4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C64-66)

Chương 64: Những tên cướp biển Mã Lai

Sau sáu ngày đầu thuận buồm xuôi gió, tàu của René không gặp một tàu nào, họ rẽ qua một hướng khác. Điều khiến hai cô gái khó chịu nhất là cái nóng như đổ lửa trong tàu. Nhưng René đã đặt hai bồn tắm trong phòng nên nhờ sự tiên liệu ấy, hai cô không phải quá khổ cực vào những giờ nóng nhất trong ngày.

Đêm xuống, họ lên boong, gió mát và những giờ dễ chịu đến thay thế cho những giờ nắng như thiêu như đốt. Người ta kê một chiếc bàn lên boong. Do có cách nên họ luôn giữ được hoa quả và thực phẩm tươi.

Vậy là những cảnh tượng tuyệt vời của chiều hoàng hôn và đêm tối diễn ra. Cảnh mặt trời đi ngủ trên Ấn Độ Dương thật đẹp, khi khối cầu lửa dần dần lặn vào đại dương, nhìn như có lớp bụi hay lớp cát vàng toé ra trên nền trời xanh lơ.

Biển, đến lượt mình cũng thu hút sự chú ý bằng cách tặng cho con người những vẻ đẹp nhất của tạo hoá.

Quãng thời gian trên tàu lênh đênh giữa đại dương cũng không buồn tẻ như người ta tưởng. Thói quen nhìn qua nước thấy những kỳ quan đã cuốn hút những ánh mắt chưa từng được thấy bao giờ. Họ ngắm nhìn vô số những sinh vật khác nhau, với hình dạng lớn nhỏ. Số lượng nhiều vô kể và các chủng loại đa dạng khiến các du khách như được mở. rộng tầm mắt. Rồi khi họ thủng thẳng đi dạo trong làn gió nhẹ mát rượi.

Vào tám giờ tối, ánh trăng lên cao và sáng tỏ ngời ngợi trong nền trời trong lành và thanh thản. Những đám mây bỗng ùa đến từ những luồng gió thổi từ cuối chân trời lại, đột ngột leo lên đỉnh không trung cao ngất lập tức bầu trời giống như một cái đã đen và sâu thẳm khôn cùng, mặt trăng bị những đám mây đáng sợ che lấp và nó gắng sức chống lại chúng. Thỉnh thoảng, một phần của tấm màn tối sầm ấy rách toạc để lọt vài ánh sáng yếu ướt xuống trần gian. Những lớp mây khác màu đồng bạc lại bị ánh sáng cày xới. Thỉnh thoảng có vài giọt nước to như đồng năm phăng rơi xuống tàu, tiếng sấm rền rĩ xa xa, bầu trời bị che phủ hoàn toàn, bóng tối trở nên mịt mùng, gió thổi mạnh kinh khủng, con tàu chòng chành đi nhanh như chưa bao giờ như thế.

Đột nhiên người ta nhận ra phía trước con tàu có một tấm khăn bạc toả rộng trên mặt biển. Khi lại gần người ta nhận ra đó là một đàn cá, chủ yếu là những con sứa, bị sóng xô mạnh, những con khác vốn bơi ở các tầng nông sâu khác nhau và cũng có hình dạng khác nhau thậm chí là đối lập nhau. Người ta thấy những con cá bơi trên mặt nước cuộn xoáy lại như những cột xi lanh lửa, những con khác bơi sâu hơn giống như những con rắn dài đến sáu bộ. Mỗi động tác quẫy mình chúng làm nước bắn lên lấp loá. Chúng có những màu sắc khác nhau như đỏ, hồng, da cam, xanh lục, xanh lơ, khiến tập hợp ấy giống như màu đảo biển tuyệt đẹp.

Nhận thấy lợi ích của bầy cá ấy, René đã cho bắt rất nhiều. Anh thả chúng vào một thùng đựng đầy nước biển, có một loài toả sáng đến mức có thể đọc và viết được trong ánh sáng ấy.

Mỗi tối khi ngồi lên khoang thượng hay bên cửa sổ phòng của hai cô gái, René ngắm những khối màu vàng và bạc ấy chuyển động dưới đáy biển hàng giờ liền. Ánh sáng của chúng càng mạnh khi biển động hay trong màn đêm đen quánh. Người ta nhận ra những cơ thể động đậy với kích thước to kỳ lạ, có con có đường kính không dưới mười lăm, hai mươi bộ.

Nhờ ánh sáng của đám cá này toả ra, người ta có thể nhìn thấy những loại cá khác, đặc biệt là những con cá tráp và cá ngừ bụng sọc. Bị tước khỏi luồng sáng là chúng bơi tụm lại thành khối giữa biển.

Con tàu Slúp không phải là một con tàu rẽ sóng lớn tạo thành hai lớp sóng hai bên mạn mà nó chỉ như một cái cày đang cày trên mặt đất bằng phẳng có dung nham và từ mỗi cánh của lưỡi cày bắn lên những con cá lửa.

Sau mười một ngày đi tàu, họ đến miền thượng Maldive, khoảng sáu giờ sáng người ta nghe thủy thủ canh gác kêu to: "Có một chiếc thuyền!"

Nghe tiếng kêu ấy, Kernoch chạy lên boong và thấy René đang đứng ở đó tay cầm ống ngắm.

- Nó đâu? - Kernoch hỏi người thủy thủ

- Phía sau.

- Có ván thăng bằng hay không có?

- Có ván thăng bằng.

- Tất cả sẵn sàng chứ? - Kernoch quay sang chủ tàu hỏi.

- Sẵn sàng, thưa chỉ huy.

- Đại bác đã nạp đạn chưa?

- Rồi, ba quả, ba khẩu.

- Các thứ khác?

- Chỉ chờ lệnh của ngài.

- Một phần ba đạn thường, hai mươi tư livre đạn, cho mang súng lên boong.

- Kernoch - René hỏi - con ruồi quỷ quái nào trêu tức ngài thế

- Ngài có thể cho tôi mượn ống ngắm không, ngài René?

- Rất sẵn lòng - René nói và chìa ra - đó là một cái sản xuất từ Anh, rất tuyệt đấy!

Kernoch ngắm con thuyền.

- Đúng thế! Nó phải có bảy, tám người trên đó.

- Đồ chơi ấy làm ngài lo lắng, ngài Kernoch?

- Không hẳn thế, những khi tôi thấy con cá ép thì không phải tôi sợ con cá ép mà tôi sợ con cá mập.

- Thế con cá ép này làm hoa tiêu cho con cá mập nào?

- Một thuyền Mã Lai nào đấy sẽ không bực mình khi chiếm một tàu xinh xắn như Tay đua New York rồi bắt trả vài nghìn roupi.

- Nhưng kìa - René nói - Chúa tha tội, tôi nghĩ hình như con thuyền độc mộc kia đang quay mũi về phía chúng ta rồi kia.

- Ngài nói đúng.

- Nó đến làm gì?

