4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C49-51)

Chương 49: Thành Saint-Malo

Nằm giữa một trong số những vịnh hằng hà vô số vịnh tô điểm dải bờ biển nước Pháp, từ Calais đến Brest, giữa vùng Normandie và Bretagne, giữa núi La Hague và mũi Tréguier, đối diện với những hòn đảo lâu đời như Jercey, Guemesey và Aungny, nổi lên trên một đảo đá, giống như cái tổ chim trên biển, là thành phố Saint-Malo nhỏ bé.

Ngày xưa, từ thời nguyên thuỷ khi mà Bretagne còn gọi là Armonque, nơi đây bị chia cắt bằng những cánh rừng và thảo nguyên trong đó có các đảo nhỏ bao quanh Saint-Malo và những hòn đảo kể trên cũng có thể thuộc vào số đó. Nhưng một trận địa chấn năm 709 trước công nguyên đã nhấn chìm một phần mũi này, kéo dài đến tận thượng miền mũi La Hague và Tréguier biến Saint-Malo thành một hòn đảo.

Những lần xâm chiếm của đám cướp biển Normand khiến vua Charlemagne phải nhỏ lệ trên linh sàng của mình. Chúng buộc dân cư quanh đó phải đi di trú đến đảo Saint-Malo. Từ năm 1143 đến năm 1152, giáo chủ Jean de Châtillon biến nơi này thành trụ sở giám mục sau khi truất quyền các linh mục từ Mannoutier.

Kể từ thời kỳ đó, một cuộc sống mới được hình thành: cô con gái của biển hoang này đã phát triển nhanh chóng dưới bàn tay của các thuỷ thủ tài ba và dưới sự lãnh đạo của đức giám mục cùng tập đoàn tu sĩ. Tổ chức này ưu tiên nguyên tắc cộng đồng và quyền dân tộc, phát triển dân cư bằng cách biến nơi đây thành miền đất tị nạn. Nó tạo thành một vùng Cộng hoà độc lập giữa miền Bretagne.

Quyền bất khả xâm phạm trên mảnh đất tị nạn đã cứu được mạng sống của bá tước Richemont trẻ tuổi khỏi nhà Lancastre, sau này trở thành vua dưới cái tên Henri VII. Ngoài ra còn có Edouard Đệ tứ vua đầu tiên của nhà York cũng đến cư trú trong nhà thờ Saint-Malo năm 1475.

Có một điều lạ lùng là ban đêm, khi thuỷ triều hạ, các con thuyền được một toán khoảng hai mươi tư con chó nhập từ nước Anh canh giữ.

Tập quán này được hình thành từ năm 1145 theo sự nhất trí của tập đoàn giáo sĩ và cả cộng đồng. Đội quân Anh này phục vụ liên tục đến năm 1770 vào thời điểm này, có một sĩ quan trẻ coi thường đội quân bốn chân vẫn nghênh ngang khi đã có lệnh giới nghiêm nên bị lũ chó xâu xé. Từ đó, hội đồng quyết định đầu độc chúng.

Về tường thành, người đảo Saint-Malo chỉ tin vào sự bảo vệ của chính mình. Đây là một câu chuyện dài đầy vinh quang được truyền tụng trên khắp các con tàu lướt trên sóng trước mũi tàu để vượt qua các chiến hạm Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Không một quốc gia nào lại có những cuộc chiến oanh liệt như cái dân tộc nhỏ bé mà người ta đi hết tường bao quanh thành chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ này.

Ngay từ năm 1234, người dân đảo Saint-Malo đã cày những lớp sóng bạc trên đại dương. Chính Matthiew Paris đã phải gọi họ là những đội quân tinh lẹ trên biển.

Saint Louis tiếp tục mở mang chiến công của những tay đua táo bạo này. Ông tập hợp họ, chiến đấu với tàu chiến Anh do đô đốc Dubourg chỉ huy. Viên Đô đốc Anh quốc bị đánh bại phải kéo quân về cầu cảng quân sự của mình.

Ngày tháng Tư năm 1270, Saint Louis lại tiếp tục cuộc thập tự chinh cuối cùng đội chiến thuyền Saint-Malo trung thành với lời kêu gọi đã đến nơi đúng hẹn ở Aigues-Mortes.

Chiến hạm Saint-Malo được vinh hiển cho đến trận Écluse thì chịu thua trước liên quân Anh và người Flamand. Người Malo thoả thuận với kẻ thù, nhưng khi công tước Jean de Montfort bị đuổi khỏi chính quyền và đi sống lưu vong tại Anh thì đảo Saint-Malo chịu sự cai trị dưới tay vua Charles Đệ ngũ. Thế là công tước Lancastre muốn chiếm toàn bộ Saint-Malo. Ông ta hy vọng có thể dựa vào lực lượng pháo binh của mình nhưng người dân Malo đã tập kích ban đêm hạ thủ những binh lính ẩn dưới hầm. Froissart cho rằng cuộc tấn công này khiến cho Lancastre và toàn bộ quân đội của ông ta phải hổ thẹn.

Công tước Jean, sau khi lấy lại đất phong của mình cũng muốn chinh phạt Saint-Malo. Nhưng người dân Malo đâu dễ để bị chiếm. Giống như đã đồng ý để vua Charles Đệ ngũ cai quản, họ tiếp tục đứng về phía vua Charles VI và bắt đầu dưới sự trị vì mới này bằng việc đưa thuyền tiến sang bờ biển nước Anh.

Ngày 25 tháng Mười năm 1415, giờ định mệnh trận Azincourt đã điểm. Nước Pháp thất bại. Công tước nước Anh chiếm lại Saint-Malo, dân chúng nơi đây đón nhận điều đó bằng việc treo cờ đốm lông chồn và mặc váy trắng.

Nước Anh thắng trận mở rộng việc cai trị trên toàn lãnh thổ Pháp. Cờ hiệu bay phấp phới trên đỉnh nhà thờ Notre-Dame và trên tất cả các pháo đài miền Normand. Chỉ duy nhất trên đỉnh đồi Saint-Michel, lá cờ ba bông huệ còn chống lại sự thất bại của chúng ta. Một con tàu đã cập bến đến nơi anh hùng ấy, giáo chủ Guillame de Montfort đã dội vũ khí lên đội hải quân Anh. Dù ít hơn về số lượng và tầm cỡ, những con tàu cột buồm đảo Saint-Malo vẫn đánh giáp mặt với tàu chiến Anh. Cuộc chiến đấu ấy vô cùng ác liệt và vô vọng. Cuối cùng chiến hạm Anh bị thua, hạm đội bị tiêu diệt. Trước lời reo hò chiến thắng của người Malo, nước Pháp thua cuộc đã phải ngẩng đầu ngạc nhiên và thở phào.

Người ta cứ tưởng tất cả phần lãnh thổ ấy của mình đã bị tuyệt diệt, còn Saint-Michel được cứu trợ nhân lực và thực phẩm kịp thời.

