Câu chuyện của Hector đã kéo dài hai tiếng Claire khóc nhiều đến nỗi Hector phải dừng lại không biết có nên tiếp tục hay không.
- Xin cứ tiếp tục xin cứ tiếp tục ạ! - Claire nói.
- Mong tiểu thư thứ lỗi vì tôi vẫn chưa kể gì về mình.
Claire chìa tay nắm lấy tay Hector.
- Chàng đã phải chịu nhiều đau khổ quá - Cô thì thầm.
- Xin hãy khoan, và tiểu thư sẽ thấy chỉ mình nàng làm tôi quên hết phiền muộn trong đời.
- Tôi vốn không thân quen Valensolles, Jahiat và Rihier nhưng qua anh trai tôi, qua việc chứng kiến họ sống chết có nhau, tôi như đã là bạn của họ. Tôi yêu cầu trả mọi chi phí mai táng cho họ rồi mới về Besançon. Tôi sắp xếp lại mọi việc trong nhà và chờ đợi. Tôi chờ gì đây? Tôi cũng không biết nữa. Điều gì sẽ xảy ra? Đành tuỳ số phận của tôi. Tôi không nghĩ mình buộc phải tìm nó mà đành chịu chờ nó đến. Tôi đã sẵn sàng chấp nhận tất cả.
Một buổi sáng, người nhà báo tin có hiệp sĩ Mahalin đến.
Tôi không biết cái tên này, tuy nhiên nó vẫn làm rung lên sợi dây đau đớn trong tim tôi như thể tôi đã biết nó.
Đó là một thanh niên khoảng hai mươi sáu tuổi, trang phục hoàn hảo, phong cách quý tộc không chê vào đâu được.
- Thưa bá tước - Anh ta nói với tôi - Ngài cũng biết đồng đảng Jéhu đã bị thiệt hại nặng nề khi mất đi bốn thủ lĩnh trong đó có anh trai của ngài, bây giờ đang củng cố lại. Thủ lĩnh mới là Laurent lừng danh. Người này vốn là một trong những đại quý tộc nhất vùng Midi. Tôi đến nhân danh chủ tướng để thông báo chúng tôi dành cho ngài một vị trí trang trọng, nếu ngài muốn, như ý nguyện của anh trai ngài.
- Thưa hiệp sĩ - Tôi nói - Sẽ là nói dối nếu tôi tỏ ra nồng nhiệt chào đón một cuộc sống hiệp sĩ nay đây mai đó, nhưng tôi đã thề với anh tôi nên tôi rất sẵn sàng.
- Tôi chỉ cần nói địa chỉ tập hợp hay ngài đi cùng tôi?
- Tôi sẽ đi cùng ngài.
Trong nhà, tôi có một quản gia tin cẩn là Saint-Bris, người này đã từng phục vụ anh tôi. Tôi giao mọi việc trong nhà cho anh ta rồi cầm vũ khí lên đường.
Cuộc hẹn gấp diễn ra ở giữa Vizille và Grenoble. Hai ngày sau, chúng tôi đã đến nơi.
Thủ lĩnh Laurent của chúng tôi quả danh bất hư truyền. Đó là một trong những người may mắn trong lễ rửa tội có các bà tiên đến dự và mỗi người ban cho anh ta một phẩm chất chỉ trừ một người quên không sửa một đức tính khiến nó chống lại toàn bộ ưu điểm. Ngoại hình của anh ta đẹp theo kiểu người miền Nam và rất nam tính. Vẻ đẹp ấy là sự tổng hoà các nét đẹp của đôi mắt, mái tóc, bộ râu đen cộng với vẻ duyên dáng cởi mở. Là người tuổi xuân đang rộ, anh ta thiếu kinh nghiệm song lại có sự thoải mái, vẻ cao quý của một đức ông mà không gì thay thế được.
- Người ta bị anh cuốn hút mà không lý giải nổi tại sao.
Tuy vậy, đó là một người hay nổi giận. Bình thường trong mọi biểu hiện, anh ta luôn tỏ rõ cung cách của một quý ông đầy giáo dục nhưng đột nhiên Laurent nổi giận lôi đình thì nó không phải tính cách của con người nữa. Thế là tiếng đồn lan trong thành phố rằng "Laurent nổi giận, có người phải chết".
Chính quyền dành sự quan tâm cho băng đảng Laurent giống như họ để mắt đến băng Sainte-Hermine. Những lực lượng khổng lồ được huy động vây bắt Laurent và bảy mươi mốt quân bị bắt và bị chuyển đến Yssingeaux để giải thích về mọi hành động của họ trước một toà án đặc biệt, triệu tập khẩn cấp để xử tại tỉnh Haute-Loire.
Nhưng khi đó Bonaparte vẫn còn ở Ai Cập, quyền lực rơi vào tay những kẻ đớn hèn. Việc xét xử rất dè dặt, nhân chứng lo sợ, phản biện tha hồ, thế là Laurent nhận tất về mình. Bảy mươi mốt quân của anh được trắng án còn một mình Laurent bị kết án tử hình.
Laurent vào nhà giam trong trạng thái vô lo vô nghĩ, thoải mái như thể đang ở ngoài. Vẻ đẹp trời phú như Montaigne gọi là đòi hỏi thể xác, đã có tác dụng đặc biệt: Cô con gái người cai ngục vào hai giờ sáng lén đến phòng giam của Laurent và mở cửa như những cánh cửa đã mở với Piene de Médicis, rồi dịu dàng nói: Non tem nulla, bentivoglio! (Đừng sợ, em yêu chàng!)
Dù chưa thấy mặt ân nhân cứu mạng vì những thanh sắt che mắt nhưng Laurent đã hành động theo tiếng gọi của con tim đang hoà với tiếng gọi hấp dẫn của tự nhiên. Vài lời trao gửi kèm theo nhẫn xong, Laurent thoát ra ngoài. Một con ngựa đang chờ anh ở làng bên và người vừa đính ước cũng sẽ đến cùng anh.
Trời đang dần sáng. Vừa trốn, Laurent đã có thể nhìn thấy đao phủ và đám lâu la đang dựng máy chém. Mười giờ sáng Laurent sẽ bị xử. Hôm đó đúng vào phiên chợ. Chúng muốn xử tử anh ngay trước toàn dân thiên hạ và cả những người làng bên.
Quả nhiên, khi tia nắng đầu tiên chiếu xuống, cái máy giết người đã dựng xong, mọi người không nghĩ đến đi chợ nữa mà xúm vào xem xử trảm.
Laurent bắt đầu lo lắng, không phải cho số phận của mình mà cho người phụ nữ đã cứu anh ta. Chờ mãi ở làng bên nhưng không hiểu có chuyện gì mà cô gái không đến. Laurent sốt ruột phi ngựa quay trở lại Yssingeaux nhưng càng tìm càng mất hút. Cuối cùng anh trở nên mất trí cho rằng người anh chờ đã bị bắt trong lúc chạy trốn và biết đâu bị coi là tòng phạm và đem xử trảm cũng nên. Anh phi ngựa nước đại vào thành, xuyên qua đám những tiếng la hét, kinh ngạc của mọi người khi thấy một tử tù đang thoải mái trên ngựa. Anh phi qua cả đám hiến binh đang sục tìm anh để đưa lên máy chém. Nhận ra cô gái, anh lao tới ôm cô lên ngựa rồi phóng đi trong tiếng reo hò cổ vũ của cả thành phố.
