19/4/13

Hoa vàng mấy độ (C13-14+CK)

Chương 13

Bà Mười nhìn Lam Uyên nhơi nhơi cơm rồi nói :

- Ăn uống như con chắc đến đổ bịnh thôi. Cả tháng nay cứ mỗi bữa, ăn đúng một chén. Ốm lắm rồi! Con không cần giữ eo đâu Uyên, bệnh thì khổ.

- Mệt quá con ăn không nổi, mà nói thật con cũng muốn bệnh, nằm một chỗ cho xong đời.

Giẫy nẩy lên, bà mắng :

- Điên vừa vừa! Toàn nói điều xúi quẩy. Nhà này xảy ra ngần ấy chuyện chưa đủ khổ hay sao ?

Thấy Lam Uyên ngồi chống cằm không để ý tới lời mình vừa nói, bà Mười cau mày thở dài. Bà biết con nhỏ đang buồn, đang chán mọi thứ.

Hơn tháng nay Lam Uyên làm trong một xưởng in lụa, cô làm việc một ngày trên tám tiếng. Trưa ở lại nơi làm, gần tối cô mới về tới nhà, ăn lếu láo vài ba miếng là vào giường nằm soải tay, soải chân như ốm nặng. Ngôi nhà lúc nào cũng lặng lẽ không tiếng người. Hưng đã trở về nhưng hai anh em cô không… lời qua tiếng lại chọc nhau để cười giòn như xưa. Cũng như Lam Uyên, đi làm về, ăn cơm xong là anh rút vào phòng mình. Ông Trí như người câm, suốt ngày không nói một tiếng, mà chỉ miệt mài đọc sách rồi tập khí công. Ông chờ đợi cơ quan điều tra làm sáng tỏ nỗi oan không thể bày tỏ của mình.

Bà Mười lại thở dài. Dạo này đêm nào bà cũng cầu nguyện hương hồn mẹ của Lam Uyên về phù hộ chồng con tai qua nạn khỏi. Bà không hiểu cõi hư vô kia, Bích Quỳnh có nghĩ đến gia đình, để đáp lời cầu nguyện của bà không nữa. Phần mình, bà đã bán chỉ vàng có được để đóng một xe bánh mì, mỗi sáng Hưng đẩy phụ xe cho bà ra tới ngã tư để bán. Có lẽ Bích Quỳnh phù hộ nên bà bán rất đắt. Đến chín giờ sáng bà có thể dọn dẹp mọi thứ đế đi chợ lo cơm nước và lo chuẩn bị đồ chua, thịt nguội, pa tê cho ngày mai. Bà bằng lòng với công việc của mình hiện tại.

Lam Uyên uể oải đứng dậy dẹp chén bát vào thau. Bà Mười xót xa :

- Bốn người lớn mà ăn không hết hai lon gạo. Cứ kiểu này chắc chết. Mẹ con Uyên có linh thiêng về phù hộ gia đình…

Lam Uyên rùng mình vì lời than của bà Mười. Cô khuấy khuấy tay vào thau nước lạnh ngắt rồi hỏi :

- Dì có chắc một trăm phần trăm là mẹ con đã chết không?

Mặt bà Mười thoáng sững sốt :

- Bữa nay con làm sao vậy Uyên ? Con vừa hỏi cái gì hả ?

Giọng Lam Uyên bình tĩnh :

- Ba nói có thể mẹ vẫn còn sống. Mà nếu đúng vậy, dì Mười có vái cũng hoài công.

- Chính miệng ba con nói mẹ con chết rồi mà!

- Ba nói vậy tại ông hận mẹ …. Nhưng tại sao ba lại hận mẹ hả dì Mười ?

- Chuyện hận thù đó tao phỏng đoán thôi. Vì đêm vượt biên Bích Quỳnh, mẹ con không đi với chồng mà đi chiếc tàu có thằng đàn ông trước kia đã hỏi cưới nó. Ba con nghĩ rằng mẹ con nghe lời ông bà ngoại dứt tình chồng vợ bỏ cả con thơ để theo người tình cũ đến chân trời mới vì ba con quá nghèo. Nhưng sau này mới biết chuyến tàu đó đã bị bão đắm ngoài biển.

Im lặng hồi lâu, bà Mười nói tiếp :

- Còn chuyến tàu chở ba con hư máy không đi được khiến nó càng tin điều mình nghĩ là đúng. Lúc ấy ba con như điên với một nách hai con nhỏ, đã vậy nó còn bị những người vượt biên không được, hăm he thanh toán. Ở lại Đà Nẵng cũng khó yên thân, nó mới đem tụi con vào Long Khánh làm rẫy suốt mấy năm ròng. Sau đó mới vào Sài Gòn.

Lam Uyên gật đầu :

- Con còn nhớ lúc mình ở Long Khánh.

Bà Mười chợt hỏi :

- Nhưng con có nhớ hồi nhỏ con tên là gì không?

Uyên nhíu mày :

- Con còn tên nào khác nữa sao ?

- Cũng là Uyên, nhưng là Bích Uyên chớ không phải Lam Uyên.

- Ủa sao kỳ vậy dì Mười ?

Bà Mười trầm tư :

- Tại ba con kỹ quá. Nó không muốn ai biết đến dĩ vãng của mình, nên khi vào Sài Gòn làm lại giấy tờ, nó đã xin đổi tên con cái và của chính nó nữa. Thằng Hưng hồi nhỏ xíu tên thằng Hùng, còn ba con tên Lê Thạnh Trị chớ không phải Lê Thành Trí. Nhưng đâu phải thay tên đổi họ rồi người ta sẽ khác đi đâu. Ba con vẫn còn khổ còn oán, còn hận khi nhớ tới mẹ con. Khi nghĩ Bích Quỳnh chết, nó thấy an ổn, nhưng lúc gặp những chuyện rủi ro trong đời, ba con lại cho rằng vong hồn mẹ con theo ám và tất cả những chuyện không may xảy đến cho nó, đều bắt nguồn từ mẹ con, người đàn bà phản bội.

Lam Uyên ôm đầu ngao ngán. Cô nghe dì Mười kể mà cứ nghĩ dì ấy kể chuyện của ai không liên can gì tới cô hết. Cô mới vừa chập chững bước lên ngưỡng cửa cuộc đời thôi, làm sao cô biết được bên kia cánh cửa đã mở có bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn chớ. Lam Uyên vẫn còn quá xa lạ với từng hoàn cảnh của từng người. Đâu phải gia đình nào cũng yên vui hạnh phúc, trên hòa dưới thuận như gia đình Vi Lan, hay đều uẩn khúc như gia đình cô và đầy quyền hành buộc con cái theo ý mình như gia đình Duy.

Nhớ tới Duy, Lam Uyên lại đau nhoi nhói. Cô cố tình tránh mặt anh từ khi nghe Vi Lan kể lại những lời Hồng Linh đã tâm sự. Điều này làm Duy buồn, nhưng Uyên biết sao đây ?

Bản chất Lam Uyên là người cao ngạo, cô đâu muốn gia đình Duy xem thường mình và cô càng không muốn Duy vì mình như thế.

Đến hôm nay anh đã có được những gì anh muốn rồi, dù thế nào mẹ anh cũng đâu thể ….treo tấm Fax chuyển tiền ấy lâu hơn nữa. Bà mợ của Duy trở qua Việt Nam giải nguy cho anh. Thế là anh trở thành giám đốc trung tâm Tin Học Đông Phương. Chỉ có khác một chút xíu là Hưng không được là trưởng phòng nghiệp vụ và cô cũng không được làm thư ký riêng cho anh như trước đây Duy từng hào hứng bàn tính.

Hưng không nói ra nhưng Uyên biết anh giận và trách thầm bạn khi mẹ Duy lấy lại ngôi nhà Hưng ở đậu với thái độ thiếu tôn trọng anh. Những chuyện dồn dập xảy đến khiến anh em Lam Uyên lún vào mặc cảm. Chính mặc cảm làm cô cứ trốn tránh mỗi khi Duy tìm.

- Có lẽ mẹ con đã chết rồi Uyên à.

- Hả ? Dì Mười nói gì ?

Tỏ vẻ không hài lòng vì Uyên không nghe câu mình vừa nói, bà Mươi hơi gắt :

- Dì nói chắc mẹ con chết thật rồi.

Tự dưng Uyên nhắc lại lời ba cô hôm trước:

- Chết thì đã sao mà sống thì đã sao ? Với con, mẹ luôn luôn đã chết.

Rồi cô lại nói nhỏ :

- Nhưng con không muốn bất cứ ai động vào vong hồn của mẹ, dù đó là ba. Người chết là đã hết mọi chuyện. Dì Mười nói sao thì nói để ba đừng kêu đến mẹ mỗi khi bực dọc nữa. Con chịu không nổi.

