Có một người tên là Leconte de Lisle mà nghe nói Viện Hàn Lâm cũng không biết ông sống ở đảo Bourbon, đảo Pháp hay ở Ấn Độ, đã vẽ trong những vần thơ chuyến đi dài của một thiếu phụ trong kiệu dưới nhan đề "La Manchi" như sau:
Nàng đi như thế trong buổi sáng rất dịu,
Từ miền sơn cước đến buổi đại lễ.
Trong dáng điệu ngây thơ và tươi xuân hồng của nàng.
Có bước chân đánh nhịp của những người Hindu.
Cho dù độc giả tin những câu hát cùng bước chân đánh nhịp của phu kiệu này có liên quan đến những vần thơ của ngài Leconte de Lisle thì vẫn không gì chán bằng những khúc hát dân dã ấy, không gì kém êm ái hơn không khí họ đang tận hưởng.
Trong khung cảnh như ở thời nguyên thủy khi con người tập trung chỉ vào vài từ và thấy trong những từ ấy có vần điệu là họ nhắc đi nhắc lại mãi. Nó thoả mãn nhu cầu của trì não và nhu cầu của cơ quan cảm thụ âm nhạc. Chính vì lẽ đó, các phu kiệu của Hélène và Jane thay vì sáng tác những câu ca ngợi vẻ đẹp của các cô gái trẻ nước ngoài, thay vì khen mắt và mái tóc đen của Hélène, tóc vàng, mắt xanh của Jane lại chỉ hát khúc hát trên và kết thúc bằng một lời than vãn giống như tiếng rên rỉ thốt ra từ kẻ làm bánh mỳ phải bóp nát chiếc bánh của mình. Khi đoạn đường sắp lên dốc họ hát:
Người tình đã đến
Khi lên dốc… ha!!!
Còn nếu sắp xuống dốc, họ chỉ cần thay đổi lời điệp khúc:
Người tình đã đến
Khi xuống dốc… ha!!!
Thỉnh thoảng, bốn phu kiệu khác lại thay thế cho những người đã mệt những người này lại hát bài hát đơn điệu và não ruột ấy cho đến khi họ đến nơi.
Đôi khi có vài thi sĩ thất tình phải chia xa người yêu dấu của minh đã gắng vượt qua ngưỡng thông thường của bài hát. Anh ta thêm vài bốn câu đầu bốn câu thơ khác nữa. Một thi sĩ khác vẫn ở tình trạng thất tình như vậy lại nghĩ ra đoạn thơ thứ ba rồi thứ tư.
Cứ như thế khúc rền rĩ của kẻ đang yêu đầu tiên trở thành sản phẩm chung mà mọi người đều có thể thêm vào như thường ca của Homère. Thế là bài thơ ấy thay đổi trước đoạn, khi vui khi buồn, nó trở thành một bài hát để nhảy và nhất nhất đều quay về điệu Bamboula, một vũ điệu can can của người da đen.
Thông thường khi chủ ăn thì đám nô lệ đến nhảy quanh bàn, thường thì bàn ăn có những thiếu nữ tuổi từ mười hai đến mười lăm, lứa tuổi này ở xứ thuộc địa tương đương với tuổi mười tám, đôi mươi ở châu Âu. Những cô gái thích thú các điệu nhảy ấy: chúng hiện ra trước mắt như trước trái tim các cô nhưng không khẩy động gì trong trí tưởng tượng của các cô cả.
Đó cũng là điều xảy ra cho đoàn người của chúng ta khi họ trở lại bờ sông Lataniers để ăn tối, một dàn nhạc, một vòng tròn vây quanh bàn ăn, mỗi người da đen trở thành một cây đàn với cành dây leo rậm rạp, gần giống như cây nho, chúng cháy càng mạnh khi còn tươi, chiếu sáng một quầng rộng ba mươi bộ đủ chỗ cho việc hát hò và nhảy múa. Sau đó, một phụ nữ da đen tiến vào giữa khoảng không trống rỗng và bắt đầu hát rất ngây thơ, thậm chí quá ngây thơ bài hát:
Nhảy điệu Callada
Zizim boum boum
Nhảy điệu Bamboula
Luôn luôn như thế a!
Tất cả đàn ông, phụ nữ da đen đều đồng thanh vừa hát vừa nhảy theo lời người đồng hành của họ vùa hát đơn ca khi chị ta ra hiệu, mọi người im lặng, chị ta lại hát một mình tiếp đến đoạn điệp khúc thì tất cả lại đồng thanh:
Nhảy điệu Callada
Zizim boum boum
Nhảy điệu Bamboula
Luôn luôn như thế a!
Rồi họ vào khoảng ông hoà lẫn vào nhau trong điệu nhảy.
