Như đã nói ở trên, công tước Enghien sống trong một lâu đài nhỏ ở Ettenheim trong miền lãnh địa của thái công Bade, hữu ngạn sông Rhin cách Strasbourg hai mươi ki lô mét.
Đó là cháu trai của hoàng thân Condé. Hoàng thân Condé lại là con trai của hoàng tử Condé hay còn gọi là Borgne, một tước vị rất cao quý dưới thời trị vì của Đức, quận công Orléans. Chỉ duy nhất một cụ nhà Condé là người đã chia cắt nhà Condé với quận công Orléans. Chiến thắng ở Rocroi, làm sáng tỏ cái chết của vua Louis XII thắng trận Thionville hay Nordlingen đã khiến cụ được phong là nhà vĩ đại. Cụ có thể là con trai của vua Henri Đệ nhị triều Bourbon. Mong muốn có được ngai vàng đã khiến Condé trở thành người đầu tiên tố cáo hai con trai của hoàng hậu Anne d Autrice tức vua Louis XIV và quận công Orléans không phải là con trai của Vua Louis XIII, điều này kể cũng có thể là sự thật lắm chứ.
Còn về vua Henri Đệ nhị triều Bourbon mà chúng ta vừa nhắc đến đã có kết hợp với đại tộc Condé khiến tính cách của Condé cụ có lai tạp và trở thành người vừa keo kiệt lại hay tư lự.
Dù chuyện xảy ra từ thời của con trai vua Henri Đệ nhất triều Bourbon nhưng dẫu sao Condé cụ vẫn có một người cha khác. Mẹ của cụ Charlotte de la Trémouille có vụng trộm với một gã giúp việc. Sau bốn tháng vắng mặt, chồng bà đột ngột trở về. Gã kia nhanh chóng bị bắt còn người vợ lăng nhăng gần như trên con đường chết. Bà ta mời chồng tham dự vào một buổi tiệc vương giả.
Dù là mùa đông, bà ta vẫn cho lùng những hoa quả ngon nhất rồi ăn chung với chồng một quả lê. Chỉ có điều bà dùng lưỡi dao bằng vàng có tẩm thuốc độc để bổ nửa quả lê cho chồng.
Đức vua chết ngay trong đêm.
Charles Bourbon tưởng mình là người báo tin này cho Henri Đệ tứ ông ta nói:
- Thực ra chuyện này giống như việc tiễu trừ giáo hoàng Sixte Đệ ngũ thôi.
- Đúng thế - Henri Đệ tứ đáp.
Bản án rất gay gắt chống lại Charlotte de la Trémeuille nhưng Đức vua Henri Đệ tứ đã tham gia xét xử và quẳng tất cả vào lửa. Khi mọi người hỏi lý do của hành động kỳ quặc đó, ngài trả lời:
- Thà để một thằng con hoang thừa hưởng tước danh Condé hơn là phải thấy tên tuổi danh giá ấy bị tan vào hư vô.
Và một đứa con hoang thừa hưởng tên tuổi Condé đã pha tạp vào tên tuổi ấy vài thói hư tật xấu mà một trong số đó lại là sự nổi loạn vì thế chúng tôi chỉ là những tiểu thuyết gia, nếu tôi đi sâu vào nhũng chi tiết như thế, người ta sẽ cho rằng làm sao chúng tôi thông thái lịch sử bằng các nhà sử học, và nếu tôi cứ đưa ra những chuyện này, người ta sẽ lại nói tôi tầm thường hoá dòng tộc vua chúa.
Trở lại với công tước Enghien đó là một thanh niên ba mươi ba tuổi rất đẹp trai đã đi sống lưu vong cùng cha và bá tước Artois.
Bá tước Artois từng gia nhập đoàn tị nạn năm 1797 và suốt tám năm tuyên chiến chống lại nước Pháp. Sau khi quân đội của hoàng thân Condé bị giải tán, công tước Enghien có thể rút sang Anh như ông nội, cha và các vương tôn công tử khác nhưng vì còn vướng bận tơ lòng nên ông thích ở lại Ettenheim.
Tại đây, ông sống khá thanh đạm bởi lẽ số tài sản kếch xù bao gồm thừa kế của vua Henri Đệ tứ, tài sản của quận công Montmorency và gia sản của Louis le Borgne đã bị cách mạng tịch biên. Những người lưu vong sống quanh Offenbourg thỉnh thoảng vẫn đến thăm hỏi ông. Khi thì có đám thanh niên đến tổ chức buổi đi săn trong rừng Forêt-Noire khi thì chính hoàng thân biến mất trong vài ngày rồi lại đột ngột xuất hiện mà không ai biết ông đi đâu. Sự vắng mặt ấy nhiều lúc cũng tạo ra các tin đồn thị phi, vị thân vương chẳng bận tâm để mặc ai muốn nghĩ gì thì nghĩ chứ không hề đưa ra lời giải thích nào cả.
Một buổi sáng, có một người đàn ông xuất hiện trước nhà công tước và muốn gặp ông. Anh ta đã qua sông Rhin tại Kell, đi theo đường Offenbourg để đến đấy.
Hoàng thân đã đi vắng từ ba hôm. Người thanh niên kiên nhẫn chờ. Ngày thứ năm thì hoàng thân trở về.
Người thanh niên xưng tên và thông báo mình do ai cử đến. Dù anh không nài gặp hoàng thân ngay mà tuỳ ông tiếp lúc nào tiện lợi cũng được, tuy nhiên hoàng tước đã cho vời ngay lập tức.
Người đàn ông lạ ấy chính là Soi de Grisolles.
- Anh đến từ chỗ tướng Cadoudal tài ba đó ư? - Hoàng thân hỏi - Ta vừa đọc một tờ báo Anh đưa tin ông ấy đã rời London, đến Pháp để trả thù một kẻ làm ô danh ông ấy, sau đó ông ấy đã về London rồi.
Viên sĩ quan tuỳ tùng của Cadoudal thuật lại toàn bộ sự việc xảy ra không dám thêm bớt một chi tiết nào sau đó kể cho hoàng thân về nhiệm vụ tới gặp Tổng tài để tuyên chiến, gặp Laurent và ra lệnh tập hợp quân Jéhu chuẩn bị hoạt động trở lại.
- Anh còn điều gì muốn nói với ta phải không? - Hoàng thân trẻ tuổi hỏi.
- Dạ có thưa hoàng thân. Tôi đến để thưa với ngài rằng, mặc dù hoà ước Lunéville đã có nhưng một cuộc chiến khốc liệt chưa từng thấy sắp diễn ra để chống lại Tổng tài, tướng Pichegru đã thoả thuận với phu nhân của ngài bằng tất cả mối căm thù dồn nén bấy lâu để chống lại chính phủ Pháp từ hồi phải đi tị nạn ở Sinnaramry; tướng Moreau đang tức giận vì không được coi trọng khi thắng lợi ở Hchenlinden và mệt mỏi khi phải thấy quân đội và các tướng lĩnh sông Rhin liên tiếp xả thân cho cuộc chiến Italie, nên có thể dựa vào uy tín của ông ta thêm nữa. Chuyện này mới chỉ là tin đồn thôi nhưng tôi cũng chịu trách nhiệm nhắc ngài, thưa hoàng thân.
- Chuyện gì?
- Đó là một tổ chức xã hội bí mật đang tập hợp quân đội.
- Tổ chức những người Philadelphes?
- Ngài cũng biết nó ư?
- Ta đã nghe nói đến.
- Vậy đức ngài có biết ai là thủ lĩnh không?
- Đại tá Oudet.
- Ngài gặp ông ta rồi chứ?
- Một lần ở Strasbourg nhưng không để ông ta biết ta là ai.
- Đức ngài thấy ông ta thế nào?
- Anh ta tạo cho ta cảm giác đó là con người trẻ trung rất có chí khí cho sự nghiệp đồ sộ mà anh ta đang mơ tưởng.
- Vâng, đức ngài quả không nhầm - Soi de Grisolles nói - Oudet sinh ra trong miền núi Jura và có đủ sức mạnh thể chất cũng như tinh thần của người miền núi.