Bà Mười lầm bầm :

- Ừ, để từ từ dì sẽ khuyên ba con. Mà nói thật, tao cũng không biết phải khuyên như thế nào đây nữa.

Lam Uyên chợt hỏi :

- Anh Hưng về chưa dì Mười ?

- Về ăn cơm rồi đi với Vi Lan. Có con Lan, nó cũng đỡ buồn. Tính tình con nhỏ dễ thương , tao chịu …

- Còn tính con thì dễ ghét, nên dì chê phải không?

Bà Mười chặc lưỡi :

- Trời cho mỗi người một tính. Dì ghét thì đã sao ? Quan trọng là ra đời kìa chớ nói chi người trong nhà.

Chợt bà thắc mắc :

- Sao lâu quá không thấy thằng Quang, rồi cả thằng Duy ghé hả Uyên ?

Đang nói về chuyện…. ghét với ưa, tự nhiên bà Mười lại hỏi sang Quang và Duy, Lam Uyên bỗng tự ái, cô dỗi :

- Tại con khó ưa quá nên họ chán, đâu ghé đây chi nữa.

Cô chẳng ngờ bà Mười không an ủi, mà còn nói thêm bằng giọng rất … chân tình :

- Dì lại nghĩ họ chán gia đình mình, nên không ghé thì đúng hơn. Đâu ai muốn quen với người có cảnh ngộ như con. Lúc nãy dì khen Vi Lan vì nó trước sau như một, nó thương thằng Hưng thật lòng, nên đâu có câu nệ ...

- Thì Lan là người yêu của anh Hưng, còn con với hai người kia có gì đâu cơ chứ.

Mặt bà Mười nheo lại tinh quái :

- Tao biết cả rồi, đừng giả vờ con ạ! Với thằng Quang thì miễn bàn, vì thằng đó môi mỏng, rặt phường láu cá, lần đầu nhìn thấy tao đã ghét, nhưng với thằng Duy thì…. ái chà! Gia đình nó tệ quá! Con tránh mặt cũng đúng, mình phải có chút tự ái chứ! Nếu thật thương con, nó đâu dựa vào việc con trốn tránh để … dứt liên hệ luôn như vậy. Từ hôm con đi làm tới nay, nó cũng bặt tăm, không hiểu nó ngại gặp thằng Hưng hay ngại gặp ba mày nữa.

Lam Uyên tỏ vẻ thờ ơ :

- Con nghĩ tại ảnh bận thôi. Giám đốc chắc chắn phải nhiều việc hơn người thường.

Vừa nói dứt lời cô đã nghe tiếng chuông gọi cửa. Cách nhấn chuông ấy làm tim Uyên đập loạn xạ Bà Mười tủm tỉm cười :

- Chắc tìm con đó! Vừa nhắc đã xuất hiện. Linh thật! Có định trốn nữa không?

Uyên ngập ngừng :

- Dì ra nói với ảnh bữa nay con làm suốt đêm, tối ngủ lại chỗ làm luôn.

Bà Mười càu nhàu :

- Nếu thằng Duy tin lời nói dóc ngu ngốc này thì đúng là nó chẳng yêu con, nó tới tìm chiếu lệ vậy thôi. Và nếu dì nói như thế với nó thì dì là con mụ già dở hơi. Chi bằng dì đuổi quách nó về với lý do con không muốn thấy mặt, nghe coi bộ được hơn.

Lẳng lặng không đáp lời… khiêu khích của dì Mười, Lam Uyên từ tốn, chậm chạp đánh răng rửa mặt như chuẩn bị đi ngủ, cô làm ngơ, mặc tiếng chuông ngoài cổng cứ vang lên từng hồi.

Bà Mười sốt ruột :

- Ba mày la bây giờ.

- Nếu sợ ba la, thì di ra nói sao cho ảnh về giùm con đi.

Bà Mười vừa bước lên nhà trên, vừa ca cẩm :

- Ôi trời ơi là mệt! Ngày xưa tao từng làm giao liên cho ba mẹ mày, từng thấy tụi nó sướng, khổ ra sao. Giờ tới mày. Số tao đúng là cực vì mấy cái vụ lăng nhăng này.

Lam Uyên ngồi khoanh tay trên bàn ăn lòng hồi hộp chờ dì Mười trở vào. Nói là nói cứng thế thôi, trái tim khó bảo của cô vẫn mong dì Mười mở cửa mời Duy vô nhà. Cô khao khát được gặp anh, được anh ôm vào lòng biết bao. Nhưng nhớ lại những lời Hồng Linh nói với Vi Lan về gia đình mình, Lam Uyên tự ái đến muốn khóc.

Dưới mắt ba mẹ Duy, anh em, thậm chí ba cô đều không ra gì. Anh Hưng là người lợi dụng bạn bè, Lam Uyên quyến rũ Duy từ tay Tố Nga, cũng chỉ để bòn rút tiền bạc của anh. Cô là người hám lợi, vô đạo đức nên mới giúp ba và dì ghẻ làm việc mua bán phụ nữ. Hồng Linh nhờ Vi Lan … khuyên cô: “buông tha Duy ra, để anh lo sự nghiệp”.

Cô đã lẩn tránh Duy vì lời đề nghị thẳng thừng của Hồng Linh, hay vì bản thân cô mặc cảm với người mình yêu, khi giữa hai gia đình hai bên chênh nhau một khoảng quá xa về mọi thứ? Đã vậy gia đình Duy lại không thông cảm, không hiểu hoàn cành khốn khổ, khổ sở của cha con Lam Uyên hiện tại, làm sao cô dám ôm mộng tưởng sẽ có ngày hạnh phúc bên anh?

Phải thực tế thôi! Cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi xưa kia của ba mẹ cô là một bằng chứng cho thấy vấn đề môn đăng hộ đối muôn đời muôn kiếp vẫn là bài toán nan giải.

Lam Uyên nén tiềng thở dài khi tưởng tượng lúc Duy bỏ rơi cô, sau một thời gian hai người bất chấp mọi trở ngại, sống với nhau trong nghèo khổ, thiếu thốn. Lam Uyên không muốn đi theo con đường ba mẹ cô đã đi, Lam Uyên không muốn con cô sẽ khổ sở như cô hiện giờ.

Trước đây Uyên những tưởng mẹ cô chết vì vượt biên bị đắm tàu thông thường. Hôm nay nghe dì Mười nói rõ uẩn khúc của chuyến đi ấy, Uyên mới bàng hoàng nhận ra rằng mẹ đã phản bội ba chỉ vì bà không chịu nổi cực khổ, vì từ nhỏ tới lớn bà quen sống giàu sang, có kẻ hầu người hạ.

Duy của cô cũng quen sung sướng, đã vậy lại mau thay đổi tình cảm. Ai dám tin chắc rằng Duy chịu đựng hết mọi nhọc nhằn của cuộc đời, để sống với cô tới răng long đầu bạc ?

Xòe bàn tay ra, Uyên nhìn vào những đường chỉ dọc ngang và thấy lòng mình cũng rối bời như mối chỉ tay ấy.

Bà Mười trở vào với mấy cuốn sách trên tay. Thấy Uyên nhìn mình, bà nói :

- Duy tìm thằng Hưng. Không gặp, nó gởi trả mấy cuốn sách. Dì nói có con ở nhà, thì Duy bảo tiếc là nó bận nên không vào chơi được.

Lam Uyên nuốt nghẹn xuống :

- Dì nói thế làm gì?

- À! Tao muốn thử nó thôi mà! Té ra thằng Duy là đồ dỏm.

Uyên sững người vì lời chê bai của dì Mười. Cô chưa kịp nói lời nào, bà lại tiếp :

- Dì đi ngủ đây! Sáng còn dậy sớm nữa, con chờ thằng Hưng về mở cửa cho nó.

Lam Uyên lặng lẽ bước ra sân ngồi xuống thềm, cô tựa lưng vào cột và xót xa nhìn ngôi sao nhỏ xíu nhấp nháy một mình trên cao. Nó có hiểu Uyên đang muốn gì không nhỉ ?

Người ta bảo lòng kiên nhẫn của đàn ông có giới hạn, quả không sai. Cô đã làm anh nản. Cô đạt được điều mình muốn, sao bây giờ lại buồn, lại trách người ta vội quên?

Chuông ngoài cổng lại vang lên một tiếng ngắn ngủn, cộc lốc. Uyên lười biếng không muốn đứng dậy, cô muốn được chìm đắm trong cõi riêng đầy phiền muộn của mình. Uyên không hiểu sao anh Hưng lại về sớm thế. Có người yêu bên cạnh là hạnh phúc nhất, thế mà ảnh không biết giữ phút giây quý giá ấy ?

