Việc sửa soạn của những chàng trai lịch lãm nhanh chóng kết thúc.
Bá tước Léo mà các bạn đã nhận ra là René là một trong số những chàng trai đó. Vì cấp bậc phụ tá thuyền trưởng Surcouf và cấp đại uý hải quân thứ ba của ngài Lucas không được phê chuẩn nên anh không muốn mặc bộ quân phục xộc xệch như một tên cướp biển hay bộ trang phục tầm thường như một thủy thủ, do đó anh mặc trang phục như thanh niên thời bấy giờ, tức là chiếc áo rơ danh gột cổ nhỏ rủ xuống có đính núm hình khuyết áo, chiếc quần bó bằng vải cachemire, đôi bót ống vểnh, cà vạt và áo gilê trắng, mũ vành vểnh. Ba giờ chiều là lúc người ta báo có người tên là bá tước Léo muốn gặp ngài bộ trưởng Bộ Quân cảnh.
Vẫn còn hai ba người nữa chờ đến lượt gặp bộ trưởng, nhưng vì ngài bộ trưởng muốn gặp bá tước Léo nên bảo họ trở lại vào ngày mai vì thời gian diện kiến đã hết.
Ngài Bộ tướng Quân cảnh Christophe Saliati là người đảo Corse, khi ấy ông đã sáu mươi tuổi.
Là luật sư ở Bastia khi nổ ra cuộc cách mạng Pháp, ông được bổ làm đại biểu và cử vào Quốc hội lập hiến. Ông được tham gia vào việc ra sắc luật nhập những người đảo Corse thành công dân Pháp rồi ông trở thành viên của chính quyền Quốc ước và Hội đồng Năm trăm. Sau cuộc đảo chính ngày 18 Brumaire, ông xa lánh Bonaparte một thời gian do phản đối hành động chính trị này nhưng lại nhanh chóng được tin tưởng. Khi Joseph được phong vua Naples, ông được giao làm bộ trưởng bộ Quân cảnh.
Ông có khuôn mặt đẹp, những đường nét thanh nhã. Ông là cánh tay đắc lực cho vua Joseph Bonaparte trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngài trong chính nhà mình.
Đang ngồi bên bàn làm việc, khi nghe "Bá tước Léo đến!", ông duyên dáng đứng dậy và chỉ cho anh chiếc ghế.
Léo bày tỏ lòng cảm ơn về lòng nhân từ và sự hồi âm nhanh chóng của ông.
- Thưa ngài - ông Saliceti nói - Tôi vừa hân hạnh tiếp ngài vừa âu lo một điều rằng ngài đến Naples để thay vị trí của tôi.
- Ồ thưa ngài - Anh chàng mà chúng ta khi gọi là Léo khi gọi là René vừa cười vừa nói - Cái vị trí này quá hoàn hảo nên tôi có nhã ý định liếc nhìn nó một lát.
- Thế chẳng phải ngài là người đến từ Rome cùng đại uý Manhès hay sao?
- Vâng, thưa ngài và ngài cũng chứng tỏ cảnh sát của ngài đã hoàn tất nhiệm vụ thế nào để tôi còn dám hy vọng thậm chí giữ cái ước muốn viển vông là kế vị ngài.
Khi đi ngang qua nhà tù Vicana, ngài đã để lại đó hai tên cướp bị ngài bắt sống và bỏ lại xác ba tên trên đường đứng không?
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể trong trương hợp như vậy - Léo đáp - Chúng tôi đã không thể làm hơn thế thưa ngài.
- Bây giờ liệu tôi có thể biết điều gì khiến ngài dành cho tôi cái vinh hạnh được đón tiếp, tôi có thể giúp gì cho ngài?
- Thưa Bộ trưởng, tôi có cái bất hạnh bị Napoléon Bệ hạ chối từ song bù lại, tôi cũng không biết vì sao lại được ngài Fouché đoái thương.
- Thế cũng là nhiều rồi đấy. - Saliceti nói - Fouché không xấu như người ta vẫn nói, ông ấy cũng tốt lắm. Tôi biết ông ta từ hồi chính quyền Quốc uớc. Chúng tôi luôn tán đồng quan điểm với nhau và rất gắn bó. Ngài không chuyển nhiệm vụ nào cho tôi đấy chứ?
- Không, thưa ngài. Khi tôi đến nhận lệnh và hỏi tôi phải đi đâu ông ấy bảo: "Anh đã thấy những lời khuyên của tôi đúng chưa? Thế thì tốt, hãy đến Naples, đến gặp ông Saliceti, cố gắng phục vụ em trai hoàng đế cho tốt rồi trở lại gặp tôi".
- Thế ngài không yêu cầu ông ấy tiến cử gì à? - Saliceti hỏi.
- Có chứ, nhưng ông ấy nói với tôi: "Anh bạn thân mến, không cần đâu. Anh là một người đàn ông may mắn, hãy thẳng tiến, may mắn sẽ tìm thấy anh". Vì vậy tôi ra đi. Đến Rome, tại trạm ngựa tôi gặp đại uý Manhès: chắc là sự khởi đầu may mắn như ngài Fouché dự đoán, rồi đến đầm Pontins, chúng tôi gặp sáu tên cướp chặn đường, chúng tôi đã hạ ba tên, bắt hai tên làm tù binh như ngài biết đấy. Cuối cùng, vẫn là may mắn đồng hành cùng chúng tôi, chúng tôi đã đến vừa kịp lúc xử Fra Diavolo.
