phần lãnh thổ của mình, giáo hoàng sẽ có một phần ba tổng số hồng y giáo chủ là giáo chủ Pháp.
Hai trong số những điểm dàn xếp trên đây làm toà thánh La Mã đặc biệt kinh tởm là: Thứ nhất khép cửa lãnh thổ trước kẻ thù của Pháp và thứ hai là tăng số lượng các hồng y giáo chủ Pháp.
Thế là Napoléon liền trả hộ chiếu cho hồng y giáo chủ Bayane và ra lệnh tấn công vào phần còn lại của các nước thuộc giáo hoàng. Hai nghìn năm trăm quân tập trung ở Foligno, hai nghìn năm trăm quân khác, dưới sự chỉ huy của tướng Lemarois, tập hợp ở Pérouse. Ông ra lệnh cho tướng Miollis chỉ huy cả hai cánh quân này, khi ngang qua sẽ nhận tiếp ba nghìn quân mà Joseph đã nhận lệnh cho xuất phát từ Tenacine và tám nghìn lính này sẽ đi chiếm thủ đô của thế giới Cơ đốc.
Dù tự nguyện hay phải dùng sức mạnh, tướng Miollis phải vào lâu đài Saint-Ange(1), phải chiếm đội quân của giáo hoàng, để giáo hoàng ở Vatican với một đội quân danh dự, phải đáp lại mọi động thái của họ và chiếm Rome vì lợi ích hoàn toàn quân sự hòng tách các Nhà nước La Mã khỏi kẻ thù của nước Pháp, ông ta chỉ chiếm lực lượng cảnh sát và sử dụng lực lượng này khi săn đuổi bọn kẻ cướp và để đưa các hồng y Naples về Naples.
Tướng Miollis là một cựu quân nhân Cộng hoà, tính tình cương quyết, có học thức, lòng trung không vết mờ, vừa bảo vệ danh dự cho người đứng đầu giáo giới vừa giữ Rome trong tình trạng tốt, làm cho dân ở đây quen với người đứng đẩu chính phủ thật sự nằm trong tay tướng quân Pháp ở lâu đài Saint-Ange chứ không phải ở trong tay giáo chủ già tại Vatican.
Hồi đó, giáo hoàng vẫn có thói quen biến nơi đây thành chốn lưu vong cho những tên cướp chạy khỏi các Nhà nước Napoli, bọn cướp này không phải là thứ thảm hoạ ồ ạt mà rải rác khắp nơi, ở Abruzze, Basilicate, Calabre người ta thấy dân đạo tặc sinh ra nối nghiệp nhau theo kiểu cha truyền con nối, cướp giật cũng như một nhà nước, chúng làm cướp như người ta là thợ mộc, cắt quần áo hay bán bánh mỳ vậy. Chỉ có điều, chỉ bốn tháng trong năm, chúng mới rời nhà đi làm các quý ông trên các đại lộ. Mùa đông, chúng ở yên trong nhà và đừng bao giờ có ai có ý định đến quấy rầy chúng. Xuân đến, chúng lại hành sự, ai về vị trí kẻ đó.
Trong số các vị trí này, những nơi lý tưởng nhất là những chỗ gần biên giới La Mã. Bị chính quyền Naples truy quét, bọn cướp hay qua biên giới và tìm được chốn dung thân bất khả xâm phạm trong các Nhà nước La Mã. Đôi khi, trong những hoàn cảnh đặc biệt, chính phủ Naples còn truy đuổi bọn cướp của họ chứ chính phủ Rome thì không bao giờ.
Do đó, tại trụ sở Gaète, một số sĩ quan được cử từ Rome đến chỗ tướng Reynier đã bị sát hại giữa Terracine và Fondi nhưng cái chết của anh ta chẳng gây ra động tĩnh nào trong khi ngược lại đây là nơi giới tăng lữ nháo nhào cứu Fra Diavolo(2), sau khi bị tướng Hugo đuổi như một con hoẵng, vừa mới để bị tóm.
Trong hoàn cảnh ấy, có một thanh niên khoảng hai mươi sáu đến hai mươi tám tuổi, vóc dáng trung bình, mặc quân trang loè loẹt không thuộc đội quân nào đã xuất hiện ở trạm ngựa. Anh ta hỏi ngựa và một cỗ xe.
- Anh này đeo một khẩu cạc bin kiểu Anh nòng chéo, một cặp súng ngắn dắt ở thắt lưng cho thấy con người này bất biết hiểm nguy là gì khi đi trên con đường từ Rome đến Naples.