Ngày 6 tháng Tám năm 1425, vua Charles VII tuyên bố tàu thuyền Saint-Malo được miễn mọi áp đặt cữ trong vòng ba năm.

Quyền độc lập này lại được nhân lên gấp đôi nhờ vua François Đệ nhất của Bretagne.

Năm 1466, với ý định khôi phục lại dân số ở Paris đã bị giảm trong cuộc chiến tranh công ích, vua Louis XI đã lấy mô hình tự do và miễn phạt của thành phố Saint-Malo để áp dụng cho Paris.

Vào năm 1492, cùng thời điểm Christophe Colomb tìm ra châu Mỹ, người dân Saint-Malo cùng với người Dieppois và Biscaiens đã tìm ra đảo Đất Mới và vài vùng biển hạ lưu Canada.

Năm 1505, công chúa Anne, con gái của vua François Đệ nhị là vị hôn thê của ông hoàng xứ Gall (từng treo cổ chú mình là Gloucester) là người liên tiếp kết hôn với hai ông vua nước Pháp là Charles VIII và Louis XII đã đến Saint-Malo. Bà cho tiếp tục xây lâu đài đang dang dở mặc cho hội đồng linh mục phản đối. Để chứng tỏ ít khi phải chịu sự chống đối như vậy, bà ta cho khắc lên tháp pháo đài hướng vào thành lời thách thức "Bất kỳ ai phàn nàn! Việc sẽ là vậy! Đó là ý thích của ta!"

Cùng năm mà người dân Saint-Malo có được toà thị sảnh trên tức là có quyền tự trị của mình thì Jacques Cartier, tức Christophe Colomb của Canada ra đời. Đó là người đầu tiên mang về cho Saint-Malo loài cá quý hiếm tạo thành một nền thương mại làm giàu cho một phần ba châu Âu.

Kể từ đó, người dân Malo đi thám hiểm khắp nơi, họ theo chân Charles Quint đến châu Phi khi ông sắp lập ngai vàng Moulay Hassan, tức vua Tunis và trang bị vũ khí đi đến Đại Ấn sau người Bồ Đào Nha.

Một người Saint-Malo khác là phó giám mục Ébard đã dám mang gửi trả lại vua Henri VIII bản án ly khai mà Paul Đệ tam đã chống lại ông.

Cuộc chiến Anh - Pháp năm 1512 lại nổ ra rất ác liệt. Người Saint-Malo lại cầm vũ khí chống lại quân Anh đang đổ bộ trên đảo Cézembre, làm tiêu hao một số và buộc số khác phải lên tàu quay về.

Đến đời vua François Đệ nhất, trong cuộc chiến với Tây Ban Nha, ai là người ông kêu gọi giúp cho đô đốc Arinebaut? Chính là người Saint-Malo.

Cuộc thảm sát Saint-Barthélemy diễn ra nhưng người Saint-Malo từ chối tham gia nên không một giáo đồ Calvin nào bị sát hại ở Saint-Malo. Nhưng năm sau, khi xảy ra vụ Bell-Isle họ lại cầm vũ khí, chuẩn bị lực lượng đuổi Montgomery với cái giá sáu mươi mạng người trong số họ.

Người Saint-Malo trở thành liên minh cũng nồng nhiệt như cách họ làm những việc khác. Chẳng hạn khi họ được tin vua Henri Đệ tam bị sát hại và vua nước Pháp hiện tại là Henri Đệ tứ, cả thành phố tiếp nhận cả hai sự kiện bằng sự im lặng ủ ê. Chỉ riêng ngài Fontaine, người đứng đầu là bày tỏ mong muốn được đặt dưới quyền một ông vua thừa kế. Ngay lập tức, người Malo cầm khí giới thề rằng thành phố và nhân dân chỉ chịu sự quản lý khi "Chúa ban cho nước Pháp một ông vua theo đạo Cơ đốc" mà thôi.

Nhưng khi đến vua Henri Đệ tứ sớm bị truất ngôi. Không có tiền, đức vua không thể đến Bretagne đành chịu khuất phục công tước Mercoeur. Được tin, dân Saint-Malo lại giúp cho vua số đại bác, thuốc súng, tiền bạc như ngài yêu cầu. Họ góp 12 nghìn êcu vào khoản đó.

Thế mà cũng chính họ đã giết chết người đứng đầu toà lâu đài ông Fontaine, vì ông này phản bội lại lợi ích của họ, phản bội lại những gì họ dự đoán, ông ta nói rằng nếu vua Henri Đệ tứ muốn vào thành, ông ta sẽ tiếp ngài ở lâu đài. Nhưng như chúng tôi đã nói ở trên, chỉ khi vua Henri Đệ tứ bị truất ngôi, dân Malo lại trở thành người ủng hộ tin cẩn nhất của ngài, sẵn sàng bắt đầu một cuộc chiến chống lại quân đồng minh.

Cũng chính vua Henri Đệ tứ đã viết về họ rằng họ là "Những người trung gian thân cận, thẳng thắn và đứng đắn nhất mà người ta có thể mong đợi" và ngài cũng can thiệp với nữ hoàng Elisabeth chống lại bọn cướp biển Anh.

Khi bắt đầu thế kỷ XVII, Saint-Malo đã trở thành một miền biển phồn thịnh và lớn mạnh. Năm 1601, hai trong số tàu của họ là Le Croissant và Le Corbin đã đáp đến mũi Hảo Vọng. Năm 1603, ba tàu khác khởi hành "đi thông thương và phát hiện ra miền đất Canada và các xứ lân cận". Năm 1607, bá tước Choisy, cháu của công tước Montmorency được giao nhiệm vụ đi thám hiểm hàng hải với một đội gồm năm tàu lớn là L archange, Le Choisy L affection, L espnt và L ange. Ông đã nhắm Saint-Malo và coi những người ở đây là các thuỷ thủ giỏi nhất.

Sau khi vua Henri Đệ tứ bị sát hại, vua Louis XIII lên ngôi đã lập tức khẳng định bảo đảm cho người dân Saint-Malo được hưởng mọi đặc quyền như họ đã được hưởng từ cha mình. Ngài còn bảo vệ tàu của người Saint-Malo trong kỳ đánh bắt đến tận đảo Đất Mới.

Ngay cả giáo chủ Richelieu cũng coi trọng Malo trung thành khi ông quyết định đặt trụ sở tại La Rochelle. Lúc ông cần một đội thuỷ quân tương xứng với hạm đội của Buckingham thì ông chỉ có ba mươi tư tàu đánh cá voi. Thế là đảo Malo mang đến cho ông thêm hai mươi hai tàu nữa. Với số dân khoảng tám nghìn người, một thành phố nhỏ bé, một cảng khiêm tốn thế mà cảng Saint-Malo lại được chọn làm trụ sở của Bộ tư lệnh hải quân. Khi Richelieu qua đời, Mazarin lên thay ông ta. Năm 1649, chính quyền đã chọn tàu Saint-Malo để chuyển đến Canada một lượng lớn gái nhà chứa đến miền thuộc địa mới. Đến nơi, cô nào cũng tìm được chồng. Sau mười lăm ngày, không cô nào còn độc thân. Họ mang của hồi môn cho chồng là những con bò, lợn, gà, thịt muối, súng hay mười một đồng êcu.