- Ngài là người đồng hành rất tuyệt, tôi đã biết điều đó, ngài có muốn gì ở tôi không?
- Thưa Bộ trưởng, thực tình tôi bắt đầu đồng ý với ngài Fouché. Ngài hãy vạch cho tôi một con đường, tôi sẽ đi theo.
- Ngài không phải là nhà ngoại giao cũng không phải là người mánh khoé đúng không? - Saliceti hỏi.
- Ồ thật lòng là không. - René đáp - Tôi chỉ là một binh sĩ hoặc là một thủy thủ thôi. Hãy cử tôi đến những nơi tôi có thể cho mình chết đi, trên biển hay trên cạn với tôi đều như nhau cả.
- Tại sao phải làm anh chết cơ chứ?
- Vì tôi là người tham vọng, vì tôi muốn có một vị trí thật cao, chỉ như vậy tôi mới lấy lại hạnh phúc mà tôi đã đánh mất.
- Chúng tôi không có hải quân thưa ngài. Chúng ta đã chuẩn bị hai tàu chiến và nó chỉ hoàn thành sau hai năm. Như thế thì lâu cho ngài quá. Chúng tôi cũng không có chiến tranh gì lớn. Mảnh đất Gaète cũng sắp đầu hàng trong năm sáu ngày nữa. Ngài là tay săn hổ báo cự phách nhưng chúng tôi không có rừng rậm như ở Miến Điện, chúng tôi chỉ có những con hổ tên là Tombio, Parafante, Benincasa, Ireland Bizzarro(1). Ngài có muốn săn những con hổ ấy không? Sẽ là một cấp hàm cho mỗi con ngài hạ hay bắt sống.
- Tôi đồng ý. - René nói - Tôi thích những cuộc đại chiến, tôi thích làm quân nhân hơn là thợ săn, nhưng ngài Fouché có lẽ có cái lý của ông ấy khi hướng tôi về lĩnh vực này.
- Tôi nghĩ mình hiểu suy nghĩ của ông ấy. Đó là ông ấy rất quan tâm đến ngài và ông ấy gửi ngài đến chỗ tôi vì chắc tôi sẽ chia sẻ mối quan tâm ấy. Tôi sẽ nói về ngài với Đức vua, hãy quay lại đây gặp tôi.
- Khi nào?
- Ngày mai.
René đứng dậy và cúi chào.
- Ngài cho phép tôi báo cho ngài Fouché mọi việc chứ? - Anh hỏi.
- Ngài hãy viết sang Pháp càng ít càng tốt, ngài từng viết trong thư về những người ngài yêu hay ghét. Trong lúc này hãy hạn chế những lời tiến cử.
- Tôi hiểu thưa ngài nhưng làm sao với một người vĩ đại như Ngài Napoléon…
- Suỵt! Saliceti nói - Ngài Napoléon là đồng hương của tôi, và trước mặt tôi, tôi chỉ cho phép người ta so sánh ông ấy với mặt trời: Mặt trời cũng còn có vết thưa ngài.
Bá tước Léo chào rồi xin phép ông Bộ trưởng đi ra.
Về đến cửa khách sạn La Victoria, anh gặp lại Manhès. Khuôn mặt của chàng đại uý trẻ sáng lên:
- Nhân thể tôi báo cho ngài một điều - Anh ta nói - tôi đã kể về ngài với đức vua, bệ hạ đã nói với tôi là muốn gặp ngài.
- Bạn thân mến của tôi - Léo nói với Manhès - Từ khi tôi quan hệ với các bộ trưởng và tôi vừa gặp ngài Saliceti chừng bốn mươi lăm phút, tôi trở thành người có nhãn mác rồi. Ngài Saliceti có lòng sẽ nói về tôi với Bệ hạ cứ để ông ấy làm vậy, tôi nghĩ ông ấy muốn tôi theo con đường khác với con đường ông ấy định chỉ cho tôi.
- Tất nhiên, ngài có lý lắm. - Manhès nói - Nhưng từ giờ đến đó còn phải xem đã. Bây giờ ngài định làm gì với phần ngày còn lại? Ngài có muốn ăn tối ở Pompei không?
- Rất sẵn lòng - Léo nói rồi rung chuông:
- Phục vụ - Anh bảo - chuẩn bị một cỗ xe đẹp và hai con ngựa tốt cho ngày hôm nay nhé.
Ông chủ Martin Zir cho đóng ngựa vào cỗ xe đẹp nhất khách sạn ông ta hiểu rằng hai chàng trai mới đến cách một tiếng, một người đã được vua triệu kiến, người kia đến nhà ngài bộ trưởng, thì phải là người xứng đáng với mọi ánh mắt ngưỡng mộ.
Hai chàng trai lên xe.
Ngày hôm ấy quả rất đẹp: dù mới chỉ ở nửa kia của tháng giêng nhưng người ta đã cảm thấy từ phía đảo Sicile những làn gió biển ấm áp làm những đoá hoa hồng Paestun nở bung gấp hai lần bình thường và sắp run rẩy chết đi dưới đáy vịnh Baies.
