Hai lữ khách ăn bữa tối khá tệ, nhưng họ sẽ nhầm to nếu phàn nàn bị đối xử tệ ở quán trọ Nơi sinh Auguste khi mà hoàng đế Auguste lúc trên ngai cũng chỉ ăn tối với hai con cá khô và một ly nước. Có cả một tập sách nói đến những điều xung quanh nơi chôn rau cắt rốn của Auguste, những chuyện dự báo cho ngài, con trai một người xay bột và mẹ là người gốc châu Phi, trở thành hoàng đế trên đời.
Antoine chẳng phải đã nói với ngài: "Tổ tiên mi là người châu Phi, mẹ mi quay quanh cái cối xay tồi tàn nhất Aricie và cha mi đảo bột bằng tay đen xỉn do tiền ông ta kiếm được ở Nerulum", đó sao?
Nhưng những dự báo cũng bắt đầu từ họ.
Mẹ của ngài, Atia, khi ngủ trên ổ rơm trong đền thần Apollon, con rắn đã quấn quanh cột tượng làm biểu tượng thần y học đã rời khỏi điện thờ, bò đến ổ rơm, quấn lấy Atia và chỉ thả bà khi đã có thai.
Một hôm ngài đi đến trường, tay cầm một mẩu bánh mì, một con đại bàng xông tới cắp mẩu bánh của ngài và chỉ trả lại sau khi đã nhúng nó vào các món cao lương mỹ vị trên đỉnh Olympe.
Cuối cùng là tiếng sấm rền trên ngôi nhà và biến nó thành chốn thiêng.
Tối hôm ấy, ở Velletrie có một lễ hội, tất cả các nam thanh nữ tú miền thôn quê quanh đó đều tụ tập về đây.
Họ khiêu vũ.
Lúc nào cũng có một nửa đất Italie nhảy múa trong khi nửa kia đổ lệ. Họ chẳng lo liệu người Pháp có vào Rome chiếm Naples, có vây hãm Gaète hay không, và từ phía kia đầm Pontins, nếu người ta nghe thấy tiếng đại bác hai mươi tư ly tức là người ta hiểu có đánh nhau kịch liệt trong thành.
Napoléon đã viết cho anh trai: "Hãy siết chặt vòng vây".
Và Joseph tuân lệnh anh siết chặt vòng vây.
Ở đây người ta vẫn cười với người Pháp. Các cô thiếu nữ chìa tay ra và nhảy với họ, các cô chẳng quay đi trước những đôi môi của các anh chàng người Pháp, nhưng khi họ gặp những anh chàng này một mình, người ta sẽ dùng dao găm đâm chết anh ta.
Các thực khách ăn cùng bàn với hai chàng thanh niên hau háu nhìn các túi vàng mà anh chàng trẻ hơn xỉa ra một đồng louis để trả khoản tiền bốn phăng mà hai người vừa ăn cũng như nhìn chăm chăm cái ví bạn anh ta rút từ áo khoác cho xuống túi quần.
Người đại diện Velletri đi đi lại lại giữa những kẻ uống rượu và nhảy múa nhìn vào đống của cải ấy không kém phần thèm muốn, nhưng cũng giống như người chủ trạm ngựa ở Rome, ông ta không giúp các chàng trai trẻ gì hơn ngoài việc đề nghị một đoàn bốn người hộ vệ giúp họ đi qua đầm Pontins.
Nhưng Manhès rút ra hai khẩu súng ngắn và vỗ tay vào thanh gươm của mình còn người đi cùng anh ta đảm bảo chỉ hai phát đạn cạc bin cũng đủ làm dịu tình hình.
- Đây là đoàn hộ tống của chúng tôi - Anh nói - Người Pháp không cần đoàn hộ tống nào khác ngoài vũ khí của họ.
- Cách đây một tháng - Người đại diện nói với vẻ quàu quạu - một sĩ quan tuỳ tùng cũng ăn tối ở đây như các vị, cũng trưng ra vũ khí hay lắm, nhưng tôi thề là thấy số vũ khí ấy trong tay những kẻ đã giết chết anh ta.
- Thế mày không làm gì để bắt chúng à? - Manhès hét lên và đùng đùng đứng dậy.
- Nghĩa vụ của tôi là cung cấp đoàn hộ tống cho khách qua đường chứ không phải bắt những kẻ giết họ khi mà những người đó đã từ chối thuê quân của tôi. Tôi chỉ làm tròn bổn phận của mình thôi.
Manhès cho rằng có gây gổ thêm cũng chẳng giải quyết vấn đề gì nên ra hiệu cho người bạn của mình đứng dậy đi theo anh ta.
