1/4/13

Người thầy dạy đánh kiếm (C16-18)

Chương 16

Nghĩ rằng những điều mình nói cũng chẳng làm Louise yên tâm vả lại vẫn hy vọng có trường hợp bất ngờ nào đấy làm hỏng cuộc âm mưu, tôi về nhà cố nghỉ ngơi một ít. Nhưng vì quá lo lắng nên mờ sáng tôi đã dậy, mặc quần áo ngay và chạy ra quảng trường Nghị viện. Tất cả đều yên tĩnh.

Tuy vậy những người mưu phản đã không để mất thì giờ trong đêm. Với những quyết định đã thống nhất, mỗi người làm theo vị trí của mình do Ryleyeff, chỉ huy quân sự bố trí, cũng như Hoàng thân Troubetskoï là thủ lãnh chính trị. Trung uý Arbouzoff phải lôi kéo những lính thuỷ bảo vệ, hai anh em Rodisco và thiếu uý Goudimoff, trung đoàn bảo vệ Izmailovski, Hoàng thân Stchepine Rostovski, phó đại uý Michel Bestoujev, em ông Alexandre và hai sĩ quan khác trong trung đoàn là Brock và Volkoff chịu trách nhiệm trung đoàn Moscou. Cuối cùng trung uý Sutoff được giao cho trung đoàn thứ nhất là lính ném lựu đạn. Còn Bá tước, ông từ chối tất cả mọi vai trò ngoài việc tham gia bình thường, sẽ làm như mọi người khác, biết ông là người giữ lời hứa, vả lại ông không đòi hỏi một vị trí nào trong chính phủ tương lai nên người ta không ép buộc.

Tôi ở lại đến mười một giờ, không phải trên quảng trường rằng lạnh mà trong nhà một người bán đường và rượu, ở đầu Đại lộ, gần nhà của nhân viên ngân hàng Cerclet. Đây là một vị trí rất tốt để thu thập tin tức, trước hết vì nhìn ra quảng trường Amirauté, sau đó là vì gần cửa hàng mà người ở các khu phố xa cũng đến liên tục. Cho đến lúc này mọi quan hệ liên lạc hoàn hảo. Vị tướng đội bảo vệ và ban tham mưu vừa đến hoàng cung thông báo nhiều trung đoàn đã tuyên thệ Chưa có tin tức một số trung đoàn khác nhưng chắc là vì ở xa thủ đô.

Tôi chuẩn bị về nhà, hy vọng ngày này qua đi như thế, những người mưu phản nhận ra kế hoạch của họ gặp nguy hiểm sẽ không làm gì. Bỗng thấy một viên tuỳ tùng phóng ngựa nước đại vút qua và ai cũng hiểu có điều gì đó bất ngờ xảy ra. Mọi người chạy ngay tới quảng trường vì có không khí lo lắng mơ hồ trước những sự kiện lớn. Thật vậy cuộc nổi dậy vừa bắt đầu nổ ra, dữ dội đến nỗi không thể biết đến đâu sẽ ngừng lại.

Hoàng thân Stchepine Rostovksi và hai anh em Bestoujev đã giữ lời. Từ chín giờ sáng họ đến các trại lính trung đoàn Moscou và nói chuyện với những đại đội tận tuỵ nhất với Đại quận công Constantin, Hoàng thân Stchepine khẳng định với quân lính người ta đã lừa dối họ khi buộc họ phải tuyên thệ. Ông nói thêm không những không từ bỏ vương miện, Đại quận công còn bị bắt giữ vì không nhường ngôi cho em. Alexandre Bestoujev tiếp lời, thông báo ông từ Varsovie tới, được chính Hoàng tử cử đến để chống lại lễ tuyên thệ. Thấy những tin tức ấy tác động mạnh đến đoàn quân, Hoàng thân Stchepine ra lệnh cho binh lính nạp đạn vào súng. Lúc ấy viên tuỳ tùng Verighine, đi sau là Thiếu tướng Fredricks, chỉ huy đội ném lựu đạn, tay cầm cờ đến mời các sĩ quan tập trung ở chỗ Đại tá trung đoàn, Stchepine nghĩ đã đến lúc hành động, ra lệnh cho binh lính dùng báng súng đẩy lùi lính ném lựu đạn và tước cờ, đồng thời ông lao vào thiếu tướng Fredricks, Bestoujev đang giơ súng ngắn doạ, chém ông này một nhát kiếm vào đầu ngã lăn ra và quay lại Thiếu tướng Chenchine chỉ huy phân đội đang chạy lại cứu, đâm một nhát làm ông này đổ nhào xuống. Ào tới giữa những người lính ném lựu đạn, ông ta liên tiếp làm bị thương Đại tá Khvoschinski, Hạ sĩ Mouseieff và lính ném lựu đạn Krasovksi, cuối cùng chiếm được lá cờ giơ lên cao và hô to "Hourra!" Nghe tiếng hô, thấy máu chảy hơn một nửa trung đoàn trả lời với những tiếng "Constantin muôn năm! Đả đảo Nicolas!" Lợi dụng lòng nhiệt tình ấy Stchepine đã lôi kéo gần bốn trăm người theo mình, trống đánh rầm rộ cùng đến quảng trường Amirauté.

Ở cổng cung điện Mùa Đông, viên tuỳ tùng đến đưa tin đụng phải một sĩ quan khác từ trại lính ném lựu đạn tới. Những tin tức người này đưa lại không kém đáng lo ngại hơn tin tức của người tuỳ tùng. Trong lúc trung đoàn đi ra làm lễ tuyên thệ, Thiếu tướng Kojenikoff lao đến toán đi đầu tiên kêu lên "Không phải tuyên thệ vì Đại quận công Nicolas mà với Hoàng đế Constantin" Nghe người ta nói Hoàng tử đã nhường ngôi, ông ta quát "Không đúng! Rất sai. Hoàng tử đang tiến về Saint-Peterbourg để trừng phạt những ai quên phận sự và khen thưởng những người trung thành".

Tuy vậy mặc dù ông kêu gào, trung đoàn vẫn tiếp tục đi, tuyên thệ và trở về trại, không một dấu hiệu phản ứng. Giữa bữa ăn trung uý Suthoff đã tuyên thệ như những người khác vào, nói với đại đội của mình:

- Các bạn, chúng ta vâng lệnh là sai lầm, những trung đoàn khác đã nổi dậy, từ chối tuyên thệ và vào giờ này đang ở quảng trường Nghị viện. Mặc quần áo vào, trang bị vũ khí và theo tôi tiến lên. Tôi đã có lương của các bạn trong túi, sẽ phân phát cho các bạn không cần chờ lệnh.

- Nhưng ông nói đúng không đây? – Nhiều tiếng hỏi.

- Đây, các bạn anh, trung uý Panoff, các anh cứ hỏi đi.

- Thưa các bạn – Panoff nói không chờ phải hỏi – các bạn biết rằng Constantin là Hoàng đế duy nhất và hợp pháp của các bạn đã bị người ta truất phế. Constantin muôn năm!

- Constantin muôn năm! – Binh lính hô lên.

- Nicolas muôn năm! – Đại tá Sturler chỉ huy trung đoàn lao vào phòng hô to – người ta làm các bạn sai lạc rồi, Hoàng tử đã khước từ, các bạn chỉ có Hoàng đế là Đại quận công Nicolas, Nicolas Đệ nhất muôn năm!

- Constantin muôn năm! – binh lính đáp lại.

- Các bạn nhầm rồi, anh em binh lính, người ta làm các bạn nhầm đường rồi! – Sturler lại hét lên.

- Đừng rời tôi, hãy đi với tôi! – Panoff hô lớn – Chúng ta tập hợp nhau lại, những người bảo vệ Constantin. Constantin muôn năm!