Tuy thời tiết chưa sang xuân nhưng cũng không còn cái giá băng mùa đông. Cái bến cảng Le Môle rất bẩn tuy vậy cũng rất náo nhiệt trải dài từ Piliero đến cổng del Carmine. Những con lợn con mà người ta vấp sau mỗi bước chân là những lao công duy nhất trên các đường phố ở Naples. Nước vịnh nơi này sáng lên cùng mũi Campanella một bên và bên kia là mũi Misène. Đảo Cap xanh lơ nằm trên các con sóng như một cò quan tài, những lớp sóng bạc tràn dâng như các thiếu nữ mang đoá hoa còn ngủ dưới lớp tuyết bừng lên trước không khí ấm áp và vui vẻ nói với Métestase rằng:
Ồ tuổi trẻ, mưa xuân của cuộc đời!
Ồ mùa xuân, tuổi trẻ trong nam!
Tất cả cười đùa, ca hát ném những bông hoa hay chửi rủa. Cảnh đấy kéo dài hai dặm, tức là từ Môle đến tận Resina. Đến Resina, quang cảnh đã thay đổi. Vẫn những thiếu nữ, những tu sĩ, những ca sĩ và những chú lợn con như thế song tất cả gắn với những nhà làm mì ống, một thứ nghề truyền thống quen thuộc với mọi người dân Portici.
Biểu tượng nơi đây là hình ảnh khổng lồ về những người đàn ông mình trần cõng trên lưng những khối bột to vừa nói tới những luật sành ăn trên đời. Chắc chắn những người làm mì ống ở Portici là có tiếng nhất trong toàn cõi Italie.
Đến gần Torre del Greco, hai thanh niên ngỡ mình lạc vào một cuộc nổi dậy hay một cuộc tấn công băng cướp. Tiếng súng vang lên dồn dập đến độ họ thấy tiếc khi không mang vũ khí theo.
Thế nhưng khi lại gần hỏi thăm họ mới vỡ lẽ ra chẳng có cuộc đọ súng nào cả mà đó là những tiếng của vô số tiếng ném hộp để chào thánh Antoine.
Hai chàng trai của chúng ta không để ý đến lịch, tưởng đến tháng sáu mới diễn ra buổi lễ thần thánh nổi tiếng. Nhưng người ta giải thích cho hai chàng rằng đó không phải là lễ thánh Antoine de Padoue, người chiến thắng Vésure và thuần hoá ngọn lửa mà là lễ thánh Antoine được minh hoạ bằng âm mưu của Callot cơ. Việc chào mừng, tôn vinh thánh giải thích cho họ tại sao lại có nhiều lợn con chạy trên đường đến vậy.
Cuối cùng họ cũng đến Pompei.
Thành phố dưới lòng đất hồi ấy vốn còn nguyên chứ không bị san phẳng như ngày nay. Nó từng nổi tiếng đến mức cho người ta cái ý tưởng tuyệt vời rằng nếu đào lại sẽ thu hút rất nhiều khách hiếu kỳ.
Đến đây, bá tước Léo giải thích cho bạn mình thế nào là atrium impluvium, triclinium(2) và cuối cùng là lối kiến trúc của một ngôi nhà Hy Lạp - La Mã.
Vừa ra khỏi lòng đất, họ đi vào phố Lăng Mộ, những chiếc ghế băng hình vòng mà người chết rất thích được đặt quanh mộ của họ để những người thân cha mẹ, bạn bè hay đơn giản là những người đi dạo đến ngồi.
Anh cũng chỉ cho Manhès như thể anh đang sống ở thời kẻ phóng túng Diomède cho xây ngôi nhà đẹp nhất thị trấn.
Đêm xuống trước khi Manhès kịp thoả chí tò mò của mình. Họ như lùi lại mười tám thế kỷ và trải qua ba giờ với người đương thời Pline l'Ancien và Pline le Jeune.
Rồi đột nhiên, bối cảnh thay đổi, thay vì bóng tối và sự im lặng chốn nghĩa địa, họ đi vào một đường phố sống động và náo nhiệt hình như ở chỗ này, buổi tối còn ầm ĩ hơn ban ngày. Mặt trăng treo lơ lửng như một quả đạn bị súng cối khổng lồ bắn lên trời Biển giống như một tấm rèm bằng hơi bạc trên đó vài chiếc thuyền toả ánh đèn vẽ lên vệt đen hình một ngư dân tay cám đinh ba rình đâm con cá mà ánh đèn nhử nó ngoi lên mặt nước.
Chặng đường dài từ Pompei trở về Naples được những vì sao soi bằng hàng hà đốm sáng giống như trên đường thành Rome một tối thắp moceoleti vào những ngày cuối cùng của lễ hội hoá trang (3)
Phải tận mắt nhìn cử động ấy, có thể nói phải cảm giác thoát khỏi mọi lời nói xung quanh mới hiểu được mạch sống cương trào từ tay Chúa gieo trồng trong những tỉnh lỵ được ánh nắng mặt trời ban phước này
Đến Portici, xe dừng lại cho ngựa nghỉ lấy sức. Cỗ xe nhanh chóng bị đám dân hiếu kỳ mến khách vây quanh, họ leo lên bậc xe đến nhìn tận mắt, sờ tay vào những riềm bạc của Manhès hay hình trang trí khuyết áo bằng lụa của Léo.
Đột nhiên, giữa đám đông xuất hiện một tu sĩ dòng thánh François và một kẻ hành khất.