Đó là chân dung thủ lĩnh mới của chúng tôi, người kế tục anh trai tôi và đó cũng là người chỉ huy tôi tham gia chiến trận lần đầu. Suốt ba năm, tôi đã sống một cuộc sống đầy sương gió, manh áo làm chăn, súng dài trên tay, súng ngắn thắt lưng. Sau đó, tiếng đồn về cuộc đình chiến lan ra khắp nơi, tôi về Paris với lời hứa sẽ quay lại đội ngũ khi họ gọi. Và ở Paris, tôi đã gặp nàng và tôi thấy. Xin thứ lỗi cho tôi nói thẳng, tôi cần gặp lại tiểu thư. Tôi đã được gặp lại và thật tình cờ, đôi mắt nàng nhìn tôi, nàng đã thấy nỗi buồn sâu thẳm trong tôi, sự lo lắng hiện hữu, phải thú thật khi đó tôi chẳng thiết gì đến các lạc thú trên đời.
Trong hoàn cảnh bấp bênh của tôi, tôi không tự quyết định được số mệnh của mình, số phận tôi chịu một quyền lực định mệnh, tuyệt đối và không bàn cãi. Tôi có thể bị giết, bị thương trong một cuộc cướp tiền thậm chí tệ hơn có thể bị bắt. Với hoàn cảnh ấy làm sao tôi dám nói gì với một cô gái lặng lẽ và dịu dàng, một bông hoa đương độ, một người sống đúng quy tắc, làm sao tôi dám thổ lộ: "Tôi yêu em, nàng có muốn một người chồng sóng ngoài vòng pháp luật và hạnh phúc lớn nhất của anh ta là có thể bị giết bằng một viên đạn?"
Không thể tôi đành ngậm ngùi bằng lòng với việc nhìn nàng say đắm trong đôi mắt nàng và cố gắng đến bất cứ chỗ nào có mặt nàng lòng thầm cầu Chúa ban cho phép lạ biến cuộc đình chiến thành hoà bình.
Và cuối cùng, cách đây bốn năm ngày, báo chí thông báo việc tướng Cadoudal đến Paris và diện kiến Tổng tài, ngay tới hôm đó, cũng chính báo chí đưa tin tướng Cadoudal đã cam kết không làm gì chống lại nước Pháp nếu ngài Tổng tài cũng không làm gì phương hại đến mảnh đất Bretagne và chống lại ông ta.
Hector rút một tờ giấy trong túi ra.
Ngày hôm sau, tôi nhận được thông báo từ chính tay Cadoudal viết:
"Một cuộc chiến lâu dài hơn, với tôi, sẽ là bất hạnh cho nước Pháp và đem cảnh lụi tàn cho xứ sở quê tôi. Tôi tuyên bố xoá giải lời thề mà các anh đã tuyên thệ và sẽ chỉ lấy lại lời thề ấy khi chính phủ Pháp nuốt lời.
Nếu có sự phản trắc ẩn giấu sau hiệp định giả tạo này, tôi sẽ lại kêu gọi lòng trung thành của các anh một lần nữa và tôi chắc chằn lòng trung thành ấy sẽ đáp lại tôi.
GEORGES CADOUDAL"
Tôi rất sung sướng khi được giải ngũ. Tôi trở về được sở hữu chính bản thân mình. Cha tôi và hai anh trai đã thề trung thành cho một triều đình mà tôi chỉ biết đến bằng lòng tận trung của cả gia đình, bằng những bất hạnh liên tiếp dội xuống mái ấm của chúng tôi. Bây giờ tôi hai mươi ba tuổi, có một trăm livre tiền tô tức, tôi đang yêu và giả dụ cũng được yêu thì cánh cửa thiên đường coi như đã mở ra với tôi. Ôi Claire! Claire, đó là lý do tại sao nàng thấy tôi vui sướng đến thế trong vũ hội nhà phu nhân Pennon. Tôi đã có thể xin phép gặp nàng và có thể nói với nàng rằng tôi yêu nàng.
Claire cúi đầu không nói gì. Hành động ấy cũng gần như đồng ý.
- Bây giờ - Hector nói tiếp - tất cả những gì tôi vừa kể với nàng đều đóng khung trong phạm vi ở quê và trên Paris không ai biết. Tôi có thể giấu nàng nhưng tôi không muốn. Tôi muốn cho nàng biết về toàn bộ cuộc đời tôi, muốn cho nàng hay định mệnh đã xúi khiến tôi là một tội đồ đến xưng tội với nàng và mong được xá tội từ chính miệng nàng.
- Ôi Hector yêu quý! - Claire thốt lên - Ồ vâng, em tha thứ, em xá tội cho chàng - và như quên mất mình đang bị sự kiểm soát của mẹ, cô nói - Em yêu chàng!
Rồi vòng tay ôm cổ Hector.
- Claire! - Phu nhân Sourdis kêu lên bằng giọng ngạc nhiên hơn là tức giận.
- Mẹ em đấy - Claire nói và đỏ bừng đôi má, định gỡ tay ra.
- Claire! - Hector vừa nói vừa cầm tay cô - Nàng đừng quên những gì tôi vừa kể chỉ cho một mình nàng biết. Đó là bí mật của riêng hai ta. Vì cần nàng, chỉ yêu mình nàng nên tôi không muốn ai khác tha thứ cho mình. Đừng quên điều đó và nhất là đừng quên rằng tôi chỉ thực sự được sống khi nhận lời đồng ý của mẹ nàng. Claire, nàng nói rằng nàng yêu tôi vậy tôi xin đặt trọn hạnh phúc của chúng ta vào tình yêu ấy.
Nói xong, Hector xin phép ra về, thư thái và vui sướng như một tù nhân mới được ân xá thả tự do.
Phu nhân Sourdis sốt ruột chờ con gái mình. Hành động nông nổi ban nãy chí ít cũng làm bà ngạc nhiên. Bà muốn được nghe lời giải thích.
Lời giải thích đến rất rõ ràng và nhanh chóng. Cô con gái vừa đến gần mẹ đã quỳ xuống và nói:
- Con yêu chàng!
Người mẹ đỡ cô dạy, kéo cô ngồi cạnh mình và hỏi han nhưng cô chỉ nói:
- Thưa mẹ yêu quý, Hector đã nói cho con nghe một bí mật về gia đình mà chàng không muốn cho bất cữ ai biết trừ người con gái chàng muốn cưới làm vợ, đó là con. Chàng mong được đến nhà mình xin phép mẹ tác thành cho hạnh phúc của cả hai chúng con. Anh ấy là người tự do, có một trăm livre tiền tô tức, chúng con yêu nhau, xin mẹ hãy suy nghĩ nhưng nếu mẹ từ chối tức là mẹ đã khiến cả hai chúng con cùng đau khổ.
Claire nói những lời trên bằng giọng vừa lễ phép vừa cương quyết rồi chào mẹ, lùi lại một bước để lui gót.
- Nhưng nếu mẹ đồng ý thì sao? - Phu nhân Sourdin nói.
- Ôi! Mẹ của con! - Claire reo lên rồi sà vào vòng tay bà - Mẹ thật tốt và yêu con biết bao.
- Bây giờ mẹ muốn con yên tâm. Hãy ngồi xuống đây và chúng ta sẽ nói lý do nhé.
- Con xin nghe mẹ đây - Claire vừa nói vừa cười.