- Constantin muôn năm! – hơn ba phần tư binh lính hô lên.

- Đến quảng trường Amirauté! Đến Amirauté! – Panoff rút kiếm ra nói – Binh lính đi theo tôi!

Và ông ta lao đi, gần hai trăm người theo sát sau vừa đi vừa hô "Hourah!" như trung đoàn Moscou nhưng theo một con đường khác đến quảng trường Amirauté.

Trong khi hai nguồn tin tức ấy được đưa lên Hoàng đế, chỉ huy quân sự của Saint-Peterbourg, Bá tước Miladorovitch chạy đến hoàng cung. Ông đã biết việc nổi dậy của trung đoàn Moscou và những đội lính ném lựu đạn, đã ra lệnh cho những toán quân đáng tin cậy nhất đến cung điện Mùa Đông, đấy là tiểu đoàn 1 trung đoàn Préobrajenski, ba trung đoàn bảo vệ Pavlovski và tiểu đoàn công binh bảo vệ.

Hoàng đế thấy tình hình nghiêm trọng hơn mình nghĩ lúc đầu. Người ra lệnh cho Thiếu tướng Neidhart đưa mệnh lệnh tới cho các trung đoàn bảo vệ Semenovski đi dẹp ngay những kẻ nổi loạn, cho đoàn kỵ sĩ bảo vệ sẵn sàng chờ lệnh. Tiếp đó Người xuống ngay đoàn bảo vệ chính của cung điện Mùa Đông mà trung đoàn bảo vệ Phần Lan đang trực, ra lệnh nạp đạn và chiếm giữ những con đường lớn của cung điện. Lúc ấy có tiếng ồn ào náo động, đại đội 3 và 6 của trung đoàn Moscou, do Hoàng thân Stchepine và hai anh em Bestoujev dẫn đầu, cờ giờ cao, trống ở hàng trước, đi đến nơi và hô lớn "Đả đảo Nicolas! Constantin muôn năm!" Đoàn quân tràn vào quảng trường Amirauté nhưng đến đây, hoặc nghĩ không đủ mạnh, hoặc lùi bước trước uy nghi hoàng gia, thay vì đi thẳng vào cung điện Mùa Đông, đến dựa lưng vào Nghị viện. Họ vừa đến đấy thì tóan lính ném lựu đạn tiếp nối. Khoảng năm mươi người đồng phục áo dài, một số cầm súng ngắn trong tay, sáp nhập vào đám lính nổi loạn.

Lúc này tôi thấy Hoàng đế xuất hiện dưới một vòm lâu đài. Người tiến gần song cửa sắt, nhìn qua những người làm phản, mặt tái hơn bình thường nhưng hoàn toàn bình tĩnh. Người ta cho rằng Người đã xưng tội, vĩnh biệt gia đình để sẵn sàng chết với tư cách Hoàng đế và người ngoan đạo.

Đang chăm chú nhìn Người, tôi nghe tiếng phi ngựa của một đội kỵ binh phía sau lưng, bên lâu đài đá hoa cương, đội kỵ binh bảo vệ do Bá tước Orloff, một trong những người dũng cảm và trung thành nhất với Hoàng đế, chỉ huy. Cánh cửa sắt mở ra, ông xuống ngựa và trung đoàn dàn hàng ngang trước cung điện. Hầu như đồng thời, nghe tiếng trống của những tiểu đoàn phóng lựu đạn của trung đoàn Préobrajenski đến nơi. Họ vào sân lâu đài, ở đấy Hoàng đế, Hoàng hậu, và Đại quận công trẻ Alexandre, phía sau họ xuất hiện đoàn kỵ binh cận vệ, giữa họ tôi thấy Bá tước Alexis Vaninkoff, họ tự bố trí thành hình cạnh góc với lính thiết giáp, cách nhau một quãng dành chỗ cho trọng pháo. Các trung đoàn nổi loạn để họ bố trí như vậy một cách có vẻ vô tư, chỉ phản đối bằng những tiếng hô "Constantin muôn năm! Đả đảo Nicolas!". Rõ ràng họ đang chờ lực lượng bổ sung.

Tuy vậy những người đưa tin của Đại quận công Michel nối tiếp nhau vào lâu đài. Trong lúc Hoàng đế tổ chức chống cự tại đây, Đại quận công chạy đến các trại lính và việc ông có mặt đã dẹp được cuộc làm phản. Một số cố gắng đưa lại những kết quả tốt đẹp, trong lúc phần trung đoàn Moscou còn lại sắp theo hai đại đội nổi loạn, Bá tước De Liéven, Đại uý đại đội 5 đã đến kịp ngăn chặn tiểu đoàn đi ra và cho đóng cửa lại. Ông rút kiếm đứng trước binh lính thề sẽ đâm xuyên kẻ đầu tiên đi một bước. Một thiếu uý trẻ, giơ súng ngắn đe doạ bắn vỡ sọ Liéven. Bá tước dùng chuôi kiếm đánh bật khẩu súng. Thiếu uý nhặt lên và lại chĩa vào Bá tước. Ông khoanh tay bước thẳng đến trước mặt chàng trai trong lúc trung đoàn câm lặng đứng im chứng kiến cuộc đấu tay đôi kỳ lạ này. Viên thiếu uý lùi mấy bước, Liéven đi theo giơ ngực như thách thức, cuối cùng chàng trai dừng lại nổ súng. Như có phép lạ, thuốc nổ cháy nhưng viên đạn không phóng ra. Trong lúc ấy có tiếng đập cửa. Một số người lên tiếng:

- Ai đấy?

- Điện hạ quận công Michel – bên ngoài trả lời.

Một thoáng kinh hoàng tiếp theo đó, Bá tước Liéven đi ra mở cửa, không ai cố ngăn ông lại.

Đại quận công đi ngựa vào, theo sau là một số sĩ quan cận vệ. Ông kêu lên:

- Trong lúc nguy hiểm mà không hành động gì cả là thế nào? Ta đang ở giữa kẻ phản bội hay binh lính trung thực đây?

- Người đang ở giữa trung đoàn trung thành nhất, - Bá tước Liéven trả lời – Điện hạ có bằng chứng đây.

Ông giơ cao thanh kiếm và hô to:

- Hoàng đế Nicolas muôn năm!

- Hoàng đế Nicolas muôn năm! –binh lính đồng thanh.

Chàng thiếu úy muốn nói nhưng Bá tước nắm cánh tay ngăn lại:

- Im lặng. Tôi sẽ không nói một tiếng về việc đã xảy ra, anh đừng làm tự hại mình.

- Liéven – Đại quận công nói – tôi giao cho ông chỉ huy trung đoàn.

- Tôi lấy đầu mình ra đảm bảo với Điện hạ - Bá tước trả lời.

Đại quận công tiếp tục đi kiểm tra, thấy khắp nơi nếu không hào hứng thì ít nhất cũng phục tùng. Tin tức như vậy là tốt lành. Thật vậy llực lượng bổ sung đến từ bốn phía, lính công binh dàn trận trước cung điện Ermitage, phần còn lại của trung đoàn Moscou do Bá tước Liéven chỉ huy từ Đại lộ Nevski đi tới. Thấy những đội quân này, những kẻ nổi loạn hét lên, nghĩ rằng quân cứu viện đã tới nhưng họ biết ngay mình bị lầm. Những đội quân mới tới dàn ra trước Toà án đối diện với cung điện, cùng lính thiết giáp, trọng pháo, kỵ binh cận vệ, họ bao vây những kẻ nổi loạn trong một vòng tròn sắt.