Đám đông trở nên nhốn nháo đến nỗi người ta phải giơ tay ra hiệu dừng lại thế là ai về vị trí người nấy, còn Bambou, người phục vụ của Surcouf tiếp tục hát bằng giọng của người đảo Martinique của anh ta:
Zizim, trala la la la
Zizim, trala la la
Zizim, trala la la
Bạn ơi, hãy đến nhảy điệu Bamboula
Chúng cần làm việc
Chẳng cần cuốc đất
Chẳng cần đóng cọc
Vì chồng bạn đâu nhìn được xa thế?
Dù các đoạn lời do Bambou hát có người đặc ngữ Martinique thì dân da đen ở đảo Pháp cũng không cần hiểu. Họ chỉ càng thêm hưng phấn, nhảy và hát nhiệt tình gấp đôi. Vài lần, René hiểu những lời đó và các cơ chỉ của họ, đã hỏi hai cô gái xem họ có muốn đi nghỉ hay không, nhưng các cô thấy cảnh vui vẻ và lạ mắt nên muốn ở lại. Tuy nhiên, màn đêm đã buông nên René ra liệu cho người dắt ngựa và khiêng kiệu lại. Phụ nữ lên kiệu còn đàn ông lên ngựa trở về.
Thế là một cảnh tượng không ai ngờ đến đã xảy ra kết thúc cho một ngày tuyệt vời. Có hai, ba trăm người da đen cả đàn ông lẫn đàn bà, sau khi được thưởng con mồi do các tay thợ săn mang về để tỏ lòng biết ơn, họ đồng ý dẫn đường cho đoàn người. Họ chất những đoạn cây cháy đi quanh đoàn người trở về cảng Louis.
Không còn gì tráng lệ hơn cái cảnh rừng rực chuyển động ấy, nó càng tiến lên càng chiếu rọi những mảng khung cảnh đẹp nhất trên đời. Những khung cảnh ấy thay đổi liên tục. Lúc là một vùng đồng bằng điểm các lùm cây, khi lại là một dãy núi che khuất tằm mắt, khi thì núi và rừng đột ngột giãn ra những chỗ cho mặt biển trải rộng vô tận, tĩnh lặng như một tấm gương soi hắt lên ánh trăng bạc. Trước mặt những người cầm đuốc, đủ loại con mồi xuất hiện như lươn, heo rừng, thỏ rừng,… thế là những tiếng hò reo vui sướng vang lên, những ánh đuốc tán ra quây lấy con vật nhưng con vật gấp gáp chạy luồn đi khiến các ánh đuốc nối nhau chạy theo như một dòng suối lửa nhấp nhô. Khi con vật chạy mất hút thì các đốm lửa tập hợp lại trở về vị trí dân đầu đoàn người.
Điều đáng tò mò nhất có lẽ là khi họ đi ngang qua khu cấm trại Malabar. Đảo Pháp là nơi hẹn gặp của tất cả các chủng người Ấn Độ nên không thể thiếu người Malabar. Những cư dân sống lưu vong bên bờ biển Ấn Độ nằm trên vùng biển Oman tụ tập lại thành một khu độc lập, sinh ra và chết đi ở đây chỉ có họ mà thôi, Một vài ngôi nhà của họ còn sáng ánh đèn nhưng tất cả các cửa lớn và cửa sổ đều mở toang, những khuôn mặt tựa màu ô liu rất đẹp của những người phụ nữ thấp thoáng hiện ra bên ô cửa sổ. Tất cả họ đều mặc áo dài bằng lụa hay vải phin lanh, tay đeo vòng vàng hay bạc, ngón chân đeo nhẫn họ có dáng vẻ gợi đến những người phụ nữ La Mã và Hy Lạp với đường nét hài hoà trên khuôn mặt và chiếc áo dài trắng.
Từ trại Malabar, người ta vào phố Paris từ phố Paris có thể thông sang phố Gouvemement nơi ông chủ khách sạn đang kính cẩn chào đón các vị khách của mình từ ngoài cửa.
Hai thiếu nữ đang rất cần đi nghỉ, dù nhìn dáng điệu của kiệu rất nhẹ nhàng nhưng với ai không quen vẫn bị mệt. Hélène và Jane vội cáo từ René và cảm ơn anh về một ngày tuyệt vời anh dành cho họ khi đã lên phòng, nét mặt của Hélène lại đượm buồn như cũ và quay sang Jane, cô nói với giọng buồn hơn là trách.
- Jane này, chị nghĩ đã đến lúc cầu nguyện cho cha rồi.
Nước mắt lại lăn xuống gò má Jane, cô lao vào vòng tay của chị rồi quỳ xuống cạnh giường, làm dấu thánh giá và thì thầm.
- Ôi cha ơi, hãy tha thứ cho con!
- Tại sao cô lại làm như vậy?