Để nhận xét chúng ta, đếm xem chúng ta có bao nhiêu đại bác, có bao nhiêu người, cuối cùng để xem chúng ta có là miếng mồi dễ nuốt hay không.

- Quỷ tha ma bắt! Nhưng ngài biết trong năm phút nữa con thuyền kia rời khỏi tầm ngắm hay sao?

- Đúng thế, tôi cho rằng nếu ngài muốn nói lời chào với nó thì đừng để lỡ thời gian mà đi tìm súng của ngài đi.

René gọi một thủy thủ người Paris. Anh này là người rất đặc biệt nên trên tàu, mọi người chỉ gọi anh ta là anh chàng Paris.

Giống như mọi cậu bé của thành Paris, François cũng giỏi mọi ngón, cái gì cũng biết ít nhiều và không sợ gì cả. Anh ta nhảy điệu gi guc đến nỗi làm người Mỹ cười lộn ruột, anh ta biết bắn súng đọ gươm.

- François - René nói - mang khẩu cạc bin, khẩu súng trường hai viên và súng ngắn hai viên trong phòng tôi lại đây, mang thuốc súng và đạn cho tất cả các cỡ súng nữa.

- Chúng ta sắp bắt chuyện với bọn da màu, thưa chỉ huy? - François hỏi.

- Tôi e là vậy - René đáp - cậu biết mọi thứ tiếng, thế cậu có biết tiếng Mã Lai không?

- Tiếng Mã Lai à, không.

Rồi anh ta chạy xuống cửa khoang trước và huýt sáo bài Hãy thức dậy chào đế chế.

François là người sùng bái chính thể của Bonaparte và điều sỉ nhục lớn của anh ta là liên kết với quân Anh. Năm phút sau anh ta đã mang đầy đủ các vật dụng yêu cầu.

Vì chiếc thuyền độc mộc vẫn lại gần với tốc độ nhanh nên René nạp đạn luôn cả mấy loại vũ khí. Anh đeo hai khẩu súng ngắn vào thắt lưng, tay cầm khẩu cạc bin và đưa khẩu súng trường cho François chiếc thuyền vẫn tiến đến. Nó chỉ cách đuôi tàu hai trăm bộ, René với chiếc loa từ tay Kernoch:

- Thuyền kia! Anh hét to bằng tiếng Anh - hãy đầu hàng tàu Tay đua New York.

Để trả lời, một người đàn ông trên thuyền trèo lên thành làm một động tác lỗ mãng, René giương khẩu cạc bin bắn luôn hầu như không ngắm. Kẻ nọ nhảy dựng lên rồi ngã xuống biển. Đoàn người trên thuyền hét lên giận dữ và đe doạ giết anh.

- Ngài Kernoch này - René nói - Ngài có biết Romulus không?

- Không. Ông ta là người Saint-Malo à? - Kernoch hỏi.

- Không đâu, ngài Kernoch đáng mến, người nào không muốn trở thành một vĩ nhân và giống như mọi vĩ nhân, kẻ đó đừng nương tay. Một hôm trong lúc tức giận, ông ta đã giết em mình. Việc giết em mình là một trọng tội mà không thể không bị trừng phạt. Một hôm khi duyệt binh, một cơn giông tố nổi lên và ông ta biến mất trong cơn bão! Hãy nhắm lấy cô nàng kia, ngắm nó như một con mồi đừng để nó biến mất như Romulus.

- Tay súng đại bác, các anh đã sẵn sàng chưa? Kernoch hỏi.

- Rồi! - Họ đáp - Khi nào con thuyền kia đến thì nổ súng!

René kêu lên:

- François, chạy đi báo cho hai cô gái khỏi sợ, cứ nói chúng ta đùa một chút, đang cho bắn thử đại bác nhé.

François chạy biến đi, một phút sau đã chạy trở lại.

- Các cô ấy nói tốt lắm, đi với ngài, họ chẳng sợ gì cả.

Khẩu đại bác hai mươi tư ly đã dựng lên dõi theo hướng chiếc thuyền rồi khai hoả ở khoảng cách gần hai trăm bộ. Một lát sau, người ta chỉ còn thấy những mảnh gỗ nổi lềnh bềnh, những cái xác đã hấp hối chìm dần, nhưng cá mập đã kéo họ xuống.

Đúng lúc đó, thủy thủ gác lại thông báo.

- Có thuyền Mã Lai!

- Nó đâu? - Kernoch hỏi.

- Phía trước chúng ta.

Quả nhiên, giống như một con rắn, người ta thấy một chiếc thuyền rất lớn dài sáu mươi bộ, rộng bốn, năm bộ. Trên đó có khoảng ba mươi tay chèo và năm mươi chiến thủ chưa kể đến những người còn núp dưới đáy vừa ra khỏi eo hẹp, chiếc thuyền Mã Lai hướng mũi về chiếc tàu Slúp.

- Các anh sẵn sàng chưa? - Kernoch hỏi.

- Chúng tôi sẵn sàng chờ lệnh chỉ huy.

- Một phần ba lượng đạn nữa, cỡ hai tư ly.

Vì gió nổi lên giúp việc bắn thuận lợi hơn nên Kernoch nói:

- Hãy chuẩn bị sẵn sàng rẽ khi tôi ra lệnh.

- Vẫn đi theo đường cũ à? - Người lái tàu hỏi.

- Đúng thế nhưng giảm tốc độ, chúng ta không phải tỏ ra đang chạy trốn trước những kẻ thù khốn kiếp này.

Lệnh được thi hành ngay. Tàu của René giảm một phần ba tốc độ

- Ngài đảm bảo sẽ làm đội trưởng thuyền đó chứ? - Kernoch hỏi to.

- Nó sẽ quay như một con quay, ông cứ yên tâm.

Họ bắt đầu nhìn rõ người trên thuyền Mã Lai. Tên chỉ huy đứng trước mũi cong và giơ súng lên với những cử chỉ đe doạ.

- Ngài có muốn nói vài lời không, ngài René - Kernoch hỏi - Gã này có điệu bộ mà tôi thấy không ai đáng ghét hơn.

Cứ để nó tiến lên thêm chút nữa, Kernoch thân mến, để chúng ta khỏi mất uy, với những kẻ này, cần phải mỗi tên một phát.

- François, cho mang giáo lên đây, không cho chúng cập vào mạn.

François chạy xuống rồi lại chạy lên cùng hai thủy thủ nữa ôm các ngọn giáo trong tay. Người ta cắm chúng bên mạn trái tàu tức là bên quân cướp biển sẽ áp sát.

- Cử hai người lên xả buồm mang theo súng loe lòng, ngài Kernoch ạ - René nói.

Mệnh lệnh được thực thi ngay lập tức.

- Ngài Kernoch, hãy nhìn tên kia nhé.

René nói và bắn một phát súng các bin. Gã đàn ông nọ đang đứng có lẽ gã là tên đầu sỏ, lập tức giang tay, buông súng rồi ngã nhào ra đằng sau. Hắn đã trúng một phát đạn giữa ngực.

- Hoan hô ngài René. Về phần mình, tôi cũng sẽ dành cho chúng một sự ngạc nhiên mà chúng không thể ngờ đến.