- Anh ta chỉ độ hai mươi lăm tuổi thôi.
- Bonaparte cũng chỉ hai mươi sáu tuổi khi ông ta đánh chiến dịch Italie đấy thôi.
- Anh ta bắt đầu bằng việc đứng về phe chúng ta.
- Vâng, chúng tôi biết ông ta từ hồi ở Vendée.
- Sau đó lại quay sang bọn Cộng hoà.
- Nghĩa là hồi ấy ông ta mệt mỏi khi cảnh người Pháp nồi da nấu thịt lẫn nhau.
Hoàng thân thở dài và nói:
- Ta cũng vậy, ta mệt mỏi lắm rồi.
- Thưa không bao giờ, dù đức ngài cứ tưởng đã đánh giá hết một con người không khoe khoang những thực ra đó là một người chưa có ai từng có đủ các phẩm chất đối lập và tự nhiên như thế. Ông ấy có vẻ ngây thơ của một đứa trẻ và sự dữ dội của một con sư tử vẻ lơi lả của một cô thiếu nữ đồng thời lại có vẻ quyết đoán của một người La Mã lớn tuổi. Đó là người vừa năng động lại vừa trầm tư vừa lười nhác lại mẫn cán hơn hết thảy, tính khí thay đổi rất linh hoạt lúc dịu dàng khi nghiêm khắc, lúc hiền lành khi lại khủng khiếp lúc nhu lúc cương. Tôi chỉ có thể thưa với đức ngài trước danh dự của ông ấy rằng những người như Moreau và Malet đã chấp nhận ông ấy làm thủ lĩnh và chịu sự chỉ huy của ông ấy rồi.
- Kể cả ba thủ lĩnh vừa nói?
- Oudet, Malet và Moreau Philopcemen, Manus và Fabius. Một người nữa sắp gia nhập đó là tướng Pichegru với bí danh Thémistocle.
- Ta thấy trong tổ chức ấy nhiều thành phần quá khác nhau - Hoàng thân nói.
- Nhưng họ rất mạnh. Ban đầu chúng ta sẽ lật đổ Bonaparte đã khi đã có chỗ, ta sẽ tìm được người hoặc nguyên tắc cần thiết để đặt vào vị trí đó.
- Thế các anh định lật đổ Bonaparte bằng cách nào? Ta hy vọng là không bằng một vụ mưu sát chứ?
- Không, những sẽ có trận quyết đấu.
- Anh nghĩ Bonaparte sẽ lại chấp nhận cuộc đấu? Ba mươi người chắc? - Hoàng thân nói và bật cười.
- Không, thưa Hoàng thân, nhưng chúng tôi sẽ buộc ông ta phải chấp nhận. Ít nhất mỗi tuần ông ta sẽ đến La Malmaison ba lần kèm theo một đoàn tuỳ tùng khoảng bốn đến năm mươi người. Cadoudal sẽ tấn công ông ta bằng đội quân đông tương đương và Chúa sẽ phán quyết đâu là lẽ phải.
- Như thế thì quả cũng không phải là cuộc ám sát - Hoàng thân trầm ngâm - đó là một cuộc chiến hẳn hoi.
- Nhưng để kế hoạch này thành công, tâu đức ngài, chúng tôi có sự hậu thuẫn của một hoàng thân, can đảm và nổi tiếng như ngài đây. Các quận công Beng, Angoulême và cha của họ, bá tước Artois đã hứa hẹn với chúng tôi bao nhiêu lần thì bấy nhiên lần nuốt lời nên chúng tôi không thể trông mong gì ở họ. Chính vì thế tôi lặn lội đến đây thay mặt tất cả mọi người mời ngài về Paris để một khi Bonaparte chết, đất nước quay trở lại triều đình và có một trưởng tộc Bourbon lên ngai ngay đúng theo luật.
Hoàng thân nắm tay Sol de Grisolles mà rằng:
- Thưa ngài, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những gì các ngài dành cho tôi, tôi xin chứng tỏ, chỉ riêng ngài thôi, bằng chứng về tình cảm ấy bằng cách tiết lộ một bí mật mà không ai biết kể cả cha tôi. Với Cadoudal, Oudet, Moreau, Pichegru và Malet tôi nói rằng: "Chín năm tôi giữ chiến tuyến cũng là chín năm ngoài mạng sống luôn bị đe doạ, tôi không mảy may quan tâm, tôi ngậm đắng nuốt cay trước các thế lực cứ nói là đứng về phe chúng tôi nhưng thực chất chỉ coi chúng tôi là công cụ, là tấm bình phong. Một khi các thế lực này có được hoà bình, chúng lại quên chúng tôi ngay. Cũng chẳng sao, tôi không dai dẳng một mình trong trận chiến hoàng tộc, giống như cụ cố Condé vĩ đại ngày xưa chống lại vua nên huỷ hoại một phần vinh quang của mình. Các ông sẽ nói với tôi rằng cụ Condé chống lại vua còn tôi chống lại nước Pháp cơ mà. Xét về quan điểm mà tôi chiến đấu vì nó, cá nhân tôi, tôi không thể tán thành với nó, biết đâu lỗi của tổ tiên tôi chỉ vì cụ chỉ chống lại có một mình vua của cụ thì sao.
- Tôi đã chống lại nước Pháp, nhưng với tư cách là nhân vật thứ hai, tôi đã không tuyên chiến cũng như không tuyên bố chấm dứt chiến tranh, tôi để mặc các thế lực làm gì cũng được. Tôi đã nói với định mệnh "Ngươi gọi ta thì ta đây", bây giờ, khi hiệp ước hoà bình đã ký, tôi sẽ chẳng đổi những gì đã kết thúc.
- Đó là những lời tôi nói với họ đấy. Còn bây giờ, chỉ cho mình ngài thôi đấy. Hãy hứa với tôi ngài sẽ giữ bí mật này không nói cho bất cứ ai.
- Tôi xin thề, thưa đức ông.
- Được rồi mong ngài thứ lỗi cho sự yếu đuối của tôi nhé, tôi đang yêu.
Sol gật đầu.
- Sự yếu đuối đúng thế - Công tước lặp lại - Nhưng đồng thời đó cũng là hạnh phúc, sự yếu đuối thôi thúc tôi mạo hiểm cái đầu của mình ba bốn lần một tháng để vượt sông Rhin đi gặp người phụ nữ tôi yêu. Người ta cứ tưởng tôi chịu xa anh em và ngay cả cha mình ở lại Đức vì lý do gì đó. Nhưng không, điều lưu luyến tôi chính là tình yêu nóng bỏng, cao thượng, khó cưỡng khiến tôi phải gắn tình yêu ấy với nghĩa vụ của mình. Người ta cứ bàn tán xem tôi đi đâu, người ta tưởng tôi đang chuẩn bị mưu phản. Than ôi! Than ôi! Tôi chỉ đang yêu, có thế thôi?
- Ôi! Thật vĩ đại và thần thánh thay thứ gọi là tình yêu vì nó đã khiến một thành viên Bourbon quên hết mọi điều kể cả nghĩa vụ của mình - Sol de Grisolles mỉm cười thì thầm - Tâu hoàng thân, xin người cứ yêu đi, yêu đi và chúc ngài hạnh phúc! Hãy tin một điều đó là sứ mệnh thật sự của đàn ông.
Sol de Grisolles đứng dậy để cáo từ.
- Ồ đừng ra đi như thế chứ? - Công tước nói.
- Tôi còn gì để làm bên ngài nữa ư?
- Anh còn phải nghe tôi nữa. Tôi chưa nói với ai về tình yêu của tôi. Ôi chao! Mối tình này làm tôi nghẹn thở mất tôi đã tin tưởng kể cho anh những như thế chưa đủ. Tôi còn phải nói về nó và còn nói nữa. Anh đã bước vào phần đời hạnh phúc và tươi vui của tôi, tôi cần phải kể cô ấy xinh đẹp thông minh và tận tình thế nào. Hãy ở lại ăn tối cùng tôi và sau đó anh có thể đi. Tôi có thể nói ít nhất hai tiếng về cô ấy. Tôi yêu cô ấy ba năm rồi thế mà không thể nói về cô ấy với bất cứ ai.