Kẻ hành khất nói bằng đặc ngữ Naples vô cùng thiểu não khiến người ta ngỡ rằng ông ta sắp kiệt sức.
- Một grano xin các đức ông! Một grano xin các đức ông! - Tôi đói chết mất, tôi chưa ăn gì từ ba ngày rồi!
Viên thầy tu vừa nói bằng cái giọng mũi khìn khịt phân biệt rõ tông đồ dòng François vừa lắc lắc cái túi tiền trong đó có vài xu.
- Các quý ngài, hãy ban chút gì cho những linh hồn tội lỗi phải chịu trong bể khổ từ hơn nghìn năm qua mà các vị cũng nghe tiếng gào thét của họ mặc những âm thanh vây quanh chúng ta, nếu bể khổ không ở trong lòng đất.
Kẻ ăn xin nhắc lại.
- Lạy đức ông!
Trong khi vị thầy tu cũng lặp lại.
- Các quý ngài!
Thế là Manhès ra hiệu muốn nói.
Cả hai con người trên đều im bặt.
- Này ông bạn - Anh nói với thầy tu - Nếu các linh hồn đã chờ được suốt nghìn năm trong bể khổ, họ vẫn có thể chờ thêm vài ngày nữa, trong khi kẻ khốn khổ này không có gì ăn suốt 72 giờ qua thì không nên bỏ lỡ giây phút nào kẻo ông ấy chết vì đói mất.
Nói rồi anh kéo túi tiền của vị thầy tu mở ra rồi dốc vào mũ của kẻ hành khất. Xong việc, anh bỏ mặc vị thầy tu đứng như trời trồng quay về phía người đánh ngựa hô to:
- Avanti! Avanti!
Cỗ xe lao đi nhanh và chỉ dừng lại trước cổng khách sạn La Victoria.
Chú thích:
(1) những tên cướp thời ấy.
(2) Tên những bức hoạ tuyệt đẹp trong biệt thự của Diomède, sau này người ta khai quật được và đưa vào viện bảo tàng Naples.
(3) Lễ hội có thắp vô số nến
Chương 110: Vua Joseph.
Vào khoảng trưa hôm sau, khi hai chàng trai dùng bữa xong, một người cưỡi ngựa mang thư của ngài Bộ trưởng đến với nội dung như sau:
"Thưa ngài bá tước,
Tôi chờ ngài đến ba giờ chiều nay để giới thiệu ngài với Bệ hạ, người mà tối qua, trước khi tôi kịp giới thiệu ngài, đã tỏ ý muốn gặp ngài. Khi từ lâu đài trở về, chúng ta sẽ ăn tối, tôi sẽ giới thiệu với ngài con gái tôi, nữ công tước Lavello người rất muốn làm quen với ngài.
Tời cũng nhờ ngài chuyển lời mời dùng bữa tôi trong lá thư thứ hai đến bạn của ngài, đại uý Manhès, người tôi không rõ địa chỉ, tôi mong ông ấy cũng đến nhà tôi khoảng năm đến sáu giờ".
René chuyển lá thư thứ hai đến tay Manhès, anh chàng này đáp lại là rất vinh hạnh và sẽ đến theo lời mời của ngài bộ trưởng.
Ba giờ, bá tước Léo xuất hiện tại nhà ngài Saliceti. Anh thấy ngài Bộ trưởng đã sẵn sàng, cỗ xe đã thắng ngựa.
Vua Joseph, con cả trong nhà, người đã sẵn sàng nhường ngôi trưởng cho Napoléon vì tài năng xuất chúng của em, là một người đàn ông bốn mươi lăm tuổi, nét mặt phúc hậu và niềm nở.
Tính khí của con người này ôn hoà ngang với tính gây gổ của em ông. Đây là người đầu tiên trong nhà Napoléon có ý định dành cho một ngai vàng. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng trên ngai vàng cũng như ở cương vị khác, Joseph luôn là người tận tụy và nghe lời em trai nhất nhà.
Không có gì kỳ lạ hơn là suốt 89 tập thư từ trao đổi giữa Napoléon và Joseph, trong đó Joseph luôn gọi em là "Ngài" và "Bệ hạ", trong khi Napoléon gọi lại bằng một từ không đổi "Anh".
Rất nhiều trong số thư từ ấy là những lời khuyên, vài thư là mệnh lệnh và thật kỳ lạ hơn nữa là dù Napoléon chưa từng ở Naples nhưng lại biết rõ tình hình nơi đây hơn cả Joseph đang tại vị. Napoléon hay đề cập đến lòng tốt quá mức của anh trai. Vị hoàng đế không muốn nương tay trong luật pháp hoàng tộc, ông đặc biệt không thích ân xá cho bọn cướp, trộm cắp và ngay cả các thầy tu. Chính vì vậy mà tử tước Rodio, kẻ leo được lên tước vị ấy nhờ vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline, tiếp tục ủng hộ cho lực lượng du kích sau khi vua Joseph thay Ferdinand, bị bắt ở Pouille khi trong tay đang cầm vũ khí, bị đưa ra toà, được thừa nhận là tù binh chiến tranh và được xá tội. Nhưng có một mệnh lệch "cấp cao" đưa đến, toà xử lần thứ hai được triệu tập và kết hội hắn. Đức vua vắng mặt, Saliceti cho xử bắn kẻ này.