René trao súng cho François để anh này nạp đạn. Kernoch thì thầm vài câu vào những người can đảm nhất trên tàu rồi nói to với tất cả:

- Chuẩn bị đổi hướng!

Rồi ông ta rời bàn điều khiển đi gặp đội trưởng pháo binh.

- Hãy nghe và hãy hiểu ý tôi, Valter, chúng ta sẽ đổi hướng tàu.

- Vâng, thưa chỉ huy.

- Hãy tận dụng chỉ một giây thôi và khai hoả.

- Vâng, tôi hiểu.

Tên thứ ba nhảy lên mũi thuyền và phát súng thứ ba đã kết liễu hắn gửi xác hắn xuống đáy biển sâu. Đúng lúc đó thì tàu của René xoay hướng.

Đột nhiên, lần nạp đạn pháo thứ hai vang lên và người ta thấy đám người trên thuyền nằm rạp xuống như một tấm thảm.

- Hoan hô - René reo lên - một phát như thế nữa mọi chuyện sẽ xong, Kernoch ạ.

Chiếc thuyền Ma Lai hỗn loạn thật sự. Hơn ba mươi người đã đổ xuống đáy thuyền. Chúng vội vã ném những người chết xuống biển và lập lại trật tự để chuẩn bị tiếp tục chiến đấu.

Một lát sau, một cơn mưa đạn và mũi tên bắn vào tay của René nhưng không gây tổn thất lớn. Hai mươi tay chèo bắt đầu vào ghế và chiếc thuyền Mã Lai tiếp tục tiến lên.

Trong khi đó, Kernoch đã chuẩn bị cỗ máy của mình. Sự ngạc nhiên ông dành cho quân kẻ cướp Mã Lai đã sẵn sàng. Đó là bốn quả pháo 24 ly cuộn trong một tấm lưới treo ở đầu xà buồm bên mạn trái.

Chiếc thuyền cướp biển chỉ cách tàu Slúp gần một trăm bộ và đến rất gần.

Ba khẩu đại bác cỡ 16 được nạp đạn nổ đồng loạt tạo thành ba lỗ hổng chỗ các tay chèo và chỗ những ai còn sống sót.

Kernoch nghĩ đã đến lúc kết thúc mọi việc liền hô to với người chỉ huy đội pháo:

- Để cho nó đến.

Khoảng cách giữa thuyền Mã Lai và tàu Slúp xoá đi rất nhanh trong làn lửa kinh khủng. Rồi tiếng còi vang lên, những quả đạn lướt xuống thuyền Mã Lai khiến chúng vỡ tan. Bốn, năm mươi người sống sốt đều rơi xuống biển bám vào tất cả những gì có thể để leo lên tàu của René.

Một cuộc chiến thật sự, kinh hoàng, mặt đối mặt đã bắt đầu.

Những ngọn giáo tảo ra khắp tàu và bao nó bằng một vành máu. Đột nhiên, giữa tiếng hỗn độn, René nghe thấy tiếng hét của phụ nữ. Hai cô gái Hélène và Jane vừa sợ tái xanh mặt vừa lao lên boong. Hai tên Mã Lai đã phá cửa sổ nhảy vào trong phòng tay lăm lăm con gao găm. Jane lao vào vòng tay của René và hét lên:

- Cứu tôi René! Cứu tôi!

Cô chưa dứt lời, hai tên cướp biển đã lăn xuống, một tên trên boong tên kia ngay cầu thang.

René trao Jane vào vòng tay cô chị Hélène rồi bắn hai phát đạn bằng súng lục vào hai cái đầu xuất hiện phía trên thành tàu, vớ lấy một ngọn giáo trao hai cô gái cho François bảo vệ rồi lao vào trận chiến.

Chương 65: Đến đích

Trận đấu bước vào hồi kết. Hàng trăm tên cướp biển tấn công tàu Slúp chỉ còn chưa đấy chục tên sống sót và phần lớn đều bị thương, chúng kết thúc bằng việc giết lẫn nhau và biển hoàn tất nốt công việc của nó.

- Giương tất cả buồm lên, - Kernoch hô to - hướng mũi tàu về phía bắc.

Cánh buồm ngoan ngoãn hứng gió rồi lao đi theo hướng đã định. Vài người còn sống lềnh bềnh trên mặt biển, bám vào những mảnh vụn của thuyền Mã Lai. Vài kẻ khác đánh lẫn nhau mà không còn sức để bơi đến thanh gỗ dài, những kẻ khác nữa thì biến mất do cá mập kéo xuống đáy biển sâu. Đoàn người của René chỉ còn cách bờ họ phải đến khoảng hơn hai trăm dặm nữa.

Kernoch đã có một ngày vẻ vang. Nhờ sáng tạo của ông ta mà chiếc thuyền Mã Lai đã bị hạ, toàn bộ quân cướp trên tàu bị rớt xuống biển. Ai mà biết được nếu hơn sau mươi tên đó có thể lên tàu thì chiếc tàu Slúp của René sẽ ra sao.

René đến cạnh hai cô gái đang ngồi trên chiếc cầu thang nhỏ dẫn lên khoang thượng. Tóc bay phất phơ trong gió, chiếc áo sơ mi rách bươm bởi những đường dao, tay cầm cây giáo đẫm máu, nhìn anh đẹp như tráng sĩ trong trường ca Homère. Vừa nhìn thấy anh, Jane sung sướng reo lên, tiếng kêu ấy pha lẫn cả lòng ngưỡng mộ nữa. Cô giang tay về phía anh nói:

- Lần thứ hai, anh lại là người cứu chúng tôi!

René cầm tay cô và đưa lên môi. Hélène ngước mắt nhìn anh bày tỏ lòng biết ơn vì đã bảo vệ em mình.

- Lòng biết ơn của tôi - Hélène nói - với anh, tuy không vồn vã bằng tình cảm của Jane nhưng không phải thế mà không lớn lao, xin anh hiểu cho. Chúa đã trở thành người tốt trong nỗi đau. Người dành cho chúng tôi. Người lấy đi một người cha của chúng tôi nhưng lại cho chúng tôi một người anh, một người bảo vệ, một người bạn, tôi biết nói sao đây để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ra sao khi không có anh?

- Một người khác sẽ thay thế cho tôi - René nói - Chúa không thể không gửi người giúp đỡ các cô. Không có tôi, một thiên thần sẽ xuống mặt đất để bảo vệ các cô.

Trong khi đó, François đã thu lượm tất cả vũ khí của René mang đến cho anh.

- Cho tất cả những thứ đó vào phòng của tôi đi François - René nói - thật may là lúc phải dùng đến những vũ khí giết người này cũng đã qua.

- Thưa ngài, - Chàng trai Paris nói - ngài đừng coi thường chúng thế. Hai tên khốn kia, - François chỉ vào hai tên Mã Lai đã nhảy vào phòng tấn công hai chị em Hélène - chúng cũng không phải những tên vừa đâu.