Chắc chắn vì có một tình cảm mới lạ vừa nảy sinh trong tim cô đã khiến cô tạm không nghĩ đến cha mình.
Chương 62: Con tàu "Tay đua New York"
Hôm sau, khi trời vừa sáng René đã vào phòng thuyền trưởng Surcouf, khi ông này tuy đã thức những còn nằm trên giường.
- Này anh bạn René thân mến của tôi - ông nói khi nhận ra anh - Anh đã mời chúng tôi bữa ăn trên thảm cỏ và đó thật sự là một bữa tiệc. Tôi đã nhận lời mời tham dự bữa tiệc đó nhưng chúng tôi, tôi và Bléas đã quyết định sẽ cùng chia sẻ khoản chi phí với anh về chuyện đi dạo đó.
- Thưa chỉ huy đáng mến - René đáp - Vừa hay tôi đến để xin ngài một chuyện đây.
- Nói đi René thân mến, trừ khi chuyện này ngoài khả năng của tôi nếu không tôi sẽ đồng ý trước cho cậu.
- Vì lý do đặc biệt, tôi xin ngài cho phép tôi đi thám hiểm bờ biển Pégou. Ngài còn ở lại đảo Pháp nhiều tháng nên cho phép tôi nghỉ phép sáu tuần sau đó, tôi sẽ bắt kịp ngài dù ngài ở bất cứ nơi đâu.
- Tôi hiểu rồi - Surcouf nói và cười - Tôi cho anh làm người bảo trợ cho hai cô gái xinh đẹp mà chúng ta đã chẳng may sát hại cha của họ, cậu muốn hoàn thành nhiệm vụ bảo trợ ấy đến cùng chứ gì.
- Những điều ngài nói không phải không đúng, chỉ có điều, tôi đọc được ý nghĩ của ngài đã đi xa quá. Thưa ngài, thứ tình cảm tôi dành cho họ hoàn toàn không phải là tình yêu dẫn tôi thực hiện chuyến đi này. Thưa chỉ huy, tôi đã quyết định việc ấy khi tôi mua con tàu kia. Tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi. Tôi không muốn đến gần bờ biển Ấn Độ đến thế mà không làm một chuyện đi săn hổ hay voi thứ khiến con người ta có cảm giác tối cao trong đợi vì phải đối diện với cái chết: Tương tự như thế tôi đưa hai kẻ mồ côi về nhà của họ, tôi quan tâm đến họ mà sẽ không ai hiểu lý do. Ngài nói đến tình yêu thưa chỉ huy đáng mến, tuy tôi chưa đầy hai mươi sáu tuổi nhưng con tim tôi đã chết như thể tôi đã tám mươi tư tuổi rồi. Tôi bị kết tội phải giết chết thời gian, thuyền trưởng Surcouf ạ. Cho nên tôi muốn ít ra cũng phải giết thời gian cho những chuyện ra hồn. Con tim tôi đã chết trong tình yêu, tôi muốn nó sống trong cảm xúc khác. Hãy để tôi đi tìm cảm giác ấy và hãy giúp tôi tìm thấy nó khi cho tôi nghỉ phép khoảng sáu tuần đến hai tháng.
- Nhưng anh đi bằng gì? Bằng cái vỏ dừa của anh à?
- Phải đó - René đáp - Ngài cũng thấy tôi mua tàu với tư cách là một người Mỹ, tôi có giấy tờ đăng ký xuất xứ cho tàu, tôi nói tiếng Anh giỏi đến nỗi không người Anh và người Mỹ nào không nghĩ tôi ở London hay New York, người Mỹ thì giữ hoà bình với cả thế giới. Tôi đi dưới lá cờ Mỹ, người ta sẽ để tôi qua, hoặc nếu bị giữ lại, tôi chứng minh được thì sẽ lại đi tiếp. Ngài nghĩ sao?
- Nhưng anh không định đưa hai hành khách xinh đẹp của anh lên con tàu từng chở nô lệ da đen chứ?
- Thưa chỉ huy, trong mười lăm ngày nữa, ngài sẽ không nhận ra Tay đua New York bên ngoài thì không thay đổi gì, nó chỉ thêm một lớp sơn tốt. Nhưng bên trong, nhờ chất gỗ và loại vải tuyệt hảo mà tôi gặp hôm qua thì, nội thất sẽ tuyệt vời nếu ngài chấp thuận cho tôi nghỉ.
- Lời đề nghị của anh được chấp nhận ngay từ đầu đó thôi - Surcouf đáp.
- Nếu vậy, bây giờ chỉ xin ngài chỉ cho tôi ai là người tân trang tàu giỏi nhất mà ngài biết ở cảng Louis nữa thôi.
- Việc của anh cũng là việc của tôi anh bạn trẻ ạ - Surcouf nói - nếu khoản chi phí cao hơn anh tưởng thì anh có thể sở dụng khoản tín dụng vô hạn của tôi.