Đợi chuông vang lần nữa, Lam Uyên mới chậm chạp bước ra sân. Cô lơ đãng mở rộng cổng má không cần nhìn xem ai bước vào. Đến khi bị một cánh tay khỏe mạnh kéo sát cô sau cánh cửa đã đóng lại, Uyên mới nhận ra mình bị Duy ôm gọn vào người. Anh ép Lam Uyên chặt đến mức cô không động đậy được.

Lam Uyên nghe giọng mình yếu đuối :

- Buông em ra.

- Cho em trốn anh nữa không con bé ngốc? Anh chưa thấy ai ngốc và ngông như em. Và anh cũng chưa biết nhớ biết khổ vì ai như em.

Uyên có cảm giác mình sắp tan biến vì ánh mắt da diết, nồng nàn của Duy. Tất cả những lời lẽ tính toán rất lý trí, rất thực tế lâu nay bỗng bay đâu mất. Cô trở lại nguyên vẹn cô với nhớ những vây kín, với yêu thương ngập đầy. Cô run rẩy đón nhận môi anh y như lần đầu, rồi cô lại mê đắm hôn trả anh như sợ anh sẽ rời khỏi đây ngay.

Dìu Lam Uyên ngồi xuống thềm nhà, Duy xoay mặt cô lại nói một hơi :

- Em tưởng trốn tránh mãi như vậy anh sẽ chán nản và quên em hay sao ? Bộ em nghĩ đây là biện pháp tốt nhất để giải quyết chuyện tụi mình à! Anh đã tính toán đâu đó cả rồi, em chỉ giỏi làm anh rối trí thêm thôi. Hừ! Tại sao mới vào làm ở công ty Đại Nam mấy hôm đã nghỉ ngang mà không nói với anh một tiếng ? Em thích là công nhân in lụa, suốt ngày ngồi hơn tám tiếng, để mỏi tay khòm lưng kéo những bản in nhãn hiệu lên thùng carton, lên bao gói hàng phải không ?

Thấy Lam Uyên im lặng, Duy dịu giọng :

- Em chẳng hề nghĩ gì tới anh hết, em ích kỷ đến thế là cùng. Suốt tháng nay anh căng thẳng với công việc mới, anh cần có em kế bên để an ui, để chia sẻ biết là bao. Anh mong đợi, chỉ hoài công, anh đến tìm, em lẩn tránh. Nếu là bè bạn, cũng không ai đối xử như thế, huống hồ chi mình yêu nhau hả Lam Uyên ?

- Anh tới để trách em đấy à?

Châm cho mình điếu thuốc, hít một hơi, rồi tựa lưng vào cột. Duy nhẹ nhàng :

-Anh chỉ nói thật lòng mình thôi. Em nghĩ đó là lời trách móc cũng được.

Lam Uyên buồn bã :

-Chúng ta đã sai lầm khi yêu nhau. Nhất là anh, nếu vẫn yêu Tố Nga như xưa, em nghĩ anh đã hạnh phúc, đã vui sướng hơn yêu em rất nhiều.

-Tự chọn tình yêu và người yêu cho mình, anh không ân hận cũng không so sánh. Anh chỉ nghĩ làm sao để chúng ta hiểu nhau hơn và yêu nhau hơn nữa.

Khẽ lắc đầu, Uyên thẳng thắn :

-Em thấy chúng ta khó có kết thúc tốt đẹp như ý muốn. Em sợ mọi thứ đổ vỡ, anh sẽ bỏ em như từng bỏ Tố Nga. Thà mình chia tay lúc chưa ràng buộc gì với nhau vẫn hay hơn.

Duy bật cười, giọng anh giễu cợt :

-Chia tay! Trừ phi không còn yêu anh, em mới nghĩ tới cái từ chỉ có trong tiểu thuyết ấy. Còn anh hả ? Anh luôn tìm cách đạt cho bằng được điều anh muốn. Anh không lưng chừng, thiếu tự tin khi anh đã yêu thật sự.

-Anh là đàn ông, anh nói gì lại chả được, chỉ có đàn bà con gái là thiệt thòi.

-Vậy đàn ông không có trái tim, không biết đâu khổ hay sao ? Em yêu anh nhưng chưa thật sự tin vào anh. Nói thật, mặc ba mẹ anh nghĩ thế nào về gia đình, về bản thân em, anh dứt khoát chỉ cưới em làm vợ thôi.

Kéo Uyên vào lòng, anh nói tiếp :

-Anh biết Hồng Linh đã nhờ Vi Lan nói điều gì đó không phải với em, nhưng em phải có lập trường của mình chớ ! Ngang bươnng cao ngạo, khó khuất phục như em mà lại dễ dàng chối bỏ hạnh phúc, tình yêu vì những lời nói gián tiếp của Hồng Linh à? Nó là em anh, là bạn ngang hàng với em, nó đâu có quyền nói những chuyện không phải của mình.

-Em biết Hồng Linh vâng lời bác gái, nhưng còn nghĩ đến bạn bè, nên thay vì phải trực tiếp nói với em, nó đã nhờ Vi Lan. Duy à! Chúng ta sẽ không có hạnh phúc khi gặp trở ngại từ phía gia đình.

-Anh không để em ở chung đâu mà sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu. Tóm lại, anh không bất hiếu với cha mẹ, cũng không làm khổ người anh yêu, cưới em được anh sẽ chí thú làm ăn, vẫn tốt hơn có hiếu nghe lời cha me, làm khổ người mình yêu, cưới một cô vợ khác rồi bỏ bê mọi thứ vì thất vọng, vì chán chường. Lúc nãy anh đã nói suy nghĩ cùa anh với mẹ, bà đã hiểu anh, dứt khoát sẽ không ngăn anh nữa.

Lam Uyên ngập ngừng :

-Còn bác trai ? Bác không tha thứ tội em đã cãi lời đâu.

Duy thì thầm vào tai Uyên :

-Ý mẹ là ý ba, nhất vợ nhì trời mà.

Lam Uyên làm thinh, cô xúc động khi biết rằng suốt thời gian qua, Duy vừa cật lực làm việc, vừa kiên nhẫn thuyết phục mẹ mình. Anh yêu cô nhiều hơn cô nghĩ nhiều lắm, Uyên đúng là ích kỷ, thiếu tự tin, đã vậy còn bi quan, mặc cảm làm khổ Duy.

Cô lo lắng khi nghe anh nói :

-Ngay mai chủ nhật, mẹ mời em và Hưng tới dùng cơm trưa.

-Có … vội vàng không anh. Em ngại quá! Nhất là với Hồng Linh, nó đã từng nói….

-Chậc! Bỗng dưng em lại dè dặt khác với tình em thường ngày vậy Uyên ? Anh đã bảo mẹ rất muốn gặp em, sao cứ nhắc chuyện Hồng Linh chi vậy ?

Lam Uyên nhìn vào mặt Duy :

-Gia đình đang gặp nhiều chuyện không may, nên em ngại đến nhà anh lắm. Nếu thật lòng thương em, đừng để em mặc cảm, khi bước đầu tiên vào nhà người mình yêu quý. Có thể anh lại cho rằng em ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình. Đúng ra em nghĩ nhiều tới gia đình rồi lo lắng… lỡ như ai đó xúc phạm đến ba, đến anh Hưng thì em sẽ ứng phó ra sai ? Chỉ cần một người quen vô tình hỏi thăm vụ Trung Tâm du lịch Hoa Lan thôi, em đã khổ sở. Em sẽ trả lời sao nếu hai bác quan tâm đến chuyện đó ?

Thấy Duy nhíu mày, Uyên nhỏ nhẹ :

-Cuối tháng phòng điều tra kết thúc vụ này. Đợi họ có tiếng nói xong, em sẽ đến thăm bác với tâm hồn thanh thản, vì em tin chắc ba không dính dấp gì đến việc làm của dì Kiều Mai.

Duy thở ra :

-Cũng được! Nhưng ngày mai, hai đứa phải đi chơi đâu đó cho thoải mái một chút. Quần thảo với công việc mãi, anh muốn điên lên rồi!

Lam Uyên vòng tay ôm đầu gối, lòng cô mâu thuẫn ngập tràn. Khó khăn lắm Uyên mới mở miệng từ chối :

-Em phải làm cả ngày chủ nhật, nên không đi chơi với anh được.

Duy nắm hai vai Uyên lắc mạnh, giọng anh giận dữ :

-Em thật cố chấp khi viện hết lý do này đến lý do khác từ chối mỗi đề nghị của anh. Em không yêu anh như lời em nói đâu. Vì nếu thật tình yêu anh, em phải hiểu để thấy rằng anh phải khó khăn thuyết phục mẹ từng ngày để bà đồng ý chuyện hai đứa. Đằng này em chỉ nghĩ tới sĩ diện của mình, em không xứng đáng với lòng yêu thương của anh. Từ giờ trở đi anh không làm phiền em nữa.