Sau đó, hai người lên cỗ xe đã thay người đánh xe và ngựa mới, trả hậu hĩnh cho người đánh xe trước rồi cho xe chạy nước đại về phía đầm Pontins.
Ai cũng biết tiếng phần đất La Mã trải dài từ Velletri đến Tenacine tức là phần giáp biển Vương quốc Naples ấy. Không khí nhiễm độc có khi còn giết người chắc chắn hơn cả bọn cướp.
Trong bữa tối, màn đêm đã buông xuống và khi hai lữ khách ra khỏi quán trợ ánh trăng bàng bạc tuyệt đẹp đã rải xuống đường, thỉnh thoảng thủng lỗ chỗ do tán lá cây rung rinh. Chốc chốc, một tảng đá dựng đứng như chực đè lên đầu kẻ nào đi phía dưới, lại đổ cái bóng tối om của nó xuống đường. Càng lại gần đầm Pontins người ta càng thấy nhiều vết hằn không phải vì mây mà vì hơi nước đùn lên trời. Chúng tụ lại dưới trăng khiến mặt trăng như trùm phải tấm vải đen.
Vì thế bầu trời nhuốm một màu kỳ ảo, vàng vọt. Qua ánh đèn bão mà màn đêm dày đặc thít nó lại khiến nó chỉ toả một quầng bé xíu, mà qua bóng đêm hình thù của chúng còn lớn hơn nữa. Chúng chỉ phì phò trong lúc nhô cái đầu khỏi mặt nước. Đó là những con trâu hoang, với chúng những đầm dạng này là nơi trú ẩn an toàn, kể cả trong cái nắng ơi bức nhất những bàn chân tò mò nhất cũng chẳng dám bén mảng đến tìm chúng.
Từ đoạn đường này sang đoạn đường khác, hoảng hốt do tiếng xe, những con chim lớn đen lù lù bay lên, không phát ra tiếng vỗ cánh. Đó là những con diệc xám, con diệc sao hoang dã phát ra tiếng kêu tang tóc khi đã dấn thân vào màn đêm nơi chúng biến mất ngay sau phát đập cánh thứ ba. Faust và Méphes to Phélès đi đến dạ hội phù thủy cũng không theo con đường lắm biến hoá như con đường hai lữ khách của chúng ta đang đi.
- Ngài đã bao giờ thấy cảnh tương tự thế này chưa" - Manhès hỏi.
- Rồi, trên đường đi từ Pégon đến mảnh đất Trâu rống; chỉ có điều chúng tôi không nghe tiếng trâu thở phì phò mà là tiếng gầm gào của bầy hổ và tiếng oe oe của cá sấu châu Mỹ. Trên đầu không phải bầy diệc xám, diệc sao bay lượn mà là lũ dơi mà người ta gọi là loài hút máu, chúng chích vào động mạch kẻ đang ngủ mà không ai cảm thấy gì trong mười phút rồi hút máu.
- Tôi cũng muốn chứng kiến cảnh ấy quá - Manhès nói.
Rồi cả hai lại chìm trong sự im lặng có thể nói là bất đắc dĩ.
Đột nhiên, người đánh ngựa thổi ba tiếng kèn đồng mà anh ta quàng qua vai. Không biết tiếng kèn ấy gọi ai, hai chàng trai coi đó là một tín hiệu và đặt tay lên súng của mình.
Lập tức có hai ba tiếng kèn tương tự đáp lại. Họ nhìn thấy giữa đám thực vật xanh tươi, có ánh lửa bập bùng như bao quanh những con ma. Đó là một trạm trung chuyển.
Cỗ xe dừng lại.
Năm sáu người có ngựa sốt sắng châm đuốc, cầm roi chạy vào kho cỏ trong khi những người khác đứng ở lối ra.
Vài giây sau, người đánh xe tháo ngựa của mình.
- Trả tiền cho tôi nhanh lên để tôi còn chuồn - Anh ta nói với hai chàng trai.
Hai hành khách vừa đưa tiền, anh ta đã nhảy phốc lên ngựa phóng nhanh và biến mất trong bóng tối, tiếng bước chân ngựa cũng lịm dần.
Trong khi đó, một cuộc chiến thật sự xảy ra trong đó có tiếng người chửi rủa, tiếng ngựa hí lên dữ dằn đáp lại. Người coi ngựa hung tợn bao nhiêu thì lũ ngựa cũng bất kham bấy nhiêu.
Hai khối dị dạng và không phân biệt nổi đang lại gần cỗ xe. Hai con người với mái tóc bay loà xoà lẫn vào bờm ngựa, nhìn giống như những con thú hoang đường không có thật, những con nhân mã ba đầu. Lũ ngựa chịu khuất phục không còn hí nữa mà chỉ rền rĩ. Người ta đẩy một con vào giữa hai càng xe, buộc con nữa ở cạnh. Hai người cưỡi ngựa khác đứng xáp lại hai bên cỗ xe. Người đánh ngựa lôi tiếp con ở ngoài cùng vào, hai người khác dùng hết sức giữ lũ ngựa đã đóng càng đang thở hồng hộc và dậm chân bình bịch xuống đất thỉnh thoảng chỉ chực húc sang bên.
