4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C46-48)

Chương 46: Kết án

Tại phiên toà ngày 2 tháng Sáu, có một nhân chứng khiến mọi người đều tò mò khi không ai ngờ đến nhất, thuyền trưởng Wright chỉ huy con tàu đánh cá nhỏ đã đưa các bị cáo đến chân vách đá, Biville xuất hiện.

Anh này bị phục kích ở gần Saint-Malo rồi sau một cuộc giao chiến anh ta bị thương vào cánh tay nên bị bắt.

Việc xuất hiện của con người này khiến cả phòng xử án xôn xao bàn tán. Người ta đứng dậy, kiễng chân để cố nhìn một người đàn ông thấp bé, mặc triều phục Hải quân Anh quốc. Anh ta khai mình ba mươi lăm tuổi, thiếu tá thuỷ quân sống ở London tại nhà bạn mình là thiếu tướng hải quân Sidney Smith. Vì nhân chứng đứng trả lời rất khó nhọc người ta mang đến cho anh này một chiếc ghế. Viên thiếu tá cảm ơn rồi ngồi xuống. Anh ta tái xanh đến độ mọi người tưởng như anh ta sắp ngất đi. Coster Saint-Victor nhanh nhẹn chuyển cho anh ta một lọ dầu. Viên thiếu tá đang ngồi trên ghế, đứng dậy chào mọi người theo phép quý tộc rồi mới quay lại phía toà. Viên chủ toạ muốn tiếp tục hỏi nhưng anh này đã lắc đầu nói:

- Tôi bị bắt trong khi giao chiến nên tôi là tù binh chiến tranh, tôi đòi có quyền đối xử cho đúng với vị thế của mình.

Thế là người ta phải đọc lại bản thẩm vấn của toà ngày 21 tháng Năm từ phiên trước. Chăm chú nghe xong, nhân chứng nói:

- Thưa ngài thẩm phán, xin thứ lỗi cho tôi nhưng tôi không hề thấy ở đây nguy cơ nào để các ngài có thể đưa tôi ra uỷ ban quân sự và xử tử tôi nếu tôi tiết lộ bí mật quốc gia của đất nước tôi.

- Georges, ông có biết nhân chứng này không? - Chủ toạ hỏi.

Georges nhìn thuyền trưởng Wright rồi nhún vai:

- Tôi chưa bao giờ thấy ông ta.

- Còn ông, ông Wright, rốt cuộc, ông có muốn trả lời câu hỏi của tôi không?

- Không - Viên thiếu tá đáp - Tôi là tù bình, tôi đòi hỏi mọi quyền tương xứng và đối xử theo luật nhà binh.

- Muốn đòi gì thì đòi - Chủ toạ nói - Buổi xét xử tiếp tục vào ngày mai.

Lúc đó đã gần mười hai giờ trưa. Mọi người ra về trong lòng thầm nguyền rủa cái tính bất nhẫn của chủ toạ Hémard.

Ngay từ bảy giờ sáng hôm sau, đám đông đã kéo đến chật ních phòng xử án: có tin đồn tướng Moreau sẽ phải trình bày ngay phần mở đầu. Nhưng điều mong đợi đã không xảy ra, bù lại mọi người lại được chứng kiến một cảnh hết sức cảm động. Hai anh em Armand và Jules de Polignac ngồi cạnh nhau và không có cảnh sát xen giữa. Lúc nào họ cũng nắm chặt tay nhau như muốn thách thức toà và sau phiên xử, cái thế đã chia rẽ họ. Hôm ấy, toà đưa ra vài câu hỏi liên quan đến Jules và những câu hỏi đó như buộc tội cho Jules, nên Annand đứng dậy nói:

- Thưa các ông, tôi xin các ông hãy nhìn đứa bé này, nó mới chưa đầy mười chín tuổi, hãy cứu nó. Khi về Pháp là nó đi theo tôi. Chỉ tôi mới là thủ phạm thôi vì mình tôi mới biết nội dung việc mình làm. Tôi biết các ông muốn lấy đầu thế thì hãy lấy cái của tôi, tôi cho các ông đấy những đừng động đến đầu chàng trai trẻ này, trước khi tước đi cuộc sống một cách thô bạo các ông hãy cho nó có thời gian để biết nó mất cái gì đã.

Nhưng Jules đã đứng dậy quàng tay vào cổ Armand.

- Ôi! Các ông đừng nghe anh ấy. Đúng là tôi chỉ mới mười chín tuổi nhưng tôi là kẻ độc thân, tôi không có vợ con, nếu kết án thì kết án tôi đây này. Armand thì ngược lại, anh ấy là trụ cột trong gia đình, anh ấy còn vợ con. Dù còn trẻ nhưng trước khi biết đến đất nước của mình, tôi đã ăn bánh mỳ lưu vong, cuộc đời bên ngoài nước Pháp của tôi chẳng có ích gì cho nước Pháp và cũng là gánh nặng cho tôi. Hãy lấy đầu tôi đây, tôi dâng cho các ông đấy và miễn cho anh tôi.

Đến đó, mọi quan tâm dành cho tướng Georges và Moreau đã quay sang hai chàng trai trẻ đẹp, những đại diện cuối cùng cho lớp người trung thành tận tuỵ cho một chiếc ngai đã đổ. Cả nhóm người trên đây đều là thành phần tiêu biểu không những trong giới quý tộc mà cho toàn bộ Paris. Khán giả nồng nhiệt chào đón họ và sự nồng nhiệt ấy không phải xấu hổ, mỗi lời nói thốt ra từ miệng họ, mỗi sự kiện đều khiến đôi mắt họ đẫm lệ: Chủ toạ Hémald đưa ra trước hầu tước Rivière một bức chân dung của bá tước Artois và hỏi:

- Bị cáo Rivière, ông có nhận ra bức hoạ này không?

- Từ đây, tôi không trông rõ thưa ông chủ toạ, hãy làm ơn mang nó lại gần đây.

Chủ toạ cho người mõ toà mang bức chân dung lại gần bị cáo. Vừa nhìn thấy nó, hầu tước Rivière đã đưa nó lên môi rồi áp vào ngực nghẹn ngào nói.