Grisolles ở lại ăn tối.
Trong suốt hai tiếng, hoàng thân chỉ nói về người đàn bà của ông, kể toàn bộ tỷ mỉ cuộc tình ấy. Ông ta cười, khóc, ôm người bạn mới, rồi mới cho anh ta đi.
Ngay tối hôm đó, sứ giả của Cadoudal sang nước Anh. Thám tử của Fouché cũng kịp gửi nhất cử nhất động của Sol về.
"Xuất phát một tiếng sau Sol de Grisolles.
Theo chân từng trạm, qua cầu Kell, ăn tối cùng phòng tại Offenburg mà không bị nghi ngờ…
Ngủ lại Offenburg.
Tiếp tục khỏi hành lúc tám giờ sáng cách xe đi trước nửa tiếng.
Đến khách sạn La Croix, còn S de G đến khách sạn Rhin ét Moselle.
Vì sự hiện diện của tôi có thể gây chú ý nên tôi kím cớ đến gặp đức giáo hoàng cuối cùng của Strasbourg, ngài Rohan-Gueméné, rất nổi tiếng trong vụ Cái vòng cổ. Tôi giả vờ là dân tị nạn qua Ettenheim mà không thể không đến thăm hỏi ông ta. Vì ông ta khá ưa nịnh nên tôi giở đủ ngón tán dương đến nỗi ông phấn khởi mời tôi ở lại dùng bữa tôi. Nhân cơ hội ấy, tôi đã dò la về công tước Enghien. Vị hoàng thân này và ông ta ít khi gặp nhau nhưng trong cái thành phố chỉ có ba nghìn dân này thì ai chẳng biết người khác làm gì.
Hoàng thân là một thanh niên tuấn tú khoảng ba hai hoặc ba mươi ba tuổi, tóc vàng và thưa, rất hào hiệp, dũng cảm và phong nhã. Cuộc đời ông ta khá bí ẩn vì thỉnh thoảng ông lại biến mất mà không ai biết đi đâu. Đức Giáo hoàng đoán ông này không sang Pháp vì hai lần đã gặp trên đường Strasbourg, một lần ở Offenburg, một lần khác ở Benfeld.
Công dân S de G được công tước Enghien tiếp đón nồng hậu, giữ lại dùng bữa tôi, anh này chấp nhận và cuối cùng công tước đưa anh ta ra tận xe và ôm hôn thắm thiết.
Công dân S de G tiếp tục sang London. Anh ta khởi hành lúc mười một giờ đêm thì mười hai giờ tôi cùng bám sát.
Ngài hãy mở cho tôi một tài khoản chừng một trăm louis gửi chỗ đại sứ quán Pháp, trong trường hợp tôi buộc phải ở lại đây thì cũng không ai nghi ngờ tài khoản ấy.
Tái bút - Mong đức ngài nhớ cho rằng ngày mai quân Jéhu bắt đầu chiến dịch và sẽ phải chặn xe thuế từ Rouen trong rừng Vernon".
Nhờ những tình tiết vừa sáng tỏ trước mắt chúng ta, hy vọng các bạn hiểu được lý do gì đã khiến bá tước Sainte-Hermine phải vội vã bỏ trốn trong đám cưới như vậy.
Số là trước đây được giải ngũ được cởi bỏ lời thề do Cadoudal tự tay viết thông báo bá tước Sainte-Hermine ngỡ có thể được hành sự theo ý muốn nêu mới ngỏ lời xin cưới tiểu thư Sourdis, và cô gái đã đồng ý.
Khi Hector chuẩn bị ký vào tờ hôn ước thì hiệp sĩ Mahalin vội vã đến lâu đài, ngăn Hector đúng lúc Hector chuẩn bị cầm bút ký ở trong phòng Mahalin đã đọc lệnh của Cadoudal yêu cầu Laurent tiếp tục cầm vũ khí và lệnh tập hợp tất cả quân Jéhu của Laurent để sẵn sàng hành động.
Hector đã kêu lên đau đớn. Tất cả giàn máy chém như đổ sụp xuống hạnh phúc của anh, những giấc mơ êm ái nhất được nuôi dưỡng, kỳ vọng suốt hai tháng qua giờ đã thành mây khói.
Nếu ký vào giấy kết hôn, anh có thể mạo hiểm, vào một ngày nào đó biến tiểu thư Sourdis thành goá phụ của một người đàn ông có cái đầu lăn lông lốc dưới dàn máy chém như một tên cướp có vũ khí. Tất cả những mặt tốt đẹp về chàng hiệp sĩ sẽ biến mất trong mắt nàng. Nó không được nhìn qua lăng kính màu hồng nữa mà ngược lại qua tấm kính biến dạng khổng lồ. Chỉ chạy trốn mới cứu vãn được tình thế. Hector không lưỡng lự một giây nào nữa, anh như một chiếc ly vỡ vụn chỉ nói được một từ.
- Trốn thôi!
Rồi lao ra khỏi lâu đài cùng hiệp sĩ Mahalin.
Chương 26: Rừng Vernon
Ngày thứ bảy sau đó, khoảng mười một giờ đêm, có hai người đàn ông cưỡi ngựa ra khỏi làng Port-Mort, đi qua Isle và Pressagny, đến con đường chạy từ Andelys đến Vemon, qua những cây cầu gõ cũ kỹ, qua năm cối xay để đến Vemonnet và cuối cùng rẽ vào đường nôi Paris với Rouen.
Đầu cầu bên kia, chỉ cần ngoảnh mặt sang bên trái sẽ thấy cánh rừng Bizy hiện ra như một cánh cung đen sẫm. Dưới cánh cung ấy có bóng hai kỵ sĩ khác không cách xa nhau quá.
Khi hai người bạn này đi qua Pressagny cũng là lúc hai kỵ sĩ đầu tiên xuống tả ngạn sông Seine, đi từ Rolleboise và rẽ vào rừng nơi hai người kia đã biến mất. Họ như bàn bạc một lát rồi quả quyết đi vào rừng. Nhưng vừa đi được hơn chục bước đã có tiếng kêu lên "Ai đó".
- Vemon! - Hai người mới đến đáp.
- Versailles! - Hai người đến đầu tiên trả lời.
Trên một con đường xuyên cánh rừng nối Thilliers-en-Vexin với Bizy cùng lúc ấy cũng có hai kỵ sĩ nữa đến. Thông qua mật hiệu, họ gia nhập vào bốn người kia.
Sáu người đàn ông nói với nhau vài câu để nhận nhau sau đó tất cả họ đều im lặng chờ đợi.
Mười hai giờ đêm.
Mỗi người trong số họ lần lượt đếm mười hai tiếng chuông đổ xa xa. Kèm theo đó là tiếng bánh xe lăn không rõ lắm. Họ đặt tay lên cánh tay bạn mình và nói.
- Hãy nghe nhé!
- Ừ - Tất cả cùng đáp.
Họ hiểu và tiếng động ấy đã vang lên khá gần. Người ta nghe thấy tiếng nạp đạn lách cách. Đột nhiên từ khúc ngoặt xuất hiện hai ánh đèn dẫn đường cho xe thuế. Người ta không còn nghe thấy chính hơi thở của mình mà chỉ còn nhịp đập con tim rộn ràng gấp gáp như những giọt nước chảy trong động.
Chiếc xe vẫn tiến lên phía trước.
Khi nó chỉ còn cách chục bước, hai kỵ sĩ lao ra chặn đầu xe ngựa còn bốn người áp vào cửa xe và hô to:
- Quân Jéhu đây, đừng chống cự vô ích!
Chiếc xe dừng lại một lát rồi đột nhiên đạn từ hai cánh cửa bắn ra xối xả và một giọng hét lên "Nước đại" khiến cỗ xe từ mà chồm lên.