- Nhanh lên các bạn - René nói với các thủy thủ đang lau boong - Hãy làm nhanh tay lên và đừng để sót giọt máu nào trên boong này. Thuyền trưởng Kernoch cho phép tôi thưởng các bạn ba chai arack uống vì sức khoẻ các quý cô đây và trả gấp đôi thù lao hôm nay. Thôi các quý cô, chúng ta hãy về phòng đã, để mấy người thợ sửa sang lại đã. Có lẽ các cô nên nán lại bên mạn hoặc vào phòng tôi cho đến khi các vị có thể về phòng.

- Vậy chúng ta lên khoang thượng - Hélène nói.

Cả ba cùng lên khoang thượng ngồi nghỉ, mắt hướng ra biển.

Kiệt tác của Chúa luôn an ủi những việc làm của con người. Cả ba đều bất giác nhìn lại phía chiến trường khuất dần.

- Khi nghĩ lại - René nói và vỗ tay lên trán - ai mà ngờ được chỗ ấy cách đây không lâu lại có những con người xâu xé nhau bằng dao găm lưỡi lê, và với tên cuối cùng suýt nữa tôi mất mạng.

Hélène thở dài lại ngồi cùng Jane và René trên một chiếc ghế.

- Cô không có bà con nào ở Pháp? - René hỏi - Vậy tôi có thể chuyển tin tức của các cô cho ai khi tôi trở về đó và nhờ ai bảo vệ các cô?

- Chuyện về gia đình tôi là một câu chuyện dài và rất buồn. Cái chết đến thật đột ngột. Bác tôi qua đời sau khi chồng bà mất. Tiếp đến là ba đứa con trai, người đầu bị xử bắn, người thứ hai bị xử trảm trong hoàn cảnh cực kỳ đáng sợ. Còn người con thứ ba thì biến mất một cách đầy bí hiểm khiến cha tôi mất rất nhiều công sức để đi tìm nhưng vẫn không thấy.

- Thế các cô chưa từng gặp chàng trai ấy à? - René hỏi.

- Có chứ. Tôi còn hình dung ra anh ấy nữa kia, khi chúng tôi còn nhỏ. Anh ấy từng làm việc cho cha tôi hồi ông ấy làm thuyền trưởng. Đó là một cậu bé rất đáng yêu khi mặc bộ đồ thủy thủy tí hon con dao đeo bên cạnh và chiếc mũ hải quân trên đầu. Hồi ấy anh ấy chỉ mười hai mười ba còn tôi lên sáu hay bảy tuổi. Em gái tôi nhỏ hơn nên không nhớ. Cha tôi thậm chí đã muốn gắn bỏ hai gia đình lại hơn nữa vì chúng tôi bị mất liên lạc khá lâu. Tôi còn nhớ hồi bé, chúng tôi không chỉ gọi nhau là anh yêu quý, em gái yêu quý mà còn gọi là chồng yêu quý của em, vợ yêu quý của anh nữa cơ. Đó là những ký ức trẻ con xa xưa mà đáng lẽ phải quên khi mà nhớ lại chẳng được gì. Nhưng khi được tin bất hạnh đến với anh ấy, chúng tôi tìm đủ mọi cách nhưng anh ấy vẫn bặt vô âm tín và cha tôi coi anh ấy như một đứa con tội nghiệp bị mất tích. Rồi đến thảm hoạ khi tướng Cadoudal, Pichegru và công tước Enghien chết, cha tôi chán cảnh nước Pháp quyết định chỉ chăm lo đến mảnh đất xa xôi tận cùng trái đất. Tại London, chúng tôi có quen ông James Asplay, ông ấy cũng sống ở Ấn Độ từ bảy, tám năm và đang đóng quân ở Calcutta. Ông ấy trở thành hàng xồm của chúng tôi. Ông ấy đã nghiên cứu đạo Hindu và biết có thể thu lợi được gì. Ông ấy là tay săn giỏi. Ông ấy mơ được có một xứ sở cho mình với chu vi khoảng 60 dặm. Tôi chỉ như Hamlet, ít tham vọng, xứ của tôi dù chỉ nhỏ bằng cái bánh tôi cũng hạnh phúc rồi miễn là em tôi cũng được sung sướng.

Hélène nghiêng đầu về phía em và choàng tay ôm lấy Jane rất dịu dàng.

René lắng nghe lời kể ấy rất chăm chú, thỉnh thoảng từ lồng ngực anh lại nén tiếng thở dài như thể chính anh cũng có vài kỷ niệm gắn với những kỷ niệm của các cô gái.

Rồi anh đứng dậy đi vài vòng ngang dọc trên khoang thượng rồi lại ngồi xuống cạnh hai cô gái lẩm bẩm hát một đoạn bài hát của Chateaubriand rất mốt vào thời đó:

Tôi có kỷ niệm dịu dàng rất đỗi

Từ chốn ấu thơ sáng đẹp ngời ngời

Ôi những ngày vàng son chị hỡi

Trên đất Pháp

Ôi đất nước tôi, là tình yêu của tôi

Mãi muôn đời

Mỗi người lại chìm vào im lặng theo dòng suy tư của mình và có Chúa mới biết sự im lặng ấy sẽ kéo dài bao lâu nếu François không đến báo bữa trưa đã sẵn sàng. Vì trong lúc giao chiến, phòng ăn bị tổn thất khá nhiều nên lần này họ ăn trong phòng của René.

Chưa bao giờ hai tiểu thư Sainte-Hermine đặt chân vào càn phòng này. Họ ngạc nhiên khi thấy dáng vẻ nghệ thuật của nó.

Như một nhà hoạ sĩ tài hoa, René đã phải vẽ tất cả những cảnh đẹp, những hình ảnh đáng nhớ mà anh thích thú. Giữa những bức hoạ ấy là một sưu tập những chiến lợi phẩm quý giá nhất. Đối diện với các chiến lợi phẩm là một số nhạc cụ. Hai chị em vốn là những nhạc sĩ, tò mò lại gần. Trong số các nhạc cụ ấy có một cây đàn ghi ta mà Jane rất thích chơi. Hélène cũng rất giỏi dương cầm nhưng từ khi cha cô qua đời ngay cả ý định lại gần cây đàn cô cũng không dám dù trong phòng hai chị em cũng có một cây đàn.

Một mối liên hệ mới lại giúp họ thêm gần gũi với nhau hơn, đó là âm nhạc. Trong phòng René có đàn dương cầm nhưng anh có cách chơi rất khác không bao giờ anh dạo những khúc vui tươi ồn ã của các tác giả bậc thầy đương đại mà chỉ chơi vài đoạn nhẹ êm dịu, du dương buồn bã hợp với tâm trạng của anh như Một cơn sốt nóng của Gretry, hay Suy nghĩ cuối cùng của Weber. Thông thường ây đàn chỉ là một vật vọng lại những kỷ niệm xa ngái lạ lẫm với tất cả mọi người trừ anh chính vì thế mà bàn tay anh hoà quyện thật nhịp nhàng với âm điệu đến mức không phải chỉ để cất lên những âm thanh mà nó còn như một thứ ngôn ngữ nữa.