Chủ trạm ngựa trả lời mình có một cỗ xe nhưng không thể cho thuê vì người ta đã hẹn mua và trả tiền đặc cọc. Về ngựa, anh có thể chọn tuỳ thích.
- Nếu cỗ xe không quá đắt và phù hợp, tôi có thể thoả thuận giá - Anh ta nói.
- Vậy thì ông đến mà xem.
Người lữ khách đi theo chủ trạm. Cỗ xe ấy là một loại xe độc mã không mui, những vì trời nóng việc thiếu hụt này thay vì là điều khó chịu lại thành phù hợp.
Chàng trai trẻ đi một mình chỉ mang theo một chiếc rương và một hộp đồ.
Giá cả nhanh chóng được thoả thuận. Hành khách trả giá chóng vánh chỉ cốt cho được việc chứ không tính đến chuyện trả rẻ. Số tiền là 800 phăng. Trong lúc lắp ngựa vào xe và cho chuyển hòm lên, một sĩ quan kỵ binh đã đứng trước cửa hiệu, lạnh lùng nhìn công việc thắng ngựa rồi hỏi chủ trạm đúng như điều người khách ban nãy hỏi:
- Mày có ngựa và xe cho tao thuê không?
- Tôi chỉ còn ngựa thôi - Chủ trạm kiên cường đáp.
- Thế mày làm quái gì với những cỗ xe rồi?
- Tôi vừa bán chiếc cuối cùng cho ngài đang đóng ngựa kia.
- Luật quy định mày lúc nào cũng phải có một cỗ xe sẵn sàng cho hành khách đấy.
- Luật ư! - Chủ trạm nói - ông gọi luật là cái gì? Lâu lắm rồi chúng tôi chẳng biết đến nó ở đây - Rồi anh ta búng móng tay như một người chẳng lấy làm tiếc khi thiếu vắng cái phương cách bảo vị đạo đức xã hội ấy.
Anh chàng sĩ quan thốt ra một câu cho cho thấy anh ta rất bất bình.
Hành khách ban nãy liếc nhìn người này, thấy một chàng trai trẻ đẹp cỡ hai tám ba mươi tuổi, trán khắc kỷ, mắt xanh nhạt biểu lộ tính cách hay nổi cáu và bướng bỉnh và khi thấy anh ta vừa giậm chân xuống đất vừa nói với mình:
- Dù sét nổ ngang tai mình cũng phải ở Naples vào 5 giờ tối mai, mà mình lại không muốn đi quãng đường sáu mươi dặm trên yên ngựa.
- Thưa ngài - Anh nói với vẻ lịch thiệp mà người trong giới dễ nhận ra nhau - Tôi cũng thế, tôi cũng đến Naples.
- Phải rồi, nhưng ông, ông đi bằng xe - Viên sĩ quan nói bằng vẻ bông lơn kệch cợm.
- Chính vì vậy mà tôi có thể mời ngài một chỗ cạnh tôi.
- Xin lỗi ngài - Viên sĩ quan chào lịch sự và đổi giọng - Nhưng tôi chưa có được cái vinh hạnh quen biết ngài.
- Nhưng tôi thì biết ngài. Ngài mặc quân phục đại uý trong đoàn kỵ binh thứ ba của tướng Lasalle, tức là một trong những trung đoàn anh dũng nhất trong quân đội.
- Thế không phải là lý do để tôi biến mình thành kẻ khiếm nhã khi chấp nhận lời mời của ngài.
- Tôi hiểu, thưa ngài, và tôi sẽ giúp ngài thoải mái hơn: chúng ta sẽ chia đôi chi phí ngựa.
- Thế thì còn phải thoả thuận cái xe nữa - Viên đại uý kỵ binh nói.
- Không phải tôi muốn làm tổn thương lòng tự trọng của ngài, tôi chỉ muốn có một người bạn đồng hành thôi. Khi đến Naples, chúng ta chẳng cần cái đồ này nữa, chúng ta sẽ bán hoặc đem ra làm củi nếu không bán được. Nếu bán, vì tôi đã trả 800 phăng, tôi sẽ lấy lại 400 còn lại ngài lo nốt.
- Tôi chấp nhận lời đề nghị với điều kiện tôi sẽ trả bốn trăm phăng ngay lập tức, chiếc xe sẽ là của hai chúng ta và chúng ta sẽ cùng chia khoản lỗ.