Dứt lời, Duy hầm hầm bước đi. Cánh cổng đóng sầm lại lạnh lùng dễ sợ. Uyên không khóc mà nghe lòng đầy cay đắng. Tại sao cô lại làm thế ? Có phải tại cô chỉ nghĩ tới sĩ diện của mình như Duy vừa nói không? Chắc là như vậy, nhưng cô vẫn yêu anh mà. Hơn ai hết, anh phải biết điều đó chứ !


Chương 14

Hưng ngạc nhiên nhìn người đàn bà đang nở nụ cười thân thiện với mình. Anh chưa kịp hỏi, bà ta đã lên tiếng trước:

- Cháu là Hưng phải không?

Gật đầu, Hưng bối rối không biết nên xưng hô thế nào cho tiện :

- A! Cô là mợ của Tường Duy.

Ngần ngừ một chút, Hưng bảo:

- Mời cô vào nhà.

Bà Thanh tự nhiên ngồi xuống salon, rồi hỏi:

- Chắc cháu đang thắc mắc không biết tôi đến đây làm gì?

- Cháu có đoán, nhưng biết đâu không chính xác. Anh em cháu đều là bạn bè của Duy, khoảng thời gian sau này vì công việc tụi cháu phải bươn chải kiếm sống nên ít gặp Duy. Dạo này chắc nó cũng bận rộn với chức vụ giám đốc.

Mỉm cười trước lời rào đón của Hưng, bà Thanh thêm vào:

- Dù ít gặp nhưng tụi cháu vẫn là bạn tốt phải không.

Hưng nhếch môi:

- Cháu chưa là bạn xấu của ai bao giờ.

- Tôi cũng nghĩ thế.

Hưng nghiêm giọng:

- Chỉ mới trao đổi vài ba câu xã giao, căn cứ vào đâu cô lại tin cháu?

- Căn cứ vào cái nhìn đầu tiên, với tôi, giây phút đầu tiên rất quan trọng. Chắc cháu và Duy cùng một tuổi.

- Vâng.

- Và cùng một mộng ước.

- Ồ không, cháu nhiều mộng ước lắm. Nói thế chắc cô nghĩ là cháu tham lam, nhưng nếu chỉ có một mộng ước như Duy, lỡ mộng ước ấy vỡ tan, cháu sẽ trắng… cả nhiệt tình, lấy đâu ra động lực để làm việc mà sống chứ.

Bà Thanh chớp mắt trước nụ cười có vẻ cao ngạo của Hưng. Cách nói và nụ cười ấy làm bà nhớ tới một người ngày xưa….

- Xin lỗi! Để cháu rót nước mời cô. Hôm nay nhà không có ai hết.

Nhìn dáng Hưng nhanh nhẹn bước vào nhà trong, bà Thanh bàng hoàng vì một linh cảm khác thường. Bà lẩm bẩm:

- Trời ời! Sao trông nó giống anh ấy đến thế ! Lẽ nào….

Ôm đầu không dám suy nghĩ tiếp, bà Thanh lắng nghe tiếng tích tắc đều đặn của kim đồng hồ vang lên trong sự yên lặng của căn phòng…. Mười mấy năm rồi chớ ít gì, kể từ ngày bỏ xứ ra đi. Bây giờ trở lại, những người thân yêu ruột thịt không còn ai. Họ đã chết hết! Người ta đã nói lại với bà như thế bằng một giọng hết sức dửng dưng.

Bà Thanh đan hai tay vào nhau cố dằn thổn thức. Hồi đó, bỏ quê vượt biên ra đi là điều thôi thúc trong lòng nhiều người. Riêng bà không đời nào nghĩ tới chuyện ấy, nhưng vì là con duy nhất trong gia đình, bà phải đi theo để phụng dưỡng cha mẹ và cũng để lo tương lai cho chồng con. Ai ngờ tất cả chỉ là cơn mộng dữ. Bà không còn gì hết. Giờ đây một thân một mình với nỗi tiếc thương vô hạn, hối hận khôn cùng, bà nhìn những người trạc tuổi con mình và khao khát…. Ước chi tất cả chỉ là giấc mơ nhỉ?

Hưng bưng ra một cái khay nhỏ, trên có ấm trà và hai cái tách, anh nói:

- Nhà cháu lúc nào cũng có trà sen. Ba cháu ghiền trà lắm, và phải trà thật đậm kìa.

Bà Thanh nhìn Hưng không chớp mắt:

- Tôi cũng có thói quen uống trà đậm. Và cũng là trà sen.

- Vậy thì hay quá! Mời cô dùng thử…

Dứt lời anh chợt lúng túng vì không biết sẽ nói chuyện gì với người đàn bà xa lạ này.

Bà Thanh bưng tách trà lên và nhận thấy tay mình run run.

- Chắc cháu không phải người gốc Sài Gòn?

- Dạ đúng!

- Vậy trước khi đến đây, gia đình cháu ở đâu?

Hưng ngạc nhiên vì sự căng thẳng không giấu được của bà Thanh, khi bà chờ nghe anh trả lời. Ba anh từng dặn dò không nên nói thật về gia đình với ai. Đợi bà uống xong ngụm trà, Hưng từ tốn đáp.

- Trước đây gia đình cháu ở Long Khánh.

Giọng bà Thanh thất vọng:

- Thế à?

Rồi bà ngồi thừ ra, đến khi nghe Hưng nhỏ nhẹ hỏi:

- Có chuyện gì mà cô tìm cháu vậy?

Bà mới hoàn hồn cười gượng:

- À! Tôi có nghe Duy nói cháu là một chuyên viên xử lý phần mềm rất giỏi. Duy đã đề cử cháu phụ trách phần nghiệp vụ cho Trung Tâm Đông Phương.

- Nhưng sau đó cũng chính Duy đưa công việc này cho người khác. Cháu không trách nó.



(mất trang 184)

... nằm sẵn chờ mình đâu.

Hưng hơi ngượng vì bà Thanh cứ nhìn anh chăm chú. Cái nhìn của bà như chất chứa một tình cảm riêng tư nào đó, khiến Hưng liên tưởng đến những lời Lam Uyên nói với anh trước đây.

Con bé… độc miệng cho rằng hình như bà mợ của Duy rất thích đàn ông trẻ. Lần ấy anh cực lực lên án cái… mép Hoạn Thư của Uyên. Em gái anh là chúa ích kỷ, nó từng ganh với Vi Lan khi anh chăm sóc cho cô dĩ nhiên không đời nào có cảm tình với người đàn bà đẹp sắc sảo, ăn nói hoạt bát, rất giàu có này khi ngày ngày bà ta vẫn luôn gặp Duy. Con bé ghen! Mặc dù bà Thanh lớn tuổi, nhưng Lam Uyên đã nhún vai thảy cho Hưng tờ báo Lao Động kèm theo lời khinh bỉ :

- Báo đăng ở Ý, bà già chín mươi ba tuổi còn được… thằng nhỏ hai mươi bốn tuổi cầu hôn. Bà Thanh độ năm mươi, còn trẻ quá so với cụ bà sắp làm cô dâu trong ảnh.

Với tuổi năm mươi, bà Thanh vẫn còn quá trẻ, Hưng lấy làm lạ khi nhận ra, đáng lẽ anh phải thắc mắc tại sao bà ta tìm đến tận nhà, và… năn nỉ anh vào làm việc cho bà, đàng này anh lại đi thắc mắc những chuyện hết sức vớ vẩn. Có lẽ những lời Lam Uyên đã làm rối tâm trí anh. Hưng bối rối lảng sang chuyện khác:

- Trước đây cháu nghe Duy nói cô đề nghị giúp vốn cho nó…

- Tôi có đề nghị, nhưng ông ngoại Duy, tức là bố chồng tôi không đồng ý. Ông muốn chính ông bỏ vốn ra cho cháu cưng của mình. Điều đó đúng thôi! Tiền của nhiều, không cho con cháu, nhắm chết có đem theo được đâu.

Bà Thanh nhìn lên trần nhà, giọng mơ màng:

- Một thân một mình đúng là bất hạnh. Tôi làm việc để giết thời gian, để tìm vui, và có lẽ để giúp đỡ người khác.

- Cô không còn người thân nào hết sao ?

Bà Thanh cười buồn:

- Nếu còn, cuộc sống của tôi đâu tẻ nhạt như vậy. Tất cả là do sai lầm của tôi trong quá khứ. Lẽ ra tôi cũng có những đứa con xinh đẹp, thông minh như ... cháu và Lam Uyên. Mà thôi! Sao lại nhắc đến quá khứ đau buồn ấy nhỉ! Thật tiếc, khi tới đây mà không gặp Lam Uyên.