Giá trị của người Saint-Malo là hiển nhiên đến nỗi các đô đốc có thông lệ chọn thuỷ thủ đoàn cho mình là người Saint-Malo. Ngay cả vua Louis XVL cũng đưa điều đó vào luật.

Lực lượng hàng hải của Saint-Malo bao gồm một trăm năm mươi thuyền buồm, sáu mươi chiếc dưới một trăm tấn, chín mươi chiếc từ một trăm đến bốn trăm tấn. Vào thời điểm đó, các tên tuổi lớn lần lượt xuất hiện. Từ năm 1672 đến 1700 phải kể đến Duffresse des Saudrais, Le Fer de La Bellière, Goin de Beauchesne (người đầu tiên đến mũi Horn), Alain Porée Legoux… Rất nhiều trong số các ngôi sao này đã tắt hoặc mờ đi, chỉ duy nhất còn một vì sao như thần Zeus đó là Duguay-Trouin.

Năm 1704, trong giai đoạn chiến tranh liên miên quá tàn khốc với nước Pháp, Saint-Malo đi chiếm 81 lần trong đó mua đi bán lại kiếm được 2.422.652 livre. Nó mở rộng thông thương đến Moka, chinh phục Rio-Janeiro, chiếm đảo Maurice, khiến đảo này mang tên đảo Pháp, mở mang thành trì, xây dựng tường thành Khi Duguay-Trouin qua đời, Mahé de la Bourdonais tiếp tục quản lý các đảo Pháp.

Trong thời kỳ chiến tranh dưới sự trị vì của vua Louis XV, cuộc chiến kết thúc bằng hiệp ước đáng hổ thẹn năm 1763, Saint-Malo đã chịu tổn thất nặng nề về thương mại. Mặc dù những hy vọng dưới triều vua Louis XVI dành cho nó, sự tăng trưởng luôn đi xuống. Trong cơn bão cách mạng từ 1794 đến 795 thì sự tăng trưởng trở về số không: Cuối năm 1793 nó chỉ còn đôi ba thuyền chở hàng và không có thuyền chặn địch nào.

Cuối tháng Sáu năm 1793, sự ra đi của thái thú Le Carpentier mới khiến Saint-Malo thở phào. Người ta lại có năm tàu chặn nhỏ, từ 1796 đến 1797, con số này đã tăng lên 30. Nhưng nhiều trong số đó chỉ được trang bị súng loe nòng và súng hoả mai. Năm sau, người Saint-Malo đã trang bị được 28 tàu chặn mới. Con số này duy trì đến tận hoà ước năm 1801 với nước Anh.

Nhưng như chúng ta thấy, hoà bình đó chẳng kéo dài được bao lâu. Ngay từ năm 1803, hiềm khích đã bắt đầu gay gắt.

Những anh hùng trong giai đoạn này phải kể đến Le Même, nhà Lejolif, nhà Tréhouart và Surcouf.

Cái tên cuối cùng ấy lại đưa chúng ta về với câu chuyện trong cuốn sách này.

Chương 50: Quán trọ của chị Leroux.

Ngày 8 tháng Bảy năm 1804, khoảng mười một giờ trưa, mặc những đám mây nặng nề u ám kéo xuống rất thấp, gần như sát mái nhà như thể chúng vừa chui từ biển lên chứ không phải đáp từ trời cao xuống, một chàng trai trẻ khoảng 25 hay 26 tuổi ra khỏi làng Saint-Servan với một vẻ mặt dửng dưng trước thời tiết ấy rất rõ. Anh ta vừa đi tới đường Châteauneuf.

Suốt chặng đường ấy anh ta chỉ dừng lại để ăn trưa qua loa rồi lại đi qua những mỏm đá hoa cương tiếp tục con đường Boisouze, con đường ngày này đã biến mất nhường chỗ cho đường cái lớn.

Mưa bắt đầu xối xuống chảy thành dòng trên chiếc mũ da và chiếc áo thuỷ thủ cũng không làm anh chàng này rảo bước đi nhanh hơn. Anh ta đi với dáng vẻ nhẹ nhàng với một chiếc túi trên lưng. Biển hú gào đằng sau và cả phía trước nhưng anh không để ý đến biển; tiếng sấm lồng lộn trên đầu nhưng cũng không làm anh e ngại. Khi đến công trường xây dựng, quang cảnh mở ra trước mặt anh, dù rất đáng sợ, cũng không thu hút sự chú ý của anh.

Anh chàng ấy đã đi đến cuối con đường Sillon giao với trại Rocabey. Sillon chỉ là một con đê chắn sóng hẹp được dựng lên chặn giữa eo Manche và vịnh nội địa, nó nối Saint-Malo với Saint-Servan.

Con đê chắn sóng này cao khoảng ba mươi bộ và rộng gần tám bộ. Mỗi lần những con sóng dồn đến đều va vào nó rất mạnh, những đợt sóng chùm lên nó như một mái vòm để ụp vào bãi biển đằng sau với tiếng động ghê sợ trong vịnh. Mỗi khi gió và biển quay cuồng trên eo biển Manche rất đỗi nổi loạn này thì hiếm có người nào dám mạo hiểm đi trên con đường hẹp đó. Người ta đã kể không chỉ người mà cả ngựa cả xe ngựa đã từng bị hất vào vịnh. Cho nên tốt nhất, mọi người chờ đến khi trời đẹp mới đi qua Sillon Thế nhưng anh chàng này vẫn đều bước chân trên con đường ấy. Hai lần trước khi anh kịp đi qua, biển như một con quái vật hai đầu há cái miệng rộng như muốn ngốn ngấu anh ta, đập những đợt sóng khổng lồ như muốn nuốt chàng nhưng anh chàng đó vẫn không vội vàng hơn và khi đến lâu đài anh ta mới đi nép vào tường bao, bức tường dù không ngăn được mưa nhưng cũng chắn bớt sóng và gió.

Chỉ khi nước ngập đến đầu gối, kẻ lữ hành của chúng ta mới đến chân cầu cất để đi vào thành phố. Đến nơi, anh ta dừng lại để xác định hướng rồi đột ngột rẽ trái và nhanh chóng đi đến một quảng trường nhỏ nơi ngày nay là quán cà phê Franklin. Đến đây, anh chàng này như thể nhận ra liền rẽ vào phố nối quảng trường Beune với phố Traversière sau đó thì bị lạc trước các phố chằng chịt, phố rộng nhất chỉ hơn hai mét. Nhìn thấy một thuỷ thủ đang trú mưa cạnh một cánh cổng, anh vào hỏi:

- Này anh bạn, anh có thể chỉ cho tôi quán trọ của chị Leroux ở đâu không?

- Quán Chiến thắng chứ gì? - Người thuỷ thủ hỏi.