Hai lính Jéhu đã nằm lăn ra đất. Một người bị đạn xuyên từ thái dương này sang bên kia. Anh ta vô phương cứu chữa. Người thứ hai bị ngã khỏi ngựa đang cố với khẩu súng văng ra xa. Nhưng người khác thì lao vào rừng hay nhảy xuống sông và kêu la.
- Có mai phục, mạnh ai nấy chạy thôi!
Bốn cảnh sát chạy đuổi theo rồi họ xuống ngựa lao vào người vừa với được khẩu súng và sắp bắn vào đầu mình.
Người kia đã chết, chân tuột khỏi bàn đạp khiến con ngựa tự do tha hồ chạy theo toán người. Người thứ hai bị bắn vào đầu nhưng hình như không còn chút sức lực nào, anh ta thở dài rồi ngất đi; từ vết thương trên đầu chảy ra vũng máu lênh láng. Người ta chuyển anh vào nhà lao Vemon. Khi tỉnh dậy, anh ta ngỡ mình như vừa thoát khỏi một giấc mơ.
Ánh đèn leo lét rọi sáng cho anh ta biết mình đang ở trong phòng giam. Thế là anh chàng nhớ lại tất cả gục đầu vào đôi bàn tay khóc nức nở một hồi lâu. Tiếng khóc ấy khiến cánh cửa bật mở, cai ngục bước vào hỏi anh có cần gì không. Nhưng nước mắt đang đầm mi, anh chỉ lắc đầu và nói:
- Ông có thể đưa tôi một khẩu súng để tôi bắn vỡ sọ mình hay không?
- Công dân ạ, việc đó cùng với việc thả anh là hai điều duy nhất tôi không thể đáp ứng.
- Nếu thế thì tôi chẳng cần gì nữa cả.
Rồi anh ta không nói thêm một câu nào nữa. Chín giờ sáng hôm sau, có người vào phòng giam. Anh chàng đó vẫn ngồi nguyên ở chỗ hôm qua, chỉ có điều máu từ vết thương đã đông lại, đầu ngả vào tường bằng chứng cho cả đêm hôm trước anh ta không cử động một tí nào.
Người vừa đi vào là viên biện lý và thẩm phán dự thẩm nhưng phạm nhân từ chối cung khai.
- Tôi chỉ khai với một mình ngài Fouché - Anh ta nói.
- Anh có bí mật muốn nói riêng với ông ấy?
- Đúng vậy.
- Thề danh dự chứ?
- Tôi thề danh dự.
Tin đồn ta bắt được kẻ cướp xe thuế lan ra rất nhanh và người ta hiểu tầm quan trọng của tù nhân này. Thấy biện lý không chần chừ cho gọi ngay một xe bốn chỗ, cho phạm nhân bị trói lên xe, hai cảnh sát ngồi đối diện, ông ta ngồi cạnh đó và một cảnh sát nữa ngồi gần người đánh xe. Chiếc xe lăn bánh và sau khoảng một tiếng sau, nó dừng lại trước toà nhà của công dân Fouché.
Tù nhân được đưa vào phòng chờ dưới tầng trệt. Công dân Fouché đang ở phòng làm việc. Viên biện lý để tù nhân ở lại với bốn cảnh sát rồi đi báo cho Fouché biết, năm phút sau có người ra đưa tù nhân vào.
- Anh ta được đưa vào phòng làm việc của ông nghị Fouché de Nantes. Người ngoài vẫn không hay biết ông ta mới thật sự là bộ trưởng Bộ Cảnh sát. Dạo này, ông bắt đầu gắn cả cho mình và cái họ ấy giống như một tước hiệu quý tộc vậy.
Tù nhân chịu đau đớn suốt chặng đường, mặt khác dây trói siết vào tay làm anh ta còn đau đớn hơn nữa. Fouché đã nhận ra điều đó.
- Này công dân - ông ta nói - Nếu anh hứa với ta không tìm cách chạy trốn khi ở đây, ta sẽ cho tháo dây trói đang làm anh đau nhé.
- Đau kinh khủng - Phạm nhân nói.
Fouché rung chuông gọi phục vụ.
- Toutain, hãy cắt hay cởi cái dây kia ra cho anh ta.
- Ngài làm gì thế? - Thầy biện lý hỏi.
- Ông cũng thấy rõ rồi còn gì, tôi cho cởi trói.
- Thế nhỡ hắn tháo chạy thì sao?
- Tôi có lời hứa của anh ta rồi.
- Thế nếu hắn nuốt lời.
- Không, hắn không nuốt lời đâu.
Phạm nhân thở phào hài lòng xoay xoay hai tay bật máu, chiếc dây đã siết quá sâu.
- Bây giờ anh chịu khai chứ?
- Tôi đã nói là chỉ khai với mình ngài. Khi nào có một mình ngài tôi sẽ khai.
- Trước hết mời anh ngồi. Còn ngài, ngài biện lý, ngài nghe thấy rồi đấy, ngài yên tâm biên bản trước sau gì cũng đến tay ngài thôi. Tôi đảm bảo lòng hiếu kỳ của ngài sẽ được thoả.
Nói rồi Fouché chào ông ta. Ông này dù muốn ở lại vẫn đi ra ngay sau đó.
- Bây giờ, thưa ông Fouché…
Những Fouché đã ngắt lời phạm nhân:
- Không cần anh khai cái đó, tôi biết hết rồi.
- Ông ư?
- Anh tên là Hector de Sainte-Hermine; anh xuất thân trong một gia đình quý tộc miền Jura, cha anh bị xử trảm, anh trai cả bị bắn chết tại lâu đài Auenheim; anh trai thứ hai của anh bị chém đầu ở Bourg-en-Bresse. Sau đó, đến lượt anh tham gia đội quân Jéhu. Cadoudal đã giải ngũ cho các anh sau khi ông ta đàm đạo cùng Bonaparte. Nhờ đó anh đã xin cưới quý cô Sourdis, người mà anh yêu thương. Trong lúc ký giấy hôn ước, Tổng tài và phu nhân Bonaparte đã ký, một đồng bọn của anh đã đến truyền lệnh của Cadoudal nên anh biến mất. Người ta cho tìm anh khắp nơi mà không thấy. Hôm qua các anh định tấn công xe thuế từ Rouen đến Paris, anh bị bắt trong tình trạng mê man nằm trên con ngựa đã chết. Anh muốn nói với tôi và xin tôi cho anh chết âm thầm bằng cách bắn vào đầu. Nhưng tiếc thay, tôi không thể giúp anh được.
Hector ngỡ ngàng nhìn Fouché và thấy mình thật ngốc. Sau đó đưa mắt nhìn quanh, anh thấy trên bàn có một con dao dọc giấy nhọn anh định nhảy đến nhưng ông Fouché đã ngăn lại.
- Này, cẩn thật đấy. Anh sắp nuốt lời hứa đấy, nó không xứng đáng với một quý ông.
- Tôi có trốn đâu - Chàng trai trẻ kêu lên và cố gỡ tay Fouché ra.
- Tự sát cũng là một cách trốn.
Sainte-Hermine thả con dao rơi xuống thảm để mặt nó lăn lông lốc vài vòng.
Fouché nhìn anh một lát và thấy nỗi đau đớn đạt đến cực điểm trên khuôn mặt.
- Hãy nghe tôi - Fouché nói - có một người có thể đáp ứng điều anh mong muốn đấy.
Sainte-Hermine đứng phắt dậy.
- Ai vậy?
- Ngài Tổng tài.
- Ôi! Ông hãy xin ông ta ân huệ ấy cho tôi, cho tôi chết sau một bức tượng, không cần đọc bản án, không cần nêu tên tôi, không ai biết tôi là ai.
- Vậy thì hãy hứa chờ tôi ở đây, anh không tìm cách chạy trốn chứ?
- Tôi xin hứa! Tôi xin hứa thưa ông! Nhưng vì Chúa, hãy xin cho tôi được chết.
- Tôi sẽ cố gắng hết sức - Fouché nói kèm theo nụ cười - Anh hứa?
- Tôi thề danh dự! - Sainte-Hermine giơ tay ra thề.
Thầy biện lý vẫn chờ bên ngoài. Thấy Fouché xuất hiện, ông ta hỏi:
- Thế nào?