- Các ông tưởng tôi không biết sao? Tôi những muốn được ôm nó một lần trước lúc nhắm mắt. Bây giờ, các vị bồi thẩm hãy tuyên án đi và tôi sẽ đi thẳng đến đoạn đầu đài trong lúc rửa tội cho các người.

Hai cảnh khác cũng khiến mọi người có cảm xúc sâu sắc:

Chủ toạ hỏi Coster Saint-Victor xem anh ta có thêm gì vào lời tự bào chữa của mình hay không.

- Có chứ - Coster Saint-Victor nói - Tôi cần nói thêm rằng những nhân chứng giúp gỡ tội mà tôi yêu cầu đã không được nhắc đến; tôi còn phải nói thêm rằng tôi vô cùng ngạc nhiên khi người ta đánh lạc hướng dư luận, đổ tiếng xấu và sự hổ thẹn không chủ lên đầu chúng tôi mà còn cả những người bảo vệ chúng tôi. Sáng nay tôi đã đọc nhật báo, thật đau lòng khi thấy nhân bản báo cáo về chúng tôi hoàn toàn bịa đặt.

- Bị cáo - Chủ toạ nói - Những việc này không liên quan đến lý tưởng của các ông.

- Không đâu - Coster nói tiếp - Những gì tôi có hân hạnh tuyên bố trước toà đều vì lý tưởng của tôi và của nhưng người bạn không may của tôi, thế nhưng bản báo cáo lại xuyên tạc lời biện hộ của nhiều trong số người bào chữa cho chúng tôi, về phần mình, tôi nghĩ mình không được thừa nhận như mức tôi được hưởng do công tố viên chỉ định nhân viên của ông ta ra bào chữa cho tôi. Tôi phản đối những trò sắp đặt của chính phủ và những lời lẽ điên khùng phát ra từ miệng các công dân danh giá ấy, tôi mong được ngài Gautier, luật sư của tôi được hân hạnh đến đây để nhận lòng tin tưởng tôi trao gởi cho ông ấy cho đến giờ phút cuối cùng.

Lời của Coster gây được cảm tình mạnh mẽ, không những thế nó còn nhận được những tràng pháo tay ròn rã. Ngay phía sau Coster Saint-Victor, trên hàng ghế thứ ba là chỗ của bảy người Bretagne và miền Morbihan. Trong số đó người ta có thể nhận ra một gia nhân của Georges có tên là Pícot, người định trả thù binh lính của chúng ta những thật không may việc rửa hận ấy chỉ là cách nhỏ mọn. Người này còn có biệt danh là Bourreau des “Bleus” (Đao phủ quân Xanh), đó là một người chân tay ngắn, vai lực lưỡng, mặt rỗ, tóc đen ngắn cắt vuông trước trán. Điều này khiến khuôn mặt hắn khá đặc biệt nhất là lại cộng với đôi mắt ti hí ẩn dưới đôi lông mày hung hung rậm rịt.

Coster Saint-Victor vừa dứt lời thì Picot đứng dậy, không tỏ ra lịch sự theo lối quý tộc nói trên.

- Còn tôi, tôi không phàn nàn mà hơn thế, tôi muốn tố cáo.

- Tố cáo ư? - Chủ toạ hỏi.

- Đúng thế, tôi tố cáo rằng, khi đến sở cảnh sát, đúng hôm bắt tôi, người ta đã bắt đầu bằng cách cho tôi hai trăm đồng louis bằng vàng và hứa thả tự do cho tôi nếu tôi khai chỗ ở của ông chủ, tức tướng quân Georges. Tôi đáp là mình không biết vì quả thực tướng quân ẩn hiện rất tài tình. Thế là công dân Bertrand đã bảo lính gác mang súng hoả mai và một cái tô vít đến để siết ngón tay tôi sau đó họ trói tôi lại bẻ gãy ngón tay.

- Đó là cách người ta dạy cho ông một bài học đấy - Chủ toạ Hermard nói - ông đã che giấu sự thật.

- Điều tôi nói là sự thật của Chúa, sự thật hoàn toàn - Picot đáp lại, lính canh có thể làm chứng, tôi đã bị tra tấn bằng lửa và bẻ gẩy các ngón tay.

- Thưa các ngài, - Thuriot nói - Các ngài sẽ nhận thấy đây là lần đầu tiên bị cáo đưa ra điều này.

- Hay lắm - Picot đáp - Chính ông đã biết chuyện này vì tôi đã nói với ông ở Temple. Nhưng khi ấy ông đã bảo: "Im đi, chúng ta sẽ lo mọi chuyện".

- Ông không nói nửa lời về tất cả những thứ đó trong bản lời khai của mình.

- Nếu tôi nói, tôi e là người ta lại tiếp tục làm tôi cụt tay và đốt tôi!

- Bị cáo - Tổng kiểm sát trưởng kêu to - ông có thể nói dối, nhưng lúc nói dối hãy tỏ ra nghiêm túc khi có mặt trước công lý.

- Công lý ư, nó hay lắm, nó muốn tôi phải lịch sự với nó thế mà nó có công minh với tôi đâu.

- Thôi đủ rồi đấy, ông im đi - Hemlard gạt đi rồi quay sang Georges - ông có bào chữa thêm gì không?

Georges trả lời:

- Ngài Tổng tài thứ nhất đã cho tôi cái vinh dự được ra trước buổi xử công khai, chúng tôi thừa nhận có một số điểm theo tôi là hợp lẽ nhưng xét từ phía nhà nước là vi phạm. Tuy nhiên, chính các người đã tổ chức các băng đảng cướp phá ở Vendée và Morbihan mượn danh tôi để thực hiện. Những trò ghê tởm khiến tôi buộc phải rời London, trở về Bretage bắn vỡ sọ một trong số đầu lĩnh các băng đảng ấy, chứng minh ai mới thật sự là Cadoudal. Sau đó, tôi phái trung uý Sol de Grisolles của mình tới gặp ngài Bonaparte và tuyên bố kể từ đó giữa chúng tôi có một món nợ phải trả. Ông ấy là người đảo Corse, ông ấy phải hiểu điều đó có nghĩa là gì và bắt đầu hành động. Chính thế tôi mới quyết định về Pháp. Tôi không biết liệu điều tôi làm có biến những người bạn của tôi trở thành kẻ phiến loạn hay không, các ông biết luật hơn tôi, các ông thử nói xem nào.