- Xin cảm ơn ý định tốt của ngài. Thưa chỉ huy, nếu ngài chỉ địa chỉ cho tôi, tôi sẽ dùng tiền của tôi cho tài khoản của ngài đầy tràn.
- Ái chà, chắc anh là triệu phú - Surcouf thốt lên không thể cưỡng lại được sự tò mò.
- Hơn thế một chút - René thủng thẳng đáp - còn bây giờ, nếu ngài nói khi nào ngài rảnh rỗi - René nói thêm và đứng dậy - Ngài muốn xem khoản tiền của tôi thì…
- Tôi muốn chứ, khẳng định với anh đấy, để xem nó nhiều đến chừng nào.
- Vậy lúc nào thì ngài đi được?
- Ngay bây giờ nếu anh muốn - Surcouf nói và nhảy xuống giường.
Mười phút sau, hai người đã xuống phố lớn theo đường Chien & Plomb và vào nhà đóng tàu đầu tiên trên cảng Louis. Thuyền trường Surcouf thuộc cảng Louis cũng gần như ở Saint-Malo.
- Ngài Surcouf thân mến đây mà! - Người đóng tàu reo lên.
- Đúng thế ông Raimbaut ạ, tôi nghĩ tôi còn mang đến cho ông một tin hữu dụng nữa kia.
Nói rồi ngài Surcouf chỉ cho người đóng tàu chiếc tàu của René đang đung đưa đối diện với Trou- Fanfaron.
- Ông nhìn kìa, đó là một chiếc tàu nhỏ của một người bạn của tôi. Anh ta muốn tân trang lại nó, bên ngoài sơn lại cho mới còn bên trong sửa lại thật đẹp, tôi đã nghĩ đến ông và đưa cậu ấy đến cho ông.
Người đóng tàu cảm ơn thuyền trưởng Surcouf, đi ra đưa tay che mắt ngắm con tàu.
- Phải đến xem tận nơi mới rõ - ông ta nói.
- Chuyện ấy không gì đơn giản hơn - René trả lời, rồi anh vẫy một thủy thủ trên boong.
- Này, mang ca nô lại đây Chiếc ca nô được thả xuống, hai thủy thủ tụt xuống theo và bơi đến chân Surcouf. Chỉ một lát sau ba người đã lên chiếc ca nô ấy đi đến chỗ con tàu. Như thể đang ở tàu của mình, ngài Surcouf leo lên đầu tiên, sau ông là René và cuối cùng là ông Raimbaut, người đóng tàu.
Ông Raimbaut xem xét cẩn thận, đo các chiều và hỏi René muốn thay đổi phần nào. Anh không muốn thay đổi gì chỉ muốn sửa sang cho đẹp hơn, chia phòng của mình thành hai phòng nhỏ hơn ở phía trước, gần cửa boong nơi lên xuống tiếp đến là một phòng ăn cuối cùng là một phòng ngủ rộng có hai giường có thể dùng rèm che ở giữa hai giường ấy.
- Ông Raimbaut này - René nói - phải ốp hai phòng này bằng gỗ tếch hai phòng phía trước bằng gỗ xà cừ cũng được. Tôi muốn phòng ăn bằng gỗ mun chỉ vàng, tất cả trang trí bằng đồng không mạ vàng để ngày nào cũng được lau chùi. Ông cứ nghĩ đi rồi thoả thuận giá cả với ngài Surcouf. Tôi muốn tàu này sẵn sàng ra khơi trong vòng mười lăm ngày nữa, trả trước hôm nay một nửa, khi nào bàn giao tôi sẽ trả nốt.
- Tôi hy vọng nói như thế là đủ, bố Raimbaut nhỉ - Surcouf nói.
- Thế là quá đủ ông Raimbaut đáp - chỉ có điều việc này phải mất một tháng.
- Chuyện đó không liên quan đến tôi - René nói - tôi muốn tàu của mình trong mười lăm ngày nữa. Về giá cả, ông cứ tính toán đi, chúng ta lên boong nào.
Họ vừa lên boong con tàu nhỏ thì thấy một chiếc xe ngựa dừng lại đối diện chỗ tàu Standard, hai thiếu nữ ra khỏi xe gọi ca nô đưa họ lên tàu của Surcouf.
- Chà chà, hai bà nào mà lại đến thăm chúng ta sớm thế nhỉ? - Surcouf hỏi.
- Ngài không nhận ra họ sao? - René hỏi ông.
- Không.
- Đó là hai tiểu thư Sainte-Hermine đến cầu nguyện cạnh quan tài của cha họ. Chúng ta đừng quấy rầy họ trong nghĩa vụ thiêng liêng ấy khi nào họ lên boong, chúng ta sẽ đến chào.