- Quán Chiến thắng - Kẻ lữ hành đáp.

- Anh có biết in tiền không anh bạn? - Người thuỷ thủ hỏi.

- Chỉ nghe tên thôi.

- Quỷ tha ma bắt? - Người thuỷ thủ nói.

- Có điều gì không chắc sao?

- Ồ có chứ, chỗ đấy thì dễ lắm nhưng để đến đó phải có cái túi đầy!

- Cứ chỉ chỗ cho tôi, nếu anh muốn ăn tối với tôi, chúng ta sẽ cùng uống chai vang hảo hạng ở đó và sẽ ăn món đùi cừu nuôi ở đồng cỏ mặn.

- Sẵn sàng thôi - Người thuỷ thủ nói - Chẳng tội gì phải từ chối một người bạn. Tôi gọi anh ta là ai nhỉ?

- René - kẻ lữ hành đáp.

- Hay lắm. Mấy giờ?

- Bảy đến tám giờ tối nếu anh muốn. Nhưng tôi thấy anh vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi.

- Câu hỏi gì?

- Tôi hỏi anh đường đến quá trọ của chị Leroux.

- Cách đây hai chục bước thôi - Người thuỷ thủ nói - trên phố Traversière anh sẽ thấy biển hiệu, nhưng đừng quên để được chào đón ở quán. Chiến thắng, trước tiên phải dốc túi vàng lên quầy và nói: "mang đồ ăn và đồ uống cho tôi, có tiền trả đàng hoàng".

- Cảm ơn lời khuyên bổ ích - Kẻ lữ hành đáp rồi tiếp tục lên đường.

Lần này nhờ có sự chỉ dẫn, anh chàng của chúng ta đi hai chục bước đã thấy một ngôi nhà rất lớn trên cửa có sẵn một biển hiệu có hình con thuyền ba cột buồm và dòng chữ "THUYỀN CHIẾN THẮNG".

Kẻ lữ hành lưỡng lự một lát mới bước vào, chưa bao giờ có tiếng ồn ào lại làm anh e dè đến thế. Đó là sự hoà quyện của những tiếng la ó, tiếng chửi rủa, mắng nhiếc, bông đùa. Những âm thanh mà chỉ trực tiếp thấy người ta mới có cảm nghĩ được.

Chiếc thuyền chặn thuyền buôn của địch vơ vét được hai thuyền có tên là Niquet, đối thủ của Surcouf, vừa về cách đó vài ngày và mới chia chác cho các thành viên hôm qua. Chưa ai kịp tiêu hết những tất cả số họ đang thực hiện công việc đó với lòng nhiệt tình giống như cả thành Paris xuất hiện trước những ai sắp kiệt sức. Trận mưa gớm ghiếc mới đây càng khiến họ tụ tập đông đủ trong quán. Tất cả các xe ngựa treo ruy băng đi dạo, đàn ca, sáo nhị hay những bữa tiệc phù phiếm bị dang dở đều tập trung vào hết tám khách sạn lớn trong thành phố Saint-Malo. Những ai chưa tìm được chỗ trú mưa sang trọng thì nép tạm ngoài hiên các mái nhà trên phố nhỏ hay trong các quán hạng xoàng nơi thuỷ thủ hay lui tới.

Anh chàng lữ hành thật sai lầm khi lưỡng lự vào quán vì chẳng có ai để ý đến anh. Ai cũng mãi bận rộn với việc riêng của mình chẳng hơi đâu mà nghĩ đến việc của người khác. Kẻ uống người hút, kẻ chơi thò lò, người chơi bài lá. Hai bàn bi a lôi kéo không chỉ hai mươi lăm hay ba mươi người chơi mà còn năm sáu chục khán giả trèo lên ghế, lên bàn, lên quầy để xem. Giữa cái cảnh xô bồ, nơi tiếng bạc loảng xoảng trên mặt bàn đá cẩm thạch ngự trị ấy, người nào cũng mải với suy nghĩ của mình. Những giữa một đám ồn ào như vậy, người ta khó lòng theo đuổi suy nghĩ của mình được đến cùng, nhất là trong tình trạng nửa tỉnh nửa say, họ nói bô bô những gì mình nghĩ cho những người xung quanh dù họ chẳng bận tâm và ngay cả người nói cũng không cố gắng bắt người khác nghe làm gì.

Anh chàng thuỷ thủ của chúng ta len lỏi trong đám sương mù mờ mờ ảo ảo trong các phòng rộng nhà chị Leroux, trong đó có cả lớp khói phả ra từ những lồng ngực quá chén và làn hơi bốc lên từ những bộ quần áo đẫm nước mưa. Anh hỏi nhưng không ai trả lời anh, anh đi tìm chị Leroux mà không có ai chỉ cho anh.

Cuối cùng anh cũng nhận ra và tiến lại phía chị ta. Về phần mình, bà chủ quán cũng thấy một khuôn mặt mới không để lộ nụ cười say ngất ngưởng nên cố gắng len lại phía anh.

Chị Leroux là một phụ nữ thấp béo khoảng ba mươi tuổi. Chị có nụ cười khêu gợi, ngôn từ khá lả lơi và cử chỉ quyến rũ. Nhưng trong trường hợp cần thiết, chị hoàn toàn biết cách cởi bỏ vẻ bề ngoài ấy mà khước từ những ham muốn của khách hàng với chị.

Khi ấy, chị vòng hai cánh tay tròn lẳn, bàn tay chống nạnh vào hai bên hông, chị mở to đôi mắt cất giọng vang như sấm và hai bàn tay vỗ vào nhau nhanh như tia chớp. Tuy thế khỏi cần phải nói, chị tiến đến chỗ vị khách mới bằng vẻ mặt của những ngày đẹp trời.

- Thưa bà, - Chàng lữ khách cất giọng dịu dàng và có cử chỉ lịch lãm như đang đứng trước một quý bà ở Saint-Germain - Cách đây ba ngày, bà có nhận được hai chiếc rương và một két bằng gỗ có địa chỉ của công dân René, thuỷ thủ kèm theo một lá thư đặt trước một phòng không?

- Có có chứ - Chị Leroux đáp - Phòng đã sẵn sàng nếu ngài muốn đi theo tôi, tôi sẽ rất vui sướng được tự mình đưa ngài đi.

René gật đầu đồng ý rồi đi theo chị Leroux lên cầu thang đến phòng số 11. Đến đây, anh nhận ra hai chiếc rương và cái thùng gỗ quen thuộc đang chờ mình. Đối diện lối giao nhau, bà chủ thông lịnh đã chuẩn bị sẵn một cái bàn, giấy và mực. Một người có hai chiếc rương và thùng gỗ loại tốt thế kia hẳn phải viết lách gì đó chứ.

- Công dân sẽ ăn dưới nhà hay cho dọn trong phòng này? - Chị Leroux hỏi.

René nhớ lại lời khuyên của người thuỷ thủ nọ liền thọc tay vào túi lôi ra một nắm đồng louis đặt lên bàn.