Về việc này, vì vua Joseph lấy làm tiếc khi người ta không cho ông được thoải mái ân xá, Napoléon đã viết một lá thư dài mà chúng tôi xin trích đoạn dưới đây:
"Anh cứ so sánh dân Naples với dân đảo Corse, anh hãy nhớ khi chúng ta vào Niolo, bốn mươi tên nổi dậy đã bị treo cổ lên cây và nỗi sợ đã khiến không kẻ nào dám ho he nữa. Còn chuyện khi em trở về từ Grande Armée lập tức nơi đó nổi dậy. Em đã cử Junot đến nhưng tình hình không thay đổi, em bèn ra lệnh đốt trụi hai làng và cho xử bắn kẻ nổi dậy, trong đó có sáu tên thầy tu. Thế là đâu vào đấy, xứ ấy thuần phục và còn thuần phục lâu nữa. Tất nhiên, em không đề nghị anh noi gương em. Song phải công nhận đó là một sức mạnh. Nếu anh trị vì nghiêm khắc và kỷ luật dân Calabre cũng như những vọng khác có ba mươi năm nữa cũng sẽ không nhúc nhích.
Em sẽ kết thúc thư của mình như em đã bắt đầu. Anh sẽ là vua Naples và Sicile, anh sẽ có ba, bốn năm hoà bình. Nếu định làm ông vua trễ nhác, nếu anh không cầm chắc dây cương trong tay, nếu anh chỉ nghe ý kiến của dân chúng, đám người chỉ biết điều họ muốn, nếu anh không từ bỏ những lạm dụng và những vị tha cũ theo cách anh vẫn làm, nếu anh không thiết lập những áp đặt mà anh có thể thực hiện nhờ sức của người Pháp, người đảo Corse, người Thuỵ Sĩ, người Naples và trang bị vũ khí cho các tàu chiến, anh sẽ chằng làm được gì hết và trong bốn năm nữa, thay vì có ích cho em, anh lại làm hại em vì anh sẽ tước đi các phương cách của em. Anh hãy nhớ kỹ điều em nói: Sự trị vì của anh phụ thuộc vào kết quả xử lý vùng Calabre. Đừng tha thứ. Hãy dùng vũ lực với ít nhất sáu trăm phần tử nổi dậy. Chúng làm phương hại số lượng lớn binh sĩ của ta. Hãy cho đốt nhà của ba mươi trưởng làng và hãy phát vãng tài sản của họ cho quân đội. Hãy giải giáp vũ khí với mọi người dân và cho càn qua năm hay sáu làng lớn, những làng tỏ ra cứng đầu nhất.
Vì Calabre nổi dậy, tại sao anh không dùng nửa tài sản quốc gia cho quân đội? Đó sẽ là một nguồn cứu cánh rất lớn đồng thời tạo tiền lệ cho tương lai. Người ta không thay đổi cũng không cải cách một Nhà nước với đường lối mềm mỏng. Phải có những giải pháp khác thường và cứng rắn. Vì dân Calabre sát hại quân sĩ của em, em sẽ tự ra sắc chỉ trưng thu nửa phần thu nhập của tỉnh đó. Nhưng nếu anh bắt đầu bằng việc thực hiện những quy tắc để không cho họ nổi dậy, họ sẽ luôn dựa vào anh, lòng tốt của anh, thứ chỉ là sự yếu đuối sẽ là nấm mồ cho nước Pháp.
Anh là người quá tốt bụng".
Thực tế là vua Joseph rất hiền, do đó mà ông không làm vua được bốn năm tại Naples mà chỉ được hai năm.
Saliceti vừa được thông báo ông đến cùng bá tước Léo. Anh chàng Manhès không biết gì về cuộc diện kiến của bạn mình, đã đang ở bên cạnh vua Joseph.
- Thưa ngài - Vua Joseph nói với Léo sau khi đáp lại lời khen tặng của Saliceti và lời chào kính trọng của Léo - Hôm qua, nghe bạn đồng hành của ngài, ngài Manhès, sĩ quan tuỳ tùng của em rể Murat của tôi, cách ngài đối xử với sáu tên cướp chặn đường ở đầm Pontins. Tôi có lời khen với hành động ấy, nhưng đến tối qua ngài Saliceti, người ngài được tiến cử đến do một trong số người bạn tốt nhất của ông ấy, rằng ngài muốn phục vụ trong quân đội. Với quyết định này, ta phải làm điều hơn cả khen ngợi, ta nợ anh lời cảm ơn.
- Tâu bệ hạ - Bá tước Léo đáp - Chắc ngài Bộ trưởng đã nói với Bệ hạ là thần không có chút tham vọng nào cả. Những gì Bệ hạ ban cho thần, dù có ít thế nào, với thần cũng là đủ. Một khi có súng trong tay, nếu bệ hạ cho thần làm binh sĩ bình thường, một khi có kiếm trong tay nếu bệ hạ cho thần làm sĩ quan, tức là thần phải làm cho xứng với lòng tốt của bệ hạ và thần sẽ làm hết sức.
- Ông Saliceti đã nói với ta rằng anh từng phục vụ trong hải quân?
- Thần từng làm cướp biển với một trong những người tên tuổi nhất bờ biển nước ta, với thuyền trưởng Surcouf người Malo.
- Ta có nghe nói anh có mặt ở trận Trafalgar. Làm sao anh tham gia trận Trafalgar được nếu anh trên tàu cướp biển?