Buổi tối, các cô gái thường nghe thấy tiếng nhạc xuất phát từ phòng của René, một thứ âm nhạc run rẩy hài hoà như tiếng sột soạt của gió trong các sợi dây căng hay sự tụ hội của những âm thanh trong đêm tối mà các du khách cổ đại dành cho những lời thánh ca trên biển. Chưa bao giờ các cô lại được thưởng thức những tiếng thở than của sóng biển với nỗi buồn bất tận vang lên từ tay một người đàn ông và những phím dương cầm lạnh lùng.

Nhưng sau bữa trưa, để không phải lên boong dưới những tia nắng hừng hực của mặt trời xích đạo, họ ở lại trong phòng René.

Thế là anh chỉ cho hai cô gái cây dương cầm và các nhạc cụ treo trên tường. Song thấy mắt hai thiếu nữ đang ngấn lệ, anh nghĩ đến thi thể của cha họ, đến cuộc hành trình anh đi cùng họ vào một xứ sở lạ lẫm đầy nguy hiểm. Thế là trên cây đàn, những ngón tay của chàng trai đánh thức dậy tâm trạng man mác mà Vienne Weber mới sáng tác. Bản nhạc này như một bài thơ buồn của André Chéner và Miuevoye vừa mới xuất hiện và bắt đầu nổi tiếng trên những miền đất mới bị các cuộc cách mạng các cuộc chiến tranh xô đẩy, gây ra bao nhiêu điều phải rơi lệ. Dù không muốn nhưng anh vẫn bị tình cảm cuốn đi khúc nhạc toả ra trên những ngón tay anh và rút gọn trong những hợp âm đơn giản khiến nó chỉ càng thêm thống thiết.

Khúc nhạc buồn của Weber kết thúc, theo bản năng, những ngón tay của René vẫn trải rộng trên phím đàn và những hồi ức của tác giả như bày ra trước mặt anh. Đó là trong những lúc bất ngờ không thể cắt nghĩa nổi, tâm hồn của chàng trai trẻ bùng phát hoàn toàn. Những ai cô khả năng đọc trong âm nhạc như trong một cuốn sách sẽ thấy qua một áng mây mờ, một thung lũng đẹp, một đồng bằng trù phú sẽ sinh ra, thế giới cô tịch nơi những dòng suối thay những thì thầm lại rền rĩ rền rĩ, những bông hoa thay vì toả hương lại khóc thút tha. Thứ âm nhạc này thật mới và lạ đến độ các cô không nhận ra những giọt nước mắt vẫn lặng lẽ chảy trên má họ. Khi các ngón tay của René đã dừng lại thì Jane đứng dậy đến quỳ trước Hélène nói:

- Chị ơi một khúc nhạc êm dịu và thành kính như một lời cầu nguyện.

Hélène chỉ đáp lại bằng tiếng thở dài và ôm chặt em vào lòng. Rõ ràng từ vài ngày qua, hai thiếu nữ đang sống trong một cuộc sống mới và những ấn tượng hoàn toàn khác mà chính các cô cũng nhận ra.

Một buổi sáng, thủ gác thông báo: "Đất liền!" Theo tính toán của René, nơi này hẳn là đất Miến Điện. Anh tính lại một lần nữa và khẳng định niềm tin ấy.

Kernoch nhìn anh tính toán mà không hiểu gì cả. Anh ta tự hỏi làm sao một người chưa từng đi đến đây như René lại có thể thực hiện một công việc mà chính anh ta không bao giờ có thể hiểu nổi.

Họ hướng mũi tàu về cửa sông Pégou. Bờ biển thấp đến mức chúng bị lẫn vào nhưng con sóng biển.

Khi nghe tiếng kêu "Đất liền", hai chị em chạy vội lên boong. Các cô gái gặp René trên đó tay cầm ống nhòm. Anh đưa nó cho hai cô xem nhưng tầm nhìn của họ chưa quen với chân biển nên ban đầu không thấy gì cả. Tuy thế, khi tiến lại gần bờ hơn họ cũng thấy hiện ra những đỉnh núi, như những hòn đảo.

Con tàu treo chiếc cờ mới lên cột buồm lớn, bắn mười hai phát đại bác và nhận được tiếng đại bác từ cảng, đáp lại. Sau đó Kernoch báo hiệu mình cần một hoa tiêu. Lát sau người ta thấy một chiếc tàu nhỏ đi ra từ sông Rangoon mang theo người mà Kernoch yêu cầu. Anh ta lên tàu và khi được hỏi nói tiếng gì anh ta đáp mình không phải là người Pégou hay Malacca mà là người Junchseylon. Để tránh bị làm phu cho vua Xiêm, anh ta trốn ở Rangoon và làm nghề hoa tiêu. Anh ta nói được một chút tiếng Anh và Réne có thể trực tiếp xen vào. René hỏi liệu sông Pégou có thể cho tàu của anh chạy vào được hay không khi nó có độ mớm nước từ chín đến mười bộ.

Người hoa tiêu tên là Baca đáp họ có thể ngược con sông khoảng hai mươi dặm, tức là đến tận một vùng đất thuộc về một Đức ông người Pháp. Vùng này có tên gọi là Pangoon House, chỉ có vài ngôi nhà lụp xụp. Không nghi ngờ gì nữa, đó là đất của tử tước Sainte-Hermine.

Dù con tàu nhỏ mang quốc tịch Mỹ nhưng vẫn bị kiểm tra rất gắt gao. Nó hầu như không giống với những con tàu buôn hay qua lại nơi này và phải mất ba lần xem xét, con tàu mới được phép đi vào trong sông.

Trong ngày, họ cũng đến được đất Rangoon, qua sông Rangoon, họ sẽ sang một nhánh Irrawaddy để vào sông Pégou.

Họ dừng lại ở Siriam, thành phố đầu tiên họ gặp ven sông để mua thực phẩm tươi. Ở đây, người ta có thể thấy gà, chim bồ câu, hải sản rau và cá. Nếu tiếp tục có gió nam, con tàu nhỏ có thể ngược lên tận sông Pégou trong hai ngày, còn nếu gió đổi hướng ngược lại thì họ sẽ phải nhờ tàu kéo lên sông Pégou. Điều này sẽ mất gấp đôi thời gian đi bằng buồm.

Không một người nào có ý định dừng lại để thăm thú thành Rangoon nghèo nàn dù trước đây nó từng là kinh thành, từng có một trăm ngàn dân. Ngày nay nó chỉ còn bảy nghìn, kỳ quan sót lại chỉ còn đền Gautama theo tiếng địa phương người ta gọi là Schuredagon có nghĩa là Điện vàng.