Một lúc sau nghe có tiếng hát của linh mục Giáo chủ, cả giới tu sĩ theo sau, từ nhà thờ Kazan đi ra, đi trước là dãy cờ Thánh, nhân danh Chúa đến ra lệnh cho quân nổi loạn giải tán, trở về với bổn phận của mình. Nhưng có lẽ là lần đầu tiên trong đường lối chính trị không tôn giáo, những người lính coi thường những hình ảnh họ đã quen tôn sùng, yêu cầu các linh mục đừng xen vào những việc trên mặt đất và chỉ nên lo vào những việc trên trời. Giáo chủ cố gắng nhưng nhận được lệnh của Hoàng đế bảo lui về. Nicolas muốn tự mình ra sức lần cuối để thu phục những kẻ nổi loạn.

Những người vây quanh Hoàng đế muốn căn ngăn nhưng Người bảo đây là vai trò của mình. Người phải đưa mạng sống ra đối mặt. Người ra lệnh mở hàng rào sắt, người ta vừa tuân lệnh thì Đại quận công tức tốc về tới, ghé tai Hoàng đế nói nhỏ rằng một bộ phận của trung đoàn Préobrajenski đang bao vây cùng tham gia với quân nổi loạn và Hoàng thân Troubetskoï mà Hoàng đế ngạc nhiên thấy vắng mặt, đã chỉ huy cuộc âm mưu. Việc ấy rất có thể vì hai mươi bốn năm trước đây chính trung đoàn này đã chiếm giữ những đại lộ của lâu đài Đỏ, còn Đại tá trung đoàn, Hoàng thân Talitzine giết chết Hoàng đế Paul.

Tình hình đáng ghê sợ nhưng Hoàng đế không thay đổi sắc mặt, rõ ràng Người đã có một quyết định rất lớn. Một lúc sau Người ngoảnh lại bảo một trong các vị tướng:

- Đưa Đại quận công trẻ lại đây cho ta.

Viên tướng trở lại cùng Hoàng tử. Hoàng đế nhấc đứa trẻ lên, tiến về phía những người lính ném lựu đạn nói:

- Quân lính, nếu ta bị giết thì đây là Hoàng đế của các anh, giải tán đi, ta uỷ thác con ta cho sự trung thành của các người.

Một tiếng "Hourrah!" kéo dài, tiếng kêu vui vẻ xuất phát tự đáy lòng vang lên. Những kẻ phạm tội là những người đầu tiên bỏ vũ khí xuống và mở rộng cánh tay. Đứa trẻ được chuyền vào giữa trung đoàn và được bảo vệ như lá cờ. Hoàng đế lên ngựa đi ra. Ở cổng ra vào, các tướng khẩn nài Người đừng đi xa hơn nữa, quân nổi loạn hét sẽ giết Hoàng đế và súng đã được nạp đạn. Hoàng đế giơ tay ra hiệu để Người được tự do, cấm không cho ai đi theo và phi thẳng ngựa đến chỗ quân nổi loạn:

- Quân lính! – Người kêu lớn – người ta bảo các anh muốn giết ta, nếu đúng thế thì ta đây!

Có một lúc im lặng, Hoàng đế đứng giữa hai toán quân, như một bức tượng cưỡi ngựa. Hai lần trong đám quân nổi loạn có tiếng hô "Bắn!" nhưng lệnh ấy không được thi hành, lần thứ ba, mấy tiếng súng nổ. Đạn rít lên chung quanh Hoàng đế nhưng không có viên nào trúng. Một trăm bước phía sau, Đại tá Velho và nhiều lính bị thương vì loạt đạn ấy.

Cùng lúc đó Milarodovitch và Đại quận công Michel lao tới bên cạnh Hoàng đế, trung đoàn thiết giáp và trung đoàn bảo vệ chuyển động một bước, các pháo thủ đưa ngòi gần vào lửa.

- Dừng lại! – Hoàng đế kêu lên – Mọi người phải tuân lệnh. Đại tướng – Người ngoảnh mặt về phía Bá tước Milarodovitch nói thêm – ông đến đấy và cố gắng quy phục họ.

Bá tước và Đại quận công lao tới nhưng những kẻ nổi loạn tiếp họ với một loạt đạn khác và hô lớn "Constantin muôn năm!"

- Quân lính! – Bá tước Milarodovitch kêu to và giơ lên trên đầu một thanh kiếm rất đẹp gắn nhiều đá quý và tiến đến sát hàng ngũ quân nổi loạn – đây là thanh kiếm Điện hạ Hoàng tử đích thân trao cho tôi, tôi đã lấy danh dự thề trên thanh kiếm này là người ta đã đánh lừa các anh, lợi dụng các anh. Hoàng tử đã khước từ vương miện, và vị vua độc nhất và hợp pháp là Hoàng đế Nicolas Đệ nhất.

Những tiếng hô "hourrah!" và "Constantin muôn năm!" đáp lại lời diễn giải ấy, rồi giữa tiếng kêu ấy nghe có một tiếng súng ngắn, và người ta thấy Bá tước lảo đảo, một súng ngắn khác giơ lên nhắm vào Đại quận công Michel nhưng lính thủy quân tuy trong hàng ngũ nổi loạn, đã chặn tay kẻ mưu sát lại.

Trong một giây Bá tước Orloff và lính thiết giáp của ông, mặc dù những kẻ nổi loạn liên tiếp nhả đạn, xiết chặt hàng ngũ bao bọc Bá tước Milarodovitch, Đại quận công Michel và Hoàng đế Nicolas, dùng sức mạnh đưa họ quay về cung điện. Milarodovitch khó khăn ngồi vững trên lưng ngựa, về đến nơi ngã ngay vào cánh tay những người vây chung quanh.

Hoàng đế muốn thử một lần cuối thu phục những kẻ nổi loạn nhưng trong lúc Người đang ra lệnh, Đại quận công Michel nhảy xuống ngựa, xen lẫn giữa pháo thủ, giật que mồi ở tay một người, châm mồi vào lửa:

- Bắn! –ông hét lên – Bắn vào kẻ giết người!

Bốn quả đạn pháo bay đi cùng lúc tiêu diệt những kẻ nổi loạn vì cái chết họ đã gây ra, rồi không nghe được tiếng lệnh của Hoàng đế nữa, loạt đạn thứ hai tiếp theo loạt trước.

Tác dụng của hai loạt đạn thật đáng sợ. Hơn sáu mươi người, lính ném lựu đạn và lính trung đoàn Moscou, thuỷ thủ phòng vệ, nằm lại tại chỗ. Số còn lại chạy tán loạn trên đường phố, bến cảng, cầu và qua sông Neva đóng băng. Kỵ binh cận vệ thúc ngựa đuổi theo quân nổi loạn, trừ một người để cho trung đoàn đi xa, xuống ngựa để cho con vật muốn đi đâu thì đi, tiến lại gần Bá tước Orloff. Đến trước ông này, người đó cởi thanh gươm của mình trao cho ông. Viên tướng ngạc nhiên hỏi:

- Bá tước làm gì vậy? Vì sao ông nộp kiếm cho tôi thay vì dùng nó đuổi theo quân nổi loạn?

- Vì tôi đã tham gia vào cuộc âm mưu, thưa ngài. Sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị tố cáo chi bằng tôi tự tố cáo mình thì hơn.

- Các anh hãy giữ lấy Bá tước Alexis Vaninkoff – viên tướng nói với hai người lính thiết giáp – dẫn ông ta về pháo đài.

Mệnh lệnh được thi hành ngay. Tôi thấy người ta dẫn Bá tước đi qua cầu Moïke và mất hút sau góc toà Đại sứ Pháp.