Trong số những bị cáo ở đó có cả cha David, người mà tôi đã nhắc đến hai lần, đó là một người bạn của Pichegru và cũng vì tình bạn ông mới ngồi trên hàng ghế bị cáo. Đó cũng là một linh mục điềm đạm, lạnh lùng và không sợ chết. Ông đứng dậy nói bằng giọng chắc nịch:

- Pélison đã không bỏ Tổng giám Fouquet trong lúc khó khăn và hậu vận đã chứng minh lòng trung thành của ông ấy. Tôi hy vọng việc quan hệ với tướng Pichegru trong thời gian ông ấy sống lưu vong không để tôi nhầm lẫn như Pélison với Fouquet trong lúc ông ta ở tù. Ngài Tổng tài thứ nhất cũng phải có bạn chứ, thậm chí có nhiều là khác. Giả sử trong cuộc đảo chính 18 Brumaire, ông ấy bị thất bại thì có thể ông ấy cùng bị kết án tử hình, nếu không chắc chắc bị lưu đày biệt xứ.

- Điều ông nói không có cơ sở nào cả - Chủ toạ kêu toáng lên.

- Chắc chắn bị lưu đày - Cha xứ David lặp lại.

- Ông im đi - Thuriot cũng hét lên.

- Tôi vẫn tiếp tục, tôi yêu cầu được tiếp tục - Vị linh mục cố nói - các ông định trừng phạt những người bạn của ông ấy vẫn liên hệ và làm cho ông ấy nhớ khi ông ấy đang bị tù đày sao.

Thẩm phán Thuriot không ngừng nhích trên ghế của ông ta giận dữ nói và nhìn vào những đồng nghiệp và hội thẩm khác:

- Thưa các ngài, những lời mà chúng ta vừa nghe xuất phát từ một sự bất mãn…

Nhưng cha David đã xen ngang:

- Thưa các vị quan toà mạng sống của tôi đang nằm trong tay các ông, tôi không sợ chết, tôi biết, khi người ta làm cách mạng người ta muốn trở thành một con người vĩ đại, muốn vậy phải đón nhận tất cả và tự giải quyết tất cả.

Vài lời diễn thuyết của các bị cáo mà tôi vừa nêu thỉnh thoảng lại bị xen ngang bởi những bị cáo khác. Cuối cùng phiên xử khép lại bằng cảnh hai anh em nhà Polignac:

- Thưa các ngài - Jules nói và nghiêng hẳn người về phía các bồi thẩm, hai tay chắp lại - Vì tôi quá xúc động sau lời nói của anh tôi và đã xin một lưu ý tầm thường cho lời biện hộ của tôi, bây giờ tôi đã bình tĩnh hơn, tôi dám hy vọng các ngài đừng để tâm đến những gì Armand nói. Hãy cứu anh ấy, trả anh ấy về bù đắp cho những giọt nước mắt của vợ anh ấy. Còn tôi, tôi không vướng bận vợ con, tôi không sợ cái chết, tôi còn quá trẻ, chưa tận hưởng cuộc sống nên không cần phải tiếc nó làm gì.

- Không, không! - Armand gào lên, kéo em trai lại ôm vào lòng - Không, em sẽ không chết. Anh xin em đấy Jules, hãy để chỗ đó cho anh.

Cảnh đó khiến cả đoàn hội thẩm đều như bị thương tổn.

- Toà tạm nghỉ. - Chủ toạ tuyên bố.

Mọi người lục tục đi ra. Khi đoàn hội thẩm ra khỏi phòng cũng là lúc mười một giờ trưa. Càng ngày, người kéo đến xem xử án càng đông, họ biết sẽ có hai bản án trong một phiên toà, bản án của Moreau và của Bonaparte và dù mọi người biết quyết định cuối cùng sẽ có rất muộn nhưng họ vẫn chờ.

Điều khiến cho sự cân nhắc thêm lâu là do ông Réal lại vừa đến để thông báo quan toà sẽ khép Moreau ở mức hình phạt nào sao cho giảm nhẹ nhất có thể.

Cuối cùng, bốn giờ sáng hôm sau, ngày 10 tháng Sáu, một tiếng chuông rung lên làm tất cả đám người đang ở phòng xử án phải rùng mình, tiếng chuông ấy báo hiệu các vị quan toà chuẩn bị xử tiếp. Những tia nắng đầu tiên của một ngày u ám rọi xuống, xuyên qua các ô cửa sổ quyện với những ánh nến trong phòng; không còn gì buồn bã hơn là cuộc tranh giành ban sáng giữa ngày và đêm ấy.

Giữa nỗi sợ hãi ấy, lực lượng quân đội đột ngột tiến vào phòng. Tiếng chuông thứ hai mạnh hơn tiếng chuông thứ nhất vang lên, cánh cửa bật mở và một mõ toà tuyên bố:

- Thượng toà!

Thế là chủ toạ Hémard, theo sau là đoàn phán quan trịnh trọng đi vào, ngồi lên ghế. Ông ta cầm trong tay một tờ giấy rất dài, đó là quyết định của toà án cấp cao. Tiếp đến là các bị cáo bị dẫn vào.

Chủ toạ sau khi đọc phần dẫn nhập, trùng giọng đọc bản án dài kết tội tử hình các bị cáo: Georges Cadoudal, Bouvet de Loziet, Rugulion, Rochelle, Lajolais, Roger, Coster Saint-Victor, Deville, Armand de Polignac, Charles d Hozier, Louis Ducorps, Picot, Armand Gaillard, Léhan. Pierre Cadoudal, Joyaut, Lemercier, Burban và Ménlle.

Ai cũng hiểu, trong lời đọc chậm rãi, sau mỗi cái tên lại dừng lại một chút kia là nỗi lo lắng cực độ. Ai đến dự đều căng tai, thở đứt quãng, tim đập thình thịch để xem trong số những cái tên ấy có ai là bà con hay bạn bè của mình không.