Sông Pégou rộng gần một dặm, nhưng rừng già ngày càng bồi ra khiến khiến nó không rộng hơn sông Seine đoạn từ điện Louvre đến Viện chính. Người ta cảm giác rất rõ tất cả phần không nhìn thấy của cánh rừng rậm, cao khoảng mười đến mười hai bộ - tức là đạt đến độ cao của khoang thượng, đều ẩn chứa đủ loại dã thú. Từ xà buồm, người ta có thể thấy đầu kia của cánh rừng và hai bên tả ngạn và hữu ngạn đều có cánh đồng một đầu trải dài đến ven sa mạc Sittang, đầu nữa đến tận vùng khác của các thành trì trù phú

René hiểu rất rõ việc đi trên con sông bị che phủ như vậy không phải không có nguy hiểm. Anh quyết định đích thân mình sẽ gác trên boong và mang theo súng trường và khẩu cạc bin hai viên. Đêm xuống, hai thiếu nữ lên ngồi cùng anh trên khoang thượng tò mò muốn biết trong chốn tịch mịch ấy tiếng kèn liệu đi săn sẽ có hiệu ứng gì. René cho mang chiếc tù và của mình đến nịnh thoảng, họ lại nghe thấy những tiếng động dữ dội trong rừng rậm, chắc chắn đang có cuộc hỗn chiến long trời lở đất của những cư dân trong rừng. Nhưng cư dân ấy là ai? Có thể là những con hổ, những con cá sấu, hay những con trăn khổng lồ đang quấn chặt một con bò để rồi nuốt chửng.

Có cái gì đó vừa kinh hãi vừa trịnh trọng trong sự im lặng bị quấy rầy ấy. Từ giờ khắc này sang giờ khắc khác, do những tiếng rú gào như thể sinh ra không phải dành cho tai người nghe nên rất nhiều lần hai thiếu nữ giang tay ngăn René đưa chiếc tù và lên miệng. Đột nhiên tiếng kèn hiệu vàng lên, rền rĩ, rung động và khiêu khích người ta nghe nó như một thứ gì đó vượt qua ngọn rừng già, lan toả, yếu dần rồi biến mất trong những miền hoang vắng mà ngay Chúa lẫn con người còn chưa đạt tên. Sau những âm thanh lạ lẫm, tất cả đều câm bặt quanh họ. Người ta tưởng như dám thú hoang dã im lặng để nhận định tiếng động lạ và mới ấy.

Gió thuận chiều và họ giọng buồn không cần thuyền kéo. Đột nhiên, thủy thủ gác kêu to:" Có thuyền phía trước"

Ở chốn này, cái gì cũng đều nguy hiểm. René trấn an hai cô gái, xách súng, tiến lên lan can khoang thượng để tận mắt xem chuyện gì. Hai cô gái đứng dậy sẵn sàng trở về phòng mình khi René ra hiệu. Đêm hôm ấy trời không tối, trăng tròn chiếu sáng hình thù giống một chiếc thuyền phía trước.

Vật đó có vẻ đi thẳng. Càng lại gần hình dạng của nó càng rõ và René nhận ra đó là một thân cây đang trôi. Nhận thấy không có gì đáng sợ từ cái vật ấy, anh gọi hai cô gái lại gần ban công khoang thượng. Khi thân cây cách con tàu khoảng hai chục bước thì René nhận ra có hai luồng sáng như hai hòn than chiếu đến.

Anh chưa thấy báo gấm bao giờ nhưng anh dễ nhận ra một con vật như thế đang đến gần. Chắc là nó đang nấp trên cây nào đó thì các cây bị cơn gió mạnh làm bật rễ đẩy nó xuống sông. Ban đầu sợ quá nó đành bám vào đó, khi bị nước đẩy đi, nó không biết làm sao để lên bờ.

- Hélène, cô muốn có một tấm thảm bằng lông thú không? - René vừa nói vừa chỉ vào con vật.

- Con thú cũng bắt đầu nhận ra các hành khách, nó dựng đứng lông, nhe nanh gầm gừ đe doạ dữ dằn.

René đưa súng lên vai nhưng Hélène đã ngăn anh lại.

- Đừng giết nó, tội nghiệp con vật.

Phụ nữ bao giờ cũng có những cử chỉ độ lượng.

- Vấn đề là - René thì thầm - đó là một kẻ sát nhân.

Cái cây và con tàu va vào nhau, người ta nghe rõ tiếng cành cây chạm vào mạn tàu đột nhiên tiếng người lái tàu hét lên khiếp đảm.

- Nằm xuống! - René ra lệnh vừa dõng dạc vừa thúc bách.

Khẩu súng trên vai anh được hạ ngay xuống tay trái và viên đạn lao đi rồi viên thứ hai cũng phát nổ cách đó chỉ một giây.

Hai chị em ôm chặt lấy nhau vì họ đã đoán được chuyện gì vừa xảy ra. Con báo bị đói trong những ngày buộc phải ở trên thân cây đã lùi lại, lấy đà và nhảy lên thành tàu. Nghe thấy tiếng động, người lái tàu quay lại và thấy con vật đang bám trên thành tàu và chỉ một cú nhảy là tới chỗ ông ta. Vậy là ông ta hét lên hoảng hốt thu hút sự chú ý của René. Anh đã ban hai phát đạn vào con vật.

Chỉ một cú chảy, René đã cầm tiếp khẩu súng thứ hai, chạy đến giữa vị trí con báo và người lấy tàu những nó đã chết, một viên đạn đã găm giữa ngực nó.

Chương 66: Thành Pégou

Nghe thấy tiếng súng, toàn đội tàu chạy lên boong. Họ tưởng lại bị người Mã Lai tấn công. Kernoch đang đi nghỉ là người chạy lên boong đầu tiên. Anh ta nhìn thấy người lái tàu và con báo đang nằm cạnh nhau không xa và cả hai đều bất động như đã chết.

Họ sợ cứu người lái tàu vì khi đánh lộn ông ta có thể bị vài vết cào nhưng thật may là ông ta bình an vô sự, con báo đã bị chết ngay sau phát đạn thứ hai.

Đầu bếp trên tàu lột da con báo rất cẩn thận. Da của nó ban đầu định dành cho Hélène nhưng Jane đã nài nỉ nên Hélène nhường lại cho em.

Con tàu vẫn tiếp tục đi. Vì gió khá thuận nên dù đi chậm, nó vẫn ngược lên dòng sông. Hai cô gái về phòng mình mà vẫn chưa hết run. Các cô bắt đầu thấy ít hứng thú với mảnh đất tuyệt đẹp mình sắp định cư. René ở lại bên họ đến tận ba giờ sáng. Các cô luôn tưởng tượng sau mỗi ô cửa sổ là những khuôn mặt khủng khiếp của con thú hoang khát máu nào đó.

Đêm qua đi trong những nỗi sợ nối tiếp. Ngay khi trời sáng, hai cô đã lên boong hy vọng gặp chàng trai bảo vệ họ. Vừa thấy họ, anh chàng René đã gọi:

- Lại đây! Tôi đang định đi gọi các cô dậy để xem hai ngôi chùa trong cảnh bình minh đẹp như thế nào. Chùa gần hơn là Dagoung. Các cô sẽ nhận ra nó qua mũi tên vàng và mái của nó. Đêm qua, chúng ta đã đến rất gần nó.