- Tôi muốn được dọn ăn trên này, và chuẩn bị thật chu đáo - Anh nói.

- Ngài sẽ được như vậy, sẽ như vậy - Chị Leroux ngoác miệng nở nụ cười yêu kiều nhất có thể.

- Tốt hơn, nhân đây hãy đốt cho tôi một đống lửa lớn vì tôi đang lạnh đến tận xương đây. Bữa ăn tối dọn lúc năm giờ, hai bộ đồ ăn, một anh chàng sẽ đến hỏi người có tên là René, đó là tôi, bà hãy chỉ phòng tôi cho anh ta. Nhất là phải chuẩn bị rượu vang ngon đấy!

Năm phút sau, ngọn lửa ấm áp đã cháy bùng trên phòng số 11.

Vừa được ở một mình, René đã trút bộ quần áo sũng nước, lấy trong túi một bộ quần áo giống hệt như cũ rồi làm vệ sinh cẩn thận, nhưng chỉ trong khuôn khổ trang điểm của một anh chàng thuỷ thủ mà thôi.

Một lúc sau, cơn giông đã tan rất nhanh như cơn bão mùa hè. Nền gạch khô nhanh, bầu trời lại lấp ló những mảng xanh lơ.

Ngoài mấy giọt nước còn lã chã rơi từ các mái nhà xuống, cô nàng thiên nhiên lại tươi cười sẵn sàng ve vuốt đám con của mình như một bà mẹ vừa nổi cơn tức giận. Đây đó, người ta lại nghe những tiếng thét lanh lảnh rất khó xác định nguồn gốc. Lúc thì là tiếng rền rĩ đau đớn khi lại là tiếng cười ré lên sung sướng tột độ.

René mở cửa sổ và nhìn thấy một khung cảnh mà anh không thể tưởng tượng. Một thuỷ thủ mới kiếm được hai nghìn đồng bạc cho lần chặn tàu vừa rồi đã đến đây để tiêu xài. Những không biết làm gì với chỗ còn lại, anh ta tìm cách cho các đồng bạc vào chảo đun nóng đỏ lên rồi ném vào đám người hiếu kỳ đứng ngoài cửa.

Họ đổ xô lại nhặt, nhưng những người đầu tiên chạm vào đều giãy nảy, kêu lên đau đớn. Một vài người chờ đồng bạc nguội đi mới đến nhặt cho vào túi nên cười ré lên sung sướng.

Trong đám người hiếu kỳ ấy, René nhận ra người thuỷ thủ ban sáng. Cũng chỉ một tiếng nữa là đến bữa tối. Ban đầu, anh tưởng mình còn thời gian để đến thăm Surcouf ngay trong ngày nhưng sợ không được bình tĩnh nên anh lui chuyến thăm ấy lại đến sáng hôm sau. Vả lại, hà cớ gì anh phải cáu giận khi được một thuỷ thủ thuộc tầng lớp dưới cho anh thông tin về con người dị kỳ anh sắp đến gặp? Thế là anh ra hiệu cho người bạn kia đến gặp mình. Vì người khách còn phải len qua đám đông chật ních dưới nhà nên René kịp rung chuông cho mang xì gà, thuốc lá và một bình rượu lên.

Các đồ vật ấy vừa được đặt lên bàn thì người thuỷ thủ nọ cũng bước vào. René tiến đến, chìa nắm tay ra bắt rồi chỉ cho anh ta chiếc ghế cạnh bàn.

Con người này bắt đầu biết nhìn căn phòng mà anh ta thấy khá sang trọng cho một thuỷ thủ quèn: một chai rượu, xì gà và thuốc ngon đủ khẳng định cho anh ta biết vẫn còn bữa tối nữa đang chờ.

- Chà chà? - Người thuỷ thủ nói - Có vẻ ở quê cũng không tệ lắm nhỉ. Hai bộ đồ thuỷ thủ, sang thật đấy! Tôi ấy à, trong suốt mười năm chạy thuyền, mỗi lần quần áo ướt tôi đều để nó tự khô trên lưng, tôi chưa bao giờ đủ giàu có để mua hai bộ liền.

- À điều khiến anh nhầm lẫn đó là nơi tôi ra khỏi nhà tôi và vùng quê tôi làm việc sẽ là vùng quê đầu tiên của tôi. Chỉ có điều tôi có thành ý muốn học hỏi: tôi không sợ nguy hiểm, tôi sẵn sàng hoặc hy sinh hoặc đi tiếp. Người ta đã nói với tôi có hai, ba tàu trang bị vũ khí chuẩn bị cuộc đua là Leth, Saint-Aaron và Revenant. Leth có Niquet chỉ huy, Saint-Aaron có Angenard còn Revenant có Surcouf, anh sẽ chọn tàu nào?

- Lạy Chúa! Mánh hay đấy! Đã chọn rồi.

- À thì đi biển tiếp vậy.

- Tôi ghi tên từ hôm qua.

- Cái nào trong số ba thuyền trên?

- Revenant.

- Đó là cái chạy hay nhất chứ?

- Sao mà biết được vì nó còn chưa hạ thuỷ. Với Surcouf, hoặc là thuyền phải chạy hoặc nó phải nói lý do. Xà lan Surcouf cũng cho chạy được nữa là.

- Anh có vẻ tin tưởng Surcouf nhỉ?

- À hẳn rồi. Đây không phải là lần đầu tôi đi biển cùng ông ta. Chúng tôi đã từng cho quân Anh một vố trên chiếc Confiance, chúng tôi còn cho tay John Bull vào đó nữa chứ!

- Anh bạn có thể kể cho tôi vài vòng hay ho đó không?

- Nhiều lắm, phải chọn xem cái nào.

- Tôi nghe đây.

- Chờ tôi nhớ lại đã! - Chàng thuỷ thủ nọ nói.

Rồi anh ta hành động cho xứng với sự chú ý cần thiết bằng cách rót một tý rượu vào ly, uống cạn một hơi, ho hai lần rồi mới bắt đầu kể:

Lần ấy, chúng tôi theo đòng ở gần đảo Ceylan. Mùa làm ăn mở đầu không mấy suôn sẻ. Mới đến nhổ neo ở Saint-Anne, một chiếc thuyền độc mộc đã bị lật úp và ba người trèo xuống đó đã bị cá mập nuốt chửng. Ở khu vực ấy, chỉ cần ở lâu dưới nước là thành mồi cho chúng ngay lập tức.

Chúng tôi đang ở phía đông đảo Ceylan. Khi tiến đến vịnh Belgale thì vận may liên tiếp mỉm cười với chúng tôi: Chưa đầy một tháng, chúng tôi chặn được sáu tàu tuyệt vời, chất đầy hàng quan trọng. Với một tàu buồm như Confiance, với thuyền trưởng như Surcouf, chúng tôi được phép lại vọng thành công không chỉ dừng lại ở đó.