- Được biết trận đại chiến sắp xảy ra, thần xin vào phục vụ cho chỉ huy tàu Redoutable, thuyền trưởng Lucas. Nhờ tướng Decaen, đảo trưởng đảo Pháp và ông chủ Surcouf giới thiệu nên chỉ huy Lucas đã cho thần làm đại uý thứ ba trên tàu Redoutable, thay vị trí còn khuyết.
- Và trên tàu Redoutable, ông Saliceti đã bảo với ta anh không chỉ chiến đấu mạnh mẽ như một con sư tử mà còn có khả năng là người đã bắn chết Nelson đúng không?
- Thần không bao giờ dựng lên chuyện này tâu bệ hạ, trước hết vì thần không chắc chắn về điều đó, thứ nữa là Nelson là một chiến binh vĩ đại mà thần sẽ xấu hổ khi bịa chuyện về cái chết của ông ta.
- Thế khi từ Anh trở về, anh không gặp lại chỉ huy Lucas sao?
- Có chứ tâu Bệ hạ.
- Thế chỉ huy Lucas không nói về anh với em trai ta à?
- Ông ấy đã làm như vậy, tâu bệ hạ.
- Thế tại sao ông ấy không giới thiệu anh tới gặp hoàng đế
- Ông ấy đã dành cho thần cái vinh dự đó.
- Thế mà em ta không những không thưởng gì cho anh mà còn không thừa nhận cấp bậc của anh ư?
- Thần không thể trả lời tâu bệ hạ vì như thế là thần hoặc buộc tội mình hoặc buộc tội em trai bệ hạ. Nếu hoàng thượng ra lệnh cho thần buộc tội mình thì…
- Thôi! Thế đủ rồi - Vua Joseph nói và chạm tay vào vai bá tước Léo kèm theo một nụ cười - Anh hãy đem kể mọi chuyện với ông Saliceti người mà ta mới bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quân cảnh ấy. Về chuyện này, ông ấy sẽ làm tốt cả những gì anh muốn - Rồi gật đầu ra hiệu cho lui - Nếu anh không hài lòng về ông ấy, cứ đến phàn nàn với ta.
- Thần không bao giờ phàn nàn tâu bệ hạ - René nói.
- Nhân đây - Joseph nói với theo buộc René dừng lại khi anh sắp bước qua ngưỡng cửa vì hiểu cuộc triệu vời đã xong - Ta không thể mời anh đi săn như ở Ấn Độ nơi anh giết hổ, báo nhưng trong rừng Asproni ta cũng có nhiều lợn lòi lắm, nếu anh không chê con mồi yếu đuối ấy, ông Saliceti sẽ để anh đi dạo bao nhiêu lần trong đó cũng được.
René cúi mình đa tạ rồi lui ra.
Manhès còn ở lại phía sau nhà vua, nháy mắt và tay ra hiệu anh sẽ ra ngay sau đó. Thật ra Manhès lui lại để xem phản ứng của vua Joseph với người bạn của mình là thế nào, và cái khuôn mặt tươi roi rói của anh khi ra gặp René cho thấy ấn tượng của nhà vua là rất tuyệt.
Quả nhiên như vậy, khi cánh cửa chưa khép lại sau lưng Manhès vua Joseph đã rút một cuốn sổ tay trong túi ra, cuốn sổ này dùng để ghi chép những điều ngài sợ không nhớ được và đã viết vài dòng bút chì như sau: "Giới thiệu hoặc với Reynier, hoặc với Verdier chàng trai mà mình thấy đó là một mẫu mực về lòng can đảm và sự hào hoa".
Chương 111: Il Bizzarro
Ngài Saliceti và hai vị khách của mình trở về dinh bộ Chiến tranh. Ngài Saliceti cũng đã đoán được ấn tượng mà René để lại trong vua Joseph là thế nào. Riêng Manhès thì rất yên lòng vì vài câu đức vua nói với anh khi anh nấn ná ở lại thêm cạnh ngài. Chỉ cần cái bắt tay của mình với René anh cũng cho René biết cảm tình của nhà vua là rất tốt. Tiểu thư Lavello đang đợi cha mình và hai vị khách trong phòng.
Tiểu thư là một cô gái vô cùng trẻ đẹp được cha cô hết mực yêu quý Khi toà lâu đài của Bộ chiến tranh bị sập một năm sau đó khi tiểu thư suýt thiệt mạng dưới đống đổ nát, ngài Saliceti cũng chết đi sống lại không phải vì hậu quả của cơn chấn động mà do quá lo cho cô con gái yêu.
René được giới thiệu ra mắt trước cô và với thiên tư của một cô gái tinh tế, lịch lãm cô nhanh chóng nhận ra sự hào hoa và phong cách của chàng trai trẻ này.
Họ ngồi vào bàn ăn.
Ông Saliceti muốn nhân trong bữa ăn gia đình để nói chuyện thoải mái với hai thực khách. Về phần René, ông không hiểu thêm gì nhiều vì do khiêm tốn hay tế nhị, ông nhận ra anh chàng này không thích nói về mình, thế là ông hy vọng có thể dựa vào Manhès, anh này sẽ cho mình biết những gì ông không thể biết được từ René.
Người thứ sáu ngồi vào bàn là thư ký thứ nhất của ông bộ trưởng người này cũng là người đảo Corse như ông Saliceti.