Hai cô gái nhìn thấy hai công trình đầy cuốn hút ấy nhất là ngôi chùa. Dagoung rất cao khắp các khu nông thôn lân cận đều nhìn thấy. Nền của nó vốn đã được xây dựng trên những gò: Cầu thang duy nhất đẫnlên thềm cũng phải đến một trăm bậc bằng đá.

Như René đã nói, các kim tự tháp mạ vàng này đẹp tuyệt vời hơn nhiều khi mặt trời dìm nó trong những chùm nắng. Xung quanh đều là miền đồng bằng rồi đến những cánh rừng nơi suốt đêm phát ra những tiếng rú kinh hồn bạt vía. Rừng rậm bao lấy dòng sông cũng không có vẻ an toàn nào cả. Suốt đêm, người ta nghe thấy tiếng cá sấu giống như tiếng trẻ con bị bóp cổ. Cánh rừng này thỉnh thoảng bị xen vào các cánh đồng rộng bát ngát do một tầng lớp dân cư đặc biệt cấy trồng. Những người đó được gọi là carainers. Họ có phong tục rất đơn sơ, nói thứ tiếng khác với tiếng Miến Điện. Họ cày bừa, cấy trồng và có một cuộc sống thuần nông. Họ không sống ở các thành thị mà ở quê trong những mái nhà sàn. Họ không bao giờ đánh lẫn nhau và cũng không tham gia vào các cuộc chinh phạt của triều đình.

Con sông mà đoàn người của chúng ta đi qua có rất nhiều cá, đến nỗi các thủy thủ chỉ cần thả vài mảnh lưới là thu được đủ cả ăn cho cả đoàn. Vài người muốn ăn thịt báo. Con báo này chỉ một tuổi rưỡi hoặc hai tuổi là cùng, người đầu bếp làm vài món thịt sườn nhưng những hàm răng khoẻ nhất cũng không xé nổi thịt ra khỏi xương nó Ngày hôm sau nữa trôi qua không có đụng độ nào ngoài một cuộc quyết đấu giữa một con cá sấu châu Á và một con cá sấu châu Mỹ. Một phát đạn đại bác đủ để kết thúc cuộc chiến ấy và cho hai đấu sĩ tan thành từng mảnh. Hôm ấy, họ đã đến thành Pégou.

Pégou còn mang vết tích của các cuộc khởi nghĩa và nơi này từng là kịch trường. Những thành quách của nó phần lớn đã bị đổ nát, chúng chỉ còn cao khoảng ba mươi bộ tính từ dưới mặt nước sông nơi mà khi triều cường có thể dâng lên cao chục bộ.

Các con tàu có độ mớn nước từ mười đến mười hai bộ buộc phải dừng lại ở đây vì khi thủy triều hạ đi thêm một dặm nữa sẽ bị mắc cạn. Con tàu lại buộc ở trạm kiểm soát sẽ đặt dưới sự giám sát của một Chékey, tức một quan trực thuộc Bộ binh.

Du khách được vào một nơi như cung điện mà người ta gọi là phủ ngoại quốc vì nó dành cho những người nước ngoài hiếm hoi đặt chân đến Pégou.

Nhưng khi René nhìn kỹ các phòng thì anh nói mình muốn ở trên tàu hơn, rằng như thế sẽ chuẩn bị tốt cho việc đến mảnh đất của tử tước Sainte-Hermine mà theo cách gọi của dân bản địa là Đất Trầu vì trên đó loại cây này có rất nhiều. Người ta trồng nó và đó là khoản thu nhập chủ yếu. Việc một con tàu Slúp với mười sáu khẩu pháo đại bác của nước Mỹ hùng mạnh xuất hiện, bắt đầu chiếm được sự trân trọng trên Ấn Độ Dương, trở thành điều tò mò cho dân Pégou. Chính vì thế khi con tàu vừa đến, người đầu tiên đến thăm con tàu là người thông ngôn của hoàng đế. Ông ta chịu trách nhiệm mang hoa quả vật phẩm của Shabunder(1) của Pégou đồng thời thông báo ngài Nak-kan và ngài Serédogée hôm sau sẽ đến thăm họ.

René vốn lường trước các cuộc viếng thăm này nên đã mua sẵn vải vóc và vũ khí trên đảo Pháp. Anh gởi tặng một khẩu súng trường hai viên cho ngài Shabunder. Thấy ông ta thích thú với món quà, nhân cơ hội ấy, anh xin nhập cảnh cho con tàu Slúp và nhờ ông ta, với chức danh như một cảnh sát trưởng hải quân ở Anh, để mắt giùm.

Trong suốt thời gian viên cảnh sát trưởng hải quân đến thăm, ông này mang theo hai tên hầu cắp theo tráp bạc, ông ta chỉ ăn trầu và mời anh ăn.

René nhai thứ lá thơm thơm ấy như một người theo đạo Phật thật sự nhưng khi khách vừa đi để giữ cho bộ răng trắng của mình anh đã vội xúc miệng bằng nước trắng thêm vài giọt rượu Arack.

Hôm sau, như đã được ông Shabunder báo, anh đón hai người nak-kan và Serédogée đến thăm. Nak-kan tương đương với chức hộ vệ có nghĩa là tai của vua còn Serédogée tương đương với chức thư lại.

Cả hai người này đều có tên hầu cắp tráp đi theo. Họ nhai trầu liên tục và nhổ nước trong lúc nhai nhưng câu chuyện với họ khá thú vị René được cung cấp nhiều tin tức quan trọng để đến mảnh đất của hai tiểu thư xinh đẹp. Anh được biết rằng không gì bằng trồng trầu vì người ta có thể thu được ít nhất là năm mươi nghìn phăng, gần bằng trồng lúa hay mía. Mảnh đất ấy rộng năm mươi dặm Anh, tức là gần bằng thành Pégou. Chỉ có điều, để đến được đó phải qua những khu rừng đầy hổ báo, ngoài ra nghe nói còn có những băng cướp người Xiêm và người Miến Điện ẩn nấp trong những khu rừng ấy và chúng còn hung bạo hơn đám dã thú.

Hai vị khách đều ăn mặc gần giống nhau, một người áo tím và người kia áo xanh. Cả hai đều mặc một loại áo dài như váy ngủ có thêu các đường chỉ vàng ở các chỗ khoét và hai đầu ống tay.

René gởi cho vị thượng thư một tấm thảm Ba Tư thêu vàng và cho hộ vệ hoàng thượng một cặp súng lục sản xuất ở Versailles.

Trong suốt cuộc nói chuyện ấy, cả hai vị khách đều ngồi xổm, viên thư lại biết nói tiếng Anh, làm thông ngôn cho người còn lại.

Trầu ở vùng này là một loại cây leo như cây thường xuân. Lá của chúng gần giống như lá chanh nhưng to và dài hơn, một đầu thót lại. Quả trầu gần giống như quả nho dại nhưng người ta thích lá hơn. Dân ở đây trồng trầu như trồng nho, người ta bắc giàn cho chúng leo. Thỉnh thoảng họ nhai cùng với miếng cau. Cây trầu sinh trưởng khắp Đông Ấn và nhất là vùng ven biển.