- Tôi muốn làm ngài thoải mái lắm, thưa ngài, do đó tôi chấp nhận lời đề nghị của ngài theo mọi phạm vi của nó, song tôi thấy như thế là quá khách sáo giữa người đồng hương với nhau.
Viên sĩ quan tiến về phía chủ trạm ngựa.
- Tao mua một nửa chiếc xe của mày, chung với ông kia, đây là 400 phăng phần của tao.
Chủ trạm vẫn đứng khoanh tay.
- Ông kia đã trả tôi rồi - Anh ta nói - Thế thì tiền phải đến tay ông ấy chứ không đến tay tôi.
- Mày không thể nói điều đó với tao lịch sự hơn à, thằng vô lại?
- Tôi nói việc tôi, còn ông chấp nhận đến đâu là việc của ông.
Viên sĩ quan làm động tác đưa tay lên cán thanh gươm nhưng cuối cùng vẫn để nguyên nó trong vỏ và quay sang người hành khách đầu tiên:
- Thưa ngài, - Anh ta nói bằng giọng lịch sự ra mặt so với cách vừa nói thô bạo với chủ trạm ngựa ban nãy - Ngài có chấp nhận bốn trăm phăng tôi nợ ngài không?
Người thứ nhất khẽ nghiêng mình, mở một chiếc valy da nhỏ có khoá kéo mà anh đặt cùng chỗ với khẩu cạc bin của mình.
Viên sĩ quan thả những đồng vàng trong tay vào đó.
- Bây giờ thì tuỳ ngài muốn đi lúc nào cũng được.
- Ngài có muốn đặt valy vào cùng với cái rương của tôi không?
- Cảm ơn, tôi sẽ để phía sau tôi. Tôi muốn bảo đảm nó trong cái cỗ xe xương xẩu này. Vả lại nó chỉ có cặp súng ngắn, tôi sẽ không lấy làm khó chịu khi nó ở trong tầm tay mình. Lên ngựa, đánh xe đâu, lên ngựa nào!
- Các ông này không cần một đoàn hộ tống à? - Chủ trạm ngựa hỏi.
- À mày coi chúng tao như các nữ tu về nhà tu kín à?
- Tuỳ các ông thôi, các ông được tự do mà.
- Đó là thứ khác biệt giữa chúng tao và mày đấy, quân giáo hoàng quỷ tha ạ! - Rồi nói với người đánh ngựa: Avanti! Avanti!
Người đánh ngựa cho ngựa phi nước đại.
- Đi theo đường Appienne, đừng đi qua cửa Saint-Jean-De-Latran - Người đến trạm ngựa đầu tiên kêu to.
Chú thích:
(1) Lâu đài Saint-Ange tại Rome. Lăng mộ Hadrien. hoàn thành năm 139.
(2) Tên thật là Michele Pezza trong cuốn "hồi ký" của mình tướng Hugo có nói nhiều về người này.
Chương 99: Đường Appia
Gần mười một giờ trưa, hai chàng trai trẻ mới bỏ lại tháp Sextius ở phía bên phải, xuất hiện trong cỗ xe mui tràn lăn trên những tấm lát đường Appia mà hai nghìn năm qua chưa đủ sức tách chúng xa nhau.
Đường Appia, theo ngài Haussmann, nó như Rome của César, Champs-Élyseés, rừng Boulogne và gò Chaumont ở Paris.
Vào ngày đẹp trời thời cổ đại người ta đã gọi nó là Appia vĩ đại, bà hoàng của các con đường, như đường thiên đàng vậy. Đó là nơi gặp gỡ của sự sống và cái chết, của tất cả những gì giàu có, cao quý, lịch lãm bậc nhất thành Rome.
Nó có tán lá của đủ loại cây, nhất là những cây bách tuyệt đẹp phủ lên những lăng tẩm nguy nga. Ngoài ra còn có những con đường khác như đường Flaminienne và đường Latine cũng có lăng tẩm như đường Appia. Với người La Mã, cái dân tộc có gu về cái chết gần như phổ biến giống ở Anh, nơi dưới thời cai trị của Tibère, Caligula và đặc biệt thời Néron việc chết như một bệnh dịch lây lan thì với người La Mã, mối bận tâm xem việc đặt thi thể an nghỉ ngàn thu ở chỗ nào là cực kỳ quan trọng.