- Ông có thể về Vemon - Fouché đáp - Chúng tôi không cần ông nữa.
- Nhưng còn phạm nhân của tôi?
- Tôi giữ anh ta lại.
Rồi không giải thích gì thêm với vị quan toà, Fouché xuống cầu thang rất nhanh, lên xe và nói.
- Đến chỗ ngài Tổng tài.
Chương 27: Vụ tấn công
Lũ ngựa chỉ chờ lệnh ấy bèn tung vó lao đi. Đến Tulileries, chúng tự dừng lại vì đây là điểm đỗ quen thuộc.
Bonaparte đang ở cùng phòng Joséphine, Fouché không muốn xuống vì e lại lôi kéo phụ nữ vào vấn đề chính trị. Hắn nhờ Boumerine đi báo Tổng tài lên ngay sau đó.
- Thế nào, ông Fouché. Có chuyện gì không?
- Thưa công dân Tổng tài, có rất nhiều chuyện để nói, tôi e là không làm rầy ngài chứ.
- Ông làm tốt đấy. Xem nào, ông nói đi.
Trước mặt ngài Boumerine ư? - Fouché hỏi thầm.
- Quý ông Boumerine là một người điếc, một kẻ câm, một kẻ mù. Ông cứ nói đi.
- Tôi đã cho một nhân viên lanh lợi nhất theo dõi người của Cadoudal - Fouché bắt đầu kể - Ngay đêm hôm đó, hắn đã gặp Laurent đẹp mã, thủ lĩnh quân Jéhu và ngay lập tức tổ chức này hoạt động trở lại.
- Thế sau đó?
Hắn đi Strasbourg, qua cầu Kell đi thăm công tước Enghlen ở Enenheim.
Fouché, ông không để ý đúng mức đến công tước trẻ đó rồi. Đó là người duy nhất trong gia tộc còn nghị lực để tiếp tục chiến đấu và còn kiên cường lắm; người ta báo cho tôi hắn đã vài lần đến Strasbourg. Cần phải theo dõi hắn.
- Xin ngài yên tâm, chúng ta sẽ không rời mắt khỏi hắn.
- Thế người của ta có biết họ đã làm gì, nói gì không?
- Làm gì ư? Họ ăn tối. Còn nới gì thì rất khó đoán vì họ ăn cùng nhau.
- Họ chia tay khi nào?
Khoảng mười một giờ đêm. Công dân Sol de Grisolles tiếp tục sang nước Anh. Mười hai giờ đêm, người của tôi cũng đi theo.
- Tất cả có thế thôi à?
- Không, tôi còn một chuyện quan trọng nhất muốn nói với ngài.
- Tôi nghe đây.
- Quân Jéhu đã bắt đầu hành động.
- Khi nào?
- Hôm qua. Chúng chặn một xe chở thuế ban đêm.
- Chúng lấy hết chứ?
- Không. Tôi được báo trước nên cài quân lính bên trong nên khi bị chặn trong xe đã bắn ra. Một tên bị chết, một tên khác bị bắt.
- Một kẻ mạt hạng à?
- Không ngược lại.
- Quý tộc?
- Và là quý tộc nhất.
- Hắn cung khai bí mật chứ?
- Không.
- Hắn sẽ khai?
- Tôi không nghĩ vậy.
- Ít ra cũng phải biết tên hắn chứ?
- Tôi biết.
- Hắn tên là gì?
- Hector de Sainte-Hermine.
- Cái gì? Là kẻ tôi đã ký giấy kết hôn nhưng hắn lại biến mất đúng lúc hắn phải ký sao.
Fouché gật đầu.
- Cho xử hắn đi - Bonaparte kêu to.
- Danh tiếng nước Pháp sẽ bị tổn hại.
- Thế thì cho bắn hắn sau một bức tường, một xó hàng rào hay hố nào đấy.
- Đó cũng là điều tôi thay mặt anh ta đến xin ngài.
- Thế hả! Vậy thì mong muốn của anh ta được chấp thuận rồi đấy.
- Cho phép tôi mang tin tốt này về cho anh ta?
- Hắn ở đâu?
- Ở nhà tôi?
- Sao lại ở nhà ông?
- Vâng, anh ta hứa sẽ không trốn.
- Đó là một kẻ trọng nhân phẩm chứ?
- Vâng.
- Tôi gặp hắn được chứ?
- Tuỳ ngài, thưa Tổng tài.
- Ồ không, tôi sẽ mềm lòng và lại tha cho anh ta mất.
- Trong lúc này, đó sẽ là tấm gương xấu nhất đấy ạ.
- Ông có lý. Thôi ông đi đi, ngày mai chuyện này phải kết thúc đấy.
- Đó là quyết định cuối cùng của ngài?
- Đúng thế. Chào ông.
Fouché chào lại rồi đi ra. Năm phút sau, hắn đã về nhà.
- Thế nào rồi? - Hector nắm tay vào nhau hỏi.
- Đồng ý rồi - Fouché đáp.
- Không bản án, không ồn ào?
- Tên anh sẽ không bị nhắc đến, từ lúc đó, anh không còn tồn tại với bất cứ ai.
- Tôi hy vọng điều ấy được thực hiện bằng súng chứ?
- Đúng.
- Khi nào?
- Ngày mai.
Sainte-Hermine cầm tay Fouché và bắt tay ông ta đầy biết ơn.
- Ôi! Xin cảm ơn, cảm ơn ông!
- Bây giờ thì đi thôi.
Sainte-Hermine ngoan ngoãn đi theo như đứa trẻ. Xe vẫn chờ họ ngoài sân. Fouché lên xe sau đó đến lượt Hector.
- Đến Vincennes - Fouché ra lệnh.
Nếu chàng thanh niên còn chưa tin thì từ Vincennes đã khiến anh ta yên tâm. Vincennes là nơi xử các vụ án quân sự.
Cả hai người xuống xe rồi được đưa vào pháo đài. Ông Herel, quản lý, bước đến trước mặt Fouché. Fouché nói thầm vài câu viên tổng quản gật đầu vâng dạ:
- Vĩnh biệt ngài Fouché - Sainte Hermine nói xin ngàn lần đa tạ ngài.
- Tạm biệt.
- Tạm biệt ư? - Sainte-Hermine kêu lên - Ý ông là sao?
- Thì nhờ Chúa! Ai biết cơ chứ?
Trong lúc đó, Saint-Régeant và Limoelan đã đến Paris và ngay ngày đầu đã bắt tay vào việc.
Thợ Nề theo cách gọi của Fouché - đã trở về Paris và thông báo với ông ta rằng Saint-Régeant và Limoelan đã rời London đi Paris. Đây là hai quân bài mà Georges dùng cho kế hoạch của mình nhưng kế hoạch đó vẫn chưa hoàn tất hoặc chỉ thành công khi hai quân bài này ghi điểm.
Nhưng cách thức họ tấn công Tổng tài là gì, không ai biết, thậm chí mọi người còn chưa hay biết gì về sự hiện diện bí mật của họ tại Paris.
Tổng tài không sống khép mình. Buổi tối ông thường đi bộ trên phố Duroc, ban ngày thì đi xe đến La Malmaison hoặc bốn lần trong tuần kèm theo một đoàn tuỳ tùng vài người đến các nơi, như viện Hài kịch hay nhà hát Opera.
Bonaparte không hẳn là người văn chương. Ông đánh giá tổng thể tác phẩm qua các chi tiết, ông yêu thích Corneille không phải vì thơ của ông ta mà vì tư tưởng nằm trong đó. Mỗi khi tình cờ ông đọc vài câu thơ bằng tiếng Pháp, y như rằng chỉ được vài câu. Tuy nhiên ông cũng vẫn yêu văn học lắm.
Về âm nhạc, ông chỉ coi đó là một thứ giải trí với ông, cũng như một người Italie, đó là thú vui như thú vui thể xác.
Ông bị lạc giọng nên không thể hát nổi hai câu thế nhưng ông vẫn đánh giá cao các thiên tài bậc thầy như Gluck, Beethoven, Mozart, Spontini. Tác phẩm mốt nhất thời bấy giờ là bản La Création của Haydn sáng tác cách đó ba năm.
