Tác giả: Marc Levy
Dịch giả: Bảo Linh
Nguyên tác tiếng Pháp: La première nuit
Nguồn: http://motsach.info/
Độ dài: 5 phần
Tặng Pauline và Lousic
“Mỗi chúng ta đều mang trong mình một phần của Robinson với một thế giới mới để khám phá và để được gặp Thứ Sáu”. Eléonore WOOLFIELD
“Đó là một câu chuyện có thật, kể từ khi được khám phá”. Boris VIAN
Giới thiệu Bộ đôi mới của Marc Levy - Ngày đầu tiên và Đêm đầu tiên:
Nhà văn hiện được đọc nhiều nhất ở Pháp Marc Levy vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ chín với tiêu đề Le Premier Jour (Ngày đầu tiên).
Tác phẩm kể về hành trình tìm kiếm nguồn gốc loài người từ Ethiopia đến Trung Quốc của một nhà cổ sinh vật học và một nhà thiên văn học.
Phần hai của cuốn sách - La Première Nuit (Đêm đầu tiên) - sẽ ra mắt ngày 2/12 tới. Marc Levy có cuộc trả lời phỏng vấn với Paris Match nhân sự kiện này:
Ý tưởng về cuốn sách mới này có từ đâu vậy, thưa ông?
- Câu chuyện đó xuất phát từ ý muốn viết một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu dài hơi, chia làm hai tập. Trong thời đại khi mọi thứ đều có phần thu hẹp lại, khi rất khó để mở các nhật báo ra mà không bị đè bẹp bởi sức nặng từ những tin chẳng lành, tôi muốn đẩy lùi các bức tường của phòng làm việc. Tôi cần chút không khí, các không gian rộng lớn, những điều bí ẩn và cơ hội cọ xát kinh nghiệm đó.
Thêm nữa, tôi vẫn nhớ một câu nói của thầy dạy sử năm tôi 12 tuổi, ông kể rằng đã có thời con người nghĩ Trái Đất là một mặt phẳng. Và chỉ nhờ bất chấp nỗi sợ hãi của bản thân và tiến về phía tri thức mà loài người mới tiến hóa được. Kể từ ngày đó, tôi ngộ ra rằng điều này đúng với mọi lĩnh vực.
Phải chăng trong ý tưởng này cũng có cả mong muốn làm độc giả phải ngạc nhiên, khi ông viết về một lĩnh vực hoàn toàn mới?
- Không, tôi không có mong muốn chứng minh bất cứ điều gì. Nhưng chấp nhận rủi ro và khai thác ở mỗi cuốn sách một đề tài khác, đó là trách nhiệm của người cầm bút. Trong những cuốn tiểu thuyết trước, tôi đã đề cập các chủ đề đa dạng như tình yêu, hội họa, quan hệ cha con, tình bạn. Giờ thì tôi như leo lên một ngọn núi khác.
Sau chín năm định cư ở London, ông vừa mới chuyển đến sống tại New York, phải chăng ông đang chạy trốn Paris?
- Không phải vì chạy trốn điều gì đó mà tôi định cư ở nước ngoài. Tôi đã sống như thế từ hàng chục năm nay vì yêu sự khác biệt văn hóa. Sống ở nơi khác là một ngôi trường dạy cho anh sự khiêm nhường, nó buộc anh không bao giờ được coi sự vật chỉ theo cách mà mình từng biết, phải thường xuyên hiểu người khác và khiến người khác hiểu mình. Mỗi khi có dịp, tôi lại chuyển đến sống ở những thành phố có sắc màu văn hóa đa dạng.
Tức là tại Pháp, bầu không khí có vẻ trì trệ hơn sao?
- Không chỉ riêng tại Pháp, mà là trên toàn châu Âu, người ta đều có nhu cầu xếp loại con người, phân tầng xã hội theo lĩnh vực ngành nghề, thành phần xã hội hay tôn giáo. Tại New York, xã hội ngang bằng hơn. Người ta nhìn nhận bạn theo bản chất, chứ không phải theo nghề nghiệp. Có một sự “khuyết danh” nhìn chung rất phù hợp với tôi.
Ông tiêu tiền mà mình kiếm được như thế nào? Ông có thích sự xa xỉ không?
- Không nên đồng nhất văn chương với thế giới điện ảnh hay âm nhạc! Nếu so sánh với họ, thu nhập từ quyền tác giả văn học đúng là chẳng thấm vào đâu... Bản thân tôi khá đầy đủ về vật chất và chưa từng bị sự xa xỉ lôi kéo. Đối với tôi, một chiếc đồng hồ dù bằng vàng hay thép thì cũng chỉ để biết giờ chính xác. Sự xa xỉ đích thực của tôi đó là có một nghề nghiệp cho phép mình làm việc tại nhà, gần gũi với vợ và con trai.
Khi sáng tác, ông có hỏi ý kiến họ không?