- Uyên cũng sắp về rồi, nó đưa ba cháu vào bệnh viện để tái khám theo định kỳ/

- Lam Uyên là cô bé có cá tính mạnh mẽ. Tôi có gặp Uyên, nhưng lần đó Duy không giới thiệu vì hai đứa đang giận nhau.

Rồi bà chợt nói bằng giọng hơi lạc vì xúc động:

- Lần đầu nghe Duy nhắc tên Lam Uyên tôi có cảm giác mình và con bé rất thân quen. Tôi vẫn mong Duy đưa Uyên đến chơi, không ngờ hai đứa cứ vì tự ái hục hặc mãi. Đến nay tôi vẫn chưa được nói chuyện với con bé.

- Cô sẽ nói gì khi gặp em cháu ?

- Làm sao tôi trả lời được. Cũng như khi đến đây, dầu có mục đích rõ ràng, tôi vẫn chưa chuẩn bị để biết mình sẽ nói gì và sẽ gặt hái được những gì. Trong đời, tôi đã chuẩn bị cho mình nhiều lần, rốt cuộc không lần nào được gì cả, đã vậy còn mất mát cho nên bây giờ tôi hay tin vào may rủi hơn.

- Vậy…. cô gặp may nhiều, hay rủi nhiều?

Bà Thanh mỉm cười trước câu hỏi cắc cớ của Hưng – Phải chi thằng bé là con trai mình nhỉ? Lòng bà xao động với ý nghĩ thoáng qua.

Vừa lúc ấy có tiếng tằng hắng ngoài cửa, bà nhìn ra, và thấy một người đàn ông đang hơi khom người chùi giày lên thảm.

Khi ông ta ngước lên và nhìn về phía bà với đôi mắt tò mò lẫn ngạc nhiên, bà đã thoắt rùng mình:

- Anh Trị !

Ông Trí ngớ người ra, rồi hấp tấp lắc đầu:

- Bà lầm rồi. Tôi tên Trí.

Quay sang Hưng, ông hỏi:

- Ai vậy con?

- Dạ… cô Thanh, mợ của Duy.

Bà Thanh lắp bắp đứng dậy:

- Em không lầm. Anh là Trị, là chồng…

- Xin lỗi! Tôi không hiểu bà muốn gì, bà Thanh ạ!

Nghe ông Trí nhấn mạnh tên mình, bà Thanh sựng lại. Giọng bà nghẹn ngào:

- Thì ra anh cố tình không tìm đến em dù em đã nhắn tin, tìm người hàng tháng trời trên truyền hình và báo chí. Anh biết rất rõ em muốn gì mà! Với anh, em có lỗi nhưng em vẫn là mẹ của thằng Hùng và Bích Uyên. Em muốn được nghe nó gọi mẹ, em muốn được lo tương lai cho chúng.

Hưng ngơ ngác nhìn hai người, vừa lúc đó Lam Uyên bước vào với bà Mười.

Thấy bà Thanh đứng trước mặt ba mình với gương mặt tái xanh đầy căng thẳng, Uyên lao tới chen vào giữa hai người. Lưỡi cô líu lại vì giận:

- Tôi và Duy đã không còn gì nữa, nếu bà đến đây theo yêu cầu của bác Trầm nhục mạ cha tôi, tôi sẽ không tha thứ cho bà đâu. Xin mời bà ra khỏi nhà tôi ngay cho.

Bà Thanh lắc đầu, cố lắm bà mới nói:

- Kh…ô…ng… ph….a?…i….

Bà Mười chợt bước vội tới la lên:

- Bích Quỳnh ! Trời ơi ! Đúng là cô rồi !

Quay về phía Lam Uyên vẫn còn… đằng đằng sát khí, bà hối hả bảo:

- Mẹ của tụi bay đây nè, Lam Uyên, sao con nói cái gì hỗn ẩu thế ? Không chạy tới mẹ con đi ! Thằng Hưng nữa.

Mặc cho bà Mười giục giã, hai anh em Lam Uyên đứng sững sờ.

Ông Trí buông lời lạnh lùng, độc ác:

- Trong thâm tâm chúng nó, bà chết mười mấy năm rồi. Nêu bà chết thật vẫn hay hơn là làm hồn ma dĩ vãng đội mồ sống lại. Với tôi, quá khứ đó vẫn là món nợ cần phải trả. Mười mấy năm trước bà đã nhẫn tâm bán rẻ sinh mạng chồng con, để theo nhân tình ra nước ngoài. Thằng Hùng, con Bích Uyên và cả gã khờ tên Trị đã chết ngoài biển vì bàn tay của bà rồi. Bây giờ bà đi đi, cha con tôi không cần tới bà đâu. Và bà vẫn còn thiếu chúng tôi một món nơ.... Hãy nhớ như vậy.

Bà Mười nghiêm giọng:

- Cậu Trị, bữa nay chị gọi tên thật của cậu với mong muốn cậu cởi bỏ những chuyện xưa đi. Mẹ tụi nhỏ đã về, sao cậu lại nỡ nói những lời đoạn tình như vậy. Bích Quỳnh vẫn chưa lên tiếng tự bào chữa, chắc gì lời buộc tội của cậu là đúng kia chớ.

Ông Trí cười khổ:

- Với tôi, cô ta bây giờ là bà Thanh, vợ người khác, bao nhiêu đó đủ dứt tình xưa nghĩa cũ rồi, nói chi chuyện khác. Bây giờ tôi là kẻ trắng tay, tụi nhỏ nay đã lớn, tùy ý chúng lựa chọn giữa mẹ và cha. Tôi không trách cứ đứa nào đâu.

Dứt lời ông loạng choạng bước về phòng mình. Căn phòng hoàn toàn chìm trong im lặng.

Bà Mười bứt rứt xốn xang:

- Bích Quỳnh ! Cô phải nói gì về mình đi chứ ? Mười mấy năm nay cô sống ra sao?

- Em sống khổ, sống rất khổ chị Mười ơi !

Bà Thanh ôm chầm lấy bà Mười rồi òa lên nức nở.

Lam Uyên thụt lùi sát tường và la to:

- Bà nói dối!

La xong, cô vụt chạy ra ngoài mặc bà Thanh gào lên:

- Lam Uyên ! Lam Uyên !

Hưng vội cản khi thấy bà định chạy theo.

- Tính nó là như vậy… mẹ đừng lo.

Nghe Hưng gọi mình là mẹ, bà Thanh ngồi phịch xuống ghế, môi nở nụ cười dù trên mặt bà, nước mắt vẫn còn ràn rụa.

Giọng Hưng thôi thúc:

- Con muốn biết sự thật. Con muốn biết tại sao chúng ta phải xa nhau mười mấy năm ròng rã. Con muốn biết tại sao ba lại buộc tội mẹ như vậy? Mẹ hãy nói đi.

Bà Thanh thẫn thờ lắc đầu. Bà Mười xen vào:

- Ba thằng Hưng nghĩ cô chê nó nghèo, nên bày mưu hại cha con nó, để vượt biên với người khác.

- Tại sao anh nghĩ vậy? Anh muốn nói người khác nào? Nhân tình nào chớ?

- Chậc! Thì thằng Tư Lân chớ ai. Lần đó nó đi chung tàu với cô mà.

Bà Thanh đưa tay quẹt mồ hôi vừa rịn ra trên trán, đôi chân mày nhíu lại như cố nhớ chuyện mười mấy năm trước. Hưng đưa cho mẹ tách trà anh mới rót, và lặng im nghe bà kể:

- Tôi còn nhớ rõ, đêm đó người ta bảo đúng mười giờ sẽ tập trung ra bãi, mười hai giờ xuất phát. Tôi sẽ đi với anh Trị và hai đứa nhỏ ở tàu do anh Trị chịu trách nhiệm. Gia đình tôi đã chuẩn bị đâu đó, nhưng khoảng tám giờ có người đến gọi tôi qua bên nhà cha mẹ có chuyện cần gấp. Anh Trị không muốn tôi đi, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó tôi đã cãi lời anh, khăng khăng theo người ta. Qua bên ấy, tôi được ông ngoại thằng Hùng đưa thêm môt trăm lượng vàng để phòng thân. Trên đường về nhà, tôi bị anh em Tư Lân chận lại với lý do giờ xuất phát đã thay đổi vì bị lộ. Tôi phải đi chung tàu với ba mẹ và anh em hắn, chớ không đi chung với anh Trị và hai đứa nhỏ nữa.