Có một truyền thuyết về câu chuyện của nhà soạn nhạc bậc thầy người Hungary này. Ông ta là con trai một người thợ đóng xe bần hàn, vào mỗi chủ nhật, vẫn hành nghề chơi nhạc lưu động với cây đàn hạc cùng người vợ và cậu con sáu tuổi. Dong duổi trên một chiếc xe, họ đi từ làng này sang làng khác. Có ông thầy giáo ở Hainbourg nhận ra cậu bé có thiên bẩm về âm nhạc nên nhận về nhà dạy những kiến thức cơ bản về sáng tác và xin cho cậu một chân trong dàn đồng ca Saint-Etienne, giáo đường Vienne. Trong bảy hay tám năm, đám đông đến đi thính ngưỡng giọng nam cao quãng trên tuyệt đẹp cho đến lúc cậu bị vỡ tiếng. Chàng trai không còn nguồn sống nào khác vì giọng của cậu chỉ nuôi cậu đến đó, đành trở về làng và được một nghệ sĩ đồng thời là thợ làm tóc giả nghèo đói đón chào. Ông sung sướng nhận một người hát hay mà trước đây ông vẫn ngưỡng mộ ở nhà thờ. Để không bị chết đói, Haydn đã phải làm việc cật lực mười sáu giờ một ngày để cho ra tác phẩm Opera đầu tay "Quỷ thọt" được công diễn tại Carinthie.
Kể từ lúc đó, ông được cứu sống. Hoàng tử Esterhazy đã cho vời ông vào cung và giữ ông ở lại ba mươi năm. Nhưng khi hoàng tử đến, ông đã nổi tiếng rồi. Các ông hoàng đôi khi cứ muốn hiện diện bên các nhà đại nghệ sĩ song họ lại đến quá muộn.
Những người nghèo sẽ ra sao khi không có những người nghèo khác? Giờ đây, vinh quang đã đến với Haydn và như thể báo ân, ông lấy con gái người làm tóc giả giống như vì biết ơn mà Xanthippe đã thưởng Socrate một ân phúc vậy.
Tác phẩm của Haydn được công diễn ở Pháp và ngài Tổng tài đã tuyên bố trước sẽ tham dự buổi mở màn. Lúc ba giờ chiều, khi đang làm việc với Boumerine, ông nói:
- Này Boumerine, tối nay đừng ăn tối với tôi. Tôi sẽ đến nhà hát lớn cho nên không thể dẫn anh đi. Tôi sẽ đi cùng Lannes, Berthier và Launston nhưng anh cũng có thể đến đó, buổi tối là của anh mà.
Tuy nhiên, lúc ra đi, Bonaparte đã lưỡng lự mãi vì hôm đó ông có quá nhiều việc. Sự lưỡng lự ấy kéo dài từ tám giờ đến tám giờ mười lăm phút.
Trong mười lăm phút dùng dằng ấy đã có chuyện xảy ra quanh điện Tuileries như sau:
Có hai người đàn ông đi vào phố Saint-Nicaise, một con phố hẹp mà ngày nay không còn nữa. Đó là con phố ngài Tổng tài sẽ phải đi qua. Họ dẫn một con ngựa kéo xe bò chở một thùng thuốc súng. Khi đến giữa phố, một người rút một đồng hai mươi tư xu đưa cho một cô bé để cô giữ ngựa. Người kia chạy về phía điện Tuileries sau đó đứng ở đấy ra hiệu còn người này sẵn sàng châm lửa vào ngòi nổ.
- Đúng tám giờ mười lăm, người đứng phía điện Tuileries hô "Hắn kia!" thì người bên cỗ máy châm lửa rồi chạy biến. Chiếc xe tứ mã của ngài Tổng tài kèm theo tốp lính tinh nhuệ cưỡi ngựa ra khỏi cửa điện Louvre như một cơn lốc xoáy. Vừa vào đầu con phố trên, người đánh ngựa tên là Germain, nhưng Tổng tài đặt biệt danh là César, thấy một con ngựa và một chiếc xe bò chặn ngang anh ta liền kêu lên mà không dừng lại cũng không hãm ngựa:
- Xe kia, sang phải!
Rồi anh lạng sang phía bên trái. Cô bé liền cho xe nép sang phải. Xe của ngài Tổng tài vượt qua, đoàn người cũng vụt qua nhưng mới chỉ hết con phố, sang ngả rẽ đầu tiên, họ đã nghe một tiếng nổ kinh hồn tương đương với mười quả pháo nổ cùng lúc.
- Chúng định cài pháo chúng ta. Dừng lại, César?
Chiếc xe dừng lại. Bonaparte nhảy xuống.
- Xe của vợ tôi đâu? - ông hỏi.
Thật kỳ diệu là thay vì đi thẳng ngay, bà còn lại phía sau để tranh luận với Rapp về màu một chiếc khăn bằng vải Cachemire.
Ngài Tổng tài đưa mắt nhìn xung quanh. Tất cả chỉ còn là đống đổ nát, ba ngôi nhà bị thủng toác, đều sụp xuống hoàn toàn. Quanh đó, những tiếng rên la của người bị thương vang lên, đã có vài cái xác nằm bất động. Tất cả cửa kính của điện Tuileries đều bị vỡ nát, cửa xe của ngài Tổng tài cũng bay tung ra. Phu nhân Murat sợ đến nỗi không bước tiếp được nữa và người ta phải dìu bà trở lại lâu đài.
Bonaparte biết được không ai trong nhà ông bị thương. Vì vẫn chưa thấy xe của Joséphine xuất hiện nên chắc sẽ không sao. Ông phái hai lính về thông báo ông vẫn bình an vô sự và rằng bà chuẩn bị đến gặp ông tại nhà hát.
Sau đó, ông leo lên xe và ra lệnh:
- Đến nhà hát nhanh lên! Không được để ai nghĩ rằng tôi đã chết.
Tiếng đồn về thảm hoạ đã lan đến nhà hát lớn, người ta kháo nhau rằng quân sát nhân làm nổ một phố ở Paris, rằng ngài Tổng tài bị thương nặng, người khác lại bảo ông đã chết. Những đột nhiên, lô ghế của ông mở cửa và ông lại ngồi lên phía trước, bình tĩnh và thản nhiên như mọi khi.
Vừa thấy ông, hầu hết đều reo lên chân thành trừ những kẻ tư thù. Bonaparte đã trở thành trụ cột của nước Pháp. Tất cả đều dựa vào ông, những chiến thắng vẻ vang, hạnh phúc của cả dân tộc dân chúng ấm no, nước Pháp yên bình và cả hoà bình trên thế giới nữa.
Những tiếng reo còn rộ lên khi đến lượt Joséphine xuất hiện nhưng bà không tìm cách che giấu cảm xúc của mình, tuy tái mét và run rẩy nhưng vẫn bao trùm lên ngài Tổng tài một ánh mắt lo lắng và đầy yêu thương.
Bonaparte chỉ xem hơn mười lăm phút rồi ra lệnh trở về Tuileries hiển nhiên vội vàng muốn xả cơn giận đang phồng lên trong mình, vì hoặc đó sự thật hiển nhiên hoặc cơn thịnh nộ ảnh hưởng, mọi căm thù của ông đều nhắm vào quân Jacobin và cần trút xuống đầu chúng.
Có một điều lạ lùng là các cuộc lật đổ của triều đại này với triều đại khác ở Pháp, nhà Napoléon, nhà Bourbon nhánh cả, nhà Bourbon nhánh út và thậm chí ngay cả chính phủ hiện thời đều do bản năng tàn bạo và huỷ diệt thức đầy, đặc biệt là triều đình hủ bại của vua Louis XVI và phản quốc của Marie-Antoinette. Hình như kẻ thù của hai kẻ bất hạnh, đền tội cho lỗi của vua Louis XIV và Louis XV, đều là kẻ thù từ triều đại mới, dù chúng không liên quan hay là chi nhánh trực tiếp của chế độ cũ. Nếu đó không phải là một trong những lỗi của Bonaparte thì ít nhất sự việc này cũng xuất phát từ một trong những sai lầm của ông.