- Trong thời buổi bây giờ, người là buộc phải theo một phe nào đó. Mẹ nghĩ Hector de Sainte-Hermine theo phe Bảo hoàng. Nhưng hôm qua, khi nói chuyện với cha đỡ đầu của con bác sĩ Cabanis, ông ta không chỉ là một nhà khoa học thuần tuý mà còn là một chính trị gia. Ông ấy hoan nghênh mẹ quan hệ với phu nhân Bonaparte và khuyên con cũng nên làm thân với con gái của bà ta. Theo ông ấy, tương lai nằm ở đó. Cabanis là bác sĩ của Tổng tài, ông ấy cho rằng Bonaparte là một đại thiên tài, ông ta sẽ chưa dừng lại ở đó. Cuộc đảo chính ngày 18 Brumaire không chỉ để kiếm một ghế Tổng tài mà còn dành cho một ngai vàng nữa kia. Trước khi mây mù tan hẳn, những ai đứng về phía ông ta sẽ cùng nằm trong vòng quay số phận với ông ta và sẽ thành công. Ông ta thích giao du với những dại gia tộc, những nhà thật giàu có. Điều kiện của Sainte-Hermine cũng được lắm. Cậu ấy có một trăm livre tiền tô tức và còn tăng nữa, gia đình đều hy sinh vì công cuộc khôi phục triều đình nhưng cậu ấy ít tuổi nên chưa phải tham gia vào những sự kiện chính trị. Bố và hai anh trai của cậu ấy đã chết vì nước Pháp cũ, bây giờ cậu ấy chấp nhận một vị trí cạnh Tổng tài tức là sống cho một nước Pháp mới. Con nên nhớ rằng đây không phải là điều kiện để mẹ gả con cho cậu ấy nhưng mẹ sẽ rất vui lòng khi thấy Hector đồng ý liên minh. Còn nếu cậu ấy từ chối tức là thâm tâm cậu ấy mách bảo cần phải từ chối và chỉ mình. Chúa mới có quyền phán xử suy nghĩ của con người. Không phải vì anh ta từ chối mà mẹ ghét bỏ cậu ấy, cậu ấy vẫn sẽ là con rể yêu của mẹ.
- Khi nào con có thể báo tin cho anh ấy?
- Bất cứ lúc nào con muốn, con gái ạ.
Claire viết thư ngay tối hôm đó và trước mười hai giờ trưa ngày hôm sau, tức là lúc gặp mặt thích hợp nhất Hector gõ cửa nhà phu nhân Sourdis. Lần này anh được dẫn thẳng đến phòng phu nhân, bà ra mở cửa và đón chào như một người mẹ đón đứa con trai. Claire mở cửa và thấy mẹ đang ôm Hector vào lòng liền thốt lên:
- Ôi con thật sung sướng biết bao!
Phu nhân Sourdis giang tay và ôm cả hai con vào lòng.
Chuyện cưới hỏi có lẽ không cần bàn đến mà họ thảo luận về việc có nên phục vụ cho chính quyền của Tổng tài hay không. Cả ba ngồi trên tấm thảm, Hector vừa nắm tay mẹ và người yêu vừa lắng nghe Claire thuật lại ý kiến của Cabanis về Bonaparte và lời đề nghị của phu nhân Sourdis.
Hector chăm chú nhìn cô gái trong lúc cô lặp lại những lời mẹ nói hôm trước khi Claire nói xong, anh cúi đầu trước phu nhân Sourdis và vẫn nhìn Claire chăm chú như ban nãy.
- Claire - Anh nói - Theo những gì tôi đã thổ lộ cho nàng hôm trước, xin nàng hãy toàn quyền định đoạt và thay tôi trả lời mẹ. Nàng nói sao tôi sẽ làm như vậy.
Cô gái nghĩ một lát rồi sà vào lòng mẹ:
- Mẹ ơi, chàng không thể đâu. Máu của các anh chàng đã đổ xuống do họ.
Phu nhân Sourdis cúi đầu, rõ ràng bà đang vô cùng thất vọng. Bà đã mơ đến chàng rể có được phẩm hàm cao trong quân đội còn con gái sẽ có vị trí nổi trội trong giới.
- Thưa phu nhân - Hector nói - xin bác đừng nghĩ con là một trong những kẻ ra sức ngợi ca chế độ cũ mà dửng dưng với chế độ mới, hay là kẻ mù quáng không nhìn ra phẩm cách vĩ đại của ngài Tổng tài. Hôm con gặp ông ấy lần đầu là buổi vũ hội nhà phu nhân Permon, thay vì có cảm giác ghê tởm, con lại rất bị thu hút. Con ngưỡng mộ các chiến dịch năm 1796, 1797, đó là kiệt tác về chiến thuật hiện đại của một thiên tài quân sự. Phải thú thực là con không hào hứng mấy với cuộc viễn chinh Ai Cập vì nó không mang lại kết quả tốt đẹp nào mà chỉ là cái mặt nạ che giấu một tham vọng được nổi danh. Bonaparte đã chiến đấu và giành thắng lợi ở mức mà Manus và Pompée đã làm, song ông ta còn muốn khơi dậy tiếng vang mà không ai làm được sau Alexandre và César. Điều đó thật tham vọng nhưng là sự ngông cuồng đắt giá khiến tổ quốc phải tốn hàng trăm triệu và mất ba mươi nghìn người. Về chiến dịch Marengo, đó là cuộc chiến cho thoả tham vọng cá nhân, nó diễn ra để hỗ trợ cho cuộc đảo chính 18 Brumaire và buộc các nước khác phải thừa nhận chính phủ Pháp: Tuy nhiên, tất cả mọi người đều biết, ở Marengo, Bonaparte đã không chứng tỏ là tướng tài. Ông ấy đã gặp may nhờ hai con át chủ bài, đó là Kellermann và Desaix! Còn về cuộc đảo chính ngày 18 Brumaire, đó là một âm mưu mà thành công của nó chỉ chứng minh sự thành công của tác giả về mặt vật chất.
Giả sử bị thất bại, âm mưu lật đổ chính phủ sẽ trở thành cuộc nổi loạn một cuộc phản nghịch và ít nhất ba cái đầu nhà Bonaparte sẽ rơi. Ngẫu nhiên đã cho ông ta trở về an toàn từ Alexandrie, may mắn giúp ông ta ở Marengo và sự táo bạo đã cứu thoát ông ta ở Saint-Cloud. Tuy nhiên, một người bình thường, không có đam mê thì không coi ba tia chớp trong cơn giông, dù chói lọi đến mấy, để làm bình minh. Nếu con không bị ràng buộc bởi gia đình, nếu nhà con không từng đặt chân vào triều đình thì con sẽ không e dè mà phụ giúp ông ấy dù con chỉ thấy con người này là một kẻ mạo hiểm, chỉ duy nhất một lần gây chiến tranh vì nước Pháp còn hai lần kia là cho chính bản thân ông ta.
Bây giờ, để chứng tỏ con không phải là kẻ mưu mô, con xin hứa sẽ làm một điều lớn lao thật sự cho nước Pháp. Con sẽ một lòng một dạ phục vụ ông ấy dù ngay cả bản thân con cũng thấy ngạc nhiên, dù ông ấy còn nợ con một mạng. Con ngưỡng mộ con người này mặc các nhược điểm của ông ta và tình yêu ấy là bất khả kháng. Đó là ảnh hưởng của cái vĩ đại tới xung quanh và con là người chịu ảnh hưởng đó.
- Ta hiểu, - phu nhân Sourdis nói - nhưng ít ra cho phép ta làm một điều chứ.
- Xin đừng nói là con cho phép, bác cứ ra lệnh đi ạ.
- Cho phép ta nhờ ngài Tổng tài và phu nhân Bonaparte đứng ra tác thành hạnh phúc cho hai con. Là người có mối thâm giao với phu nhân Bonaparte, ta không thể làm khác, đó cũng là một phép lịch sự.
- Vâng, nhưng với điều kiện, nếu họ từ chối, chúng con vẫn kết hôn.
- Nếu họ từ chối, con hãy mang Claire đi, ta sẽ không trách con nhưng con cứ yên tâm họ không từ chối đâu.
Mọi điều kiện đều đã đủ để cho phép nữ bá tước Sourdis đến nhờ vợ chồng Bonaparte đứng ra chủ trì đám cưới cho tiểu thư Claire de Sourdis với bá tước Hector de Sainte-Hermine.