Bà Thanh mím môi căm hận:

- Mặc cho tôi phản đối, Tư Lân uy hiếp buộc tôi xuống tàu trước, rồi nhốt dưới hầm. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, mãi tới khi hắn cho lên khoang tàu, tôi mới hiểu anh em Tư Lân đã trấn lột cướp hết vàng bạc của những người đi cùng rồi thảy họ xuống biển. Tư Lân đem tôi lên để chứng kiến cảnh hắn thảy người sau cùng là ba mẹ tôi. Hắn muốn rửa cái nhục trước đây tôi đã từ hôn để theo anh Trị. Lúc đó tôi ngất đi, khi tỉnh dậy thì thấy những người còn lại trên tàu toàn là dòng họ, bà con của Tư Lân. Ai cũng tỏ vẻ sợ hắn, kẻ giết người không gớm tay, kẻ không còn chút nhân tính nào hết. Tư Lân cho biết, những người đi trên tàu có anh Trị cũng sẽ bị giết sạch, sau khi đồng bọn hắn cướp hết tài sản.

Giọng bà Thanh nghẹn lại:

- Khi ấy tôi muốn nhảy xuống biển cho xong, nhưng nhớ tới đứa nhỏ còn trong bụng, tôi không đành lòng. Tàu đi được một ngày thì gặp bão, bão đánh tan tành mọi thứ, tôi vớ được miếng ván, rồi cứ bám vào nó mà trôi đến khi được một tàu nước ngoài cứu. Họ đưa tôi vào một trại tị nạn ở Thái. Đời sống ở đấy thật khủng khiếp. Tôi ốm liệt giường liệt chiếu và không bao giờ nghĩ mình sẽ ngồi dậy nổi. May nhờ anh Thanh, cậu ruột của Duy bảo bọc, tôi đã theo anh qua nước thứ ba. Tôi cần một người cha cho con mình. Nhưng con bé sanh ra chỉ sống được vài ngày.

Bà Mười nóng nảy:

- Còn thằng Tư Lân thì sao ?

Nhè nhẹ lắc đầu, bà Thanh nói:

- Không biết ! Chắc nó chết rồi !

Hưng nhìn mẹ mình, trong chốc lát anh có cảm giác bà già đi hàng chục tuổi. Hưng xót xa nhận ra đàng sau những nét đẹp nhờ son phấn của mẹ, là gương mặt của người từng chịu đựng nhiều đau khổ, tủi nhục.

Bất chợt hồi ức mỏng manh về mẹ sống lại trong tâm hồn Hưng. Anh mơ hồ thấy mình chạy tung tăng với mẹ trên những triền cát trắng, thuở ấy anh sáu bảy tuổi, mười mấy năm qua rồi, trí nhớ của Hưng chỉ còn ghi lại được ngần ấy kỷ niệm về mẹ. Anh đúng là đứa con vô tâm.

Hưng nắm lấy đôi tay lạnh ngắt của bà, giọng xúc động:

- Rồi ba sẽ hiểu mẹ. Tất cả là lầm lẫn. Mười mấy năm qua ba đau khổ vì những lầm lẫn đó, bây giờ ba phải tin mẹ, phải tin vào sự thật để tụi con có cha có mẹ như mọi người.

Bà Thanh buồn rầu:

- Mẹ đã có người đàn ông khác. Dầu ông ta đã chết, nhưng ba con sẽ không tha thứ.

- Ba cũng có người đàn bà khác, chính bà ta làm tiêu tan sự nghiệp của ba thì sao?

Bà Thanh gượng cười. Chồng bà là người cố chấp, bảo thủ. Bà biết dù bất cứ lý do gì ông cũng không bao giờ tha thứ cho những điều đã xảy ra trong quá khứ của bà. Hưng còn trẻ, chưa từng bước qua những ải đoạn trường, chưa từng đối mặt với sống và chết, chưa từng nuôi mối hận hàng mười mấy năm, nên Hưng chủ quan khi nghĩ rằng bà sẽ trở về sống êm đềm bên chồng bên con, như trong phần kết của một vở cải lương hay một cuốn tiểu thuyết nào đó.

Chương kết

Vừa đẩy cổng bước vào sân, Lam Uyên đã thót tim khi thấy Duy đang ngồi hút thuốc trên thềm. Để ngăn xúc động, cô nhếch môi mai mỉa:

- Anh đã nói sẽ không làm phiền em nữa mà ?

Duy dửng dưng:

- Thì tôi có làm phiền em đâu, chẳng qua vì mợ Thanh, à quên mẹ em, nhờ đưa tới, nên tôi phải chạm mặt người mình đang ghét nhất trên đời đó chứ.

Lam Uyên tức muốn khóc, cô ngoe nguẩy đi một nước. Ngang bậc thềm chỗ Duy ngồi, cô cố tình phớt lờ và bước nhanh hơn. Nhưng hình như Duy chờ cơ hội này, nên khi Uyên vừa tới ngay chỗ mình, anh đã nhoài người lên ôm ngang hông Uyên kéo mạnh xuống.

Uyên té ngồi vào lòng anh, Duy cũng bị bật ngửa ra sau nhưng anh vẫn nhanh nhẹn ghị eo Uyên lại, khi cô giận dỗi cố đứng dậy.

- Em không đùa đâu.

- Anh cũng không đùa. Chẳng qua anh muốn ôm em lần chót thôi ! Anh sắp lấy vợ rồi, nên không có dịp làm phiền em nữa đâu. Ngồi với anh một chút đi Lam Uyên.

Lời của Duy khác nào luồng điện cao thế làm Lam Uyên nhũn cả người. Cô ngớ ngẩn hỏi lại :

- Anh sắp cưới vợ hả ? Mà ai vậy ?

- Một người quen cũ rất dễ yêu.

Cách trả lời lấp lửng của Duy làm Lam Uyên điên lên, cô bấu lấy vai anh :

- Tố Nga phải không ? Em biết mà. Cô ta đâu thể buông tha anh. Và anh cũng vậy, anh vẫn còn yêu người ta, yêu nhiều lắm nên … nên … mới dễ dàng bỏ rơi em. Anh tệ đến thế là cùng.

Cô nghe Duy cười khẽ :

- Anh nghĩ em sẽ thích khi hay tin Tố Nga sắp làm cô dâu chớ ! Trước đây em chê chú rể mà ! Chẳng lẽ bây giờ đi tiếc những gì mình đã chê sao ?

Hàm Lam Uyên nghẹn cứng lại, cô không giữ được vẻ ngạo mạn như lúc vừa gặp Duy. Mặt tái đi vì đau đớn, Uyên cố chuồi người ra khỏi lòng anh.

Duy cũng không giữ cô lại, Uyên loạng choạng đứng dậy rồi run rẩy té ngồi xuống. Cô gục đầu vào lòng khóc nức nở, khóc to như trẻ con, khóc không hề xấu hổ.

Móc trong túi áo ra chiếc khăn tay trắng phau, Duy đưa cho Uyên và nói :

- Khăn này của Tố Nga, trước đây Nga đưa anh xài một chục cái, dơ thì cô ta lấy về giặt ủi, tẩm dầu thơm, và đem lại để trong phòng anh, ngay đầu nằm. Từ khi anh yêu mê yêu mệt người con gái khác, Nga đã thôi làm việc này.

- Nhưng bây giờ chị ấy lại tiếp tục. Có lẽ anh sẽ hạnh phúc với Tố Nga vì chỉ kiên nhẫn, khéo chiều, biết lo lắng, biết chăm sóc anh từng chút chớ không ngang ngược, ích kỷ và cố chấp như em.

Hít hít mũi và chùi vội giọt nước mắt vừa trào ra, Lam Uyên nghẹn ngào :

- Dù rất yêu anh và biết mình không xứng, em vẫn không đời nào tha thứ cho anh. Em sẽ hận anh suốt đời, thù anh suốt kiếp. Anh đi về đi.

Duy ngần ngừ một chút rồi đứng dậy:

- Còn mẹ em thì sao ?

- Em sẽ lo. Anh khỏi phải bận tâm.

Duy thở dài :

- Xin lỗi đã làm em rơi nước mắt, nhưng Lam Uyên, anh mong những giọt lệ này sẽ làm em trưởng thành để hiểu anh nhiều hơn nữa.

Nhìn theo dáng Duy lầm lũi dắt chiếc Win ra, Lam Uyên cố nén lòng không gọi tên anh. Dầu cô muốn nghe Duy nói những lời vừa rồi là đùa chơi, là anh thử lòng cô. Nhưng trái tim lỳ của Uyên đã không cho phép cô gọi anh lại.

Cô đã khóc ngon lành và Duy dửng dưng không ngó tới, chứng tỏ anh không đùa chút nào.

Suy đi nghĩ lại Duy đã chọn đúng, anh cần một người vợ biết lo, biết chiều chuộng chớ đâu cần con nhỏ hay hờn dỗi, sớm nắng chiều mưa như cô.

Uyên thất thểu vào nhà. Ngang phòng ba cô nghe tiếng mẹ thầm thì như tiếng cầu kinh. Bà đang cố gắng hết sức để nối lại tình xưa. Có lẽ bà sẽ thành công vì ba cô đang cô đơn và suy cho cùng mẹ nào có lỗi gì đâu ?