Tôi nghĩ đến Louise mà bây giờ chỉ có tôi là người bạn duy nhất, tôi bèn trở lại Đại lộ đến nhà cô bạn đồng hương với vẻ mặt xanh và buồn đến nỗi cô nghi ngờ tôi mang tin về tai hoạ nào đó. Vừa thấy tôi, cô tiến lại, đôi tay chắp vào nhau:

- Có việc gì vậy? Nhân danh Chúa! Có việc gì vậy? – Cô hỏi dồn.

- Có việc – tôi trả lời – cô chỉ còn hy vọng vào một phép lạ của Chúa hoặc lòng khoan dung của Hoàng đế.

Tôi kể lại những việc mình chứng kiến và đưa bức thư của Alexis cho cô. Như tôi đã nghi ngại, đấy là bức thư vĩnh biệt.

Ngay tối hôm ấy Bá tước Milarodovitch chết vì vết thương. Trước khi chết, ông buộc nhà phẫu thuật lấy viên đạn ra, ông cầm mẩu chì trong tay, thấy không có cỡ đạn, bèn nói:

- Tôi hài lòng. Không phải viên đạn của một người lính.

Năm phút sau ông tắt thở.

Hôm sau vào chín giờ sáng, nghĩa là lúc cuộc sống bắt đầu nhộn nhịp trong thành phố và khi mọi người chưa biết cuộc nổi loạn đã bị dẹp hoặc còn tiếp tục, Hoàng đế đi xuống không có tuỳ tùng, không bảo vệ, đưa tay cho Hoàng hậu rồi cùng bà lên một chiếc xe đợi sẵn trước cung điện Mùa Đông, chạy khắp các đường phố Saint-Peterbourg, đi qua tất cả các trại lính, giơ mình ra cho những phát súng của những kẻ giết người nếu còn. Khắp nơi Người chỉ nghe thấy tiếng reo vui khi họ thấy lông cắm trên mũ của Người từ đàng xa. Để trở về cung điện sau chuyến đi táo bạo rất thành công ấy, Người phải đi qua Đại lộ, thấy một người đàn bà cầm tờ giấy trong tay quỳ trên đường đi làm Người phải cho xe quay tránh khỏi phải cán trúng. Cách người đàn bà này ba bước, người đánh xe khéo léo cho xe dừng lại. Người đàn bà khóc lóc và không nhìn lên, chỉ đủ sức vẫy tờ giấy cầm trong tay. Có lẽ Hoàng đế sẽ tiếp tục đi nhưng Hoàng hậu nhìn Người với một nụ cười thánh thiện nên Người cầm lấy tờ giấy, chỉ có vài dòng viết vội và thấm ướt:

" Thưa Bệ hạ,

Xin Người hãy gia ân cho Bá tước Vaninkoff, nhân danh Bệ hạ…xin gia ân…xin gia ân!"

Hoàng đế không thấy chữ ký, quay sang người đàn bạ lạ mặt hỏi:

- Bà là em gái của ông ta à?

Người cầu xin buồn bã lắc đầu.

- Thế có phải vợ ông ta không?

Người cầu xin ra hiệu không phải.

- Nhưng cuối cùng bà là gì đối với ông ta? – Hoàng đế hỏi ra vẻ sốt ruột.

- Than ôi! Than ôi! – Louise lấy lại được giọng nói kêu lên – Thưa Bệ hạ, bảy tháng nữa tôi sẽ là mẹ của con ông ấy.

- Cô bé khốn khổ! – Hoàng đế nói và ra hiệu cho người đánh xe phóng đi, mang theo lá đơn nhưng không để lại cho người đàn bà cầu xin một tia hy vọng nào ngoài hai tiếng thương hại được buông ra từ đôi môi của Người.

Chương 17

Những ngày sau đó người ta làm biến mất đến dấu vết cuối cùng của cuộc nổi loạn ghê gớm mà những bức tường bị bắn còn giữ lại những vệt đẫm máu. Ngay chiều hoặc đêm hôm ấy, những kẻ mưu phản chính bị bắt giữ: Hoàng thân Troubtskoï, nhà báo Ryleyeff, Hoàng thân Oblinski, Đại uý Jacoubovitch, Trung uý Kakovski, Đại uý Stchepine Rotovski và Bestoujev, một Bestoujev khác, tuỳ tùng của Quận công Alexandre de Wurtemberg, sau cùng sáu mươi hoặc tám mươi người khác ít nhiều có tội vì hành động hoặc trong suy nghĩ. Vaninkoff đã tự đầu thú và Đại tá Boulatoff đã theo gương ông.

Với sự trùng hợp kỳ lạ, Pestel, theo lệnh từ Taganrog, bị bắt ở vùng trung nước Nga ngay trong ngày cuộc nổi loạn nổ ra ở Saint-Peterbourg.

Còn Serge và Apostol Mouravieff chạy trốn và động viên được sáu đại đội của trung đoàn Tchermigoff chống lại, bị tướng Roth đuổi kịp gần làng Poulogoff, huyện Vasilkoff. Sau một cuộc kháng cự vô vọng, một người tự bắn vào đầu không chết, người kia bị bắt sau khi bị thương nặng vì đạn bắn trúng sườn và vết gươm chém vào đầu.

Tất cả tù binh dù bị bắt ở bất cứ góc nào của vương quốc đều được chuyển về Saint-Peterbourg. Một hội đồng điều tra gồm bộ trưởng chiến tranh tướng Tatischeff, Đại quận công Michel, Hoàng thân Galitzine, cố vấn riêng, De Golenitcheff-Koutosoff, kế nhiệm Bá tước Milarodovitch trong việc chỉ huy lực lượng quân sự ở Saint-Peterbourg, De Tchernycheff, De Benkendroff, De Levacheff và De Potapoff bốn tuỳ tùng chung được Hoàng đế chỉ định và việc thẩm cứu bắt đầu được tiến hành.

Nhưng như thường lệ ở Saint-Peterbourg, mọi việc được diễn ra trong im lặng và bóng tối, không có gì lọt ra ngoài. Hơn nữa điều lạ là sau ngày có báo cáo chính thức trong quân đội tất cả những kẻ phản bội đã bị bắt hết, không còn vấn đề gì về họ nữa, như thể họ bị đơn độc, không có gia đình trên đời này, không một nhà nào đóng cửa sổ tỏ ra góa bụa, không một nét mặt ai buồn bã mang tang. Tất cả tiếp tục như không có gì xảy ra. Chỉ một mình Louise đi cầu xin và trước đó chưa có trường hợp nào như thế. Tuy ai cũng như tôi cảm thấy trong lòng một buổi sáng nào đó sẽ có một tin ghê gớm vì cuộc mưu phản bị bắt quả tang, cố ý giết người, và tuy người nào cũng biết lòng tốt của Hoàng đế, người ta biết Người không thể tha thứ cho tất cả: máu phải trả bằng máu.

Thỉnh thoảng một tia hy vọng đâm thủng đêm tối như một luồng ánh sáng mờ và cho thấy một bằng chứng mới về lòng độ lượng của Hoàng đế. Trong danh sách những kẻ mưu phản đưa lên, Người nhận thấy một tên họ được nước Nga quý mến: Souvorov. Thật vậy cháu nội của người vinh quang chiến thắng Trétéia là một trong những kẻ mưu phản. Nicolas đọc đến tên họ này thì dừng lại, và sau một lúc im lặng, như tự nói với mình "Không nên để một tên họ đẹp đẽ như thế này bị vấy bẩn", rồi Người ngoảnh lại nhìn người đứng đầu ngành cảnh sát đến trình bản danh sách. "Để ta – Người nói – tự thẩm vấn Trung uý Souvorov".