Vì lẽ đó hiếm khi một người còn sống phó mặc việc lo hậu sự chỗ chôn cất cho thế hệ kế cận. Đó là một thú vui khi tự mình chăm lo phần hậu táng của chính bản thân. Vì thế, phần lớn các ngôi mộ ngày nay chúng ta gặp đều mang hoặc hai chữ viết tắt V. F. có nghĩa là Virus fecit; hoặc ba chữ V. S. P. có nghĩa Virus si bi posuit hay V. E. C. có nghĩa Virus faciendum curavit(1).
Quả thật điều vô cùng quan trọng với một người La Mã là được chôn xuống đất. Theo tục lệ tôn giáo lan truyền từ thời Gicéron, khi mà mọi loại mê tín tuy đang bắt đầu bị loại bỏ, rằng linh hồn của bất cứ ai chết nếu không có mồ mả sẽ phải lang thang hàng trăm năm bên bờ sông Styx. Chính vì vậy mà ai đó gặp một thi thể dọc đường mà không chôn chất tử tế sẽ bị coi phạm một tội nặng không thể dung thứ trừ phi dùng một con lợn cái tế cho Cérès.
Tuy nhiên, được chôn cất chưa phải là tất cả mà còn phải được chôn một cách êm ái nữa kia. Thần Chết của người tà đạo không có vẻ gì đáng ghê sợ như kiểu một bộ xương lủng lẳng gắn với các sọ trắng hếu, hốc mắt trống rỗng và hàm răng nhe ra chết khiếp ta vẫn thấy.
Không, thần Chết của họ là một người đàn bà đẹp, là cô con gái xanh xao nhợt nhạt của thần Giấc ngủ và thần Bóng đêm với mái tóc loà xoà, bàn tay trắng và lạnh giá, cái ôm đóng băng, có cái gì giống như một người bạn gái xa lạ, khi người ta gọi thì bước ra khỏi bóng tối với bước đi chậm chạp và lặng lẽ, khẽ cúi xuống người chết và chỉ cần một nụ hôn tang tóc đủ khép đôi môi và đôi mắt của kẻ đó. Thế là cái xác trở nên câm lặng, vô cảm cho đến khi giàn lửa bao trùm và cuốn lấy cái xác, chia phần linh hồn ra khỏi vật chất, vật chất trở thành tro tàn còn linh hồn trở thành thần thánh. Tuy nhiên, vị thần mới này, cũng vô hình với người sống như những con ma đối với chúng ta, sẽ lấy lại thói quen, sở thích và đam mê của nó, trở lại việc sở hữu các giác quan, yêu thứ nó từng yêu và ghét thứ nó từng ghét.
Chính vì thế mà trong mộ của một binh sĩ người ta hay chôn theo cái khiên, cái lao và thanh kiếm, trong mộ của phụ nữ là kim khâu kim cương, dây chuyền vàng và vòng ngọc của họ, trong mộ của trẻ em là đồ chơi, bánh mì, hoa quả, một cốc Albat, vài giọt sữa vắt từ vú mẹ khi người mẹ chưa bị kiệt sữa.
Nếu cái ngôi nhà mà người ta sống trong quãng đời ngắn ngủi của mình còn quan trọng mức nào với La Mã thì bạn hãy nghĩ xem ngôi nhà họ ở vĩnh viễn phải được chăm chút ra sao vì các vong hồn ở mãi trong nấm mồ của họ. Do đó, họ trang trí tuỳ sở thích, một số là những người vui thú điền viên nghiệp dư với sở thích đơn giản, ưa chè chén, một số ít khác lại sắp đặt chỗ mai táng của mình trong vườn, trong rừng để thiên thu vui cùng các thần sông núi, rừng già, được đưa nôi trong tiếng lá xào xạc trong gió, thư giãn theo tiếng suối rót rách qua những viên sỏi hay vui cùng bầy chim líu lo trên cành cây.
Những người này thường là các nhà triết gia hay những nhà thông thái còn những người khác vốn là số đông, đa số, ưa vận động, ưa giao tế họ sẵn sàng trả giá bằng vàng để mua những mảnh đất bên đường cái quan nơi lắm kẻ qua lại để tứ xứ mang đến châu Âu tin tức về châu Á, châu Phi dọc theo đường Latine, Flaminienne và nhất là đường Appia. Đường nào cũng đi đến Naples nhưng chúng có hai hàng điện thờ, lăng tẩm. Kết quả là những vong hồn may mắn được chôn dọc theo đường Appia không chỉ được thấy những khách quan quen và lạ qua lại, không chỉ được nghe người ta nói đến tin tức sốt dẻo ở mãi châu Á, châu Phi mà còn nói với các khách quan bằng những hàng chữ văn bia trên lăng tẩm của họ.