Họ chờ vài phút vì cầu cảng sát con tàu của René nên họ nhảy khẽ là sang được con đê chắn sóng. Họ ra hiệu cho người vừa đưa hai cô gái lên tàu lại gần đón họ và lên cầu thang mạn trái.
- Đúng lúc mọi người lên đến boong thì một thủy thủ đang bơi thét lên:
- Cứu tôi với anh em ơi? Một con cá mập!
Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía đó. Người thủy thủ đang bơi lại tàu phía sau anh ta người ta thấy một luồng nước rẽ ra và cái lưng của con cá mập. Những tiếng hô "Cố lên, cứ chờ đấy? Chúng tôi đến đây!" vang lên nhưng bằng cớ chỉ quả quyết, René hét to:
- Không ai được động đậy, để tôi!
Lúc đó, hai tiểu thư Sainte-Hermine nghe tiếng hò hét vội trèo lên boong. Các cô thấy René đưa tay lên ngực để kiểm tra con dao găm còn ở đó không rồi ném áo khoác và áo gối lê xuống, nhảy lên bờ thành tàu và nhảy xuống biển kêu to:
- Can đảm lên anh bạn, cứ bơi mạnh vào!
Jane thét lên rồi tái mét người. Hélène dìu cô lên khoang thượng nơi có Surcouf giúp cô một tay. Các cô vừa kịp đến nơi để thấy René nhô lên mặt nước, răng cắn con dao găm. Anh lặn xuống lần thứ hai rồi lại nhô lên ở khoảng cách giữa người thủy thủ và con cá mập, chỉ cách con quái vật ba mét. Cuối cùng, anh lại lặn xuống lần thứ ba lao về hướng con vật. Đột nhiên, con cá quẫy mạnh, cái đuôi đập mạnh xuống nước như thể nó bị đau khủng khiếp, quanh nó, máu đỏ loang ra. Tiếng kêu vui sướng rộ lên trong khắp thủy thủ đoàn. René xuất hiện cách con cá mập một mét nhưng lần này anh ngoi lên chỉ để lấy hơi rồi vừa lặn xuống con cá mập lại quẫy mạnh đuôi một lần nữa, quận mình trong cơn đau đớn co giật rồi phơi cái bụng trắng hếu dài đến một mét.
Trong khi đó, các thủy thủ không chờ lệnh hay ý kiến của thuyền trưởng đã thả ca nô xuống biển chèo mạnh tay về phía René đang tra con dao vào vỏ để mặc con cá mập trong cơn đau đớn của nó và bơi về phía tàu. Trên đường bơi, anh gặp ca nô, hai thủy thủ chìa tay kéo anh lên rồi ôm chầm lấy anh huơ huơ mũ của họ mà reo lên "René muôn năm!"
Lập tức tiếng reo ấy lan toả khắp nơi, những thủy thủ của tàu Standard và cả hai cô gái trẻ đang vẫy vẫy khăn tay.
Còn về anh chàng thủy thủ bất cẩn cứ xuống tắm mặc lời khuyên của các bạn cũng lên được tàu nhờ bám vào sợi dây người ta ném xuống. René lên tàu Standard trong tiếng hô reo chiến thắng.
Cho đến trước thời điểm đó vẫn còn không ít người tỏ ra ghen tị với anh chàng giàu có đẹp trai, có học thức mà sự nội trội vượt lên ở mọi mặt và ở mọi nơi. Thế nhưng khi họ thấy anh sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình cho một kẻ đáng thương như họ thì lòng nhiệt thành không còn giới hạn nữa và sự ghen tuông nhường chỗ cho lòng thán phục và biết ơn.
Về phần mình, René nhanh chóng chia tay việc tán tụng vội leo lên khoang thượng nơi anh thấy Hélène nước mắt ngấn mi đang cho Jane ngửi muối vì cô suýt ngất còn Surcouf thì vỗ tay hoan nghênh anh.
Thấy anh lại gần, Jane cầm tay anh, đưa lên môi và reo lên áp mặt vào ngực chị gái.
- Ái chà! - Surcouf nói với anh - Chắc phải có con quỷ trong người cậu nếu không thì cậu chán sống rồi nên lúc nào cũng làm những chuyện như vậy!
- Thưa ngài chỉ huy đáng mến - René trả lời ông - Tôi đã được nghe kể rằng những người da đen ở Gondar khi bị cá mập tấn công đã lặn sâu xuống phía dưới nó dùng dao găm rạch bụng nó ra. Tôi muốn xem chuyện đó có thật không thôi mà.
Khi đó ông Raimbaut sau khi đã tính toán xong xuôi, ông này là một tay buôn bán có hạng nhưng không được chứng kiến cảnh vừa rồi trèo lên khoang thượng đưa một mảnh giấy cho René.