Chương 20: Fouché
Có một người mà Bonaparte vừa ghét vừa kiềng nể lại vừa phải chịu đựng. Đó là người đã từng xuất hiện một lát tại nhà tiểu thư Fargas khi cô này đưa ra điều kiện bắt quân Jéhu.
Bonaparte vẫn tự nhủ rằng loài súc sinh lúc nào cũng có những điểm gây hại. Joseph Fouché, bộ trưởng cảnh sát. Thực ra, ông ta vừa xấu người lại xấu nết hay nói đúng hơn là sự bất lương ngang bằng với ngoại hình xấu xí của gã.
Bonaparte chỉ nhìn con người theo hai khía cạnh, hoặc là phương tiện hoặc là vật cản. Đối với tướng quân Bonaparte trong cuộc đảo chính ngày 18 Brumaire thì Fouché là một phương tiện.
Nhưng với Bonaparte Tổng tài thì Fouché lại là một vật cản, kẻ nào từng lật đổ chế độ Đốc chính thì cũng có thể lật đổ chế độ.
Tổng tài vì một chính phủ khác. Fouché là một kẻ lẽ ra phải hạ ngay sau khi giúp ta đạt được mục đích, song điều đó lại không dễ dàng. Ông ta thuộc vào tốp người, để ngoi lên, sẵn sàng tung tua móc bám vào mọi ngóc ngách, mọi góc cạnh và luôn tận dụng đó làm chỗ dựa mà một khi có chuyện thì nhờ đó để tồn tại.
Trên thực tế, Fouché đã tham gia vào nền Cộng hoà bằng cái chết của đức vua mà chính hắn đã tôn vinh, hắn đã tham gia vào thời kỳ kinh hoàng với nhiệm vụ chết chóc ở Léon và Nevers: vào phong trào Thermidor với việc tham gia lật đổ Robespiene, vào sự nghiệp của Bonaparte bằng cuộc đảo chính 18 Brumaire, lân la với Joséphine bằng nỗi sợ của bà về Joseph và Lucien cũng là kẻ thù của Fouché, vào quân Bảo hoàng bằng những giúp đỡ cá nhân khi còn là bộ trưởng cảnh sát, là người của ngôn luận, hắn khôn khéo lái dòng chảy theo mình và lực lượng cảnh sát, thay vì là cảnh sát của chính phủ, của Tổng tài, của nhân dân lại trở thành cảnh sát của Fouché. Khắp Paris, khắp nước Pháp, hắn có những nhân viên nịnh hót về mình đủ kiểu, về mọi khéo léo, khôn ngoan ở hắn và đạc điểm nổi nhất trong đó là làm cho người khác tưởng Fouché là người nổi tiếng.
Fouché làm bộ trưởng cảnh sát từ cuộc đảo chính ngày 18 Brumaire. Không ai có ảnh hưởng đến Bonaparte như hắn. Ảnh hưởng này làm Bonaparte tức điên. Ngay khi Fouché không ở đó, khi dòng từ trường kỳ lạ mất tác dụng, toàn bộ con người Bonaparte nổi dậy phá bỏ sự ngự trị của Fouché, những lời lẽ của ông khi nói về hắn đều gay gắt nộ nạt, mất bình tĩnh. Nhưng khi Fouché có mặt thì con sư tử sẽ ngủ hoặc dịu dàng hơn. Một điều đặc biệt khiến Bonaparte không ưa hắn đó là hắn không chấp nhận kế hoạch đế vương trong tương lai của ông.
Trong khi Joseph và Lucien không những không phản đối mà còn thúc giục ông tiến hành. Có lần, hắn đã nói thẳng với Bonaparte:
- Ngài hãy cẩn thận, nếu ngài muốn tái thiết lập ngai vàng, ngài sẽ phải đối mặt với triều đình Bourbon, một ngày nào đó, họ sẽ nổi dậy để giành lại ngai vàng do chính ngài dựng lên. Không ai có thể phồn thịnh, có những chuỗi may mắn được mãi hoặc biết trước mình sẽ thành công ở việc gì gặp tai ương ở đâu, nhưng chỉ cần người thông minh sẽ đoán được vận may ấy sẽ kéo dài với ngài bao lâu. Lập lại chế độ cũ ư? Việc chiếm lại ngai vâng sẽ không còn là vấn đề chính phủ mà là chuyện gia đình. Nếu nước Pháp từ bỏ tự do mà nó giành được để trở lại nên quân chủ thì cớ gì nó lại không thích con cháu của các vị hoàng đế Henri Đệ tứ hay Louis XIV mà lại phải trao quyền cho ngài, một người chỉ cho nó một chủ nghĩa chuyên chế với gươm đạo?
Bonaparte cắn môi lắng nghe nhưng dẫu sao ông đã nghe chỉ có điều kể từ lúc đó, ông quyết định sẽ huỷ bộ chức bộ trưởng cảnh sát. Ngay hôm ấy, ông đến Mortefontaine; qua nhà Joseph vào thứ hai. Với sự nài nỉ của hai người anh em, ông đã ký sắc lệnh huỷ bỏ cho vào túi và hôm sau quay lại Paris trong lòng vui sướng về quyết định của mình. Tuy vậy, ông cũng hiểu Joséphine sẽ bị sốc thế nào. Ông đã tỏ ra dễ thương nhưng với con người lúc đang vui cực độ lại quay sang buồn bực như bà thì chỉ có nước ly dị.
Đang ngồi một mình trong phòng Joséphine do Boumerine đang thực hiện một số việc thì Joséphine nhẹ nhàng lại gần ông, ngồi vào lòng, đưa tay luồn vào mái tóc rồi lướt nhẹ lên đôi môi khiến ông thấy hừng hực trước cái hôn do vợ mời gởi.
- Tại sao anh không cho em đi cùng anh hôm qua?
- Đi đâu? - Bonaparte hỏi.
- Thì chỗ anh tới chứ đâu.
- Anh đã đến Mortefontaine, vì anh biết giữa em và Joseph có xích mích nên…
- Ồ anh có thể thêm vào cả Lucien và em nữa. anh họ xích mích với em chứ còn em, em chẳng xích mích với ai cả. Em còn mong gì hơn là yêu quý anh em chồng nhưng là họ ghét em đấy chứ.
- Chính thế anh nên hiểu em lo như thế nào khi anh ở gần họ. Em yên tâm đi, hôm qua bọn anh chỉ nói chuyện chính trị thôi.
- Vâng, lại chuyện chính trị, như César và Antoine chứ gì, họ chỉ giỏi khuyên anh mặc long bào thôi.
- Ái chà? Em cũng tinh thông lịch sử La mã cơ đấy.
- Trong tất cả lịch sử La mã, em chỉ đọc về César và lần nào em cũng run lên vì sợ.
Joséphine ngừng lại một lát vì thấy Bonaparte nhíu mày nhưng vì đã khơi chuyện bà không muốn dừng lại.
- Em xin anh, Bonaparte. Em cầu xin anh đừng xưng vua.
- Lại Lucien láu cá khuyên anh phải không. Đừng nghe chú ấy nếu không chúng ta sẽ trắng tay.
Boumerine, người đã từng khuyên Bonaparte như thế, nếu dám nói như vậy chắc anh ta phải run lên vì sợ Bonaparte nổi giận. Nhưng với Joséphine thì ngược lại, ông phá lên cười và nói:
- Em điên rồi, Joséphine tội nghiệp của tôi, chắc lại những kẻ ngồi lê đôi mách ở Saint-Germain hay lại cô ả La Rochefoucauld của em dựng chuyện chứ gì. Em làm tôi thấy chán, hãy để tôi yên nào?
Đúng lúc đó có người báo cho Joséphine có bộ trưởng cảnh sát đến.