Vì vụ nổ khủng khiếp ấy đã lan khắp Paris nên phòng tiếp khách dưới tầng trệt điện Tuileries có hướng quay ra thềm đã đầy ắp người. Người ta đến đó đọc ánh mắt của chủ nhân, vì vụ nổ kia nhằm vào ông, để xem ông sẽ buộc tội cho ai.
Mọi người không phải chờ lâu để biết chính kiến của ngài Tổng tài.
Dù đã họp một ngày dài với Fouché để bàn về bộ máy triều đình nhưng lúc này ông đã quên bẵng hắn. Bonaparte bước vào phòng vừa xúc động vừa hăng hái trái với lúc ở nhà hát lớn.
Trong lúc trở về, những dự định chống lại phải Jacobin tràn lên cổ họng và làm ông nghẹn lại.
- Thưa các quý ngài - ông vừa bước vào vừa nói - Chuyện lần này không phải do bàn tay của các quý tộc, tăng lữ, Bảo hoàng hay dân Vendée. Đó là tác phẩm của phái Jacobin, chỉ những kẻ Jacobin mới muốn ám sát tôi. Tôi biết lần này ai nhằm vào tôi và tôi sẽ không thay đổi. Đó là những kẻ tàn sát Tháng Chín những tên ác ôn vấy bùn, chúng lúc nào cũng muốn nổi loạn gây hấn chống lại xã hội và chống lại chế độ sau chúng. Cách đây chưa đầy một tháng, các vị đã thấy Ceracchi, Aréna, Topino-lebrun, Demerville định ám sát tôi. Thế đấy! Vẫn bài cũ mèm, chúng là những tên uống máu Tháng Chín, quân sát nhân ở Versailles, bọn cướp bóc ngày ba mươi mốt tháng Năm, quân mưu phản Frainal, tác giả của tất cả các vụ sát nhân chống lại chính phủ. Nếu bắt được chúng cần phải đập nát chúng để thanh lọc nước Pháp khỏi những thành phần thối nát như thế. Sẽ không có lòng từ bi cho bọn bất lương ấy. Ông Fouché đâu?
Ông dậm chân sốt ruột và nhắc lại:
- Fouché đâu?
Fouché xuất hiện, quần áo ông ta phủ đầy bụi và vôi nữa.
- Ông chui ra từ đâu thế? - Bonaparte hỏi.
- Từ chỗ tôi có nghĩa vụ phải chui ra: Những đống đổ nát - Fouché đáp.
- Được lắm. Lần này ông còn đổ cho quân triều đình nữa không?
- Thưa ngài Tổng tài, tôi chỉ đổ lỗi khi tôi biết chắc chắn tôi buộc tội ai, và một khi tôi buộc tội xin ngài yên tâm, tôi sẽ chỉ nêu đích danh thủ phạm chính.
- Không nói, thủ phạm chính không phải là bọn Jacobin?
- Thủ phạm chính là kẻ đã gây ra án mạng. Đó là những kẻ tôi truy tìm.
- Ôi Chúa? Tìm chúng đâu có khó.
- Ngược lại, rất khó là đằng khác.
- Hay lắm! Riêng tôi biết chúng rồi, tôi không dựa vào cảnh sát của ông, tự tôi có cảnh sát của tôi. Tôi biết tác giả, tôi biết bắt chúng ở đâu và dành hình phạt làm gương như thế nào. Hẹn ông ngày mai nhé, ông Fouché, tôi sẽ chờ sự phá án của ông. Hẹn các ngài ngày mai.
Bonaparte lên phòng làm việc. Ông gặp Boumerine ở đó.
- Là anh đó ư! Anh biết chuyện gì xảy ra rồi chứ?
- Tất nhiên, vào giờ này, tất cả Paris đều biết - Boumerine đáp.
- Đúng thế, mà phải cả Paris đều biết ai là thủ phạm.
- Xin ngài cẩn thận: Ngài nêu tên thủ phạm là ai, Paris sẽ buộc tội chúng đấy.
- Ông buộc tội ai ư, lạy Chúa! Tôi chỉ vào quân Jacobin đấy.
- Ông Fouché lại không cho là như vậy. Ông ta đoán đây là vụ nổi loạn chỉ gồm hai hoặc ba. Tổng cộng có năm người là cùng.
- Fouché có lý lẽ của hắn khi không đồng tình với tôi. Fouché có việc của lão; Liệu lão có là một trong số thủ lĩnh của chúng không? Tôi không biết lão làm gì ở Léon và Loe chắc phải rồi!
- Loe và Léon đã giải thích về Fouché cho tôi. Tạm biệt Boumerine.
Rồi Bonaparte bình tĩnh hơn trở về phòng. Ông đã xả được một phần cơn giận dữ.
Trong khi đó, Fouché trở về chỗ của mình, như ông nói, là đống đổ nát. Quanh phố Saint-Nicaise, ông ta cho một đội quân bảo vệ hiện trường trận đánh phá trên bãi chiến trường, ông ta thả Thợ Nề hay còn gọi là Victor Bốn mặt (cảnh sát gọi anh ta như vậy vì anh này dễ dàng cải trang thành bốn dạng người khác nhau: dân thường, quý tộc, người Anh và người Đức)
Lần này anh ta không cần phải cải trang mà chỉ cần để nguyên hình dạng, vận dụng mọi khả năng quý giá trời phú để đoán ra những âm mưu bí hiểm nhất, những toan tính bí mật nhất.
Fouché thấy anh ta ngồi trên một mảng tường đổ và đang suy nghĩ.
- Thế nào rồi Thợ Nề? - Fouché hỏi.
- Thưa ngài người tôi nghĩ cần thẩm vấn người mà đánh xe nhìn thấy vì anh ta là người duy nhất có thể nhìn thấy trên phố có gì. César đã bảo tôi, chắc điều đó là sự thật.
- Anh không sợ tay đánh xe lác mắt vì sợ hay bị say chứ?
Thợ Nề lắc đầu.
Cesar là một người dũng cảm. Tên thật của anh ta là Germain nhưng Tổng tài đã đích thân đặt tên cho anh ấy là César đúng hôm ông ấy nhìn thấy một mình anh ấy hạ ba tên A Rập, giết một, bắt làm tù binh một tên khác hồi ở Ai Cập. Có thể ngài Tổng tài, vì không muốn mang ơn ai nên bảo anh ấy say chứ thực ra anh ấy không say.
- Được rồi, anh ta đã thấy gì - Fouché hỏi.
- Anh ấy đã nhìn thấy một người đàn ông chạy trốn sang phố Saint-Honoré sau khi ném sợi dây dẫn đã đốt cháy và một bé gái giữ con ngựa đã đóng vào xe chở thuốc nổ. Chắc chắn cô bé không biết trên xe có gì. Chính vì xe có thuốc nổ nên tên kia sau khi châm ngòi mới chạy như vậy.
- Cần phải tìm ra và thẩm vấn cô bé đó - Fouché nói.
- Cô ấy ư! Ngài nhìn kìa, đó là chân cô ấy đấy.
Thợ Nề nói và chỉ vào một cái chân đã lìa khỏi thân thể, đi giầy và tất màu xanh lơ.
- Còn con ngựa, có còn vài mẩu chứ?
- Chỉ còn cái đầu và khúc đuôi. Giữa trán có một ngôi sao màu trắng, ngoài ra còn vài vết cháy xém trên da, thế cũng tương đối để lần ra đầu mối.
- Còn cái xe?
- Cái xe thì cần phải chờ, tôi đã cho tìm tất cả các thanh sắt ngày mai tôi sẽ xem xét nó.
- Anh bạn, tôi giao cho anh việc này nhé.
- Vâng, nhưng chỉ mình tôi thôi.
- Tôi không dám cam đoan với đám cảnh sát của ngài Tổng tài đâu.
- Không lo, miễn là người của ngài ủng hộ.