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp những tàu tuần tra lớn của Anh và chúng tôi phải bỏ chạy, điều này cũng ảnh hưởng đến lòng tự ái dân tộc của chúng tôi chút ít. Nhưng buồm căng mạnh và tàu chạy nhanh quá. Ngay cả khi rút chạy chúng tôi vẫn có cảm giác kiêu hãnh khi thoát được bọn Anh một cách dễ dàng. Chúng tôi đi như vậy gần một tuần mà không gặp đối tượng nào nữa, thì vào một buổi sáng đẹp trời, người đứng gác kêu to: "Có tàu!"

- Đâu? - Surcouf nghe thấy từ khoang của mình liền nhảy lên boong. - Nó có to không?

- Khá to, đến độ Confiance không thể nuốt ngay nó trong miếng đầu tiên.

- Chẳng sao! Nó đi hướng nào?

- Không thể xác định được vì nó đứng im.

Lập tức tất cả ống nhòm và mọi con mắt đều đổ dồn về phía mục tiêu. Quả nhiên người ta nhìn thấy một hình kim tự tháp hiện lên trắng mờ qua lớp sương mù dày đặc. Sương ở đây rơi từ đêm và cho đến sáng hôm sau vẫn còn ôm ấp các con tàu.

Chiếc tàu kia có thể là một tàu tuần tra. Nếu nó là tàu chiến, không sao, chúng tôi sẽ được nghỉ ngơi, còn nếu là tàu buôn, chúng tôi sẽ tiếp cận nó.

Chúng tôi chỉ cách nó gần hai dặm. Dù khó xác định tiềm lực của một con tàu với dáng vẻ bề ngoài nhưng dù sao chúng tôi cũng bắt đầu nhận định…

Đúng lúc đó thì nhà trọ báo đã chuẩn bị xong bàn ăn và bữa tối đang đợi hai thực khách. Hai người đồng hành mới rất vui khi được hàn huyên với nhau, nghe nhau kể chuyện. Lời thông báo có hiệu quả thần kỳ và cả hai đứng dậy, lát sau lại tiếp tục câu chuyện.

Chương 51: Những người Anh giả mạo

Gã chủ quán trọ Leroux bị mê hoặc trước nắm tiền vàng lấp lánh giữa những ngón tay của ông khách, vì không muốn quấy rầy anh ta, nên chị ta cho chuẩn bị bữa tối ở phòng bên cạnh. Bàn ăn chất đầy sò huyết, ba loại ly có hình dạng khác nhau được đặt cạnh bò đồ ăn bằng bạc lộng lẫy, kèm theo hai chai rượu vang Chabli. Tất cả đều toát lên vẻ tiện nghi bậc nhất. Anh chàng thủy thủ lâu năm dừng lại trước cửa vừa ngắm nhìn vừa nở nụ cười mãn nguyện trước khung cảnh bày ra trước mắt.

- Ái chà - Anh ta nói - Nếu anh lên thuyền với hy vọng trên boong ngày nào cũng thế này thì anh nhầm to rồi anh bạn trẻ ạ. Dù ở với Surcouf cũng sang lắm nhưng thông thường ở đó người ta chỉ ăn hạt đậu khô nhiều hơn món gà rô ti.

- Có sao đâu, khi có hạt đậu, ta ăn hạt đậu nhưng trong khi chờ đến lúc đó, vì ở đây có sò huyết, ta cứ ăn sò huyết thôi. Mà còn điều này nữa, anh đã biết tên tôi mà tôi lại chưa biết gọi anh là gì. Điều này làm tôi khó xưng hô trong lúc nói chuyện. Anh tên là gì thế?

- Saint-Jean. Trên tàu người tạ gọi tôi là Grand-Hune vì tôi là người lo đài cột buồm. Đó cũng là vị trí chiến đấu của tôi.

- Hay lắm, Saint-Jean. Một ly Chabli chứ?

- Cái này không làm chệch đường đâu, tôi đảm bảo đấy.

Saint-Jean chìa ly ra rồi uống cạn.

- Quỷ tha ma bắt - Anh ta nói sau khi uống xong - Tôi coi loại này chỉ nhẹ như rượu táo thôi. Rót cho tôi ly nữa, anh bạn để tôi tạ lỗi với ly thứ nhất vì không khách sáo với nó.

René không từ chối, anh muốn Saint-Jean nói càng nhiều càng tốt còn mình thì ngược lại. Chuyện này kể ra cũng không khó.

Sau rượu vang Chabli là đến vang Bordeaux, vang Bourgogne và cuối cùng là Champagne. Về phần mình, Saint-Jean tỏ ra thoải mái và tự nhiên, điều đó chứng tỏ anh ta là người bộc trực. Khi đến món tráng miệng, René nói;

- Tôi nghĩ đã đến lúc kể nốt câu chuyện của chúng ta. Làm thế nào mà Surcouf…

- Hồi nãy, trước khi vào bàn ăn, chúng ta đang dừng ở chỗ hai tàu cách nhau chỉ hai dặm. Tôi đứng ở vị trí của mình trên cột buồm, nhìn qua ống nhòm, tôi đoán viên thuyền trưởng của tàu chúng tôi tiếp cận có một dàn pháo ngầm, cánh buồm làm theo kiểu Anh. Vấn đề chỉ là xem thực lực của nó thế nào. Trong lúc tôi và thuyền trưởng đang bàn bạc thì vị trí của Confiance thay đổi do gió ban đầu thì thổi nhẹ nhưng chỉ một lát nó đã đẩy thuyền đi đến bốn hải lý một giờ. Để xác định cụ thể đối thủ là ai, chúng tôi hạ cánh buồm nhỏ xuống. Lần này con tàu kia cũng làm theo y như chúng tôi. Giá nó không to hơn tàu của tôi có lẽ có thể coi nó là cái bóng của chúng tôi vậy. Tuy nhiên, vì khoảng cách nên hai tàu không thể đánh giá nhau được. Sau khi chạy được một lát ở vận tốc cũ, Confiance dừng ba phần tư mạn trái: chiếc tàu bí hiểm kia cũng lặp lại y hệt hành động ấy. Chúng tôi lại ở vị trí nghiêng, điều khiến chúng tôi hoàn toàn không đoán chắc được gì vì có rất nhiều bao và thùng chắn bệ pháo từ đầu này đến đầu kia.

- Anh bạn có biết không - Saint-Jean nói tiếp - Đã có bà tiên mà người ta quên không mời tới dự lễ rửa tội cho Surcouf, đó là bà tiên Kiên Nhẫn. Vả lại, cả đội ai cũng bực tức như thuyền trưởng. Chiếc tàu lạ kia sẽ gặp bất hạnh nếu nó cùng cỡ như chúng tôi và để chúng tôi áp sát.

Càng đến gần, Confiance càng tận dụng được lợi thế chế tạo tuyệt hảo của nó. Tuy nhiên, vì hành động này vô cùng nguy hiểm cho việc mở đầu một cuộc chiến nên cuối cùng chúng tôi vẫn chạy sao cho có thể thoát hiểm trong trường hợp cực kỳ cần thiết.