- Em có chuyện gì với hắn à? - Bonaparte hỏi.
- Không. Chắc ông ta đến chỗ anh, tiện đường rẽ vào chào em thôi.
Khi xong nhớ bảo ông ta sang chỗ anh.
Nói rồi Bonaparte đứng dậy gọi:
- Boumerine, lại đây.
- Nếu các anh không có chuyện gì bí mật, thì nói chuyện ngay phòng này cũng được. Em càng được ở bên anh thêm chút nữa.
- Anh quên mất là Fouché cũng là một trong những bạn của em.
- Bạn của em ư? Em không cho phép mình có bạn là những bộ trưởng của anh.
- Ồ! Bonaparte nói - ông ta sẽ không còn là bộ trưởng lâu nữa đâu. Không, anh không có gì bí mật cả - cho mời ngài bộ trưởng cảnh sát vào đây - Bonaparte nói với Constant người vừa đến báo tin.
Fouché bước vào tỏ ra ngạc nhiên khi thấy Bonaparte trong phòng vợ:
- Thưa phu nhân - Fouché nơi - sáng nay tôi không phải có chuyện cần bàn với ngài Tổng tài mà với chính phu nhân.
- Với riêng tôi? - Joséphine ngạc nhiên nói trong lòng hơi lo lắng.
- À! à! Bonaparte nói - Chúng ta sẽ nói về chuyện này.
Rồi vừa cười vừa kéo tai vợ, một hành động chứng tỏ ông đã vui vẻ trở lại. Mắt Joséphine ngấn nước vì không hiểu tại sao, cử chỉ thân ái mà Bonaparte luôn làm, dù có thể không cố ý, luôn khiến Joséphine rất đau.
Nhưng bà tươi cười trở lại ngay:
- Hôm qua, bác sĩ Cabanis đã đến thăm tôi - Fouché nói.
- Lạy Chúa lòng lành! Nhà triết học ấy đến làm gì trong hang của ngài thế? - Bonaparte hỏi.
- Ông ta đến hỏi tôi liệu tôi có cho rằng, trước khi cuộc thăm viếng chính thức hoàn tất, có một cuộc hôn nhân sẽ được phu nhân đứng ra tác thành và liệu phu nhân có đề đạt nó lên ngài Tổng tài được chăng?
- Hay lắm! Em thấy chưa, Joséphine - Bonaparte mỉm cười nói - người ta đã đối đãi với em như với một hoàng hậu rồi đấy.
Nhưng Joséphine gượng cười:
- Vậy có hơn ba mươi triệu người dân Pháp quốc có thể cử hành hôn sự mà đâu cần em có vui hay không, ai mà lại cẩn thận quá thế?
- Bá tước phu nhân Sourdis, người đã có hân hạnh thỉnh thoảng được gặp bà. Bà ấy muốn lấy chồng cho cô con gái Claire của mình.
- Lấy ai?
- Bá tước trẻ tuổi, Sainte-Hermine.
- Ông nói với Cabanis - Joséphine trả lời - rằng về phần mình tôi nhiệt liệt ủng hộ đám cưới của họ, trừ khi Bonaparte có lý do đặc biệt không chấp thuận…
Bonaparte nghĩ ngợi một lát rồi quay sang Fouché:
- Ông lên chỗ tôi.
Rồi ông gọi Boumerine:
- Đi thôi Boumerine.
Sau đó ông leo lên cầu thang nhỏ như chúng ta đã biết.
Bonaparte và Boumerine vừa đi khuất, Joséphine đã đặt tay lên cánh tay Fouché.
- Hôm qua, anh ấy đã đến Mortefontaine.
- Tôi biết rồi - Fouché đáp.
- Ông có biết anh em họ bàn gì với nhau không?
- Có.
- Có liên quan đến tôi không? Anh ấy có nói đến việc ly dị không?
- Không về điểm nay xin phu nhân cứ yên tâm, họ bàn về chuyện khác cơ.
- Về chuyện lên ngôi à?
- Không.
Joséphine thở phào.
- Thế thì chuyện gì cũng không làm tôi bận tâm!
Fouché cười, một nụ cười ranh mãnh vốn rất quen thuộc của ông ta. này nhiên, vì phu nhân sắp mất một người bạn…
- Tôi ư?
- Vâng.
- ...
Và hiển nhiên, những lợi ích của người này cũng là lợi ích của bà.
- Ai vậy nhỉ?
- Tôi không thể nói tên ông ta được, sự thất bại của ông ta vẫn còn nằm trong bí mật. Tôi đến để báo trước bà sắp có một người khác.
- Ông muốn tô kiếm người ấy ở đâu?
Ngay trong gia đình ngài Tổng tài thôi: bà có hai người anh em đằng chồng chống lại mình nhưng người thứ ba sẽ ủng hộ bà.
- Louis?
- Đúng vậy.
- Nhưng Bonaparte lại muốn gả con gái tôi cho Duroc.
- Vâng, nhưng Duroc lại chẳng mặn mà với đám cưới như anh ta phải làm, sự dửng dưng ấy khiến ngài Tổng tài bị tổn thương. Lần nào nói đến chuyện này Hortense cũng nước mắt ngắn nước mắt dài. Tôi không muốn đem con bé ra làm vật hy sinh, nó nói trái tim nó không thuộc về nó nữa.
- Phải thôi! - Fouché nói - Ai có tim bây giờ nữa?
- Tôi chứ ai - Joséphine nói - và tôi tự hào về điều đó.
- Bà ư? - Fouché nói và cười bằng nụ cười nham nhở của ông ta - Bà không có đâu, bà có…
- Hãy cẩn thận! Ông sắp thốt ra một điều bất nhã đấy.
- Tôi im ngay đây, im như một bộ trưởng cảnh sát, người ta nói rằng tôi giống như cha xứ được nghe mọi bí mật xưng tội đấy. Lúc này, tôi không còn gì để nói với phu nhân nữa, xin phép cho tôi đi gặp thông báo với ngài Tổng tài một tin mà ông ấy không nghĩ sẽ nghe từ miệng tôi.
- Tin gì thế?
- Ông ấy đã kỵ cho tôi từ chức.
- Vậy tôi là người thua thiệt?- Joséphine hỏi.
- Tôi chứ! - Fouché nói.
Joséphine cảm thấy mình mất mát thật sự liền thở dài và đưa tay lên mắt.
- Ồ xin phu nhân cứ yên tâm - Fouché lại gần bà - chuyện này sẽ không kéo dài lâu đâu.
Để không tỏ ra quá thân thiết, Fouché đi ra cửa qua sảnh Horloge rồi lên phòng Bonaparte. Tổng tài đang làm việc với Boumerine. Vừa nhìn thấy Fouché, ông nói:
- À ông sẽ nói cho tôi điều đó.
- Điều gì thưa ngài?
- Thì chuyện Sainte-Hermine nhờ ta giúp chuyện hôn nhân với tiểu thư Sourdis.
- Khoan đã thưa công dân Tổng tài, không phải Sainte-Hermine nhờ mà là là tiểu thư Sourdis mong ngài chấp nhận cho cưới quý ông Sainte-Hermine.
- Như thế có khác gì nhau.
- Không hẳn vậy. Nhà Sourdis là một đại quý tộc đã thuần phục còn nhà Sainte-Hermine thì lại là nhà đại quý tộc cần thuần phục.
- Họ hờn dỗi gì tôi chứ.
- Hơn thế nữa, họ còn chống lại ngài.
- Họ theo phe Cộng hoà hay theo quân Bảo hoàng?
- Quân Bảo hoàng, ông bố bị xử trảm năm 1793, con trưởng bị xử bắn, con trai thứ hai, người ngài cũng biết đấy, đã bị xử tử ở Bourg-en-Bresse.
- Tôi biết anh ta ư?