Chúng như nổi xung, lao đi vừa hí vừa phì khói ra khỏi hai lỗ mũi còn con mắt thì nảy lửa. Hai người cưỡi ngựa hai bên phi theo với tiếng hét lồng lộn để chặn lũ ngựa đã đóng xe dừng lại giữa đường không cho chúng lao sang hai bên kênh nước dọc đường: người cưỡi ngựa, ngựa đã đóng vào xe, cỗ xe và hành khách vội vã quấn rết như một cái vòi rồng vậy.
Ba trạm chuyển ngựa tiếp theo cũng tái diễn cái cảnh tương tự như cảnh tôi vừa cố tả lại trên đây. Chỉ có điều càng về sau, lũ ngựa như càng hung tợn hơn, những con người càng tái xanh và rách rách rưới hơn.
Đến trạm cuối cùng, vì ngọn đèn bão đã tắt và cả người đánh xe lẫn người giữ ngựa đều không còn nến để cắm vào đó nên hai hành khách buộc phải mỗi người cầm một ngọn đuốc. Họ đi nhanh, chỉ còn cách Tenacine hai dặm rưỡi nữa.
Đột nhiên, đến một nơi bắt đầu có những mỏm đá nổi lên khỏi mặt đất, hai chàng thanh niên cảm thấy hình như có những bóng đen lù lù chui lên từ hố đen và lao ra đường.
- Faccia in tern! (Nằm xuống đất) - Một giống nói hét lên.
Vì thấy cả hai người cùng đứng dậy, một phát súng vang lên và một viên đạn xuyên qua giữa hai hành khách, đâm thủng đáy cỗ xe. Lập tức không cần đưa khẩu cạc bin lên vai, anh chàng không xưng tên nhả đạn tay duỗi ra như anh ta đang bắn súng ngắn.
Một tiếng thét xé toạc không khí vang lên, người ta nghe tiếng thân người đổ bịch xuống đường.
Cùng lúc, hai hành khách ném ngọn đuốc của mình ra xa chục bước. Chúng chiếu sáng cả đoạn đường và họ có thể nhận ra bốn hay năm người đang lưỡng lự chặn xe trong khi một trong số họ đã nắm được dây cương.
- Mày có muốn thả dây cương ra không thằng vô lại! - Manhès hét lên.
Rồi bằng một phát súng ngắn, anh ta cho tên này đến nằm cạnh đồng bọn của hắn, lại một phát súng cạc bin thứ hai hất tên cướp thứ ba lăn ra đất.
Đến đây, những tên còn lại chỉ còn nghĩ đến việc chạy trốn nhưng hai chàng trai của chúng ta đã nhảy xuống hai bên xe mỗi người đều cầm súng ngắn trong tay. Bất hạnh thay cho lũ cướp, trời bắt đầu rạng và hai chàng trai lại chạy nhanh như trong cuộc đua với Atalante.
Manhès thưởng cho tên bỏ chạy phía trước mình một phát đạn. Hắn lảo đảo, muốn rút súng ở thắt lưng ra nhưng trước khi hắn kịp rút nó ra khỏi vỏ, thanh gươm của đại uý đã găm vào ngực hắn.
Tên bị hành khách thứ hai đuổi, nhận ra sắp bị tóm liền rút súng ngắn khỏi thắt lưng, quay lại, nhả đạn nhưng bắn trượt.
Đồng thời hắn thấy một bàn tay thép đang siết vào cổ trong khi nòng súng lạnh băng áp vào thái dương.
- Tao có thể giết mày - Hành khách nói - Nhưng tao thích bắt sống để trưng mày ra như một con gấu bị rọ mõm trước những người cứ nghĩ bọn cướp là lũ bạo gan. Nào anh bạn Manhès, chọc cho mấy "cái mặt úp xuống đất" kia bằng mũi gươm của ngài cho chúng dậy để giúp chúng ta trói hai tên vô lại này.
Quả thật người đánh ngựa và hai kỵ sĩ cưỡi ngựa hai bên đã tuân lệnh theo bọn cướp, xuống ngựa và nằm áp xuống đường thật. Khi bị mũi gươm của Manhès chọc vào người họ chồm dậy đờ đẫn hỏi:
- Các ngài cần gì ạ?
- Dây chão - Manhès nói - và trói chặt hai tên kia lại.