Dù số lượng người bị tử hình rất đông và lên đến hai mươi mốt người, phòng xử vẫn thấy được an ủi phần nào khi chủ toạ đọc phần còn lại:

- Xét thấy Jean-Victor Moreau, Jules Polignac, Le Ridant, Roland và cô Izai là đồng phạm bị lôi cuốn vào vụ mưu phản nhưng trong quá trình tranh tụng, dựa vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, toà giảm án cho những người trên còn hai năm tù giam.

Toà tuyên bố vô tội cho những người khác.

Những người bị kết án bình tĩnh lắng nghe lời phán xử không ba hoa hay mai mỉa. Chỉ mình Georges Cadoudal đứng cạnh hầu tước Rivière nghiêng người sang phía ông ta và nói:

- Bây giờ chúng ta đã xong với vua dưới mặt đất, chúng ta còn phải bắt đầu với vua trên trời nữa.

Chương 47: Hành quyết

Tuy vậy, nỗi lo lắng nhất có thể vẫn chưa nằm trong phòng xử án ấy, nơi người ta đang quyết định số phận các phạm nhân. Joséphine, phu nhân Murat, và phu nhân Louis vốn còn rất xúc động trước cái chết của công tước Enghien và vụ tự tử đáng ngờ của tướng Pichegru giờ đây không khỏi não nề trước vụ hành quyết hai mươi mốt con người, số người gợi đến những kẻ xấu số vào ngày đẹp trời thời kỳ Kinh Hoàng.

Một cái lò mổ xử hai mươi mốt mạng người trên đại lộ Grève quả thực là một điều thật khủng khiếp. Câu nói của Fouché: "Không khí sặc mùi dao găm" lúc nào cũng ám ảnh Joséphine như lời đe doạ thường trực. Bà nghĩ đến mối thù hận mới lại sắp đẻ ra hai mươi con dao găm của kẻ thù cả mới lẫn cũ rình rập trước ngực chồng. Bà cũng là người bị hướng tới những giọt nước mắt của phu nhân Polignac là những giọt nước mắt đầu tiên rơi trên vạt áo choàng đế chế của bà. Joséphine chạy đến phòng làm việc của ngài Bonaparte để cầu xin lòng độ lượng của con người cao quý trẻ tuổi vốn coi đầu người là thứ rẻ tiền để cứu cái đầu của anh em mình.

Nhưng một khi Bonaparte đã từ chối thì không lời van xin hay nước mắt có thể lay chuyển.

Lúc nào phu nhân cũng quan tâm đến kẻ thù của ta thế? - Bonaparte nghiêm nghị nói - Người Bảo hoảng hay Cộng hoà, họ đều khó thay đổi như nhau, nếu ta tha thứ cho họ, họ lại tiếp tục chống lại, như thế phu nhân sẽ buộc tôi tạo thêm nhiều nạn nhân mới nữa đấy.

Than ôi! Càng ngày cộng với việc can ngăn Bonaparte hướng đến ước vọng đế chế, Jeséphine càng mất dần ảnh hưởng của mình. Bà đành sắp đặt cho phu nhân Polignac chờ trên lối đi của Napoléon. Phu nhân Polignac quỳ xuống xưng tên và xin ân xá cho chồng mình là Armand de Polignac.

- Armand de Polignac ư! - Bonaparte thốt lên - Người bạn học của tôi từ khi từ trường quân bị ư! Có thể là anh ta mưu phản chống lại tôi hay sao? Thưa phu nhân, họ là những thủ phạm cùng hành động với các ông hoàng thì sao giảm nhẹ được.

Phu nhân Polignac ra khỏi điện Tuileries cũng giống như Murat và vợ mình ra về khi đến xin ân xá cho hầu tước Rivière.

Murat là người có trái tim nhân hậu đã vô cùng ân hận về vai trò bất đắc dĩ mà mình đã đảm nhiệm trong vụ công tước Enghien. Ông muốn, như ông nói, là xoá đi vết nhơ mà Bonaparte đã vấy lên bộ quân phục của mình. Ân chuẩn cho hầu tước Rivière là kết quả nối tiếp với ân huệ bản cho ngài Polignac. Chính ngài Réal đích thân đến thông báo cho hầu tước Rivière ân huệ mình được hưởng. Tuy thế Réal không thể lôi kéo con người này đứng về phe của mình.

- Hoàng đánh giá rất cao về lòng trung thành và lòng can đảm nên sẵn sàng mở lượng khoa hồng cho ông. - Ngài Réal nói - Ngoài ra, ngài sẽ rất vui khi thấy ông phục vụ cho ngài và giữ lời hứa. Ông có muốn một trung đoàn không?

- Tôi rất vui sướng và tự hào được cầm quân chỉ huy quân đội Pháp - Hầu tước Rivière đáp - Nhưng tôi không thể chấp nhận phục vụ dưới một lá cờ khác được.

- Ban đầu ông có thể theo ngành ngoại giao cũng được. Ông có vui lòng làm đại sứ tại Đức không?

- Trước đây tôi đã được thay mặt nhà vua đến làm đại sứ tại vài nơi trên đất nước Đức. Khi làm việt đó tôi là kẻ thù của các vị. Giờ đây, các quốc gia ấy sẽ nghĩ gì về tôi khi tôi lại đi thương lượng vì lợi ích trái ngược với lợi ích tôi từng chiến đấu vì nó cho đến giờ phút này? Tôi sẽ mất hết danh dự nên tôi không thể chấp nhận.

- Nếu vậy ông hãy tham gia vào chính quyền? Ông có muốn làm tỉnh trưởng không?

- Tôi là dân binh nghiệp nên sẽ trở thành một tỉnh trưởng tồi.

- Thế ông muốn gì?

- Một điều cực kỳ đơn giản. Tôi đã bị kết án, tôi muốn chịu hình phạt của mình.

- Ông là người chính trực đấy - Ngài Réal cười khi đi ra - nếu tôi giúp được gì hãy nói với tôi nhé.

Sau đó, ngài Réal cho gọi Georges.