Ngày hôm sau chàng trai được dẫn tới trước mặt Hoàng đế, nghĩ rằng Người giận dữ, doạ nạt, thì lại thấy vầng trán điềm tĩnh và hiền dịu. Không phải chỉ có thế. Với những lời nói đầu tiên của Nga hoàng, kẻ phạm tội dễ dàng thấy người ta đưa anh đến đây với mục đích gì. Tất cả những câu hỏi của Hoàng đế, với lòng ân cần cha con, được nêu ra một cách nhằm tạo cho người bị kết tội được hưởng khoan hồng. Thật thế, qua mỗi câu hỏi của Hoàng đế, anh chỉ còn cần trả lời có hoặc không. Nga hoàng ngoảnh lại nhìn những người được triệu tập đến để thẩm vấn và nói "Các ông thấy rõ, nghe rõ đấy, tôi đã nói đúng, một tên họ Souvorov không thể là một kẻ nổi loạn", và Souvorov được thả ngay ra khỏi nhà tù, trả về trung đoàn và sau mấy ngày nhận được cấp bậc Đại uý.

Nhưng tất cả những người còn lại không mang họ Souvorov và dù tôi hết sức cố gắng để gợi ra cho cô đồng hương tội nghiệp một tia hy vọng mà bản thân tôi cũng không có, sự đau đớn của Louise thật sự đáng sợ. Từ ngày Vaninkoff bị bắt giữ, cô từ bỏ hoàn toàn việc tự chăm sóc mình, vào trong phòng khách nhỏ phía sau cửa hàng, đầu gục xuống đôi bàn tay, lặng lẽ để rơi lệ và chỉ mở miệng để hỏi những người, như tôi, khi được đưa vào chỗ ẩn náu ấy: "Ông nghĩ họ có giết anh ấy không?" Rồi không cần nghe câu trả lời, cô than vãn "Chà, nếu tôi không mang thai!".

Thời gian cứ trôi qua như thế, không biết được gì về số phận những tội phạm.Hội đồng điều tra làm việc trong bóng tối, người ta cảm thấy sắp sửa đi đến một kết thúc bi kịch đẫm máu nhưng không ai nói được kết thúc ra sao và vào ngày nào.

Tuy vậy, ông De Gorgoli vốn rất tốt đối với tôi, thường trấn an tôi, nói rằng việc xét xử sẽ được biết trước mấy ngày và vẫn có thì giờ cầu xin Hoàng đế nếu Vaninkoff khốn khổ kia bị kết án tử hình. Thật vậy, ngày 14 tháng bảy, tờ báo Saint-Peterbourg có đăng bản báo cáo của Toà án tối cao trình lên Hoàng đế. Bản báo cáo chia các mức độ tham gia âm mưu thành ba loại tội danh mà mục đích là "làm lung lay vương quốc, lật đổ những luật lệ của Nhà nước và phá hoại trật tự xã hội".

Ba mươi sáu tội phạm bị kết án tử hình, còn lại phải vào các khu mỏ và đi đày. Nhưng tiếp theo luật pháp là sự khoan hồng: án tử hình của ba mươi mốt người được hạ xuống thành bị đày vĩnh viễn, Vaninkoff ở trong số lãnh án tử hình được giảm án .

Năm trong số tội phạm bị tử hình: Ruleyeff, Bestoujeff, Michel Serge, Mouravieff và Pestel.

Tôi lao ra khỏi nhà, chạy như một người điên, tờ báo cầm trên tay, muốn ngăn từng người một gặp trên đường để chia sẻ niềm vui và hớt hải chạy đến nhà Louise không kịp thở. Tôi thấy cô cũng cầm tờ báo ấy, vừa trông thấy tôi đã lao vào cánh tay tôi, vừa khóc vừa chỉ có thể nói một câu "Anh ấy thoát rồi! Chúa ban phúc cho Hoàng đế!".

Trong lúc ích kỷ, chúng tôi quên mất những kẻ khốn khổ sắp chết cũng có một gia đình, những người yêu và bạn bè. Cử chỉ đầu tiên của Louise là nghĩ đến bà mẹ và các cô em gái mà cô biết trong lúc họ du lịch đến Saint-Peterbourg. Gia đình ấy chưa biết con trai mình sẽ không chết. Louise dự tính tờ báo chứa đựng những tin vui chỉ được chuyển đi theo chuyến bưu vụ buổi chiều nghĩa là đến Moscou chậm mất mười hai giờ. Cô hỏi tôi có biết có người nào có thể đi ngay lúc này để đưa tờ báo cho bà mẹ Vaninkoff. Tôi có một người hầu phòng thông minh và chắc chắn, tôi nhờ đi và anh chấp nhận. Chỉ còn phải có hộ chiếu. Trong nửa giờ, với sự giúp đỡ tích cực và độ lượng của ông De Gorgoli, tôi nhận được giấy tờ và Grégoire ra đi, mang theo nguồn tin hạnh phúc với một nghìn rúp làm lộ phí. Anh ta đến trước bưu vụ mười bốn tiếng đồng hồ. Bà mẹ và hai cô em gái biết được con trai mình, người anh mình đã sống sót sớm hơn mười bốn tiếng.

Grégoire trở về với một bức thư trong đó bà Bá tước già gọi Louise là con gái và hai cô em gọi là chị mình. Họ đề nghị làm ơn cho biết ngày thi hành án, ngày những tội phạm đi đày thì cô hãy gởi thư cho họ. Tôi lại bảo Grégoire chuẩn bị sẵn để lại ra đi vào một lúc nào đó. Những chuyến đi như vậy có lợi cho anh nên anh không hề từ chối.

Bà mẹ Vaninkoff cho anh một nghìn rúp cho nên qua chuyến đi đầu anh còn lại một tài sản nhỏ và mong nhân đôi lên qua chuyến thứ hai.

Chúng tôi chờ đợi ngày hành hình, không được định trước nên không ai biết và mỗi buổi sáng thành phố thức dậy mọi người nghĩ năm tội phạm đã lên máy chém rồi. Ý nghĩ chém đầu càng gây tác động mạnh vì đã sáu mươi năm nay Saint-Peterbourg không có ai bị hành hình.

Nhiều ngày trôi qua, người ta ngạc nhiên về khoảng cách giữa xét xử và thi hành án. Phải có thời gian để gọi hai đao phủ từ Đức tới.

Cuối cùng, chiều ngày 23 tháng bảy, một người Pháp trẻ đến nhà tôi, anh là học trò cũ của tôi, là tuỳ viên ở đại sứ quán của thống chế Marmont, tôi vẫn nhờ báo tin vì ở phía ngoại giao người ta biết công việc sớm hơn tôi. Anh đến cho biết thống chế và tuỳ tùng vừa được mời bốn giờ sáng hôm sau đến toà đại sứ Pháp mà cửa sổ trông ra pháo đài. Chắc chắn họ sẽ tham dự buổi hành hình.

Tôi chạy đến nhà Louise thông báo tin này và cô lại lo sợ. Họ tên Vaninkoff ở trong danh sách những người đi đày thay vì trong danh sách tử hình có sai lầm gì không? Việc giảm án phải chăng là một tin giả để việc hành hình bớt gây náo động trong dân chúng thành phố và hôm sau liệu cô có vỡ lẽ ra trước ba mươi sáu thi thể thay vì chỉ có năm? Tôi trấn an cô. Tôi có nhiều nguồn cho biết tất cả đúng như trong tờ báo đã đăng, người ta còn nói thêm lời cầu xin Hoàng đế và Hoàng hậu của Louise hôm quỳ trên Đại lộ cũng có lợi cho việc giảm án của tội phạm.

Tôi rời Louise một lúc, hứa sẽ trở lại ngay, để đi một vòng quanh pháo đài xem việc chuẩn bị. Tôi chỉ thấy những người của toà án vừa ở trong pháo đài đi ra, nhưng thế là đủ. Các lục sự vừa đến thông báo bản án cho tội phạm. Chắc chắn việc thi hành án bắt đầu vào ngày hôm sau.