Những người này tuân lệnh ngay. Họ cho hai tên cướp vào xe, lượm những khẩu súng ngắn, cạc bin mà hai hành khách bỏ lại sau khi chúng hết đạn và nhanh chóng nạp lại vì sợ sẽ có cuộc tấn công khác.
Hai hành khách đi bộ hai bên cỗ xe, bỏ lại ba cái xác trên đường cái và mang theo hai tên bị thương.
- Này, nói thật nhé bạn thân mến - Manhès nói vừa vốc nước bằng tay, vừa nâng cái mũ của bạn lên - Anh đã xin tôi làm cha đỡ đầu tôi nghĩ đã đến lúc thực hiện nghi lễ ấy rồi đấy. Nhân danh Buyard, Assas, Tháp Auvergne, ta đặt tên cho anh và gọi anh là Léo. Anh không phải ăn cắp cái tên này đâu nhé. Nào bá tước Léo, hãy ôm hôn cha đỡ đầu đi!
Bá tước Léo vừa ôm vừa cười ông cha đỡ đầu của mình, sau đó cả hai tiếp tục đi bộ đến Terracine với đoàn lâu la theo sau là hai tù binh bị trói trong xe, hai kẻ trông ngựa cưỡi ngựa đang tái mét, run rẩy và vội vã hơn nữa vì khiếp đảm.
Chương 104: Fra Diavolo
Trước khi đến đài Anxus, như cách gọi của Virgile và đến miền đất bụi Tenacine, như cách tôi gọi bớt thiên vị hơn, là trạm gác của Pháp đang canh giáp biên giới La Mã.
Lập tức, các hành khách được vây quanh vì nhìn thoáng qua họ cũng biết đây là những người Pháp. Nhưng chỉ có điều, đồng hương của hai chàng trai khi thấy hai tên cướp ngồi trong cái xe mà họ tưởng trống rỗng thì vô cùng tò mò.
Hai chàng trai giải thích ngay khi những ánh mắt đầu tiên nhìn vào trong xe.
- Tốt lắm - Viên đội chỉ huy trạm gác nói - Đây là những kẻ đáng bị treo cổ. Hãy dẫn chúng đến Naples: những quý ông này sẽ được đồng hành với đám đồng đảng của chúng.
Họ vào Teltacine và dừng lại trước khách sạn La Poste.
Thấy một sĩ quan đi tuần trước cửa, Manhès lại gần anh ta nói:
- Thưa đại uý tôi là đại uý Manhès, sĩ quan cận vệ của đại công tước Berry tức tướng quân Murat.
- Tôi có thể giúp gì cho ngài đây, bạn đồng nghiệp thân mến? - Viên sĩ quan kia hỏi.
- Cách đây nửa dặm chúng tôi vừa bị sáu tên cướp chặn đường Chúng tôi đã giết chết ba tên, nếu ngài muốn chôn xác chúng cho khỏi để dịch hạch lây lan, ngài sẽ thấy chúng đã chết hoặc ngắc ngoải trên đường. Chúng tôi bắt sống hai tên. Ngài có phiền nếu cho người canh chiếc xe và ra lệnh cho họ cứ đâm lê vào bụng đứa nào cựa quậy trong khi chúng tôi dùng bữa trưa mà chúng tôi vô cùng cần và ngài có vui lòng ăn với chúng tôi chăng?
- Ngài sẽ nói về mình ở đây và chúng tôi sẽ nói về chúng tôi. Thật tình lời mời của ngài quá hấp dẫn để tôi có thể từ chối.
Nói rồi viên sĩ quan ra lệnh cho hai tên lính khoác súng vào vị trí mỗi người canh một bên xe, tất nhiên lệnh súng có gắn lưỡi lê thì không thể quên được.
- Bây giờ - Viên sĩ quan nói - hãy cho tôi cái vinh hạnh tự giới thiệu để ngài có thể nói tên tôi cho người đồng hành của mình dù anh ấy hoàn toàn xa lạ. Tôi tên là đại uý Santis.
Cả hai đi vào bếp nhà trọ và thấy Léo đang rửa mặt bên vòi nước dẫn từ suối vào.
- Bá tước yêu mến của tôi - Manhès nói với anh - Tôi giới thiệu với anh đại uý Santis, người vừa cho hai lính canh giữ hai tên cướp của chúng ta.
Đại uý Santis, giới thiệu với ngài bá tước Léo.
- Cái tên hay quá thưa ngài. - Đại uý Santis nói.
- Và cũng rất xứng đáng nữa - Manhès chen vào - tôi đảm bảo với ngài như vậy. Giá ban nãy ngài có dịp nhìn tận mắt: hai phát súng, hai tên lăn ra đất, còn tên thứ ba, anh ấy không thèm bắn từ sau lưng mà tóm sống nó. Anh ấy tóm nó bằng bàn tay trắng nõn nà này rồi siết cổ nó, tên kia xin tha, thế là xong.