Chỉ có Lam Uyên ngu ngốc đã làm vỡ tan mong ước đầu đời tuyệt đẹp chỉ vì cô xem mình quá lớn. Cô không rút được chút kinh nghiệm nào từ những lần giận rồi hòa, hòa rồi giận giữa hai người. Uyên đã làm Duy chán nản đến mức mất dần tính kiên nhẫn chiều chuộng mà anh chỉ dành riêng cho cô thôi. Duy rất yêu Uyên mà ! Cô đâu thể nào để Tố Nga cướp mất Duy. Bằng bất cứ giá nào Lam Uyên cũng phải có Duy, cô không thể thiếu anh được đâu !

Trái tim cô như bị ai siết. Cô sụt sùi một mình trong bóng tối âm âm của nhà bếp. Dì Mười đâu rồi. Anh Hưng cũng vậy. Không ai bên cạnh Uyên lúc này ngoài ba và mẹ, hai người cũng đang bị tình yêu, lòng ghen tuông, tính cao ngạo dằn vặt như cô, nhắm họ sẽ giúp được gì cho cô chớ ?

Càng lúc cô càng hoảng loạn với ý nghĩ Duy sẽ là chồng người khác. Uyên tự trách mình làm cao một cách lố bịch. Lẽ ra phải giữ Duy lại để nghe anh nói rõ đầu đuôi, cô lại đùng đùng đuổi anh về, để bây giờ cô muốn điên lên vì tưởng tượng mãi mãi sẽ không được bên anh.

Trước đây đã có mấy lần cô tránh mặt, thậm chí xua đuổi Duy, nhưng lòng cô đâu đau đớn đến mức thở không nổi như vầy. Chắc tại những lúc ấy, Uyên chủ quan tin rằng rồi anh sẽ tới, sẽ năn nỉ, và cô sẽ lại nép mặt vào ngực anh vòi vĩnh bao nhiêu điều chớ gì !

Bây giờ Uyên cũng đang thèm nép chặt vào ngực anh và cầu xin điều duy nhất. Nhưng liệu anh có bằng lòng không ?

Như kẻ mộng du, Lam Uyên bước trở ra sân, cô dắt xe đạp tới cổng và gặp bà Mười bước vào, bà ngạc nhiên :

- Ủa ! Giờ này còn đi đâu nữa Uyên ?

- Con đi tìm anh Duy.

- Lúc nãy nó ở đây mà ?

Giọng Uyên nghẹn lại :

- Ảnh về rồi ! Con phải tìm ảnh mới được.

Mặc cho bà Mười gọi với theo, Uyên hối hả đạp xe đi với hy vọng tràn đầy. Cô tin rằng Duy vừa … hù để cô bỏ tật tự cao, chớ thật ra làm gì có chuyện anh cưới Tố Nga. Duy không thể nào cưới Tố Nga khi bên cạnh cô ta là Quang. Chính Quang từng hồ hởi khoe với Uyên hai người sắp cưới nhau kia mà. Sao bây giờ lại như vậy ? Nhất định là Duy đã nói dối, anh muốn chọc cho cô khóc đây mà. Cô … ghen quá nên mất khôn rồi.

Nhưng lỡ Quang không cầm được chân Tố Nga thì sao ?

Suốt đoạn đường đến nhà Duy, tâm trí Lam Uyên cứ bị …. tra tấn bởi vòng lẩn quẩn không, có, được, mất ấy.

Đến trước ngôi biệt thự sang trọng mà chỉ đi qua chớ chưa bao giờ vào, cô dừng xe trước cổng. Nhìn chiếc Win của Duy dựng trước sân, Lam Uyên thở phào.

- May quá, anh về rồi.

Chưa kịp leo xuống xe, Uyên chợt thấy có hai người trong nhà đi ra. Qua những chấn song sắt hàng rào, cô trợn trừng đến muốn tét mí mắt khi nhận ra Tố Nga và Duy.

Hai người song song bước xuống thềm, khi tới gần cổng Duy kéo Nga đứng lại và cuối cùng hôn cô.

Tay chân Lam Uyên tê cứng, đầu óc rối lên, mọi vật chung quanh mờ đi, nhưng hình ảnh Duy và Nga thì rõ vô cùng. Cô muốn hét to lên, tung cho vỡ cánh cổng, nhưng lực bất tòng tâm, Lam Uyên chỉ ngồi chống một chân trên xe đạp nhìn người ta hôn nhau.

Mãi đến khi Duy dìu Tố Nga ra tới cổng và mở rộng cửa, Lam Uyên mới nấc lên một tiếng và lắp bắp :

- Xin chúc mừng hai người.

Choáng váng như say rượu, Uyên cố ghìm ghi đông, nhấn mạnh pêdal. Chiếc xe từ lề vọt thẳng ra giữa lộ trong tiếng la thất thanh của nhiều người.

Lam Uyên chỉ kịp thấy ánh đèn xe hơi lóe lên lóa mắt, rồi chung quanh cô hoàn toàn là bóng tối. Cô rơi hun hút xuống vực sâu bóng tối ấy, nhưng không có Duy kế bên để giữ cô lại.

o0o

Chẳng biết Duy đã hút bao nhiêu gói thuốc nữa. Kể từ lúc đưa Lam Uyên vô bệnh viện đến giờ, trên tay anh không lúc nào vắng điếu thuốc. Duy hút đến khô môi, khàn tiếng mà vẫn thấy chưa đủ … đô để bình tâm trước tai nạn vừa xảy ra.

- Mày đúng là một thằng tồi ! Rất tồi !

Duy nguyền rủa mình không ngớt khi ngồi như chết ngoài phòng cấp cứu với gia đình Lam Uyên.

Chẳng ai nói gì anh cả, dù mọi người biết Duy là nguyên nhân dẫn đến tai nạn của Lam Uyên. Điều đó càng làm anh khổ tâm hơn khi nhìn thấy những giọt lệ âm thầm trên mặt bà Thanh, ánh mắt đăm đăm lo lắng của ông Trí, và sự căng thẳng của Hưng khi anh đi tới đi lui ngoài hành lang bệnh viện.

Suốt đêm qua Lam Uyên mê man, tới sáng nàng vẫn chưa tỉnh, Duy đã thức trắng đêm ngồi kế bên cô. Mặc bà Thanh bảo về, anh vẫn khăng khăng ở lại. Duy biết khi tỉnh dậy không thấy anh, Lam Uyên sẽ hận anh suốt đời và chẳng bao giờ tha thứ cho những gì anh đã làm.

Em là con bé nông nổi bốc đồng, ngang ngược, anh đã khổ vì tính nết thất thường của em, nhưng anh sẽ sống ra sao nếu mất em hả Lam Uyên ?

Duy búng điếu thuốc ra ngoài sân cỏ, anh chịu không nổi khi nghĩ Uyên của anh sẽ ngủ mãi như vậy.

Trở vào phòng bệnh, anh nói với bà Thanh :

- Mợ về nhà nghỉ ngơi một chút đi. Cháu ở lại với Uyên.

Bà Thanh gật đầu, ra tới cửa, bà nói nhỏ :

- Con bé tỉnh rồi nhưng biết cháu vào, nó lại vờ như ngủ.

Duy hấp tấp tới bên giường, anh ngồi xuống chống tay lên nệm mê mải nhìn gương mặt xanh xao mang những nét trầy của Uyên. Đúng là cô đã tỉnh, đôi môi con gái hơi mím một chút cho Duy biết cô đang dằn lòng không thèm … đếm xỉa gì tới anh.

Duy cúi sát hơn, giọng bồi hồi :

- Lam Uyên ! Anh yêu em, mãi mãi yêu mình em …. Anh nói thật mà !

Môi Uyên mím chặt hơn, nước mắt ứa ra, cô bắt đầu khóc. Duy nắm bàn tay nhỏ nhắn của Uyên lên áp vào mặt mình :

- Tối hôm đó anh đưa mợ Thanh tới để thưa với bác Trí rằng chủ nhật này mẹ anh sẽ sang thăm gia đình. Lúc hai người nói chuyện với nhau, anh ra ngoài sốt ruột chờ em. Ai ngờ vừa gặp mặt, em đã mỉa mai, anh định trêu em vài câu cho bỏ tật …. đanh đá, chanh chua, chẳng dè em nổi máu Hoạn Thư … lên lớp anh tới tấp rồi đằng đằng sát khí đuổi về, không thèm cho anh phân giải dù một câu. Thật ra Tố Nga sắp làm cô dâu, nhưng chú rể là Quang chớ đâu phải anh.