- Ông Georges, tôi sẽ xin ân xá cho ông đến hoàng đế. Chắc chắn ngài sẽ chấp nhận và điều này phụ thuộc vào ông, chỉ một lời hứa ông không làm phản nữa. Hãy chấp nhận phục vụ trong quân đội.

Nhưng Georges đã lắc đầu.

- Những người bạn của tôi đã theo tôi về Pháp, bây giờ đến lượt tôi cũng phải theo họ lên đoạn đầu đài chứ.

Tất cả những trái tim vĩ đại đều quan tâm đến tướng Georges, chính vì vậy nên sau khi có được ân huệ cho hầu tước Rivière, Murat lại tiếp tục nài nỉ xin cho Georges.

- Nếu như hệ hạ đã ân chuẩn cho anh em Polignac và những người khác thì tại sao lại không đại xá cho Georges? Ông ta là một con người có tính cách lớn. Nếu bệ hạ muốn ban mạng sống cho ông ta, thần sẽ nhận ông ta làm tuỳ tùng.

- Kỳ thực, ta cũng tin như vậy - Napoléon nói - Nhưng kẻ quỷ quyệt ấy còn muốn ta ân xá cho tất cả chiến hữu của hắn cơ. Điều này không thể được. Trong số đó có những kẻ mắc tội sát nhân ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Còn lại, ông muốn làm gì thì tuỳ. Việc của ông là sẽ làm sẽ phải làm tốt.

Quả nhiên Murat đến ngục giam Georges cùng các chiến hữu của ông ta. Ngày hôm sau sẽ là buổi hành hình. Murat thấy tất cả đang cầu nguyện, không ai quay đầu lại khi ông xuất hiện.

Về phần mình, Murat cũng chờ cho mọi người cầu nguyện xong mới nói riêng với Georges.

- Nhân danh Hoàng đế, tôi đến để dành cho ông một việc trong quân đội.

- Thưa ngài - Georges trả lời - Điều này người ta tặng cho tôi sáng nay và tôi đã từ chối.

- Tôi sẽ thêm vào những gì ngài Réal đã nói là ân xá tương tự cũng sẽ dành cho chiến hữu của ngài, những ai muốn phục vụ cho Hoàng đế sẵn sàng quên mình vì nghiệp lớn.

- Nếu vậy, cho phép tôi bàn bạc với các bạn hữu của mình vì đây không chỉ liên quan đến mình tôi - Georges đáp.

Rồi ông ta quay lại nhắc lại rõ ràng những gì ông Murat vừa thì thầm với mình, sau đó ông ta im lặng chờ đợi, không gắng tác động để họ đồng ý hay phản đối lời đề nghị.

Burban là người đầu tiên đứng dậy, ngả mũ và hô to:

- Đức vua vạn tuế.

Lập tức hơn chục giọng nói đồng thanh hô vang như vậy.

Thế là Georges quay lại nói với Murat:

- Ngài cũng thấy rồi đấy, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ chung và một lời tung hô "Đức vua vạn tuế". Làm ơn hãy chuyển ý của chúng tôi đến người đã phái ngài đến đây.

Hôm sau, ngày 25 tháng Sáu năm 1804, chiếc xe đưa các phạm nhân ra pháp trường đã dừng lại dưới chân đoạn đầu đài.

Đã có một ngoại lệ hầu như là duy nhất trọng lịch sở hành quyết đẫm máu của ngành tư pháp, đó là dù Georges là thủ lĩnh cuộc mưu phản này ông ta vẫn bị xử trước tiên. Chắc đây là yêu cầu của ông ta vì sợ rằng nếu sống sót sau khi các bạn của ông ta đã chết, họ sẽ chết với ý nghĩ người ta dành cho ông ta chết sau cùng để nhờ có chịu ân xá cũng không phải xấu hổ với họ.

Có một sự việc bất ngờ khiến cho cảnh máu chảy đầu rơi trước bàn dân thiên hạ bị kéo dài. Số là Louis Ducorps, người số sáu và Lemercier, tử tội số bảy đến lượt lên máy chém trước Coster Saint-Victor. Nhưng họ nói có điều muốn khai nên được đưa đến chỗ thị trưởng Paris. Trong một tiếng rưỡi, họ khai lan man toàn những điều vô nghĩa và trong một tiếng rưỡi ấy, lưỡi dao của máy chém nằm im. Coster Saint-Victor, cái anh chàng lịch sự liền hỏi liệu có nhân sự chậm trễ này để mời một thợ cạo râu đến hay không "Vì - Anh ta nói với đao phủ - ông cũng thấy cả đám phụ nữ đến đây chỉ vì tôi, tôi biết gần hết họ, bốn ngày trước tôi đã yêu cầu mời thợ cạo đến nhà tù thế mà cả bốn ngày họ đều chối: bây giờ nhìn tôi xấu xí quá".

Lần này nữa, việc mời thợ cạo râu lại bị từ chối khiến quý ông đẹp trai đành ôm thất vọng trong lòng. Cuối cùng Ducorps và Lemener cũng đến, họ không đạt được sự ân xá nào và thế là cỗ máy tàn bạo lần lượt ngốn ngấu đến người cuối cùng.

Chuông đồng hồ trên Toà Thị chánh điểm hai giờ, đó cũng là thời điểm đánh dấu tất cả sức mạnh thật sự của Napoléon. Năm 1799, ông đã vượt qua những phản kháng chính trị bằng các lật đổ chế độ Đốc chính. Năm 1802, ông vượt qua phản kháng dân sự khi bãi bỏ viện dự luật. Năm 1804, ông đã chiến thắng sự kháng cự quân sự trong âm mưu làm phản do quân lưu vong liên kết với giới tướng lĩnh cộng hoà thực hiện, Pichegru, đối thủ duy nhất bị siết cổ, Moreau bị đi đày biệt xứ. Sau mười hai năm chiến đấu khủng bố, âm mưu lật đổ, các đảng phái liên tiếp thay đổi, kế vị lẫn nhau, đã kết thúc phong trào cách mạng: Nó dần dần được thành lập qua con người ông và thực tế trên đồng tiền năm 1804 đã mang dòng chữ: Nước Cộng hoà Pháp, Hoàng đế Napoléon.