Vì ông chủ khách sạn lại gần để nghe, anh ta liền nhấc cái mũ của ông ta bằng ngọn roi ngựa ngoáy ta quanh ngón tay với vẻ thích thú như một đứa trẻ đang chơi và vì ông chủ giang tay ra cố bắt lấy cái mũ, anh ta nói:
- Tôi xin nhận xét là ngài quên chào chúng tôi đấy nhé. Bây giờ thì xong rồi, mũ của ngài đây. Hãy cho chúng tôi bữa ăn ngon nhất có thể và trong khi chờ đợi đồ ăn, hãy mang vài ba chai vang Lacryma-Christi nổi tiếng mà bấy lâu tôi vẫn ước được nếm thở lên đây.
Chủ quán chạy đi gọi đầu bếp xuống hầm rượu, gọi mấy cậu phục vụ đi châm lò, mấy cô gái hầu bàn đi dọn bàn ăn.
Rồi vừa đi vừa lắc lắc cái đầu ông ta giơ tay lên trời lẩm bẩm:
Questi Francessi! Questi Francessi(1)!
Manhès phá lên cười.
- Chúng ta còn và sẽ mãi còn là điều khó hiểu với những con người này, họ không hiểu tại sao chúng ta vừa có thể chiến đấu mạnh như sư tử lại có thể chơi đùa như đám trẻ. Họ không biết điều gì làm nên sức mạnh của chúng ta. Nào, đầu bếp, hãy đưa chúng tôi về phòng và cho chúng tôi nếm loại rượu Lacryma-Christi của ông chủ anh, tôi hứa nếu nó không ngon, tôi sẽ bắt anh nốc hết cả chai liền một hơi không cho anh thời gian để thở đâu đấy!
Đầu bếp trèo lên gác, hai sĩ quan và bá tước Léo đi theo anh ta.
May thay rượu vang lại rất ngon.
- Chú mày, - Manhès nói sau khi nếm chút ít - tuy chú mày không làm ta phải rầu lòng nhét cả chai này vào dạ dày chú, ta sẽ dành nó đến nơi khác, nhưng chú mày lại làm ta vui lòng nhét đồng écu này vào túi chú đấy.
Rồi anh tung ra một đồng écu ba livre, anh chàng phục vụ bắt lấy bỏ vào túi tạp dề.
- Bây giờ hãy nói cho tôi nghe chuyện ở đây - Manhès nói với viên sĩ quan.
- Tôi nghĩ nghe chuyện ở đấy thú vị hơn nhiều - Viên đại uý đáp.
Sự thật là một vòng đã chầm chậm quay - Manhès kể - Cuộc chiến kéo dài đúng một tháng; vào chiến dịch ngày 8 tháng Mười, hoàng đế Napoléon đã nhận sự đầu hàng của Magdebourg ngày 8 tháng Mười một. Trong một tháng ấy, đã có ba mươi nghìn người chết, mỗi ngày chết một nghìn, làm cũng vất vả, đúng không? Một trăm nghìn tù binh, ba mươi lăm nghìn người còn lại không ai sang Oder. Quận Saxon quay trở về Saxe, những người Phổ đã quẳng vũ khí của họ khi chạy qua cánh đồng. Còn một đạo quân Phổ một trăm sáu mươi nghìn người nữa, khi Napoléon khẽ thổi một hơi: nó ngã lăn quay bỏ lại chiến trường với ba trăm đại bác và cơ man cờ quạt đủ để phủ kín Viện quân nhân danh dự. Vua Phổ vẫn luôn là vua Phổ, chỉ có điều ông ta chẳng còn đất cũng chẳng còn quân.
Thật ra, dù nhà Bourbon đã rút về Sicile, họ vẫn giàu hơn vua Phổ vì họ vẫn còn đất cày ở Gaète và một đội quân ở Calabres. Thực tình đó là một đạo quân ở bước đường cùng, nhưng càng như vậy chúng càng trở nên liều mạng. Ôi! Cuộc chiến tranh vĩ đại! Một cuộc chiến tranh vĩ đại! Chỉ cuộc chiến ấy, chiến tranh của chúng ta đã là cái lò thịt người rồi, tôi đau lòng cho những tướng sĩ anh hùng như tướng Verdier và tướng Reynier bị buộc phải làm người kiếp khác.
Ông chủ khách sạn cắt ngang lời ca thán của viên đại uý bằng việc mang đồ ăn đến.