Chúng tôi cử ngay Grégoire đi Moscou đưa lá thư mới của Louise cho bà mẹ Vaninkoff. Như vậy chúng tôi biết tin trước hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Nửa đêm Louise đề nghị tôi đi với cô đến chỗ pháo đài. Không trông thấy Vaninkoff, cô muốn ít nhất lúc xa cách nhau, nhìn lại những bức tường giam giữ anh.

Chúng tôi thấy cầu Trinité có lính gác, không có người đi qua. Một bằng chứng mới không có gì thay đổi về bản án. Đứng bên này sông Neva, chúng tôi nhìn về phía pháo đài. Một lúc sau thấy có ánh đèn trên nền đất rộng rồi những bóng người đi qua mang những vật cồng kềnh: người ta đang dựng giàn treo cổ.

Chỉ có chúng tôi đứng lại bên bến cảng, không ai ngờ hoặc tỏ ra ngờ có chuyện gì đang được chuẩn bị. Những chiếc xe muộn màng chạy qua rất nhanh, đèn ánh lên như đôi mắt rồng. Vài con thuyền lướt trên sông Neva rồi dần dần biến mất hoặc đi vào những con kênh hay những nhánh sông, im lặng hoặc ồn ào. Chỉ có một chiếc đậu lại như thả neo, không có tiếng gì ở đấy bay ra, vui hay buồn. Có lẽ trong đó cũng có bà mẹ, chị em, hoặc người vợ nào đó, chờ đợi như chúng tôi.

Đến hai giờ sáng, một đội tuần tra buộc chúng tôi phải ra về.

Chúng tôi về nhà Louise. Không phải chờ lâu vì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu lúc bốn giờ. Tôi ngồi lại với cô một tiếng rưỡi nữa rồi lại ra đi.

Đường phố Saint-Peterbourg hoàn toàn vắng vẻ ngoại trừ vài nông dân có vẻ không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Chỉ một ánh sáng mờ xuất hiện và làn sương mù nhẹ từ sông bốc lên, vờn qua như một tấm kếp mỏng màu trắng giữa hai bờ sông Neva. Đến góc phố, chỗ đại sứ quán Pháp, tôi thấy thống chế Marmont bước vào trong đấy với một phái đoàn khác thường, một lúc sau họ có mặt trên ban công.

Có mấy người dừng lại như tôi trên bến cảng không phải vì đã biết việc gì sẽ xảy ra mà do cầu Trinité bị quân đội canh gác, họ không sao sang được các hòn đảo. Họ ngần ngại lo lắng, nói nhỏ với nhau không biết ở lại đây có nguy hiểm gì không. Riêng tôi, tôi quyết định sẽ đứng ở đây cho đến khi người ta đuổi tôi đi.

Mấy phút sau bốn giờ, một đám lửa bùng lên làm tôi chú ý đến một điểm của pháo đài. Cùng lúc ấy sương mù bắt đầu tan, nổi lên trên nền trời năm cái giá treo cổ. Năm cái giá treo cổ ấy được dựng trên một chiếc máy mà sàn dưới mở ra được như một cái bẫy sập dưới chân nạn nhân.

Đúng bốn giờ, những người bị đi đày lên nền rộng của tường thành, xếp hàng chung quanh giàn treo cổ. Họ mặc quân phục ngày lễ với cầu vai, huy chương, huân chương, binh lính cầm gươm. Tôi nhìn kỹ để nhận ra Vaninkoff giữa đám người khốn khổ ấy nhưng vì khoảng cách quá xa tôi không cách gì nhận ra được.

Bốn giờ hơn, năm người bị tử hình bước lên máy treo cổ, họ mặc áo khoác xám và trên đầu đội mũ trắng. Chắc họ từ những ngục tối khác nhau đi tới vì khi họp lại với nhau người ta cho phép họ ôm hôn nhau.

Lúc ấy có một người đến nói chuyện với họ. Hầu như ngay lúc ấy có tiếng "hourrah!" vang lên. Lúc đầu chúng tôi không biết vì sao, sau này nghe người ta nói, không biết có đúng không, người ấy khuyên họ xin gia ân để được sống nhưng họ trả lời bằng những tiếng hô "Nước Nga muôn năm!" "Tự do muôn năm!" Những tiếng hô bị át đi bởi tiếng "Hourrah!" của những người chứng kiến.

Người kia lui ra và đao phủ tiến lại gần. Những người bị kết án bước lên mấy bước, người ta quàng dây quanh cổ và hạ chiếc mũ trắng xuống che mắt họ.

Đồng hồ điểm đúng bốn giờ mười lăm phút.

Chuông còn ngân thì sàn gỗ đã hụt hẫng dưới chân nạn nhân. Cùng lúc có tiếng ồn ào, binh lính chạy tới giàn treo cổ. Một tiếng rên rỉ như phát ra từ không trung, vài tiếng kêu không rõ vang đến tận chỗ chúng tôi đứng. Tôi tưởng là có nổi loạn.

Hai chiếc dây đứt, hai nạn nhân bị rơi xuống đáy sàn gỗ, một người gẫy đùi, một người gẫy tay. Do đó có sự ồn ào và xúc động. Còn những người kia vẫn chết.

Người ta bắc thang xuống đáy sàn, đưa những nạn nhân lên để nằm xuống vì họ không đứng được. Một người ngoảnh lại nói với người kia:

- Anh thấy không, một dân tộc nô lệ thì còn làm được việc gì. Thậm chí treo cổ một người cũng không biết làm.

Trong lúc đưa họ lên người ta đã chuẩn bị dây mới nên họ không phải chờ lâu. Đao phủ bước đến bên họ, và tự mình cố gắng, họ bước đến trước giá treo cổ. Khi người ta sắp quàng dây vào cổ họ, họ hô lên lần cuối thật to "Nước Nga muôn năm! Tự do muôn năm! Những người trả thù cho chúng tôi hãy sẵn sàng!" Tiếng kêu ghê rợn lặng chìm không có tiếng vang. Những người hô lên tiếng kêu ấy đã đánh giá sai thời đại, họ lầm lẫn mất một thế kỷ.

Khi người ta báo với Hoàng đế sự cố ấy, Người bực bội giẫm chân kêu lên:

- Tại sao không đến nói với ta việc đó? Bây giờ ta có vẻ nghiêm khắc hơn cả Chúa trời.

Nhưng chẳng ai lúc đó dám hoãn việc hành hình và năm phút sau tiếng hô, hai nạn nhân chết theo ba người bạn kia của họ.

Rồi đến những người bị đi đày, người ta đọc to bản án tước đi của họ mọi thứ trên đời này: hàng ngũ, khen thưởng, tài sản, gia đình, rồi những người thừa hành lại gần lần lượt lột đi những cầu vai, huân chương, huy chương, vứt vào trong lửa miệng kêu lên "Đấy! những cầu vai của một tên phản bội! Những huân chương, huy chương của một tên phản bội!"

Xong việc ấy họ lấy bất kỳ trong đống áo choàng vải xám như của dân chúng trùm vào những người bị đi đày sau khi lột hết quân phục của họ rồi đưa họ xuống một bậc thang đưa từng người về ngục tối của họ.

Nền đất rộng lại trở nên vắng vẻ, chỉ còn một người lính gác, năm giá treo cổ va năm xác người bị hành quyết treo ở đấy.

Tôi trở về nhà Louise, thấy cô đang khóc, quỳ gối cầu nguyện.

- Thế nào rồi? – cô hỏi.

- Thế này – tôi trả lời – Những người phải chết đã chết, những người phải sống sẽ sống.