Cũng chính tối hôm đó, tối ngày 25 tháng Sáu năm 1804, Fouché đến thăm vị tân Hoàng đế. Để thưởng cho những phục vụ tận tuỵ trong vụ việc mới đây, hoàng đế đã khôi phục cho ông ta chức cũ ở Bộ Cảnh sát. Trong buổi tối hôm ấy, khi nói chuyện với Napoléon bên cửa sổ, nhận thấy đã đến thời điểm thích hợp, Fouché nói:

- Tâu bệ hạ, chúng ta nên làm gì với chàng trai đáng thương đã chờ quyết định của Ngài suốt ba năm trong xà lim Abbaye?

- Chàng trai trẻ đáng thương nào?

- Bá tước Sainte-Hermine.

- Bá tước Sainte-Hermine à? Là ai thế?

- Là người đã cưới tiểu thư Sourdis và mất tích trong đêm ký giấy hôn ước đó.

- Anh chàng cướp xe ngựa chứ gì?

- Vâng.

- Anh ta chưa bị xử bắn sao?

- Chưa!

- Ta đã ra lệnh rồi cơ mà?

- Ngược lại, đây là động thái sai lầm nhất đấy ạ.

- Nếu thế thì…

- Thần cũng chờ giây phút này. Thực ra, ba năm tù cho một lỗi như thế theo thần có lẽ là hơi nặng.

- Được rồi, hãy cho anh ta làm lính bình thường trong quân đội.

- Anh ta được tự do chọn đội nào chứ? - Fouché hỏi.

- Cho hắn chọn - Bonaparte đáp - Nhưng đừng bao giờ mong trở thành sĩ quan.

- Tâu được thưa bệ hạ…Chính anh ta sẽ là cánh tay đắc lực cho ngài.

Chương 48: Sau ba năm tù

Chưa đến một tiếng kể từ lúc diễn ra cuộc gặp giữa ngài Bộ trưởng cảnh sát với hoàng đế thì một tên mõ toà gác cửa của ngài Fouché đã thông báo:

- Phạm nhân đã đến.

Fouché quay đầu lại phía cửa mở và thấy đúng là Sainte-Hermine đi giữa hai cảnh sát. Ngài Bộ trưởng ra hiệu cho Sainte-Hermine lại gần.

Từ hôm bị bắt, từ lúc anh hy vọng Fouché cho xử bắn không cần kết án, ngài Bộ trưởng này không hề quay lại. Tám ngày, mười lăm ngày, thậm chí một tháng trôi đi, mỗi lần tiếng chìa khoá xoay lách cách bên cánh cửa phòng giam mình, Sainte-Hermine đều lao về đó hy vọng người ta mang anh đi hành hình. Rồi lập tức anh hiểu rằng, mình lại phải tiếp tục nhẫn nhục sống. Một nỗi sợ đã từng xâm chiếm lấy anh, đó là người ta sẽ giữ anh để làm chứng cho những vụ xử án tiếp theo thì sao. Anh trải qua hai tháng lo sợ như vậy, rồi nó cũng tan đi như chính hy vọng của anh tan thành mây khói. Với anh, đó là thời điểm mà thời gian như ngừng trôi, quấy đảo anh bằng hai thứ tình cảm khác nhau, nối tiếp nhau trong tâm hồn. Buồn quá, anh yêu cầu sách, người ta đáp ứng cho anh. Anh lại yêu cầu bút chì, giấy vẽ, dụng cụ toán học, người ta cũng đáp ứng đầy đủ. Anh lại đòi mực, giấy viết, bút lông ngỗng tất cả đều được manh đến.

Rồi những đêm đông đằng đẵng đến, khi mà bốn giờ chiều trong khám đã tối đen như mực thì Hector yêu cầu một ngọn đèn.

Dù hơi khó nhưng cuối cùng người ta cũng cho anh. Anh lại xin phép được đi dạo hai tiếng một ngày trong vườn. Cứ như thế cuộc sống của anh đã qua ba năm trong tù.

Trong thời điểm rực rỡ, có những độ tuổi mà bất hạnh chỉ càng tôn thêm cho người ta về đẹp hình thể và phẩm hạnh đạo đức.

Hector đã hơn hai mươi lăm tuổi và có hoàn cảnh đặc biệt. Trong chuỗi ngày dài bị giam cầm, khuôn mặt anh mất dần vẻ thơ ngây nét tươi hồng trên đôi má nhường chỗ cho nước da bánh mật, vài vết nâu xám, đôi mắt to ra do phải gắng nhìn trong bóng tối râu mọc nhiều và nét đàn ông lộ rõ trên khuôn mặt. Trên đó còn hiện ra ba sắc thái khác nhau khó phân biệt khi chúng hoà tan vào nhau, đó là trầm tư, mơ mộng và đượm buồn.

Với nhu cầu tiêu tán năng lượng thể chất, anh tự giải toả bằng những bài tập thể dục, anh đã xin các quả tạ tập nâng. Anh còn leo dây bằng tay trần. Tóm lại, tất cả những bài tập hiện đại giúp thanh niên hiện đại ngày nay hoàn thiện giáo dục thể chất anh đã phải tự nghĩ ra, không phải để hoàn thiện giáo dục thể chất mà để giải trí.

Như vậy, sau ba năm tù, Sainte-Hermine đã nghiên cứu rất sâu sắc tất cả những gì người ta có thể học được một mình: địa lý, toán học, lịch sử. Thời trẻ đam mê du lịch, anh đã học tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và nói giỏi như tiếng mẹ đẻ. Không được đi đâu, dựa vào sự cho phép gởi sách vở, anh đã đi du lịch trên các bản đồ Ấn Độ nơi vừa trải qua cuộc tranh chấp nảy lửa với những người Anh: Haider - Ali và con trai của mình ngài Tippoo, ngài pháp quan Suffren, Bussy và Dupleix đặc biệt thu hút sự chú ý của anh và trở thành đối tượng nghiên cứu.