Tổng số khoản tiền là tám ngàn năm trăm phăng. Ông René đưa giấy cho ngài Surcouf trong lúc hai cô gái, đặc biệt là Jane ngạc nhiên không hiểu chuyện gì thì ngài Surcouf sau khi nghiên cứu mảnh giấy trao lại cho René.
- Bớt năm trăm phăng thì hợp lý hơn. Nhưng con tàu sẽ sẵn sàng trong mười lăm ngày nữa chứ? - René hỏi.
- Tôi đảm bảo như vậy - ông Raimbaut đáp.
- Vậy thì cho tôi mượn cây bút chì của ngài.
Ông Raimbaut đưa bút cho anh, René viết thêm vào sau hoá đơn.
"Trước mắt ông Surcouf sẽ trả cho ngài Raimbaut khoản tiền bốn ngàn phăng, mười lăm ngày sau tính từ ngày này, nếu con tàu hoàn thiện, bốn ngàn năm trăm phăng còn lại sẽ được trả nốt".
Ngài Surcouf giang tay ngăn anh nhưng René không để ý viết tiếp:
"Năm trăm phăng sẽ trao cho anh em thợ như một khoản tiền thưởng
René
Thủy thủ tàu Standard "
Chương 63: Người giám hộ
Chiếc xe ngựa đưa thuyền trưởng Surcouf, thủy thủ René và hai chị em trở lại khách sạn "Khách sạn cho người nước ngoài". Hai tiếng sau, người phục vụ khách sạn đến hỏi René xem anh có đồng ý tiếp hai chị em tiểu thư Sainte-Hermine hay anh lên phòng gặp họ.
René cho rằng mình lên phòng hai cô gái có lẽ thích hợp hơn là để họ xuống. Người phục vụ lên thông báo ngài René đã đến.
Hai chị em đón tiếp anh với vẻ bối rối hiện rõ.
- Tôi nghĩ với tư cách là chị gái, tôi nói sẽ thích hợp hơn.
- Cho phép tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về sự bắt đầu trịnh trọng nay được chăng.
- Lẽ ra ngài phải nói là sự đau khổ hơn là trịnh trọng, với tình cảnh của hai đứa con côi cút cách nhà ba ngàn dặm, dong duỗi với thi thể của cha mình và còn phải đi một nghìn đến một nghìn hai trăm dặm nữa thì chắc ngài cũng đồng ý rằng chẳng có gì để vui vẻ cả.
- Đúng là các cô là những đứa con mồ côi - René nói - các cô còn phải đi hơn một ngàn dặm nữa, điều này lại đúng, nhưng các cô còn có một người anh em trung thành và đáng kính đã hứa quan tâm chăm sóc cho các cô và nhất định sẽ giữ lời. Tôi nghĩ như thế các cô không cần lo lắng gì cả và chỉ cần để tôi lo mọi an toàn cho hai chị em.
- Cho đến lúc này, đó là điều ngài vẫn làm - Hélène nói - nhưng chúng tôi không thể lạm dụng lòng tốt mà ngài dành cho chúng tôi từ trước đến giờ nữa.
- Tôi thiết tưởng đã có niềm may mắn được chăm lo đến các cô đến tận Rangoon, tức là cho đến khi các cô về nhà mình, tôi đã làm tất cả vì mục đích ấy nhưng nếu việc bãi miễn chức giám hộ do ngài Surcouf chỉ định làm các cô vui lòng thì tôi sẵn sàng xin từ chức vụ vinh quang này. Tôi đã rất sung sướng được lựa chọn nhưng tôi sẽ rất thất vọng nếu phải làm nó một cách miễn cưỡng.
- Ôi thưa ngài René… - Jane thốt lên.
- Tất nhiên là chúng tôi rất vui - Chị gái của Jane ngắt lời em - khi được trở về trong sự chăm lo của một người đàn ông tốt bụng, cao thượng và dũng cảm, những chúng tôi không có quyền đòi hỏi ngài vì quyền lợi của mình. Tất cả những gì chúng tôi mong muốn là ngài tìm cho chúng tôi một thuyền trưởng có thể đưa chúng tôi đến Miến Điện, ông ấy sẽ để chúng tôi ở một điểm nào đó và chúng tôi có thể đi nhờ một tàu đến sông Pégou.
- Nếu quả thật cô thích như vậy hơn lời tôi đề nghị thì tôi không có quyền nài nỉ và ngay lúc này, tôi rất lấy làm tiếc vì phải từ bỏ dự định mà tôi ấp ủ từ ngày gặp hai cô. Mong hai cô cứ suy nghĩ, tôi chờ mệnh lệnh và sẽ làm theo mệnh lệnh của hai cô.