- Dĩ nhiên là có! Nghề này đã đủ đơn độc rồi và tôi cần chia sẻ những gì bản thân đang tiến hành. Mỗi tuần, vợ tôi đọc những gì tôi đang viết hai - ba lần, khoảng 25 đến 30 trang bản thảo. Cậu con trai thì đọc khi tôi đã viết được phân nửa. Tôi lắng nghe phản ứng của họ, nhưng cũng không coi đó là những mệnh lệnh buộc phải tuân theo.
Ông đã đọc những thành công mới đây của văn học Pháp?
- Tôi đã vô cùng thích thú và xúc động khi đọc Nhím thanh lịch, nó rất xứng đáng với thành công đạt được. Ngay lúc này, tôi đang thưởng thức Người làm chứng của Agnes Michaux. Nhưng khi viết, tôi tránh không đọc nữa. Khi chìm đắm trong tác phẩm được viết bởi những nhà văn khác, tôi chỉ muốn quẳng hết công trình của mình vào sọt rác!
Ông đã từng làm việc cho Hội Chữ thập Đỏ, Viện Pasteur... Vậy ông có ý định theo đuổi sự nghiệp chính trị không?
- Tôi không phải là người diễn trò! Việc viết ra được những cuốn tiểu thuyết có lượng tiêu thụ lớn không biến tôi thành người thông minh vượt trội so với đồng loại hay cho phép tôi đưa ra ý kiến của mình về mọi việc. Tình nguyện làm việc cho tổ chức nhân đạo hay vì lợi ích xã hội là một cam kết của mỗi cá nhân công dân. Tôi từng là người điều hành Quỹ chống đói và hiện tại vẫn đang tiếp tục sát cánh với nó cùng khoảng hơn chục tổ chức khác. Danh tiếng cũng chẳng để làm gì nếu ta không sử dụng nó vì những mục đích tốt đẹp.
Tại Pháp, người ta nói với nhau rằng Marc Levy cũng như Guillaume Musso sẽ chẳng bao giờ giành được giải Goncourt. Nghe thế ông có buồn không?
- Viết lách đâu phải một cuộc đua. Tôi mừng cho thành công của Guillaume Musso, cậu ấy kéo thêm người đến hiệu sách. Và kể cả khi suốt chín năm nay tôi là tác giả được đọc nhiều nhất tại Pháp chăng nữa thì tôi cũng chưa một giây tin rằng như thế nghĩa là mình đã viết được cuốn sách hay nhất trong năm. Có được độc giả riêng của mình, đó là phần thưởng đẹp nhất rồi.
Ông có định một ngày nào đó sẽ giống như Romain Gary, tự phân thân để làm giới phê bình phải ngạc nhiên không?
- Romain Gary là tác giả mà tôi ngưỡng mộ. Tôi hiểu là ông ấy muốn có cái tự do để thay đổi văn phong. Nhưng chừng nào những cuốn sách mà tôi viết ra vẫn được độc giả quan tâm, chừng đó tôi không cần đến gì khác. Chỉ có mối quan hệ với độc giả và các nhà sách là đáng kể. Nếu mỗi năm lại thực hiện những chuyến đi rất dài để đến gặp họ, đó là bởi tôi biết mình đang nợ họ điều gì.
Ông đã viết các ca khúc cho Johnny Hallyday, Gregory Lemarchal và Jenifer. Ông còn thích hợp tác với ai khác trong lĩnh vực này?
- Tôi muốn một ngày nào đó mình sẽ viết ca khúc cho Jean-Louis Aubert, và cả Jacques Higelin, Charlotte Gainsbourg, Isabelle Boulay, Julien Clerc, Laurent Voulzy nữa! Rồi một ca khúc khác cho Johnny. Tôi rất hãnh diện mỗi lần viết xong một ca khúc.
Ngày nhỏ ông có thích đọc sách không? Ông đọc nhiều truyện tranh hay truyện chữ?
- Tôi đọc đủ cả: từ Tintin, Blake & Mortimer, Spirou đến Jules Verne, Saint-Exupery, Patrick Cauvin, Hemingway. Thời tôi còn nhỏ, chỉ có một kênh truyền hình, thế nên người ta đọc nhiều hơn.
Còn bây giờ là thế hệ Internet...
- Việc đọc rất quan trọng. Khi tôi còn là một cậu nhóc, truyện tranh đồng nghĩa với vô văn hóa. Ngày nay, người ta đã hiểu rằng nó mang đến kiến thức, một vài trong số đó còn là những công trình nghệ thuật nhỏ. Điều cốt yếu là khơi dậy ước mơ. Jules Vernes hay truyện về Tintin đều khai mở những ước vọng khám phá. Những người bước lên Mặt Trăng đều từng đọc những tác phẩm đó khi còn nhỏ.
Ông nghĩ gì về những người cười nhạo các tác phẩm của ông?
- Trước hết họ phải có dũng khí để thừa nhận quan niệm văn chương của mình. Quan niệm văn chương vốn được dành cho một số rất ít những người thuộc hàng tinh hoa. Cái ngày họ đủ trung thực để thừa nhận điều đó, ít ra họ sẽ tránh được mâu thuẫn với chính mình.
Theo TT&VH