- Ngài còn nhớ một người đàn ông bịt mặt đến trả hai trăm đồng louis lấy nhầm của nhà buôn rượu vang Bordeaux hồi ngài ăn tối tại Avignon không?
- À nhớ rất rõ. Ông Fouché này, đó là những người tôi cần đấy.
- Họ không tận tuỵ cho triều đại đầu tiên của ngài đâu. Họ chỉ lợi dụng thôi.
- Ông có lý, Fouché. Ôi, giá như tôi là cháu của mình! Thế còn người con thứ ba?
- Người đó sẽ là bạn của ngài nếu ngài muốn.
- Sao lại thế?
- Vì lẽ dĩ nhiên phu nhân Sourdis đã cho phép đôi trẻ bà ta mới xin ngài chúc phúc cho đám cưới của con gái như một vị hoàng đế. Nếu ngài đồng ý, thưa đức ngài, dù là kẻ thù, Hector de Sainte-Hermine không thể làm gì khác được nữa ngoài việc trở thành bạn của ngài.
- Được rồi tôi sẽ nghĩ đến chuyện đó - Bonaparte nói và xoa xoa tay đang trong lòng thầm nghĩ vừa hoàn tất một cách coi kẻ này còn có ích đôi chút - Thế nào, Fouché, có tin gì mới không?
- Có một tin khá quan trọng, nhất là với tôi.
- Tin gì thế?
- Chẳng là hôm qua, trong nhà khách ở Mortefontaine, bộ trưởng bộ Nội vụ Lucien đã thảo một văn bản do chính ngài đọc và ký về việc cách chức tôi và quyết định cho tôi một chân ở Thượng viện.
Bonaparte làm một động tác quen thuộc với người ở đảo Corse, động tác gồm hai cử động của ngón tay lên ngực có hình thánh giá và nói.
- Ai kể cho ông nghe câu chuyện hay ho đó, Fouché?
- Là một trong số nhân viên của tôi.
- Anh ta lừa ông rồi.
- Anh ta không lừa tôi, định mệnh của tôi đang ở kìa, trên cái ghế kia trong túi cạnh bộ redingote xám.
- Fouché này - Bonaparte nói - Giá mà ông tập tễnh như Talleyrand thì tôi đã gọi ông là quỷ rồi.
- Ngài không chối nữa chứ gì.
- Nói thật là không. Vả lại, việc thuyên chuyển ông được thể hiện rất long trọng.
- Tôi hiểu, trong đó ghi rằng trong suốt thời gian phục vụ ngài, ngài chưa bao giờ thấy tôi nợ tiền ngài.
- Vấn đề là nước Pháp đã hoà bình và bộ Cảnh sát không còn tác dụng nữa. Tôi nhập bộ này vào nghị viện để khi cần thì lại nhấc ra. Nếu bộ này không bao giờ được lập lại, tôi biết ở thượng viện, ông Fouché thân mến, ông không còn cơ hội kiếm chác nhưng ông đã có cơ sản kếch xù mà không biết dùng làm gì, còn mảnh đất Pontcarré, mảnh đất mà ông cứ lân mốc giới ra mãi, cũng khá lớn cho ông rồi.
- Liệu tôi có thể có được lời hứa của ngài, nếu bộ này được tái lập thì không ai ngoài tôi sẽ trở về chứ?
- Ông có nó rồi - Bonaparte nói.
- Cảm ơn. Bây giờ tôi có thể thông báo cho Cabanis rằng tiểu thư Sourdis đã được chấp thuận gả cho bá tước Sainte-Hermine chứ?
- Ông có thể.
Bonaparte khẽ cúi đầu chào trong khi Fouché đáp lại bằng sự kính cẩn hết mức rồi đi ra.
Tổng tài đi đi lại lại một lúc, im lặng, tay chắp sau lưng, mãi sau ông dừng lại sau ghế của Boumerine.
- Anh có nghe ông ta nói gì không?
- Gì ạ, thưa tướng quân?
- Điều mà con quỷ Fouché nói với tôi ấy.
- Tôi không bao giờ nghe trừ khi ngài ra lệnh tôi phải nghe.
- Hắn biết tôi truất quyền hắn, biết việc ở Mortegontaine và lệnh nằm trong túi áo của tôi.
- A Boumerine nói - Chuyện đó thì khó gì, hắn chỉ việc trả ít tiền cho cận vệ của em ngài là xong.
Bonaparte lắc đầu.
- Thế là hoà, tay Fouché quả là một kẻ nguy hiểm.
- Đúng vậy - Boumerine nói - nhưng phải thừa nhận một con người khiến ngài ngạc nhiên. Sự khôn ngoan của hắn vẫn là người có ích, nhất là trong thời buổi này.
Bonaparte ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Tôi đã hứa với hắn nếu có biến, tôi sẽ lại gọi hắn và có thể tôi sẽ giữ lời.
Ông nhấn chuông, cận vệ Landoire xuất hiện.
- Landoire - Bonaparte nói - Hãy nhìn qua cửa sổ xem dưới đó có xe chưa.
- Có rồi, thưa tướng quân.
Tổng tài mặc áo đội mũ rồi nói:
- Tôi đến chỗ Hội đồng nhà nước đây.
Vừa bước được vài bước ra cửa, ông quay lại.
- Nhân đây, cậu hãy xuống chỗ Joséphine và nói rằng, tôi không chỉ chấp thuận cho đám cưới của tiểu thư Sourdis mà phu nhân Bonaparte và tôi còn ký vào giấy hôn thú cho họ nữa kia.
Chương 21: Fouché làm gì trở lại bộ cảnh sát
Fouché giận dữ trở về. Đó là tính khí của ông ta nhưng lần này thì vượt ngoài kiểm soát. Ngoài ngành cảnh sát, Fouché chẳng còn mảy may giá trị.
Một cảm giác lẫn lộn giữa tức giận và lo lắng cùng ùa đến. Có lẽ tạo hoá đã cho ông ta cặp mắt lé để có thể nhìn hai phía cùng lúc và đôi tai to để có thể nghe ngóng từ mọi phía.
Bonaparte đã đánh trúng điểm yếu của hắn, mất chân cảnh sát hắn mất một món hời to, hơn hai trăm ngàn phăng mỗi năm.
Dù đã là người vô cùng giàu có, Fouché vẫn chỉ nghĩ đến chuyện kiếm nhiều hơn nữa mặc cho chẳng biết dùng để làm gì. Hắn còn tham vọng mở rộng mảnh đất Pontcarré giống như Bonaparte muốn nới rộng mãi bờ cõi nước Pháp vậy.
Fouché trở về nhà, lên phòng làm việc và thả mình vào chiếc ghế bành, không nói với ai một câu nào. Các cơ mặt của ông ta run lên như thể mặt biểu trong một cơn bão tố. Một lúc sau, chúng dịu xuống. Fouché đã tìm ra thứ mình cần, một nụ cười xám ngoét hé dần trên môi chứng tỏ chưa phải trời đẹp thì ít ra cũng là sự lặng gió tương đối.
Ông ta giật dây chuông treo trong phòng bằng cử động còn dữ dằn lắm. Người phục vụ chạy đến.
- Ông Dubois! - Fouché gào lên.
Người phục vụ quay một vòng rồi chạy biến đi. Một lát sau, cửa mở, ông Dubois bước vào.
Đó là một người đàn ông có khuôn mặt hiền lành và bình thản, một nụ cười thân thiện, quần áo không cầu kỳ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Ông ta đeo một chiếc cà vạt trắng, ống tay chùm đến cổ tay. Ông nhẹ nhàng lướt đến giống như một đại vũ sư đang lướt giầy trên thảm.