Người Ân nhai trầu suốt ngày thậm chí cả ban đêm, nhưng nếu nhai không thì lá rất đắng nên người ta nhai cùng cau và một chút vôi quệt vào trong phiến lá. Những ai giàu có hơn thì nhai cùng nước long não Bornéo, vỏ quạch hương nhu.

Khi nhai đủ các vị trên ta sẽ thấy một vị và mùi dễ chịu vô cùng khiến người Ấn trở nên nghiện. Tất cả những ai khá giả đều coi đó là món khoái khẩu của họ. Cũng có người còn nhai cau với quế và cây đinh hương những vị không bằng cau với lá trầu thêm chút vôi.

Người Ấn nhổ nước tiết ra đầu tiên, đó là một thứ nước đỏ nhờn nhợt họ có hơi thở dịu và dễ chịu lan khắp phòng. Nhưng lại làm răng của họ đen lại, bị hỏng rồi rụng. Có chăng người Ấn Độ chỉ còn mỗi một cái răng khi mới ở tuổi hai mươi lăm, nguyên do là nhai quá nhiều trầu.

Thỉnh thoảng, khi từ biệt nhau, người ta trao cho nhau vài miếng trầu bọc trong một mảnh vải lụa và sẽ không về nếu chưa được người thân thiết mời trầu. Người ta cũng không dám nói chuyện với người có địa vị sang trọng trong xã hội mà không có cái miệng phảng phất hơi trầu. Với người ngang hàng khi nói chuyện việc không nhai trầu cũng coi là phép thiếu lịch sự.

Lại nói hai kẻ nhai trầu nọ đi vừa chưa được lâu thì tiếng đồn về con tàu Slúp của một người Mỹ giàu có tặng súng ngắn, thảm và súng trường hai viên đã lan xa và người ta đã nghe thấy tiếng nhạc vọng đến.

René gọi ngay hai cô gái đến để hai cô thưởng thức âm nhạc cho đỡ buồn. Hai cô gái lên khoang thượng, họ thấy ba chiếc thuyền chở các nhạc công, mỗi thuyền có một bó gồm hai sáo, hai chũm chọe và một cái có dạng như cái trống. Tiếng sáo nghe giống như tiếng kêu ô-boa. Thứ âm nhạc đó dù không bác học nhưng rất thú vị. René yêu cầu họ chơi vài ba khúc để ghi lại những giai điệu chính: Mỗi tấu được thưởng mười hai talks (mỗi talks tương đương với ba phăng rưỡi)

Ngay từ ngày đầu, René luôn lo lắng làm cách nào đến được mảnh đất của tử tước Sainte-Hermine. Nhưng cách thức duy nhất đến đó là đi ngựa hoặc voi. Ngoài ra viên cảnh sát trưởng hải quân Anh khẳng định anh còn cần ít nhất hơn chục người đàn ông tháp tùng. Trong vùng sắp có lễ hội nên không người đàn ông nào muốn rời Pégou trước khi dâng lễ xong. Buổi lễ ấy kết thúc, ngài Shabunder sẽ thuê ngựa hoặc voi cho René kèm theo một bộ đồ nghề săn hổ. Anh có thể giữ một tháng, hai tháng hoặc ba tháng tuỳ thích. Giá thuê ngựa và người đánh ngựa là hai mươi talks, giá voi và quản tượng là ba mươi talks.

Vì René hứa sẽ chỉ thuê ngựa hoặc voi qua ngài Shabunder nên ông này tặng cho anh một khung cửa sổ trong một ngôi nhà trên lối chính vào chùa. René đã chấp nhận, lúc anh cùng hai cô gái đến đó, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy ngài võ quan có ý trải thảm và kê ghế ở đó.

Dòng người tham dự vào buổi lễ ấy rất đông. Từ lúc mặt trời mọc đến mười giờ sáng, phải có ba mươi nghìn người trèo lên, môi người mang một khay đồ lễ tuỳ lòng thành và điều kiện của họ. Vài người còn ôm ngang lưng một cái cây rủ xuống dưới sức nặng của những món quà dành cho sư sãi. Đó là cây trầu, mứt, bánh trái, có người lại vác những con cá sấu và các con thú lớn bằng giấy trên những cái khay đựng đủ loại đồ lễ. Cuối cùng là những con voi giấy, hoàn tất cho đoàn cúng tiến lên chùa.

Tất cả mọi người đều mặc bộ quần áo hội đẹp nhất, phần lớn dệt từ lụa trong cùng giống với các xưởng dệt ở phương Tây và thường có chất lượng tốt hơn. Phụ nữ Miến Điện cũng được tự do như phụ nữ Châu Âu, họ không phải bịt mặt. Thật buồn là đàn ông lại ít khi dành cho họ đặc quyền như thế. Đàn ông coi họ như kẻ dưới và đặt họ ở khoảng cách giữa con vật và con người.

Người Miến Điện bán vợ mình cho người nước ngoài. Trong những trường hợp như thế, vì chăng người vợ chỉ phục tùng lệnh của chồng nên họ không thấy bị hổ thẹn. Họ có hai lý do để thanh minh cho thái độ của mình, thứ nhất là do luật phục tùng và thứ hai họ phải hy sinh để giúp đỡ gia đình.

Ở Rangoon và ở Pégou cũng có các kỹ nữ. Có thể là do lười lao động hay hư hỏng hay sa đoạ mà các cô gái trẻ bán thân vào cái nghề nhơ nhớp ấy, ngay ở các thành phố văn minh cũng vậy.

Luật nợ tiền ở người Miến Điện cũng không khác ở Rome thời đạo luật Mười Hai Bàn, đó là: tất cả các chủ nô trở thành ông chủ của con nợ hay gia đình con nợ, khi con nợ không trả nổi tiền, chủ nợ bán con nợ như một nô lệ và khi vợ hay con của họ xinh đẹp và các chủ thanh lâu trả giá cao thì các chủ nợ sẽ bán những kẻ bất hạnh ấy. Người ta có thể gọi đó là gái vỡ nợ. Ngày trước còn đồn đại có một tầng lớp kỹ nữ quý phái có xuất thân khác, người ta gọi các ả đó là gái hạng sang.

Nếu một phụ nữ cầu mong sinh con trai nhưng lại đẻ ra con gái, chị ta mang nó đến gửi ở chỗ gái hạng sang và các cô nàng này sẽ trả khoản tiền người mẹ yêu cầu. Người ta sử dụng cô gái dưới chức danh hạng sang cho những người nước ngoài qua đây với dân bản địa, các cô gái đó được gọi là valasi (nô lệ của gái sang), người nước ngoài lại gọi là bayadère với những vũ công và kỹ nữ.

Chú thích:

(1) Chức dùng cho các khu ở Malaixia, một sĩ quan chịu trách nhiệm theo dõi thương nhân, tuần tra cảng và thu thập các giấy thông quan


Nguồn: http://vnthuquan.org/