Surcouf đến ngồi cạnh tôi và nói:

- Nhờ trời chỉ một lát nữa chúng ta sẽ biết liệu con tàu buồm này chơi ngay hay gian. Tối là con sói biển đây, đừng hòng ai dễ dàng qua mặt tôi. Tôi biết mọi mánh khoé gian xảo của lũ cướp tàu buôn. Tôi lại chẳng thấy chúng với cái mẽ bề ngoài ấy à, cả những thuyền trưởng trong nghề đang cố doạ kẻ nào săn đuổi chúng bằng cách giả vờ cũng muốn tham chiến!

Surcouf mải mê với những suy nghĩ ấy đến mức không hề lưỡng lự cho Confiance chạy vượt lẳn lên. Chuyện này chẳng đáng cười tí nào vì nếu nhầm, chúng tôi sẽ có nguy cơ ăn đạn và gặp nguy to.

Surcouf hạ một cột buồm cho vải buồm trượt xuống boong sau đó tiến nhanh về phía thuyền phó.

- Mẹ kiếp - ông ta nói và giậm chân xuống sàn - Tôi vừa mắc sai lầm lớn, lẽ ra tôi phải chờ xem cho rõ sức mạnh và bước đi của bọn Anh đã.

Rồi Surcouf vỗ bồm bộp vào đầu, ném mẩu xì gà ra xa, lát sau ông ta mới bình tĩnh trở lại.

- Đây là một bài học, tôi sẽ tận dụng nó.

Sau đó ông ta với ống nhòm theo dõi con tàu nọ đến năm phút rồi ẩn các ống đồng lại và gọi đoàn thủy thủ.

- Tất cả lên boong nhận lệnh!

- Chúng tôi vội vã quây quanh ông ta.

- Nhờ Chúa? Đến giờ mọi nghi ngờ của tôi đã sáng tỏ. Các anh là những người đàn ông chứ không phải con nít nên việc gì phải nhận dấu phát hiện của tôi? Hãy nhìn rõ cái tàu Anh kia, nó đúng là một thuyền chiến ba cột buồm.

- Một thuyền chiến, quỷ tha ma bắt!

- Các anh có biết thuyền chiến đó là gì không? Đó là thuyền Sibylle, một cái tên thần thánh? Chúng ta phải cố hết sức mới thoát được khỏi ả điệu đà này. Dẫu sao tôi cũng không là một kẻ ngốc tôi chỉ cho Confiance áp sát, tôi tò mò muốn biết nó bắt kịp chúng ta như thế nào? Chà chà! - Ông ta nói tiếp tay nắm chặt lại còn hàm răng nghiến vào nhau ken két - Giá mà tôi có thể chia đôi cơ thể của mình, lạy Chúa! Dù điều này chẳng mang lại cho tôi điều gì, tôi vẫn sẽ ngông nghênh nói vài câu chuyện cười trong vài phút với bọn Anh, nhưng còn mọi người trong đoàn, tôi không thể mạo hiểm, như thế sẽ hy sinh Confiance mà không hy vọng lợi lộc gì; tốt nhất là phải lừa bọn Anh. Thấy không, mẹo này có hay không?

Surcouf ngồi lùi lại đuôi tàu, ngả đầu mình vào hai bàn tay, ông ta suy nghĩ mông lung một hồi. Năm phút sau, ông ta đã tìm ra điều mình cần. Lúc này chúng tôi chỉ cách nửa tầm đạn đại bác.

- Mang quân phục Anh ra đây! - ông ra lệnh.

Trong mấy lần cướp gần đây, chúng tôi kiếm được mười hai thùng quân phục người Anh vận chuyển sang Ấn Độ. Linh cảm số đồ này có thể sẽ được dùng đến một lúc nào đó nên Surcouf cho giữ lại.

Vừa nghe Surcouf nói mang quân phục Anh ra, mọi người đã hiểu và nụ cười lần lượt thay thế nỗi lo âu trên tất cả các khuôn mặt. Người ta lôi thùng quần áo ra, năm phút sau trên tàu toàn là người Anh.

Mỗi người mạnh ai nấy mặc, anh chàng người Anh thật sự vốn là thông ngôn cho chúng tôi thì mặc bộ đồ thuyền trưởng, Surcouf chỉ mặc bộ đồ thủy thủ bình thường đứng cạnh anh ta sẵn sàng thì thầm những câu phải dịch.

Một trung uý của chúng tôi, một người rất can đảm tên là Bléas, đội chiếc mũ sĩ quan đứng cạnh Surcouf.

- Tôi xin chờ lệnh thuyền trưởng - Anh ta nói - Tôi hy vọng ngài đồng ý cho tôi vượt cấp một tí.

- Nhìn cậu đẹp trai lắm - Surcouf vừa nói vừa cười - Chỉ có điều giờ không phải lúc đùa. Hãy thật chú ý, Bléas. Vì nhiệm vụ tôi giao cho cậu cực kỳ quan trọng. Có hai lý do để cậu làm việc này, thứ nhất cậu là cháu của chủ tàu Confiance, thứ hai cậu nói tiếng Anh thông thạo vả lại tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự gan dạ, trí thông minh và bình tĩnh của cậu.

- Thưa thuyền trưởng, tôi chỉ có thể nhắc lại điều tôi vừa nói, tôi xin chờ lệnh ngài.

- Cảm ơn Bléas. Cậu sẽ lên một chiếc xuồng và bơi lại gần thuyền Sibylle.

Chỉ mười phút ngài sẽ thấy tôi lên boong của nó.

- Ồ chúng ta không lên đó - Surcouf nói - Không đơn giản thế đâu Trong năm phút tôi muốn thấy xuồng của cậu bị thủng đầy nước.

- Tôi cũng muốn thấy nó đầy nước, tôi muốn tôi cùng nó, tôi muốn thấy mình bị cá mập đớp trong lúc tôi đang bơi. Nhưng trước hết tôi muốn biết làm sao tất cả những điều ấy có thể cứu được Confiance.

- Cậu tin là tôi không muốn làm hại cậu chứ, Bléas?

- Ồ hoàn toàn tin thưa thuyền trưởng.

- Nếu thế thì đừng yêu cầu tôi giải thích.

- Với tôi thế thì xong nhưng còn những người đi cùng tôi thì sao?

- Cậu cứ yên tâm, họ sẽ đóng vai tốt hơn khi không biết trước gì cả. Sẽ không ai bị nguy hiểm, cả cậu và họ: Đừng sợ bị bắt làm tù binh, tôi sẽ chuộc cậu về bằng cả năm chục tên người Anh. Khi thành công, tôi sẽ thưởng lớn cho cậu và người của cậu.

- Ồ về điều đó thì thưa thuyền trưởng…

- Thôi nào, vàng sẽ mang lại may mắn, cậu hiểu chưa?

- Hoàn toàn hiểu.

- Đừng nhảy xuống nước.