- Binh lính bị cấm uống rượu trong quân đội - Bá tước nói - nhưng tù nhân không phải chết khát, do đó ông hãy mang cho chúng một chai vang và rót cho chúng uống, tháo dây trói tay chúng ra rất nguy hiểm. Còn về hai lính canh thì khỏi phải lo cho họ. Một khi hết giờ gác, họ sẽ được đến lượt. Nhân đây, ông nói với tên không bị thương rằng đây là phần của người đã không muốn giết hắn. Ông cũng cho những người coi ngựa và đánh xe ăn uống nhé dù tôi thấy họ quả dứt khoát tuân lệnh khi bọn cướp nói: Nằm xuống đất. Còn nữa, ông hãy cho thắng ngựa mới vào xe và cho chúng tôi thêm hai con ngựa để chạy cùng.
Bữa trưa xong xuôi, ba thực khách uống vì nước Pháp bắt tay nhau và cùng đi xuống.
Léo cảm ơn hai lính gác, cho họ hay một bữa trưa thịnh soạn đang đợi họ trong quán. Anh trèo lên ngựa với Manhès cùng cỗ xe có người đánh xe mới hứa hẹn làm việc tốt hơn, đi theo đường Capone nơi còn những trạm thay ngựa nữa.
Hai chàng trai đi qua Gaète đúng lúc người ta mang thi hài tướng Vallongue về đó. Ông ta vừa bị quả đạn đại bác cướp mất cái đầu. Đã có sáu chục khẩu đại bác hai mươi tư ly dội vào thành.
Người đánh ngựa hứa sẽ đi vòng quanh và anh ta đã giữ lời. Tám giờ sáng họ thay trạm ngựa ở Capone, mười một giờ mười lăm, họ đã vào Naples.
Thành mặt trời ồn ã và náo nhiệt đến nỗi cách xa từ một dặm, người ta đã nghe những tiếng xôn xao của nó. Ngày hôm đó, nó còn trở nên cuồng nhiệt hơn bao giờ hết. Tất cả các cửa sổ đều cắm cờ của một Naples mới, đường phố đông nghẹt người, không chỉ dân trong thành mà dân từ tất cả các làng lân cận cũng đổ về đây.
Một khi đã bị cuốn vào dòng xoáy ấy, sức mạnh của nó buộc cỗ xe và hai kỵ sĩ chỉ còn nước đi theo. Nó dẫn họ đến quảng trường Chợ Cũ nơi dựng lên một giá treo cổ cao 18 bộ. Tất cả mọi người đang sục sôi trước một cuộc hành quyết sắp diễn ra. Cái tên Fra Diavolo, được tất cả các cái miệng nhắc đến, đủ cho hai vị khách hiểu tầm quan trọng của kẻ sắp bị hành tội, tầm quan trọng mà cái đám đông khổng lồ này đến đây để xem ông ta chết đã chứng thực rất rõ ràng.
Cùng lúc cỗ xe, hai tên cướp bị trói và đoàn người vào Chợ Cũ qua quảng trường del Cannine thì cỗ xe dẫn phạm nhân cũng vào đến con hẻm "dei Sospin del Abisso" nghĩa là Tiếng thở dài của vực thẳm.
Con hẻm này được gọi như vậy bởi lẽ khi đi ngang qua đó, phạm nhân sẽ thấy lần cuối công cụ hành hình của mình là giá treo cổ hay cỗ máy chém. Tuy nhiên hiếm khi phạm nhân nào nhìn thấy vật dụng ấy còn có thể thở dài được.
Vừa nhìn thấy Fra Diavolo, tên kẻ cướp mà người ta cứ ngỡ không thể đụng đến sợi tóc của hắn, tiếng xì xào dậy lên từ tứ phía, ngay cả hai tên tù binh trong xe cũng phải nhổm dậy.
Manhès và bá tước Léo lại gần chúng nhưng với vẻ mặt hoan hỉ đến tàn bạo của dân chúng đặc biệt là dân thành Naples thì người đánh xe nói:
- Được rồi, các ngài cứ để bọn khốn kiếp này nhìn cái cảnh sắp xảy ra, với chúng đây là một bài học nhớ đời.
Nói rồi ngay bản thân anh chàng này cũng ngồi trên ngựa ở tư thế thoải mái nhất để thoả thích xem cái cảnh hành hình.
Chúng ta hãy chờ xem kẻ khiến Naples sôi sục như vậy có đáng với tiếng tăm của hắn chăng.
Chú thích:
(1) Những anh chàng người Pháp này! Những anh chàng người Pháp này!
Chương 105: Cuộc săn đuổi.
Fra Diavolo nổi tiếng ở Pháp qua các vở hài kịch của Quý ông Scrile và Auber hơn là qua những lần liên lạc dài dằng dặc giữa Hoàng đế Napoléon và anh trai của ngài, vua Joseph.