Louise cầu nguyện cho xong, mắt ngước lên trời với vẻ biết ơn vô hạn.

Khi cầu nguyện xong cô hỏi tôi;

- Từ đây đến Tobolsk bao xa?

- Khoảng gần tám trăm dặm – tôi trả lời.

- Ít hơn tôi tưởng. Xin cám ơn.

Tôi im lặng đứng nhìn cô một lúc rồi hiểu ý cô:

- Tại sao cô hỏi tôi điều ấy? – tôi hỏi.

- Thế nào? Ông không đoán được sao?

- Nhưng trong lúc này, cô không thể, Louise, cô nên nghĩ cô đang trong tình trạng như thế nào.

- Ông bạn, ông yên tâm, tôi biết người mẹ phải đối với đứa con ra sao cũng như đối với người cha như thế nào, tôi sẽ chờ.

Tôi nghiêng mình trước người đàn bà này, hôn tay cô cung kính như hôn tay một bà hoàng.

Trong đêm những người đi đày ra đi và máy treo cổ biến mất đến nỗi khi trời sáng không còn dấu tích gì về việc đã xảy ra và những người thờ ơ có thể nghĩ mình đã qua một giấc mộng.

Chương 18

Không phải không có lý do mà bà mẹ và hai cô em gái muốn biết trước ngày thi hành án. Những người bị đi đày từ Saint-Peterbourg đến Tobolsk phải đi qua Iaroslavl, cách Moscou khoảng sáu mươi dặm vì vậy bà mẹ và hai cô em hy vọng gặp con trai, anh trai mình ở đó.

Lần này cũng như lần trước, ba người phụ nữ niềm nở tiếp Grégoire, họ đã sẵn sàng mười lăm ngày nay, đã có giấy thông hành, chỉ kịp cám ơn người đưa tin rồi lên ngay một chiếc xe đi Iaroslavl.

Ở Nga, những chuyến đi thường chóng vánh, buổi sáng còn ở Moscou, bà mẹ và hai cô em đến Iaroslavl vào buổi tối, họ rất mừng khi biết những chiếc xe chở tù chưa đi qua đây. Sợ ở trong thành phố dễ bị nghi ngờ và những người gác càng nguyên tắc, họ đi ngược lên trên Mologa, dừng chân ở một ngôi làng nhỏ. Cách đấy khoảng ba nghìn mét có một ngôi nhà tranh, những người bị lưu đày phải NGHỈ để lấy sức đi tiếp . Binh lính áp giải được lệnh không được nghỉ trong thành phố hay trong làng. Mẹ con họ đã sắp đặt đầy tớ ở mỗi chặng để thông báo cho họ khi những chiếc xe tù đến gần.

Sau hai ngày, một trong những người đầy tớ chạy về báo cho bà Bá tước già biết toán đầu của những người lưu đày gồm năm xe vừa đến chỗ ngôi nhà tranh và người đội trưởng vừa cử hai người trong đội của mình vào làng để tìm ngựa thay thế.

Bà Bá tước lên xe, ngựa phóng nhanh đến chỗ ngôi nhà, dừng lại và bà chăm chú nhìn không thấy Vaninkoff trong toán này.

Sau mười lăm phút, ngựa được đưa đến và những người đi đày tiếp tục lên xe đi.

Nửa giờ nữa toán thứ hai cũng tới, cũng dừng lại trước ngôi nhà, hai người đi vào làng tìm ngựa và cũng như lần trước, thay ngựa xong, những người tù lại lên xe đi rất nhanh, tất cả khoảng nửa giờ chờ đợi. Vaninkoff cũng không có trong tóan này. Dù rất muốn gặp, bà Bá tước vẫn mong con mình ở trong toán đến chậm nhất, hy vọng ngựa bị những toán đầu lấy đi sẽ thiếu, người ta phải vào thành phố để đổi, sự nghỉ ngơi vì thế sẽ kéo dài hơn tạo thuận lợi cho kế hoạch của bà mẹ. Tất cả phù hợp với mong muốn ấy: ba toán đầu đi qua không có Vaninkoff, toán sau đó dừng lại bốn mươi lăm phút vì ở Iaroslavl cũng khó tìm được ngựa.

Những tóan trước vừa đi thì toán thứ sáu đến: bà mẹ và hai cô em tự nhiên nắm lấy tay nhau, hình như trong không khí có cái gì đó báo trước người con, người anh của họ đang tới.

Đoàn xe xuất hiện trong bóng tối. Một sự run rẩy ngoài ý muốn xâm chiếm lấy những người phụ nữ, họ ôm lấy nhau khóc.

Vaninkoff từ chiếc xe thứ ba bước xuống. Mặc dù trời tối, tuy mặc bộ quần áo bẩn thỉu, bà Bá tước và hai cô em gái vẫn nhận ra người thân của mình. Ông đi đến ngôi nhà, một cô em buột miệng gọi nhưng bà mẹ bịt miệng cô lại. Vaninkoff cùng các bạn bước vào trong nhà.

Những người tù lần lượt xuống xe cùng vào trong đó. Người chỉ huy toán áp tải ra lệnh ngay cho hai người lính đi tìm ngựa, người ta bảo tại các trạm đều thiếu ngựa nên rút cuộc ông phân tán người của mình đi khắp chung quanh, nhân danh Hoàng đế, chiếm lấy những con ngựa tìm được. Những người lính tuân lệnh, một mình ông ở lại với những người lưu đày.

Hoàn cảnh đơn độc này, ở những nơi khác sẽ là thiếu khôn ngoan, nhưng ở Nga thì không hề gì. Ở trong vương quốc bao la của Nga hoàng, những kẻ đã bị kết tội không chạy trốn đi đâu được, chạy không quá một trăm cây số họ đã bị bắt, chạy chưa đến biên giới họ đã chết đói.

Chỉ huy đoàn xe, đội trưởng Ivan ở lại một mình, ông đi lại trước cửa ngôi nhà, chiếc roi cầm tay đập đập vào chiếc quần da, thỉnh thoảng dừng lại nhìn chiếc xe đã tháo ngựa trên con đường lớn.

Một lát sau cửa xe mở ra, ba người đàn bà bước xuống như ba cái bóng tiến lại gần ông. Người đội trưởng dừng lại, không hiểu họ muốn gì.

Bà Bá tước chắp tay bước tới ,hai cô con gái lùi lại đàng sau một chút.

- Thưa ông Đội trưởng – bà Bá tước nói – ông có chút tình thương hại nào không?

- Bà Bá tước muốn gì? – ông Đội trưởng hỏi, ông nhận ra bà qua cách nói và ăn mặc của người nói chuyện với mình.

- Tôi muốn hơn cả cuộc sống của tôi, thưa ông, tôi muốn gặp đứa con trai ông đang dẫn đi Sibérie.

- Điều ấy không thể được, thưa bà. Tôi được lệnh rất nghiêm khắc không để cho tù nhân tiếp xúc với ai cả, nếu vi phạm tôi sẽ bị tội rất nặng.

- Nhưng có ai biết ông vi phạm, thưa ông? – bà mẹ kêu lên còn hai cô con gái đứng im như tượng phía sau lưng bà cùng chắp tay một cách máy móc để khẩn cầu người Đội trưởng.

- Không được, thưa bà. Không được! – ông này nói.

- Mẹ ơi! – Alexis mở cửa ngôi nhà kêu lên – Đúng là mẹ rồi! Con nhận ra giọng nói của mẹ! – và ông lao vào tay bà mẹ.

Ông Đội trưởng định ngăn Bá tước lại nhưng hai cô em gái chạy tới, một người quỳ xuống ôm đầu gối ông, người kia ôm ngang lưng, hất đầu chỉ hai mẹ con đang ôm hôn nhau.