Câu chuyện bắt đầu rôm rả ngay khi họ mới ngồi vào bàn.
- Thưa ngài, - ông Saliceti nói với khách - Ngài định sử dụng cái tên nào? Nếu là tôi, tôi sẽ dùng cái tên anh bạn Manhès của ngài đặt cho: bá tước Léo là một cái tên đẹp phải không con gái của cha?
- Nhất là cái tên Léo tựa như muốn nói đến sư tử - Tiểu thư Lavello đáp.
- Tôi dùng cái tên ấy không với nghĩa là sư tử đâu, thưa tiểu thư tôi dùng cái tên này là bởi nó do một người bạn tôi yêu mến và đáng kính đặt cho. Ngài bộ trưởng và tiểu thư thích cái tên này lại là một lý do khiến tôi sẽ giữ nó.
- Vị khách thân mến của tôi - ông Saliceti nói - bây giờ chúng ta hãy quyết định công việc như người trong nhà nhé. Cũng giống như ông bạn Fouché của tôi từng khuyên ngài đầu quân vào tàu cướp biển rồi vào chiến hạm quốc gia, tôi cũng có những đội quân đặc biệt và những đội săn bọn đạo tặc để khuyên ngài tham gia. Trong những đội quân đặc biệt, hiếm khi ai có cơ hội thăng tiến, nhưng trong đội săn cướp thì ngược lại, việc truy lùng còn hiểm nguy hơn chiến đấu thông thường, người ta có cả chục cơ hội tỏ bản lĩnh và thu hút sự chú ý. Nói ngay như ông Hugo đấy - Giữa chúng ta tôi cũng chẳng giấu giếm gì - ông ấy bị sự trả thù nho nhỏ mà cứ mãi ở chức chỉ huy, mặc dù rất xuất sắc trong trận Caldiero. Nhưng mới đây, khi tóm được Fra Diarolo, chẳng mấy chốc ông ấy sẽ đeo lon đại tá cho mà xem.
- Anh nghĩ sao, Manhès? - René hỏi.
- Lạy Chúa! Tôi nghĩ ngài bộ trưởng đã cho anh lời khuyên quá lý thú đấy! Xin tiểu thư bỏ quá cho. Tôi muốn ở lại cùng anh săn lùng bọn cướp rồi đấy.
- Hơn nữa - Viên thư ký xen vào - chúng tôi có một tên rất bất hảo. Nếu hắn tiếp tục, những tên như đồng bọn của Benincasa, Taccone và Panzanera sẽ chỉ là những tay trộm vặt.
- Hôm nay ông có tin tức quan trọng nào không? - ông Saliceti hỏi.
- Có cận vệ của tướng Verdier đã gửi thư cho tôi.
- Thế tên cướp của ông tên là gì thế? - ông bộ trưởng hỏi tiếp.
- Hắn vẫn chưa bị sơ hở nhưng làm nghề này thì sớm muộn gì cũng phải lộ diện thôi. Hắn tên là Il Bizzano. Đó là một thanh niên khá trẻ, mới chỉ hai mươi lăm tuổi là cùng.
- Để xem - Manhès nói - chính chúng tôi là người sẽ đánh giá điều đó.
- Ngay từ hồi còn ít tuổi - Viên thư ký của ngài Saliceti nói tiếp - hắn đã phục vụ cho một đại tá giàu có và quyến rũ luôn con gái ông ta. Đôi trẻ bất cẩn không che đậy tình cảm của mình khiến các anh cô bé tò mò rình hai kẻ yêu đương và bắt quả tang đúng lúc không thể chối vào đâu được…
- Này, này - Tiểu thư Lavello nói - xin ông ý tứ cho!
- Nhưng thưa quý cô - Viên thư ký vừa nói vừa cười - cũng phải giải thích để mọi người còn hiểu chứ.
- Thôi được rồi, Robert - ông Saliceti nói.
- … không thể chối vào đâu được - Viên thư ký cứng đầu nói tiếp - và đâm kẻ tình lang mấy nhát dao rồi bỏ hắn chết ngất trên một đống phân. Những người tốt bụng đi ngang qua thấy một cái xác họ đưa hắn về nhà thờ trong làng, để đọc xong bài kinh cầu siêu. Thi thể hắn phải ở lại đó đến sáng hôm sau.
Nhưng tên sát nhân yên chí hắn đã chết. Quả thật, hắn đã được đưa vào trong quan tài, được đọc những bài kinh cầu siêu.
Đêm xuống, các cha xứ lần lượt ra khỏi toà nhà. Ai cũng nghĩ chỉ còn việc đóng nắp quan tài và hạ kẻ yêu đương xấu số xuống đất ngay cạnh nhà nữa là xong.
Nhưng vị cha cố cuối cùng vừa ra khỏi, kẻ nằm đó đã mở mắt, thò đầu ra khỏi cỗ quan tài, nhờ ánh sáng đèn nến đang cháy, hắn thấy nhà thờ hoàn toàn vắng vẻ.
Ban đầu, hắn không hiểu chuyện gì đã xảy ra và mình đang ở đâu Nhưng máu chảy khiến hắn kiệt sức và nỗi đau từ các vết thương nhắc cho hắn nhớ lại chuyện gì đã đến với mình. Hắn gắng gượng ra khỏi cỗ quan tài rồi lết ra khỏi nhà thờ tiến về phía rừng núi, chốn ẩn nấp vĩnh cửu của những kẻ chạy trốn.