Hắn tên thật là Michele Pezza, sinh ra tại một làng nhỏ ở Itri, trong một gia đình nghèo khó sống lần hồi qua ngày nhờ hai con la chở chút dầu bán cho các làng lân cận. Hắn được đặt biệt danh là Fra Diavolo do những người đồng hương nghĩ ra cái tên nửa thánh nửa trần vì nó kết hợp kiểu chơi chữ ý nói một thày dòng ác như quỷ.
Ban đầu hắn được đưa vào nhà thờ nhưng lại hoàn tục, đi học nghề ở nhà người làm yên thồ cho la và ngựa. Nhưng chẳng được bao lâu, sau một cuộc cãi vã kịch liệt với ông chủ, hắn bỏ về nhà, ngày hôm sau, hắn bắn chết ông ta bằng một khẩu súng trường trong lúc ông này đang ăn cùng ba bốn người khách trong vườn.
Vụ giết người ấy xảy ra khoảng năm 1797, tên sát nhân mới chỉ mười chín tuổi.
Giống như những trường hợp tương tự, hắn bỏ trốn vào vùng núi cao. Sau hai năm hắn làm sơn tặc thì xảy ra cuộc cách mạng năm 1799 và Championnet chiếm đất Naples. Thế là hắn tuyên bố theo nhà Bourbon và trở thành dân Bảo hoàng. Kết quả là hắn làm lễ chuộc tội và chịu ra tay bảo vệ luật thần thánh.
Hắn là người đầu tiên đáp lại lời kêu gọi của vua Ferdinand chống lại quân Pháp. Ban đầu, hắn tập hợp ba anh em của mình phong chức trung uý cho họ, nhân số băng đảng của mình thành gấp ba gấp bốn nhờ số người tự nguyện đến ngày càng đông.
Ngay từ đầu, hắn đã chứng tỏ chủ nghĩa yêu nước của mình trên chặng đường lớn từ Rome đến Naples.
Cuộc treo cổ do hắn thực hiện thật nực cười thay khi hắn vừa rửa tay gác kiếm lại bắt đầu hành nghề trở lại. Cách Itri chưa đầy một dặm, hắn đã cố bắt lại hai hành khách mình mới thả chưa lâu.
Trong chiến dịch ấy, Fra Diavolo giết khá nhiều người: sĩ quan tuỳ tùng của tướng Championnet, chỉ huy của đại đội Claye được cử đến gặp tướng Lemoine, do bất cẩn đã chọn người dẫn đường không chắc chắn bị tên này dẫn đến giữa toán của Fra Diavolo và bị hắn băm thành từng mảnh.
Trong lần tấn công cây cầu Garigriano, sĩ quan tuỳ tùng Gourdel, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh hạng nhẹ và hơn chục sĩ quan và binh lính đã rơi vào trận và bị Fra Diavolo cùng quân của hắn trói vào gốc cây chất những cành cây tươi xung quanh châm lửa từ từ. Trong khi ấy dân chúng làng lân cận, đàn ông, đàn bà trẻ con vừa nhảy múa xung quanh các khúc củi vừa hô vang: "Fra Diavolo vạn tuế.".
Tướng quân Championnet, người từng có dịp đấu với Fra Diavolo một lần đã gần như triệt hạ được băng đảng của hắn mà không sao tóm được hắn, đã thừa nhận tên thủ lĩnh này khiến ông nhọc sức hơn ông tưởng.
Khi vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline bỏ trốn sang đảo Sicile để chờ phản công, Fra Diavolo cũng lên tàu cùng để nhận ý chỉ từ đế vương của họ. Hắn không những không phải là người lạ mà còn trở thành người rất quan trọng đến mức được họ tiếp đãi như bạn bè. Đức vua phong cho hắn chức đại uý còn hoàng hậu tặng hắn chiếc nhẫn tuyệt đẹp có chữ viết tắt của mình sáng lên giữa hai hàng ngọc bích.
Fra Diavolo trở lại miền Đất cày, tổ quốc của hắn. Hắn thành lập ở đây giữa Capoue và Gaète một đạo quân gồm bốn trăm tên.
Viện vào công cuộc phục vụ triều đình, Fra Diavolo ra tay vô cùng thái quá khiến giáo chủ Ruffo cũng không cho phép hắn đặt chân vào Gaète, nhưng giáo chủ buộc phải báo cho nhà vua sự từ chối một trong những đại uý của nhà vua. Thế là nhà vua tự tay viết:
"Ta tán thành việc ngài không cho phép Fra Diavolo vào Gaète như hắn muốn, ta đồng ý với ông đó là một tên thủ lĩnh cướp bóc nhưng mặt khác, ta buộc phải thú nhận rằng hắn đã phục vụ trung thành cho ta, vì lẽ đó mà phải sử dụng hắn chứ không nên ghét bỏ hắn. Cần phải dùng những lời lẽ phải trái để thuyết phục hắn kìm hãm dục vọng của hơn, buộc người của hắn vào khuôn khổ nếu hắn thật sự muốn có vị thế lâu bền từ ta".