Tuỳ theo tính cách từng người, họ viết khi còn sống mà chúng ta quan sát được, người khiêm nhường thì nói:
"Tôi đã từng sống, hiện tại tôi không sống nữa
Đó là tất cả cuộc sống của tôi, tất cả cái chết của tôi".
Người giàu có thì viết:
"Nơi đây an nghỉ
STABIRIUS
Lẽ ra ông đã có thể có một vị trí
trong đội quân thành Rome
nhưng ông ấy không muốn
Sùng đạo, can trường, chung thủy
Tay trắng mà để lại 30 triệu
và không bao giờ muốn nghe những tên học giả
Hãy bảo trọng và bắt chước ông ấy!
Và như để thu hút sự chú ý nhiều hơn của khách qua đường, Stabinus, một anh nhà giàu còn cho khắc hình mặt trời lên trên văn bia của mình.
Người văn chương lại nói:
Du khách!
Dù hành trình của bạn có vội vã đến đâu
tảng đá này vẫn muốn bạn nhìn nó
và đọc những gì được ghi:
Nơi đây an nghỉ nắm xương tàn của nhà thơ
MARCUS PACUVIUS
Đó là điều tôi muốn nói với bạn
Vĩnh biệt.
Người kín đáo viết:
Danh tính, quê quán, xuất thân của tôi
Tôi từng thế nào vẫn là như thế
Tôi sẽ không nói ra
Câm lặng vĩnh hằng, tôi chỉ còn chút
Tro tàn, xương trắng, không gì hết.
Đến từ hư vô, tôi quay lại nơi tôi đã đến
Số phận tôi chờ bạn.
Vĩnh biệt
Người mãn nguyện lại viết:
Từng sống trên đời, tôi trải qua hết
Phần tôi đã xong, phần bạn cũng sớm đến hồi kết
Vĩnh biệt.
Hãy vỗ tay vào.
Cuối cùng, một người vô danh, chắc là cha một em bé đã viết lên mộ con, một bé gái tội nghiệp mới lên bảy tuổi:
Đất ơi! Đừng đè lên em!
Em vẫn chưa từng đè lên đất.
Vậy những kẻ đã chết còn cố bám đuổi sự sống bằng ngôn từ trên mộ nói với ai? Ai là người họ vẫy gọi từ nấm mồ của họ? Họ tiếp tục đi vào suy nghĩ của thế giới nào nữa? Kẻ nào là người vui vẻ vô tư đi qua nhanh mà chẳng nghe họ, chẳng nhìn họ?
Vào khoảng bốn giờ chiều, khi cái nóng gay gắt trong ngày dịu lại, khi mặt trời bớt dữ dằn và bớt loá mắt trên biển Tyrrhénienne, khi bóng những cây thông, cây sồi xanh và cây cọ ngả dài từ Tây sang Đông, khi cây trúc đảo Sicile rũ mình khỏi bụi ngày trước làn gió đầu tiên và từ dãy núi xanh lơ nơi có đền thờ Jupiter Latial xuống, khi hoa trà Ấn Độ nở cánh trắng như ngà tròn trặn như ống kèn, và như một cái cúp toả hương sẵn sàng đón giọt sương chiều, khi loài hoa nélumbo từ biển Caspa tránh ngọn lửa nóng nhô lên khỏi mặt nước để tận hưởng cái dịu mát ban đêm cũng là lúc cổng lớn của đường Appia bật mở xuất hiện những gì người ta có thể gọi là những người đẹp, những hiệp sĩ thành Rome, những thị dân bước ra khỏi nhà mồ của họ để hít thở, để sẵn sàng diễn binh, ngồi lên ghế bành, ghế tựa, lên bậc cho các kỵ sĩ lên ngựa hay nằm trên các ghế băng hình vòng tròn dùng cho khách qua đường ngả lưng ở nhà của những người quá cố hòng tạo thuận tiện cho những người sống.
Chưa bao giờ thành Paris, ở giữa hai hàng rào đại lộ Champs-Élysée, chưa bao giờ thành Florence có Cascine, Vienne có frater, Naples bị dồn giữa phố Telède hay Chiaina từng thấy số lượng diễn viên phong phú, tụ họp số khán giả tương tự như ở đây.
Chú thích:
(1) "Đã thực hiện khi còn sống"; "Sinh thời (ông ấy) đã tự soạn cho mình"; "Cho xây từ khi còn sống".
Nguồn: http://vnthuquan.org/