Anh đã quen với cuộc sống như vậy cho nên mệnh lệnh đến gặp ngài Bộ trưởng cảnh sát là một sự kiện lớn với anh, và cũng phải nói thật, khi nhận lệnh không khỏi không có nỗi sợ mơ hồ thoáng hiện ra trong lòng anh.

Hector nhận ra ngay Fouché. Ông này không thay đổi gì mấy có chăng cũng chỉ là bộ quần áo thêu thùa cộng với cách gọi Đức ông mà thôi. Nhưng với Sainte-Hermine thì khác, Fouché đã phải nhìn hai lần mới nhận ra anh.

Vừa đứng trước ông Bộ trưởng, mọi kỷ niệm cũ lại ùa về đánh thức Sainte-Hermine.

- A, ngài đây rồi - Anh nói để phá vỡ sự im lặng - Đó là cách ngài giữ lời với tôi đấy!

- Chắc anh trách tôi nhiều lắm vì tôi buộc anh phải sống đúng không? - Fouché nói.

Sainte-Hermine cười buồn.

- Liệu đó có phải là cuộc sống khi ở trong một phòng mười hai bộ vuông với khung cửa song sắt và hai ổ khoá chăng?

- Dẫu sao người ta vẫn thoải mái trong một phòng mười hai bộ vuông hơn là trong cái quan tài dài sáu bộ, rộng hai bộ.

- Dù cỗ quan tài có chật chội đến đâu người ta vẫn thoải mái hơn trong cái chết.

- Thế hôm nay anh có cố chết như lần trước không?

Sainte-Hermine nhún vai.

- Không. Ngày trước tôi ghét cuộc sống, giờ đây, với tôi nó đã khác vả lại nếu ông muốn chẳng phải đến lượt tôi đó sao?

- Sao lại đến lượt anh? - Fouché hỏi.

- Thì các ông đã xong việc với công tước Enghien, tướng Pichegru, Moreau và Cadoudal và ba năm, bây giờ đến lượt tôi thì phải.

- Anh bạn thân mến của tôi - Fouché đáp - Khi Tar quin muốn Sextus biết mệnh lệnh của mình, ông ta đâu phải lật hết gạch trong vườn nhà mình lên mà chỉ cần những cái đầu quan trọng thôi.

- Tôi phải trả lời cho ngài sao đây thưa ngài? - Hector đỏ mặt nói - Chẳng lẽ cất đầu của tôi chẳng đáng một xu để đốn đi chăng?

- Tôi không có ý làm anh bị tổn thương nhưng ngay bản thân anh cũng tự nhận ra rằng anh chẳng thuộc hàng vương tôn dòng dõi như công tước Enghien, chẳng phải kẻ thắng trận lẫy lừng như tướng Pichegru, không phải đại vĩ nhân thao lược như Moreau hay một tay chân nổi tiếng như Georges.

- Ngài nói đúng - Hector cúi đầu nói - tôi chẳng là gì so với những cái tên ngài vừa kể.

- Tuy nhiên, - Fouché nói tiếp - Ngoại trừ dòng máu hoàng tộc anh có thể trở thành người như tất cả bọn họ.

- Tôi ư?

- Tất nhiên. Anh có bị đối xử trong nhà giam như một người sau khi ra tù phải tìm cái chết không? Người ta có làm trí óc anh bị điêu đứng, dày xéo tâm hồn hay trà đạp tim anh không? Anh có muốn điều gì mà lại không được đáp ứng không? Điều đó không chứng tỏ cho anh thấy mối thiện cảm chúng tôi dành cho anh sao? Ba năm qua của anh hoàn toàn không phải là sự trừng phạt mà là hoàn thiện việc học hành cho anh.

- Nhưng tôi cũng phải chịu hình phạt gì chứ? - Sainte-Hermine sốt ruột kêu lên.

- Bị phạt vào quân đội với tư cách là một lính bình thường.

- Thế thì chẳng có tước hiệu gì.

- Thế khi đi cướp anh có quân hàm gì không?

- Sao cơ?

- Tôi hỏi anh lúc làm đồng đảng Jéhu anh có được phong cấp bậc gì không.

Hector cúi đầu.

- Ông nói đúng, tôi sẽ chỉ là một lính quèn.

- Này, hãy tự hào về điều đó, Marceau, Hoche, Klébet cũng bắt đầu sự nghiệp của mình chỉ là không binh lính thường thế mà họ đã trở thành các đại tướng. Jourdan, Masséna, Lannes, Berthier, Augereau, Brune, Murat, Bessières, Moncey, Mortier, Soult Davout, Bemadotte ngày nay là thống soái trước đây cũng chỉ là lính quèn. Hãy bắt đầu như họ và cũng kết thúc như họ.

- Thế là tôi sẽ bị buộc phải phục vụ cho một nhà nước ác cảm với gia đình tôi và không chấp nhận họ.

- Anh phải thừa nhận rằng lúc anh đi tấn công xe thuế trong rừng Vemon, anh không có thời gian để có thiện cảm hay ác cảm. Anh chỉ tuân lệnh theo truyền thống của gia đình chứ không theo lý lẽ sai bảo. Từ khi ở tù, từ khi anh để mắt đến không chuyện đã qua và khả năng tương lai sẽ đến anh cũng nhận ra rằng thế giới cũ đã sụp đổ và mọc trên những đống đổ nát là một thế giới mới. Tất cả những gì liên quan, hiện thân hay dính dáng đến thế giới cũ đã chết một cách tàn khốc, dữ dằn và định mệnh. Từ ngai vàng đến hàng lính áp chót, từ những quan niệm hàng đầu đến xã trưởng trong làng, anh đều thấy họ đã thay đổi, cha anh, hai anh trai của anh đều đã lui vào quá khứ còn anh thuộc về thế giới tương lai, tôi chắc trong đầu anh cũng có lý lẽ như tôi vậy.

- Tôi phải thừa nhận với ngài rằng có rất nhiều điều ngài vừa nói là sự thật, ngay cả đức vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette cũng là đại diện cho thế hệ cũ còn ngài Bonaparte và hoàng hậu Joséphine thuộc thế hệ thứ hai, đại diện cho thời đại mới.