- Nhưng nếu không thì chúng tôi sẽ chết đuối à? - Bléas sững sờ kêu lên.

- Không đâu, nhưng ngay khi nước ngập đến mắt cá, hãy quay về phía tàu Sibylle mà kêu cứu bằng tiếng Anh, thoả thuận thế nhé?

- Vâng, thoả thuận như vậy, thưa thuyền trưởng.

- Nào, bắt tay nào rồi chúng tôi sẽ chuyển ca nô đến.

Sau đó ông quay sang người giữ xuồng.

- Kernoch, cậu tin tôi đúng không?

- Dù sét đánh ngang tai! Tôi tin ngài chứ, tôi biết điều đó mà.

- Tốt lắm, đừng ngại gì cả, hãy uống ly rượu vang này vì sức khoẻ của tôi rồi cầm lấy mũi dao xoắn này, khi đi được nửa đường hãy đâm hai, ba nhát vào đáy xuồng để nó ngập nước vào.

Sau đó Surcouf ghé vào tai Kernoch còn tay luồn vào túi anh ta nói thì thầm vài câu và thả cuộn giấy vào trong túi.

- Không cần đâu - Kernoch nói - Chẳng để làm gì thuyền trưởng ạ!

- Thế cậu không ôm hôn tôi à?

- Sao lại thế, rất vui là đằng khác. - Người thủy thủ ấy đáp.

Rồi anh ta tống vào miệng mình một miếng thuốc nhai to như quả trứng gà, ghé vào hai má Surcouf hôn chùn chụt, kiểu hôn mà người dân quen gọi là nụ hôn vú nuôi.

Một lát sau, chiếc xuồng do Bléas chỉ huy đã được đưa xuống nước. Vì đến gần, Confiance hạ tất cả buồm trừ các cánh buồm ngang trên đài sau đó hãm mạn trái lại giả như bị hỏng. Về phần mình tàu Sibylle cũng làm tương tự áp sát lại. Chúng tôi đã phát hiện ra những ổ nòng súng được nguỵ trang rất khéo.

Vừa thấy chúng tôi sáp lại, viên thuyền trưởng tàu Anh hỏi chúng tôi từ đâu đến và tại sao lại sáp lại gần với nhiều buồm như vậy.

Người thông ngôn dịch lại lời thì thào của Surcouf đáp rằng chúng tôi vừa nhận ra Sibylle vì sự cải trang của nó rằng chúng tôi vội vã lại gần như vậy là có tin tốt lành báo cho thuyền trưởng.

- Tin gì thế - Thuyền trưởng tàu Anh cho người hỏi lại.

- Tin này có thể giúp ngài thăng thêm cấp bậc cao hơn - Viên thông ngôn lạnh lùng đáp.

Khi nói câu nói này, Surcouf đã chứng tỏ ông hiểu rõ tâm lý con người. Người nào được báo tin vui hiếm khi nghi ngờ tính xác thực của người thông báo nó. Người ta có thể nhìn thấy vẻ nghi ngờ biến mất trên nét mặt của thuyền trưởng tàu Anh. Tuy thế hắn vẫn lắc đầu.

- Lạ thật, nhìn thuyền của các anh sao giống thuyền cướp biển của Pháp thế.

- Quả là có một chiếc như vậy - Viên thông ngôn nói lại - Một chiếc nổi tiếng nữa là khác - Chúng tôi gặp nó ven Gascogne. Nhưng vì các tàu chặn Bordeaux là những kẻ chạy nhanh nhất thế giới nên chúng tôi đành đuổi theo, nhờ Chúa, hy vọng chúng tôi đuổi được và bắt sống Surcouf.

Trong lúc cuộc nói chuyện giữa người thông ngôn và thuyền trưởng tàu Anh đang diễn ra thì những người trên xuồng bắt đầu kêu cứu rất tuyệt vọng mà quả thực nó đang ngập chìm trong nước.

Lập tức chúng tôi hô hoán, xin chiếc tàu chiến kia gửi người cứu thủy thủ của chúng tôi vì thuyền cứu hộ của chúng tôi bị hỏng nên không thể xuống nước được. Theo luật hàng hải cao nhất, nhiệm vụ đầu tiên của thủy thủ là phải cứu chữa người không may đang gặp nguy hiểm dù là bạn hay thù. Thế là những chiếc ca nô lớn được tàu Sibylle thả xuống để cứu Bléas và thủy thủ của anh ta.

- Hãy chỉ cứu thủy thủ của chúng tôi thôi - Viên thông ngôn hét lên - Về chúng tôi, chúng tôi sẽ lên bộ rồi sẽ quay lại đón họ và cả ca nô.

Để thực hiện lời nói đó, Confiance hạ cột buồm mũi, giương cánh buồm vẹt và vượt thẳng lên trước chiếc thuyền chiến.

Surcouf quả là thiên tài. Khi không có gì hại được thuyền của mình nữa ông để cơn vui sướng bộc lộc hả hê.

- Hãy nhìn đám người Anh kia, chúng ta sai lầm làm sao khi không yêu mến họ! Họ đang giúp người của chúng ta lên boong đấy? Kernoch bị chấn động thần kinh còn Bléas thề danh dự là cậu ấy đang ngất đi. Đám cá mập mới đáng yêu làm sao. Tôi sẽ nhớ đến chúng. Chúng đóng vai cũng hay lắm. Những người bạn của chúng ta đã được cứu và chúng ta cũng vậy. Bây giờ hãy chú ý đến hướng tàu! Giương tất cả buồm lên! Ngắm hướng cho kỹ! Căng dây lên. Còn cậu hãy mang cho tôi một điếu xì gà châm sẵn đến đây.

Gió ngoài khơi nổi lên rất mạnh. Chưa bao giờ Confiance lại chạy nhanh như lúc này. Khi thấy nó băng băng, chúng tôi nói chắc nó cũng nhận thức được mối nguy vừa rồi.

Tự hào khi được lên một con tàu như thế, tất cả chúng tôi nhìn nước cuồn cuộn dọc hai bên mạn với lòng ngưỡng mộ lắm.

Chẳng mấy chốc, Sibylle đã nhận ra mánh khoé của chúng tôi khi nó thấy chúng tôi lướt đi. Nó cất ca nô lên rồi hướng theo chúng tôi nhưng chúng tôi đã ra ngoài tầm đạn pháo của nó.

Cuộc rượt đuổi diễn ra ngay lập tức và kéo dài đến tận tối. Màn đêm buông xuống, chúng tôi đánh lạc hướng và thoát khỏi nó.

Trong suốt câu chuyện ấy, René không ngừng rót rượu cho người bạn của mình, khi thì rượu rhum, tafia khi lại cognac cho đến khi những câu cuối cùng thốt ra cũng là lúc cái đầu của người thủy thủ kể chuyện gục hẳn xuống bàn, những tiếng ngáy vang lên chứng tỏ anh ta đã cho những chuyện có thực của ngày trước vào vương quốc giấc ngủ đỏng mất rồi.


Nguồn: http://vnthuquan.org/