- Người của tôi sẽ để yên nếu không có chuyện gì.
- Thế thì mọi việc sẽ ổn thôi.
- Anh khẳng định chứ?
- Khi tôi bắt đầu một việc gì, tôi phải đi đến cùng.
- Tốt lắm, vậy hãy đi tiếp đi, anh sẽ có một nghìn êcu khi chúng ta đến đích.
Fouché tôi về nhà, trong lòng chắc chắn hơn bao giờ hết rằng không phải quân Jacobin động thủ.
Ngày hôm sau, hai trăm người có liên quan đến việc chống đối cách mạng đã bị bắt. Sau khi đổi ý, Bonaparte đã chuyển họ sang Nghị viện để xét xử.
Trước lúc thả, họ lần lượt phải đi qua bốn người. Một lái ngựa, một người bán gạo, một chủ cho thuê xe và một người đóng thùng.
Nhưng không ai nhận ra trong số người tình nghi hai kẻ được coi là tham gia vụ đánh bom. Phiên xử đã diễn ra như vậy đó.
Thợ Nề, bằng trì thông minh tuyệt vời kèm theo nhận dạng của con ngựa đã soạn lại một bản báo cáo. Do đó, ngay hôm sau diễn ra sự kiện, người ta có thể đọc được trên các mặt báo và áp phích dán ở góc phố như sau:
"Cảnh sát thông báo đến tất cả các công dân rằng chiếc xe chở thùng thuốc nổ đã phát nổ lúc tám giờ mười lăm phút tôi qua trên phố Saint-Nicaise đối diện phố Male lúc ngài Tổng tài đi qua do một con ngựa cái kéo có đặc điểm như sau: bộ lông màu hồng, bờm xơ, đuôi hình chổi, mũi cóc, sườn và mông cùng màu, trên đầu có dấu, hai bên lưng có vệt trắng. Phía bên phải dưới bờm có vệt đốm trắng, quá tuổi và kích thước khoảng một mét rưỡi và bốn bộ rưỡi, béo và khoẻ, không có vệt dưới đùi hay ở cổ để chứng tỏ thuộc trạm thuê nào đó.
Những ai biết chủ con ngựa trên hay từng nhìn thấy nó chở xe kéo nào xin hãy cung cấp các thông tin cho nha cảnh sát hoặc trình bày trực tiếp hoặc gửi giấy. Ngài giám đốc nha cảnh sát sẽ có phần thưởng cho ai nhận được chủ nhân con ngựa trên. Vì lý do bảo quản, hãy đến nhận dạng phần còn lại của con ngựa càng sớm càng tốt”.
Với lời thông báo trên tất cả các nhà buôn ngựa ở Paris đều đổ xô đến xem. Ngay ngày đầu, một nhà lái ngựa đã nhận ra đó là con ngựa ông ta đã bán. Ông này muốn báo cảnh sát. Người ta dẫn ông đến chỗ Thợ Nề. Ông cung cấp tên và địa chỉ người buôn gạo đã mua con ngựa ấy. Người buôn gạo cũng nhận ra phần còn lại của con ngựa và khai đã bán nó cho hai người buôn chợ phiên.
Ông buôn gạo nhớ họ khá rõ vì đã vài lần làm ăn với họ. Một người tóc nâu, người kia tóc màu hạt dẻ nhạt, một người cao lớn năm bộ bảy tấc, người kia thấp hơn khoảng ba tấc. Một người có dáng vẻ là cựu binh còn người kia giống nhà tư sản.
Ngày hôm sau nữa lại có một người chuyên cho thuê xe đến và nhận ra con ngựa vì đã cho nó ở trong kho ngựa của mình vài ngày. Ông ta miêu tả hai người đàn ông giống y hệt miêu tả trước.
Cuối cùng, có một người buôn thùng gỗ đến khai đã bán thùng và chính ông ta đóng cái đai sắt.
Điều khiến cho công việc của Thợ Nề dễ dàng hơn rất nhiều đó chính là lòng nhiệt tình của dân chúng với ngài Tổng tài mạnh đến mức các nhân chứng tự đến khai báo. Kể cả những ai nghĩ mình, một ngày nào đó chứng kiến sự vụ kinh khủng đó sẽ tự đến và chỉ có thêm tình tiết chứ không bớt.
Tuy nhiên, tất cả những cái đó chỉ đem lại một kết quả ít ỏi. Nó chỉ giúp Fouché khẳng định không ai trong đám Jacobin bị bắt kia có dính dáng đến vụ này vì bốn nhân chứng đã từng tiếp xúc với thủ phạm nói trên không nhận ra ai trong số hơn hai trăm người kia cả.
Dẫu sao sự bất đồng quan điểm giữa Fouché và Bonaparte cũng được giải quyết phần nào, đó là người ta chấp nhận thả hai trăm hai ba mươi người. Nhưng Bonaparte rất cương quyết với một trăm ba mươi người còn lại.
Chính vì thế mà đã xảy ra những điều lạ lùng trong Hội đồng Nhà nước. Một trong số người tham gia vào đó là Uỷ viên Hội đồng Réal, cựu thẩm phán tại Châtelet. Người từng bị Robespierre cách chức vì theo đường lối chủ nghĩa ôn hoà, người sáng lập tờ thời báo đối lập và tờ Đồng bào yêu nước năm 1789, đồng thời cũng là nhà biên sở nền Cộng hoà. Ông đã hợp tác Regnault de Saint-jean-d Angély và Bonaparte. Theo Réal, bọn tấn công Bonaparte là những kẻ tư thù chứ không phải là những người Bonaparte buộc tội.
- Nhưng tôi muốn động đến bọn tàn sát Tháng Chín - Bonaparte kêu to.
- Bọn tàn sát Tháng Chín ư! - Réal đáp trả - Nếu là chúng, chúng đã huỷ diệt không còn một ai. Nhưng nếu vụ này mà do bọn Tháng Chín làm thì Ngài Roederer ngày mai cũng là một kẻ tàn sát Tháng Chín ở phố Saint-Germain, Ngài Saint-Jean-d Angély cũng đánh dân nhập cư để cướp chính quyền được.
- Chẳng lẽ lại không có danh sách bọn người này ư?
- Có chứ, chắc chắn là có - ông Réal đáp - Đứng đầu danh sách là cái tên Baudrais, người này đã trở thành thẩm phán ở Guadeloupe từ năm năm nay. Tôi cũng thấy trong đó có cái tên Pâris, làm lực sự toà Cách mạng và đã chết cách đây sáu tháng.
Bonaparte quay lại phía Roederer hỏi:
- Ai lập danh sách này thế? Ở Paris vẫn còn không ít những phần tử không cải tạo được từ chế độ Babeuf là gì?
- Lạy trời, nếu thế thì tôi cũng ở trong danh sách ấy. Nếu tôi không là uỷ viên Hội đồng: Tôi đã từng bảo vệ cho Babeuf và đồng phạm của ông ta ở Vendôme đấy - Réal nói.
- Tôi thấy ông ấy đã để tình cảm riêng về vấn đề Nhà nước rồi - Bonaparte nói - Ta cần thảo luận vấn đề này một cách công minh chính trực.
Một người khác sẽ không bao giờ tha thứ cho ông Réal vì dám chứng minh ngay giữa Hội đồng Nhà nước rằng Bonaparte sai lầm. Bonaparte, người vẫn tiếp tục theo đuổi những kẻ ông thề sẽ đụng đến, ghi lại tên kẻ nào dám ngáng con đường thù và trả thù của ông.
Sáu tháng sau, Réal bị giáng xuống thành trợ lý cho Tổng bộ Cảnh sát.
- Nhưng Turenne mới thiêu cháy Palatinat cơ mà - Người ta nói với Bonaparte.
- Thế thì quan trọng gì, nếu điều ấy cần thiết cho số mệnh của anh ta.
Và điều cần thiết cho số mệnh của Bonaparte chính là một trăm ba mươi tên Jacobin kia phải được kết án. Ông đâu có quan tâm chúng có thật sự là thủ phạm hay không.
Nguồn: http://vnthuquan.org/