- Quả nhiên tôi đã không nhầm và tôi rất vui về điều đó, anh là một người thông minh như tôi dự đoán.

- Liệu tôi có thể xoá đi vết tích quá khứ và bắt đầu bằng cái tên khác không?

- Được chứ, không chỉ anh có thể mang tên khác mà anh còn có quyền lựa chọn đội quân nào mà anh bị kết án phải phục vụ.

- Xin cảm ơn ông.

- Anh còn muốn gì không?

- Không, trên con đường tôi đi, tôi sẽ là hạt bụi cho gió cuốn.

- Tại sao lại để cuốn theo chiều gió khi mà người ta có thể chống lại nó? Anh có muốn lời khuyên của tôi không, về việc chọn quân đội ấy?

- Xin ông cứ nói.

- Chúng ta sắp có một cuộc chiến nảy lửa với quân Anh, một cuộc chiến trên biển, nếu chọn, hãy chọn làm thuỷ thủ.

- Tôi cũng nghĩ đến điều đó - Hector đáp.

Trong gia đình anh đã có các bậc tiền bối như vậy: năm trong số các ông của anh mang tên như anh từng chỉ huy hạm đội năm 1734 và giữ cấp bậc danh giá. Chú ruột của anh cũng từng là thiếu tá hải quân, anh rõ điều này hơn ai hết vì đến năm 14 tuổi anh còn phục vụ dưới quyền ông ấy như một hoa tiêu nhỏ. Hiểu biết về hàng hải của anh gần như hoàn tất một nửa khi anh trèo lên cầu tàu.

- Ngài biết rõ về quá khứ gia đình tôi từ hơn một thế kỷ nay vậy ngài có thể cho tôi biết hiện giờ chú của tôi ra sao không? Vì ba năm trong tù tôi như bị tách biệt hẳn khỏi thế giới.

- Chú của anh là một người phục vụ trung thành cho nhà vua đã xin từ chức sau cái chết của công tước Enghien, ông đã cùng hai em họ của anh sang sống ở nước Anh.

- Bao giờ thì tôi bắt đầu công việc?

- Anh mất bao nhiêu lâu để về nhà xếp sắp công việc của mình?

- Mọi việc của tôi sẽ nhanh chóng ổn thoả thôi vì tôi đoán chắc tài sản của mình đã bị xung công rồi.

- Tài sản của anh vẫn còn nguyên nếu quản gia nhà anh không lấy trộm. Anh sẽ thấy ba năm tiền tô tức trong ngăn kéo, ba trăm nghìn phăng, một khoản lớn ở nông thôn cho một anh thuỷ thủ đấy.

- Thưa ngài, sau những gì ngài nói, tôi mang ơn ngài rất nhiều. Tuy thế, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc cảm ơn ngài. Xin hãy đặt địa vị của ngài vào hoàn cảnh đặc biệt bối rối của tôi đây và đừng cho tôi là kẻ bạc bẽo.

- Tôi không nghĩ anh sẽ là kẻ bạc bẽo khi nghe lời khuyên quý báu mà tôi để đến cuối cùng vì nó cực kỳ quan trọng.

- Xin ngài cứ nói.

- Anh đừng tòng quân vào hải quân Đế chế.

- Thế ngài muốn tôi đầu quân vào đâu?

- Hãy xin vào một tàu chặn đánh trên biển. Luật pháp vừa trưng dụng tất cả các tàu chặn biển thành tài sản quốc gia, nếu phục vụ như một thuỷ thủ bình thường, anh sẽ không phải theo kỷ luật của chiến hạm. Trên tàu, khoảng cách cấp bậc cũng không rõ ràng lắm, anh có thể nhanh chóng làm thân với thuyền trưởng, tham gia chiến đấu cùng ông ta và nhanh chóng có được cấp bậc.

Khi trở thành bộ phận hải quân không thường trực trong hệ thống hải quân Quốc gia, thâm niên của anh sẽ được tính từ ngày đầu anh phục vụ cho bác của mình.

- Thưa ngài Fouché - Hector ngạc nhiên trước ưu ái lớn từ một con người có bề ngoài không mấy thân thiện này - Tôi phải làm gì cho xứng với sự quan tâm đặc biệt của ngài như vậy?

- Thú thật tôi cũng chẳng hiểu, bản thân tôi cũng không nhận ra mình nữa - Ngài Bộ trưởng cảnh sát đáp - Chỉ có điều tôi hay quan tâm đến những người thực sự thông minh, biết bộc lộ điều đó trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với anh nhưng anh sẽ thấy một ngày nào đó, anh sẽ cảm ơn tôi với cương vị cao hơn hôm nay.

- Thưa ngài - Sainte-Hermine cúi mình nói - Ngay từ hôm nay, tôi sẵn sàng phục vụ ngài, ngay cả khi phải dùng mạng sống của tôi.

- Hôm nào tòng quân, đừng quên gửi cho tôi tên con tàu và số hiệu của anh trong thuỷ thủ đoàn, cả bí danh của anh nữa đấy, anh đã nói sẽ phục vụ dưới một cái tên khác, đúng không?

- Vâng, thưa ngài, cái tên Sainte-Hermine đã chết rồi.

- Với tất cả mọi người chứ?

- Với tất cả nhất là với người phải mang nó.

- Cho tận đến khi anh ta phục sinh với tước hiệu Tư lệnh hay Tướng quân, đúng không?

- Nhưng trước khi đến lúc đó, tôi hy vọng con người mà ngài kỳ vọng ấy được sung sướng và quên tôi đi.

- Tuy nhiên nếu con ông ấy hỏi tôi, với cương vị là Bộ trưởng cảnh sát, tôi phải biết tất cả mọi chuyện, anh đã chết như thế nào thì tôi biết ăn nói sao đây?

- Ngài hãy đáp rằng tôi đã chết bằng tất cả niềm tôn kính mà tôi mang nợ ông ấy và bằng tất cả tình yêu của tôi.

- Anh được tự do - Fouché nói và mở cửa kèm theo hai tiếng vỗ tay.

Đám cảnh binh lui gót còn bá tước Sainte-Hermine cúi chào đi ra.


Nguồn: http://vnthuquan.org/