Nhưng nếu việc từ bỏ các hành động quá khích giúp Fra Diavolo xứng với lời trách móc nhẹ nhàng của vua Ferdinand, nó còn giúp hắn chiếm được cảm tình của hoàng hậu Caroline vì ngay sau khi chiếm lại Naples, bà ta đã rủ lòng tự tay viết thư thông báo rằng hắn được phong hàm đại tá. Lá thư này còn kèm thêm một chiếc vòng tay kết bằng tóc của hoàng hậu. Ngoài ra, hắn cũng được phong công tước Cassano với bổng lộc 3 nglùn ducats (tương đương với 13200 trăm phăng).
Vua Joseph đoạt ngai vàng nhà Bourbon đã tạo cho Fra Diavolo cơ hội tuyệt vời để tỏ lòng tận trung của hắn với vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline. Hắn đi Palerme. Hoàng hậu cử hắn đến Abruzzes kèm theo những lời vỗ về song cũng như vua Ferdinand, bà hoàng này quên mất việc yêu cầu hắn để mắt đến kỷ luật của đám lâu la.
Fra Diavolo làm đúng theo ý hoàng hậu từng ly từng tí khiến vua Joseph thấy cần tuyệt đối loại trừ kẻ thù này, có thể hắn không nguy hiểm nhưng chắc chắn đáng ghét hơn huân tước Stuart và đám quân Anh của ông ta.
Thế là vua Joseph cho vời tiểu đoàn trưởng Hugo đến. Vua Joseph hoàn toàn tin tưởng vào dũng khí cũng như nghĩa khí của con người này: đó là một người kiểu Plutarque. Lòng trung của ông ta từng khiến ông ta phải chịu thiệt thòi. Trước đây ông tá phục vụ dưới quyền tướng Moreau ông yêu mến, tôn thờ con người ấy. Khi Bonaparte lên ngôi hoàng đế, người ta ký tên vào thư thỉnh nguyện ủng hộ, Hugo cũng ký như bao người khác.
Nhưng khi người ta muốn ông ký vào bản ghi những điều trái với thực tế về Moreau hòng buộc tội cho ông này trong vụ án Cadoudal thì ông từ chối thẳng thừng.
Bonaparte hay tin về sự từ chối ấy và Napoléon đã để bụng.
Ai cũng biết mối tị hiềm Napoléon là thế nào. Một buổi sáng, Hugo được lệnh tham gia quân đội ở Naples, có nghĩa là rời xa hoàng đế cho khuất mắt. Hoàng đế lại chỉ trọng thưởng cho những ai chiến đấu trong tầm mắt ngài mà thôi!
Tuy nhiên, ngài tiểu đoàn trưởng Hugo vẫn có thể hiên ngang lấy một từ trong tiếng Tây Ban Nha để ký tên trong thư gửi con trai ngài một thời gian là: Hierro ("sắt"). Sau những gì tôi vừa nhắc đến, chắc không cần nói các bạn cũng biết khi đó ngài là cha của đại thi hào Victor Hugo của chúng ta.
Và để chứng tỏ ông là người bác ái còn hơn cả anh dũng, con trai ông đã vẽ lại cha mình trong vài vần thơ sau:
Cha tôi, đấng anh hào có nụ cười độ lượng,
Theo sau chỉ một kỵ binh ông mến thương,
Vì lòng gan và vì vóc dáng,
Dong duổi chúng ông trên ngựa sau một trận đánh,
Chiến trường phơi xác người trong bóng đêm
Hình như ông nghe tiếng động vang lên
Một tên Tây Ban Nha lạc trận
Đang lê đi nức nở bên lề đường
Xây xát, thảm thương như người sống dở.
Miệng lảm nhảm than "Nước, rủ lòng cho tôi xin!"
Cha cảm thương chìa cho anh bạn trung thành
Chiếc bi đông rượu Rhum ông vẫn đeo bên ngựa
Rồi nói: "Này cho kẻ bị thương"
Nhưng bỗng nhiên khi anh cúi xuống
Hắn nhổm lên chĩa súng của mình
Nhằm vào trán chạ và hét lên "Mẹ kiếp!"
Viên đạn quá gần sượt qua làm mũ cha rớt xuống
Và con ngựa chồm lên lùi lại phía sau
Cha vẫn ôn tôn bảo: "Cứ cho hắn uống, có gì đâu"
Nguồn: http://vnthuquan.org/