- Ông Dubois - Fouché nói và lại trở lại ngồi vào chiếc ghế - Hôm nay, tôi cần hết trì tuệ và sự khéo léo của ông.
- Tôi chỉ có thể trả lời bộ trưởng rằng sự khéo léo cũng như trí tuệ của tôi chỉ có thể do chính chúng điều khiển mà thôi.
- Được rồi, được rồi, ông Dubois - Fouché sốt ruột nói - Đừng vòng vo nữa. Trong các bộ phận của ông có ai đáng tin tưởng được không?
- Nhưng trước hết tôi phải xem dùng anh ta vào việc gì đã.
- À phải. Anh ta sẽ đi Bretagne và tổ chức ba băng cướp, một quan trọng nhất là trên đoạn đường Vannes đến Muzillac, hai băng khác thì ở đâu cũng được.
- Tôi vẫn nghe - Dubois nói khi thấy Fouché dừng lại.
- Ba băng này sẽ tên là băng Cadoudal và do chính các thủ lĩnh sắm vai Cadoudal luôn.
- Theo những gì ngài Bộ trưởng nói với tôi thì…
- Lần này tôi để ông gọi như vậy, - Fouché nở nụ cười - ông không còn gọi tôi như thế được lâu nữa đâu.
Dubois khẽ nhún người và được Fouché khích lệ, ông tiếp:
- Theo những gì ngài Bộ trưởng nói với tôi thì cần phải có một người khốn cùng biết nổ súng.
- Ai khốn cùng cũng làm tất mọi việc.
Ông Dubois suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu.
- Tôi không có ai như vậytrong tám nhân viên của mình.
Nhưng thấy Fouché tỏ ra bất nhân, ông nói tiếp:
- Nhưng khoan, khoan đã. Hôm qua có một hiệp sĩ Mahalin nào đó đã đến gặp tôi, gã này trước đã từng là đồng đảng Jéhu. Anh ta hỏi tôi có việc gì nguy hiểm nhưng được trả cao hay không. Gã này nhìn khoẻ lắm, sẵn sàng mạo hiểm mạng sống. Đó đúng là người chúng ta cần.
- Ông có địa chỉ của anh ta không?
- Không, nhưng hôm nay anh ta sẽ đến chỗ tôi khoảng một hay hai giờ, chắc là một giờ. Bây giờ, có lẽ anh ta đến rồi cũng nên.
- Vậy thì đi đi và dẫn anh ta đến đây cho tôi.
Dubois đi ra, Fouché đứng dậy, tự đi lấy một hộp các tông, rút ra một tập hồ sơ đặt lên bàn. Đó là hồ sơ của Pichegru.
Fouché chăm chú đọc đến tận khi Dubois dẫn người đàn ông mà ông ta vừa kể.
Đó chính là người đã đến nhắc Hector de Sainte-Hermine lời hứa với anh trai và đã dẫn Hector tham gia vào băng Laurent. Nhận thấy hiện tại không có gì để làm, anh ta quay sang tìm việc khác.
Người này khoảng từ hai lăm đến ba mươi tuổi, khá đẹp trai và có nụ cười đáng mến và người ta có thể cho anh ta là tử tế nếu như trong đôi mắt của anh ta không có chút bối rối và nghi ngại khiến những người đối diện cũng hơi dè chừng. Ngoài ra, anh ăn mặc rất hợp mốt và lịch lãm.
Fouché nhìn từ đầu đến chân con người này bằng ánh mắt xoi mói như thế muốn đọc thấu tâm can anh ta. Hắn nhận thấy trong con người này có niềm đam mê tiềm bạc, có lòng dũng cảm khi phòng vệ cũng như phản công, có ý muốn thành đạt trong sự nghiệp và đó là người Fouché cần.
- Người ta nói với tôi rằng anh muốn phục vụ cho chính phủ đúng không?
- Đó là mong muốn lớn nhất của tôi.
- Mức độ thế nào?
- Thế nào cũng được, miễn là kiếm được tiền dù phải bắn giết.
- Anh có thông thạo miền Bretagne và Vandée không?
- Rất thạo. Tôi đã từng được cử đi gặp tướng Cadoudal vài lần.
- Anh có từng quen biết vài tướng tá của ông ta?
- Có vài người, đặc biệt là một trong những trung uý của Cadoudal mà người ta quen gọi là Georges II vì hình dáng rất giống Cadoudal.
- Tuyệt thật? Người này có thể rất có lợi đấy. Anh có thể lập được ba băng nhóm, mỗi nhóm khoảng hai chục người không?
- Trên mảnh đất còn nóng hổi không khí nội chiến thì việc đó lúc nào cũng làm được. Nếu vì mục đích quang minh, người la có thể cho ngài cả sáu chục người miễn là ngài ra mặt và hứa danh dự. Còn nếu ngài có mục đích mờ ám, họ sẽ nghi ngại và ngài phải trả giá cao.
Fouché liếc nhìn Dubois như muốn nói: ông bạn, ông đã làm tốt đấy, rồi quay sang hiệp sĩ:
- Tôi cần ba băng cướp, hai băng ở Morbihan, một ở Vendée. Cả ba đều mang tên Cadoudal, trong đó có một người bịt mặt tự xưng là ông ta và làm mọi điều để chứng tỏ cho người khác thấy đó là ông ta.
- Việc này dễ thôi, nhưng tốn kém lắm.
- 50.000 phăng ( francs) có đủ không?
- Ồ đủ! Rất đủ.
- Vậy chúng ta thoả thuận như thế nhé và sau khi ba băng này thành lập xong, anh có thể sang Anh không?
- Không gì đơn giản hơn thế vì tôi là người gốc Anh, tôi nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
- Anh có biết Pichegru không?
- Có nghe tên thôi.
- Anh có cách nào gặp anh ta không?
- Có.
- Nói cho tôi biết được không?
- Tôi sẽ không nói đâu. Tôi cũng phải có bí mật cho mình chứ, nếu không tôi làm gì còn giá trị nữa.
- Anh nói đúng đấy. Anh sẽ sang nước Anh, tìm cách gặp tướng Pichegru nếu người này muốn về Paris hay thiếu tiền, hãy giúp anh ta nhân danh Fauche-Borel, hãy nhớ kỹ cái tên đó.
- Đó là tay bán sách người Thuỵ Sĩ đã từng đề nghị Pichegru nhân danh hoàng tử Condé, tôi biết anh ta. Nếu Pichegru thiếu tiền hay muốn về Paris, tôi phải liên lạc cho ai?
- Cho ngài Fouché, trên mảnh đất Pontcarré của tôi. Anh nhớ đấy, không phải ở bộ Cảnh sát đâu, việc này rất quan trọng.
- Sau đó thì sao?
Sau đó, anh trở lại Paris nhận lệnh mới. Ông Dubois, ông đưa 50.000 phăng cho hiệp sĩ đây. Nhân tiện tôi có chuyện nhờ hiệp sĩ.
Hiệp sĩ quay lại.
- Nếu anh gặp Coster Saint-Victor, hãy khuyên anh ta trở lại Paris nhé.
- Không phải để chịu bị bắt chứ?
- Không đâu, mọi tội lỗi đã được xoá, tôi có thể khẳng định điều này.
- Tôi phải nói gì cho anh ta trở về?
- Rằng tất cả phụ nữ Paris đàng nuối tiếc anh ta và đặc biệt là cô Auréhe de Saint-Amour. Nói thêm rằng sau khi đã từng là tình địch của Barras, anh ta thật phí thời trai trẻ khi không tiếp tục là tình địch của Bonaparte, như thế cũng đủ cho anh ta quyết định trở về nếu không, anh ta đã có mối khăng khít với London rồi.
Khi cánh cửa khép lại, Fouché vội vã gọi người mang lá thư sau đến bác sĩ Cabanis.