Giật tay mình ra khỏi tay Duy, Lam Uyên ấm ức :

- Vậy sao dám hôn người ta trước mặt em ?

Duy nhăn nhó phân trần :

- Anh không cố tình chọc giận, vì anh đâu có thấy em đứng ngoài cổng.

- Nghĩa là anh muốn hôn, thích hôn người ta thật ?

Duy làm thinh, Lam Uyên dùng hết sức mình đẩy anh ra, cô thở hổn hển vì mệt :

- Anh đâu có nghĩ gì tới em.

- Anh có nghĩ tới em. Chính vì vậy nên anh mới tội nghiệp khi Tố Nga đem thiệp mời đám cưới đến. Cô ấy và Quang mời cả hai đứa mình mà ! Lam Uyên, em phải hiểu lúc đó anh thấy có lỗi với Tố Nga, hành động ấy bộc phát vì anh là một người đa cảm chứ không phải vì tình yêu. Tình yêu của anh là em. Mặc dù bác sĩ nói em mê man vì bị sốc về tâm lý chớ không vì té xe, anh vẫn muốn điên lên được khi nghĩ quẩn. Hồi sáng mẹ anh có vào thăm em.

Mặt Lam Uyên bỗng ửng đỏ lên, giọng cô yếu đuối :

- Mẹ …. có nói gì không ?

Biết là Uyên đã hết giận rồi, Duy liền nói :

- Mẹ mắng anh quá trời, may nhờ thằng Hưng và mợ Thanh …

Lam Uyên ngắt lời Duy :

- Nhưng tại sao mẹ lại mắng ? Không lẽ mẹ cũng thấy anh với Tố Nga ….

- Đâu có ! Em đừng nhắc chuyện này nữa mà Lam Uyên.

- Nếu lỡ xảy ra một lần y như vậy nữa thì sao ?

Duy cười … cầu tài :

- Anh xin thề, không bao giờ có chuyện đó.

Lam Uyên giấu mặt vào gối :

- Em sợ miệng lưỡi của anh quá rồi ! Biết yêu anh khổ như vầy, em đã không yêu.

- Trách móc, cằn nhằn, thậm chí ngắt véo gì cũng được, miễn đừng hết … yêu anh là tốt rồi.

Âu yếm nhìn cô, anh hỏi nhỏ :

- Uống sữa … Milo nhé ?

Lam Uyên chớp mắt, cô thấy Duy mỉm cười và cúi sát mặt mình. Uyên vòng tay ôm cổ anh. Tình yêu và hạnh phúc đơn giản như thế này, sao lâu nay cô cứ tự làm khổ mình và làm khổ Duy chớ ?

Cô thì thầm bên tai anh :

- Em xin lỗi đã có nhiều lúc làm anh buồn, anh giận.

- Có buồn, có giận mới thành tình yêu và sau đó thành chồng vợ. Đã đến lúc phải là người lớn để chuẩn bị làm vợ rồi đó bé con …

Lam Uyên bâng khuâng khi nghe Duy nói đến chuyện làm vợ. Cô để mặc anh hôn lên mắt, lên môi mình. Mãi khi nghe tiếng Hưng tằng hắng Uyên mới hoảng hồn đẩy Duy ra.

Hưng lừ mắt nhìn em rồi chống nạnh :

- Con ranh mày vờ xỉu hay ghê.

- Em không có … vờ.

- Không giả vờ mà bây giờ tỉnh như sáo.

Lam Uyên phụng phịu :

- Em chết luôn anh mới tin là thật chớ gì ? Trong mắt anh bây giờ chỉ có Vi Lan thôi ! Tệ thật !

Hưng hóm hỉnh gật đầu :

- Đúng là trong mắt anh chỉ có Vi Lan. Nhưng dầu vậy, anh vẫn nhìn rõ mọi vật chung quanh để không phải lủi vào xe du lịch, làm mọi người lo quýnh quáng cả đêm. May mà không gãy răng, văng lỗ mũi đấy cưng !

Duy chợt xen vào :

- Việc … đó thế nào rồi Hưng ?

Ngồi xuống chiếc ghế sát giường, Hưng trầm giọng :

- Phòng điều tra đã hoàn tất hồ sơ. Dì Mai và Ngô Vĩnh Kỳ cố ý hoạt động phi pháp, Vĩnh Kỳ cao chạy xa bay rồi thì dì Mai sẽ lãnh hậu quả việc làm của mình trước luật pháp. Riêng ba thì … ai cha !

Lam Uyên nóng nảy :

- Ba thì sao ?

- Ba là người chịu trách nhiệm về các hoạt động của trung tâm Hoa Lan, ba không thể trốn tránh trách nhiệm được. Mặc dù những nhân viên ở đấy, nhất là bà Kim Aanh đã khai rất trung thực, nhưng trong danh sách sẽ bị truy tố vẫn có ba.

Duy hỏi :

- Bác Trí đã biết chuyện này chưa ?

Hưng gật đầu :

- Trước khi đến đây, tao có ghé nhà. Đó là bài học xương máu đau đớn nhất đời ba. May mà lúc này có mẹ kế bên an ủi.

Lam Uyên rầu rĩ :

- Chắc gì ba cần sự an ủi của mẹ ?

- Có đấy, em đừng tưởng ba có máu lạnh. Nếu lập bản so sánh, mẹ hơn bà Kiều Mai về mọi mặt. Vả lại ba đâu đã hết yêu mẹ. Ông hận bà vì sự lầm lẫn oan nghiệt kéo dài mười mấy năm đó thôi. Tối hôm qua, khi em nằm mê man, anh có cảm giác ba mẹ như là một, hai người không thiếu nhau được nữa đâu.

Duy nhìn Hưng :

- Mợ … à không, bác gái đã nhờ tao đăng ký vé máy bay hôm qua, bác sẽ về bển tuần sau.

Lam Uyên hốt hoảng :

- Sao em không nghe mẹ nói. Em không cho mẹ đi đâu. Tại sao lại như vậy ?

- Mẹ về để lo giấy tờ thủ tục gì đó rồi sẽ trở qua. Ý mẹ không muốn em làm ở cơ sở in lụa nữa, mà về phụ cửa hàng sắp mở của mẹ cùng với anh.

Uyên ngập ngừng :

- Có cần hỏi ý ba không ?

Hưng cười cười :

- Không cần đâu ! Quyền huynh thế phụ mà ! Anh từng đi xin việc cho em chớ bộ. Lúc ấy có hỏi ý kiến ba đâu nào ?

- Em sợ ba tự ái.

Trợn mắt, Hưng kêu lên :

- Sao lại tự ái ! Phải thực tế thôi ! Và thực tế cho thấy anh chưa quyết định sai điều gì cả. Không lẽ ba muốn con cái mãi mãi thua kém người ta, trong khi mẹ thừa điều kiện giúp tụi mình vươn lên. Anh không thực dụng cũng không lý tưởng suông. Anh muốn có nơi để thi thố khả năng của mình. Và anh tin ba sẽ hiểu, sẽ đồng ý việc làm của chúng ta, trong đó có cả mẹ.

Liếc đồng hồ, Hưng đứng dậy :

- Mày ở lại với Uyên nghe Duy, tao phải đi rước Vi Lan vào. Cô ấy đang ở nhà nấu cháo cho Uyên đó.

Lam Uyên thẫn thờ nằm xuống giường, Duy lo lắng :

- Em mệt lắm hả ?

Cô gật đầu :

- Mệt vì chuyện Trung Tâm Hoa Lan.

Duy trầm ngâm :

- Ba không có ý định cũng như không tham gia vào những việc của dì Mai với Vĩnh Kỳ. Ba không sao đâu ! Em phải tin vào sự công minh của luật pháp chứ ?

- Nhưng Duy nè ! Cuộc đời của ba mẹ em sao khổ nhiều hơn vui. Chỉ vì muốn đi tìm một ảo tưởng mà hai người đã mất cả thời xuân xanh. Đến lúc bạc đầu mới hay chính nơi ngày xưa mình bỏ đi, lại là nơi bình yên hạnh phúc.

Duy xa xôi :

- Ai cũng có những tính toán sai, những lầm lỡ trong cuộc đời. Nhưng quan trọng phải biết thấy cái sai của mình, và biết tha thứ cho người khác. Mẹ em từng nói với anh “cuộc đời người ta ngắn lắm”. Anh tin là bà đang nổ lực để làm sao sống thật hạnh phúc trong khoảng đời còn lại.

Lam Uyên dịu dàng nắm tay Duy :

- Với tình yêu và bản lĩnh của anh, em nghĩ chúng ta sẽ sống bên nhau trọn đời.

Duy mỉm cười nhìn sâu vào mắt Lam Uyên, đôi mắt đang sáng ngời tin yêu và hạnh phúc.

HẾT

Nguồn: http://vietmessenger.com/