Tấn thảm kịch mà tôi vừa kể cho các vị nghe màn đầu tiên ấy diễn ra vào khoảng năm 1800, Bizzano, kẻ anh hùng, hồi ấy mới chỉ mười chín tuổi.
Trong suốt bốn hay năm năm sau, không ai nghe nhắc đến cái tên Bizzano. Chỉ có điều khi thấy cỗ quan tài trống rỗng, lập tức người ta hiểu ngay hắn đã bỏ trốn. Rất có thể hắn đã gia nhập một băng trộm cắp và giết người trong suốt năm năm dưới sự chỉ huy của tên Soriano, kẻ trừng tuyên bố bảo vệ triều đình Bourbon khi cuộc tấn công lần thứ hai của quân Pháp tiến vào Naples và đưa vua Joseph lên ngôi vua nơi đây.
Lòng can đảm và máu lạnh của Bizzano đã nhanh chóng đưa hắn vượt lên mọi tên khác. Hắn được bầu làm thủ lĩnh và khi quyền độc tài đã nằm trong tay, hắn nghĩ thời điểm trả thù đã đến.
Kết quả là vào một ngày chủ nhật, khi tất cả dân chúng trong làng Varano - Đó là tên ngôi làng hắn bị bỏ cho chết - bao gồm cả gia đình nhà chủ cũ của hắn tụ tập làm lễ tại chính nhà thờ nơi hắn bị bỏ lại qua đêm, Bizzano theo bè lũ của hắn vào nhà thờ, tiến đến tận chính điện ra lệnh cho mọi người ra ngoài.
Đám đông nghe theo ban đầu họ ngạc nhiên nhưng sau đó cự lại lưỡng lự một lát. Nhưng Bizzano xưng tên và doạ sẽ đốt nhà thờ. Tiếng tăm của hắn đã nổi lắm nên không ai lưỡng lự nữa.
Tất cả lao ra cửa. Dưới con mắt của hắn, một đám đông câm lặng, sợ hãi, hoảng hốt trước đám lâu la lần lượt đi qua.
Có hai nạn nhân bị đọc tên đích danh ở lại là hai con trai ông chủ cũ của hắn tức hai anh traí của người tình, hai kẻ đã đâm hắn.
Không được may mắn như hắn, hai con trai ông chủ đã ngã xuống mà không bao giờ đứng dậy được. Nhưng món nợ của Bizzano đâu đã xong, vẫn còn thiếu ba nạn nhân nữa vì ông chủ trước kia của hắn có tới năm người con trai, người tình của hắn có năm anh em trai và như vậy phải trả món nợ không phải hai mà tất cả là năm tên.
Bizzano vào nhà thờ cùng đám tay chân của mình. Hắn tìm được những kẻ cần tìm nấp sau điện thờ. Tự tay hắn đâm chúng như đã đâm những người đầu tiên, như thể với hắn hoàn tất cuộc trả thì là một thú vui tự hắn dành cho mình. Bizzano đi tìm hai người khác là ông bố của người tình và chính người tình của hắn.
Hắn chạy đến nhà ông già, bắt gặp ông ta đang bị ốm và cô con gái đang chăm sóc.
Cô này nhận ra người yêu cũ đoán được hắn đến để hoàn thành cuộc trả thù khủng khiếp nên đã lao ra cản nhưng Bizzano đẩy cô ta ra trút nốt nỗi giận dữ lên đám đàn ông trong nhà, hoàn tất cuộc thảm sát đẫm máu, bế cô gái ngất xỉu đặt lên ngựa và trở vào vùng rừng núi.
- Thế cô ta ra sao? - Tiểu thư Lavello hỏi - Người ta có tin tức gì về cô ta không?
- Than ôi thưa quý cô tôi buộc phải nói ra cái điều đáng hổ thẹn cho thanh danh giới nữ của quý cô: đó là ở cô ta, tình yêu lại mạnh hơn quan hệ huyết thống, ả tiếp tục yêu Bizzano, người từng là nạn nhân của cha và anh em mình, về sau ả vẫn tiếp tục yêu hắn, kẻ giết hại chính cha và anh em của ả. Giờ đây, băng đảng của Bizzano đã có tổ chức quy củ, người ta luôn thấy chúng cưỡi ngựa bên thủ lĩnh của chúng. Trong những đợt càn quét, điên cuồng, chúng tỏ ra táo tợn hung dữ rất xứng với Bizzano.
- Thế người ta không thể bắt được tên khốn kiếp ấy à? - Tiểu thư hỏi.
- Cái đầu hắn có giá hai nhìn ducats thưa cô, nhưng cho đến bây giờ chưa ai dám phản bội hắn, hắn đã thoát khỏi mọi cạm bẫy và chiến thuật giăng ra.
- Được đấy bá tước Léo - Manhès nói - ở vị trí của cậu, thề danh dự người lính tôi sẽ có cái đầu của Bizzano hoặc tôi mất tên của mình.
- Tôi sẽ giữ lại tên của mình - Léo đáp gọn - và tôi sẽ có cái đầu của hắn.
- Đến ngày ấy, tôi sẽ trao tay mình cho anh hôn - Tiểu thư Lavello nói.
Nguồn: http://vnthuquan.org/