René đứng dậy đội mũ và chuẩn bị đi ra. Nhưng bằng một động tác theo bản năng và không suy nghĩ, Jane lao ra chặn giữa anh và cánh cửa.
- Ôi thưa ông - Cô nói - Chúa tha tội cho chúng tôi nếu ngài nghĩ chúng tôi bạc bẽo không nhận thành ý của ngài. Nhưng chị tôi và tôi rất ngại vì để một người lạ như ngài đây phải vất vả.
- Một người lạ! - René nhắc lại - Cô còn độc ác hơn cả chị mình, thưa cô, cô ấy không dám nói từ này bao giờ.
Jane chữa lại:
- Lạy Chúa! Quả thật, một người trẻ tuổi như tôi, lại quen được nuông chiều nên đã quá vụng về trong việc bày tỏ ý nghĩ của mình. Có lẽ chủ tôi sẽ mắng tôi mất nếu như vì câu nói của tôi mà ngài ra đi.
- Thôi Jane - Hélène nói - Ngài đây biết rõ mà.
- Không đâu, chị Hélène - Jane ngắt lời - Em đã nghe giọng ông ấy lạc đi khi chúng ta nói muốn nhờ người khác giúp.
- Jane! Jane! - Hélène lặp lại.
- Cứ để cho ông đây nghĩ gì ông ấy muốn - Jane kêu lên - miễn là ông ấy đừng cho chúng ta là những kẻ vô ơn! - Rồi quay sang phía René cô nói tiếp - Thưa ngài, chúng tôi đã nhiều lần tranh luận với nhau. Sự thật là chị tôi sợ ngài vắng mặt hai tháng sẽ làm ảnh hưởng đến vị trí của ngài bên ông Surcouf, chị ấy sợ lợi ích của ngài không được đảm bảo, chị ấy muốn thà chúng tôi mất hết của cải hơn là thấy ngài mất hết sự thăng tiến ngài đáng được nhận.
- Trước hết hãy để tôi giải đáp nỗi lo sợ của tiểu thư Hélène. Chính ngài Surcouf đã giao cho tôi giám hộ các cô và tôi cũng thực lòng muốn được là người anh trai chăm sóc cho hai cô. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của ông ấy, tôi mua con tàu nhỏ để đưa các cô đến Rangoon, con tàu mang quốc tịch một nước trung lập nên không gây nguy hiểm cho các cô như trên tàu Standard. Sáng nay, các cô cũng thấy ngài Surcouf mặc cả giá sửa chữa con tàu đó. Không có tàu nào, dù có lớn đến đâu, khiến các cô thoải mái như trên tàu Tay đua New York.
- Nhưng… - Hélène ngập ngừng - chúng tôi không thể để ngài thanh toán khoản tiền tám nghìn đến mười nghìn phăng trong khi chúng tôi mới là người đáng phải trả tiền.
- Các cô nhầm rồi; không phải các cô đến Ấn Độ mà là tôi sẽ đến đó cơ mà. Thăm thú đảo Pháp hay đảo Réunion chưa phải là thăm Ấn Độ. Tôi là người đam mê săn bắn, tôi tự hứa với mình sẽ đi săn báo, hổ hay voi. Dù hai chị em các cô có đi đến đó hay không tôi cũng vẫn đi đến đó một mình. Theo những gì người ta nói với tôi, hai bên bờ sông Pégou là nơi có nhiều hổ báo nhất. Vả lại tôi thấy mình phải có trọng trách đưa hai cô đến nơi đó như thế tôi mới hoàn thành nghĩa vụ cuối cùng của mình. Chẳng lẽ hai người lại không muốn để tôi hoàn thành hay sao?
Trong khi René nói, Jane chắp tay vào nhau, nước mắt lưng tròng. Hélène không thể cưỡng lại thêm nữa chìa tay ra, Jane ôm lấy bàn tay chị chìa cho René mà hôn tới tấp.
- Jane! Kìa Jane! - Hélène thì thào.
Jane cụp mắt xuống, ngồi trở lại ghế.
- Cứ từ chối mãi lời đề nghị chân thành ấy e sẽ xúc phạm đến tình bạn của chúng ta do vậy chúng tôi chấp chân và xin hứa trọn đời chúng tôi sẽ nhờ đến sự che chở của người anh trai này.
Hélène đứng dậy và khẽ nghiêng mình trước René, điều này cũng muốn nói chuyến viếng thăm của anh cũng khá lâu. René chào rồi đi ra.
Kể từ đó, René chỉ còn mối bận tâm duy nhất là làm sao cho con tàu Tay đua New York ở tình trạng chạy tốt. Để thế chỗ cho hai khẩu đại bác cũ của nó, ngài Surcouf đã tặng năm khẩu đại bác bằng đồng từ tàu Standard.