"Bác sĩ thân mến,
Tôi đã gặp ngài Tổng tài ở chỗ phu nhân Bonaparte, ông ấy rất vui về chuyện đám cưới con gái phu nhân Sourdis.
Do đó, phu nhân Sourdis có thể tới thăm phu nhân Bonaparte về chuyện này càng sớm càng tốt.
Hãy tin tôi một người bạn chân thành của ngài.
J. FOUCHÉ".
Ngày hôm sau, bá tước phu nhân Sourdis có mặt tại điện Tuleries với mục đích như chúng ta đã biết. Bà gặp Joséphine và Joséphine hết sức phấn khởi, trong khi cô con gái Hortense khóc nức nở. Đám cưới của Hortense với Louis Bonaparte hầu như đã được quyết định. Chính vì thế mà Joséphine mới vui vẻ còn Hortense lại đau khổ như vậy.
Chuyện như sau:
Qua câu nói của Bonaparte, Joséphine hiểu chồng mình phải có bí mật nào đó mới trở nên vui như thế nên bà nài ông sau khi đến Hội đồng nhà nước về thì xuống chỗ bà.
Nhưng lúc về, Tổng tài lại gặp Cambacères đến để giải thích một số điều luật mà đối với Bonaparte là vẫn chưa thấu đáo.
Bonaparte làm việc với người này rất muộn, sau đó Junot lại đến để thông báo mình sẽ lấy tiểu thư Permon.
Đám cưới này không khiến Bonaparte hài lòng như với đám cưới của tiểu thư Sourdis. Trước hết vì trước đây, Bonaparte từng yêu phu nhân Permon. Trước khi lấy Joséphine, ông đã muốn cưới bà nhưng bà từ chối vì thế mà ông vẫn còn ấm ức. Thứ nữa, Bonaparte yêu cầu Junot lấy con một gia đình khá giả nhưng ngược lại, Junot lại lấy con gái của một gia đình đang lụi bại. Vợ của anh ta, về đằng ngoại thì quả là con cháu dòng dõi đế vương miền Đông nhưng chỉ có hai mươi lăm ngàn phăng tiền hồi môn.
Bonaparte đã hứa sẽ cho Junot một khoản một trăm ngàn phăng. Vả lại, với tư cách là thị trưởng Paris, anh ta sẽ được 500.000 phăng tiền lương.
Joséphine sốt ruột chờ Bonaparte suốt cả buổi tối nhưng ông lại ăn tối và đi dạo với Junot, nửa đêm bà mới thấy ông xuất hiện trong bộ đồ ngủ và chiếc khăn chùm đầu, điều đó chứng tỏ ông sẽ ở lại qua đêm cùng vợ. Vậy là Joséphine sung sướng vì rốt cục bà cũng được trả công xứng đáng cho sự chờ đợi đằng đẵng.
Trong những lần ở qua đêm, Joséphine luôn là người có quyền uy với Bonaparte chưa bao giờ bà kiên quyết về hôn nhân giữa Hortense và Louis Bonaparte như lần này.
Khi rời Joséphine để trở về phòng mình, Bonaparte gần như đã đồng ý. Joséphine giữ phu nhân Sourdis lại để tỏ bày niềm vui sướng và cử Claire đi an ủi Hortense. Nhưng Claire cũng không cố gắng làm điều đó. Cô hiểu nếu mình phải bỏ Hector thì cô cũng đau khổ không kém.
Cô khóc cùng Hortense và khuyên Hortense đi cầu cứu ngài Tổng tài, người rất yêu quý cô sẽ không để cô phải đau khổ.
Đột nhiên, một ý nghĩ kỳ lạ nảy trong đầu Hortense và cô nói với bạn mình. Đó là xin phép hai bà mẹ đi xem bói ở nhà chị Lenormand. Joséphine đã từng xem và ta nhớ lại lời phán: Bà đang ở trên con đường của giấc mơ không tưởng lại đang từng ngày trở thành hiện thực.
Tiểu thư Soudis chịu trách nhiệm đi xin phép. Việc thương lượng diễn ra rất lâu, Hortense vừa đứng nghe ngoài cửa vừa nén những cơn nấc. Lát sau, Claire vui vẻ quay ra. Họ được đi nhưng với điều kiện Louise sẽ không rời họ nửa bước.
Louise là người hầu phòng tin cần của phu nhân Bonaparte.
Họ cho gọi Louise đến, giao nhiệm vụ nghiêm ngặt, cô này hứa sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, sau đó họ buông mạng che mặt, lên xe của phu nhân Sourdis đến thẳng số 6 phố Toumon.
Louise bước xuống trước, cô này biết địa chỉ, nhà chị Lenomland ở cuối sân phố bên trái. Họ phải trèo ba bậc và gõ cửa bên tay phải. Có người ra mở cửa, với sự yêu cầu của Louise, ba người được đưa vào một phòng riêng không dành cho công chúng.
Hai cô gái phải vào lần lượt, chị Lenormand không bao giờ xem cho hai người liền lúc và gọi theo họ của mỗi người. Do vậy mà Hortense Bonaparte được vào trước.
Louise trở nên bối rối, cô không thể ở cùng hai cô gái một lúc nếu ở bên Claire, cô không để mắt tới Hortense được và ngược lại. Cuối cùng phải nhờ chị Lenormand dàn xếp: Louise sẽ ở với Claire những để cửa phòng hé mở như thế cô vừa quan sát được Hortense lại ở đủ xa để không nghe lời phán thì thầm của chị Lenormand.
Lẽ dĩ nhiên, chị chọn bộ bài lớn. Những gì chị Lenormand thấy trên các quân bài khiến chị rất ấn tượng, cử chỉ và biểu hiện khuôn mặt chứng tỏ chị rất ngạc nhiên.
Cuối cùng, sau khi đã lật hết các quân bài và nhìn kỹ bàn tay của cô gái trẻ, chị đứng dậy nói một câu bằng giọng bà đồng khiến cô gái tỏ rõ sự hoài nghi.
Sau đó, mặc cho Hortense gặng hỏi, chị ta vẫn im lặng và chỉ nói:
- Lời phán đã rõ, hãy tin nó!
Rồi chị ra hiệu đã xem xong cho Hortense, đến lượt bạn của cô Claire đi vội vào phòng xem, chỉ có điều cô không nghĩ số phận của mình cũng khiến chị Lenormand ngạc nhiên như số phận của tiểu thư Beauhamais.
Chị Lenomland, dù rất tự tin vẫn lưỡng lự khi phán điều không hay, liền xem lại ba lần, hết nhìn bàn tay phải lại bàn tay trái, thấy hai bên đều có đường tình duyên bị cắt ngang, đường may mắn kéo dài lên đến đường tình duyên rồi rẽ ngang ở gò thổ tinh. Bằng giọng trịnh trọng, chị phán tương lai của tiểu thư Sourdis khiến cô ra gặp Louise và Hortense với khuôn mặt nhợt nhạt và mắt ngấn lệ.
Các cô gái không nói câu nào cũng không hỏi gì, khi còn ở nhà chị Lenormand như thể họ sợ chỉ thốt một từ thôi cũng làm cả mái nhà đổ sụp xuống đầu họ.
Nhưng vừa lên xe, người đánh xe vừa cho ngựa lao đi, những ánh mắt đã tìm nhau.
- Chị ấy nói gì với bạn?
Hortense bị hỏi liền đáp:
- Chị ta nói: "Là vợ vua, mẹ hoàng đế, cô sẽ chết trong lưu đầy". Còn bạn, chị ấy nói gì? - Hortense mò hỏi.
- Chị ấy nói "Cô sẽ là quả phụ của người sống trong mười bốn năm, phần đời còn lại là vợ của kẻ đã chết".
Nguồn: http://vnthuquan.org/