- Ồ! Ông thấy đấy! Ông thấy đấy!

Đội trưởng Ivan là người độ lượng. Ông thở ra một hơi dài và hai cô gái hiểu là ông đã nhường bước.

Bà Bá tước gỡ tay con trai ra, đưa cho ông Đội trưởng một túi vàng:

- Ông bạn, ông cầm lấy, nếu ông vì chúng tôi mà bị phạt thì ông được khen thưởng.

Ông Đội trưởng nhìn túi vàng bà Bá tước đưa ra, lắc đầu, thậm chí không đụng đến sợ bị quá ham muốn:

- Không, thưa bà Bá tước, không – ông nói – nếu tôi không làm đúng nhiệm vụ thì đây là lời bào chữa – và ông chỉ vào hai cô gái đang đầm đìa nước mắt – tôi sẽ trình bày với người xét xử tôi. Nếu người xét xử không chấp nhận, tôi sẽ trình bày với Chúa và Chúa sẽ chấp nhận.

Bà Bá tước nắm tay người đàn ông ấy hôn. Hai cô gái chạy lại với anh.

- Xin nghe đây – ông Đội trưởng nói – Chúng ta còn hơn nửa giờ chờ ngựa thay thế. Các bà và ông không thể vào trong nhà vì còn có những người khác, cũng không thể đứng mãi trên đường, cả bốn người cứ lên xe bỏ màn xuống, sẽ không ai thấy và ít nhất cũng có cơ may người ta không biết việc dại dột tôi đã làm.

- Xin cảm ơn ông Đội trưởng – Alexis đến lượt chảy nước mắt nói – Nhưng ông cầm lấy túi vàng…

- Ông giữ lấy, Trung uý – Ivan trả lời nhỏ giọng, đã quen gọi thoe cấp bậc mà Vaninkoff đã bị tước đi – ông giữ lấy, đến đấy ông cần hơn tôi ở đây.

- Nhưng đến nơi người ta sẽ lục soát tôi.

- Lúc ấy tôi sẽ cầm và trả lại ông sau.

- Ông bạn của tôi…

- Suỵt! Suỵt! Có tiếng ngựa phi! Tất cả lên xe, quỷ quái thật! Nhanh lên! Chắc có người lính nào trở lại bảo không tìm được ngựa, tôi sẽ cử anh ta đến một chỗ khác. Vào chỗ ngồi đi.

Người Đội trưởng đẩy Vaninkoff vào xe, bà mẹ và hai cô em gái vào theo, rồi ông đóng tấm ngăn lại.

Họ ở với nhau một giờ như vậy, lẫn lộn vui mừng và đau đớn, cười và khóc, giờ thiêng liêng như trước cái chết, vì họ nghĩ sẽ chia tay và không gặp lại. Bà mẹ và hai cô em kể lại vì sao họ biết việc giam giữ trước mười hai tiếng đồng hồ và ngày xuất phát trước hai mươi bốn tiếng, do vậy h. phải gặp lại Louise. Vaninkoff nhìn lên trời lẩm bẩm tên cô như một vị thánh.

Một giờ trôi qua nhanh như một giây, ông Đội trưởng tới mở cửa xe:

- Ngựa các nơi đã về tới, bốn người phải chia tay nhau thôi.

- Ồ! Để cho một lúc nữa – những người đàn bà đồng thanh đề nghị còn Alexis quá tự kiêu không muốn xin xỏ cấp dưới, ngồi im lặng.

- Không một giây nào nữa hoặc các người làm hại tôi – Ivan nói.

- Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! – Lẫn lộn những tiếng nói và những cái hôn.

- Này – ông đội trưởng cảm động nói – bốn người có muốn gặp lại nhau một lần nữa không?

- Ồ! Có! Có!

- Ba người đi trước đi, đến chờ ở trạm thay ngựa tiếp sau, trời tối chẳng ai trông thấy, các người còn gặp nhau được một giờ nữa. Hai lần tôi cũng không bị trừng phạt nặng hơn một lần.

- Ồ! Ông sẽ không bị trừng phạt đâu! – Ba người đàn bà kêu lên – Ngược lại Chúa sẽ ban thưởng cho ông.

- Hừm! Hừm! – Ông đội trưởng nghi ngờ trả lời, kéo người tù trong xe đang có phần muốn nán lại. Nhưng rồi tự mình nghe tiếng ngựa phi, Alexis vội vàng chia tay mẹ, lại ngồi trên một tảng đá ngoài cửa ngôi nhà để các bạn đường nghĩ ông ngồi đấy suốt thời gian vắng mặt.

Chiếc xe của bà Bá tước, ngựa đã được nghỉ, phóng đi như chớp, chỉ dừng lại ở Iaroslavl và Kostroma, gần một mái nhà lẻ loi như ngôi nhà trước đó và họ thấy toán xe đi trước toán của Bá tước Alexis vừa ra đi. Họ cho tháo ngựa, cho người đánh xe đi mua ngựa, dặn mua bằng bất cứ giá nào. Còn họ hy vọng gặp lại người con trai, người anh một lần nữa, họ đứng cô độc trên con đường lớn và chờ đợi.

Việc chờ đợi thật tàn nhẫn. Sốt ruột, bà Bá tước nghĩ cần thúc ngựa chạy nhanh để đến gần con nên đến trước toán xe kia gần một tiếng đồng hồ. Giờ đây thời gian như gần một thế kỷ, hàng nghìn ý nghĩ khác nhau, hàng nghìn nỗi lo sợ mơ hồ, lần lượt kéo đến làm những con người khốn khổ ấy khắc khoải. Cuối cùng họ bắt đầu thấy tiếng xe lăn và tiếng roi quất của những người đánh xe. Họ nhìn ra thấy rõ toán xe tiến lại trong bóng tối. Con tim họ như bị thắt trong kìm sắt, giãn hẳn ra.

Sự việc diễn ra ở trạm thay ngựa lần này tràn đầy hạnh phúc như lần trước. Như có phép lạ, những người tưởng chỉ gặp lại nhau trên đời lại có thêm bốn mươi lăm phút bên nhau. Trong bốn mươi lăm phút ấy người mẹ tội nghiệp viết vội một bức thư rồi để kỷ niệm lần cuối gặp con, bà cho đứa con trai chiếc nhẫn rút ở ngón tay ra. Anh em, mẹ con ôm hon con lần cuối vì đã quá khuya, ông đội trưởng không cho phép họ cố gặp nhau lần thứ ba nữa. Alexis lên lại chiếc xe đưa ông tới đầu địa cầu, đi qua dãy núi Ourals, phía hồ Tchany, cả toán xe âm u lướt gần chiếc xe trong đó người mẹ và hai cô gái đang khóc rồi lao vào trong bóng tối.

Bà Bá tước trở về Moscou gặp lại Grégoire bà đã bảo chờ ở đấy. Bà đưa cho anh một mảnh giấy chuỷên cho Louise mà Vaninkoff trong lúc dừng lại ở trạm thứ hai viết bằng bút chì, gồm mấy dòng:

"Anh đã không nhầm: em là một thiên thần. Anh không thể làm gì cho em được nữa ngoài việc yêu em như một người vợ và tôn sùng em như một vị thánh. Anh giao phó con của chúng ta cho em.

Vĩnh biệt,

Alexis"

Mảnh giấy kèm theo bức thư của bà mẹ Vaninkoff mời Louise lên với bà ở Moscou, bà chờ cô như một người mẹ chờ con gái.

Louise hôn mảnh giấy của Alexis rồi lắc đầu khi đọc xong bức thư của bà mẹ:

- Không – cô nói với nụ cười buồn của cô – tôi sẽ không đi Moscou, chỗ của tôi ở nơi khác.


Nguồn: http://vnthuquan.org/