Mười lăm ngày là đủ để chỉnh trang con tàu nhỏ, hai thủy thủ đoàn của tàu Standard và Revenant, dưới sự cho phép của thuyền trưởng Surcouf sang đầu quân cho những thủy thủ trên tàu Tay đua New York còn thiếu. Song thật không may, René không thể để người Pháp làm thủy thủ trên tàu Mỹ, do đó anh đành tuyển mười người Mỹ làm thủy thủ và lấy của thuyền trưởng Surcouf năm người nói thạo tiếng Anh. Hơn thế nữa, ngài Surcouf còn cử hoa tiêu hàng đầu của mình là Kernoch, người từng ra vào cửa sông Hằng nên biết rõ luồng lạch chuyến đi ấy. Ngoài ra các thủy thủ còn muốn chứng tỏ lòng biết ơn của họ, trước tiên vì lòng độ lượng của anh đã trả tiền cho họ trước lúc họ xuất phát, thứ nữa là lòng can đảm của anh khi giết con cá mập. Họ tìm được một khẩu súng trường nòng có rãnh sản xuất từ Anh. Họ biết René muốn đi săn, hổ báo nhưng anh chỉ có một cây súng cạc bin một viên nên họ mua khẩu súng nọ và đích thân đến tặng trước hôm anh lên đường. Họ cho khắc lên nòng súng dòng chữ: "Quà tặng của các thủy thủ của ngài Surcouf cho người bạn dũng cảm René".
Với một thủy thủ trẻ, không có gì dễ chịu hơn một món quà như thế. Đã nhiều lần anh đã bị trách là không cẩn thận trang bị vũ khí đầy đủ nhưng khi rời đảo Pháp, khẩu súng trên đã bổ sung chỗ vũ khí còn thiếu và thoả mãn lòng tự kiêu của anh.
Đến ngày hẹn, Raimbaut trao cho René con tàu được trang trí theo gu thầm mỹ hoàn hảo. Gỗ trên đảo Pháp đẹp đến nỗi không cần phải tô vẽ nhiều. Hai phòng của hai cô gái rất lộng lẫy cô quan tài của cha hai cô gái được đưa từ tàu Standard sang tàu Tay đua New York và đặt trong một nơi quan tài bốn phía phủ vải đen. Đến lúc đó, René mới lên phòng Hélène và Jane để thông báo anh chỉ chờ lệnh của hai cô để xuất phát. Về phần mình, các cô cũng đã sẵn sàng lên đường. Họ muốn làm một lễ long trọng cho người chết, sau đó họ sẽ lên tàu Tay đua New York để ăn trưa.
Sau bữa trưa, họ sẽ giong buồm ra khơi.
Mười giờ sáng ngày hôm sau, hai thiếu nữ được ngài Surcouf dẫn vào nhà thờ. Vì mọi người đều biết buổi lễ đặc biệt dành cho một cảnh thuyền trưởng chiến hạm quân đội Pháp nên các quan chức trên đảo Pháp, tất cả các thuyền trưởng sĩ quan, thủy thủ trên tàu tạm trú hay ghé qua cảng Louis đều tham dự buổi lễ mang tính quân sự hơn là dân sự này.
Một tiếng sau, hai cô gái do ngài Surcouf và René hộ tống đã đi bộ xuống cảng. Thay mặt hai hành khách, René đã mời ngài Surcouf, Bleats và Kernoch cùng ăn trưa. Tất cả các tàu neo tại đó đều treo cờ như một ngày lễ. Tàu Tay đua New York, nhỏ nhất, sang trọng nhất đã treo lên cột buồm duy nhất, hai trục buồm và đỉnh của nó tất cả các cờ đuôi én có trên tàu.
Bữa trưa diễn ra rất buồn dù ai cũng gắng tỏ ra vui vẻ theo lệnh của Decaen, đảo trưởng, dàn quân nhạc đã đến chơi bên cảng tất cả những bản nhạc hiện quốc gia.
Cuối cùng, giờ xuất phát cũng đến, người ta nâng cốc chúc mừng René. Một phát đạn đại bác vang lên báo hiệu xuất phát.
Thế là tàu Tay đua New York chuyển động dưới sức kéo của hai xà lan từ tàu Standard và Revenant. Các thủy thủ muốn giúp bạn mình đến phút cuối. Mọi người ra cảng đứa tiễn chạy theo mãi cho đến khi hết đường. Khi tàu của René thu cáp về, các thủy thủ trên hai xà lan chào anh và chúc anh lần cuối, họ hô to:
- Chúc chuyến đi của thuyền trưởng René và hai tiểu thư Sainle Hemine thượng lộ bình an!
Con tàu đi vào vịnh Tom be rồi khuất sau mũi Canonmes.
Đường rẽ nước của nó cứng đã nhoà dần.
Nguồn: http://vnthuquan.org/